Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Tri kỷ trong đời, tìm đã khó giữ được lại càng chẳng dễ dàng chi - Tiểu Lý

image.png


Hồng trần cuồn cuộn một cõi mê
Nghìn năm lạc bước luống chán chê
Lưng trời mặt đất tìm tri kỷ
Say tỉnh rồi quên cả lối về

Hóa ra tìm được tri kỷ trong đời chẳng dễ chút nào. Bạn và tôi, hai cá thể quá riêng biệt, lẽ ra chúng ta đã có những cuộc sống riêng, những thế giới của riêng mình. Nhưng khi hai mảnh hồn có cùng một giao điểm, khi hai thế giới bắt đầu đồng điệu với nhau và tâm hồn bắt đầu ngân rung lên những bản nhạc say lòng thì rất có thể chúng ta đã là tri kỷ…  Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã có lần phải thở dài mà rằng: “Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?”. Khó, đúng là khó lắm. Tri kỷ phải là “kẻ hiểu được ta”. Mà đôi khi chính ta vẫn còn chẳng thể nào nhận rõ được bản thân, thử hỏi tìm đâu được người biết hiểu lòng mình đây?
<!>
Dù vậy, những tình bạn nổi tiếng trong lịch sử, từ Á sang Âu, tự cổ chí kim trường tồn với thời gian, sống mãi trong tâm thức người đời cũng không phải quá hiếm gặp. Ai mà không biết chuyện Bá Nha – Chung Tử Kỳ, nhờ một khúc nhạc mà kết tình tri kỷ, tương giao. Rồi chuyện Bão Thúc Nha cưu mang Quản Trọng suốt thuở hàn vi, nhường lợi cho bạn, nhận thiệt về mình, hết lòng bảo vệ thanh danh cho bạn, cuối cùng trước mặt vua Tề đã tiến cử bạn làm Tướng quốc. Trong giới văn nhân, tình bạn vong niên của Lý Bạch và Đỗ Phủ cũng khiến nhiều người tán thán.
Ở Việt Nam, Nguyễn Khuyến chẳng phải đã khóc cạn nước mắt khi người bạn Dương Khuê mất đó sao: “Bác Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”. Rồi như tình bạn huyền thoại Lưu Bình – Dương Lễ trong truyện thơ Nôm, chấp nhận để người vợ mới cưới của mình đến chăm sóc cho bạn để bạn thi đỗ đăng khoa. Biết bao nhiêu tấm gương ấy chẳng phải đã nói lên rằng một trong những tình cảm lớn lao nhất trong đời chính là tình tri kỷ đó chăng? Và cũng mới hay rằng, tri kỷ tuy khó tìm nhưng một khi đã nhận được ra rồi thì cũng là chẳng bõ trăm năm một kiếp sống này vậy.
Người xưa nói: “Rượu quý chỉ uống cùng tri kỷ/ Thơ hay dành tặng bạn thơ ngâm”. Nghĩa là người tri kỷ có thể sẻ chia với ta rất nhiều điểm tương đồng cả về đời sống vật chất (rượu) lẫn niềm vui tinh thần (thơ). Trong đời, đôi khi ta chỉ tìm được người giúp ta thỏa mãn một vế mà thôi, tỉ như anh bạn nhậu của ta thì không mấy hứng thú với việc đọc sách vậy. Tất nhiên, bạn nhậu vẫn chưa phải là một thứ tri kỷ. Nguyễn Du, một trong những nhà thơ nhiều tâm sự nhất văn chương Việt Nam, từng than thở:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Chẳng biết ba trăm năm sau này, thiên hạ ai là người sẽ khóc cho Tố Như?)
Tố Như là tên tự, cũng là bút danh của Nguyễn Du vậy. Càng là người có tài lại càng khó tìm tri kỷ hơn. Để tìm được người hiểu mình, có nhiều người phải đợi cả đời, có nhiều người còn phải đợi hàng mấy trăm năm, như Nguyễn Du vậy.
image.png
Đại thi hào Nguyễn Du.
“Kết bạn khắp thiên hạ, tri kỷ không mấy người”, tìm được tri kỷ rồi lại phải đối mặt với tử biệt sinh ly, với cái cảnh gió thảm mưa sầu khi chia tay người bạn mà mình yêu quý nhất. Biệt ly của đời người đã là chuyện chẳng vui vẻ gì, biệt ly người duy nhất hiểu mình, ôi cái cảm giác đó…
Vương Duy, nhà thơ tài hoa đời Đường trong một lần đưa tiễn bạn mình đi làm quan xa ở đất Thục, viết:

Hải nội tồn tri kỷ
Thiên nhai nhược tỉ lân
Vô vi tại kỳ lộ
Nhi nữ cộng triêm cân

Nghĩa là: Khắp trong trời biển này tôi cũng còn anh là tri kỷ. Có ở chân trời góc biển vẫn coi như là bên cạnh. Hai ta xin đừng đứng ở ngã rẽ đường mà khóc lóc như tuồng nhi nữ.
Nghe thì quả đúng là khí phách nam nhi, không vướng chuyện nhi nữ thường tình mềm yếu nhưng xem ra vẫn nghe thấy tiếng khóc ở trong lòng. Nếu không phải quá nặng lòng với nhau việc gì mà phải nhắc nhau “xin đừng đứng đây mà khóc lóc”. Có được tri kỷ ở bên cạnh mới là điều trân quý nhất cuộc đời. Phải chia ly người bạn thân, chấp nhận cảnh góc bể chân trời, nhìn mây mà ngóng bạn, đâu phải chuyện dễ dàng? Thế nên cũng đành tự an ủi nhau: “Anh và tôi vẫn là tri kỷ thì dù ở chân trời góc bể cũng như sát cạnh nhau, đừng buồn, đừng khóc nữa!”. Có phải vậy chăng?
Và không phải ai cũng mạnh mẽ như Vương Duy khi chia tay bằng hữu Vi Thừa Khánh, trong bài “Nam hành biệt đệ” sầu thảm của mình, viết:

Đạm đạm Trường Giang thuỷ
Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh

Dịch nghĩa: Nước Trường Giang lững lờ trôi. Khách đi xa mối tình man mác. Hoa rụng, dường như cùng chia mối hận lòng. Rơi tới mặt đất tuyệt không một tiếng gì.
image.png
Thực là những câu thần bút! Tả cảnh biệt ly sầu thảm mà chẳng có câu nào trực tiếp nói rằng mình buồn, mình nhớ thương. Tất cả đều chỉ là tả cảnh ngụ tình. Tất cả những thanh âm “đạm đạm”, “du du”, “tương dữ hận” hay “vô thanh” kia phải chăng là tiếng lòng, là một thứ “điện tâm đồ” cảm xúc của kẻ ở – người đi? Trong động (Trường Giang trôi, hoa rơi, viễn khách bồi hồi) vẫn có đủ tĩnh (hoa rơi xuống đất không tiếng động), mà xem ra cái động là để làm cái tĩnh nổi bật hẳn lên, làm cái trống rỗng, trống vắng của không gian, của tâm tưởng càng ra chiều u tịch lắm! Thế đấy, khi mất đi người tri kỷ thì tiếng lòng cũng trở thành câm lặng, cũng chẳng muốn trút bầu tâm sự với ai…
Lại nhớ một buổi chiều tà ngày đông, mây trời xám xịt của hơn 2000 năm trước, thái tử Đan tiễn Kinh Kha đi hành thích vua Tần ở bên bờ Dịch thủy. Đi lần này chính là tử biệt sinh ly, chẳng hẹn ngày về. Kinh Kha cảm khái, mới bèn làm đôi câu thơ tạc vào lịch sử nghìn năm một chí khí ngút trời:

Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn  

Có nghĩa là: Gió hiu hiu, nước sông Dịch lạnh ghê. Tráng sĩ một đi chẳng trở về… Ôi, nghe mà sởn gai ốc, mà tưởng như mình cũng đang là kẻ chứng kiến cuộc biệt ly thế kỷ ấy của những tri kỷ bất đắc dĩ. Có lẽ một lúc nào đó họ đã ước không phải là tri kỷ của nhau để khỏi phải tiễn đưa nhau trong một hoàn cảnh éo le đến thế. Sau này, Lạc Tân Vương đời Đường làm bài “Dịch thủy tống biệt” tả lại quang cảnh buổi chia ly đầy tráng khí ấy, rằng:

Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thuỷ do hàn

Mạn phép dịch thơ:

Chốn này biệt Yên Đan
Tráng sĩ tóc dựng ngược
Người xưa khuất ngút ngàn
Nước sông còn lạnh mãi

Tráng sỹ một đi không trở lại.
Người tri kỷ đi rồi, nước sông vẫn lạnh cả nghìn năm, mà lòng ta cũng vẫn cô quạnh, băng giá bao nhiêu như thế. Sầu biết bao nhiêu, hận biết bao nhiêu…
Trong đời, người ta có thể kết giao rất nhiều, bằng hữu chơi được cùng mình dễ phải đến cả trăm. Từ bạn cờ, bạn nhậu, bạn đọc sách, bạn chơi cây đến bạn văn, bạn làm ăn, bạn cùng chí hướng… tưởng như ta là kẻ bao dung, biển lớn thu nạp cả trăm sông. Nhưng không ta vẫn còn thực ích kỷ, ta vẫn cứ muốn tìm được kẻ hiểu mình để rót cái bầu tâm sự sâu thẳm nhất, ẩn mật nhất trong hồn mình. Những thứ ấy, ở bên người bạn bình thường, ta chẳng buồn đả động làm chi, có nói chắc gì ai đã hiểu.
image.png
Cho nên cái bi kịch lớn cũng là cái hạnh phúc lớn của đời người chính là có tri kỷ. Vạn sự vô thường, tháng năm dời đổi, lòng người cũng chẳng thể mãi hướng về nhau. Tri kỷ tuy là kẻ hiểu mình nhưng cũng vẫn là mỗi người một phận, mỗi kẻ một hướng đi, sao có thể cùng ta đi hết đời này? Rốt cuộc lại vẫn là chia ly, là buồn thảm, là tiếc nhớ. Nhưng mà biết làm sao đây, nhân thế mà! Đi được với nhau một đoạn đường, một quãng ngày tháng của kiếp nhân sinh, thôi, âu cũng là hạnh phúc, là đủ đầy, là chẳng còn gì tiếc nuối cả đâu!
Gửi những người tri kỷ đã đi qua cuộc đời tôi…

Tiểu Lý

Không có nhận xét nào: