Châu Âu chưa rõ khi nào qua được đỉnh dịch Covid-19. Trong ảnh, một chuyến tàu tốc hành đưa bệnh nhân Covid-19 từ Strasbourg đi Bordeaux, ngày 03/04/2020. REUTERS - Anh Vũ - Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho hàng vạn con người, chặn đà lây lan của đại dịch virus corona và hơn nữa là tìm cách để thoát khỏi phong tỏa, trở lại với cuộc sống bình thường. Chưa một ai dám khẳng định dịch đã đạt đỉnh, vài ngày qua dường như đại dịch giẫm chân tại chỗ. Dư luận cũng như chính phủ một số nước đã nghĩ tới chuyện thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa, cho dù còn quá sớm. Nhưng thoát khỏi tình trạng này như thế nào là vấn đề lớn. Đây cũng là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa lớn trang nhất : « Những kịch bản phức tạp của gỡ bỏ phong tỏa ».<!>
Theo Le Monde, các chính phủ và chuyên gia y tế đều rất lo sợ, tiếp theo đỉnh dịch này sẽ là một đỉnh dịch khác. Riêng với trường hợp của nước Pháp, việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội là một tiến trình không hề đơn giản. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều mô hình toán học với các tham số dịch tễ đa dạng, để cố gắng phác họa ra những kịch bản thoát khỏi phong tỏa. Rất nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đặt ra : Khi nào thì có thể gỡ bỏ phong tỏa và việc triển khai cần thế nào ? Vấn đề giám sát hậu phong tỏa ra sao ? Dường như các câu trả lời cho đến lúc này đều chưa đủ sức thuyết phục.
Chung sống lâu dài với Covid-19
Như để cảnh báo về một cuộc chiến dài lâu với đại dịch Covid-19, Le Monde có bài xã luận với tiêu đề « Chung sống dài lâu với Covid - 19 ». Tờ báo nhắc lại, cách đây một tháng vào lúc đại dịch tấn công châu Âu, châu Á đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống con virus corona. « Bất ngờ bị tấn công dữ dội, người Ý, người Tây Ban Nha rồi đến người Pháp hướng về phía Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc, để tìm kiếm ra các phương cách có thể cứu mình. Một tháng sau, các nước châu Âu có lẽ đã cảm thấy đạt được độ bình ổn như hằng hy vọng. Đồ thị số người nhiễm mới và tử vong có vẻ đi xuống, nhiều người đã nghĩ rằng đà lây lan của căn bệnh đang chững lại. Tuy vậy, chính phủ các nước vẫn thận trọng chưa thể hô to đã chiến thắng dịch ».
Tại sao ? Bởi vì cũng nhìn vào đồ thị của các nước châu Á, họ thấy hiện lên điều đáng lo ngại, đó là các nước này đang gặp phải làn sóng dịch thứ 2.
Ấn tượng nhất là Singapore, đảo quốc 6 triệu dân này ngay từ đầu đã có những bước đi chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả cho phép kiểm soát được đà lây lan, mà không cần đến biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội. Chính phủ cho tầm soát bệnh đại trà, theo dõi sát dấu vết và kiên quyết cách ly người nhiễm virus, hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại trong nước cũng như từ ngoài vào. Mặc dù vậy số ca nhiễm tuần qua ở Singapore bỗng tăng đột biến, do lây nhiễm nội địa và từ kiều dân trở về nước. Trước diễn biến không lường trước như vậy, thủ tướng Lý Hiển Long đã phải ra lệnh phong tỏa đất nước từ thứ Ba tuần này. Trường học, cửa hàng không thiết yếu đóng cửa đến 4/5. Rồi Hồng Kông, Trung Quốc cũng đang lo ngại sự trỗi dậy của các ca lây nhiễm mới. Nhật Bản cũng không cưỡng lại được phải ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/4.
Le Monde đặt câu hỏi : « Bài học nào có thể rút ra từ tiến triển dịch như vậy ? » Theo tờ báo, điều chủ chốt là đại dịch chỉ có thể bị đánh bại một khi chế được vác-xin, sản xuất và phân phối khắp toàn thế giới. Từ nay đến khi đó phải mất từ một năm đến một năm rưỡi nữa, theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn. « Đó cũng là khoảng thời gian mà con virus này còn có thể đi đi, về về trên hành tinh này để gây ra những đợt sóng lây nhiễm mới trên các lục địa. Tiến trình gỡ bỏ phong tỏa ở đây đó hay nới lỏng các biện pháp hạn chế chỉ có thể làm dần dần và cũng thường chỉ là tạm thời ».
Le Monde kết luận : « Cần phải học cách chung sống với virus corona. Vẫn luôn biết tiên liệu, chính phủ Singapore hôm thứ Hai vừa mới quyết định ngừng hoạt động nhà ga số 2 sân bay lớn nhất của họ, và cũng là một trong những sân bay hiện đại nhất thế giới, trong vòng 18 tháng, đúng bằng thời gian để có được vác-xin. Vậy là con đường còn dài ».
Hai cuộc chiến với virus corona: Giành giật cuộc sống và duy trì lao động
Tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa cũng là dễ hiểu vì bên cạnh các con số tổn thất về nhân mạng, sức khỏe cộng đồng là những thiệt hại về kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả thấy rõ ngay là nạn thất nghiệp tăng chóng mặt khiến các quốc gia lo ngại.
Đây cũng là đề tài được nhiều báo khai thác sau khi Tổ chức Lao động Thế giới (OIT) hôm qua, 07/04/2020, đưa ra những thống kê báo động về tình trạng lao động, việc làm trên thế giới bị đại dịch tấn công. Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Đại dịch làm bùng nổ nạn thất nghiệp trên thế giới ». Trong khi tựa của Les Echos khẳng định « Đại dịch đã gây hệ quả tàn phá việc làm toàn cầu »
Le Figaro cho biết con số thống kê của OIT : Do khủng hoảng y tế, « hơn 4/5 trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2,7 tỷ người bị tác động bởi tình trạng các nơi làm việc phải đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ ».
Tổ chức Lao động Thế giới nhận định : « tác động của dịch Covid-19 đối với công ăn việc làm là rất sâu và có quy mô rộng lớn chưa từng thấy ». Việc một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2 tới nay. Hệ lụy thấy ngay là hàng chục triệu người lao động mất việc làm.
Nếu châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế thì Hoa Kỳ đang phải trả giá rất đắt với hơn 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong vòng 2 tuần. Nước Pháp và nhiều nước châu Âu khác có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tạm thời khá tốt cũng không khỏi lao đao, vì con số quá lớn người phải nghỉ làm. Theo tờ báo, đó là số liệu thống kê trên còn chưa tính đến những nhân lực làm việc trong các ngành nghề kinh tế được gọi là không chính thức. Con số này chiếm tới 90% lực lượng lao động ở các nước châu Phi, Ấn Độ, tất nhiên họ là những người không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội gì.
Song song với cuộc chiến y tế chống đại dịch virus corona, bảo vệ sức khoẻ của người dân, thế giới đang phải lao vào cuộc chiến kinh tế còn cam go không kém là duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Trước tình trạng bi đát như vậy, và có thể còn kéo dài, Tổ chức Lao động Thế giới không thể làm được gì hơn là đưa ra những cảnh báo và kêu gọi « phối hợp hành động quốc tế » để cứu giúp những người có hoàn cảnh thiệt thòi nhất, trắng tay khi không có việc làm.
Nông nghiệp cả châu Âu tê liệt, mùa màng có nguy cơ mất trắng
Khi dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, một phần thế giới bị phong tỏa, người ta hay nhắc đến những lĩnh vực phải gánh chịu hậu quả đầu tiên như du lịch, nhà hàng, khách sạn thương mại hàng không… giờ đây nông nghiệp, lĩnh vực nuôi sống thế giới đang bị đe doạ, đặc biệt tại châu Âu.
Trở lại với Le Monde, tờ báo ghi nhận « Nông nghiệp châu Âu bị tê liệt ». Việc đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có đang khiến các nhà sản xuất nông nghiệp ở khắp châu Âu khó kiếm được lao động thời vụ như mọi khi, chủ yếu là những lao động từ Đông Âu sang. Trong lúc các sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. Mỗi năm vào thời điểm thu hoạch rau hoa quả này, các cánh đồng ở Tây Âu vẫn đón nhận hàng trăm nghìn lao động thời vụ từ Đông Âu. Giờ đây phong tỏa để ngăn dịch đã làm cho các vụ mùa từ khắp các nước châu Âu có thể bị phá hỏng vì thiếu lao động.
Le Monde nêu ví dụ như Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất hoa quả hàng đầu châu Âu, thì giờ đây hầu như tất cả các cánh đồng ở nước này không có người thu hoạch. Tờ báo cho hay không chỉ ở Tây Ban Nha mà khắp châu Âu, Pháp, ý, Bỉ, rồi Hà Lan, Đức sang tới Ba Lan… đâu đâu cũng lên tiếng báo động về tình trạng nông nghiệp bị tê liệt vì khan hiếm nhân lực. Các nước đang cố gắng, trong điều kiện cho phép, để tìm ra những giải pháp tình thế, tạm thời giải cứu ngành nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày.
Người phát phì nguy cơ nhiễm virus corona cao
Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, theo Le Monde, những người béo phì dễ bị nhiễm virus. Tại Pháp cũng như ở nhiều nước châu Âu, người ta đã quan sát thấy những người ở thể trạng béo phì dường như dễ bị nhiễm bệnh hơn. Theo Mạng lưới Nghiên cứu châu Âu về hô hấp nhân tạo (REVA), 83% bệnh nhân phải hồi sức tích cực là những người thừa cân hoặc béo phì. Số liệu nói trên được đưa ra dựa trên thông tin liên quan đến khoảng 2000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại 195 khoa hồi sức, chủ yếu là tại Pháp.
Rõ ràng là những đối tượng quá cân hoặc mắc chứng béo phì chiếm tỷ lệ rất cao trong số các bệnh nhân Covid-19 nhập khoa hồi sức tăng cường. Tại Anh cũng có khoảng 35% bệnh nhân hồi sức tích cực là những người béo phì. Mà những người quá cân thường kèm có các chứng bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…. Những yếu tố bệnh lý gây khó khăn cho điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các chuyên gia y học ở nhiều nước châu Âu đang rất chú ý đến nghiên cứu mới này để có các biện pháp đề phòng cho những đối tượng chiếm tới 15% số người cao tuổi ở Pháp.
Covid-19, trận đại hồng thủy đe dọa 1,25 tỷ người lao động thế giới
Một đại lộ vắng bóng xe cộ ở Porta Nuova, Milan, Ý. Ảnh chụp ngày 15/03/2020 REUTERS - Daniele Mascolo
Thanh Hà
« Trận thủy triều thất nghiệp sẽ dâng cao ». Thời kỳ đen tối đang chờ đợi những người lao động trên toàn cầu. Trong chưa đầy ba tháng, virus corona cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động trên thế giới và châu Á là nơi « bị nặng nhất ». Trên đây là kết luận của báo cáo mới nhất của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), vừa công bố hôm 07/04/2020.
Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc « khủng hoảng chưa từng thấy » từ sau Thế Chiến Thứ Hai và tác động « sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu ». Dưới hình thức này hay một hình thức khác, virus corona ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người làm công ăn lương trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương. Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người tới nay mà còn đe dọa làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng về xã hội khắp 5 châu từ quý hai năm nay : xóa sổ 198 triệu lao động (tính theo mức 48 giờ làm việc mỗi tuần). Nhìn theo từng khu vực, báo cáo của ILO cho thấy châu Á - Thái Bình Dương bị tác hại nghiêm trọng nhất. Đây là nơi mà trong quý hai 2020 sẽ có tới khoảng 125 triệu lao động (làm việc toàn phần) mất việc làm. Để so sánh, con số này ở châu Âu là 20 triệu.
Chưa ai biết lúc nào dịch Covid-19 kết thúc, nhưng điều đáng quan ngại hơn là chỉ tính đến thời điểm này, thì tác hại của virus corona đã lớn hơn cả so với thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009.
Báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế được công bố vào lúc các quốc gia trên thế giới dồn dập bơm tiền cứu nguy kinh tế. Nhật Bản hỗ trợ kinh tế tương đương 20 % GDP. Mỹ 2.000 tỷ đô la, Đức 1.000 tỷ euro… Đó là chưa kể những biện pháp thuộc loại « vũ khí hạng nặng » mà các ngân hàng trung ương của Liên Hiệp Châu Âu hay của Hoa Kỳ.
Chạy đua với thời gian cứu nguy kinh tế
Bên cạnh cuộc chạy đua với thời gian để cứu mạng người, để tìm thuốc và vác-xin phòng chống virus corona, thế giới phải đóng vai trò của những người lính cứu hỏa để cứu vãn cỗ máy kinh tế. GDP của Pháp, nền kinh tế thứ nhì trong Liên Hiệp Châu Âu, giảm 6 % trong ba tháng đầu năm 2020 theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Pháp. Sau ba tuần lễ bị phong tỏa đã có tới 5,8 triệu người lao động Pháp mất việc và phải đăng ký thất nghiệp bán phần, nhằm bảo đảm duy trì được 80 % thu nhập.
Tại Đức, một nửa triệu công ty lớn, nhỏ cũng cho nhân viên nghỉ việc vì lý do « kỹ thuật ». Con số này cao gấp 20 lần trong tháng đầu tiên hồi khủng hoảng 2008. Nhìn sang Anh Quốc gần một triệu người lao động mất việc trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020 và con số này cao gấp 10 lần so với bình thường.
Tại Hoa Kỳ, cũng trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020, Covid-19 đã đẩy 10 triệu người ra khỏi thị trường lao động, và số này phải ghi danh lãnh tiền thất nghiệp. Nhìn đến Trung Quốc điểm khởi đầu của dịch, thống kê chính thức không đả động đến số người thất nghiệp, nhưng nhìn nhận rằng trong tháng 2 và 3/2020 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 13,5 %, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 16 % còn chỉ số tiêu thụ nội địa thì giảm đi mất 1/5 so với cùng thời kỳ năm ngoái. Ngần ấy dấu hiệu đủ cho thấy thị trường lao động tại quốc gia đông dân nhất địa cầu này không thể tươi sáng.
Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng này, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế kêu gọi thế giới nhanh chóng hành động để ngăn chận nguy cơ khủng hoảng về y tế kéo theo một trận « đại họa » về xã hội. Trước mắt cộng đồng quốc tế hô hào « hợp tác và phối hợp » để tìm ra ngõ thoát, nhưng khi bắt tay vào việc dường như các bên vẫn khó san bằng được những bất đồng, tiêu biểu nhất là tranh cãi đang diễn ra giữa 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu về một giải pháp vực dậy kinh tế của toàn khối thời hậu Covid-19.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới : Vai trò suy yếu vì các nước « mạnh ai nấy làm »
Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới edros Adhanom Ghebreyesus (G) họp báo tại Geneve, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2020 Christopher Black/WHO/Handout via REUTERS
Thùy Dương
Kể từ khi được thành lập vào ngày 07/04/1948, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), với 194 thành viên, chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch xảy ra đồng thời trên tất cả các châu lục như hiện nay.
Chưa bao giờ Tổ Chức Y Tế Thế Giới có cơ hội khẳng định vai trò lãnh đạo về vấn đề sức khỏe của người dân toàn cầu như hiện nay. Thế nhưng, dường như các ý kiến chỉ đạo của WHO không được các quốc gia lắng nghe và tổ chức này còn gặp khó khăn hơn nữa khi muốn thuyết phục các nước. Lý do : Quan điểm ích kỷ của các quốc gia, kiểu « nước nào lo cho nước đó ». Trên đây là nhận định của Libération, trong bài viết đăng ngày 31/03/2020.
Điều đầu tiên khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới bị chỉ trích là sự phản ứng chậm chạp. WHO đã phản ứng chậm trễ khi virus Ebola bùng phát ở Tây Phi (Liberia, Sierra Leone, Guinea) vào năm 2014, mặc dù các thành viên của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới khi đó đã báo động về tình trạng khẩn cấp. Lần này cũng vậy, WHO không kịp thời phản ứng khi virus corona hoành hành tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 01/2020. Phải đến ngày 11/03, khi virus corona làm chết biết bao người trên khắp thế giới, Covid-19 mới được gọi là « đại dịch » và những nước vốn xem nhẹ dịch bệnh, như Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, mới bắt đầu có biện pháp đối phó.
Sự chậm trễ này có thể là do WHO không muốn làm giảm uy tín của Trung Quốc. Khi được báo Libération hỏi về vấn đề này, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói : « Chúng tôi chưa và cũng không chịu áp lực từ các quốc gia thành viên. Chúng tôi đề ra nguyên tắc và đưa ra các lời khuyên, và chúng tôi tôn trọng cách thức các quốc gia áp dụng để chống lại virus, dù đó là nước giàu hay nghèo ».
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mối liên hệ gần gũi giữa tổng giám đốc WHO với chính quyền Bắc Kinh, quốc gia đóng góp tài chính nhiều thứ hai cho định chế này, sau Hoa Kỳ. Thực ra, trước khi được bầu lên làm lãnh đạo định chế y tế của Liên Hiệp Quốc, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từng là ngoại trưởng của Ethiopia, một trong những « thành trì » Trung Quốc tại châu Phi. Hồi cuối tháng Giêng 2020, trong một cuộc họp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng giám đốc WHO không tiếc lời ca ngợi Bắc Kinh, trong khi chính Trung Quốc trước đó đã để virus lây lan nhanh chóng.
Vấn đề thứ hai là sự yếu kém của WHO trước thái độ ích kỷ của các quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có. Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức Khỏe Toàn Cầu thuộc đại học Genève, Thụy Sĩ, nhấn mạnh : « Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho các quốc gia, nhất là về việc triển khai biện pháp đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập đông người … Về biên giới giữa các nước, WHO đề nghị các nước không đóng cửa khẩu, nhưng khi các nước như Đức, Ý, Áo phong tỏa biên giới thì tổ chức Y Tế Thế Giới lại không có phản ứng. Thực ra, biện pháp của các nước nói trên hoàn toàn vi phạm các quy định quốc tế về y tế mà chính các nước đã ký và có tính bắt buộc ».
Máy bay không người lái ?
WHO có nguồn tài chính rất khiêm tốn. Ngân sách dành cho WHO chỉ là 4,4 tỷ đô la (4 tỷ euro), chỉ gần gấp đôi so với ngân sách dành cho hoạt động của Bệnh viện đại học Genève, Thụy Sỹ. Chi phí đóng góp của 194 quốc gia thành viên hiếm khi được thanh toán đúng hạn. Và số tiền đóng góp đó cũng chỉ chiếm 1/5 tổng số ngân sách của WHO. 80% còn lại là từ các nguồn đóng góp tự nguyện từ các nước và các tổ chức tư nhân như vợ chồng tỉ phú Bill Gates và Melinda Gates hoặc các tỉ phú Jack Ma của Trung Quốc hay Aliko Dangote của Nigeria. Đây là những tỉ phú được cho là rất hào phóng với Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Đổi lại, các nhà hảo tâm này có quyền đòi hỏi tiền của họ được đầu tư vào đâu. Vấn đề là lựa chọn của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với các ưu tiên của WHO.
Rõ ràng là, lẽ ra cuộc chiến chống virus corona phải mang lại cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới khả năng lãnh đạo thế giới, nhưng trên thực tế, WHO lại hài lòng với việc chỉ đồng hành cùng quyết định mà chính phủ các nước đưa ra. Chuyện này tương tự như tình trạng trong buồng lái máy bay không có ai điều khiển. Chúng ta hiện giờ không có bất cứ kế hoạch toàn cầu nào với những đường hướng rõ ràng để áp dụng cho toàn bộ thế giới.
Hàng ngày, vào một giờ cố định, từ phòng họp báo trống trải, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới chỉ nhắc lại là bằng mọi giá phải « làm gián đoạn chuỗi truyền bệnh ». Trong khi đó, lãnh đạo các Nhà nước và chính phủ chỉ quan tâm đến dư luận trong nước, thông báo với dân chúng rằng họ đang nỗ lực tối đa để phòng chống dịch bệnh. Bác sĩ người Anh, David Nabarro, giám đốc Viện sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Đại học Hoàng gia Luân Đôn, một chuyên gia trong cuộc chiến chống dịch Ebola, đặc phái viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về dịch Covid-19 từ cuối tháng 02, nhấn mạnh một thực tế là hiện giờ thế giới không có một giải pháp nào với sự phối hợp liên chính phủ.
Vào năm 2005, hai năm sau khi dịch SARS bùng phát ở các nước châu Á, WHO đã sửa đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn để có khả năng phản ứng nhanh nhạy trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới. Điều này phát huy hiệu quả khi xảy ra dịch cúm A (H1N1) năm 2009. Tuy nhiên, Tổ Chức Y Tế Thế Giới khi đó ngay lập tức bị tố cáo hành động thái quá.
Điều cơ bản trong quy định mới về y tế của quốc tế khi đó là các Nhà nước thành viên trước hết phải báo cáo trực tiếp lên trụ sở của định chế WHO ở Genève, Thụy Sỹ, báo cáo ngay khi bùng phát dịch bệnh, và nhất là khẩn trương chia sẻ thông tin để cộng đồng khoa học quốc tế có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình. Sau đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đảm nhiệm việc điều phối hoạt động kiểm dịch, đưa ra các báo động và kiến nghị.
Nước nào lo cho nước đó
Các nguyên tắc mới này đã được tất cả các quốc gia phê chuẩn và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Phi ở Genève nhận định : « Không mấy nước tôn trọng những quy định đó. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng virus corona, các nước chỉ hành động vì nước đó mà thôi. Tất cả mọi quốc gia đều quên mất các chỉ thị mà chúng tôi đã phải vất vả đàm phán và có được, bởi vì không nước nào muốn từ bỏ một phần chủ quyền của mình cho một « bộ máy quốc tế ». Luôn luôn là như vậy ». Tổ Chức Y Tế Thế Giới không thể trừng phạt những nước làm sai, cũng không buộc các quốc gia phải thực hiện biện pháp này hay hủy bỏ biện pháp khác, ngay cả khi rõ ràng là biện pháp đó không tốt.
Hồi tháng 02, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi 2 lá thư riêng cho các quốc gia thành viên để nhắc nhở họ về nghĩa vụ. Thế nhưng, định chế y tế thế giới lại không chịu nêu đích danh các nước không tuân thủ quy định. Ông Michael Ryan, quan chức số 2 của tổ chức này nhắc lại : « WHO không can thiệp vào cuộc tranh luận công khai và không chỉ trích quyết định của các quốc gia thành viên ».
Trong khi chờ đợi, từ phòng họp lớn vắng vẻ, các quan chức của WHO hàng ngày vẫn kiên nhẫn trả lời những câu hỏi ẩn chưa nỗi lo từ khắp các châu lục. Câu trả lời của các đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới mang tính hướng dẫn chứ không mang lại kết quả, bởi vì các quyết định hiện nay vẫn do chính phủ từng nước đưa ra từ thủ đô mỗi quốc gia. Báo Libération kết luận Tổ Chức Y Tế Thế Giới và cơ quan mẹ là Liên Hợp Quốc, xét đến cùng thì giống nhau ở chỗ đều bị chia rẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét