Ảnh: Khung cảnh tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm thuộc quận Thốt Nốt. thành phố Cần Thơ Từ tháng 7 âm lịch, khi con nước ở các vùng thượng nguồn ĐBSCL lên cao, cũng là lúc cư dân miền Tây chuẩn bị đón mùa nước nổi. Những con nước nặng trĩu phù sa, đã rửa sạch ruộng đồng, mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào để người dân đánh bắt, tạo thêm kế sinh nhai. Đây cũng là thời điểm, những làng nghề truyền thống chuyên sản xuất các ngư cụ tất bật vào mùa làm ăn, rộn rã...Những ngày này, vùng ĐBSCL đang bước vào mùa nước nổi. Đây là lúc bà con không trồng hoa màu, chỉ trông chờ vào khai thác thuỷ sản, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều cơ sở sản xuất ngư cụ đang tất bật vào mùa, để cung ứng hàng hóa, sản phẩm cho ngư dân đánh bắt. <!>
.
Các sản phẩm phục vụ đánh bắt trong mùa nước nổi vô cùng đa dạng về mẫu mã. Từ những chiếc lưỡi câu, đến chiếc lờ bắt cá, lợp bắt cua đồng...
Ông Lê Văn Phúc (ngụ xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) làm nghề lợp cua hơn 15 năm, chia sẻ: “Hiện giá lợp cua bán ra thị trường 28.000-30.000 đồng/cái, sau khi trừ đi chi phí, mỗi cái lợp người sản xuất có lãi 10.000-15.000 đồng. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và tỉnh lân cận Long An, đồng thời xuất sang Campuchia. Nghề này không giàu nhưng có thể sống ổn định trong mùa nước nổi. Đầu năm nay, sức tiêu thụ chưa mạnh, hy vọng vài ngày tới đơn hàng sẽ nhiều hơn, để bà con làm nghề có thêm thu nhập”.
Ở tỉnh Hậu Giang, có một sản phẩm độc đáo có tên gọi “xuồng năm quăng“. Ông tổ của chiếc xuồng này là ông Dương Văn Lạc (Hai Lạc), sinh năm 1954 tại ấp Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Khi thấy đời sống người dân nghèo khó, không có tiền để mua ngư cụ mưu sinh, ông Lạc đã tạo ra một loại xuồng được thiết kế bằng cây vườn. Loại xuồng có giá cực rẻ ai cũng có thể mua được này chỉ dùng một năm là “quăng” (bỏ đi) nên rất được nhiều người ủng hộ.
Những năm gần đây, mực nước trên thượng nguồn ĐBSCL lên chậm và có xu hướng thấp dần. Kéo theo đó, nguồn lợi thủy sản cũng giảm đi, việc đánh bắt của người dân không còn rộn rã như trước. Các làng nghề nhiều thời điểm cũng chỉ hoạt động cầm chừng, vì hàng hóa làm ra bị ùn ứ, khó tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Ghi (xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), một trong những hộ có truyền thống làm lợp cua, cho biết: “Năm nay, nước từ thượng nguồn về muộn và đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, hoạt động đánh bắt thủy sản khu vực đầu nguồn cũng chỉ mới vào mùa. Do vậy, sức tiêu thụ ở các làng nghề làm ngư cụ không nhộn nhịp bằng những năm trước”. Theo ông Ghi, hàng năm, để chuẩn bị làm lợp, khoảng tháng 3 là nông dân bắt đầu mua tre về chuốt, phơi, để sẵn đến tháng 6, tháng 7 đan lợp theo đơn đặt hàng. Ông phải ra tận huyện Hồng Ngự chọn từng cây tre già, để lợp đạt chất lượng và có thể sử dụng 2-3 mùa. Năm nay, đơn hàng ít nhưng cũng tranh thủ vừa làm, vừa ngóng con nước lũ những ngày tới.
TRẦN LƯU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét