Khoảng 9:00 giờ sáng, tôi vừa phối hợp chăm sóc vợ tôi bị gãy cổ chân, vừa theo dõi và điều trị một nữ bệnh nhân bị đau bụng và một nữ bệnh nhân khác đau đầu gối. Trong khi đẩy xe lăn cho vợ tôi đến phòng đợi, tôi liếc lên màn ảnh truyền hình thì thấy tháp Bắc của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới đang bốc cháy, cùng lúc đó một máy bay phản lực lớn đang tiến tới lao vào tháp thứ hai. Phản ứng đầu tiên của tôi là thật kinh khủng; làm thế nào mà những tên khủng bố có thể làm được điều đó? Chúng không thể hành động một mình được, vì máy bay phản lực khổng lồ không thể điều khiển được bởi chỉ bằng một tên đánh bom cảm tử kiểu Thần phong Kamikaze. Phản ứng thứ hai của tôi là ít nhất cũng còn chút may mắn, vì chúng chỉ đánh trúng vào một phần ba trên của tòa tháp mà không nhận ra rằng: Toàn bộ tòa tháp sẽ sụp đổ do sự va cắt mạnh làm bốc cháy nhiên liệu của phản lực cơ đưa đến sự chảy nhão của khung tòa tháp.<!>
Trở lại với bà bệnh nhân đau bụng đang chờ kết quả xét nghiệm, tôi nói với bà là cần chút thời gian nữa mới có, và tôi cũng vắn tắt cho bà biết là Trung Tâm Thương Mại Thế Giới vừa bị bọn khủng bố tấn công.
Tiếp đó loa phóng thanh của bệnh xá loan báo code vàng bắt đầu có hiệu lực, điều đó có nghĩa là có thương tích hàng loạt sẽ đến. Vị Chỉ Huy Trưởng bệnh xá ra lệnh cho nhân viên di tản bệnh nhân. Lúc đó chúng tôi không hiểu tại sao lại phải di tản. Sau đó người ta nói rằng: Có vụ nổ bên Ngũ Giác Đài, và ở đó đang cần sự yểm trợ y tế. Vài Bác sĩ và tôi vội vàng băng qua khu Henderson (khu trại Thủy Quân Lục Chiến kế bên) tới Ngũ Giác Đài. Dọc đường, tôi trông thấy có những mảnh cánh máy bay nằm trên bãi cỏ. Khi đi ngang qua một xe cứu thương, một nhân viên đưa cho tôi chiếc áo khoác màu vàng, tôi thấy có chữ ‘bác sĩ’ may sẵn trên đó. Nghĩ rằng tất cả mọi người tại hiện trường đều phải mang để nhận diện, nên tôi khoác vào. Tôi không đọc được hết cả câu vì chữ ngược. Sau đó tôi nhìn thấy hàng chữ lớn ‘BÁC SĨ CAO CẤP ’ trên cái áo khoác phản chiếu.
Chúng tôi dừng lại để khám nhanh vài bệnh nhân bị thương không nặng lắm, như bị đứt da hoặc trày da bàn tay và cánh tay. Là những nhân viên y tế hầu như đầu tiên có mặt tại hiện trường và không biết rằng những nguy hiểm liên tục có thể xảy ra, chúng tôi đã tới gần tháp kiểm soát không lưu trực thăng, ngang qua khu vực Ngũ Giác Đài đang bốc cháy (nhưng chưa sụp đổ). Chúng tôi dừng lại để khám một nữ bệnh nhân da đen tinh thần suy sụp đang thở nhanh. Bác sĩ R hỏi bệnh và thẩm định tình trạng. Tôi nghe tim phổi thấy bình thường. Yên tâm, chúng tôi tiến tới; rồi có người báo rằng: Người ta đang cần Bác sĩ ở khu lựa thương. Chúng tôi tiến nhanh về hướng căng dây vàng gần cây cầu bên trên. Chúng tôi điều trị vài người bị thương nặng hơn. Rồi có người la lớn là mọi người phải đi bên dưới cầu vì có một chiếc máy bay bị không tặc chưa xác định được hướng, bay về phía chúng tôi. Chúng tôi phụ giúp khiêng người bị thương bằng cáng đến dưới cây cầu. Khi chúng tôi đang sắp xếp đồ tiếp liệu bên dưới cầu, thì được lệnh di chuyển ra ngoài, và các Tình nguyện viên đã giúp mang những hộp tiếp liệu y tế, các giải băng nylon màu vàng và cờ vàng. Chúng tôi cố gắng một lần nữa để trải rộng dây băng nhưng có người nói chúng tôi phải di chuyển trở lại bên dưới cầu vì có một máy bay khác đang tiến đến. Khi một Bác sĩ Hải quân đang khám đầu của một phụ nữ da đen nằm trên một chiếc băng ca, tôi nhìn vào chân bà và thấy đùi bà bị phỏng độ hai, tôi gọi silvadene nhưng có người nói bà bị dị ứng với sulfa. Tôi gọi nước biển và đưa cho một nhân viên giúp ông Bác sĩ Hải quân truyền tĩnh mạch cho bà. Cho tới lúc đó, bà là bệnh nhân nặng nhất chúng tôi gặp. Biết rằng bà đã được chăm sóc, tôi quay qua khám một nam bệnh nhân bị hít khói. Ông nói là không sao, không đau ngực hoặc khó thở. Tôi nghe tim phổi và thấy tim ông đập bình thường, không có tiếng khò khè, tiếng rít, tôi nói ông ngồi xuống, dựa lưng vào tường và tôi gọi dưỡng khí. Một người mang một bình dưỡng khí đến và nối ống dẫn vào mũi ông. Tôi đến khám bệnh nhân khác bị chấn thương đầu, tôi thấy là vết thương nhẹ.
Vào lúc đó, một Bác sĩ Hải quân khác, Y sĩ Đại tá F, cũng có mặt với tôi, chúng tôi phối hợp nhau và đề nghị cùng kiểm tra tiếp liệu y tế, chúng tôi phải làm quen với những gì sẵn có. Chúng tôi thấy chỉ có một bọc nước biển. Trong khi kiểm kê thấy có một Lifepak, chúng tôi quyết định thực tập với nó để làm quen và yêu cầu một Y tá cấp cứu hướng dẫn cách sử dụng. Một vị Tuyên úy đến. Chúng tôi thảo luận và định vị một KHU CHỜ ĐỢI (ĐEN), kế bên nhưng ngoài tầm mắt, cho các tử thi cũng như những mẩu vụn của cơ thể.
Một Sĩ quan Không quân rất năng động và hiệu quả, Thiếu tá M (tôi biết được sau đó, được chỉ định là Chỉ huy Trưởng Khu Lựa Thương) ra lệnh cho nhân viên cứu thương, ông hỏi tôi và Bác sĩ F xem ai là người phụ trách ở đây, Y sĩ Đại tá F nhìn vào chiếc áo khoác vàng của tôi với hàng chữ “BÁC SĨ CAO CẤP” và chỉ về phía tôi. Vốn có kinh nghiệm trước về Kế Hoạch Phòng bị Cấp Cứu (Emergency Prepared Plan) khi làm Y sĩ Trưởng Sư Đoàn Thiết Giáp Hoa kỳ, và Chỉ Huy Trưởng Quân Y Lục Quân tại California tôi thực hiện ngay các toán cứu cấp.
Do đó, tôi đương nhiên chỉ huy toán lựa thương Vàng, lúc đầu được coi như toán lựa thương hàng loạt. Tôi chỉ định Y tá Đại tá B làm Y Tá trưởng, Bác sĩ F làm Phụ tá và Hải quân Trung úy Y tá P là nhóm nòng cốt. Băng màu vàng được cột vào cánh tay như một cách để nhận diện. Tôi ra lệnh Lục Quân Thiếu tá Q, một Sĩ quan Hành chánh Quân y, ghi tên từng người của nhóm chúng tôi và giữ danh sách. Tôi giao cho một Tình nguyện viên không phải là nhân viên y tế gắn ‘thẻ thảm họa’ cho tất cả các bệnh nhân được đưa đến. Các nhân viên y tế khác bắt đầu tham gia và Đại tá B tổ chức thành những nhóm nhỏ hơn, mỗi nhóm có một Bác sĩ, một vài Y tá và Trợ y. Trong khi thành lập nhóm, chúng tôi cũng liên tục điều trị những bệnh nhân ngay sau khi họ được đưa đến.
Khoảng 1:00 giờ chiều nước đóng chai và tiếp đó là thực phẩm được đem đến làm cho chúng tôi sảng khoái, bởi vì mọi người đã bắt đầu thấy khát. Sau đó nhu cầu tự nhiên không tránh được của con người nổi lên, tôi đang nghĩ tới những bụi cây gần đó thì một ông ở đâu đột nhiên xuất hiện, và nhờ tôi thông báo cho mọi người là phòng vệ sinh và khu nghỉ ngơi được cung cấp trên xe buýt VIP có máy lạnh của ông. Ngoài ra các hộp đựng rác cũng được cấp phát (có ai đó đang suy nghĩ), mọi người xả vào, Thiếu tá Q lấy một cái bịch và thu rác xung quanh khu vực. Trong khi đó những toán thu nhập chứng cớ của FBI đến với những túi đen và bắt đầu làm sạch khu vực có các mảnh vỡ của máy bay.
Tăng cường đến: Các Bác sĩ, Trợ y và Y tá của Bệnh viện Quân đội Walter Reed và bệnh viện dân sự gần đó (Bác sĩ phong thấp, một Bác sĩ Nhi khoa với túi bơm dưỡng khí và ống thông khí quản). Một Y tá Lục Quân của một đơn vị chữa phỏng đến, nhưng anh được nhanh chóng chuyển tới khu ĐỎ. Khu của chúng tôi có vẻ như là điểm tập trung đầu tiên cho nhân viên y tế, Tình nguyện viên phi y tế và tiếp liệu y tế để sau đó được phân phối cho 'TUYẾN ĐẦU’. Chúng tôi tiếp tục kiểm kê tiếp liệu y tế một lần nữa và tái thành lập các toán nhỏ. Kiểm điểm lại thuốc men chúng tôi thấy không có morphine hay thuốc làm giãn nở phế quản, tôi chuyển tin nhắn đi, và thật ngạc nhiên là chỉ ít phút sau tiếp liệu được cung cấp bởi Y sĩ Đại tá U, một người quen của tôi khi chúng tôi cùng ở trong lớp Huấn luyện Chỉ huy.
Không còn gì khác để làm, tôi quyết định làm một trinh sát tại ‘TUYẾN ĐẦU’ với Thiếu tá Q. Trong khi tiếp gần lều chỉ huy, một Cấp cứu viên đưa cho tôi một máy hút khí quản, tôi giao cho Thiếu tá Q cầm. Bây giờ, với danh nghĩa một “BÁC SĨ CAO CẤP” trên áo khoác vàng, và được một Sĩ quan cấp Tá tháp tùng, chúng tôi trông giống như một toán thanh tra chính thức ‘TUYẾN ĐẦU’. Tại lều chỉ huy, Bác sĩ F hỏi tôi có thể là một trong hai Tình nguyện viên vào khu Ngũ Giác Đài bị cháy để nhận xác chết, cụt đầu, hoặc mảnh vụn cơ thể. Câu trả lời của tôi là tiêu cực, nhưng tôi sẵn sàng tình nguyện nếu được yêu cầu. Ông bảo tôi chờ bên ngoài và vài phút sau đó ông nói rằng: Ông đã có đủ Tình nguyện viên. Trong khi ở ‘TUYẾN ĐẦU’, chúng tôi thấy Thiếu Tướng J, Chỉ huy trưởng Quân khu Washington và phái đoàn của ông. Dọc đường, có toán người đang phá dỡ rào cản bằng bê tông giữa đường để dễ dàng đi vào Ngũ Giác Đài, có đoàn xe Quân khuyển cảnh sát K9, xe cảnh sát và xe máy dầu cũng như xe cứu thương và xe buýt. Nhân viên FBI và nhân viên cứu hỏa trang bị đầy mình được định vị và chờ lệnh để tiến tới tòa nhà trong khi nước được bơm xối xả vào các phần bị sập của Ngũ Giác Đài. Lửa tiếp tục cháy, sau đó tôi được biết là người ta đã không dập tắt được ngọn lửa cho đến nhiều giờ sau đó, vì Ngũ Giác Đài là toà nhà cũ từ Thế chiến II để lại, và có rất nhiều lông ngựa lót dưới mái nhà để cách nhiệt. Vài chiếc dép và giầy có gắn băng màu vàng để xác định nằm rải rác trên thảm cỏ. Thỉnh thoảng máy bay trực thăng nổ thình thịch quay vòng vòng trên đầu chúng tôi làm xoáy tung bụi đất và cỏ xung quanh chúng tôi.
Chúng tôi trở lại khu lựa thương vàng và chờ đợi cho các sự việc được sáng tỏ. Thiếu tướng T, Chỉ huy trưởng Tổng Y Viện Walter Reed, và nhân viên của ông đi ngang qua và bắt tay chúng tôi. Chủ yếu là chúng tôi chờ đợi và chờ đợi. Không có gì xảy ra cho đến khi Thiếu tá M gọi chúng tôi và tóm lược tình hình vào khoảng 3:30 giờ chiều. Phỏng đoán lúc đó là có lẽ tất cả những người bị thương nặng đã chết, hoặc đã được dời qua phía bên kia của Ngũ Giác Đài, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng chữa trị những thương tích khác như chấn thương vì hơi nóng, gãy nát xương, mất nước của các toán giải cứu.
Một Bác sĩ điều trị dân sự từ OPCON (Operation Control: Kiểm soát Hành quân) đến. Sau một báo cáo ngắn gọn của Thiếu tá M, ông nhận ra rằng chúng tôi tổ chức chu đáo hơn và cũng được che chở chống ánh nắng nóng bỏng hơn nên đã ngỏ ý di chuyển nhóm "Tuyến Đầu" của ông vào nhập với nhóm chúng tôi. Chúng tôi cũng bàn về việc cung cấp điện cho một đêm dài mong đợi.
Khoảng 5:30 chiều, tôi bắt đầu nghĩ tới vợ tôi đang bị gãy cổ chân (tôi đã gọi trước nhờ nhân viên bệnh xá nhắn với bà rằng tôi vẫn bình yên). Tôi nói với Bác sĩ F, Đại tá B, Đại tá U và Thiếu tá M là tôi sẽ đi ra ngoài vài giờ để kiểm tra tình trạng của vợ tôi mà tôi nghĩ rằng bà vẫn còn ở tại phòng khám từ sáng sớm đến giờ. Tôi hỏi cách để trở lại, như số điện thoại liên lạc hoặc cách đi qua cổng trong trường hợp tôi bị chặn lại không được vào. Đại tá U nói là tôi không cần phải trở lại, bởi vì đã có rất nhiều Bác sĩ ở đây rồi. Ông phỏng đoán rằng rất có thể sau khi lính cứu hỏa dập tắt được ngọn lửa thì không còn ai sống sót nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn xin số điện thoại của họ.
Trong khi suy nghĩ làm cách nào để trở lại bệnh xá (khoảng một dặm đường chim bay) không những chỉ vì tôi không biết làm sao để trở lại bằng đường bộ, nhưng còn làm thế nào để có thể qua được tất cả các cổng gác từ Ngũ Giác Đài đến Henderson Hall và Ft Myer. Tôi vẫy một xe minibus không có dấu hiệu trong đó có một nhân viên FBI và yêu cầu ông cho quá giang về văn phòng của tôi. Một lần nữa, cái áo khoác vàng với hàng chữ “BÁC SĨ CAO CẤP”dễ dàng nhận ra, ông sẵn sàng cho tôi quá giang: rào cản trên đường không là trở ngại đối với ông, ông vượt qua và thả tôi xuống ở cổng trước của Ft Myer. Mặc dù cổng đã đóng và được bảo vệ nghiêm ngặt với súng dài súng ngắn, nhưng binh lính nhận ra tôi và mở cửa cho tôi vào.
Qua cổng, tôi tiếp tục đi bộ đến bệnh xá cách đó vài góc đường, đột nhiên từ đâu một xe cứu thương đến gần. Tôi vẫy và nhận ra đó là xe cứu thương của chúng tôi từ Ngũ Giác Đài trở về.. Tại phòng Chỉ huy bệnh xá, các nhân viên bệnh viện đang nghe Thiếu Tướng T tường trình qua loa phóng thanh trong khi màn ảnh TV đang mở gần đó. Tôi hỏi tin tức vợ tôi hiện tại đang ở đâu và người ta cho biết là bà đã được một đồng nghiệp của tôi đưa về nhà rồi.
Mệt mỏi, tôi quyết định về nhà và định ăn cái gì chút đỉnh và tắm nhanh một cái trước khi trở lại toán cấp cứu Vàng của tôi. Trong khi lái xe ra khỏi trạm gác, những nhóm nhỏ binh sĩ vũ trang cùng mình đã được đóng ở nhiều góc đường khác nhau. Một chiếc HUMMV có gắn súng máy đang tuần tra. Các trạm gác yên tĩnh lạ lùng, không có hoạt động gì.
Ra khỏi cổng, một hàng dài xe cộ chờ đợi đến lượt mình để được kiểm tra toàn diện trước khi vào trại. Tôi bắt đầu nghĩ làm thế nào để trở lại bệnh xá. Tại Rosslyn, giao thông bị tắc nghẽn, xe cộ nối đuôi nhau, đang cố gắng để lên xa lộ 395 hoặc 50 Đông. Tôi không thể nào vào được GW Parkway, có lẽ con đuờng này đã bị đóng vì nó chạy ngang qua CIA. Tôi quẹo chữ U và lên xa lộ 50 Tây và về nhà không có gì khó khăn; giao thông dễ dàng hơn nhiều so với ngày thường vào giờ cao điểm.
Về gần tới nhà tôi trông thấy một nhà treo cờ Mỹ rủ trước cửa sổ.
Ở nhà, sau khi yên trí với tình trạng sức khỏe của bà xã, tôi ăn vội vã, tắm sơ qua và sẵn sàng trở lại Ngũ Giác Đài. Nhưng trước khi đó tôi gọi lại phòng Chỉ Huy bệnh xá thì Đại uý E cho biết là Đại tá Chỉ Huy Trưởng đã về nhà với lệnh là bệnh xá sẽ mở cửa hoạt động bình thường ngày mai. Tôi báo cho Đại uý E là tôi sẽ trở lại Ngũ Giác Đài, và nếu ai cần liên lạc tôi thì cứ gọi về nhà tôi (tôi sẽ thường xuyên gọi về nhà tôi). Tôi cũng gọi nhóm Vàng của tôi thì Đại tá F trả lời là nhóm Vàng hoạt động rất ít không có chuyện trầm trọng gì cả và nhóm không cần tôi nữa: nhóm đang giải tán.
Lấy lại bình tĩnh, tôi mở truyền hình xem và chuyện không thể tưởng tượng xảy ra trước mắt tôi: “ Ngày 11 tháng 9 sẽ là một ngày ô nhục..”
Một cờ Hoa kỳ treo rủ giữa cột cờ phấp phới bay.
Nguyễn Dương, Cựu Y sĩ Đại tá Lục Quân Hoa kỳ, cựu Y sĩ Đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trương Ngọc Thạch, cựu Y sĩ Đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (chuyển ngữ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét