Một khẩu hiệu bài vaccine được trưng lên trong cuộc biểu tình phản đối ép buộc chích ngừa bên ngoài bệnh viện Houston Methodist ở Houston, Texas Có ý kiến cho rằng chích ngừa ‘là quyền tự do cá nhân mà chính quyền không thể ép buộc’, trong khi cũng có người nói quyền tự do cá nhân không nên đặt trên lợi ích cộng đồng – người gốc Việt ở Texas có phản ứng khác nhau trước lệnh của thống đốc cấm bắt buộc chích ngừa trong tiểu bang.Thống đốc Greg Abbott hôm 11/10 đã cấm mọi hình thức bắt buộc chích ngừa Covid-19 bởi bất cứ cơ quan nào, bao gồm cả các công ty tư nhân. Đây là hành động phản ứng với cái mà ông gọi là ‘sự bắt nạt’ của chính quyền Tổng thống Joe Biden, theo Reuters.
<!>
Động thái này của ông Abbott đặt ông vào thế đối đầu với ông Biden vốn hồi tháng trước đã kêu gọi các doanh nghiệp trên toàn quốc buộc nhân viên của họ phải đi chích ngừa nếu không sẽ mất việc. Ít nhất vài ngàn người đã bị sa thải vì không tuân thủ.
“Thêm một ví dụ nữa khác về sự can thiệp quá mức của chính quyền liên bang, chính quyền Biden hiện đang bắt nạt nhiều cơ quan tư nhân phải áp đặt lệnh bắt buộc chích ngừa COVID-19, gây ra sự gián đoạn lực lượng lao động vốn đe dọa sự phục hồi của Texas sau thảm họa COVID-19,” ông Abbott ghi trong sắc lệnh hành pháp.
Sắc lệnh của ông Abbott nói rằng ‘không bất kỳ thực thể nào ở Texas’ có thể buộc bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên hoặc khách hàng, trưng ra bằng chứng chích ngừa. Ông kêu gọi các nhà lập pháp tiểu bang bàn về vấn đề này tại một phiên họp đặc biệt sắp tới.
Luật yêu cầu trưng bằng chứng chích ngừa gây tranh cãi sâu sắc ở Mỹ và bị chỉ trích là vi hiến và độc đoán, trong khi những người ủng hộ coi việc này là cần thiết để đưa nước Mỹ ra khỏi đại dịch vốn đã hoành hành gần hai năm để trở lại đời sống bình thường.
Nghi ngờ vaccine
Ông Nguyễn Đình Nhất, chủ một cơ sở sản xuất thuốc bắc có tên là Dương Lai Cảnh ở Houston, thành phố lớn nhất bang, là một trong những người phản đối việc bắt buộc chích ngừa Covid-19.
Ông bày tỏ sự nghi ngờ đối với vaccine. Tuy nhiên, vì nhu cầu công việc và đi lại (gia đình ông sắp đi Canada), ông cho biết, mà bản thân ông đã chích ngừa đầy đủ hai mũi.
“Thuốc ngừa đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh,” ông Nhất giải thích lý do ông không tin vào vaccine. “Là người làm đông y, tôi tin vào sự miễn nhiễm của con người.”
Mặc dù phản đối chích ngừa, nhưng ông nói ông ‘tôn trọng quyền đi chích ngừa của người khác’ và ‘vận động những người già yếu và người có bệnh nền đi chích ngừa’.
Trong gia đình ông Nhất, vợ ông vì lo lắng cho sức khỏe và các con ông tin vào hiệu quả của vaccine theo truyền thông nên đều đã đi chích ngừa, ông cho biết. Còn các nhân viên của ông thì ông không bắt buộc phải chích mới được làm việc nhưng hầu hết đều đã đi chích.
“Một năm qua chính quyền (Joe Biden) bắt người dân đi chích ngừa mặc dù việc thử nghiệm vaccine chưa hoàn chỉnh,” ông Nhất, vốn là người ủng hộ nhiệt thành cựu Tổng thống Donald Trump, lên án.
Về lý do phản đối việc bắt buộc chích ngừa, ông Nhất nói: “Người đã đi chích ngừa nhưng lại sợ người không chích lây bệnh cho mình - đó là điều rất là ngược ngạo.”
Ông cũng không cho rằng việc bắt buộc chích ngừa là giúp bảo vệ cộng đồng mà ‘chỉ giúp bảo vệ cá nhân được chích’. Ông phản bác lập luận rằng buộc người nào đó chích ngừa ‘là lo cho sức khỏe của họ’. “Khi họ không chích ngừa thì họ đã biết cơ thể mình như thế nào rồi nên không cần phải lo cho họ,” ông Nhất lý giải.
Theo ông, bắt buộc chích ngừa là ‘vi phạm quyền cá nhân của con người’. Do đó, ông bày tỏ sự ủng hộ cho sắc lệnh của Thống đốc Greg Abbott.
“Tôi rất tôn trọng quyền chích ngừa của người khác, nhưng tôi mong người khác cũng tôn trọng quyền không được chích ngừa của những người khác nữa, vì đó là sự thể hiện quyền tự do ở xã hộ tự do này,” ông lập luận.
Ông cũng lên án ‘chống dịch cực đoan’ như đóng cửa triệt để. “Covid cũng nguy hiểm nhưng không đến mức như truyền thông và các chính trị gia thổi phồng,” ông nói.
‘Phải vì cộng đồng’
Còn ông Andrew Nguyễn, kỹ sư phần mềm cho hãng NAG cũng ở Houston, có quan điểm hoàn toàn đối lập với ông Nhất. Ông Andrew ủng hộ việc các công ty áp dụng hình thức đuổi việc cho những nhân viên không chịu đi chích ngừa.
“Đuổi việc chỉ là cách gây sức ép về kinh tế vì nếu không có việc làm thì làm sao sống được nên họ phải đi chích ngừa,” ông phân tích. “Đây không phải là xâm phạm quyền tự do người khác.”
Ông cho rằng việc các hãng xưởng bắt buộc tiêm chủng là việc ‘cần phải làm’ vì ‘nếu không con virus này sẽ lan tràn hoài’.
Vị kỹ sư phần mềm này cho biết công ty ông không bắt buộc mà chỉ khuyến khích nhân viên đi tiêm vaccine. Những ai không chích ‘mỗi lần vào công ty phải bị kiểm tra đủ thứ, nếu có dấu hiệu không ổn thì bị đưa đi xét nghiệm’.
Ông phản bác việc viện đến quyền tự do cá nhân để biện hộ cho việc không chích ngừa Covid-19.
“Nếu người không chích ngừa sẽ lây bệnh cho người khác thì đó không còn là quyền tự do cá nhân nữa vì anh sống trong cộng đồng mà chứ có phải sống một mình đâu,” ông lý giải.
Theo lời ông thì những người đã chích vẫn bị lây bệnh từ người không chích và cho dù ‘bệnh có nhẹ đi nữa thì vẫn phải hao tốn tiền bạc thời gian các thứ’.
Ông cũng dẫn ra luật ở Texas quy định trẻ em mới sinh ra phải được tiêm chủng nhiều loại bệnh khác nhau. “Đó là luật thì tại sao người lớn không bị bắt buộc chích ngừa Covid,” ông đặt vấn đề.
Do đó, trên vấn đề này, ông Andrew ủng hộ cách tiếp cận của chính quyền Biden và lên án ông Abbott là ‘đã làm ngơ việc khoa học đã chứng minh vaccine giúp chế ngự virus, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã phê chuẩn thuốc và số liệu thống kê cho thấy đại đa số những người bị nhiễm Covid là bị những người chưa chích lây sang.’
Đối với những ai viện đến niềm tin tôn giáo để không chích ngừa, ông Andrew nói: “Không có tôn giáo nào cấm chích ngừa cả. Ngay cả trong đạo Công giáo, Đức Giáo hoàng cũng khuyến khích đi chích ngừa mà.”
Về phần mình, do đã chích đầy đủ, ông Andrew nói ông sẽ ‘không giao lưu với những người chưa chích và nếu có thì cũng giữ khoảng cách và đeo khẩu trang’.
Các hãng ra lệnh
Các hãng công nghệ khổng lồ Facebook và Google đều đã yêu cầu nhân viên của họ đưa ra bằng chứng tiêm chủng để trở lại làm việc. Cả hai công ty đều thuê mướn nhiều nhân công ở Texas.
American Airlines, hãng hàng không lớn nhất của Mỹ đóng ở Fort Worth, tuần trước đã nói với 100.000 nhân viên của họ ở Mỹ rằng họ phải trình bằng chứng tiêm chủng trước ngày 24/11 – nếu không sẽ bị sa thải.
United Airlines đã áp đặt lệnh bắt buộc chích ngừa đối với 60.000 nhân viên, với khoảng 9.000 trong số đó đóng ở Texas.
Hãng hàng không này đang bào chữa trước một vụ kiện tại Fort Worth, khi các nhân viên của hãng kiến nghị thẩm phán liên bang ra lệnh cấm United Airlines sa thải những ai yêu cầu được miễn chích ngừa.
Tổng thống Biden đã ban hành lệnh bắt buộc chích ngừa hồi tháng 9 trong khi chính quyền của ông đánh vật để kiểm soát đại dịch vốn đã giết chết hơn 700.000 người Mỹ.
Giới chính trị trên khắp nước Mỹ trong những tuần qua đã gia tăng áp lực lên những người chưa chích ngừa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét