(hình minh hoạ)
Từ khi nhân loại có trí khôn và biết chọn lựa, con người luôn luôn chia làm hai phe để tranh cãi về một vấn đề. Cùng một đề tài mà có người chống đối kịch liệt, và có người hoan hô nhiệt liệt, tùy theo nhân sinh quan của mỗi người. Vì thế, trong tất cả các cuộc bầu phiếu chọn người lãnh đạo ở các quốc gia Tự Do, Dân Chủ, ứng cử viên chỉ cần được hơn số phiếu bầu là đắc cử. Rất hiếm có trường hợp một lãnh đạo được 70, 80, hay thậm chí 90% số phiếu ủng hộ, (trừ trường hợp Miền Nam Việt Nam thời 1956, giữa Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, hai vị được đề cử giữ chức vụ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, thì vì một vị đã rời xa quê hương từ nhiều năm, đã tự nguyện dâng Ấn, Kiếm cho Việt Minh, từ bỏ ngôi vị, lại không có mặt trong khi đất nước phải chia đôi, nên đương nhiên 90% dân chúng phải bỏ phiếu cho người đang tích còn lại).
<!>
Tại đất nước Hoa Kỳ, Hiến Pháp đã quy định với chức vụ Tổng Thống, chỉ cần được đa số phiếu Cử Tri Đoàn thì vẫn thắng cử, không kể số phiếu phổ thông nhiều ít thế nào. Trường hợp Al Gore và Hillary, hai ứng viên này đều dành được nhiều số phiếu phổ thông hơn, (được dân chúng mến hơn) nhưng lại kém phiếu cử tri đoàn (số phận đã an bài) nên đã thua cuộc đua vào Bạch Cung.
Như thế, có thể nói là một ông Tổng Thống chỉ được lòng hơn một nửa dân số Hoa Kỳ mà thôi. Theo dân số năm 2020, thì có trên 164 triệu người thần phục, và dưới 164 triệu người đố kị. Vì thế, các tranh cãi “tôi đúng, anh sai” đã tiếp diễn trên 200 năm nay và sẽ còn tiếp diễn giữa hai đảng chính trị Dân Chủ (DC) và Cộng Hòa (CH).
Điều đáng nói là trong Cộng Đồng Người Việt, đã có những đấu đá trầm trọng vì người hoan hô Dân Chủ, kẻ lại kính ngưỡng Cộng Hòa. Tuy các cuộc tranh luận trên mạng (và chỉ có trên mạng Internet), không phải là các cuộc tranh luận công khai giữa công chúng, nên không có tác dụng đến người Mỹ bản xứ, nhưng dầu sao, những chia rẽ giữa hai khuynh hướng này cũng làm cho Người Việt Thầm Lặng khó sống vì thế nào trong số bạn thân, họ hàng, ruột thịt là chẳng có hai quan điểm khác nhau đưa đến những chia tay thầm lặng, những nứt rạn giữa các quan hệ.
Nếu đi tìm nguồn cội của hai sự khác biệt ấy, người bàng quang thấy rằng, đa số tranh cãi bắt nguồn từ ý tưởng “NGƯỜI MỸ TỐT VỚI VIỆT NAM CỘNG HÒA, NGƯỜI MỸ CHIẾN ĐẤU CHO DÂN CHỦ VÀ ĐỘC LẬP CỦA VIỆT NAM, NGƯỜI MỸ ĐÁNH TRUNG CỘNG VÌ MUỐN CHO VIỆT NAM ĐỘC LẬP, NGƯỜI MỸ SẼ DIỆT TRUNG CỘNG ĐỂ BẢO VỆ BIỂN ĐÔNG CHO VIỆT NAM…” vân vân và vân vân...
Tóm tắt, các tranh cãi dữ dội đó đa phần xuất phát từ tâm nguyện Yêu Nước Việt, muốn cho Nước Việt sớm thoát khỏi ách nô lệ do Đảng Cộng Sản đang cột vào đầu cổ dân Việt. Quan điểm này, nếu quả thật là quan điểm của những người tranh cãi thì thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng, nếu chỉ tranh cãi dựa trên tinh thần của một người Mỹ gốc Việt chỉ muốn phô diễn trí thức, thì cần xét lại.
Với phạm vi một bài viết ngắn ngủi, trong phạm trù của một người Việt di tản, không đảng phái, không Dân Chủ và cũng chẳng Cộng Hòa, người viết mạo muội trình bầy quan điểm của mình là: CHÍNH PHỦ MỸ (CỘNG HÒA và DÂN CHỦ) LUÔN ĐẶT QUYỀN LỢI CỦA NƯỚC MỸ TRÊN HẾT. BẤT CỨ CHÍNH SÁCH NÀO CÓ TÍNH CÁCH QUỐC TẾ ĐỀU ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐỂ PHỤC VỤ NƯỚC MỸ MÀ THÔI! Sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, từ Hiệp Định Genève, đến việc mở rộng cuộc chiến rồi khép lại cuộc chiến, bỏ chạy khỏi Việt Nam, nuốt lời hứa với đồng minh để mặc cho Cộng Sản chiếm toàn bộ giải đất chữ S... đều đã được sắp xếp, tính toán trên bàn làm việc của Bạch Cung, của Ngũ Giác Đài, của CIA và các cơ quan an ninh, tình báo của Mỹ.
Trở lại với sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, chúng ta thấy các chính khách của cả hai Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều coi quốc gia Việt Nam như một con cờ Domino, một con Tốt trên bàn cờ quốc tế.
Bắt đầu từ Tổng Thống Harry S. Truman. Sau khi Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (DC) qua đời trong nhiệm kỳ thứ 3, Phó Tổng Thống Harry S. Truman (DC) kế nhiệm và trở thành Tổng Thống thứ 33 của Hoa Kỳ (1945–1953), mà không qua bầu cử. Lúc đó ông mới làm Phó Tổng Thống được 3 tháng.
Phải nói là Tổng Thống Truman (DC) là một vị Tổng Thống có biệt tài vừa đối nội vừa đối ngoại, nhất là với Chủ Nghĩa Cộng Sản. Đối nội: Truman đã phải đối phó với một giai đoạn kinh tế hỗn loạn, ngân sách thiếu hụt nghiêm trọng, đình công liên miên. Tuy nhiên, ông vẫn tái cử lần thứ hai, và chính sách mới của ông là xóa bỏ sự kỳ thị trong quân đội Hoa Kỳ và loại bỏ hàng ngàn người thân Cộng nằm phục trong các cơ quan công quyền.
Ông đã tuyên bố, "Chủ nghĩa cộng sản là mối đe dọa đến sự tồn vong của Mỹ cũng như các nước đồng minh...." Là một Tổng Thống (DC) thiên về dân nghèo, ông sống rất cần kiệm, không có tài sản gì, đến nỗi sau khi mãn nhiệm tổng thống, hai vợ chồng ông phải nhận trợ cấp Medicare.
Tiếp nối quan điểm chính trị quốc tế của vị tiền nhiệm, Tổng Thống Eishenhower (CH) đã mở rộng cuộc chiến chống Cộng sang Á Châu, đặt biệt là tại Việt Nam. Eishenhower đã viện trợ cho Pháp, lúc đó đang lúng túng vì phong trào Cộng sản lên cao tại Á Châu. Trong tình hình Pháp đang gặp rất nhiều khó khăn và ở thế bất lợi trong cuộc chiến tranh, một mặt, Mỹ dốc thêm nhiều viện trợ quân sự cho Pháp, như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tầu chiến, xe quân sự, súng máy và súng trường; nhưng mặt khác, để thực hiện chủ trương muốn trực tiếp nắm lấy việc điều hành chiến tranh ở Đông Dương, Mỹ chỉ viện trợ giới hạn. Vì thế, khi Pháp đề nghị xin thêm máy bay thả bom hạng nặng để cứu Điện Biên Phủ, Mỹ đã lờ đi, để cho Pháp thất trận và không can thiệp để giữ cho Việt Nam thống nhất, mà lại thuận theo việc Việt Nam bị chia đôi theo Hiệp Định Genève. Đó là tác động lớn nhất mà một Tổng Thống Mỹ theo Đảng Cộng Hòa gián tiếp can thiệp vào Việt Nam, trong khi ông vẫn nhấn mạnh về lý thuyết Domino, coi Việt Nam như con cờ đứng đầu chống Cộng Sản tràn xuống Đông Dương. Eishenhower cho rằng, một khi mà con cờ đứng đầu (Việt Nam) ngã ra phía sau, thì toàn bộ bàn cờ Domino (Đông Dương) cũng sụp theo.
Sau khi Pháp rút lui, Mỹ chính thức thế chỗ Pháp ở Việt Nam. Tháng 1-1955, Mỹ viện trợ quân sự trực tiếp cho quân đội Việt Nam Cộng hòa và tích cực ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngoại Trưởng Mỹ luôn xác định rằng “Tổng Thống Diệm là người không thể thay thế!”
Đến thời Đảng Dân Chủ tiếp quản Bạch Cung thì sự việc có thay đổi. Tổng Thống Kenedy (DC) là người chủ trương phải đổ quân Mỹ vào Việt Nam thì mới đánh bại Cộng Sản. Ông cho rằng Quân Đội miền Nam còn non tuổi, không có kinh nghiệm đánh giặc, thiếu quân trang, quân dụng và súng đạn, thì sẽ thua Cộng Sản miền Bắc đang được Trung Cộng và Liên Xô viện trợ tới tấp. Đề nghị của Kennedy không được Tổng Thống Ngô đình Diệm đồng ý, vì Tổng Thống Diệm cho rằng nếu để quân ngoại quốc vào Việt Nam để đánh nhau với Cộng Sản, thì miền Nam sẽ mất chính nghĩa, và nếu mất chính nghĩa, thì không thể thắng cuộc chiến Quốc-Cộng. Sau nhiều lần đề nghị thất bại, Kennedy đã cử một chuyên viên đảo chánh là Cabot Lodge đến Việt Nam làm đại sứ, mật lệnh cho Cabot Lodge là phải xử Tổng Thống Diệm nếu ông vẫn tiếp tục cứng đầu!
Sau khi cuộc đảo chính đẫm máu một số lãnh đạo người Việt (Tổng Thống, Cố Vấn, Em ruột Tổng Thống, một số Sĩ Quan cao cấp từng phục vụ cho chế độ) đã được thực hiện để vừa lòng ông Tổng Thống Mỹ (DC), chính phủ Mỹ tiếp tục khuynh loát chính trị của Việt Nam: 14 cuộc đảo chính, lật đổ nhau chỉ không đầy 2 năm. Vì sự tranh dành quyền lực dữ dội của các tướng lãnh, vấn đề quân sự của Việt Nam Cộng hòa suy yếu. Các tư lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn khoanh tay chờ đợi vì không biết ngày mai mình có còn tồn tại trong chức vụ này không, cho nên Việt Cộng nhân cơ hội này xâm nhập vào miền Nam rầm rầm rộ rộ. Sau khi gỡ bỏ hệ thống Ấp Chiến Lược, Việt Cộng tha hồ mà tung hoành, chuyển quân, đánh trận lớn thay cho du kích chiến, đồng thời tìm diệt các viên chức xã, ấp, quận, huyện, phá bỏ hạ tầng cơ sở của miền Nam, đồng thời đào hầm chôn dấu vũ khí chờ ngày khởi động.
Tổng Thống thứ 36, Lyndon B. Johnson, (DC) tăng cường sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ngày 08/03/1965, Mỹ đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng mà không có sự đồng ý chính thức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Số nhân viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam tăng từ 16,000 cố vấn lên đến 550,000 quân Mỹ để chiến đấu trực tiếp với Bắc Việt. Từ ngày này, các cuộc chiến tranh đã lan rộng, thay vì du kích chiến, quân miền Bắc đã ngang nhiên áp dụng chiến thuật “công đồn, đả viện,” còn du kích thì chuyển hướng sang pháo kích nhiều hơn là đắp mô, đặt mìn. Trong khi đó, các chiến dịch ném bom Đường Mòn Hồ Chí Minh được duy trì liên tục nhưng cũng không tránh khỏi cuộc chiến Mậu Thân 1968, vì Việt Cộng đã lợi dụng sự lơ là trong chính trị và quân sự từ ngày giết Tổng Thống Diệm dưới sự chỉ đạo của Hoa Kỳ, mà chôn dấu vũ khí trong các hầm chứa vũ khí bên ngoài thành phố.
Chiến tranh Việt Nam leo thang khủng khiếp. Số thương vong của cả hai miền tăng cao. Điều quan trọng nhất trong sự chỉ đạo chiến tranh của Mỹ mà ít nhà nghiên cứu để ý là việc viện trợ súng đạn cho Việt Nam Cộng Hòa được thực hiện với chủ trương xài súng đạn cũ trong các kho phế thải của quân đội Mỹ và chỉ cung cấp súng đạn có thể chống được vũ khí tối tân của Liên Xô, Trung Cộng, Tiệp Khắc, Cuba…sau khi mà quân đội miền Nam đã hy sinh, thiệt hại quá nhiều cùng với vũ khí phế thải của Mỹ. Thí dụ M.16 chỉ được cung cấp cho miền Nam sau khi bị AK.47 tấn công tơi tả. M.72 chỉ thay thế cho Bazooka sau khi B.40, B.41 tung hoành. Xe tăng, trọng pháo, súng cối... cũng thế. Ngũ Giác Đài chủ trương “thay thế” chứ không “cung cấp” vũ khí cho miền Nam thắng trận. Về đại bác, thì mãi cho đến ngày tháng 4, năm 1975, quân đội miền Nam vẫn không có đại bác tầm xa nào địch nổi trọng pháo và hỏa tiễn của Nga bắn xa hơn súng của miền Nam hàng chục cây số. Chỉ có đại bác 175 bắn xa tương đương với trọng pháo của Cộng sản nhưng lại nặng nề, không thể di chuyển dễ dàng, nên chỉ đế yểm trợ chiến thuật mà thôi. Vì thế mà các trận Lam Sơn, Hạ Lào… quân miền Nam phải rút chạy sau khi bị pháo Cộng Sản dập từ xa hàng ngàn quả mỗi ngày. Sức người có hạn. Cho dù quân đội Cộng Hòa anh dũng cách mấy, hy sinh cách mấy, tài giỏi, trí thức đến bao nhiêu chăng nữa, cũng không thể chống nổi súng đạn tân tiến của khối Cộng Sản Liên Sô. (Tất cả các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa đều được đào tạo tại các quân trường hiện đại, trong khi chỉ huy của Bắc Việt toàn là từ du kích đi lên.)
Đến thời Richard Nixon (1969-1974), Tổng Thống thuộc đảng Cộng Hòa, thì số phận miền Nam Việt Nam coi như dứt điểm. Cả thế giới đều biết đến vai trò của Kissinger, sát thủ miền Nam, đã đi đêm với Trung Cộng, bàn tính việc dâng nộp miền Nam cho Trung Cộng và Việt Cộng. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong bài diễn văn đọc khi từ chức ngày 21 tháng 4 đã đau khổ nói về sự bội tín của người Mỹ, về sự bỏ mặc miền Nam kể từ trận Tống Lê Chân năm 1973, sau khi buộc miền Nam phải ký hiệp định đình chiến Paris, mà phần thua thiệt đã nằm sẵn trong từng câu chữ. Sự áp đặt của Nixon và Kissinger đã chứng tỏ dã tâm của chính phủ Mỹ khi muốn bỏ rơi thị trường nhỏ bé của Việt Nam để chiếm thị trường hàng tỷ người của Trung Cộng. Nixon và Kissinger (CH) là hai kẻ phản bội, bất kể liêm sỉ đã bán đứng Việt Nam cho Trung Cộng. Nhục nhã hơn là trên trang giấy ký sau cùng của bản Hiệp Định Paris, Nixon đã để cho Mỹ ký ngang hàng với Bắc Việt và buộc miền Nam ký ngang hàng với bọn du kích mang tên là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam trong khi cả thế giới đều rõ là cái gọi là Chính Phủ này chỉ là con đẻ của Cộng Sản Bắc Việt.
Một đòn chí tử cuối cùng như phát đạn ân huệ cho kẻ tử tội bị hành quyết, là Tổng Thống Ford (Cộng Hòa) tuyên bố với thế giới ngày 23 tháng 4, “CUỘC CHIẾN VIỆT NAM ĐẾN ĐÂY LÀ CHẤM DỨT!” rồi xoa tay đi chơi Golf. Còn Quốc Hội, đa số là Dân Chủ thì nhất định từ chối không tháo khoán 300 triệu tiền viện trợ quân sự, mặc cho Miền Nam dẫy chết trong tức tưởi.
Người Mỹ (Cộng Hòa) đã đến Việt Nam, khởi động cuộc chiến. Người Mỹ (Dân Chủ) giết chết Tổng Thống Việt, nới rộng chiến tranh, rồi người Mỹ (Cộng Hòa) bán đứng Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến, sau đó là đổ lỗi cho Miền Nam tham nhũng, không biết đánh trận. Dưới bàn tay phù thủy của hai đảng Chính Trị Hoa Kỳ, Lịch sử Việt Nam bị vẽ bằng máu của hơn 2 triệu dân cả hai miền Nam, Bắc.
Bây giờ, cộng đồng Việt Tị Nạn ở Mỹ lại đang tranh cãi với nhau kịch liệt về Cộng Hòa và Dân Chủ, ai bảo vệ, tôn trọng Việt Nam hơn ai. Điều đáng nói nhất là cả hai phía đều không tôn trọng nguyên tắc tranh luận quốc tế: “Chỉ tấn công vào lý luận của đối phương, không tấn công cá nhân đối phương và không dùng những ngôn từ bình dân, cực đoan.” Vì nếu muốn cho người khác đồng ý quan điểm của mình, thì chỉ có cung cách trình bầy đơn giản, trí thức, với bằng chứng xác thực, thì mới lôi kéo được người khác về theo mình.
Rất tiếc, các cuộc tranh cãi vô lý, mạ lị nhau một cách giận dữ trên mạng của cộng đồng Việt vẫn tiếp diễn không dứt, làm cho khối đoàn kết quốc ngoại tan vỡ một cách vô lý. Thật đau lòng.
(17 tháng 4, 2020)
Chu Tất Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét