Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Phòng Trà và Vũ Trường Saigon xưa



Những giọng ca thành danh từ phòng trà vũ trường xưa
Có thể nói, phòng trà – vũ trường ngày xưa cũng là nơi chắp cánh cho rất nhiều giọng ca tỏa sáng.
Từ em tiếng hát lên trời…
Những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, ca sĩ phòng trà – vũ trường mới lác đác xuất hiện tại Việt Nam. Có thể nói, quán Nghệ Sĩ ở phố Bờ Hồ, Hà Nội, do 3 nhạc sĩ tiền bối: Nguyễn Văn Diệp, Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước đứng ra tổ chức, là phòng trà đi tiên phong trong hoạt động nghệ thuật thuộc lĩnh vực này.
Cũng từ môi trường đó, lớp ca sĩ đầu tiên đã thành danh, như: Thương Huyền, Mai Khanh, Hoàng Giác, Ái Liên… nhưng thành công hơn cả là nữ ca sĩ Kim Tiêu với chất giọng trầm ấm, âm vực rộng đã thật sự đi vào lòng người.Sau 70 năm, những tên tuổi vang bóng một thời ngày đó dường như không còn được những người của thế hệ hôm nay nhắc tới.Hay nói một cách khác, lớp hậu sinh đâu còn ai biết họ mà nhắc!
Thời đó, đất Hà thành, có hai tên tuổi lớn trong nền văn học cận đại Việt Nam là nhà văn Nguyễn Tuân và thi sĩ Vũ Hoàng Chương (Nguyễn Tuân hơn Vũ Hoàng Chương 6 tuổi, nhưng họ là đôi bạn thân) là khách thường xuyên của phòng trà này.
Đêm nào có mặt tại đây, uống chưa say là hai ông chưa chịu ra về.Sinh tiền, nhà thơ Vũ Hoàng Chương vẫn luôn nhắc đến tiếng hát Kim Tiêu, như một trong những hoài niệm về Hà Nội nhớ thương luôn hiện về trong ký ức của ông.
Nhưng phải đợi đến những năm cuối của thập niên 1950, Sài Gòn mới chính là đất lành cho hoạt động phòng trà – vũ trường phát triển.Không ít ca sĩ đã từ đó mà rực sáng.Vào thời điểm này, các phương tiện nghe, nhìn còn rất hạn chế.Và công nghệ lăng xê vẫn còn rất xa lạ đối với công chúng.Do đó, hầu hết các ca sĩ tạo được tiếng tăm, chủ yếu dựa vào tài năng của mình.Ít người được đào tạo bài bản một cách chính quy.May lắm cũng chỉ thông qua các lò đào tạo một thời gian ngắn.Cái chính là chất giọng thiên phú, và đặc biệt chẳng ai hát giống ai.
Trước tiên, phải kể đến phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện.Ra đời vào khoảng cuối năm 1957, lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này sớm được người yêu nhạc biết đến là nam danh ca Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu.Chính nơi đây, ca khúc Hận Đồ Bàn với tiếng hát trầm ấm của Việt Ấn đã làm say mê người nghe.
Cũng tại phòng trà Anh Vũ, người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9, lần đầu tiên đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công tác phẩm đầu tay Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Có một giai thoại mà trong giới văn học – nghệ thuật của Sài Gòn thời đó, hầu như ai cũng biết.Thanh Thúy không chỉ hát hay, chất giọng khàn đục, được mệnh danh “tiếng hát liêu trai”, bà còn có một mái tóc dài gợn sóng và vóc dáng của một nàng thơ.
Mỗi lần đứng trên sân khấu, một tay bà thường xoa nhẹ lên tóc và tay kia đưa ra phía trước để biểu cảm.Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, một nhà thơ khá nổi tiếng của thời đó, đã tỏ ra rất say mê hình ảnh và tiếng hát của bà, đã làm 4 câu lục bát để đời cho Thanh Thúy, được nhiều người truyền tụng và  thuộc lòng:
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xoa dòng tóc, tay vời âm thanh
Giọt buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.
Những giọng hát vượt thời gian
Một điều mà không phải ai cũng biết: nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam là Đào Hoa Nữ, cũng đã chọn phòng trà Anh Vũ để bắt đầu cuộc đời ca hát của mình.Dù đang ở trên đà thành công, nhưng Đào Hoa Nữ đã lặng lẽ từ bỏ sân khấu để cầm máy ảnh lang thang khắp mọi nẻo đường đất nước. Xem ra chị đã rất thành công với công việc sau này.
Nhưng  sâu sắc nhất mà phòng trà Anh Vũ đã để lại trong lòng công chúng là sự hiện diện hằng đêm của ca sĩ Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long (cùng với Hoài Trung, Hoài Bắc).Tiếng hát trong vắt, ngọt lịm với những luyến láy như rót mật của Thái Thanh đã thật sự chinh phục hầu hết trái tim của người yêu nhạc. Thái Thanh hoàn toàn xứng đáng với từ “tiếng hát vượt thời gian” mà cuộc đời dành tặng cho bà.
Hop ca Thang Long_resize
Hợp ca Thăng Long
Ngoài phòng trà Anh Vũ ra, vào thời điểm đó, Sài Gòn còn có phòng trà Trúc Lâm trên đường Phạm Ngũ Lão, nhưng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi đóng cửa vì vắng khách.Chỉ có phòng trà Hòa Bình, tọa lạc ngay tượng nữ sinh Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành hiện nay là có thể cạnh tranh được với phòng trà Anh Vũ.Người ta tìm đến đây để được nghe nữ ca sĩ Bích Chiêu (chị của ca sĩ Tuấn Ngọc) thổi hồn nhạc jazz vào những ca khúc trữ tình, trong đó bài hát Nỗi lòng của Nguyễn Văn Khánh được coi là ca khúc thành công nhất của Bích Chiêu.
Nhưng phòng trà Hòa Bình không phải chỉ có một Bích Chiêu mà còn có nam ca sĩ Cao Thái, với làn hơi dài đã chinh phục người nghe bằng những bài hát ngoại quốc mà tiêu biểu nhất là bài Mexixo.Ở đây, còn có thêm một Trúc Mai mà chất truyền cảm khó có giọng hát nào sánh được trong những ca khúc mang điệu bolero – rumba.
Một khuôn mặt lừng lẫy nữa xuất hiện hằng đêm là nữ danh ca Bạch Yến.Bà xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn mô tô bay từ thuở còn bé.Sau một tai nạn nghề nghiệp dẫn đến thương tật, Bạch Yến đã bỏ cái nghề nguy hiểm đó để bước vào đời ca hát.
Trước tiên là ở phòng trà Trúc Lâm, nhưng lúc đó Bạch Yến chỉ là một bóng mờ, ước mong được hát, kiếm tiền để phụ giúp gia đình.Thế mà khi gia nhập vào phòng trà Hòa Bình, với giọng trầm hiếm có, Bạch Yến đã nhanh chóng trở thành một ngôi sao mà ca khúc Đêm đông của Nguyễn Văn Thương do chị thể hiện đã mãi mãi đi vào lòng người.
Nở rộ phòng trà
Phong tra Vu truong Tu Do_resize
Phòng trà vũ trường Tự Do
Năm 1963, sau khi co  TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hoạt động phòng trà ở Sài Gòn càng trở nên sinh động. Lúc bấy giờ phòng trà đi kèm với vũ trường mọc lên như nấm sau mưa.Chỉ riêng khu vực trung tâm quận 1 thôi đã có đến mấy chục phòng trà.Điển hình như: Maxim, Khánh Ly, Tự Do, Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jomarcel, Thanh Thế, Kim Sơn, Olymya, Văn Cảnh, Tháp Ngà, Rizt, Baccara, Macabane… Khách đến đó vừa nghe nhạc vừa có thể nhảy đầm.Đây là thời điểm của Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Nhật Trường, Thanh Lan, Caroll Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim, Cathy Huệ, Julie Quang…
Cũng cần phải nói thêm rằng, dạo đó ca sĩ Sài Gòn được chia thành hai nhóm.Một nhóm chuyên hát phòng trà – vũ trường như đã nói trên.Và một nhóm chỉ xuất hiện ở các đại nhạc hội và những chương trình tạp kỹ lưu diễn các tỉnh, như: Túy Phượng, Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Hồng Quế… Nhưng dù ở nhóm nào đi nữa thì Thái Thanh vẫn được nhìn nhận như con chim đầu đàn.
Những giọng ca kế thừa   
Về sau, khi phòng trà – vũ trường mọc lên nhiều quá, sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt.Một số nơi ăn nên làm ra đã ký hợp đồng độc quyền hằng năm với những ca sĩ tên tuổi.Tùy theo sự ăn khách của từng ca sĩ mà tiền hợp đồng mỗi năm chênh lệch khá lớn, số tiền này đủ để sắm nhà lầu, xe hơi theo thời giá.Ngoài khoản tiền hợp đồng để giữ chân đó ra, họ còn được trả cát sê hằng đêm như thường lệ.Từ đó, ai muốn nghe Thái Thanh thì phải đến phòng trà Đêm Màu Hồng trên đường Nguyễn Huệ.
Ai muốn nghe Lệ Thu phải đến phòng trà – vũ trường Tự Do .Còn Elvis Phương thì độc quyền tại phòng trà – vũ trường Queen Bee (Nguyễn Huệ), Khánh Ly đóng đô tại phòng trà Khánh Ly (Tự Do). Trúc Mai ở tuốt Victoria Phú Nhuận, trên đường Võ Di Nguy 
Nhiều năm sau ngày 30.4.1975, phòng trà – vũ trường không còn hoạt động.

Không có nhận xét nào: