Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Tùy Bút TIẾC SÁCH - Bình Thanh



Ngày nay, người ta đã quen nhìn vào màn hình máy tính, nên giở một trang sách không còn là một niềm vui nữa: “Chúng tôi không có thời giờ…Chúng tôi không rảnh rỗi…” Một lý do chính đáng hơn là chúng ta không còn đủ rừng để làm giấy in sách nữa, thế kỷ này, những thành tựu trong lãnh vực kỹ thuật số giúp giải quyết việc lưu trữ, đang dần thay thế các ấn bản và sách đã có một hình tướng khác là ebook và nghe người ta đọc cho nghe, ngoài ra, người ta không còn tha thiết đọc chữ như xưa. Thay vì phải dùng trí tưởng tượng của mình để được thưởng thức văn chương, người ta đã say mê nghe âm thanh dội vào tai và nhìn ngắm hình ảnh đa chiều đầy hấp lực. 
<!>
 Tôi tiếc nhớ mùi giấy mới thơm tho từ quyển sách in mà các trang còn chờ được rọc; riêng sách cũ lại thoảng một mùi hanh khô cổ kính và như dày hơn một chút, hơi vênh lên vì bao lượt bàn tay lần giở…Một người bạn ngày tôi qua Mỹ, chở lại chỗ tôi nhờ cất giữ giùm mấy thùng sách (toàn là sách Việt ngữ, hẳn nhiên rất quý!) Bạn nói con cháu của bạn không biết tiếng Việt, bạn mất đi rồi, chúng nó vất hết cả…! Tôi nghe mà thương thay. Nhưng cũng đùa lại rằng tôi không bất tử, vậy ai sẽ giữ sách đây? Cùng nhìn nhau cười: “Thôi, đến đâu hay đến đó!”

Các con tôi cũng không mê đọc sách như cha mẹ chúng. Có thích lắm thì chọn xem sách trên mạng, hoặc nghe giọng người đọc trong lúc lướt những ngón tay làm việc online. Tôi chưa quen đón nhận một tác phẩm văn học bằng cách ấy, nên việc giở từng trang sách vẫn khiến tôi thư thái nhất. Ở Mỹ, cộng đồng Việt Nam vào những thập niên 1980 – 1990 vừa yên chỗ sau cơn sóng gió ngoài biển khơi, đã tưởng nhớ đến quê nhà qua việc tìm đọc sách tiếng Việt… Con đường thông thương bị đứt đoạn. Người Việt hải ngoại bắt đầu sáng tác, cho phai lãng nỗi buồn ly hương lẫn thương tổn trên bước đường đào thoát… Công việc ấn loát những năm tháng ấy hẳn rất khó khăn, cho nên hôm nay nhìn những cuốn sách in bên này, tôi cảm thấy đau lòng. Có cuốn in chữ nhỏ hơn con kiến kim… có cuốn phần lớn các hàng chữ khi mờ khi tỏ… có cuốn giở vài trang đã bung gáy ra hết… Chưa kể tới lỗi chính tả thường nhiều một cách đáng ái ngại… Tôi thương cho người Việt của tôi, trong lúc buộc phải chia lìa đất nước, những thứ bị bỏ lại luôn là sách vở. Hiếm có người ra đi bằng đường vượt biên giới mang theo sách đọc. An thân rồi mới nghĩ đến văn chương nghệ thuật. Ai thì cũng thế thôi.

Tôi có dịp viếng thăm một tiểu thư viện trong một bảo tàng địa phương nơi tôi ở. Các kệ tủ sắp xếp sách ngăn nắp, thứ tự, không phủ chút bụi, mặc dù có thể biết những quyển sách kia đa số nằm yên vị từ ngày chúng được đặt kế bên nhau. Người ta trân trọng chúng vì đó là biểu tượng tri thức của người Việt Nam ly hương. Hơn nữa, còn là những gì sót lại của cả một nền văn học từ một quốc gia giờ đã thay đổi chính thể. Dù thế nào đi nữa, tâm hồn của những Việt kiều phải lưu vong vì biến cố ngày 30 tháng Tư năm 1975, đã gửi vào những trang sách nọ một niềm bi thống khôn cùng. Cộng thêm vào đó, còn có những hoài niệm văn chương lưu luyến mãi trong lòng chúng ta… "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm năm xưa của buổi tựu trường.”…(“Tôi Đi Học,” trích “Quê Mẹ,” Thanh Tịnh) Thành thử, dẫu được viết ra, hay khi được in trở lại, các sáng tác phẩm ấy đều là chứng tích của thời đại mà tác giả họ đang sống trong đó. Thời của Tự Lực Văn Đoàn… thời của các văn thi sĩ miền Nam VN từ 1954-1975… thời của các Việt kiều tứ xứ… Xứng đáng được lưu truyền gìn giữ biết bao.Thế mà vì vài nguyên nhân nào không rõ, những ấn phẩm chứa đựng những mảnh tài hoa của VN phải chịu chung một hình thức ấn loát qua loa sơ sài nọ.Cầm trên tay từng cuốn sách kiểu ấy, tôi buồn quá mức!

Sách in trong nước trông có vẻ khá hơn.Ấn phẩm vẫn đặt nhiều dụng công.Tuy không thể khâu tay như trước nhưng kỹ thuật đóng gáy sách cũng ít gây khó chịu cho người đọc, vì không bị tách lìa từng trang.Riêng phần nội dung đóng khung trong một kiểu, việc xuất bản hầu hết nằm trong sự kiểm soát của Trung Ương (Trực thuộc bộ Văn Hóa và Thông Tin Hà Nội) nên không thể đáp ứng được nhu cầu người đọc. Tất nhiên, vì chế độ cai trị không cho phép người dân đọc các tác phẩm văn học nào trước 1975, thuộc về một nền văn hóa bị gọi là “Kẻ Thù Của Nhân Dân,” thành thử có nhiều danh tác bị cấm ấn hành (Thỉnh thoảng, trong một giai đoạn ngắn cách nhau vài ba năm, bất ngờ các tựa sách cũ được tái bản một cách kỳ diệu ở Sài Gòn, thì nhanh như chớp, chúng được mua hết ngay!)

Qua gần 50 năm, đã tiêu tán hết cả rồi, một nền thi văn có thể xem như đại diện tâm tình dân tộc ở miền Nam Việt Nam suốt hai thập niên trước 1975. Người ta giờ có thể vẫn còn nhớ nhung một đoản văn trong một truyện ngắn nào đó (của Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, Bình Nguyên Lộc, Trùng Dương, Võ Phiến, Võ Hồng, Nguyễn Đình Toàn…) Hoặc một câu thơ đâu đó trong một bài thơ (của Nguyên Sa, Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Hạc Thành Hoa, Khê Kinh Kha, Trần Dzạ Lữ, Nhã Ca, Vũ Hữu Định…) Có khi là một trong vài cuốn tiểu thuyết đăng báo mỗi ngày (của Ngọc Linh, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Duyên Anh, Từ Kế Tường, Lê Tất Điều…) Hay chỉ một vài chương trong loạt sách biên khảo (của Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Kim Định, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Thanh Lãng…) Và nguyên cả bộ nguyệt san của một nhóm tác gia (như Văn, Bách Khoa, Sáng Tạo, Văn Học, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc…) Nỗi nhớ ấy tương tự nhưng mãnh liệt hơn nỗi thèm ăn một món quê hương của người xa xứ, không có gì thay thế nổi, ngay tức khắc. Khuynh hướng mỗi cá nhân khác nhau. Cho nên, đất nước không có được một môi trường để nền văn chương đa dạng phát triển, thật cũng chẳng thiệt thòi đối với người đọc lắm ru?

Một người bạn gửi cho tôi nhiều đường link, lưu giữ các truyện ngắn cùng truyện dài ngày trước, gồm cả các sáng tác về sau này. Nhưng không biết sao mà tôi chẳng tìm ra được một thư mục như ý… Tại tôi, tại người, hay tại “Văn Chương Hữu Mệnh” mà ra cớ sự này? Sự mất mát quá nhiều, đối với riêng tôi. Bỗng dưng tôi nhớ lại Tổng Thư Viện Quốc Gia nằm góc đường Gia Long, quận Nhất, Sài Gòn xưa kia… Với bức phù điêu lớn nhất nước lúc đó, trang trí cho vẻ ngoài của thư viện quốc gia một phong cách hoài cổ và mỹ thuật, nổi bật trong mắt khách qua đường một mầu trắng tinh đầy ẩn dụ… Số phận những sách vở thư tịch quý báu trong ấy đi về đâu? Mong rằng chúng không bị lôi ra thiêu hủy sau 1975. Nhớ lại tiếc sách mà ngẩn cả người.

-“Bây giờ ai còn đọc sách in nữa bạn? Cái gì cũng có trên mạng Net. Tìm không ra ở link này thì kiếm link khác. Tiện lợi và nhanh chóng, không chiếm chỗ trong nhà, khỏi mất công phủi bụi…”-

Người bạn nói như vậy. Tôi cũng thấy mình lạc điệu. Không khéo trở thành một người lỗi thời. Vả chăng, xu thế đương đại là do khoa học kỹ thuật thống lĩnh. Còn nhớ thủa con người tiền sử vạch vài nét vẽ nguệch ngoạc trên vách đá, đến thời kỳ nối từng chiếc thẻ tre khắc bằng dao, hoặc dùng các phiến lụa dệt để viết, tiến đến việc lọc bột rồi phơi khô thành giấy, trải mấy ngàn năm… và ngành in mộc bản ra đời… Ký ức nhân loại lưu truyền đến nay thật cũng kỳ công. Vì thế, đọc sách online hiện là việc tất yếu phải xảy đến. Đọc những gì, tùy thuộc vào người lập trình cùng ngôn ngữ thông dụng của họ. Người Việt muốn có một đường link cho các tác phẩm Việt ngữ, cũng phải có các chuyên gia để tâm vào phạm trù văn học mới có thể tạo nên. Cũng cần thực hiện trước khi các văn bản mai một đi. Chỉ có điều, sông dài trời rộng mênh mông, ai biết thuyền ghé bến nào mà chờ đón? Rốt lại, tìm một thời đã qua còn lưu giữ cũng khó như tìm một người đồng điệu ngoài đời thật.

San Jose, 08/30/2024

Bình Thanh Nguyễn

 

Không có nhận xét nào: