KHỞI ĐẦU
Nhớ lại nay đã gần 2 năm, cuối năm 2017, một sự kiện văn hóa đã xuất hiện tại Việt Nam: nguyên là Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, đã đưa ra đề nghị cải tạo cách viết chữ quốc ngữ. Cách viết của ông ấy làm cho tiếng Việt na ná giống tiếng Trung Quốc được phiên âm bằng ký tự la tinh. Tôi rất buồn, nhưng tôi có thói quen phản ứng tích cực chứ không hành xử tiêu cực. Tôi không tìm cách phê phán ai, tôi chỉ nói tại sao mình không đưa ra một đợt tôn vinh chữ quốc ngữ, cách phản ứng tích cực hữu hiệu cho việc phản bác sai trái. Bởi vì chúng tôi cho rằng chữ quốc ngữ đã quyện vào tâm hồn dân tộc. Tất cả người Việt nói tiếng Việt đều viết chữ quốc ngữ. Bây giờ cứ nhìn thấy chữ quốc ngữ thì người Việt đã tìm thấy tâm hồn, tìm ra ý thơ, nét nhạc. Cho nên mình phải bảo tồn và tôn vinh nó. Mà muốn làm vậy thì trước hết phải tri ân những người tiền bối đã khai sinh ra chữ quốc ngữ.
Ngày 31 tháng 12, 2017 tôi đã đưa lên trang Facebook cá nhân
LỜI ĐỀ NGHỊ: TÔI ĐỀ NGHỊ NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ĐỒNG TÂM HIỆP SỨC TẠO ĐIỀU KIỆN DI DỜI HÀI CỐT CỦA CỤ ALEXANDRE DE RHODES VỀ VIỆT NAM, CHỌN MỘT ĐỊA ĐIỂM CHÔN CẤT THẬT TRANG TRỌNG, ĐỂ DÂN VIỆT CÓ ĐIỀU KIỆN THĂM VIẾNG THẮP HƯƠNG TRI ÂN VỊ ĐẠI ÂN NHÂN NÀY CỦA TOÀN DÂN TỘC. ĐỒNG BÁO NGHĨ SAO? NĐH
Đề nghị này đã được gần 800 người ưa thích, 200 lời bình và 300 người chia sẻ. Một sự ủng hộ nồng nhiệt đến bất ngờ, như khuyến khích tôi bắt tay vào việc.
CON ĐƯỜNG DẤN THÂN CỦA TÔI CHO CHỮ QUỐC NGỮ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂY!
Tôi tìm cách liên lạc qua internet với nhà thờ Kitô giáo Vank tại Isfahan, Ba Tư, cơ sở giáo xứ quản lý khu mộ ISFAHAN. Tôi đã nhanh chóng phải đổi ý kiến vì họ cho hay là theo truyền thống KiTô , việc di dời ngôi mộ một giáo sĩ là hoàn toàn vô vọng!
ĐI TIỀN TRẠM GIẢI QUYẾT THỦ TỤC
Tôi bèn quyết định đích thân sang Ba Tư tìm cách dựng bia tri ân ngài. Đặt một bia đá ở ngôi mộ cổ không phải là việc dễ. Thứ nhất, phải được người quản lý nghĩa địa đồng ý. Thứ hai là phải được nhà thờ chấp thuận, vì đây là nghĩa địa Kitô. Rồi phải có ý kiến quyết định của chính quyền địa phương. Đừng quên Iran đang có chế độ toàn trị hồi giáo cực đoan. Họ coi các đạo giáo khác là thù nghịch.
Biết khó nhưng tôi vẫn lạc quan tin tưởng mình sẽ vượt qua được hết các chướng ngại.
Tháng 5/2018, sau khi liên lạc được với một hướng dẫn viên du lịch người Ba Tư, nhất là người học trò cũ gốc Ba Tư Bijan Borhani đã bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ tại Đại Học Compiègne, dưới sự hướng dẫn của tôi năm 1990, tôi đã thấy có sự giúp đỡ cần thiết để đủ tự tin lên đường sang Teheran.
Đến Istanbul, đổi máy bay đi Ba Tư thì thách thức đến ngay. Học trò tôi nhắn tin là giấy phép đặt bia cần thủ tục chính thức thông qua Đại Sứ Quán Việt Nam. Tôi bảo như vậy là có thể khá lâu. Sau đó vài phút anh ta nhắn là có thể thông qua Đại Sứ Pháp hay Ba Lan. Tôi ý thức ngay là trước mắt rào cản sẽ bề bộn và khả năng được phép lần này sẽ không cao. Tại sân bay tôi soạn thảo nội dung văn bia, dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp rồi gửi đi nhờ học trò dịch ra tiếng Ba Tư. Tôi không quên dặn học trò nên nhờ một nhà văn giúp chỉnh sữa để câu văn hay và chính xác.
Và tôi không thay đổi lịch đi. Chỉ nhắn cho hướng dẫn viên du lịch biết là nên rút ngắn chương trình du lịch, nhanh chóng tổ chức cho tôi đến Isfahan để tập trung xin giấy phép.
Đến Teheran phải sang máy bay nội địa đi Shiraz, rồi lấy xe con theo đường bộ ngang qua các thành phố Yazd, Persepolis, Naein, để ngày thứ 6 là phải có mặt tại Isfahan.
Đến khách sạn trời đã tối, dùng cơm xong là về phòng thư giản sau đường dài. Khách sạn tại đây Internet rất chập chờn, không có mạng xã hội, cũng chẳng có Google! Bận tâm về việc xin giấy phép dựng bia, mãi đến 2 giờ sáng mà không thể chợp mắt. Bỗng thiếp đi lúc nào không biết, rồi mơ màng thấy ngài Alexandre de Rhodes hiện ra trong giấc mơ.
Tôi quan tâm đến ngài chỉ mới đây có mấy tháng, đọc tài liệu về ngài cũng chưa nhiều, hình ảnh ngài lâu lâu xuất hiện trên mạng khi tra cứu… Thế mà trong giấc mơ ngài xuất hiện nhìn tôi với đôi mắt quen thuộc thân tình như một bậc tiền bối của gia tộc. Ngài nhìn tôi nở nụ cười khoan dung, thông cảm như nhắc nhở khích lệ tôi hãy kiên nhẫn trong dự định đang thực hiện.
Sáng thức dậy, sau điểm tâm là phải tìm mua một cụm hoa trên đường đến khu nghĩa địa. Cũng may người tài xế là hướng dẫn viên du lịch, đang sinh sống và biết rõ thành phố Isphahan nên những mong muốn của tôi được giải quyết nhanh chóng với hiệu quả khá cao.
Như hình ảnh đính kèm theo bài, bó hoa chúng tôi định viếng dâng có ba màu rõ nét: Vàng, Xanh, Đỏ… Tôi yêu màu vàng vì màu này thể hiện tính truyền thống dân tộc, màu xanh biểu hiện lòng yêu chuộng tự do tinh thần dân chủ và màu đỏ nói lên khát vọng ngàn đời công bằng, bác ái của dân Việt.
Khu nghĩa địa của người Armenia tại Isfahan rộng gần 300.000m2 được xây dựng đã 500 năm nay tại vùng Jolfa khu ngoại ô của thành phố. Ông Rostam Gharibian, người quản gia khu mộ, đang chờ chúng tôi. Nhắc đến tên cha ADR là ông dẫn ngay đến phần mộ của ngài, được chôn cất tại đây đã gần 400 năm (5/11/1660)!
Mộ ngài nằm song song với hai mộ khác, nhỏ hơn. Tôi không nhìn thấy tên ngài trên bia hiện hữu, tấm đá dày đậy trên quan tài. Một lớp bụi thời gian đang che khuất. Tôi nhờ ông Gharibian cho gọi nhân viên mang một thùng nước và tấm khăn chùi rửa sạch sẽ. Quan sát kỹ tên Alexandre de Rhodes hiện ra bên dưới có ghi rõ năm tháng ngài mất!
Tôi lại cho gọi tài xế cho xe chở bó hoa vào bên mộ ngài ADR. Khu mộ khá rộng rãi, khoáng đãng, xe hơi có thể thoải mái đến thẳng gần chân mộ. Tôi tự mình mang cụm hoa ba màu, trân trọng đặt trên tấm bia trước khi bắt đầu hành lễ tưởng niệm tri ân.
Điều lạ là dưới ánh nắng trưa, sau khi tẩm nước, tấm bia cổ đã đổi thành hai cung bậc trắng đen, tự nhiên xuất hiện một đoàn người đang kéo nhau đi… Người đi đầu còn đội chiếc nón lá truyền thống Việt Nam.
Tôi trân trọng đặt bó hoa lên phần mộ và bắt đầu làm lễ tri ân. Tôi khấn vái ngài ADR phù hộ cho một nước Việt Nam hòa bình, dân chủ, cho người Việt Nam ấm no, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Sau khi hành lễ và chụp hình lưu niệm, chúng tôi được ông Arman Simonian, giám đốc khu nghĩa địa, mời về văn phòng uống trà đàm đạo. Sau khi nghe tự giới thiệu về mình và trình bày mục đích thăm viếng mộ, ông Simonian xem xét rất kỹ nội dung văn bia đã soạn sẵn dùng 4 thứ tiếng Việt-Pháp-Anh-BaTư.
Ông gật gù thích thú là văn bia có cả tiếng Ba Tư với dòng chữ rất đúng chính tả. Ông nói ngay là, với một tinh thần vô tư và nhân văn như vậy, có lẽ sẽ không có vấn đề gì về thủ tục.
Nghe ông nói, tôi như cởi tấm lòng, rồi theo ông đi xem các mẫu bia đã đặt trước đây tại nghĩa địa. Ông bảo vì là mộ cổ, chúng tôi không được phép dựng bia thẳng đứng như hiện nay mà phải tuân thủ chuẩn đang áp dụng. Bia phải thấp, dựa lưng vào mộ, ngay trước đầu mộ hay nằm theo sườn mộ. Vì nội dung đã soạn có đến 4 thứ tiếng nên giải pháp thứ hai (với kích thước 160x50x3 cm) là hợp lý nhất (xem sơ đồ tôi phát họa ngay sau buổi bàn thảo với giám đốc khu nghĩa trang). Vì đá là vật liệu giòn dễ vỡ, tôi quyết định thuê thợ thực hiện tấm bia dài 1,6 mét ngay tại Isfahan. Còn tâm nguyện mang đá từ Quảng Nam sang Iran, tôi sẽ giành cho tấm bia nhỏ hơn (60x50x3 cm) mà nội dung ngắn sẽ xác định sau.
Chúng tôi từ giã ông, cám ơn ông và hẹn gặp lại sau khi bàn thảo với Ban Giao dịch công chúng của nhà nhà thờ Vank…
Trên đường về khách sạn, ngồi trên xa nhìn đường phố Isfahan nhộn nhịp dưới những tàng cây sum sê tỏa mát, lòng tôi rạo rực một tinh thần lạc quan khác với cách đây mấy hôm.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến giáo đường Thiên Chúa VANK là gặp ngay người chủ nhiệm Ban Giao dịch Dân chúng. Ông này trả lời ngay là nhà thờ đã xem nội dung văn bia, chỉ cần chính quyền thành phố bật đèn xanh là xong.
Chúng tôi cũng đã tìm đến cửa thứ ba là Cục Quản Lý Văn hóa, cách nhà thờ Vank không xa lắm. Cục này là một cơ quan có cơ sở khang trang, có ban thư ký túc trực. Người thư ký (nam) cho chúng tôi hay là ông chủ nhiệm đi vắng có việc và yêu cần chúng tôi kiên nhẫn chờ nhiều lắm là 20 phút. Nhưng chỉ sau 10 phút là ông Giám đốc xuất hiện, ân cần mời chúng tôi vào văn phòng bên cạnh. Văn phòng khá trang nghiêm rộng rãi. Phía sau ghế ngồi của giám đốc có ảnh hai vị lãnh dạo nhà nước Hồi giáo là các cố lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini và đương kim lãnh đạo Ayatollah Ali Khamenei.
Sau khi nghe chúng tôi giải thích chuyến đi và tham khảo nội dung văn bản bia sắp dựng, ông tỏ vẻ rất hài lòng. Nghe tôi bảo là tôi đã từng có sinh viên, nhất là nghiên cứu sinh tiến sĩ người Iran tại Đại học Liège, ông rất vui, bảo đang có người cháu cũng đang du học tại Bỉ. Ông nói việc này không cần văn bản cho mất thời gian, chỉ cần nhà thờ Vank đóng con dấu vào nội dung bài văn bia là được. Rồi ông điện thoại ngay cho nhà thờ Vank cùng ban quản lý nghĩa địa xác nhận đồng tình của Cục Quản Lý Văn hóa thành phố.
Ông cũng vui vẻ chụp hình lưu niệm cùng tôi và chúc chúng tôi thành công trong công việc…
Như vậy, việc dựng bia không phải là động tác giản dị, phải qua 3 cửa nhưng không cửa nào chúng tôi gặp trở ngại. Từ cấp cao cho đến cấp thấp, tôi không thấy có dấu hiệu vòng vo, vòi vĩnh đáng chê trách nào cả.
Chúng tôi ghé lại nhà thờ lấy con dấu, sau đó ghé lại khu nghĩa địa để cụ thể hóa việc thiết kế và xây dựng bia. Té ra các thợ khắc chữ và dựng bia nằm ngay trong khu nghĩa trang. Tất cả các bàn bạc kỹ thuật đều được ông Giám đốc nghĩa địa tham gia. Tuy tôi có mặc cả về giá thành, hợp đồng hai bên đã được thỏa thuận khá nhanh, ký kết văn bản viết tay ngay tại chỗ.
Việc tôi quan tâm nhất là chi tiết kỹ thuật khắc chữ. Tôi đã phải trực tiếp làm việc với thợ khắc chữ vì tôi e họ không quen khắc chữ quốc ngữ Việt Nam! Tôi thêm: coi chừng có sai là tôi sẽ yêu cầu sữa chữ ngay và trách nhiệm sẽ về phía nhà thầu. Bia phải bảo đảm tuổi thọ hàng trăm năm.
Tôi cũng bàn thêm chi tiết nền móng cho việc đặt bia, xác định giá thành tổng hợp và chi trả 20% ngay tại chỗ gọi là tiền đặt cọc.
Đề án đặt bia tri ân ngài Alexandre de Rhodes (ADR) như vậy đã được lên kế hoạch và đã hoàn tất thủ tục cũng như ký kết chi tiết kỹ thuật thi công.
Trưa hôm ấy 28/5/2018, tôi đã mời ông Hojat, người hướng dẫn, đi ăn nhà hàng với chúng tôi. Chưa bao giờ tôi dùng món thịt trừu nướng than hồng với cơm Ba Tư ngon miệng như thế.
Một kết quả nhanh đến bất ngờ nhờ chuẩn bị kỹ lưởng: Văn bia cô đọng đa ngữ, có ngôn ngữ người bản xứ. Và có lẽ thông hành thứ hai dự phần là chút uy tín nhỏ, còn sót lại của nguyên một giáo sư đại học tại Bỉ.
NGÀY KHÁNH THÀNH BIA TRI ÂN
Gần 6 tháng sau, bia tri ân đã chính thức được trân trọng đặt để và một buổi lễ khánh thành long trọng, ấm cúng và trang nghiêm đã được tổ chức tại mộ phần cha Alexandre de Rhodes sáng ngày 5/11/2018, nhân ngày giỗ thứ 358 của Cha.
Buổi lễ đã có sự tham dự của chính quyền thành phố: ÔngMazaheri (cộng đồng Hồi giáo tại Isfahan – cộng đồng chủ quản), Ông Gestabian (cộng đồng Kitô giáo Armenian tại Isfahan), Bà Gukasian (trưởng phòng quan hệ dân chúng nhà thờ VANK) và 20 công dân Việt Nam đến từ ba miền đất nước, có cả người Việt định cư ở nước ngoài.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Viện Trưởng Viện Tôn Vinh Quốc ngữ (ĐH Duy Tân) đã phát biểu mở đầu trong sự xúc động sâu lắng của cử tọa:
“Hôm nay, chúng tôi, những thường dân từ Việt Nam xa xôi, là nội trợ gia đình, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cổ học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương. Chúng tôi vượt không gian trên 6000 km tụ tập về đây, nhân ngày giỗ thứ 358 của ngài.
Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày Chữ Quốc Ngữ.
Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi lên bia đá: ‘Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ – chữ Việt viết theo ký tự Latinh’ (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet).
…
Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần dầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm và lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!”
Sau đó, các vị khách quí đã phát biểu bằng tiếng Ba Tư, tiếng Anh. Nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu và nhà văn Hoàng Minh Tường đã có bài phát biểu.
Cộng đồng qua đại diện là bà Anna Owhadi Richardson, Chủ tịch Hội Ái hữu Alexandre Yersin (AD@lY) đã gửi lời chia sẻ và ủng hộ bằng tiếng Pháp.
Buổi lễ thắp hương và dâng hoa đã diễn ra sau đó.
Sáu phụ nữ trong đoàn trong trang phục áo dài đội nón lá truyền thống, đã nhẹ nhàng kéo về phía sau nấm mộ một tấm lụa lớn, mang đến từ Hội An có in hình trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của dân tộc Việt và ba hàng chữ quốc ngữ viết theo phong cách thư pháp
CHỮ QUỐC NGỮ CÒN, TIẾNG VIỆT CÒN, NƯỚC VIỆT CÒN
Hai tấm bia vừa được đặt đã từ từ hiện ra, cùng một lúc cả đoàn đã khoan thai nhẹ nhàng cất tiếng đồng ca bài Tình ca của nhạc sỹ Phạm Duy…
Một buổi sáng trời trong của cố đô Ba Tư, trước chứng kiến của đông đảo các khách quý, ban Giám đốc và công nhân khu nghĩa địa, đã vang lên trong trong nghẹn ngào xúc động lời ca:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời …
Hương đã được đốt, nến đã được thắp, bó hoa hồng tươi thắm ba màu vàng, xanh, đỏ, đã được trân trọng đặt lên mộ bên cạnh các văn bia rõ nét trong ánh nắng rực rỡ của xứ Ba Tư, ngày cuối thu…
Các vị khách quý, và đoàn người Việt Nam lần lượt từng người đặt một nhánh hoa hồng, cũng theo thứ tự vàng, xanh, đỏ trên mộ ngài Alexandre de Rhodes.
Cuối cùng, ba thành viên thuộc tín ngưỡng KiTô đã đọc kinh thỉnh nguyện bên cạnh mộ.
GS Nguyễn Đăng Hưng đã nói lời bế mạc buổi lễ, không quên hẹn mọi người sẽ gặp lại một ngày không xa, trong buổi khánh thành quan trọng hơn, đó là ngày khánh thành Không gian Tri ân và Tưởng niệm tiếng Việt và Chữ Quốc Ngữ tại Thanh Chiêm, Việt Nam.
Không gian này sẽ được phát động thiết kế, huy động vốn thực hiện, bắt đầu từ năm 2019, năm kỷ niệm 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm đứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận Chữ Quốc Ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt trên toàn cõi Việt Nam!
Đây là một câu chuyện khá dài, đang rất thời sự mà chúng tôi sẽ kể lại trong một dịp khác…
TẤM LÒNG THÀNH
Khi đứng ra cáng đáng việc tri ân các bậc tiền bối, nhất là các giáo sĩ, chúng tôi đã không đứng theo lập trường của người Pháp có đầu óc thực dân ca tụng quá đáng ngài Alexandre de Rhodes, chúng tôi cũng không đứng theo một số học giả lên án ngài một cách oan ức, chúng tôi cũng không quan tâm đến việc “Dòng Tên không yêu chuộng lắm” vì ngài đã thành lập Missions étrangères (dòng thừa sai) tại Paris với hy vọng có lý do để trở lại Đại Việt!
Chúng tôi chỉ là người Việt bình thường, uống nước nhớ nguồn, tri ân những ai đã có công tác tạo và phổ biến Chữ Quốc Ngữ mà chúng tôi và con cháu đang xử dụng rất có hiệu quả ngày nay!
Chúng tôi làm tất cả để không phân biệt giáo lương, sắc tộc, thành phần xã hội, trong và ngoài nước, quá khứ cá nhân…
Chúng tôi mong mỏi những ai nói tiếng Việt, viết chữ quốc ngữ sẽ có dịp ngồi lại gần nhau, cùng hát bài Tình Ca “tôi yêu tiếng nước tôi…”.
Chúng tôi cũng nói rõ trong mỗi lần chiếu phim là chúng tôi, vốn người ngoại đạo, không phải là nhà ngôn ngữ học, nhà sử học, chúng tôi chỉ là nhà cơ học hàng không không gian, một kỹ sư, một giáo sư đại học về công nghệ…
Chúng không bao giờ muốn nói thay, làm thay các chuyên gia và luôn luôn nghe ngóng, sữa chữa những gì chưa đạt, chưa rõ, vì trình độ còn hạn hẹp của mình trong lĩnh vực này…
Cũng có lẽ vì là chuyên gia của công nghệ rạn nứt, thứ khoa học phân tích nguyên do của sự phá hủy vì các vết nứt, tìm cách hàn gắn, chạy chữa khi có sự cố để bảo vệ an toàn cho người xử dụng cấu trúc…, nên chúng tôi không thích việc phân ly, chia rẽ, nhất là rất buồn khi thấy có gì xảy ra mà chúng tôi vô tình không hay biết trong quá trình hành động, huy động tổ chức các sinh hoạt cần thiết, họp mặt về chữ quốc ngữ, tiếng Việt!
Mong những ai đã hiểu lầm hãy bình tâm hiểu rõ tấm lòng của chúng tôi!
Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn khuya 5/11/2019
Bia tri ân tại Ba Tư, một năm qua
Nguyễn Đăng Hưng
6-11-2019
Ảnh lưu niệm toàn đoàn ngày khánh thành
Hôm nay là ngày giỗ thứ 359 của Cha Alexandre de Rhodes, người có công to lớn trong công trình tập thể tác tạo ra chữ quốc ngữ.
Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm tròn một năm chúng tôi cùng 20 thân hữu người Việt Nam sang Isfahan, Ba Tư, tổ chức lễ khánh thành bia tri ân cha Đắc Lộ ngay trên ngôi mộ của ngài.HÌNH ẢNH NGÀY ĐI TIỀN TRẠMGhé Persepolis trên đường đến Isfahan Biểu tượng của thành phố Isfahan Lẳng hoa tri ân đặt ngày tiền trạm và hình đoàn người xuất hiện ngẩu nhiên trên mộ ngài Alexandre de RhodesVăn bản chính thức có con dấu cho phép của nhà thờ VANK Lưu niệm cùng đối tác chủ thầu dựng bia Lưu niệm cùng Giám đốc Cục Quản Lý Văn hóa thành phố Isfahan Bia đá mang theo đã được thực hiện tại Quảng Nam Giáo sư Hưng phát biểu ngày khánh thành Các bia và mộ ngài Alexandre de Rhodes dược phủ lên từ tấm lụa thực hiện tại Hội An Chi tiết tấm bia mang theo lấy từ Quảng Nam Ảnh lưu niệm toàn đoàn ngày khánh thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét