Tuần qua, tôi đến từ giã Mãnh Sư của chiến trường Bình Định, Cố Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường. Năm 2011, về California, tôi ghé thăm ông. Năm năm trôi qua, lần thăm thứ hai này là cũng là lần từ giã. Cuộc sống ở hải ngoại bây giờ là thế. Thời gian năm hay mười năm không gặp nhau là chuyện thường.
<!->
Chú Tường, tôi gọi người mãnh sư ấy là chú vì ông là bạn thân của chú tôi, giáo sư Đinh Tiến Lãng. Tôi không biết nguyên do nào mà một văn, một võ ấy gặp nhau hay chỉ vì họ là đồng hương Thái Bình? Những ngày họ là bạn, ô Tường không biết tôi, còn tôi thì biết vì nghe mọi người trong họ hàng kể.
Sau 82, chú Tường mới biết tôi. Chú Lãng, từ Mỹ, gửi tiền cho anh Dzi thăm nuôi chú Tường. Nghe hoàn cảnh ô Tường, tù cô độc vì vợ con không thăm nuôi, tôi cảm thấy chạnh lòng. Tôi mua thêm ít quà và chỉ vỏn vẹn ghi vài giòng (Quỳnh Giao, cháu Đinh Tiến Lãng, gửi biếu chú).
1990, tôi gặp chú Tường ở Chùa Vĩnh Nghiêm. Ông rất cảm động khi gặp được cô cháu, người gửi quà cho ông lúc ở tù, mà ông không hề biết mặt. Rồi ông ghé nhà, trò chuyện thiền với tôi. Ông tặng sách Thiền cho tôi. Ông luận bàn về cái tên Quỳnh Giao của tôi rất dài, rất nhiều và rất hay. Tôi hỏi vì sao ông không đi, ông bảo ông không thích vì còn phải trông coi bà cô già và đang chỉ muốn thiền.
Nửa tháng sau cha tôi (ông có gặp cha khi ông là bạn chú Lãng) đề nghị ông …cứu cô cháu bằng cách đưa tôi và hai con sang Mỹ. Ông Tường vẫn nêu lý do cũ: trông người cô già và không thiết gì nữa ngoài Thiền.
Năm 2000, tôi gặp chú Tường qua điện thọai trên đất Mỹ. Tôi trách, sao chú đi Mỹ mà không giúp Quỳnh Giao? Ông giải thích rằng tình hình lúc đó quá gấp. Ông có tên trong danh sách đặc biệt nhưng từ chối ra đi mấy lần. Ông chỉ đổi ý khi bạn bè doạ rằng nếu ông không đi, vc sẽ nghi ông làm cho CIA thì lúc đó dù có muốn thiền cũng chẳng xong với loài quỷ dữ. Qua điện thoại, ông chỉ cười khi bị cô cháu "mắng mỏ tưng bừng".
Năm 2011, được tin ông đau trên net, tôi liên lạc với chiến hữu của ông ở San Jose. Năm đó, bịnh viện nơi ông nằm đã bảo rằng có lẽ khi sống, ông này “giàu” lắm. “Giàu” vì người người khắp nơi đến thăm. Số lượng khách đông đến độ phải ghi danh chờ đến lượt. Khi ông an giấc nghìn thu, số người đóng góp để lo tang chế cho ông cũng cả một danh sách dài. Ông là người xem như không gia đình khi ở tù và cả ngoài đời nhưng các chiến hữu đã chu toàn tất cả cho ông. Có cả những người không biết ông bao giờ nhưng xúc động trước những bài báo viết về ông, về những chiến công của ông đã đến thăm và đóng góp.
Bạn thân của ông, cựu Trung tá Vũ Mục, năm ấy, đã “điều đình” với các chiến hữu ở San Jose và chiếc xe tang từ Nam California đến Bắc California để đưa linh cửu ông về lại Nam California chôn trong khu đất gia đình ông Mục. Hiện giờ trong khu nghĩa trang một hàng ngang là bà Mục, mảnh đất trống bên cạnh dành cho ô Mục, cụ bà thân mẫu ô Mục, rồi đến mãnh sư Bình Định. Ồ nếu không đi xa, chắc tôi sẽ "ra lịnh" cho ông anh Vũ Mục, phải để cho tôi một phần gần đó. Tôi sẽ tiếp tục bàn Thiền với chú Tường ở nơi xa ấy, tiếp tục "đì" ông anh , phen này nhõng nhẽo được cả bà chị nấu ăn ngon.
Tôi vẫn nói rằng trường hợp Cố Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường là một minh chứng hùng hồn nhất cho tình huynh đệ chi binh của những người lính VNCH.
Giờ này lại từ biệt chú Tường. Ông Mục bảo qua Úc em tìm và ngoại giao thử với gia đình ông Tường xem sao. Tôi ừ hử. Tôi không hy vọng nhiều nhưng thôi cứ để giòng đời trôi và mọi việc diễn tiến. Thuận là duyên, không thuận là nghiệp. Duyên nghiệp bao giờ cũng sóng đôi với nhau như hai mặt của đồng tiền. Tôi hy vọng tôi sẽ thuyết phục được bà Tường nếu như tôi có dịp gặp gỡ bà.
Lại sắp 30/4. Một đời người trai trẻ, một đời người lính hiên ngang, kết thúc trong trong ngày lịch sử tang thương ấy.
Bao giờ có lại ngày xưa?
Hoàng Lan Chi
4/2016
Mời xem những bài viết tưởng nhớ Mãnh Sư Bình Định, Cố Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường tại blog HOÀI NIỆM do Hoàng Lan Chi lập năm 2014 để hoài niệm những người chúng ta yêu quý:
Hoài Niệm Mãnh Sư Nguyễn Mạnh Tường
Posted on August 20, 2014 by mottroithuongtiec
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét