Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

Chuyện bên nhà: NHỮNG CHUYỆN TRÁI NGƯỢC - Đoàn Dự ghi chép

NS Thanh Bình lúc còn trẻ tuổi. NS Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết

Ca sĩ tiền cát-sê hàng trăm triệu đồng, nhạc sĩ chết không có quan tài chôn
Trong thời gian vừa qua người yêu nhạc Việt đã chứng kiến sự ra đi của nhiều nhạc sĩ lão thành. Bên cạnh nỗi buồn về sự mất mát, khán giả cũng chạnh lòng khi biết cuộc sống khó khăn, cô độc của không ít nhạc sĩ nổi tiếng với những bản tình ca bất hủ. Phải chăng có sự thiếu công bằng đối với những người sáng tác?<!>

Ca sĩ… quan trọng hơn nhạc sĩ?
Thông thường, một số bài hát chỉ được gắn liền với tên tuổi của ca sĩ thể hiện. Nhiều khán giả thậm chí không biết bài hát mà mình đang nghe do ai sáng tác. Đây là một thực tế đáng buồn. Nó cho thấy ý thức về bản quyền chưa cao của người sáng tác so với ca sĩ trình bày ca khúc đó. Ví dụ cô bé Phương Mỹ Chi nhận giải thưởng 40 triệu đồng về Bài hát yêu thích trong tháng, trong khi đó nhạc sĩ Tiến Luân, người sáng tác ca khúc ấy chỉ nhận được 10 triệu đồng của… nhà tài trợ!
Đành rằng tiền bạc không có ý nghĩa gì trong lãnh vực nghệ thuật, nhưng cách đặt giải thưởng chênh lệch này cho thấy sự “phân biệt đối xử” đối với người sáng tác. Phải chăng ca sĩ trình bày quan trọng hơn tác giả bản nhạc? Ấy là chưa kể những ca sĩ “ngôi sao” như ĐVH, MT, QD, QL, TN…, tiền cát-sê của họ hàng trăm triệu đồng hoặc hơn cho một xuất hát, trong khi đó các tác giả những ca khúc họ hát trong sô diễn thì được bao nhiêu? Không đáng kể, có khi cũng chẳng có nữa nếu công ty Bảo vệ quyền tác giả không biết mà theo dõi để đòi ráo riết.
Ít ai biết rằng nhạc sĩ Thanh Bình – tác giả bản nhạc nổi tiếng Tình lỡ và nhiều tác phẩm khác – lúc ngoài 80 tuổi phải đi ăn xin ở Bến xe Miền Đông, sau được công an quận Bình Thạnh đem về nhà các cháu giùm. Nhưng các cháu của ông cũng rất nghèo, nuôi ông không nổi, ông được ca sĩ Ánh Tuyết (Ánh Tuyết “nhỏ”, rất nổi tiếng sau 1975 chứ không phải Ánh Tuyết “lớn” ở nước ngoài hình như đã qua đời cách đây ít lâu), đã quyên góp cho ông được một số tiền dưỡng già từ đêm nhạc do Ánh Tuyết đứng ra tổ chức và gửi vào ngân hàng để ông có tiền lời hàng tháng. Tuy nhiên, khi ông ông mất đột ngột, người thừa kế duy nhất là con gái ông lại đang ở tù, không lãnh được nên gia đình phải xin một chiếc quan tài ở chùa để nhạc sĩ an nghỉ.
Sau đây chúng ta thử xem xét vể cảnh nghèo “chết không có quan tài chôn cất” của vị nhạc sĩ nổi tiếng với bản Tình lỡ rất quen thuộc đó và chúng ta so sánh với việc người ta ăn bánh trung thu rắc vàng xem “cái sự nghèo” và “cái sự giàu” trái ngược với nhau như thế nào.

Nhạc sĩ Thanh Bình và bản “Tình lỡ”

Đối với các khán ưa thích bản nhạc Tình lỡ với ca từ cùng giai điệu đẹp và buồn: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi… Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong mưa bay…” thì sự ra đi của tác giả đã để lại nhiều thương tiếc, ngậm ngùi.
Bản nhạc Tình lỡ quen thuộc và nổi tiếng đến mức không mấy ai là không thuộc một vài câu, nhưng họ không biết tác giả là ai. Cho đến khi ca sĩ Ánh Tuyết có bài viết về cuộc đời ông trước lần cô tổ chức đêm nhạc để quyên góp, giúp đỡ ông vào năm ông ngoài 80 tuổi thì nhiều người mới biết đến tên nhạc sĩ Thanh Bình.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Thanh Bình có khoảng 7 bài hát mà theo ca sĩ Ánh Tuyết thì: “Tuy không nhiều nhưng những bài hát này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người mộ điệu. Ngoài ra, cuộc đời ông cũng đáng buồn như những ca từ trong bài Tình lỡ”.
Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932 tại tỉnh Bắc Ninh. Ông mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, cha cũng mất sau đó vài năm. Nhà có 4 anh chị em nhưng 2 người đã mất. Trong những năm từ 1950 đến 1954, ông xuôi ngược khắp nơi từ Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cho tới Sầm Sơn, Thanh Hóa, làm đủ thứ nghề để sông: bán báo, bán phá-xa (đậu phọng rang) nuôi thân và đứa em gái. Rồi cuối năm 1954, hai anh em di cư vào Nam. Ở Sài Gòn, nghèo quá, gặp gia đình một người quen sang Pháp, cô em gái lúc ấy cũng đã 16 tuổi, xin anh cho mình theo gia đình này sang Pháp, anh đồng ý. Nay, cô em này vẫn sống ở Pháp, đã có chồng con êm ấm từ lâu nhưng từ 1975 đến nay chẳng hiểu sao không có liên lạc.

Trong cuộc đời đời nay đây mai đó của mình, cậu thanh niên Nguyễn Ngọc Minh làm đủ thứ nghề để sống: viết báo, viết truyện dài, truyện ngắn, kể cả sáng tác nhạc. Ca khúc đầu tay của là “Những nẻo đường Việt Nam” và mấy ca khúc khác như “Bông súng đồng quê” (cổ nhạc), “Chiều vàng trên sông” …, nhưng cái nghèo vẫn đeo đuổi ông.
Thời thanh niên, nhạc sĩ Thanh Bình được tiếng là một chàng trai hào hoa phong nhã. Tuy nhiên, chuyện tình lại lắm chia ly và nhiều kỷ niệm. Ca khúc Tình lỡ ông viết cho chính mình khi mối tình với người con gái đất Hải Phòng chẳng kéo dài được bao lâu vì cô gái bị gia đình ép phải lấy chồng giàu có, khiến ông thốt lên bằng những lời ca da diết: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…”.
Sau này, nhạc sĩ Thanh Bình cưới được một người vợ rất xinh đẹp và hai người có với nhau một cô con gái đặt tên là Mộng Ngọc. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của ông một lần nữa lại như “Tình lỡ” khi vợ bất ngờ bỏ nhà đi lúc con gái mới 3 tuổi. Từ một gia đình hạnh phúc, nhạc sĩ Thanh Bình bỗng trở thành gà trống nuôi con với những khó khăn.


Rồi sau này, cũng tại Bình Thạnh, Sài Gòn, khi cô con gái tên Mộng Ngọc may mắn gặp gỡ và lấy được người chồng Việt kiều về chơi thăm gia đình, cả khu bình dân gần Bến xe Miền Đông đều nghĩ rằng cuộc sống của nhạc sĩ Thanh Bình sẽ đỡ vất vả hơn.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi người chồng Việt kiều về Mỹ, còn đang lo làm giấy tờ bảo lãnh thì Mộng Ngọc chẳng may bị người ta lừa, dính dáng vào chuyện bán xì ke ma tuý tại Bến xe Miền Đông, bị kết án tù 4 năm. Người chồng Việt kiều nghe tin, chán nản quay lưng, xoá bỏ mọi giấy tờ bảo lãnh, không liên lạc nữa.
Chẳng ai ngờ một ông già 80 tuổi như nhạc sĩ Thanh Bình lại có lúc phải lang thang ở Bến xe Miền Đông, sống ăn xin tại đó. Mãi đến khi công an quận Bình Thạnh tới đưa ông về Trại Dưỡng lão Thị Nghè thì có người biết, nhận ra ông là nhạc sĩ Thanh Bình, công an bèn đưa ông về ở với gia đình người cháu gái (là con của người chị con ông bác ruột của nhạc sĩ Thanh Bình).


Về ở với gia đình cháu nhưng nhạc sĩ Thanh Bình luôn bị mặc cảm vì sợ mình là gánh nặng cho vợ chồng cháu khi họ đều là công nhân, lại có 3 con nhỏ, lương bổng chẳng được bao nhiêu.
Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của nhạc sĩ Thanh Bình, ca sĩ Ánh Tuyết “nhỏ” (danh ca sau 1975, sinh năm 1961, người Hội An tỉnh Quảng Nam, tốt nghiệp Nhạc viện Huế năm 1980, có giọng nữ cao (soprano) rất giống với giọng danh ca Thái Thanh, nhất là khi cô hát các bản Tình hoài hương và Tình cố đô nên thường được gọi là “Thái Thanh-nhỏ); Ánh Tuyết đứng ra tổ chức đêm nhạc “Tình lỡ”, giúp ông toàn bộ số tiền bán vé khoảng 230 triệu đồng để ông dưỡng già. Trong đêm nhạc này, ông xúc động nói: “Cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ có chết tôi cũng mãn nguyện!”.

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Thanh Bình đã ra đi vào ngày 23/5/2014, hưởng thọ 82 tuổi.
Đám tang hiu quạnh của NS Thanh Bình
Đúng như nhiều người nói, cuộc đời nhạc sĩ Thanh Bình không hề “thanh bình” như tên gọi. Nếu bản Tình lỡ nổi tiếng bao nhiêu thì đám tang của ông lại hiu quạnh bấy nhiêu. Vỏn vẹn chỉ có mấy người thân túc trực cùng với ca sĩ Ánh Tuyết có mặt thường xuyên, hiếm hoi lắm mới có vài nghệ sĩ thân thiết và đồng cảm đến viếng đám tang của nhạc sĩ Thanh Bình.

Bánh Trung thu giát vàng đắt hàng

Các cơ sở sản xuất bánh trung thu năm nay đua nhau sản xuất hoặc nhập cảng bánh trung thu giát vàng rất được ưa chuộng dù giá có thể lên tới vài chục triệu đồng một hộp.
Chị Hoa, chủ cơ sở bánh Trung thu ở Quận 3 Sài Gòn cho biết, cơ sở của chị có đơn đặt hàng bánh trung thu giát vàng 24k (vàng 4 số 9) lên tới 6.000 cái. Mỗi chiếc giá khoảng 150.000 – 200.000 đồng, tức 600.000 đồng tới 800.000 đồng một hộp 4 cái.

Chị nói: “Khuynh hướng mua bánh giát vàng được ưa chuộng trong mùa Trung thu năm nay do khách hàng thích sự sang trọng. Song song với đó, bột vàng – một trong những nguyên liệu trong ngành thực phẩm – được giới nhà giàu ưa thích vì họ cho rằng tốt cho sức khoẻ nên được lựa chọn để kết hợp”. (Ăn vàng – dù sao cũng là một kim loại – mà “tốt” ư? Tôi đọc sách, thấy trước đây – thời xa xưa – chỉ người phong cùi mới uống nước pha với bột vàng nhưng cũng không ăn thua vì không tiêu hoá được. Vào khoảng những năm 1978 – 79, trong khi dân chúng nghèo đói phải ăn bo bo, khoai lang, khoai mì thì ở Hà Nội có một số tiệm ăn “cao cấp” làm vàng thành bột, rắc vào thức ăn để các “quan” nhậu, nhưng việc này lúc ấy đã bị nhà nước CSVN cấm ngặt. Nay, người ta lại dở dói ra. Những nơi sản xuất hoặc nhập cảng tất nhiên là để kiếm lời lớn, còn những người sử dụng thì không hiểu đầu óc họ ra sao, giàu quá nên hoá như vậy chăng?.- ĐD).
Nhập khoảng 300 hộp bánh trung thu giát vàng 24 kara từ Hong Kong, chị Loan ở quận Cầu Giấy Hà Nội cho biết, toàn bộ số hàng chị nhập về đã được đặt mua hết. Đợt 2, khách đã đặt hàng nhưng phải đợi khoảng 2 tuần lễ mới có thể nhận hàng. Giá mỗi hộp 4 cái loại này rẻ nhất cũng phải 4 triệu đồng tức khoảng 180 đôla Mỹ/hộp.
Bánh trung thu 4 triệu đồng/hộp

Không chỉ dừng lại ở các loại bánh có giá vài triệu đồng, thị trường Việt Nam còn xuất hiện các hộp bánh có giá từ hơn chục triệu đến vài chục triệu đồng/hộp. Các loại này được xách tay đem về từ Hồng Kông, Thái Lan và Singapore. Tất cả đều được các cơ sở kinh doanh giới thiệu là trên bề mặt bánh có phủ vàng 24k. Trong số các sản phẩm này, có một loại xách tay từ Singapore về, được bán rất giới hạn với giá 628 đôla Mỹ một hộp, tức gần 15 triệu đồng.
Chị Như ở Quận 5 Sài Gòn cho biết, chị cũng đặt gần 20 hộp bánh Singapore nói trên để nhờ người đem về, chị nói sở dĩ loại này rất mắc vì chiếc bánh được bọc trong vàng 24K, nhân bánh có thể là loại sầu riêng quý hiếm Mao sơn (Maoshan) hay loại chocolate thượng hạng xuất xứ từ Malaysia. Đặc biệt, hộp đựng bánh được thiết kế 2 tầng. Tầng trên dành cho 4 chiếc bánh. Tầng dưới đặt các vật dụng cần thiết khi thưởng thức như nĩa và dao, ấm trà và ly uống trà. Tất cả các dụng cụ này đều được mạ vàng rất đẹp.

Bánh trung thu nhân trộn bột vàng 14 triệu đồng/ hộp
Theo chị Hoa, bánh Trung thu giát vàng thời gian bảo quản khá ngắn. Khách hàng khi mua muốn biết hạn sử dụng, nhưng các hạn này lại ghi bằng chữ Tàu hoặc chữ Thái nên khó đọc được, chỉ còn trông cậy vào uy tín của nơi bán hàng mà thôi. Ngoài ra, “bột vàng” trên thị trường cũng rất đa dạng, nếu mua phải loại bánh sử dụng nguyên liệu không tốt thì có thể hại cho sức khỏe.

Nóng giận giết vợ, chồng lãnh án tù chung thân
Sáng 09-04-2019, TAND Sài Gòn đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Đình Hùng (56 tuổi, quê quán tại Quảng Nam, cư ngụ tại quận Tân Phú, Sài Gòn) mức án tù chung thân về tội giết người.

Theo cáo trạng, Võ Đình Hùng và vợ là Nguyễn Thị Lành chung sống với nhau tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Đến tháng 7-2018, do chị Lành thiếu nợ nhiều, bị bọn đòi nợ mướn hành hung và đe doạ giết chết cả gia đình nên vợ chồng phải bán căn nhà đang ở và một căn nhà khác để trả nợ rồi đi thuê một căn nhà gần đó sinh sống.
Chiều 20-9-2018, anh Hùng yêu cầu vợ đưa 130 triệu đồng tiền bán nhà còn dư sau khi đã trả nợ, nhưng chị Lành không đưa nên hai người xảy ra cãi nhau. Anh Hùng tức giận lấy chiếc chày gỗ trên kệ chén đánh vào đầu vợ nhiều cái, đẩy vợ ngã lăn xuống đất. Lúc này, chị Lành lấy chiếc xô vẫn dùng đựng nước, đội lên đầu để khỏi bị đập tiếp.
Anh Hùng vơ lấy con dao chém tới tấp vào cổ và mình chị Lành, làm nạn nhân tử vong. Sau khi dọn dẹp hiện trường, anh Hùng định trốn về Quảng Nam, nhưng trên đường đi bỗng đổi ý, bèn trở về, ra công an đầu thú.
Tại TAND Sài Gòn, anh Hùng khai rằng chị Lành chi tiêu quá hoang phí, thậm chí vay nợ nóng để mua sắm khiến anh phải bán 2 căn nhà trả nợ. Số tiền còn dư, anh muốn giữ để lo cho gia đình nhưng vợ không đưa. Trong lúc nóng giận, anh đã có hành vi bộc phát chứ không có ý định tước đoạt tính mạng vợ. Anh cũng nói là rất hối hận và xin hai bên gia đình tha thứ cho mình.

Võ thị Bích Thuỷ, con gái của bị cáo Hùng, đại diện người bị hại, khai rằng bố và mẹ cô thường xảy ra mâu thuẫn. Bà Lành luôn luôn có những lời nói, hành động không đúng đối với ông Hùng. Suốt một thời gian dài, bà Lành thường đi ra ngoài đến ngày hôm sau mới về. Ông Hùng nghi ngờ bà Lành có người đàn ông khác, đã nhiều lần gặng hỏi nhưng bà Lành luôn cãi lại. Trong nhà, bị cáo là người cha tốt, luôn chăm lo cho gia đình.

Mẹ chết, cha bị bắt giữ, cô Thuỷ không có tiền trả tiền thuê nhà nên được người chú ruột cho về ở chung với gia đình mình. Mặc dầu là đại diện của phía bị hại song cô xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Khi HĐXX vào nghị án, cô Thuỷ chạy lại ôm chầm lấy cha và hai cha con cùng khóc.

Hai cha con anh Hùng tại toà

Xét thấy trong vụ án, người bị hại cũng có một phần lỗi và sau khi phạm tội, bị cáo đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả đối với bố mẹ già phía bên nhà vợ, vì vậy HĐXX tuyên phạt bị cáo Võ Đình Hùng mức án tù chung thân thay vì tử hình theo đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.

Chồng phát giác vợ vào khách sạn sau giờ làm với lý do bất ngờ

Thời gian gần đây, anh Đặng Văn Thành cảm thấy vợ có những biểu hiện kỳ lạ, nhưng anh mắc đi lái taxi, không có thì giờ theo dõi. Cho đến một hôm, anh trở về, lúc ấy đã hết ca trực buổi chiều của chị Bích (nhân viên thu dọn vệ sinh trong bệnh viện) nhưng anh không thấy vợ ở nhà…

Anh Đặng Văn Thành, 30 tuổi, kết hôn với chị Lê Thị Bích đến nay là 8 năm, sinh được một cô con gái xinh xắn, đáng yêu mà lại thông minh ngoan ngoãn nên hai vợ chồng quý như cục vàng. Mặc dầu tiền bạc kiếm được của hai vợ chồng không nhiều nhưng họ rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, đặc biệt là có cô con gái dễ thương như vậy.
Năm nay, cô bé được 6 tuổi và bắt đầu lên lớp 1, anh chị xin cho con học lớp bán trú, tức cả sáng lẫn chiều, buổi trưa ăn cơm tại trường, chiều lại học tiếp tới 4giờ 30, chỉ nghỉ ngày Thứ năm. Hàng ngày chị đi làm về sẽ tới đón, cũng có khi chị ghé vào gửi con ở nhà ông bà ngoại cho tới chiều tối, con sẽ ăn cơm với ông bà ngoại trong khi chị chưa kịp nấu ăn ở nhà mình, rất tiện.

Tuy nhiên, trẻ con học bán trú thì tốn kém hơn rất nhiều học lớp thường tức trưa về ăn cơm tại nhà đến chiều lại đi. Nào là tiền ăn trưa, ăn xế (ăn nhẹ buổi chiều)..vv..và các thứ linh tinh khác nên rất tốn kém. Chị Bích bàn với chồng là chị sẽ tìm việc làm thêm vào buổi chiều hay buổi tối để bù vào tiền cho con học bán trú. Anh Thành không chịu, anh nói rằng một mình anh đi làm là được rồi, chị đi làm, chiều về vừa lo cơm nước vừa trông nom cho con học hành rồi anh sẽ lái xe thêm ban đêm làm thêm làm chi cho mệt.

Anh Thành là một người chồng tốt, rất yêu thương vợ nhưng ít lâu nay anh thấy vợ có điều gì đó hơi khác lạ, thường hay vắng mặt trong nhà, hỏi thì chị không nói nên anh đâm nghi ngờ, không hiểu có phải chị đã phản bội anh không.
Hôm ấy, buổi chiều, vào giờ chị Bích sắp hết ca lau dọn, làm vệ sinh trong bệnh viện, anh Thành quyết định lái taxi về đậu xa xa trước cổng bệnh viện để theo dõi xem chị Bích có về và đi đón con không. Đúng là chị đi chiếc xe Wave Alpha ra cổng, tới trường đón con bé nhưng lại ghé qua nhà bố mẹ, để con ở đấy rồi lại đi tiếp. Anh Thành cho xe chầm chậm bám sát theo sau. Chị Bích đi thẳng, có vẻ hơi vội, không một lần quay đầu nhìn lại. Rồi chị tới một khách sạn. Anh Thành kinh hoàng. Vợ mình tới khách sạn làm gì? Hẹn hò với ai ở đấy?


Một thanh niên còn trẻ, ăn mặc theo kiểu người bảo vệ trong thấy chị Bích bèn từ bên trong bước ra dắt giùm chị chiếc Wave Alpha lên vỉa hè, dựng trước cửa khách sạn cùng mấy chiếc xe khác, có vẻ rất quen, không cần đưa thẻ giữ xe. Chị Bích rút chìa khoá xe bỏ vào trong túi xách xong mở cửa kính đi thẳng vào trong khách sạn.
Anh Thành tìm chỗ đậu chiếc taxi bên lề đường, khoá xe cẩn thận rồi đóng cửa, đi tới. Người bảo vệ nhìn anh từ đầu xuống chân có vẻ tò mò: “Chú muốn kiếm ai?”. “Tôi kiếm cô Bích vợ tôi vừa mới vô đây. Tại cô quên, cầm theo chìa khoá nhà tôi phải đến lấy…”. Người bảo vệ trả lời dễ dàng: “Chị Bích mới đi thang máy lên trên lầu không biết vô phòng nào. Chú lên trên ấy kiếm được không? Cứ thấy phòng nào mở cửa thì vào…”. “Vâng, cám ơn chú”. Kỳ lạ, hẹn hò với bồ bịch trong phòng khách sạn mà lại mở cửa, thật không thể hiểu nổi!

Lúc anh Thành tìm thấy có một căn phòng mở cửa, nhìn tới nhìn lui khắp hành lang không có ai bèn gõ cửa mấy tiếng rôi bước vào thì thấy vợ chẳng hẹn hò với ai cả mà đang một mình dọn dẹp, lau trên nên phòng. Tóc chị cuốn lên thành một cuộn trên đầu, hai vạt áo cột lại trước bụng trông thật tội nghiệp. Nhìn thấy chồng, chị Bích rất ngạc nhiên: “Ủa, anh tới đây làm gì? Sao anh biết em làm thêm ở đây mà tới?”. Anh Thành tìm cách nói dối: “Tại anh về không có chìa khoá mở cửa nên chạy qua hỏi ba má mới biết em làm ở đây. Anh đến xem em có đem theo không, cho anh về lấy mấy thứ giấy tờ…”. “Có, chìa khoá đây, anh đem về đi, em lau xong mấy căn phòng rồi sẽ về sau”.
Anh Thành và chị Bích (hình trong camera
Cầm chùm chìa khoá trong tay, anh Thành xuống lầu bằng thang máy. Ra tới ngoài cửa, anh nghĩ mình sẽ xin với ông giám đốc cho chạy xe thêm ban đêm cho vợ đỡ cực nhọc

Không có nhận xét nào: