Một người biểu tình Hồng Kông giương khẩu hiệu "Hồng Kông vì người Hồng Kông".Reuters
Về thời sự châu Á, tuần báo Le Courrier International có bài phân tích đáng chú ý của một giáo sư luật về làn sóng đòi tự trị dâng cao tại Hồng Kông, một trong những người khởi xướng phong trào Chiếm lĩnh trung tâm cuối năm 2014. Bài « Hồng Kông : Sôi sục đòi tự trị » tìm cách trả lời cho câu hỏi : Lý do nào đã khiến ngày càng nhiều người Hồng Kông chọn con đường đối kháng với Bắc Kinh ?<!->
Giáo sư Đới Diệu Đình (Benny Tai Yiu-Ting) nhận xét, cách đây 10 năm người ta không thể nào tưởng tượng được trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Hồng Kông có thể diễn ra các cuộc tranh luận công khai về khả năng Hồng Kông « tự quyết định tương lai của mình hoặc tuyên bố độc lập, đi ngược lại với chủ trương của Bắc Kinh ».
Theo vị giáo sư luật đại học Hồng Kông, nguồn gốc của làn sóng chính trị đòi quyền tự quyết, thậm chí độc lập cho Hồng Kông, xuất phát từ nghị quyết 8-31 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc (được thông qua ngày 31/08/2014), không cho phép Hồng Kông có được một cuộc bầu cử dân chủ thực sự để người dân đặc khu tự chọn cho mình người lãnh đạo.
Kể từ biến cố này, người dân Hồng Kông « bắt đầu hiểu rằng Bắc Kinh không hề có ý định » dành cho họ quyền phổ thông đầu phiếu. Các phong trào Chiếm lĩnh trung tâm và phong trào Ô/Dù Vàng, phản đối chính sách của Bắc Kinh, đều thất bại. Và cuối cùng « tiến trình dân chủ hóa Hồng Kông về cơ bản đã bị ngăn chặn trong một thời gian vô hạn định, sau khi Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông bác bỏ luật bầu cử hồi tháng 6/2015 ».
Những diễn biến nói trên để lại hệ quả là, « mọi người mất hết ảo tưởng vào nguyên tắc ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’ và không còn tin rằng Luật cơ bản Hồng Kông (được coi là Hiến pháp của đặc khu) sẽ bảo đảm cho người dân đặc khu một nền dân chủ thực sự ». Tâm trạng phổ biến tại Hồng Kông được ông Đới Diệu Đình ghi nhận là : «Niềm cay đắng vì bị bội ước, ảo tưởng tan vỡ, nỗi bất bình, thất vọng, bất lực và sự nóng lòng trước thực trạng hiện nay và tương lai của nền dân chủ ». Ông Đới Diệu Bình tin tưởng nếu Bắc Kinh càng đàn áp, công dân Hồng Kông sẽ càng trở nên triệt để, hay bạo lực.
Le Courrier International giới thiệu tiếng nói của ba đại diện cho ba đảng phái chính trị mới thành lập, ủng hộ Hồng Kông tự trị thực sự, hoặc một nền độc lập cho đặc khu hành chính này. Đó là các đảng Youngspiration (Nền Chính Trị Mới của Thanh Niên/Thanh Niên Tân Chánh), thành lập tháng 1/2015, đảng Dân Tộc Hồng Kông, thành lập tháng 3/2016, và đảng Demosisto (Dân Chủ), ra đời đầu tháng 4/2016.
Theo giáo sư luật, cần phân biệt hai quan điểm « tự quyết » và đòi độc lập. Đối với nhiều người chủ trương « tự quyết », Hồng Kông vẫn là một bộ phận của nước Trung Hoa và họ chỉ bảo vệ quyền ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’ (mà Bắc Kinh hứa hẹn). Trên thực tế, lãnh đạo đảng Thanh Niên Tân Chánh nói trên vừa chủ trương tự quyết, nhưng cũng không loại trừ khả năng Hồng Kông độc lập, như mô hình của Singapore. Đảng này dự kiến sẽ tham gia vào cuộc bầu cử Nghị Viện tháng 9/2016. Trong khi đó, đảng Dân Tộc Hồng Kông, với chủ trương thnafh lập « nước Cộng Hòa Hồng Kông », dự định tham gia cuộc bầu cử Nghị Viện sắp tới, cũng rất quan tâm đến kinh nghiệm phong trào độc lập Đài Loan.
Chủ trương bóp nghẹt nền dân chủ Hồng Kông của Bắc Kinh ắt hẳn sẽ khiến thêm nhiều người đòi tự quyết ngả theo quan điểm độc lập, tách Hồng Kông khỏi Hoa Lục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét