Thật là đại phước cho dân tộc, Phố cổ Hội An và các cung đình lăng tẩm của kinh đô Huế đã không bị chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của Hồ Chí Minh san phẳng bình địa, vì Huế và cổ thành Quảng Trị, phố cổ Hội An, tháp Chàm Mỹ Sơn... những di tích lịch sử này đã may mắn nằm trong vùng tạm chiếm của Pháp nên mới còn tồn tại đến ngày hôm nay. Nếu nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh cộng sản thì chắc chắn các di tích lịch sử vô gia này cũng đã bị san phẳng bình địa bởi chính sách tiêu thổ kháng chiến, giống như bao nhiêu những di tích lịch sử của các địa phương khác rồi.
<!>
Một thí dụ điển hình là việc Việt Minh CS đã phá hủy và san bằng thành Bình Định của Võ Tánh và thành Đồ Bàn, thủ đô của vương quốc Chiêm Thành.
Đầu phồng đá lửa, bụng chửa ka ki,
Chửa ở Tam Kỳ, về Bồng Sơn đẻ.
Câu ca dao đó diễn tả việc buôn lậu hàng hóa, tại khu vực do Pháp chiếm đóng gần Tam Kỳ, về tiêu thụ tại vùng Việt Minh cai trị là Bồng Sơn, Bình Định.
Thành Bình Định và Thành Đồ Bàn nằm tại vùng này, trong Liên Khu 5 của Việt Minh, nên đã chịu chung số phận với các kiến trúc và mọi căn nhà to lớn khác tại các thị xã Qui Nhơn, Tuy Hòa, Quảng Ngãi… (và cả các thành phố khác thuộc vùng cai trị của Việt Minh, như Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh...), tất cả đã bị san thành bình địa theo chính sách tiêu thổ kháng chiến của Hồ Chí Minh.
Riêng thành Bình Định, theo các vị cao niên kể lại, đây là một kiến trúc rất vĩ đại hoành tráng, hầu hết đều được xây cất bằng đá ong nên rất kiên cố vững vàng. Việt Cộng đã phải huy động hàng triệu lượt dân công Bình Định và phải mất gần hai tháng trời mới xóa sạch được di tích lịch sử vô giá này.
Cho đến ngày bị VC phá hủy, thành Bình Định vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, tại vì sau khi Võ Tánh tự thiêu chết, tướng Tây Sơn là Trần quang Diệu đã vào đóng quân trong thành này. Ông đã theo lời yêu cầu của Võ Tánh, tha chết cho mọi người và còn chôn cất cho Võ Tánh rất chu đáo trọng thể nữa. Mộ của Võ Tánh hiện vẫn còn tại thị trấn Đập Đá, An Nhơn. (Khi Võ Tánh tự thiêu, một người hầu thiếp cũng nhảy vào đống lửa chết theo. Mộ phần của bà cũng được Tướng Trần Quang Diệu cho xây bên cạnh mộ Võ Tánh).
Riêng về thành Đồ Bàn thì sử Trần Trọng Kim đã ghi lại như sau: “Nguyễn Nhạc thấy thế mình mỗi ngày một mạnh, bèn sửa lại thành Đồ Bàn (là kinh đô cũ của Chiêm Thành ngày trước) rồi đến tháng ba năm Bính Thân (1776) tự xưng là Tây Sơn Vương…” (Sử Trần Trọng Kim, quyển 2, trang 106).
Như vậy chúng ta có thể suy ra rằng các cấu trúc nguyên thủy của thành Đồ Bàn ngày xưa vẫn còn gần như nguyên trạng, cho nên Nguyễn Nhạc chỉ cần “sửa lại” là đã có thể sử dụng để làm cung điện của mình. Chúng ta cũng có thể hình dung tổng thể nguy nga tráng lệ của thành Đồ Bàn qua hình ảnh các ngôi tháp Chàm hiện còn sót lại.
Nhưng thật đáng tiếc, hai báu vật vô giá này đã bị Việt Minh Cộng Sản san phẳng bình địa. Đây là một mất mát vô cùng to lớn cho nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi vừa nhận được một tài liệu do ông Lê Cẩm Khoáng, một nhân sĩ Bình Định gửi tới, nguyên văn như sau:
“ Trong Chiến Dịch Tiêu Thổ Kháng Chiến, Việt Minh Cộng Sản đã phá hoại thành Bình Định vào khoảng tháng 6 đến tháng 8 năm 1946. Trực tiếp đốc thúc dân phu bốn huyện Phù Cát, An Nhơn, Bình Khê, Tuy Phước phá thành là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Kháng tỉnh Bình Định Ngô Đức Đệ, con trai nhà văn Ngô Đức Kế”Ngô Đức Đệ, con trai nhà văn Ngô Đức Kế”.
Nếu hai di tích lịch sử vĩ đại và nguy nga hoành tráng này không bị phá hủy thì vùng đất quê hương của Quang Trung Đại Đế cũng đang là một địa điểm thu hút du khách không thua gì kinh đô Huế và Phố cổ Hội An….
Hồ Chí Minh ra lệnh tiêu thổ kháng chiến, nói là làm theo chính sách vườn không nhà trống của Nga để cho quân Pháp không có chỗ ở, nhưng thực tâm của họ là bần cùng hoá nhân dân, là xoá sạch các di tích lịch sử của tiền nhân.
Bằng chứng rõ ràng nhất được thấy tại thị xã Qui Nhơn, họ đã ra lệnh san bằng hết, kể cả ngôi biệt thự nghỉ mát nguy nga của vua Bảo Đại, toạ lạc tại mỏm núi Gềnh Ráng, một địa điểm lý tưởng để nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên hình vòng cung lưỡi liềm của bờ biển Qui Nhơn.
(Ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mạc Tử hiện nay, đã được LM Phạm Châu Diên xây dựng và trùng tu trên nền của căn biệt điện này)
Riêng tại Thị xã Qui nhơn, họ đã đập phá hết, nhưng vì sợ uy tín của Công giáo, Việt Cộng đã không dám đả động tới Tiểu chủng viện (trường Lasan cũ), toà Giám mục, nhà thờ chính toà... Cũng vì đoàn quân Trung Hoa của tướng Lư Hán còn đang đóng tại Việt Nam, nên các dẫy phố của người Hoa tại đường Gia Long vẫn còn nguyên vẹn... Tại thị xã Thái Bình và nhiều thành phố khác cũng vậy, nhà thờ lớn, toà Giám mục, và tiểu chủng viện Mỹ Đức, với 2 toà nhà 3 tầng to lớn vẫn còn tới ngày nay, trong khi cả thành phố chỉ là một đống gạch vụn.
VŨ LINH CHÂU.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét