Hỏa Tiễn ATACMS
Ngày 17/11/2024 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp được tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Nga và lực lượng của bên thứ ba đang hoạt động tại tỉnh Kursk và cũng có thể sử dụng chúng ở các khu vực khác sâu bên trong lãnh thổ Nga, đánh dấu một sự thay đổi lớn về chính sách của Washington đối với cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Động thái này hoàn toàn đảo ngược chính sách đã được Washington tiến hành xuyên suốt gần ba năm chiến sự Ukraine và được thực hiện chỉ hai tháng trước khi ông Biden mãn nhiệm kỳ.
Hầu như ngay lập tức, Pháp và Anh có động thái tương tự, cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng hỏa tiễn tầm xa SCALP/Storm Shadow của họ sản xuất.
Như vậy sau một thời gian vòng vo, rào trước đón sau, một quy trình: khước từ, chần chừ để rồi cuối cùng cũng chấp thuận khi mọi chuyện tưởng chừng như quá muộn. …, cùng một kịch bản với các loại đại bác, HIMARS, hỏa tiễn tầm xa, xe tăng Abrams, tiêm kích F16…vì cái gọi là “lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga”. Cuối cùng hỏa tiễn tầm xa (ATACMS) của Mỹ đã được cho phép tấn công vào các mục tiêu quân sự quan trọng bên trong lãnh thổ Nga. Đây là một mô hình quen thuộc mà phương Tây áp dụng từ ngày đầu Nga xâm lược Ukraine là phương Tây luôn có phản ứng mạnh hơn đối với sự leo thang chiến tranh của Nga.
Quyết định này được đưa ra khi Nga và Triều Tiên đã ký kết Hiệp ước “đối tác chiến lược toàn diện”. Hiệp ước này có điều khoản cam kết hai nước sẽ hỗ trợ quân sự cho nhau trong trường hợp một bên bị tấn công. Và gần đây, ngày 12/11 với sự hỗ trợ của hàng chục ngàn quân Bắc Hàn, Nga đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào lực lượng Ukraine với hy vọng giành lại lãnh thổ ở tỉnh Kursk mà Ukraine đã chiếm tháng 8/2024. Và đặc biệt khi Nga gia tăng các cuộc tấn công quân sự trên nhiều mặt trận, cũng như tăng cường các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và hỏa tiễn trong những tháng gần đây. Điều quan trọng, Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh, việc triển khai quân đội Bắc Hàn, một bên thứ ba, vào cuộc chiến là nguyên nhân chính thúc đẩy họ có phản ứng đối với sự leo thang chiến tranh của Nga. Rằng đây là một sự leo thang để đáp trả leo thang.
Thật ra, Mỹ đã cung cấp ATACMS cho Ukraine vào năm 2023, nhưng cho đến nay chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa cho phép sử dụng ATACMS vào lãnh thổ Nga. Ngoài lo ngại leo thang chiến tranh, còn có các yếu tố khác như số lượng ATACMS mà Ukraine sở hữu không nhiều, không đủ, nếu Ukraine được phép sử dụng cũng không làm thay đổi tiến trình, thay đổi cục diện chiến trường trong một sớm một chiều. Vả lại, Nga đã đề phòng khi di dời các kho vũ khí, phi cơ, các phương tiện quan trọng vào sâu trong lãnh thổ, vượt qua tầm với của ATACMS.
Thay vào đó, Mỹ đã hỗ trợ tài chánh và kỹ thuật cho Ukraine phát triển các UAV sản xuất trong nước, tinh vi hơn, hoạt động xa hơn với giá rẻ hơn và chúng đã tạo nên nhiều kết quả đáng kinh ngạc khi phá hủy các kho vũ khí, các cơ sở hạ tầng năng lượng, các nhà máy, các phi trường…bên trong lãnh thổ Nga.
Phát biểu vào tối ngày 17/11, Tổng thống Ukraine nói: “Các cuộc tấn công không thực hiện qua lời nói. Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó. Chắc chắn là như vậy”.
Trước đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS và SCALP-EG/Storm Shadow của Pháp-Anh để tấn công các mục tiêu ở bán đảo Crimea và các khu vực tại miền Đông nước này. Ukraine chắc chắn sẽ sử dụng ATACMS để tấn công các khu vực xung quanh tỉnh Kursk của Nga - nơi Ukraine đang duy trì lực lượng từ đầu tháng 8. Giao tranh tại tỉnh Kursk trở nên dữ dội khi quân đội Nga huy động hơn 50 ngàn quân cùng với hơn 10 ngàn quân Bắc Hàn để phát động một cuộc tấn công nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine trở lại biên giới. Ukraine có thể sử dụng ATACMS để tấn công các khu vực tập trung quân đội Nga và Bắc Hàn, các thiết bị quân sự quan trọng, các kho hậu cần, đạn dược và các tuyến tiếp tế sâu bên trong nước Nga. Điều đó có thể giúp Ukraine làm giảm hiệu quả của cuộc tấn công của Nga và Bắc Hàn, đặc biệt là khu vực Kursk. Tuy nhiên, không rõ Ukraine có bao nhiêu ATACMS trong kho vũ khí để sử dụng nhưng biết chắc là không nhiều.
Tháng 9/2024, Putin đã xác định vấn đề vũ khí tầm xa là "lằn ranh đỏ" mà phương Tây không nên bước qua bởi nó sẽ "làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột". Ông đánh giá những cuộc tấn công như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của yếu tố nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước NATO sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột quân sự với Nga. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng nếu phương Tây cho phép các cuộc tấn công này, Nga sẽ đưa ra những quyết định phù hợp để đối phó với các mối đe dọa và đồng minh cho phép Ukraine làm điều này thì họ sẽ đưa “Nga và một cuộc chiến với NATO”.
Các quan chức Mỹ bày tỏ, họ không kỳ vọng việc cho phép sử dụng ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ “làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến” nhưng có thể làm suy yếu chiến dịch tấn công của Nga đồng thời gửi thông điệp răn đe để Bắc Hàn thấy rằng lực lượng của họ đang dễ bị tổn thương và không nên cử thêm binh sĩ tới hỗ trợ lực lượng Nga. Ngoài ra, Washington cũng mong quyết định này sẽ kìm hãm bước tiến thần tốc mà quân đội Nga đang có trên lãnh thổ Ukraine, giúp Kiev có vị thế đàm phán tốt hơn khi các nỗ lực đối thoại bắt đầu.
Việc Ukraine chiếm đóng hơn 1200 km2 ở Kursk thuộc lãnh thổ của Nga vào tháng 08/2024, bây giờ đã trở thành một “cuộc đột kích” có tính chiến lược. Với sự hỗ trợ của ATACMS, Nga khó thành công trong việc thu hồi lãnh thổ trước ngày 25/01/2025, là ngày nhậm chức của Tổng Thống đắc cử Donald Trump, người đã từng cam kết “sẽ giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ”. Với sự kiệt quệ của cả Nga và Ukraine, với áp lực rất mạnh từ Donald Trump, có rất nhiều khả năng “đóng băng cuộc chiến” và hai bên phải ngồi vào bàn thương thảo. Lúc ấy Ukraine có “cái” để thương thảo với Nga.
Với việc Hoa Kỳ chấp thuận cho phép Ukraine sử dụng ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đây là sự leo thang xung đột rất kịch tính. Ông Putin còn loại vũ khí nào nữa để tung ra nếu phương Tây vẫn tiếp tục leo thang, ngoài việc sử dụng vũ khí hạt nhân thực sự chứ không phải hù dọa như gần ba năm qua.
Liệu Thế Chiến Thứ Ba có xảy ra?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét