Đoàn công tác của Bộ trưởng Trần Hồng Hà khảo sát trực tiếp nơi xử lý nước thải của Formosa hôm 28-4 – Ảnh: Văn Định. Tuổi Trẻ
Khi sinh tiền bà GS Sheri Rosenberg có viết “Diệt chủng là một tiến trình, không phải một sự kiện” (Genocide Is a Process, Not an Event. Bà cho rằng đó là một sự giảm thiểu từ từ sức sống của dân tộc đó về cả hai mặt chất lượng và số lượng (genocide by attrition).<!->
Trong lịch sử loài người, diệt chủng đã xảy ra rất nhiều cho các dân tộc, tuy hoàn cảnh và đặc tính có khác nhau, nhưng nó có các điểm giống nhau như: (1) diễn ra trong bối cảnh thế giới ít quan tâm vì do một sự kiện lớn khác chiếm hết các băng tầng của truyền thông các nước, (2) muốn xoá bỏ, làm bạc nhược, hay đuổi dân tộc đó ra khỏi một vùng lãnh thổ, (3) chủ thể gây ra là một chính quyền hay một quốc gia ở tại thực địa hay ở ngoài thực địa, (4) xem sự hiện hữu hay sự hùng mạnh của dân tộc đó là một mối đe doạ, (5) xảy ra khi dân tộc đó không có khả năng để tự bảo vệ, (6) chủ thể gây ra thường nhân danh một lý tưởng, một chủ nghĩa, một tín ngưỡng, hay một sự tự vệ, (7) chủ thể gây ra thấy không có ai ở bên ngoài thực sự có khả năng can thiệp vào, (8) sự diệt chủng xảy ra trong một thời gian dài, không phải giết hàng loạt trong một vài lần, (9) sự diệt chủng không chừa một ai, dù đàn bà hay trẻ em.
Trong quá khứ ta thấy có khoảng 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc Xã sát hại từ 1933-1945, khoảng 1 triệu người Tutsi bị sát hại trong năm 1994 ở Rwanda bởi chính quyền người Hutu, khoảng 1.5 triệu người Armedian bị sát hại duới tay người Thổ Nhĩ Kỳ từ 1915-1923, khoảng 1.5 triệu người Cam Bốt dưới tay Pol Pot từ 1975-1979, hơn 1 triệu người Ái Nhĩ Lan chết đói 1846-1852 mà nguời Anh gián tiếp để cho xảy ra, nhiều triệu thổ dân ở Mỹ Châu bị chết vì bệnh đậu mùa (smallpox) do nguời Âu Châu đem sang cùng sự tàn sát nguời Inca và người Aztecs, chính quyền Úc từ 1909 đến thập niên 1970s chủ truơng tiêu diệt thổ dân bằng cách bắt cóc trẻ sơ sinh của họ,….
Việt Nam là nạn nhân của tiến trình này qua cả ngàn năm lịch sử, nó giảm tốc khi Việt Nam giành được độc lập, nhưng tăng tốc trở lại khi phong trào cộng sản thắng thế với quốc tế vô sản, và càng thảm não hơn khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, CSVN lệ thuộc vào CS Trung Quốc nhiều hơn để tồn tại, mà Hội Nghị Thành Đô 1990 và hai thập niên sau đó là đỉnh điểm của sự thần phục.
Trung Quốc từ ngàn năm, do địa chính trị chéo ngoe thất thế, hoặc chỉ thu mình ở trung nguyên hay chỉ có thể tiến nam để bành truớng, nên xem VN là cái gai cần phải nhổ cho trống đường, cả bộ lẫn thuỷ. TQ xem sự hùng mạnh của VN là một mối đe doạ, cản bước TQ trong việc chế ngự Đông Nam Á với khoảng trên 600 triệu dân, với tài nguyên Biển Đông và đường vào Ấn Độ Dương để tiến đến Trung Đông và Phi Châu.
Nhưng tiêu diệt dân tộc VN thì rất khó mà ngàn năm lịch sử đã chứng minh. Vậy thì diệt chủng bằng một tiến trình từ từ và đa dạng là giải pháp mà họ có thể làm được, vừa hiệu quả vừa không gây ồn ào để dư luận thế giới quan tâm.
Ở Hội Nghị Geneva 1954, trong các cuộc đàm phán giữa các bên, TQ với thủ tuớng Chu Ân Lai luôn thúc ép phía Việt Nam chia đôi đất nước. Nhà sử học Nayan Chanda nhận xét: “Trung Quốc ủng hộ sự tồn tại của hai Việt Nam và nói chung mong muốn có một đa quốc gia tại biên giới của nó…”
Trong Chiến Tranh VN, TQ cung cấp súng đạn cho Miền Bắc xâm lăng Miền Nam, muốn cho huynh đệ tương tàn, TQ còn cho cả 170,000 quân TQ vào trấn giữ Miền Bắc để CSVN dốc toàn lực lượng xâm lăng Miền Nam. Một VN yếu và tan nát là một dạng của tiến trình tiêu diệt một dân tộc.
Khi Miền Bắc chiếm được Miền Nam năm 1975, những ngày trước khi MN sụp đổ, TQ không muốn có một VN thống nhất mà muốn tiếp tục duy trì hai thực thể, họ đã liên lạc với Toà Đại Sứ Pháp và với phía ông Dương Văn Minh trong ý định này, nhưng đã không thực hiện được vì biến cố xảy ra quá nhanh và ông DVM đi về hướng người em ruột của ông là Dương Thanh Nhựt phía CSVN, đang ngã hẳn về Liên Sô. Sử gia Dương Trung Quốc đồng ý với đánh giá của truyền thông quốc tế lúc bấy giờ là TQ muốn “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”. Ông nêu bật là, bất chấp sự chọc gậy bánh xe của TQ, CSVN năm 1975 đã thống nhất đất nước. Phản ứng sau đó của TQ là xúi giục lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot mở cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và xua quân đánh vào vùngbiên giới phía Bắc VN năm 1979.
Để tiêu diệt một dân tộc, TQ sử dụng một tiến trình lâu dài và đa dạng: từ chia đôi đất nước, cung cấp súng đạn cho huynh đệ tương tàn, thừa cơ hội Hoa Kỳ rút quân để chiếm Hoàng Sa, thừa cơ hội CSVN chơi vơi trước sự suy tàn của Liên Sô và Đông Âu để chiếm Trường Sa, lợi dụng lúc CSVN sẽ té nếu không có họ chống lưng để tung ra đường lưỡi bò, xây đảo, chiếm thêm ngư trường, đưa thêm giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN hay vùng chồng lấn ở vịnh Bắc Bộ, xâm nhập nóc nhà VN qua việc khai thác bauxite, nơi có vị trí chiến lược và xả rác bùn đỏ, chiếm các khu rừng đầu nguồn, khống chế nước sông Mekong gây nhiễm mặn cái nôi nông phẩm và huỷ diệt tôm cá, núp sau Đài Loan xây dựng nhà máy thép Formosa Vũng Áng, nơi có vị trí yết hầu dễ cắt VN cả bộ lẫn thuỷ với chỉ khoảng 40 cây số đến Lào và 320 cây số đến căn cứ hải quân Du Lâm của TQ, làm nhiễm độc biển đưa chất độc vào hệ thống dây chuyền thực phẩm tàn phá sức sống dân tộc nhiều thế hệ về sau, nhập vào VN các thực phẩm và hoá chất độc hại, xây các nhà máy không an toàn gây ô nhiễm không khí hay nguồn nước từ Bắc đến Nam như nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận hồi tháng 4/2015, xây các phố Tàu khắp các tỉnh thành.
TQ từng lấy cớ mượn đường vào đánh Chiêm Thành đời nhà Trần để xâm lăng VN. Ngày nay việc mượn đường được thể hiện dưới hình thức đầu tư kinh tế. Thâm hụt thương mại với TQ năm 2015 là khoảng 35 tỷ đôla, số tiền khổng lồ này mà TQ móc được từ VN mỗi năm giúp TQ mượn đường vào VN bằng chi phí của VN.
VN đất hẹp dân đông, mật độ dân số được coi là quá cao, khoảng 270 người cho một cây số vuông, gấp 7 lần so với tiêu chuẩn thế giới. Cho nên để dọn con đường mòn tiến nam, họ vừa cho dân TQ vào sống xôi đậu chiếm các vị thế thượng phong, vừa huỷ hoại môi trường để bào mòn sức sống, đuổi người Việt đi nơi khác. Các khu phố Tàu nở ra từ sau Hội Nghị Thành Đô ở các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương… (bit.ly/1NI09nM) càng ngày càng mọc lên nhiều hơn.
Đảng CSVN lại không quan tâm gì đến môi trường, trong khi TQ đang dùng nó để tiêu diệt một dân tộc. Các nước như Đức, Áo, Bỷ, Ý, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ và cả Phi Luật Tân đang chủ trường giảm thiểu và loại bỏ hẳn điện hạt nhân. Các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha đang cắt xuống dần các nhà máy. Trong khi đó thì VN lại hồ hởi xây dựng ở Ninh Thuận. Nếu tai nạn xảy ra thì sức tàn phá môi trường sẽ vô cùng khủng khiếp. Rất nhiều các chuyên gia điện hạt nhân bên trong và bên ngoài VN hết sức lo lắng và lên tiếng báo động, nhưng CSVN bỏ ngoài tai vì xây dựng hàng tỷ đôla thì tiền bôi trơn tham nhũng sẽ khổng lồ cho họ. VN có bờ biển dài và vô cùng xinh đẹp, các nhà máy như Formosa hay điện hạt nhân sẽ lấy đi món quà thiên nhiên quý giá của dân tộc.
Các nước theo chế độ cộng sản có một điểm chung là xem rẽ sự sống của nguời dân trong nước. Họ xem dân là con vật để thí nghiệm trong việc họ thay Thượng Đế để cơ cấu lại xã hội con người (social engineering). Coi dân như cái đinh con ốc trong bộ máy cơ khí, có thể ném bỏ một cách vô cảm (expendable), hoàn toàn không có nhân vị. Chủ nghĩa cộng sản với ý niệm “đạo đức cách mạng” mà Lê Nin cổ xuý, dạy cán bộ phải biết xem rẽ đạo đức mà các tôn giáo lớn của nhân loại xiển dương để làm bất cứ điều gì có lợi cho đảng. Sự bạo tàn từ đó mà ra! Não trạng này ngày nay cũng còn di truyền sang hậu CS của chế độ Putin. CSVN là đàn em của cộng sản Liên Sô và Trung Quốc cho nên cũng không ngoại lệ. Sự kiện cá chết và môi trường sống bị tàn phá đã phơi bày rõ nét điều này.
Các nước theo chế độ cộng sản có một điểm chung thứ hai là “khôn nhà dại chợ”, hà hiếp và giết hại dân mình nhưng sợ ngoại bang, nhất là những ngoại bang có sức mạnh quân sự hay kinh tế. Lợi dụng tâm lý “dại chợ” này của CSVN mà TQ đã và đang xây hàng rào khoá các cửa biển của VN, khoá từ các nhà máy dọc bờ cho đến những chuỗi đảo ngoài khơi, khoá từ dưới nước lên đến trên không trung, biến VN thành con đường mòn Mao Trạch Đông ven biển để họ tiến nam.
Hiện tượng cá chết xuất hiện từ ngày 4/4 nhưng tứ trụ đều lặng thinh vô trách nhiệm. Mãi đến 22/4 TBT Nguyễn Phú Trọng mới đến Hà Tĩnh, nhưng không phải để hỏi thăm dân việc cá chết hay lo lắng môi trường mà để kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp và tiến độ Dự án Formosa. CTN Trần Đại Quang thì chẳng thèm thăm dân của 4 tỉnh bị nạn, hôm 29/4 vào Đà Nẵng phát biểu “Tôi cũng rất ủng hộ có chính sách đặc thù cho thành phố, có chính sách đặc thù thì Đà Nẵng mới bứt phá đi lên được, nếu không có là rất khó.” Sự vô trách nhiệm cùng câu nói này cho thấy chế độ đã quá hư hỏng, chỉ nơi nào có ngoại lệ, có chính sách đặc thù như Đà Nẵng thì mới phát triển được.
Ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh hôm 25/4 trên kênh truyền hình VTC14 nói rằng “Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại”. Câu nói tuy nghe rất sốc, nhưng có vẻ không phải nói với dân mà là nhờ truyền thông chuyển qua cho Đảng, vì trong quá trình thành lập, Formosa không làm việc với dân mà làm việc với Đảng CSVN, dân hoàn toàn bị gạt ra bên lề. Tiền Formosa bôi trơn trám miệng thì lãnh đạo Đảng đã ăn và đã chọn nhà máy, vì vậy Đảng “khôn nhà dại chợ” nên biết phải làm gì để bảo vệ Formosa vì công ty có yếu tố nước ngoài.
Để tiêu diệt một dân tộc nó “là một tiến trình, không phải một sự kiện” như GS Sheri Rosenberg quan sát. Tiến trình này TQ lâu nay thực hiện cho dân tộc Việt Nam. Nó lâu dài và đa dạng, được tăng tốc bởi chế độ chính trị của nước nạn nhân. Chế độ khoá tay bịt miệng người dân, không cho đất nước có sức mạnh dân tộc, hai đảng cộng sản đàn anh và đàn em rù rì rủ rỉ với nhau trong bóng tối. Nó biến VN trước tiên là bãi rác, kế đến là con đường mòn nam tiến. Nó bào mòn sức sống của dân tộc và tàn phá một đất đước xinh đẹp mà thiên nhiên ban bố. Lối thoát là đâu? – Nó nằm trong sự thông minh và dũng cảm của dân tộc ta, cho dù đã một lần uống phải bùa mê thuốc lú của chủ nghĩa cộng sản nên còn dật dờ cảnh trí. Lịch sử ngàn năm đã chứng minh, sức sống của dân ta mãnh liệt, dân tộc này không để bị tiêu diệt mà sẽ tỉnh thức để vùng lên.
30/4/2016
© Lê Minh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét