WESTMINSTER, California – Sáng Thứ Bảy, 12 Tháng Chín, một cuộc triển lãm xe hai bánh cổ "Sài Gòn” do ông Trương Quốc Huy tổ chức ở phía trước thương xá Phước Lộc Thọ, Westminster, đã cuốn hút rất đông người tham dự.Biết bao là xe hai bánh, cả xe “lam” ngay tại Little Saigon, khiến người ta như lạc về Sài Gòn.Ông Huy cho biết ông cùng vài người bạn rủ nhau góp xe lại để thực hiện cuộc triển lãm này. “Đây là công trình sưu tập của tôi trong hơn ba năm nay. Phải nói tôi đam mê xe hai bánh từ hồi còn ở Việt Nam. Lúc đó xe quá nhiều mà mình không có tiền để mua. Bây giờ thì muốn mua thì lại khó kiếm xe,” ông nói.<!>Nói vậy nhưng với hơn 30 xe hai bánh đủ loại, có thể nói cuộc triển lãm có đủ những loại xe quen thuộc với người gốc Việt. Ông cười: “Tôi không nghĩ mình có đủ hết, nhưng hầu như tất cả những loại xe hai bánh từng xuất hiện tại Sài Gòn, Việt Nam trước 1975 đều có mặt tại đây hôm nay.
Càng lúc càng đông người bu quanh, chăm chú ngắm nghía những chiếc xe đủ loại, đủ màu, từ Mobylette, Velo Solex đến Goebel, Vespa, Suzuki đến Honda.Ông Richard Tráng Trần, ở Huntington Beach, trầm trồ: “Nhìn chiếc Honda 67 này, tôi thấy mình sống lại thời ấu thơ, nghịch ngợm. Chú tôi trong quân đội, luôn về nhà ăn cơm mỗi trưa. Có lần tôi đẩy xe ra thiệt xa rồi mới dám nổ máy. Chạy từ nhà ra tới đầu hẻm thì tôi tông vô xe ba tôi vừa quẹo vô. Trời ơi, bữa đó tôi vừa rách hai đầu gối, đau tới đi không nổi mà lại bị đòn bầm đít luôn.”Như ông Richard, những người khác cũng háo hức được nhìn lại chiếc xe đã gắn liền với kỷ niệm những ngày còn sống ở quê nhà.Ông Sơn Phạm, cư dân San Diego, chở ba đứa con, lái xe hơn một tiếng để được nhìn lại chiếc Honda 67. “Nhìn thấy chiếc xe này, tôi tiếc nhớ cái xe của tôi hồi đó. Đầu tiên là do ba tôi mua hồi trước 1975. Sau khi ông ‘vô hộp’ nằm thì chú tôi lái. Sau đó mới tới tôi.”Ông nhớ lại: “Xe vô tay tôi năm 1983. Tôi lái nó trong suốt 12 năm. Tới 1995, tôi đi Mỹ nên gởi người anh họ. Tôi dặn là giữ xe cho tôi.”Thở dài, ông tiếp: “Đó là một cuộc chia tay đau buồn.”“Không ngờ một thời gian sau, khi tôi hỏi lại mới hay anh họ tôi bán mất rồi,” ông lắc đầu. “Bây giờ tôi vẫn còn tiếc.”Mấy đứa con ông đứng nghe câu chuyện của ông, không biết có hiểu hết không mà lộ vẻ buồn buồn như cha.Bà Phượng Lưu, ở Garden Grove, lại có kỷ niệm vui. Chỉ chiếc Mobylette, bà kể: “Năm tôi 12 tuổi, tôi có chiếc này. Lúc đó ở Sài Gòn còn rất hiếm. Mỗi lần lên xe đi học, tôi hãnh diện vô cùng.”Quay nhìn chiếc xe “lam,” bà tiếp: “Nhà tôi ở Hòa Hưng, gần ga xe lửa. Bữa đó, tôi rủ bốn đứa em leo lên xe lửa ra Sài Gòn chơi. Tới lúc về, tụi tôi lên xe lam. Khi tài xế đòi tiền, tôi năn nỉ chở tụi tôi về rồi má tôi trả tiền.”Bà cười: “Bữa đó mấy chị em bị một trận đòn. Bây giờ nhắc lại ai cũng cười.”Ông Nguyễn Trung Tín, ở Wetminster, nói: “Má tôi có chiếc Velo Solex. Xe vừa chạy xăng vừa đạp như xe đạp. Có lần nhỏ em gái tôi lấy chạy thử, rủi ro bị xe ba gác đụng ở quận ba. Tình cờ đi học thêm với mấy người bạn, thấy vậy, tôi đẩy xe về nhà rồi nhận tội thay cho em.”Không ngờ lúc ông bị ba má la mắng thì người em gái ông bật khóc ròng ròng, khiến cho ba má ông khám phá là em ông mới là thủ phạm nên phạt cả hai anh em không được ăn cơm chiều.Hơn tuần sau má ông mới sửa được xe vì phải “com măng” đồ phụ tùng từ xa về.“Sau vụ đó, anh em tụi tôi trở nên gắn bó với nhau cho tới giờ,” ông khoe. “Lúc đó là 1961. Bây giờ ai cũng có cháu nội, cháu ngoại rồi. Lẹ thiệt.”Giữa dãy xe hai bánh lại có một chiếc xe Lambro. Đây là một trong những chiếc xe được nhiều người leo lên ngồi nhất.Ông Cường Phùng, chủ nhân xe, nói: “Tôi mua chiếc này chỉ vì nó gợi nhớ một thời nghịch ngợm của mình. Nhà tôi ở Thủ Đức. Hồi 13, 14 tuổi, tôi chuyên chạy theo xe, đu xe rồi chuyền lên mui xe. Khi thấy xe ‘rà rà’ lại là tôi biết ‘bác tài’ biết rồi nên chuyền xuống, núp một chỗ. Khi ông lái tiếp thì tôi lại đu theo.”Có lẽ vì những kỷ niệm buồn vui này mà người ta rủ nhau đến coi xe càng lúc càng đông.Chỉ chiếc “Honda đam,” màu đỏ ông Trương Quốc Huy cho biết đó là chiếc xe ông quý nhất. “Đây là chiếc xe Super Cub đời 1958 mà hãng Honda gọi là ‘huyền thoại,” ông nói. “Nó là cha đẻ của tất cả các xe ‘Honda cub’ sau này. Năm 2018, Honda mới kỷ niệm 60 năm cho xe này.”Theo phỏng đoán của ông Huy, ngoài những kỷ niệm những chiếc xe này gợi nhớ, bậc cha mẹ cũng nhân cơ hội này mà chia sẻ những kỷ niệm của mình với con cái.“Tôi mê sưu tập những chiếc xe này là vì vậy. Mỗi chiếc xe chở về một câu chuyện mà chúng ta không bao giờ quên được,” ông chia sẻ.Ông cho biết tất cả những chiếc xe hai bánh trong cuộc triển lãm đều chạy được. Ông nói: “Xe phải chạy được thì mới có ‘linh hồn’ chứ.”Ông Huy hy vọng có nhiều người cùng hợp tác để có thể triển lãm hằng tuần.Nhưng lần này, buổi triển lãm chỉ kéo dài một ngày Thứ Bảy mà thôi
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020
‘Như lạc về Sài Gòn’ khi thấy xe hai bánh cổ ở Little Saigon
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Công trình sưu tập của Tác Giả này thật là tuyệt vời, tuy nhiên có vài điều cần thêm:
-Chiếc xe Puch mầu đỏ, thùng xăng cao là sáng tạo của ông Đặng Đình Đáng, xưởng xe ở gần Bẩy Hiền, sau khi xe Honda Dam 67 nhập vào, thì hãng ông lỗ vốn. Nghe nói ông tự tử?
-Chiếc xe Honda 1958 đó là tiền thân của xe Honda Dam 1967 (50 phân khối) chuyển sang Việt Nam đợt đầu tiên cho các Sĩ Quan cao cáp và công chức. Tôi được ông anh cho 1 chiếc. Sau đợt đó mới bán tràn lan. Ở Việt Nam, không có tên gọi là "xe Honda 1958" vì năm đó, dân Miền Nam còn chút lạc hậu, chuyên chạy Mobilette, Velo, Goebel, Sachs, Vespa (tay lái như cái ghi đông xe đạp).
Cám ơn Huy đã chịu khó sưu tầm.
Đăng nhận xét