Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu trường nên sớm thực hiện đề án Đại học Sức khỏe như nhiệm vụ được đưa ra 15 năm trước đây.
<!>Ý nghĩa tên gọi ‘Đại học Sức khỏe’
Trao đổi với Đài Á Châu tự Do, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang từ Hà Nội bày tỏ sự khó hiểu đối với tên ‘Đại học Sức khỏe’ mà bà Bộ Trưởng Kim Tiến nhắc đến:
Mình gọi Đại học Y khoa hoặc là Đại học Y dược, hay hồi Pháp thuộc người ta gọi y khoa là trường thuốc, có nghĩa những cái tên đó nằm trong danh mục danh từ khoa học rồi. Còn bây giờ đổi tên thành Đại học Sức khỏe thì từ này không phải danh từ thuộc về lãnh vực y khoa. - ThS. Đinh Gia Hưng
“Nghe cái tên thì không hiểu nội hàm ra sao, nếu nói về sức khỏe thì đã có Đại học Thể dục Thể thao. Trước đây Hà Nội ở ngành y tế có trường đại học tên kỳ kỳ là Đại học Tai – Mũi – Họng, rất là buồn cười, bây giờ thêm Đại học Sức khỏe thì nghe nó kỳ quá. Có thể đó là một khoa gì đó thì được, chứ Đại học Sức khỏe thì kỳ quá.”
Còn theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên ngành Văn hóa học tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng thì lại khá ngạc nhiên với việc đặt tên ‘Đại học Sức khỏe’ mà bà Bộ Trưởng Y tế nêu ra:
“Tại vì tên gọi một là mình gọi Đại học Y khoa hoặc là Đại học Y dược, hay hồi Pháp thuộc người ta gọi y khoa là trường thuốc, có nghĩa những cái tên đó nằm trong danh mục danh từ khoa học rồi. Còn bây giờ đổi tên thành Đại học Sức khỏe thì từ này không phải danh từ thuộc về lãnh vực y khoa. Tôi cho rằng việc đổi tên như vậy không hợp lý.”
Đồng ý với suy nghĩ trên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng phát biểu của bà Kim Tiến chỉ gây nên sự buồn cười mà người dân đã chứng kiến rất nhiều lần trong thời gian gần đây khi các lãnh đạo cấp cao phát ngôn. Đặc biệt, với phát ngôn của bà Bộ trưởng Kim Tiến thì không có gì lạ, ông nói tiếp:
“Chưa bao giờ nghe thấy tại sao gọi là trường Đại học Sức khỏe. Rất khó để cắt nghĩa tại sao các vị lãnh đạo Việt Nam có những phát ngôn, những khái niệm rất buồn cười. Khi nghe bà Bộ trưởng phát biểu, đặt tên trường Y, trường Dược tồn tại hàng trăm năm thành trường Sức khỏe thì không hiểu trường Sức khỏe là về cái gì.”
Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, việc đặt tên mới cho trường Đại học Y dược TPHCM hoàn toàn không đúng ngữ pháp tiếng Việt:
“Chúng ta càng ngày càng thấy những từ ngữ không còn là thuần Việt hoặc là về ngữ pháp thì cũng vậy. Ta thấy có hiện tượng ngành giáo dục phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng ngày bị quanh lại.”
Giải thích rõ hơn, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho biết sức khỏe chỉ là một từ nôm na của người dân, không chỉ về danh từ khoa học. Ông nói rõ thêm lý do không hợp lý nếu trường Đại học Y dược đổi tên thành ‘Đại học Sức khỏe’:
“Cái gọi là y khoa là khoa học về y tế, khoa học nghiên cứu về những chứng bệnh của con người, những phương thức cải thiện sức khỏe con người, chăm sóc sức khỏe và tất cả các loại dịch vụ thì mình gọi chung là y khoa, giống như trường Đại học Luật khoa vậy, chữ khoa đây là chỉ một ngành khoa học. Chứ mình gọi sức khỏe thì chỉ là một cụm từ nằm trong một yếu tố của bộ phận lớn hơn của khoa học thì mình không thể gọi nó thay bằng từ khoa học được.”
Thêm vào đó, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cũng bày tỏ nguyên nhân vì sao ông không đồng ý với ý kiến của bà Kim Tiến:
“Mình đã gọi là y khoa thì nó sẽ bao gồm tất cả những ngành khoa học từ dược khoa, nha khoa, các nghiên cứu lãnh vực y khoa như nhiễm trùng học, hay bệnh lý học. Cải thiện sức khỏe cũng là một trong những ngành nghiên cứu của y khoa nên không thể nào nói sức khỏe là nói chung cho ngành y khoa được, vì sức khỏe là một chỉ số bên y khoa.”
Vì thế, ông cho rằng đề xuất này không hợp lý, không đúng với tinh thần danh xưng về học thuật.
Đổi tên có tránh bị tụt hậu?
Ngoài đề nghị đổi tên trường Đại học Y dược TPHCM thành “Đại học sức khỏe” bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn lập luận rằng, sự thay đổi đó nếu không được thực hiện sớm thì Việt Nam sẽ tụt hậu hơn cả Lào và Campuchia.
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, đề xuất nêu trên của Bộ trưởng Kim Tiến hoàn toàn không có sức thuyết phục và không thực tế. Ông diễn giải:
Trường đại học cả thế giới đều là trường đại học y mà lại đổi thành đại học sức khỏe, nếu vậy sao không đổi ở Hà Nội trước vì trường Đại học Y ở Hà Nội có trước ở Việt Nam, mà chỉ đổi ở TPHCM thôi. - BS. Đinh Đức Long
“Nếu đúng như bà nói như vậy thì tôi nghĩ trình độ đâu phải cái tên, người ta nói ‘chiếc áo không làm nên thầy tu’, quan trọng là cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và mặt bằng kiến thức chung, tính hội nhập và được thế giới xếp hạng. Đâu phải vì đổi tên mà thành trường nâng cao được trình độ, tính hội nhập quốc tế thì tôi cũng chưa nghe và chưa thấy ai nói như vậy cả, nếu bà nói như vậy thì tôi cũng hơi ngạc nhiên.
Thứ hai nữa là trường đại học cả thế giới đều là trường đại học y mà lại đổi thành đại học sức khỏe, nếu vậy sao không đổi ở Hà Nội trước vì trường Đại học Y ở Hà Nội có trước ở Việt Nam, mà chỉ đổi ở TPHCM thôi.”
Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Y tế nhắc đến khi trao đổi trong buổi lễ khai giảng. Theo đó, bà Kim Tiến cho rằng cả nước chỉ có 2 cơ cở đào tạo khối ngành sức khỏe lớn nhất cả nước là Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TPHCM. Nhưng do trường Đại học Y dược TPHCM ra đời sau nên hội đủ điều kiện để thực hiện được dự án đổi tên này.
Dưới góc nhìn cá nhân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng đề xuất của bà Bộ trưởng Kim Tiến lần này lại giúp người dân thấy thêm một thí dụ nữa về sự tư duy ý chí của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông nói rõ:
“Sự tụt hậu của nền y tế nước nhà không phải là thay đổi tên gọi của trường. Chính sách của nhà nước, sự đầu tư trong tường đại học, giáo trình, tình hình thực tế… đó mới là cái gốc. Chúng ta thấy đúng là nền y tế của chúng ta tụt dốc thê thảm khi bệnh viện ngày càng ít, bệnh nhân càng đông, các bác sĩ ra trường càng ngày trình độ càng kém đi, nguy hiểm nhất là vấn đề y đức. Đó là những vấn đề cốt lõi tôi cho rằng phải làm từ gốc tất cả những chuyện đó thì mới thay đổi được sự tụt hậu của ngành y tế chứ không phải chỉ vì đổi tên trường như một phép màu để thay đổi hiện trạng hiện nay.”
Đồng suy nghĩ rằng việc đổi tên gọi của một trường đại học không đánh giá được mức độ cao, thấp của ngành đó, nhưng với góc nhìn khác, bác sĩ Đinh Đức Long lại cho rằng:
“Tôi không hiểu trình độ các trường y của Lào và Campuchia đến mức nào, chỉ vì đổi tên đâu có ý nghĩa gì trong trình độ thực tế. Còn thực tế theo tôi nghĩ trình độ Việt Nam vẫn cao hơn vì tôi có tiếp xúc những nghiên cứu sinh từ các nước Campuchia sang chẳng hạn, thì họ vẫn thấy trình độ y tế Việt Nam cao hơn. Còn so sánh thì tôi không có số liệu cụ thể để xem coi hơn ở chỗ nào.”
Việc đổi tên Trường Đại học Y thành Đại học Sức khỏe đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn xã hội.
Ngay sau khi phát biểu gây nhiều hiểu lầm và tranh cãi tại lễ khai giảng Trường ĐH Y dược TPHCM, ngày 17/9 ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã giải thích lý do vì sao Bộ y tế cho ý tưởng xây dựng đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành đại học khoa học sức khỏe. Ông Lợi cho rằng về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là trường đại học y, trường đại học dược, trường đại học điều dưỡng, trường đại học y tế công cộng....Do đó Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và thương hiệu của cơ sở đào tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét