Một mẫu chiến đấu cơ Rafale của tập đoàn Dassault của Pháp trưng bày tại triển lãm quốc tế Qatar, 31/03/2016.REUTERS/Naseem Zeitoon
Tất cả các nhà sản xuất máy bay quân sự trên thế giới đều đã có mặt tại Triển Lãm Quốc Phòng Châu Á tại Kuala Lumpur từ ngày 18 đến 21/04/2016. Đại diện của những tập đoàn Nga, Anh, Pháp hay Mỹ và kể cả Trung Quốc, Pakistan đã bận rộn hơn bao giờ hết.
Là nước chủ nhà, bộ Quốc Phòng Malaysia từ chối bình luận tin cho rằng Kuala Lumpur đang chuẩn bị thay thế một loạt máy bay MiG 29 mua của Nga từ thập niên 1990. Theo một số nguồn tin thông thạo, Malaysia có thể trang bị đến 18 chiến đấu cơ đời mới, tổng trị giá lên tới hơn hai tỷ rưỡi đô la. Có nhiều khả năng trong đợt hiện đại hóa đội chiến đấu cơ này, Malaysia đang hướng tới các loại phi cơ như Saab Gripen của Thụy Điển, Eurofighter Typhon của châu Âu hay Sukhoi Su-30 của Nga. Cũng có thể là Kuala Lumpur còn chú ý cả tới loại chiến đấu cơ cấp thấp hơn do Trung Quốc và Pakistan cùng chế tạo JF-17.
Nhìn sang Indonesia, Jakarta vẫn chủ yếu dựa vào hai đối tác chính là tập đoàn Mỹ Lockheed Martin với loạt F-16 và Rosoboronexport của Nga với loại chiến đấu cơ Su-30 và Su-35.
Một quốc gia Đông Nam Á được các nhà sản xuất chú ý là Việt Nam, do theo giới quan sát, nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam gia tăng tại các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. Hãng tin Reuters trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo theo đó, gần đây Hà Nội đã bắt đầu đàm phán với đối tác Thụy Điển Saab và tập đoàn Dassault của Pháp để mua ít nhất 12 chiến đấu cơ.
Từ trước tới nay, Nga vẫn là đồng minh truyền thống của Việt Nam, nhưng Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Và trong chiến lược mới đó, theo lời giám đốc khu vực của tập đoàn Thụy Điển, Kaj Rosander, Saab có nhiều hy vọng. Dù vậy, Hà Nội vẫn tiếp tục đàm phán với tập đoàn Rosoboronexport của Nga để mua chiến đấu cơ loại Su-35.
Đương nhiên, không chỉ Malaysia mà cả Việt Nam đều từ chối xác nhận những tin trên. Cả Việt Nam lẫn Indonesia cùng từ chối trả lời hãng tin Reuters về động cơ thúc đẩy các nước Đông Nam Á trang bị chiến đấu cơ đời mới. Nhưng khi phát biểu một cách không chính thức, Việt Nam và Indonesia đều nhìn nhận : Các nước trong vùng lao vào một cuộc chạy đua và khẩn trương mua chiến đấu cơ để làm đối trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh ngày càng gia tăng kiểm soát Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia trong khu vực, chủ yếu là Việt Nam, Philippines,
Nhiều nước Đông Nam Á lo ngại, sau sự kiện máy bay quân sự Trung Quốc vào tuần trước lần đầu tiên đáp xuống đường băng trên Đá Chữ Thập, sắp tới đây Bắc Kinh sẽ còn điều chiến đấu cơ đến tận sát các nước láng giềng.
Báo cáo gần đây của viện nghiên cứu về an ninh, quốc phòng IHS Jane’s ghi nhận : « Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông là nguyên nhân thúc đẩy các quốc gia khác trong vùng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, tăng tốc tiến trình hiện đại hóa các phương tiện phòng thủ. Philippines, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam thật ra chỉ theo gót Trung Quốc và xu hướng đó chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét