Lời tri ân từ tô bún bò Việt NamNgày 16/3, thực hiện quy định của Chính phủ Pháp, anh Phan Việt Phong đóng cửa nhà hàng của mình tại thành phố Grenoble. Buổi sáng trước giờ đóng cửa, anh đến để chia tất cả số thực phẩm còn dư cho nhân viên và khách, tránh lãng phí đồ ăn.<!>“Cậu bạn bán gaufre đầu đường thích ăn nem, mình mang tặng 20 cái. Ông bạn tặng lại mình cả kiện rau củ quả. Ai cũng vui vẻ nhưng không giấu khỏi chút trầm lắng, tương trợ nhau, cứ như sắp vào một cuộc chiến”, anh Phong tâm sự trên trang cá nhân.
Vài ngày sau đó, trong lúc đang xem tin tức trên mạng, anh Phong đọc được dòng thư của một bếp trưởng nổi tiếng trong vùng, kêu gọi các nhà hàng kết nối thành nhóm nấu ăn luân phiên, tiếp sức cho các y bác sỹ trong bệnh viện.
Không chút suy nghĩ, anh Phong để lại bình luận xác nhận tham gia. May mắn, khi anh đề nghị sự hỗ trợ từ các nhân viên của mình, hai nhân viên đã đồng ý tới giúp anh một tay.
Anh Phong chia sẻ: “Bước vào thời điểm căng thẳng của cả nước Pháp, bệnh viện CHU Grenoble, như mọi bệnh viện khác, bị quá tải. Ít ai biết, bình thường các nhân viên y tế ở Pháp phải tự chuẩn bị đồ ăn từ nhà mang đi, hoặc mua đồ ăn bên ngoài.
Song những ngày phong tỏa, các cửa hàng đều đóng cửa, nhiều y bác sỹ trực chiến liên tục tại bệnh viện, công việc kết thúc muộn, không có thời gian nấu ăn. Nhiều người cũng có con nhỏ mà không được ở nhà chăm sóc, phải thuê người trông nom”.
Ngay khi anh Phong đăng bài lên nhóm kết nối, món bún bò của anh đã nhận được ba đơn hàng từ khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Phổi – Tim mạch của Chu Grenoble, với tổng cộng 101 suất cho bữa trưa ngày 25/3.
Sáng hôm đó, anh Phong ra nhà hàng từ 5 giờ để vào bếp một mình. Tới 9g30 sáng thì hai bạn nhân viên tới hỗ trợ. 101 suất bún bò được bày biện đẹp đẽ, ngon mắt với màu xanh óng ả của rau xà lách, cà rốt bào sợi tươi rói bên cạnh nhúm lạc rang vàng ruộm. Một số suất còn có thêm nem rán theo yêu cầu.
Đóng gói cẩn thận các suất ăn xong, trước khi chuyển ra xe để mang vào viện, anh Phong lấy bút viết lên nắp hộp đựng những lời chúc phúc, cầu nguyện và cảm ơn gửi tới các y bác sỹ: “Dành cho những con người đẹp đẽ”, “Cảm ơn vì đã ở đây lúc này!”…
Hôm thứ 4 vừa rồi, ngày 1/4, anh Phong nấu bún bò lần thứ hai, tặng 100 suất cho hai bệnh viện khác.
Mới đây nhất, anh nhận được lá thư đề nghị giúp đỡ từ một y tá ở bệnh viện Belledonne. Trong thư có đoạn: “Người bạn thân nhất của tôi, cũng là một y tá đã bị nhiễm COVID-19 trong quá trình làm việc, hiện đang phải nhập viện trong khoa phổi. Sau khi trải qua quá trình hồi sức, cô ấy đã khỏe hơn rất nhiều và một trong những yêu cầu đầu tiên của cô là khao khát khủng khiếp được ăn món bò bún của bạn.
Tôi đã hứa với cô ấy sẽ tặng cô ấy và tôi không muốn phá vỡ lời hứa của mình. Cảm ơn bạn rất nhiều.”
Đó là lý do mà ngày 6/4, anh Phong lại vào bếp. “Và mình sẽ làm với tất cả lòng biết ơn và yêu thương”, anh Phong thổ lộ.
Một hành động tốt sẽ tạo ra những việc tốt khác
Người Pháp có câu: “Une bonne action en entraine une autre” (Một hành động tốt sẽ tạo ra những việc tốt khác). Anh Phan Việt Phong nói anh rất tin vào điều này.
Bằng chứng là, ngay khi biết tin nhà hàng của anh Phong tham gia nấu ăn tiếp sức cho các y bác sỹ chống dịch COVID-19, nhiều khách hàng và bạn bè đã nhắn tin cho anh xin được chung tay đóng góp.
Người bày tỏ muốn gửi tiền, người trực tiếp đến bếp hỗ trợ, người gửi cho anh khẩu trang để vào viện an toàn hơn.
Một đối tác chuyên cung cấp rau củ mang thực phẩm đến cho anh Phong mà nhất quyết không lấy tiền với lý do: “Đây là điều bình thường ai cũng làm vào lúc này. Tôi mà tính tiền cậu thì tôi là đứa chẳng ra gì”. Dù trước đó ít ngày, người đàn ông này phải đổ bỏ cả vài chục ngàn Euro tiền rau củ vào thùng rác vì các nhà hàng bị đóng cửa đột ngột, không có nơi tiêu thụ.
Cảm động hơn, một nhân viên nhắn tin cho anh Phong xin không nhận lương cho đến hết đợt nghỉ dịch vì muốn chia sẻ khó khăn cùng Obobun. Anh Phong bảo: “Mình có niềm tin mạnh mẽ rằng: Khi mình thực sự hết lòng với ai đó, họ sẽ không quay lưng lại với mình lúc khó khăn. Và đây là thời điểm để mình trải nghiệm những sự ấm áp đó. Có khách hàng, có nhân viên ủng hộ, mình không sợ nếu phải làm lại từ đầu”.
Cũng bởi không sợ nếu phải làm lại từ đầu sau những hệ lụy mà đại dịch COVID-19 toàn cầu này gây ra, anh Phong và những người bạn làm nhà hàng ở thành phố Grenoble vẫn đang tích cực dành quỹ thời gian rảnh rỗi và tài lực còn cầm cự được của mình để chia sẻ, tiếp sức cho các y bác sỹ, những người chiến sỹ blouse trắng ở tuyến đầu chống dịch.
Anh Phong cho hay, việc trở lại bếp trong bối cảnh phần lớn các nhà hàng phải đóng cửa có ý nghĩa tương trợ rất lớn. Một mặt giúp các y bác sỹ giải quyết vấn đề ăn uống, đảm bảo sức khỏe để làm việc, một mặt hỗ trợ phần nào những người nông dân, các nhà phân phối nông sản đang thiếu nơi tiêu thụ.
Những suất ăn kèm theo lời cổ vũ, tri ân được trao đi, những dòng chữ cảm tạ được gửi lại. “Bạn không thể tưởng tượng được niềm hạnh phúc mà bạn mang lại cho chúng tôi trưa nay!” – lời nhắn anh Phong nhận được kèm hình ảnh tô bún bò anh nấu được vị bác sỹ nào đó đăng tải lên mạng xã hội. Gần 20 năm sống tại Pháp, anh Phong tâm sự, chưa bao giờ anh hạnh phúc đến thế khi cảm nhận sâu sắc tình người ấm áp giữa lúc khó khăn. Hay như anh viết trên trang cá nhân, đó chính là “mùa xuân trong mùa dịch”.
Theo HH
Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét