Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Về Mái Trường Xưa Gia Long - Sương Lam

BiaTruosBiasauDSDHGLTG Houston 2019.JPG 
Đây là bài số bốn trăm tám mươi ba (483) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ OregonThời Báo, Portland, Oregon. Học trò xứ Mỹ đã đi học lại gần 3 tuần rồi vào tháng 9 mùa Thu. Ngày đầu tiên mùa Thu ở xứ Mỹ năm nay là ngày Thứ hai 23 Tháng 9 năm 2019.  Ngày thứ hai là ngày người viết phải viết bài dành cho mục Một Cõi Thiền Nhàn đặc biệt cho tuần báo Oregon Thời Báo tại Portland, Oregon, quê hương thứ hai của người viết, kể từ khi rời xa đất mẹ Việt Nam. Mùa Thu với lá vàng, với những cơn mưa buồn thường làm cho những người sống nhiều với trái tim tình cảm thường tìm về những kỷ niệm dấu yêu ngày xưa cũ.
<!>
 Người viết xin mời quý thân hữu cùng Về Mái Trường Xưa Gia Long với người viết nhé.
  Đây là tâm tình của một cựu nữ sinh Gia Long đóng góp vào Đặc San Gia Long chủ đề "Về Mái Trường Xưa" được phát hành trong kỳ Đại Hội Gia Long Lần Thứ 9 tại Houston, Texas vào tháng 3 năm nay. 
 Hy vọng các cựu nữ sinh Gia Long và các "cây si" Gia Long ngày cũ sẽ thấy mình thấp thoáng trong bài tâm tình này.  Vui thay!
 Về Mái Trường Xưa Gia Long

F4EDD0A2-B9C5-4B59-87F6-2635FED3B5BA.jpeg

Trong khi dọn dẹp lại tủ sách, tình cờ tôi tìm lại được quyển  “Lưu Bút Ngày Xanh” lúc còn học trường nữ trung học Gia Long trong niên khóa 1960 của Lớp Đệ Tứ (Lớp 9 bây giờ).  Đây là năm cuối của học trình Trung  học  Đệ nhất Cấp vì sau khi thi bằngTrung Học Đệ Nhất Cấp thì sẽ có một số nữ sinh nghỉ học hoặc đi làm việc hoặc đi theo “các cô áo đỏ sang nhà khác” rồi.
 Nhìn những gương mặt ngây thơ của bạn bè ngày xưa cũ, trong đó có chị NgọcLan  và chị Tố Quyên là cựu nữ sinh Gia Long của Gia Long Houston  bây giờ, của chị  Đào Tơ, Âu Hợp Kim, Hường Liên, Cẩm Nhung v..v...và đọc  những  câu thơ vụng dại “cọp dê” của  các nhà thơ, nhà văn đàn chị các lớp trên víết vào trang giấy hồng cho có vẻ  tình cảm nồng nàn tha thiết một chút, tôi lại thấy cả một khung trời kỷ niệm của một thời áo trắng Gia Long lại hiện về.

 Tôi lại lan man nhớ lại thời học trò  ngây thơ, hồn nhiên của tôi thuở thanh bình thạnh trị nơi quê nhà, xin được ghi lại đây gọi là chút “gợi nhớ hương xưa” đối với các bạn bây giờ đã bắt đầu bước vào tuổi “lảnh lương của chính phủ nơi xứ người.

Ngày xưa chúng tôi 6 tuổi mới bắt đầu đi học trường tiểu học.  Bắt đầu là lớp năm,  chứ không có lớp mẫu giáo như bây giờ  ở Mỹ  là phải đúng 5 tuổi tính đến ngày sinh mới được nhận vào lớp mẫu giáo (Kindergarten). Học hết lớp năm, mới được lên lớp tư và cứ tuần tự lên lớp ba, lớp nhì, lớp nhất mỗi năm, nếu  có học lực trung bình thi đậu kỳ thi cuối năm, đừng có làm biếng học thì sẽ bị ở lại lớp ngay.

Học hết lớp Nhât thì phải thi lấy bằng Tiểu Học.  Có đậu bằng tiểu học rồi thì mới được dự thi vào trường trung học công lập.

Vào thập niên 50, ở Saigòn chỉ có trường nữ Trung học Gia Long dành cho nữ sinh, và trường Petus Ký dành cho nam sinh. Nữ sinh, nam sinh học riêng chứ không học chung như bây giờ và phải mặc đồng phục màu trắng khi đi học.

Thi đậu vào các trường trung học công lập không phải là chuyện dễ vì bạn phải là học sinh giỏi mới có thể có tên trên “bảng giấy”  sau một kỳ thi tuyển toàn quốc để chọn “nhân tài”.  Một phần khác, bạn phải là người có số may mắn nữa mới được.  Nhiều học sinh giỏi ở bậc tiểu học mà cũng bị “trợt vỏ chuối” hoài.

 Tôi có số may mắn nên thi đâu đậu đó, có lẻ nhờ má tôi  cho ăn chè đậu đỏ nhiều trước khi đi dự thi hay chăng?

 Tôi vẫn nhớ ngày đi nghe kết quả trúng tuyển vào trường nữ trung học Gia Long năm 1956, mẹ tôi và tôi hồi hộp lắng nghe loa phóng thanh đọc tên và số báo danh của “sĩ tử” đuợc trúng tuyển,   Lo sợ, hồi hộp lắm bạn ạ!  Khi nghe tên mình được xứng danh, tôi đã la lớn và nhảy tưng lên, xong rồi lại chen lấn dò xem có tên mình trên bản danh sách trúng tuyển được dán trong một khung lưới  trước cổng trường rồi mới chịu theo má tôi về nhà.

 Thế là con bé nhỏ nhắn bé ti tẹo kia bây gìờ là nữ sinh một trường nữ trung học  danh tiếng nhất Việt Nam rồi đấy nhé.  Mẹ tôi đặt may ngay cho tôi hai bộ áo dài trắng để thay đổi khi đi học.

SLmothuohoctro.jpg

Chương trình  học ở trung học gồm có hai phần: Trung học đệ nhất cấp và Trung học đệ nhị cấp.

 Chương trình Trung học đệ nhất cấp dành cho học sinh lớp đệ thất (Mới vào năm thứ nhất), đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Cuối niên học mỗi lớp  sẽ có một kỳ thi lên lớp.  Nếu đậu  kỳ thi cuối niên học mới được lên lớp kế tiếp, nếu rớt thì phải ở lại lớp.  Thi rớt hai lần ở mỗi lớp  sẽ bị đuổi ra khỏi trường.  Cuối năm lớp Đệ Tứ là phải thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.  Nếu đậu, mới được tiếp tục lên học chương trình Trung học đệ nhị cấp.

 Chương trình đệ nhị cấp gồm có lớp đệ tam, đệ nhị, đệ nhất. Bắt đầu lớp đệ tam là học sinh phải chọn ban ngành để học cho đến hết chương trình đệ nhị cấp này.  Học sinh có thể chọn ban học tùy theo sở thích, khả năng của mình.  Có ba ban: ban A là ban  Lý Hóa Vạn  Vật, Ban B là ban Toán và Ban C là ban Văn Chương.  Tôi thì  “văn dốt toán dở” nên chỉ có ban A là thích hợp nhất tuy rằng  tôi cũng khoái thơ văn, thích làm thi sĩ lắm.
Đậu Tú tài 1 rồi thì mới được lên học lớp Đệ Nhất để tiếp tục thi Tú Tài 2 cuối năm và con đường tương lai mới được rộng mở sau cánh cửa Đại học, nếu bạn đậu Tú tài 2.
 Thi Tú Tài 1 và 2  ngày xưa  phải thi cả phần viết lẫn phần vấn đáp. Có đậu thi viết rồi mới được vô thi vấn đáp để gạn lọc lại thành phần “thi tủ” hay “quay phim”. Trời ơí! Cá muốn  vượt  được  “vũ môn” cũng mệt lắm  đấy!

Nhưng rồi tôi cũng đạt được mộng ước của mình  nên tôi cũng bày đặt làm thơ mừng cho “chiến thắng “của mình qua 3 bài thơ dưới đây vì tôi đã bắt đầu làm thơ năm 17 tuổi lúc đang học Đệ Tam, dù không phải là học sinh ban C Văn Chương. 

Lăm le làm Cô Tú

 Thức trắng đêm khuya để “gạo” bài
 Gắng làm sao khỏi “bị” kỳ hai
“Cí nê, chuyện gẫu” cho hưu trí.
Vạn vật, Công dân “tụng” cả ngày.
Lý hoá, Pháp văn, sang Sử Địa
Hình, Quang, Đại số cứ luôn nhai
Đau lưng, mỏi miệng, đầu bù rối!-
 Quyết chí cho xong:  “đổ Tú Tài”

Sương Lam
 Mùa thi Tú Tài năm 1963

Mộng thành

 Hai tháng thức khuya để gạo bài
Bây giờ kết quả, “Khỏi” kỳ hai
“Ế crit” bất tuyệt, hai ngày rưỡi
Vấn đáp, thao thao chỉ nửa ngày
Khoá nhất đổ rồi ăn ngủ kỹ
Kỳ hai, nếu rớt lại bài nhai
 Tên đề ba chữ, kèm bình thứ
 Chóng nhì! Giờ đây đã Tú Tài
Sương Lam
 Mùa thi Tú Tài năm 1963

 Thành Công

Thắm thoát, tôi đây đã Tú Tài
Hết thời áo trắng nét thơ ngây
 Ngày xưa Trung Học, còn đùa bạn
Đại học ngày mai, hết phá thầy
Áo trắng nữ sinh còn bé dại
 Sinh viên phải nghĩ chuyện tương lai
Mười hai năm học, trôi nhanh quá
 Đại học, tôi đây quyết trổ tài
Sương Lam
Mùa thi Tú Tài năm 1963

gia-long-3.jpg

Theo thiển ý của người viết, thời áo trắng các trường trung học là thời kỳ đẹp nhất, thơ mộng nhất  của đời học sinh vì khi bước chân vào đại học rồi thì bạn chỉ lo học làm sao cho ra trường sớm để đi làm việc cho rồi mà thôi chứ không có những phút giây mơ mộng nhiều như lúc còn học trung học.

 Những buổi chiều tan học ở trường Gia Long, nhìn anh học sinh lẽo đẽo đi theo sau tà áo trắng của một nữ sinh dưới  hàng cây cao xanh lá trên đưòng Phan Thanh Giản, tôi thấy cuộc đời thơ mộng chi lạ. Đêm về tôi làm thơ, bây giờ đọc lại, tôi thấy bài thơ dễ thương quá vì có một chút  gì vụng dại, một chút gì e ấp chứ không vội vàng, cuồng bạo như tình yêu tuổi học trò ngày nay.

Rồi thời gian qua mau, qua mau.  Đã hết rồi những “Ngày Xưa Hoàng Thị,  anh theo Ngọ về” nữa. Bây giờ nếu những cặp tình nhân ngày xưa có lấy được nhau, chắc cũng đã con đàn cháu đống rồi và cũng đã thay đổi tính tình ít nhiều. Ông thì hay “cự nự”, bà thì hay “càm ràm” chứ không còn chìu chuộng, nhẹ nhàng như ngày xưa nữa.

SLNLTQDaoTo DHGLTG 2019.JPG

Cô nữ sinh Gia Long bé bỏng ngày xưa nay trở thành một "lão bà bà".  Mỗi lần tôi thấy cô cháu nội Mya cuả tôi chuẩn bị cặp sách đi học vào ngày khai trường là tôi lại nhớ đến ngày đầu tiên tôi cắp sách đi học ở trường nữ trung học Gia Long ngày cũ.

Tôi cũng có tham dự Đại Hội Gia Long Thế Gìới kỳ 7 tổ chức ở Washinton DC năm 2015.
Tôi được ban tổ chức sắp xếp chụp hình chung với ban giáo sư, có lẻ vì số cựu nữ sinh Gia Long ra trường trong thập niên 60 tham dự rất ít nên chúng tôi được chụp chung với các giáo sư cho "tiện việc sổ sách".

Tôi và chị Ngọc Lan (GL Houston) tuy học cùng lớp GL 7 năm trời nhưng khi chụp hình chung, chúng tôi ngồi gần nhau mà chẳng nhận ra nhau vì đã gần 50 năm trời chúng tôi mất tin nhau. May thay! Chị Tố Quyên (GL Houston) nhờ xem được youtube Một Thuở Học Trò của tôi, do cô bạn GL Cẩm Nhung học cùng lớp ở Washington DC chuyển gửi năm nay, nên chúng tôi mới liên lạc được với nhau. Thât là mừng vui vô cùng! 

 Mời xem Youtube Một Thuở Học Trò của người viết:



 Thế là tôi phải "rủ rê" phu quân của tôi cùng đi tham dự Đại Hội Gia Long Thế Giới  kỳ 9 tổ chức ở Houston vào tháng 3 năm 2019  để chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau sau hơn 50 năm xa cách. Thật là môt phúc duyên tốt đẹp!

Chị Ngọc Lan và  em Tuý Nga trong ban tổ chức DHGLTG kỳ 9 ở Houston đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc làm thủ tục ghi danh tham dự đại hội Gia Long đặc biệt này. Xin cám ơn quý vị nhé. 

 Chúc Đại Hội Gia Long Thế Giới kỳ 9 thành công  mỹ mãn.

 Chúc tất cả quý vị giáo sư và các cựu nữ sinh Gia Long nhiều sức khỏe, an vui từng ngày giữa chốn bụi hồng lao xao này

Sương Lam

Nguyễn Ngọc Sương GL 1956-1963
(Trích trong Đặc San Gia Long 2019  - Về Mái Trường Xưa)
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 483-ORTB 903-92319)

Không có nhận xét nào: