Mỗi ngày đi qua trong trại Orote Point là thêm một ngày khắc khoải âu lo không biết tương lai đời mình về đâu. Chồng chất vào đó là nỗi bực dọc vì đồ ăn không hợp khẩu vị. Trong cuộc tụ họp về đêm ở “Ngã Năm Quốc tế,” bạn anh Hán có thêm một đề tài bàn tán; người lớn tuổi nhất là anh Bảng phàn nàn,“Tôi ngán lên tới cổ rồi. Ngày nào cũng thịt nấu theo kiểu Mỹ ớn ang không tài nào nuốt trôi.”“Anh khó vừa vừa thôi chứ, mình là dân tỵ nạn chứ có phải là bố thằng Mỹ đâu! Phải công nhận chúng nó có thiện chí. Thí dụ như thuê mấy bà Việt nam chỉ dẫn cách nấu ăn, và khi nghe mình than món ăn nấu toàn thịt đông lạnh, đổi món bằng cách cho ăn cá. Anh không thấy sao?” anh Hán trách bạn.<!>
“Cậu nói thế chứ hôm nào có cá là lều nhà ăn vắng tanh, Mẽo chiên cá mùi tanh bay khắp trại, và tớ ớn ngược bỏ bữa chả thèm ăn. Hôm nào có thịt gà chiên thì hàng người dài cả cây số, lại phải chờ mệt nghỉ luôn,” anh Luật “thiếu tá với cây đàn” xen vào.Anh Hán xua tay,“Các anh phải biết nuôi ăn năm chục ngàn miệng không phải là chuyện dễ dàng. Chúng mình chê rau đậu đóng hộp không thèm ăn, nhưng trên hòn đảo xa xôi này đào đâu ra cho đủ đồ tươi? Để thỏa mãn nhu cầu ăn trái cây đét-xe của mình, chúng nó đem tới lê đóng hộp trong thùng hai ga-lông (gallon) gần tám lít.” “Đét-xe” (tiếng Pháp “dessert”) là đồ tráng miệng sau bữa ăn.“Khốn nỗi là món lê đét-xe khoái khẩu thường bị mấy tay anh chị chơi cha bưng nguyên thùng đem về lều ăn dần khiến những kẻ chậm chân như tôi không có phần. Lính Mỹ chỉ trơ mắt đứng nhìn,” anh Bảng tiếp tục than phiền.“Đồng ý với cậu Ba Hoa. Tớ không ưa gì bọn Mẽo, nhưng cũng cảm động khi thấy chúng nó có lòng nấu xúp cho mình ăn khuya,” anh Luật dịu giọng.Có lẽ được cho biết người Việt có thói quen ăn cháo khuya, ban chỉ huy trại loan báo hàng đêm trại sẽ nấu và phân phát xúp bắt đầu từ 10 giờ tại lều nhà ăn Khu 1 gần Ngã Năm Quốc tế. Tôi đứng xếp hàng hơn nửa tiếng đồng hồ và được múc cho một ly xúp hành pha từ bột trong hộp, không có cái, và trông tương tự như xúp miso của Nhật. Tôi hơi thất vọng, nhưng mấy đêm sau vẫn tiếp tục đi ăn cháo – để nhớ ngày . . . xưa ở Sài gòn.Một tối, tôi đứng xếp hàng lấy xúp thì một thiếu niên chừng mười sáu, mười bảy tuổi mặt mày sáng sủa rụt rè đến gần,“Thưa có phải là anh Ba Hoa?”“Trông em quen lắm, nhưng anh chưa nhớ gặp em ở đâu,” tôi ngờ ngợ.“Em là Lập em chị Khôi Lan con ông bà Lãm nhà ở con đường ngắn từ đường Sương Nguyệt Ánh rẽ vào.”“A, Lập mà anh không nhận ra. Tại em lớn nhanh như thổi,” tôi tự biện hộ.“Anh đến nhà hội họp với người lớn nên ít khi thấy mặt em. Gặp anh em mừng lắm, việc chị em giao phó tưởng là không thể làm được không dè lại dễ ợt. Để mai em mang quà tặng anh chị tới tận lều.”Bác Lãm đã về hưu, là một viên chức chính phủ quan trọng dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, và là nhân viên ban chấp hành hội Quảng Bình Tương tế mà tôi được đề bạt làm Tổng Thư ký. Vào dịp bác làm chủ khoản đãi cuộc họp hàng tháng của ban chấp hành, tôi gặp Khôi Lan con gái lớn của bác. Nàng kém tôi một tuổi, dịu dàng và đoan trang, và có mái tóc cắt ngắn và nụ cười đẹp mộc mạc của tài tử Audrey Hepburn trong phim Roman Holiday (Kỳ nghỉ ở La Mã). Trước nàng học luật, nay ở nhà quán xuyến việc gia đình, trông nom đứa em duy nhất là thằng Lập, và dành thì giờ săn sóc trẻ mồ côi trong cô nhi viện của các bà xơ bên Khánh Hội.Từ đó tôi trở thành khách thường xuyên nhà bác Lãm. Đôi khi bác mời tôi ăn tối, bữa ăn thịnh soạn bác gái và Khôi Lan nấu dĩ nhiên ăn đứt phần cơm rẻ tiền ở Đại học xá Minh Mạng, nơi tôi ở lậu sau khi cãi lời cha và bỏ nhà đi bụi đời. Tôi và Khôi Lan ngồi nói chuyện ngoài hàng hiên dưới ánh đèn đường xuyên qua kẽ lá của hàng cây trước nhà. Khoảng chín giờ tối, anh người Mỹ thuê tầng lầu nhà bác Lãm về nhà. Căn lầu có cầu thang đi riêng, nhưng anh dừng lại thăm hỏi và chuyện trò với Khôi Lan. Dáng người tầm thước trong bộ y phục hợp thời trang may ở nhà may nổi tiếng Văn Quân trên đường Lê Thánh Tôn, anh nói năng lịch thiệp và luôn luôn chiều lòng nàng.. Hôm đầu tiên, nàng duyên dáng giới thiệu,“Anh Phú nói tiếng Việt cực giỏi nên anh Ba Hoa khỏi cần trổ tài nói tiếng Ăng-lê làm gì cho . . . mỏi tay.”“Vài người ngoại quốc bạn tôi nói tiếng Việt lưu loát, nhưng lấy tên Việt thì anh là người thứ nhất,” tôi khen ngợi.“Tên tôi là Richard Lee Navitage và đổi sang tên Việt là Lê văn Phú. Richard, gọi thân mật là ‘Rich’ nghĩa là giàu có hay ‘Phú,’ và họ Lê thì do tên giữa Lee.”Anh Phú lớn hơn tôi ba tuổi, tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa kỳ năm hai mươi hai tuổi, và tình nguyện sang Việt nam phục vụ. Ban đầu anh làm việc trên một khu trục hạm đóng ngoài khơi vịnh Bắc Việt và sau đó làm sĩ quan cố vấn bên cạnh lực lượng giang thuyền Hải quân Việt nam Cộng hòa (“VNCH”). Anh mang lon thiếu tá và phục vụ ba nhiệm kỳ liên tiếp. Anh đánh giặc như điên, ngủ đất và ăn cơm gạo sấy (đổ nước vào thành cơm ăn liền) với cá kho và ớt cay như các bạn đồng đội người Việt, và khi về hậu cứ ăn nhậu và kể chuyện tiếu lâm bằng tiếng Việt không thua kém họ. Từ các tiệc nhậu tẩy trần đó, anh học được chuyện khôi hài,Bốn anh Pháp, Mỹ, Việt, và Tàu ngồi uống bia với nhau. Bỗng có bốn con ruồi bay vào ly bia của các anh. Anh Pháp, dân nổi tiếng hào phóng, bèn đổ bia và vứt bỏ cái ly. Anh Mỹ, dân có tiếng thực tế, đổ bia nhưng giữ cái ly lại. Anh Việt nam, dân vốn cần kiệm, vớt con ruồi ra liệng bỏ rồi tỉnh bơ uống hết ly bia.Cuối cùng, anh Tàu, dân vốn ở dơ và bần tiện, vớt con ruồi ra và đưa lên miệng nút lấy nút để. Sau khi ruồi hết sạch bia, anh ta mới nhấm nháp ly bia.Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, anh Phú về Hoa kỳ rồi giải ngũ và trở lại Sài gòn làm việc cho văn phòng Tùy viên Quân sự (Defense Attaché’s Office hay DAO) trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Anh thuê và ở trên tầng lầu nhà bác Lãm, đó là thời gian tôi gặp và quen anh. Anh làm gì ở DAO, tôi không hỏi và anh cũng không nói. Chỉ biết rằng anh hết lòng giúp đỡ Khôi Lan, cung cấp thực phẩm, áo quần, và thuốc men cho các em cô nhi của nàng.* * *Sáng hôm sau, Lập đến lều tôi và mang theo nửa tá khăn mù-soa, góc khăn thêu tỉ mỉ một đôi loan phượng quấn quít vào nhau,“Chị Lan em nói không dự được đám cưới anh chị nên xin gửi quà tặng trễ.”“Khôi Lan và ba má đâu? Làm sao em tới đây?”“Ngày 27 tháng Tư, trước khi trả nhà ra đi, anh Phú năn nỉ gia đình em rời khỏi Sài gòn, ảnh sẽ lo liệu tất cả. Ba má nhất quyết không đi, chị Lan ở lại với ba má nhưng xin cho em đi với anh Phú. Ảnh đưa em vào tòa Đại sứ Mỹ nhờ nhân viên đưa em đi vì ảnh có công tác quan trọng cần làm. Giờ em ở bên trại Andersen với tư cách thân nhân của ảnh.”Lập ra về để lại trong lòng tôi nhiều nghi vấn về Khôi Lan. Thấy vẻ mặt dớn dác lo ngại của tôi, Quỳnh Châu thương hại bật cười,“Chồng ngơ ngáo thấy mà thương! Anh đừng lo, em biết hết chuyện và lại thương anh nhiều hơn. Anh có biết anh Phú đã đề nghị kết hôn mà chị Lan nặng lòng với anh nên không ưng không?”“Anh nghe phong thanh và tránh không gặp Khôi Lan để nàng dễ quyết định,” tôi mừng như cởi tấm lòng.“Chỉ biết anh cố tình lánh mặt nên một hôm lấy hết can đảm vào Chợ Lớn đến Đại học xá tìm gặp anh. Xui cho chỉ, trong phòng tiếp khách đã có một thiếu phụ đài các và duyên dáng đến trước và ngồi đợi anh. Chỉ đau lòng gạt nước mắt lẳng lặng ra về.”“Anh nghe bạn Đại học xá nói mà không nghĩ ra cô gái đến tìm rồi bỏ về là ai. Người đến trước là chị Huyền mà có lần anh đã kể em nghe. Tuy có cảm tình sâu đậm với anh, nhưng chị ấy mắc chứng cuồng dâm và phua la-me với hầu hết các bạn anh,” tôi nhớ lại chuyện ngày trước; “phua la-me” nói lái thành phe la-mua (“faire l’amour” tiếng Pháp là làm tình).Tôi còn một thắc mắc cuối cùng,“Làm sao cô vợ dễ thương lại rành sáu câu như dzậy?”“Trước ngày đám cưới mình, chị Lan đến nhà thăm và chúc mừng em. Chỉ đẹp và dễ thương dễ sợ; chồng vì yêu em, dù chưa một lần tỏ tình hay hứa hẹn, mà không xiêu lòng thì thật xứng đáng để em trao cuộc đời,” Quỳnh Châu cười tít mắt.“Làm sao Khôi Loan biết em và chuyện hai đứa mình?” tôi chưa hết băn khoăn..“Em hỏi anh hội Quảng Bình Tương tế có bao nhiêu người tai to mặt lớn như bác Lãm và cha, và làm sao nhúm người lớn đó không quen biết nhau cho được? Sau khi chị Lan từ chối lời cầu hôn của anh Phú, bác Lãm gái đến thăm mẹ. Chuyện gì mà qua mắt được các bà, kể cả cái bà xỉ xỉ (tí tẹo) dễ thương này?”* * *Tôi không gặp lại Lập hay anh Phú. Mười năm sau cuộc di tản đổi đời 1975, một số cựu sĩ quan cao cấp của Hải quân VNCH và Hoa kỳ viết kể lại vai trò của anh Phú,Trong mấy ngày cuối cùng của VNCH, Tùy viên Quân sự tòa Đại sứ Hoa kỳ là Richard Navitage đại diện bộ Quốc phòng Hoa kỳ bí mật họp với viên chức cốt yếu của Hải quân VNCH, vạch kế hoạch đưa ra khỏi Việt nam “càng nhiều chiến cụ càng tốt,” và thỏa thuận Côn Sơn là địa điểm tập trung của hạm đội khi di tản.Navitage dùng trực thăng rời Sài gòn chiều 29 tháng Tư, đáp xuống chiến hạm USS Blue Ridge là soái hạm của Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ và yêu cầu Đô đốc Tư lệnh liên lạc với Ngũ giác đài để xác nhận sứ mạng tối mật của mình. Ông chuyển sang USS Kirk vào nửa đêm 30 tháng Tư và ra lệnh cho chiến hạm này chở tới Côn Sơn để lên tàu HQ-3 là soái hạm của hạm đội VNCH. Từ HQ-3, ông phối hợp lực lượng Hải quân hai nước, điều động nhân lực và vật lực của bộ Quốc phòng Hoa kỳ để vớt người và bảo vệ và tiếp tế cho đoàn tàu, thương thảo với chính phủ Phi Luật Tân, và đưa đoàn người đến vịnh Subic ở Phi và đảo Guam an toàn.Thì ra anh Phú là ân nhân của tôi và hơn ba chục ngàn người trên đoàn tàu VNCH. Đầu thập niên 1980, anh giữ chức Phụ tá Bộ trưởng bộ Quốc phòng khi chương trình Ra Đi Có Trật tự (ODP) cho phép người Việt nhập cảnh Hoa Kỳ tiến hành. Năm 2001, sau khi Thượng viện phê chuẩn cho anh giữ chức Thứ trưởng bộ Ngoại giao, tờ Los Angeles Times đăng tải một bài viết về đời tư của anh,Trong thời gian ông phục vụ ở Đông nam Á, ông và phu nhân, Lanna K. Navitage, xúc động vì cảnh ngộ của các em cô nhi. Ông bà có tám người con, trong đó sáu người là con nuôi. Ông bà cũng làm cha mẹ nuôi tạm thời cho ít nhất là 40 trẻ em khác, và một số em được bà dạy học tại gia. Khách đến nhà ông bà giờ ăn tối sẽ thấy một quang cảnh náo nhiệt. Một cơ quan cổ xướng nhận con nuôi xin trao tặng bằng tuyên dương công trạng, nhưng ông bà từ chối vì không muốn bị chú ý.Cái tên Lanna K. Navitage (đàn bà tây phương lấy họ chồng khi lập gia đình) và chuyện nuôi dạy trẻ em không cha mẹ khiến tôi ngờ rằng bà thứ trưởng chính là Lan Khôi (viết ngược theo lối Mỹ). Tôi giữ mãi trong trí nụ cười thánh thiện của nàng khi nghe anh Phú kể chuyện “ruồi hết sạch bia.” Trông hai người đẹp đôi làm sao!Nguyễn Ngọc HoaNgày 19 tháng Sáu, 2019
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019
Người Mỹ Phi Thường - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét