Nhân việc ông Lý Bảo chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Vùng Washington, DC, Maryland, và Virginia trả lời đài VOA và báo Người Việt sẵn sàng đối thoại nhân quyền với ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới, xin được kể lại câu chuyện ông Võ văn Kiệt khi sang thăm Úc châu tháng 5/1993, đã có những “thu xếp” để gặp Cộng đồng Người Việt Tự Do Úc châu. Khi ấy tôi là chủ tịch Cộng đồng thủ đô Canberra và phó chủ tịch Cộng đồng Úc châu nên nắm được khá nhiều thông tin về việc này. Tôi cũng đã gởi bài viết cho ông Võ Minh Cương chủ tịch Cộng đồng NSW và Cộng đồng Úc châu lúc ấy, đọc vừa để đối chiếu thông tin vừa xin ý kiến.
<!>
Cú điện thoại bất ngờ…
Thông tin về việc ông Kiệt sang Úc được chính thức thông báo chừng hai tháng trước chuyến đi, đồng thời có tin đồn ông Kiệt muốn gặp Ban Chấp Hành Cộng đồng Úc châu.
Ngay sau đó tôi nhận được điện thoại từ vị chủ tịch tiền nhiệm, theo Nội Quy ông ta là Cố vấn cho Ban Chấp hành. Ông nêu rõ quan điểm là Cộng đồng cần gặp ông Kiệt để tranh đấu cho nhân quyền. Tôi ghi nhận ý kiến cố vấn và mời ông tham dự họp Cộng Đồng để lấy quyết định chung.
Chỉ vài hôm sau có tin đồn Cộng đồng đã đồng ý gặp ông Kiệt để đấu tranh cho nhân quyền.Khi ấy nhiều người tin rằng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến chuyện thay đổi chính trị, ông Kiệt lại được xem là một nhà cải cách nên rất nhiều người quan tâm đến tin đồn.Có người còn khuyến khích vì tôi đã từng “đối thoại” với ông Vũ Oanh, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI khi ông ấy sang thăm Úc vào năm 1989.
Ý kiến của Hội Cựu Quân Nhân…
Sau khi gởi thư mời họp Cộng đồng tôi điện thoại đến hầu hết các tổ chức và nhân sỹ được mời vừa để nhắc họ tham dự cuộc họp vừa để tham khảo ý kiến.
Tôi nhớ mãi cuộc điện thoại cho ông Đỗ Quang Năng, chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân, người bắt điện thoại là cụ Trần văn Lắm, cựu Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa. Ông Năng là con rể cụ Lắm. Cụ Lắm khuyên tôi nên gặp ông Kiệt vì “ông ấy là người miền Nam mình sao thì cũng dễ nói chuyện”… sau một hồi trao đổi tôi mời cụ Lắm tham dự cuộc họp để lấy quyết định chung.Có lẽ ông Năng đã nghe được câu chuyện giữa chúng tôi, nên khi cụ Lắm trao điện thoại cho và sau đôi lời mở đầu ông nói rất lớn để cả cụ Lắm nghe:
“Chúng tôi là người lính, anh là lãnh đạo cộng đồng, chỉ còn vài tuần nữa, anh thu xếp làm gì thì cho biết chúng tôi làm, còn anh là người chịu trách nhiệm trước cộng đồng.”
Tôi cám ơn và mời ông tham dự cuộc họp để lấy quyết định chung.
Quyết định chung…
Cũng nhờ vậy mà cuộc họp đã tiến hành khá sớm, khá đông người tham dự, rất sôi nổi và đưa ra quyết định (1) chỉ gặp khi có giấy mời chính thức và mục đích chỉ để tranh đấu cho nhân quyền; (2) chỉ gặp khi có nghị trình rõ ràng, công khai và có báo chí tham dự; (3) chỉ gặp khi có sự đồng thuận của đa số các tiểu bang và liên bang; và (4) bắt buộc phải có biểu tình. Được biết các Cộng đồng tiểu bang khác cũng có những buổi họp và ra những quyết định tương tự.
Chính thức được mời…
Vì biểu tình tại Quốc Hội Úc tại Canberra nên tôi phải làm việc với Cảnh sát liên bang, Cơ quan an ninh bảo vệ Quốc Hội và Cơ quan Tình báo Úc.
Cảnh sát Liên bang là cơ quan đầu tiên chính thức đề nghị tôi nên nhận lời mời của ông Võ văn Kiệt, tôi cho họ biết quyết định của Cộng đồng và tôi chỉ là người chấp hành. Sau đó Cơ quan Tình báo Úc cũng hỏi và tôi cũng trả lời như trên.Chừng 10 hôm trước cuộc biểu tình Văn phòng Thủ tướng Úc, mời tôi và chừng 10 người khác tham dự một cuộc họp, đã chính thức đề nghị chúng tôi gặp ông Võ văn Kiệt.
Tất cả những người tham dự đều cùng một tiếng nói với Cộng đồng là chỉ “đối chất” về nhân quyền, phải công khai, phải có báo chí tham dự và đòi hỏi một phái đoàn đi Việt Nam điều tra nhân quyền.Trong cuộc họp, khi được hỏi tôi cho biết Cộng đồng ủng hộ việc Úc viện trợ xây cầu Bắc Mỹ Thuận, nhưng vì đó là tiền thuế của dân Úc, mà Việt Nam là ổ tham nhũng, nên Úc cần kiểm tra chặt chẽ việc chi tiêu.
Sau cuộc họp tôi đã viết một lá thư gởi Thủ tướng Paul Keeting nói rõ quan điểm Cộng đồng.Đài ABC Úc phỏng vấn ông Võ Minh Cương chủ tịch Cộng đồng Liên bang cũng đã nêu rõ quan điểm của Cộng đồng.Để sẵn sàng Cộng đồng Liên bang đã thu xếp một số người trong đó có tôi sẵn sàng vào đối chất với ông Kiệt.
Về phía ông Võ văn Kiệt cho đến bây giờ không có thông tin chính thức, nhưng nhiều tin đồn được đưa ra như muốn gặp sao còn tiếp tục biểu tình, bỏ cờ vàng ông sẽ gặp…
Biểu tình…
Đoàn xe chở ông Kiệt vào cửa sau Quốc Hội rất sớm, ông đưa tay tươi cười chào chúng tôi. Khi đoàn xe rời Quốc Hội, người biểu tình chật cứng bên đường, xe ông Kiệt vừa quẹo ra thì hằng loạt bảng biểu tình, táo, cam, tiền cắc, có cả súng công an giả, giây xích nhựa để giả tù nhân,… ào ào tung ra, chiếc xe chở ông lảo đảo xém đâm vào đoàn biểu tình, ông Kiệt không ngờ trước, sợ hãi thấy rõ, mặt tái mét. Tôi đứng trên cao quan sát mọi việc.
Cảnh sát bắt anh Luân vì thấy anh là người ném đầu tiên. Tôi rời ngay đoàn biểu tình lên gặp 2 ông Cao Ủy Cảnh sát Liên bang và An ninh Quốc Hội, đang đứng cạnh nhau, tôi nói với họ:
“Ông ấy còn ở Canberra, các ông lại bắt người của chúng tôi, đoàn biểu tình sẽ phẫn nộ truy đuổi ông ta tới cùng, tôi đề nghị các ông thả ngay người bị bắt, bằng không tôi sẽ nói với người của tôi họ muốn làm gì cứ làm”.
Ông Cao Ủy Cảnh sát Liên bang cười quay sang ông Cao Ủy An ninh Quốc Hội xin ý kiến và ra lệnh thả anh Luân. Khi tôi đến nhận thả anh Luân, một cô cảnh sát chìm mặc thường phục, còn rất trẻ, đóng vai người đi xem biểu tình, phàn nàn với tôi có người đã đấm vào mặt cô ta, tôi phải đại diện cộng đồng xin lỗi cô. Truyền thông, báo chí hôm ấy rầm rộ đưa tin với hình ảnh cộng đồng Việt Nam phẫn nộ lãnh đạo cộng sản Võ văn Kiệt thăm Úc.
Có người nói với tôi “đó là trận đánh lịch sử” vì ít hôm sau Quốc Hội Úc chính thức mang phản ứng cộng đồng ra thảo luận với biên bản được Quốc Hội lưu giữ.
Điều hết sức bất ngờ
Phía trước Quốc Hội hằng ngàn người khác biểu tình, ông Võ Minh Cương chủ tịch Cộng đồng cùng một phái đoàn vào Quốc Hội gặp chính giới Úc. Khá bất ngờ ông Võ văn Kiệt đã đồng ý với Thủ tướng Úc Paul Keeting để một phái đoàn đi Việt Nam điều tra nhân quyền.
Chừng 1 năm sau phái đoàn lên đường có 2 người Việt tham dự là giáo sư Thomas Trang và bà Hồ Mai. Mặc dù kết quả rất khiêm nhượng nhưng đây là bước ngoặc quan trọng vì Hà Nội luôn luôn phủ nhận việc vi phạm nhân quyền và đây là phái đoàn đầu tiên cấp quốc gia chính thức đi Việt Nam điều tra.
Ba chuyện ghi nhớ…
Trước ngày biểu tình một cậu sinh viên đến gặp tôi cho biết sao mấy hôm nay ba anh cứ đi qua đi lại chửi cộng sản. Tôi giải thích và khuyên anh thu xếp chở cha anh đi biểu tình.
Sáng sớm hôm biểu tình một bác trao cho tôi hai bịch đồ ăn để mang ra biểu tình. Bác cho biết rất muốn ra biểu tình nhưng con trai bác trước 30/4/1975 đi du học và theo cộng sản, nên nếu bác ra cậu ấy sẽ cằn nhằn.Một gia đình miền Bắc vừa từ Hồng Kông sang tỵ nạn nói với tôi, trước năm 1954, miền Bắc cũng sử dụng cờ vàng nên anh rất xúc động khi được chào lại lá cờ.
Sau biểu tình gia đình anh đi bộ về thì gặp đoàn xe chở ông Kiệt, thấy anh cầm cờ vàng, ông nhìn ra với một cặp mắt và khuôn mặt rất khác thường…
Đối thoại với Bộ trưởng Vũ Oanh…
Năm 1989, tôi học cao học kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc gia, thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Úc, được mời tham dự cuộc họp với ông Vũ Oanh, Bộ trưởng Bộ Kỹ Nghệ sau này mới biết ông là Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI.
Cuộc họp ngoài ông Vũ Oanh có vài người Việt khác. Phía Trung tâm tham dự chừng 10 người đa số là giáo sư, có 3 sinh viên, 1 Úc và 2 Việt. Ông Oanh sau khi nói về việc Việt Nam đổi mới và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Ông quay sang anh Sơn sinh viên du học nói ít câu xong quay sang khuyên nhủ tôi “ráng học giờ chính phủ đã cho cơ hội về giúp nước”.
Sau khi người thông ngôn dứt lời tôi nói: “cám ơn ông, tôi là người tỵ nạn cộng sản nên luôn cố gắng học, mong ngày trở về giúp nước, nhưng ngày tôi trở về các ông sẽ không còn cầm quyền”. Người thông ngôn dịch lại nguyên văn, mặt ông xám lại tay ông chỉ thẳng vào mặt tôi, giận dữ gằn giọng: “Về mà chống đối nhà nước là sẽ không tha, sẽ giết như giết bọn phản động Trần văn Bá, Hoàng Cơ Minh,… cứ về đi để mà chết…”.
Điều đáng ghi nhận là người thông ngôn dịch lại đúng những lời ông nói, tôi ngồi đợi người thông ngôn chấm dứt xong quay sang hướng các vị giáo sư phân trần: “Các ông bà chứng kiến, ông ấy đòi giết tôi, ông ấy hăm dọa giết tôi, may mà tôi đang ở Úc, không chắc ông ấy đã ra lệnh giết tôi…” Cuộc họp xem như chấm dứt.
Lẽ ra ông Vũ Oanh còn một cuộc họp nữa nhưng do tôi đã báo cho sinh viên và cộng đồng biết nên chừng 50 người đã đến tham dự. Do ông Oanh không tới tôi đã chuyển cuộc họp thành cuộc tường trình cho mọi người về cuộc họp buổi sáng đồng thời chất vấn giáo sư David Marr người đứng ra bảo trợ ông Vũ Oanh. Ông Marr cũng tham dự buổi họp ban sáng. Một người tham dự buổi tường trình đã viết lại và phổ biến khá rộng rãi trên báo chí Úc và Mỹ.
Sau đó giáo sư Helen Hughes, giám đốc Trung tâm, có gặp tôi để tìm hiểu thêm. Hầu hết các giáo sư đều xem việc tôi làm là bình thường, có vị còn cho biết, ông từng tấn công cả cảnh sát, tôi trả lời không có ý định tấn công ông Oanh vì như vậy là phạm luật và tôi có thể bị đuổi học. Các giáo sư không nói ra nhưng đều coi thường ông Vũ Oanh, riêng giáo sư David Marr khi tôi hỏi trong cuộc họp vào buổi chiều cho biết: “không gì đáng ngạc nhiên vì cả cuộc đời ông Vũ Oanh chưa bao giờ gặp đối lập”.
Chuyện xưa chuyện nay
Khi trả lời cụ Trần văn Lắm tôi có nói rõ quan điểm cá nhân: “Tôi không chống ông Kiệt vì ông ấy là người Nam hay người Bắc, tôi chống ông ấy vì ông ấy đại diện cho đảng Cộng sản, nếu cộng sản trả lại tự do cho dân tôi thì không còn lý do để tôi chống ông ấy”.
Giờ nhìn lại thiết nghĩ chúng tôi đã làm tốt nhất những gì có thể làm được. Một bài học về đa nguyên chính trị, quyết định dân chủ và lãnh đạo cộng đồng ghi nhớ nhất trong 4 năm đại diện cho Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra. Còn việc ông Võ văn Kiệt không gặp cộng đồng có lý do của ông ấy. Điều đáng nói là ông Kiệt đã nhận lời để một phái đoàn sang Việt Nam điều tra nhân quyền. Sau này nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng đòi Hà Nội được có các phái đoàn điều tra nhân quyền.
Trở lại chuyện ông Lý Bảo chủ tịch Cộng Đồng Washington thách thức gặp ông Nguyễn Phú Trọng, theo tôi Mỹ khác Úc, thời cuộc đã khác xưa, nhưng điều mà người dân mong muốn vẫn là một thể chế tự do cho Việt Nam. Chính vì vậy tôi viết lại câu chuyện mong chia sẻ một chút kinh nghiệm mà cộng đồng Úc châu chúng tôi đã trải qua.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
6/9/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét