Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

TỰ SÁT - Truyện Huỳnh Tâm Hoài

 Gã đàn ông mặt tai tái vì bịnh sốt rét rừng, hắn ta là Trưởng Phòng Tổ Chức của trường Trung Học mà Thúy đang dạy.Vào gần cuối giờ của tiết dạy cuối. Hắn đứng ngoài cửa lớp nói vói vô: Sau giờ, mời cô đến văn phòng tôi làm việc. Lúc nầy trường tan học, học sinh đã ra về. Thúy đi suốt dãy hành lang vắng và suy nghĩ miên man, không biết thằng cha nầy có việc gì mà lại gọi mình đi họp lúc trường tan học. Mấy lúc nầy tin đồn các cô giáo có chồng đi học cải tạo bị cho thôi việc. Thúy nghĩ chắc hắn nói với mình về việc nầy vì chồng Thúy là sĩ quan chế độ cũ đang bị nhốt ở trại “ cải tạo” ? 
<!>
Phòng làm việc của hắn ngoài cái bàn cái ghế còn có cái giường ngủ được kê một bên đối diện với cái bàn. Trên tường hắn đóng đinh mắc vài bộ đồ cũ và cái nón cối. Khi bước vào phòng Thúy đứng lơ ngơ ngay khung cửa, chưa dám bước vào hẳn vì thấy hắn đang nằm trên giuờng.Thúy chợt nhớ mình quên gõ cửa từ bên ngoài. Thấy cô, hắn ngồi dậy và nói: Mời cô vào.Thúy đứng ở một góc phía gần cánh cửa. Hắn đứng dậy bước sang ngồi trên chiếc ghế và nói : “Cô ngồi đây, hắn chỉ cái giường mà hắn vừa rời, cô cứ tự nhiên vì còn mới quá tôi chưa được phân phối chỗ ở nên tạm ngủ luôn ở đây”. Thúy nói: “Để em đứng được rồi”. Hắn nói: “Chuyện dài dòng cô nên ngồi vào đi”. Thúy ngần ngừ. Hắn giục dã. Thúy dí đít ngồi ở mép giường. Hắn mở tập sách hồ sơ một hồi rồi ngước mặt lên hỏi: “Chồng của cô là Đại- Úy Ngụy Quân phải không?”. Thúy không trả lời mà nói: “Trong lý lịch trích ngang em đã khai rõ”. Hắn gật gật cái đầu. Hắn ngồi im lặng, một tay đưa vào túi móc ra một gói thuốc rê. Hắn mở gói thuốc, bóc một nhúm nhỏ, tách một manh giấy, bỏ nhúm thuốc vào. Hắn vấn thuốc, thè lưỡi liếm liếm mép giấy. Tay hắn xoe xoe điếu thuốc. Hắn bật quẹt lửa mồi vào đầu thuốc co dúm. Hắn đưa vào môi mấp mấp. Hắn rít một hơi... Hắn ngước mặt lên trần phòng làm việc. Hắn phà khói tỏa một vùng. Thúy lấy tay che mũi, nín thở và ho khúc khúc trong cổ họng. Mùi thuốc hăng hắc vẫn lọt vào họng. Thúy nghe muốn nôn mửa, nhưng cố giữ lại. Hắn nhìn cô từ trên xuống dưới và dừng ở đó giữa hai háng. 

Sau giải phóng, các cô giáo không còn được măc áo dài đi dạy. Mọi người chỉ được mặc áo bà ba và quần đen. Chiếc quần bằng lụa đen mỏng lúc Thúy mới mặc đi dạy lần đầu bọn học trò lớn thường nhìn chăm chăm lúc nàng đi ngược gió. Thúy thấy ngượng ngùng làm sao! Trước đây thì có vạt áo dài che phủ bên ngoài, nên dù có mỏng nhưng vẫn kín đáo. Thúy thấy mình hơi hớ hênh. Nàng vội khép đôi chân lại. Hình như Thúy nghe hắn nuốt nước bọt. Hắn chậm rãi nói: “Cô đừng lo, ông anh đi học tập cho biết chánh sách Nhà Nước một thời gian rồi sẽ đuợc khoan hồng trở về xum hợp với gia đình. Phần cô từ nay ráng phấn đấu học tập chánh sách, đường lối Cách Mạng. Đạo đức Cách Mạng của người thầy giáo dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa rất tốt.Thầy cô giáo có chức năng cao quí là trồng người cho chế độ ta, chế độ ưu việt Cách Mạng…”. Hắn nói một hơi dài trong lúc cập mắt hắn không chịu rời cập đùi của Thúy. Thúy thấy khó chịu, cứng đơ, nhột nhạt và nghe lùng bùng trong lổ tai những câu hắn vừa tuôn ra. Một hồi lâu,Thúy đứng dậy nói: “Xin phép anh hai em phải về lo cho hai đứa con em, em cố gắng làm theo lời chỉ dạy của anh”. Thúy đứng dậy. Hắn đứng dậy: “Tôi nói chưa hết, cô ngồi lại một chút”. Thúy thấy tình cảnh hơi gay cấn nhưng cố đứng lại. Hắn bước vội đến bên cô, đặt hai tay lên vai và đẩy cô ngồi xuống. Thúy chưa kịp phản ứng thì hắn vồ ôm Thúy. Nàng bị chới với và té ngửa ngang trên giường. Hắn úp chụp người hắn lên người cô với hơi thở dồn dập. Thúy co tay đẩy mạnh hắn bật xuống một bên giường. Nàng bật ngồi dậy và chạy miết về nhà với nỗi tức tưởi đau đớn. 
Nàng về nhà chạy ngay vào buồng tắm. Nàng xối nước ào ào vào người như muốn gột rửa ngay cái hôi hám của mùi thuốc, cái sàm sỡ của hắn trên thân thể của mình, cái tên giảng dạy về “Đạo đức Cách Mạng” !? “Tân ơi! em lâm vào cảnh ngộ tủi nhục trong lúc anh nằm trong cơn đau đớn của kẻ buông gươm thua trận. Bây giờ em phải làm gì đây để sống qua giai đoạn đầy bi uẩn nầy hở anh? Em không thể tiếp tục đi dạy cùng với bọn người vô học mà làm ra vẻ dạy đời. Họ nói với nhau mà con bạn em nghe lén: “Ê mấy đứa ở ngoài nầy, đứa nào đứa nấy nhìn muốn chảy nước miếng, nhứt là bọn vợ con của bọn sĩ quan ngụy…phải đè tụi nó để trả thù! Chút xíu nữa em đã bị trả thù. Còn anh thì bị họ trả thù như thế nào? Lòng thù hận của bọn chiến thắng sẽ đi đến đâu? Anh! Em! chúng ta chịu đựng được đến chừng nào đây? Thúy nghĩ đến hai đứa con còn thơ dại và mẹ chồng với đôi mắt cườm chướng gần như mù lòa. Nước mắt nàng tuôn chảy ràng rụa. Phải làm sao đây hở Tân!? Trước đây mọi việc đều do anh quyết định từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ nhất nhất mọi đều phó thác cho anh. Bây giờ thì anh trong vòng lao lý không biết rồi đây sống chết thế nào? Còn em thì nguy khốn bủa vây. Em thấy mình nhỏ nhoi, yếu kém. Em sợ hãi trong tình huống nầy quá anh ơi!”

Suốt đêm hôm đó Thúy ngủ chập chờn trong nhiều cơn mộng buồn bã và chợp mở mắt khi trời nắng rực sáng xuyên qua cửa sổ. Hai đứa con của Thúy đã thức hồi nào. Thúy nghe chúng nói chuyện với bà nội ở phòng ăn. Chắc má chồng Thúy đang cho các cháu ăn sáng. Thúy thấy đầu nặng trĩu như muốn nhốm bịnh. Nhưng rồi nàng phải ngồi dậy và đi ra nhà sau làm vệ sinh buổi sáng. Khi đi ngang qua ba bà cháu, má chồng Thúy hỏi: “Hôm nay con không đi dạy sao?” Thúy dạ. Bà hỏi tiếp: “Hôm nay con bị bịnh hả?”.Thúy đứng lại và nói: “Má ơi! con nghỉ luôn rồi!”. Mẹ chồng nàng làm thinh. Một lát sau bà nói : “Má nghe người ta nói vợ sĩ quan bị cho nghỉ việc mà!”. Thúy ậm ừ khi đang đánh răng. Thúy nghĩ sẽ không bao giờ nói cho má biết về việc xảy ra ngày hôm qua ở trường.

2- Theo thông báo của Ủy Ban Quân Quản thì Tân cùng các sĩ quan trong toàn tỉnh lần lượt đi trình diện và bị nhốt vào trại tù của tỉnh. Đêm cuối cùng trước khi đi trình diện. Hai vợ chồng Thúy thức như gần tới sáng. Tân dùng dằng không muốn đi. Anh muốn trốn về quê anh ở Bình-Dương. Anh nói:

- Hồi nhỏ anh vào Sài Gòn học rồi đi lính. Anh làm việc
ở đây, lâu lâu về thăm nhà với bộ quần áo thường phục. Ở đó không ai biết anh là sĩ quan đâu.
- Không phải đơn giản vậy đâu anh. Nếu họ phát giác ra,
thì anh còn mang thêm tội trốn tránh nữa thì sao?

Cuối cùng sáng hôm đó Thúy đi chợ mua cho Tân một ít thuốc cảm cúm, một vài chai dầu gió, hai bộ đồ cũ. Thúy bỏ tất cả vào chiếc vỏ đệm. Trưa hôm đó Tân đi trình diện. Chàng nói theo thông báo thì chỉ tập trung học trong 10 ngày rồi cho về em đừng lo, ở nhà ráng lo cho hai con và má anh. Chàng hôn Thúy, hôn hai đứa con và nói lời an ủi má anh. Anh đi. Thúy muốn theo anh đi đến nơi trình diện. Nhưng thôi!.Thúy nhìn Tân đi khuất đầu con hẻm. Nàng ôm hai con và khóc sướt! Tân tự bước chân vào nhà tù! 

Khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát Thanh Sài Gòn đã làm tan rã ý chí của cả tập thể Quân Đội miền Nam. Cuộc xáo trộn trở nên hỗn loạn và nỗi tuyệt vọng đến cao điểm trong hàng ngũ quân đội các cấp. Các tướng lãnh chỉ huy bỏ trốn trên các chuyến trực thăng ra các hạm đội Mỹ đậu ngoài khơi. Các tân binh ở các quân trường cởi áo lính ùn chạy ra ngoài trở về quê quán. Phi Trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích. Xe tăng của Cộng Sản tiến về Sài Gòn. Mọi người trong phút ngơ ngác đã buồn bã chấp nhận một sự kiên đã xong! Thôi thì đã hết chiến tranh rồi, không còn chết chóc nữa có ra sao thì ra! .“Cũng đành” là một cách tự sát tập thể của cả miền Nam Việt Nam trong cách nhìn nào đó…!?
Cái giáo đầu: “Các anh tham gia Ngụy Quân chống phá Cách Mạng. Tội các anh là tội trời không dung, đất không tha, là tội chết! lẽ ra các anh bị đền tội trước Cách Mạng và Nhân Dân, nhưng để thực hiện chánh sách khoan hồng, các anh được tập trung cải tạo để hiểu rõ chánh sách của đảng và Nhà Nước. Sau nầy, khi các anh học tập tốt, trở về với gia đình, sẽ thành người tốt để phục vụ cho đất nước”. Mọi người tuần tự trình diện với lời hứa hẹn học tập trong 10 ngày rồi về. Có người tin, có người nghi ngại, nhưng không còn cách chọn lựa nào khác. Phải đành!...Cánh cửa tù đóng sầm lại!...Ngơ ngác!..Sầu hận!...Thúc thủ!..Cam lòng!
Căn phòng bề ngang chừng 4 mét bề sâu chừng 10 mét nhét hơn 40 tù nhân. Lúc đứng bên ngoài chờ “anh đội” mở cánh cửa sắt. Tân nhìn vào bên trong thấy mọi người nằm quay đầu về phía tường hai chân đối nhau, khoảng giữa còn lại vài ba tấc, có người ngồi với tấm thân trần hoặc dựa lưng vào tường mắt nhìn lên trần nhà buồn bã. Có người đứng nhìn ra chờ Tân vào. Khi cánh cửa đóng sầm lại Tân thấy mình như bị quay vòng vòng với nhiều bất nhẫn, đau đớn. Các bạn bạn tù vây quanh hỏi:
- Ê! Bạn bên ngoài có nghe gì không ông? chừng nào học không?…Mấy người làm ở bệnh viện vô chắc lớp học sắp bắt đầu?.....Tân bị hụt hẫng và trả lời:
-Tôi chỉ nghe nói vào đây tập trung học 10 ngày rồi được về! Tụi nầy xin một ít thuốc phòng thân, nhưng ban chỉ huy bệnh viện nói cho thuốc 10 ngày thôi. Họ nói: “Các anh đâu có đi lâu mà xin nhiều!” Nghe tôi nói như vậy các bạn tù ai cũng lộ vẻ vui mừng…họ cũng nghe như vậy trước khi vào đây. Họ ở trong nầy hơn 20 ngày rồi! Có anh ngao ngán nói: “Hai mươi mấy ngày rồi có thấy gì đâu mấy cha!?”
Trong căn phòng chật chội, nực nồng hơi người. Người nằm, ngồi hai hàng đối đầu trên các manh chiếu nối nhau cho tới cuối phòng là cái thùng phuy dùng để tiểu tiện. Cái nắp đậy hở hang, làm mùi hôi thúi bốc lên nồng nặc. Có lẽ Tân là người sau chót vào phòng nầy. Cái lý do là được Ban Giám Đốc Quân Quản bệnh viện giữ lại hơn 20 ngày là để bàn giao. Chàng được “Trưởng Phòng” chỉ cho cái chỗ nằm sát cái thùng phuy. Suốt mấy đêm lúc mới vào, chàng phải thức đến khuya chờ mọi người đái, ỉa xong rồi mới lao chùi nền xi măng và kéo chiếu ra nằm. Nhưng chỉ mơ mơ màng màng đôi chút thì có người bò tới tiểu tiện. Mặc dù họ cố rón rén bò và mở nắp nhẹ nhàng. Nhưng …cái mùi hôi thúi từ cái thùng mở ra bốc lên, tràn vào mũi. Tân ho sặc sụa và muốn nôn mửa ra. Chàng cố ém lại, nhưng thật sự chắc chàng chẳng mửa được, bởi trong bụng chàng không còn gì. Buổi ăn từ 11 giờ sáng đến giờ đã không còn! Cơn đau bụng quặn thắt. Tân ứa nước mắt…!!! Chỉ một bữa ăn duy nhất! mọi người chẳng riêng gì Tân đều bị cơn đói làm phờ người, lăn trở trong cơn quặn đau vì đói.
Mỗi ngày mỗi người chỉ được phát một lon nước cho tắm gội và một lon nước nóng để uống. Ban đầu mọi người không biết phải làm sao đủ cho cái lon nước tắm gội. Dần dà cũng tìm ra cách. Dùng miếng vải nylon trải ra, lấy mấy chiếc dép ngăn nước chảy ra ngoài và dùng khăn nhỏ thắm nước lau đi lau lại cho đến khi lon nước cạn. Sau cùng túm miếng nylon đem đổ vô thùng cầu. Sáng 10 giờ mỗi ngày, mọi người được ra ngoài chạy tại chỗ khoảng nửa giờ. Đây là dịp cho tù nhìn lại các bạn khác phòng và cùng nhỏ to vài ba câu hụt hẫng!
Trong phòng lúc đầu mọi người cùng nhau tâm sự nhập nhằng, nhưng sau đó một vài người đã bị mời lên “làm việc”. Sự nghi kỵ lẫn nhau bắt đầu lan ra. Một vài bạn tù tự nhiên được ưu đãi và được đề cử làm Trưởng Phòng hoặc ra ngoài với công việc nhà bếp, anh nuôi, có người tối ngủ trong còng sắt chữ U, có người bị dời đi đâu không biết!? Rồi các buổi họp trước giờ ngủ, ca hát mấy bản nhạc mới “Giải phóng miền Nam”, “Bác cùng chúng cháu hành quân” vang vang….Không khí trong phòng trở nên ảm đạm càng ảm đạm hơn với các chiêu từ từ mở ra, tròng vào đầu mọi người. Mười ngày trôi qua. Một tháng trôi qua…bao điều ước đoán trôi qua…! Mọi người thấy cái viễn ảnh buồn thảm cho một cuộc “tự tra chân vào cùm” và cố gắng thích nghi theo từng biến chuyển “bóp thật chặt, mở ra từ từ, và bóp lại..” Cái lối trừng trị nầy làm cho con người tự an ủi mình trong so sánh với đồng bạn, rồi từ từ bị tha hóa, bị mất hết bản tính tự tại của mình, chấp nhận hiện trạng như một vâng lời định số. Mọi người đi tới “Cũng đành” mặc nhiên chấp nhận những biện pháp trừng trị tinh vi của bọn cai tù với mỹ danh là “cán bộ cải tạo” vì lẽ người ta không còn cách nào để chọn lựa!.
Để tránh những cơn đói có người nhắn được ra ngoài cho gia đình xin đem vài mớ cơm phơi khô hoặc cốm dẹp để ăn khi đói. Ban đầu ban quản giáo trại không cho. Họ nói: “Để Cách Mạng lo”. Nhưng vài tháng sau họ đổi ý và cho thân nhân gởi các đồ ăn vào: như tôm khô, cơm khô, cốm dẹp…dần dà với cái đà đó các bà vợ bên ngoài khéo léo gởi được gạo vào. Các bạn bè trong phòng nẩy ra sáng kiến làm lò để nấu cơm trưa. Ban đầu dùng lon Guygoz đựng gạo nước và dùng bao nylon đốt lên để nấu. Nhưng cách nầy bị “anh đội” ngửi ra mùi khói hôi của bao nylon khi cháy bốc lên. Các phòng bị khám. Gạo bị tịch thu, lò nấu bị quăng bỏ. Im đi một thời gian các bạn nẩy ra sáng kiến khác lấy lon Guygoz làm thành lò nấu bằng dầu. Bên trong nhờ các bạn làm nhà bếp bên ngoài khéo lo, đã chuyển được dầu vào và từ đó mỗi trưa mọi người lén nấu cơm ăn. Tuy nhiên thỉnh thoảng họ khám phòng và lấy đi mấy cái lò. Có người dùng bao nylon gói lò lại nhận vào thùng cầu, khám xong lấy ra xài tiếp. Trước cái đói hành hạ, người ta làm mọi thứ để có miếng ăn. Khi nấu nướng phải có người canh chừng ngoài cửa….Tội cho các bà vợ bên ngoài cứ hằng ngày họ thay phiên nhau ngồi núp ló đâu đó trước cổng tù để nghe ngóng tin chồng và liên lạc với các “anh nuôi” ra ngoài chợ mua đồ cho trại hoặc đi đổ phân. Có hôm các bà đã gởi vào các ổ bánh mì được gói kỹ trong nhiều lớp nylon bỏ vào thùng phân đem vào cho chồng.Trước cơn thèm đói, họ bốc ra ăn ngon lành. Tân được anh bạn chia cho một góc bánh, chàng ngần ngừ, nhưng trước sự nhiệt tình của bạn. Chàng ăn cũng thấy ngon lạ! Cái lối trừng trị có vẻ nhẹ nhàng nhưng rất thâm độc. Mọi người lo cái đói, nghĩ đến cái đói làm sao cho được no nên đi chuyện ở tù lướt đi….!
Mấy tháng trôi qua. Họ thấy việc giam giữ tù nhân không xảy ra chuyện gì đáng ngại cho nên dần dà họ cũng dễ dãi đôi chút ….Đến lúc nầy thì Tân và một số bạn khác “được” đưa về Quận Phước Long vùng Chắc Băng Cạnh Đền để lao động “vinh quang”. Họ nói: “Các anh được chọn đi lao động là các anh thưộc thành phần ít ác ôn. Sau khi lao động một thời gian các anh sẽ được cho về sum hợp với gia đình”. Khoảng hơn trăm người đa số là sĩ quan làm ở các phòng ban hoặc các bộ phận chuyên môn như quân y, truyền tin, quân nhu…được xe chở đi vào một buổi sáng trong bầu trời u ám của mùa thu sắp về!.
Sau hai tháng cật lực gian khổ với đồng hoang, ruộng vắng. Đội lao động đốt rẫy, làm ruộng, cất nhà, đắp đường, lập trại. Một buổi tối hơn trăm người được lệnh tập hợp. Sau khi “Biểu dương thành tích” cán bộ trại cho biết có lệnh trở về…về đâu!....con đường xum hợp gia đình….? Không! Hơn trăm người sau nhiều giờ băng đồng, đi ghe cuối cùng lên xe đi về trại tù! Lại sống trong chiếc hòm tường gạch! 
Tin đồn nầy, tin đồn nọ. Nhiều hỏa mù được tung ra….Và cuối cùng toàn trại chuyển lên Cần Thơ sau khi tách rời một số sĩ quan cấp cao, cấp thấp. Hơn 3000 sĩ quan cấp Đại Úy của toàn vùng quân khu 4 vùng 4 chiến thuật tập trung về hậu cứ cũ của Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 21 Bộ Binh ở Trà Nóc..

Cũng đành một kiếp tù thôi

Đã buông tay súng đánh rơi sơn hà
Còn gì? núi hận máu sôi
Đành ôm tủi nhục nuốt lời thề xưa
Ngày nao còn dưới bóng cờ
Bữa nay cùm gối, tắt rồi lửa thiêng…!

Mùa Xuân sắp về, gió lành lạnh từng cơn thổi qua khung cửa hở. Thoảng bên ngoài xa xa nghe vọng lại bài hát “Trên bốn vùng chiến thuật” của nhạc sĩ Trúc Phương và vài bài nhạc cũ khác, toàn là nhạc lính. Hằng đêm từ ngoài vòng rào kẽm gai, tiếng hát của Thanh Thúy, Chế Linh, Duy Khánh cứ vọng vào từ khoảng 10 đến nửa đêm. Không biết tin xuất phát từ đâu? Anh em rỉ tai nhau: “Phái đoàn bốn bên gồm: Phái đoàn MTGPMN do bà Nguyễn Thị Bình cùng với các phái đoàn phía Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hoà và Mỹ vào để họp. Tất cả các sĩ quan sẽ được phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa rước về”. Có người tin, có người nghi ngờ. Tuy nhiên, tin tức được loan ra như một điều gì đó khác thường?. Anh em bàn tán nhỏ to rồi cũng đi qua. 

Tết lại đến, các láng tổ chức đoán Xuân. Nào Xuân Không Quân, Xuân Hải Quân…..mỗi binh chủng làm một buổi họp mặt Xuân ca nhạc với các nhạc khí tự chế. Đội múa lân được thành lập, đầu lân cũng được các bạn tự chế. Đoàn lân được lịnh của Ban Quản Giáo Trại phải múa ở Ban Chỉ Huy Trại trước rồi mới đi đến các láng sau. Nhưng anh Trưởng Đội Lân không làm như vậy. Đoàn lân đi múa các láng trại trước. Mỗi láng trại anh em treo các phẩm vật lủng lẳng trước mỗi phòng như rau trái và cá nục….toàn là thức ăn do trại cấp phát. Đội lân đi vòng hết các láng về tới trước ban chỉ huy và đốt bỏ tại đây. Việc nầy chứng tỏ sự gan dạ của đội lân “chúng tao không khuất phục bọn mầy!”. Đây là một thách đố ngoạn mục làm tên Trưởng Trại giận tím mặt. Tối hôm đó đoàn lân bị Ban Quản Giáo Trại nhốt vào thùng sắt (conect). Sáng hôm sau có lệnh không đi lao động, mới 7 giờ sáng tất cả trại viên ra khỏi láng . Họ khám trại. Môt số sách báo, thơ văn, dụng cụ cầu cơ…bị tịch thu. Tối hôm đó lại họp trại. Tên thiếu tá trưởng trại tên Song nói: “Đất nước ta đã độc lập các anh còn cầu cơ: “non song nhị lộ ra biên trấn” tôi cho các anh vô thùng sắt trấn. Giờ nầy mà các anh còn mơ màng tìm đường đi liếm gót đế quốc…”. “Conect” là một thùng sắt lớn dùng để chứa hàng hoá và di chuyển bằng xe kéo. Thùng sắt bưng bít không có lổ thông hơi, ở hậu cứ trung đoàn trước đây dùng các thùng nầy để chứa đồ. Hai ngày sau có tin một vài anh bị nhốt trong thùng sắt bị ngộp nóng, khi được cho thức ăn nước uống, họ mới hay một số bị xỉu và chết vì bị ngộp và da bị bỏng đỏ. Họ thả các anh còn sống ra và đem vùi dập xác các anh bị chết ở bãi đất trống ngoài rào. Các anh còn sống như những cọng bún thoi thóp tàn tạ với vết bỏng rát khắp mình mẩy. 
Sau Tết, vào một buổi sáng không đi lao động, mọi người nghe tiếng chân chạy rầm rập của bộ đội với tay súng lườm lườm trong tay, vài chiếc thiết giáp cơ động chạy nhanh qua các láng. Tin miệng qua miệng: “Hôm nay thi hành hiệp định Ba Lê, phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà vào rước các sĩ quan về”. Một số cả tin vui mừng reo hò, một số lặng lẽ, một số nghi ngờ…? Độ hai tiếng trôi qua. Các bộ đội rút đi. Các xe rút đi.. Chẳng có bàn giao gì đâu!. Một cái bẫy lớn lại được bọn chúng tung ra. Môt số đông anh em làm hội Xuân ca hát hồi Tết, một số anh em vui mừng reo hét tin được rước về? Tất cả bị đưa đi biệt giam mà địa điểm thì chẳng biết ở đâu?
Sau đó vài ngày thì lại có tin chia trại được rỉ tai. Nhiều hỏa mù lại được tung ra…Anh em bây giờ dè dặt đề phòng…..Cuối cùng một buổi họp toàn trại được tập họp ở sân vận đông nằm trong khu vực trại. Sau khi lên tiếng bình phẩm thái độ bất tuân của một số anh em. Một Toà Án được thành lập. Họ tuyến bố tử hình hai trại viên trốn trại. Toàn trại lúc trước gồm 4 trại, nay chia làm hai: Trại 1 thuộc các thành phần cấp Trưởng và Phó như: Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Phó, Pháo Đội trưởng, Pháo Đội Phó…..và các vị sư, linh mục tuyên úy, các sĩ quan trong ngành an ninh, chiến tranh chánh trị…Họ phân loại nhóm nầy là ác ôn đưa ra Bắc. Trại 2 gồm các thành phần còn lại ít nguy hiểm hơn đưa về phương Nam….
Mùa Xuân đến trong niềm đau đớn tủi nhục của đoàn quân bại trận đầu hàng, lần lượt xuống tàu. Cuộc đời của họ đi về đâu? Họ đã hết đường lựa chọn. Cũng đành! Một thái độ cam chịu đau đớn cùng cực…! Họ thật sự bị mất hết mùa Xuân từ nay!
3- Thúy thức giấc trong cơn mệt mỏi lạ thường. Nàng không muốn ngồi dậy. Nàng như còn mơ màng nhớ lại giấc chiêm bao lạ lùng đã trải qua gần như suốt đêm. Có lúc Thúy thấy mình bị chết chìm trong dòng sông chảy xiết. Nàng cố ngoi mình, vùng vẫy bơi vào bờ, nhưng nước cuốn xoấy. Nàng bị chìm mất xuống lòng sông. Lúc ấy nàng chợt thức với mồ hôi vã uớt lưng áo. Rồi nàng lại chìm trong cơn mộng khác. Nàng thấy Tân về với nàng. Tân tiều tụy ốm nhom, gương mặt hốc hác. Tân hiển hiện câm nín. Tân nhìn nàng và khóc. Thúy hỏi: “Tân ơi! Anh làm sao vậy, chúng hành hạ anh đến nông nỗi nầy sao?”.Thúy bước tới định ôm Tân thì anh quay mặt và chạy biến mất. Thúy gọi lớn Tân ơi! Tân ơi! Hình như Thúy còn nghe được tiếng mình gọi khi chợt tỉnh cơn mơ. Hai đứa con nàng vẫn ngủ say bên cạnh. Thúy bồi hồi nghĩ không biết điềm gì đây? Có phải Tân bị nạn gì không?! Thúy cố xua đuổi những ý nghĩ xấu ra khỏi đầu. Nàng ôm thằng con nằm kế bên và nước mắt nàng chảy đầm đìa. Thằng nhỏ ú ớ hỏi: “Má ơi! Má khóc hả?”. Nàng nói: “không có, ngủ đi con…!” 
Thúy đang loay quay xắp xếp đồ trong phòng. Má Tân đi ngang bà nhìn vào hỏi Thúy:
- Con hôm nay dậy sớm, có gì mà lục đục bên trong đó?
- Con soạn mớ quần áo. Lát nữa con đi chợ mua một ít đồ đi thăm anh Tân.
- Mấy hổm rày con có nghe tin tức gì về chồng con không?
Thúy đã soạn xong vài bộ quần áo bỏ vài cái túi xách nhỏ. Nàng đi ra khỏi phòng.Thúy nói với má chồng:
- Từ ngày chuyển trại lên Cần Thơ tới nay gần tháng. Con chưa nghe tin gì hết, cho nên con định đi chợ mua một ít đồ ăn mang đi thăm ảnh. Mấy chị bạn rủ con cùng đi. Thúy dộm bước, nàng nói:
- Má ở nhà lo dùm con hai đứa nhỏ. Các chị bạn nói họ chỉ cho tiếp tế đồ ăn thôi. Má Tân chặc chặc lưỡi:
- Sao con không cho hai đứa nhỏ đi theo? chắc nó nhớ ba nó và …! Bà ngừng ở đó Hai giọt nước mắt chảy ra từ đôi mắt loà.Thuý nói:
- Dẫn tụi nhỏ đi xa cực lắm má! Vả lại không biết có gặp được anh Tân không? để con đi lần nầy, nếu thấy dễ dàng con sẽ dẫn hai đứa nhỏ vào lần sau.
Sáng hôm sau Thúy xách giỏ đò ăn ra bến xe mua vé đi Cần Thơ. Trước năm 75 muốn đi đâu cứ ra bến xe, các lơ xe mời mọc, chỉ có việc hỏi có chỗ phía trên không và chạy sớm không? Bây giờ phải đứng xếp hàng dài để mua vé theo tài chuyến. Chỗ ngồi thì tùy theo mua vé trước sau, có quen biết nhân viên bán vé thì có chỗ tốt bằng không thì rủi may ráng chịu! Thúy đợi hằng giờ mới cầm được cái vé ngồi hàng ghế sau chót. Xe đến giờ chạy nhưng chiếc xe chỉ nổ máy rào rào chờ rước thêm khách. Các nhân viên bến xe nhìn liếc, cái phụ xe cười trừ và ra dấu gì đó, người nhân viên bỏ đi…một lúc lâu xe rời bến nhưng ra ngoài một chút lại tấp vô lề. Các phụ xe rao la: “Ai đi Cần Thơ không? xe chạy liền đây!”. Cứ như thế chạy nhích đi một khoảng lại rước thêm khách. Khi trên xe đầy ấp người từ hàng giữa xe, đứng be thêm bên ngoài, xe mới thực sự chạy. Mặc dù Thúy đón xe chạy sớm, nhưng nàng đến bến xe Cần Thơ gần trưa, lại phải đón xe lam đi Bình Thủy nơi hậu cứ trung đoàn 33 cũ như lời mấy chị đã đi rồi cho biết. Chiếc xe lam cũng chất đầy cứng người, chạy ì ạch tới nơi gần quá trưa Thúy mới xuống xe. Nàng xách giỏ đồ theo tay chỉ của anh tài xế xe lam đi về hướng cổng trại. Từ xa Thúy thấy nhiều chị đứng nhốn nháo ngoài trước cổng. Thúy nhìn đồng hồ lúc nầy gần 1 giờ trưa. Thúy đi vội về hướng ấy vì còn phải nghĩ đến chuyến về có kịp hay không? Thúy vừa tới gần cổng trại thì có vài chị nói vói với Thúy: “Mau đi - gần hết giờ thăm rồi đó”. Thúy đi như chạy về phía cổng, vài chị sốt sắng chạy về phía Thúy và chỉ căn nhà nhỏ phía bên góc trái cổng trại, là nơi mấy ông bộ đội mặt hầm hẩm ngó về Thúy nói giọng Bắc : “Nhanh lên nào, hết giờ rồi!” Thúy hổn hển bước tới một chú bộ đội mặt non choẹt đưa giỏ đồ. Hắn ta chẳng nhìn Thúy và nói: “Chị bày đồ ra xét nào!” Thúy lấy ra từng món đồ ăn ra để trên mặt bàn. Tên nầy xé ra từng bao nylon đồ ăn. Hắn lùa ra món thịt kho hột vịt và mắng chị: “Giờ nầy còn phong lưu tư sản nhỉ ? Ăn cả trứng và thịt trong lúc mọi người tiết kiệm cho sản xuất!”. Hắn để gói thịt sang một bên. Thúy năn nỉ nói là không biết xin cho được gởi vào các món còn lại! Thúy đưa tay định lấy lại gói thịt kho nhưng hắn nói: “Để đó, tôi phải báo cáo lên trên!” Hắn nhìn gói thịt xông lên mùi thơm mà hai mép miệng hắn ứa nước miếng! Các chị đứng gần lấy tay khều Thúy nói : “Chú đội cho là được rồi chị à!” Thúy rụt tay lại và trong lòng mang nhiều thắc mắc không biết như vậy có hại gì cho Tân không? Thấy Thúy còn tần ngần, các chị kêu Thúy trở ra ngoài, có chị nói nhỏ: “Bọn nầy khốn nạn thật, nó giữ lại để ăn chứ báo cáo con mẹ gì!”
Thăm nuôi chỉ có vậy! Thúy nghĩ nếu đem hai đứa nhỏ theo thì cũng chẳng gặp được mặt ba nó…lại còn trăm bề khổ ải vì xe cộ. Sau lần đó Thúy có kinh nghiệm hơn, nên không gặp khó khăn nào. Trong những chuyến đi như vậy Thúy lại biết thêm nhiều chị em có chồng kẹt trong trại liên kết chia nhau nghe ngóng tin tức, cho nên Thúy cũng biết nhiều tin liên quan đến Tân. Thúy cũng biết các chị xoay sở đi buôn bán theo các chuyến xe đò. Các chị bày cho Thúy mua các đồ ăn từ tỉnh lên Cần Thơ bán lấy lời. Từ lúc đó Thúy có nhiều dịp lên xuống theo các chuyến xe với vài món đặc sản địa phương như vài ký tôm khô, vài ký thịt bán cho lái là đủ trang trải chi phí đi đứng và đồ ăn cho Tân. Các chị còn bày cho Thúy mua vài món hàng từ Cần Thơ về bỏ cho có sạp ở chợ. Thời gian dần dà đưa Thúy trở thành người buôn bán đường dài lên xuống theo nhiều chuyến xe. Trong sinh hoạt nào cũng vậy hồi đứng bên ngoài nhìn vào thì thấy khó khăn nhưng khi đã lăn vào rồi thì nó mở ra nhiều cách để xoay sở. Thúy không có cách nào khác để kiếm sống, nuôi chồng nuôi con, nuôi mẹ chồng trong hoàn cảnh trăm cơn ngặt nghèo nầy “Từ cái khó đẻ ra cái khôn”, việc mua vé xe, câu móc mấy tên lơ xe dấu đút đồ khan hiếm không cho xuất tỉnh trở thành thuần thạo dễ dàng. Nhưng đôi lúc cũng bị phát giác bởi đám công an thuế vụ. Tuy nhiên, nếu tính sang qua, sớt lại cũng còn có lời. Bây giờ thì Thúy trở thành người buôn bán thuần thục. Cái nghề bất đắc dĩ mà trước đây chưa bao giờ Thúy nghĩ tới. Bây giờ Thúy ít ở nhà, hai đứa nhỏ để má Tân lo. Ban đầu bà cụ cằn nhằn, nhưng rồi cũng thôi. Hai đứa nhỏ ban đầu còn khóc lóc mỗi khi Thúy rời chúng đi sớm về trễ. Nhưng rồi, lâu dần cũng quen… 
Một lần thăm nuôi khác, các chị cho biết hình như sắp có chuyện gì đó, có lẽ các anh bị đưa đi xa. Thúy nghe qua có đâm lo, không biết họ đưa Tân đi đâu đây?, nhưng công việc bán buôn không cho phép Thúy ngơi nghỉ. Hàng hóa, lên xuống. Công việc phân phối phải tiếp tục, nếu không sẽ bị mất mối. Nhiều lúc Thúy thấy như mình quên đi Tân vì công việc. “Thúy ơi! mầy đã đánh mất mầy rồi phải không Thúy?” Nàng tự trách mình như vậy...! Cho đến hôm Thúy xách giỏ đồ thăm Tân. Khi xe lam dừng lại cho Thúy xuống, thì lúc đó hàng vài chục chuyến xe nhà binh phủ bít bùng chạy từ cổng ra ngoài. Thúy đứng bên lề đường. Đoàn xe chạy qua mịt mù khói đen. Thúy bủn rủn tay chân. Nàng nói thầm: “Trễ rồi Thúy ơi! chồng mầy bị đày đi xa rồi...!”. Khi đoàn xe chạy hút mất chiếc cuối cùng. Thúy thấy rất đông các chị chạy theo sau khóc....Thúy buôn cái giỏ đồ ăn. Thúy ráo mắt nhìn theo chiếc xe mất hút ở khúc quẹo. Nàng đứng như trời tròng. Buổi trưa nắng lòa đôi mắt khô cứng thất thần! Nàng mới thấy mình bỏ lỡ bao lần để nhớ chàng, cho dù đó là vô tình.?! Một chị đến gần Thúy trao cho nàng một miếng giấy nhầu xếp. Đó là bức thư của Tân lén ném cho một chị bạn đứng bên ngoài cổng khi đoàn xe chở tù đi lao động bên ngoài cách nay hơn tuần.
Em yêu,
Anh bị xếp vào danh sách các sĩ quan bị đưa đi phía Bắc, chỉ biết có vậy chớ không biết đi đâu? Anh không ngờ với chức vụ Sĩ Quan An Ninh bệnh viện bị họ cho là ác ôn thiếu khai báo sự thật....Hai chữ “an ninh” bị cho là loại một khi bị phân loại...! Mọi chuyện đã an bày. Em ở nhà ráng lo cho má anh và hai con. Số phận anh nằm trong số phận chung...biết sao giờ đây!?. Mong em gìn giữ và chờ ngày anh về, cho dù bao năm anh cũng sẽ về với mẹ con em! Hôn em.!Tân.
Thúy đứng như người chết: “Anh Tân ơi!em đã lỡ chuyến. Em không gởi được món quà do từ công sức vật lộn với việc buôn bán để có món tiền dư mua đồ ăn gởi cho anh, lo cho má và hai con. Anh đi đâu...?! Dù anh ở đâu em cũng tìm thăm anh. Em sẽ làm hết sức mình để lo cho gia đình thay anh. Em sẽ là người vợ kiên trung chờ anh –Anh ơi!....”.
4- Thúy bây giờ là một tay buôn đường dài bản lĩnh. Hàng hóa lên xuống của nàng lên bạc triệu. Những chuyến đi của Thúy dài tới Sài Gòn. Nàng là khách lớn của các chuyến xe. Nàng chi tiền hậu hĩ cho các anh xế bác tài nhờ các anh nầy nên hàng của Thúy đi trơn về lọt. Các bạn hàng khác là những người bạn chỉ dẫn bước đầu cho Thúy cũng chào thua: “Quái cái con Thúy nầy hay thật. Hàng của mình bị sạt mà hàng của nó thì trót lọt”. Dĩ nhiên sự ganh tị nổ ra.Thúy tỉnh khô! Việc mình, mình làm miễn không đụng tới quyền lợi người khác là được. Người đồn nầy nọ, nhưng Thúy chỉ cười trừ giả lả cho qua chuyện. Hàng của Thúy rải bán khắp chợ. Thúy giữ một đều là không tranh bán với chị em, ai gọi thì Thúy bán. Thúy luôn làm hòa với bạn chung chuyến, nhưng không bao giờ để hé lộ tại sao Thúy vẫn có hàng dài dài, mặc dù nhiều lần hàng của nàng bị sạt .....Nhưng dưới ánh sáng mặt trời không có điều gì được dấu mãi. Người ta biết Thúy thường hay đi lại với Hai Long Trưởng Ban Thuế Vụ Tỉnh. Hàng người khác bị bắt thì bị trưng thu còn của Thúy thì được đàn em của Hai Long chở xe riêng đem về nhà Thúy. Người ta xầm xì chắc Thúy lẹo tẹo với Hai Long nên mới được nâng đỡ như vậy.? Thúy nghe cả ngôi chợ rỉ rả chuyện nầy. Thúy tỉnh queo, vờ như chẳng nghe, chẳng biết.. 
Công việc làm ăn của Thúy phát lên như diều. Tiền bạc khấm khá, nàng lo sửa lại căn nhà và đưa tiền cho má Tân tiêu xài. Mỗi năm Thúy mua cả đống đồ ăn chở ra Bắc thăm chồng. Với người hòa nhã với gia đình vuông tròn, cho nên Thúy vẫn được lòng mọi người. Chuyện đồn đại chỉ là nghi vấn. Thúy tiết lộ qua loa: “Chuyện làm ăn phải biết giao tế mới sống được....!”. nhưng mọi chuyện vỡ lẽ...một hôm Thúy đãi nhóm của Hai Long ăn uống tại nhà, đến quá khuya đàn em ai nấy về, chỉ Hai Long còn lại nhà Thúy. Hai Long giả say đòi ngủ lại. Thúy lấy khăn nước nóng lau mặt cho Hai Long. Hai Long nói trong hơi rượu: 
- Thúy à, trước sau gì người ta cũng biết. Thôi cho anh về ở đây luôn nghe.? 
- Không được đâu anh, còn má anh Tân và hai đứa nhỏ...
- Anh kiếm mua nhà rồi hai đứa ở....Hai Long ôm Thúy hôn lấy hôn để, bàn tay anh sờ soạng làm Thúy nhột ran người cười khúc khít. Hai Long ghì Thúy chặt hơn, mơn man, úp chụp... Hai thân thể cuộn nhau...một lúc Thúy rên khe khẽ. Hai Long bật ra ngủ say nhừ trong mê hoặc. Má Tân đêm đó không ngủ được. Mắt cạn khô nhìn đỉnh mùng. Bà buột miệng : “Đồ quỉ...!” 
Sáng sớm,Thúy dục Hai Long dậy để về. Khi Hai Long rón rén ra khỏi của buồn thì má chồng Thúy đã ngồi nhai trầu ở nhà sau. Mặc dù không thấy gì nhưng bà biết có người vừa ra. Bà dụi mắt như cố xem ai vậy? nhưng có thấy được ai là ai! Thúy biết bà ngồi ở nhà sau, nên khi Hai Long ra về nàng đóng cửa lại và ra sau hỏi:
-Hôm nay sao má thức sớm vậy? bà ngưng nhai và hỏi Thúy:
-Hồi tối có người ngủ lại nhà mình hả. Thúy tinh táo nói:
-Dạ có một người say quá không về được nên ngủ lại…nhưng họ về rồi má. Má Tân nói vậy à! Thúy đi vào nhà tắm. Một lúc sau nàng trở ra và vào buồn riêng thay đồ. Thúy nói chút nữa con đi lo công chuyện má lo dùm hai đứa nhỏ nghe má…!
Má Tân biết Thúy lẹo tẹo từ đêm đó với Hai Long, nhưng bà nghĩ : “Thằng Tân đi biệt biết bao giờ về!? nhờ một tay nó xoay trở lo cho gia đình còn lo đi thăm chồng…. Nó còn trẻ quá làm sao tránh được!”. Bà không đồng ý với Thúy chuyện đó, nhưng cũng không quá khe khắt với Thúy. Nó vẫn một tiếng má hai tiếng má có gì thay đổi đâu? Nhưng có điều buồn là khi nghĩ tới thằng Tân con bà. Nó mà biết được thì còn đau khổ nào hơn!
Giữa tháng 2 năm 83 Tân được trả tự do. Thúy phải ra tận ngoài Bắc đi sâu vào trại làm tờ cam kết với Ban Quản Giáo lãnh chồng về và hứa tiếp tục động viên chồng làm tốt khi về đời sống thường. 
Từ ngày về, Tân ở nhà quanh quẩn với hai con. Đưa chúng đi học loay quay chuyện nhà. Thúy vẫn tiếp tục công chuyện làm ăn, ít khi nàng ở nhà trừ mấy ngày đầu lúc Tân mới về.
-Anh ở nhà yên tâm ăn uống cho khỏe người lại, công việc làm ăn của em không thể dừng lại. Từ từ em tìm cách đưa anh và hai đứa nhỏ đi…Nàng quả quyết, anh phải rời đây càng sớm càng tốt để anh yên thân và các con có tương lai. Mọi chuyện em sẽ sắp xếp, anh đừng thắc mắc gì hết. Anh nên nhớ em là vợ anh, em sẵn sàng hy sinh cho anh và con. Tân rất cảm động trước lời nói khẩn thiết của vợ. Bây giờ anh như bị thụ động trong mọi việc. Thời gian tù tội suốt hơn 8 năm ở nhà tù đã làm anh mềm như cọng bún ướt, mất hết ý lực. Thật sự thì Tân cũng chẳng biết phải xoay trở như thế nào trong cái xã hội đầy thù oán và hỗn mang nầy. Tân phó mặc….xem số phận đi đến đâu? 
Cái ngày mà Tân nghe lời đồn đại là Thúy đi lại với Hai Long cũng là lúc Thúy đã xắp xếp xong mọi chuyện. Tối hôm chuẩn bị đi, Tân không còn tự nén được anh hỏi Thúy về chuyện đó...Thúy nói anh đừng tin bậy bạ. Em yêu chỉ mình anh. Em hy sinh hết đời em vì anh. Mọi chuyện em làm cũng vì anh và hai con. Anh cứ yên tâm. Thúy lúc nào cũng yêu chỉ mình anh. Anh hiểu không Tân? Tân đắn đo muốn hỏi cho ra lẽ, nhưng người dẫn đường đã đến gõ cửa. Thúy giục dã. Tân xách túi đệm nhỏ đựng một ít quần áo và thuốc men đứng lên. Tân ôm mẹ khóc, quay sang ôm ghì Thúy trong tay. Thúy nghẹn ngào nói: Anh và hai con đi đi kẻo bị lộ. Thúy khóc sướt và gỡ tay Tân ra. Thúy nói với hai con: “Hai con nhớ nghe lời ba dạy bảo nghe …! Má sẽ đi sau…!?”
Một tháng sau, Thúy nhận được tin hai cha con Tân đến đảo Galang. Bức thư anh gởi qua Pháp cho người bà con sống bên đó và chuyển về Việt Nam.
Bức thư Tân viết ngắn: “Thuyền anh được tàu Mỹ cứu vớt đưa vào đảo Galang. Anh và hai con bình yên.Tin cho em và má hay. Hôn em. Tân và hai con.”. 
Thúy đọc thư Tân cho má chồng nghe. Hai mắt mờ thâm của bà trôi hai dòng nước mắt. Bà nói: “Cám ơn Trời Phật đã độ cho chúng nó!” Thúy mừng vui trong thẫn thờ.
Thúy đã lo cho chồng con đi rồi. Bây giờ nàng chọn cho mình cách sống nào? Nàng sẽ không mong có ngày hội ngộ lại với Tân vì nàng đã gian díu với Hai Long, cho dù đó chỉ là cách để nàng thực hiện ý đồ của mình, nhưng nàng vẫn thấy mình không còn xứng đáng với chồng, không đúng nhân cách làm người. Nàng có thể chọn cách đi đâu đó thật xa để ăn đời ở kiếp với Hai Long? Nàng cả quyết... Không! Hai Long chẳng ai xa lạ là tên Trưởng Ban Tổ Chức trường Trung Học khi xưa đã định làm nhục nàng tại phòng hắn cách nay rất lâu. Sau khi Thúy bị bắt một số hàng lớn có thể đi đến tiêu tan sự nghiệp. Biết tên nầy chuyển về làm Trưởng Phòng Thuế Vụ nên Thúy tìm gặp hắn, để nhờ hắn lấy số hàng đó ra. Hai Long đã giúp nàng việc nầy nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội để chiếm đoạt được Thúy. Kết quả là Thúy đã lợi dụng hắn để thực hiện mọi ý đồ của nàng. Hắn thực sự si mê Thúy và làm theo mọi toan tính của nàng. Thúy đã nuốt căm hờn để thực hiện ý nguyện “Lo cho Tân và hai con được ra nước ngoài”. Mọi chuyện đã kết quả. Nàng chuẩn bị môt bữa tiệc mừng ngày hai người chính thức ăn ở công khai tại ngôi nhà riêng. Bữa tiệc diễn ra có một số quan chức trong Tỉnh. Tất cả đã chết cùng với Thúy vì ngấm độc dược trong buổi tiệc. Một cuộc Tự Sát. Một cách trả thù trong ý định mà nàng đã vạch sẵn! Má Tân buồn vì nhớ con cháu và chết vài tháng sau cái chết của con dâu . Cha con Tân hiện định cư tại Mỹ…..
(Mùa thu năm 2009)

HTH
****Câu chuyện thật mà tác giã biết được và thêm một ít hư cấu để câu chuyện phong phú thêm.(Trích trong tập truyện ngắn"Kẻ Đào Huyệt" xuất bản năm 2014.)

Tên các nhân vật do tác giã tạo ra, nếu có sự trùng hợp thì đó chỉ là một sự ngẩu nhiên ngoài chủ đích của tác giã.Trân trọng).

Không có nhận xét nào: