Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 4/5 - Lê Minh Nguyên

Bắc Hàn cảnh báo Trung Quốc ‘đừng thử lòng kiên nhẫn’
Trong một động thái hiếm hoi, cơ quan thông tấn của nhà nước Bắc Triều Tiên đã trực tiếp chỉ trích Trung Quốc liên quan tới những lời bình luận của truyền thông nhà nước Trung Quốc và cảnh báo Trung Quốc chớ nên "thử các giới hạn" của sự kiên nhẫn của Bắc Triều Tiên.<!>
Một bài bình luận của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phổ biến hôm Thứ Tư viết: "Tốt hơn Trung Quốc nên cân nhắc những hậu quả nghiêm trọng do hành động thiếu thận trọng của mình, muốn phá hoại nền tảng của các quan hệ Trung Quốc-Bắc Hàn”.
Bài bình luận của KCNA cho rằng những lời kêu gọi của Trung Quốc hối thúc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, đã vượt quá giới hạn và vi phạm các quyền của Bắc Triều Tiên.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã đưa ra những lời kêu gọi đó hôm thứ Năm, nói rằng Bắc Triều Tiên đang loay hoay với một hình thức “logic không hợp lý" liên quan tới chương trình hạt nhân của họ.
Tờ Hoàn Cầu còn tuyên bố Trung Quốc sẽ không cho phép khu biên giới giáp ranh Bắc Triều Tiên bị ô nhiễm vì các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc hôm thứ Tư kêu gọi các bên nên tự kiềm chế trong cuộc xung đột về chương trình hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên, sau khi Bình nhưỡng phàn nàn rằng Hoa Kỳ đang đẩy cả khu vực tiến gần hơn tới chiến tranh.
Đài phát thanh nhà nước Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, kêu gọi tất cả các bên nên tự chế, và quay trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt.

Trong cuộc họp báo thường ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói:
"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy giữ bình tĩnh và kiềm chế, ngừng kích động nhau, mà hãy ra sức làm việc để tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc và đối thoại giữa tất cả các bên."

Bắc Triều Tiên hôm thứ BA cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ và các đồng minh trong khu vực không khác nào là một hành động " khiêu khích quân sự liều lĩnh", có thể "đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới gần bờ vực chiến tranh hạt nhân."
Gần đây Hoa Kỳ đã phái một tàu sân bay đến vùng biển Triều Tiên. Trong một chương trình khác nhằm phô trương sức mạnh, tuần này hai máy bay ném bom của Mỹ tham gia các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực với máy bay quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bắc Triều Tiên nói các máy bay ném bom đó đã tiến hành "một cuộc tập trận ném bom hạt nhân" trên lãnh thổ miền Bắc. Bình nhưỡng còn tố cáo ông Trump " và những kẻ gây chiến khác ở Hoa Kỳ đang nóng lòng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu" nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên, nên làm nhiều hơn để kiềm hãm Bắc Triều Tiên. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump trước đó đã cảnh báo Bắc Triều Tiên rằng "thời đại của kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt." - VOA

2.
Nhân tố Trump ảnh hưởng bầu cử tổng thống Nam Hàn

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể là một nhân tố quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/5 tới của Hàn Quốc.
Ông Trump đã đánh mất cảm tình của nhiều người ở Hàn Quốc sau khi ông nêu yêu sách đòi chính phủ Seoul trả 1 tỷ đôla cho Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) đang được triển khai trên Bán đảo Triều Tiên, ông chỉ trích hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn, và thậm chí còn ca ngợi lãnh đạo Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên cũng như bày tỏ sẵn sàng gặp ông Kim mà không tham vấn trước với các đồng minh quân sự then chốt của Mỹ ở Châu Á.

Những lời chỉ trích gây tranh cãi của ông Trump về Hàn Quốc dường như đang giúp ứng cử viên tổng thống phản đối mạnh nhất chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên.
Phe tự do ăn mừng
Những ủng hộ viên của ông Moon Jae-in nhảy múa trên đường phố tại một cuộc vận động tranh cử ở Seoul. Mức độ ủng hộ dành cho ứng cử viên thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc theo đường lối tự do đã tăng lên 41% trong một cuộc khảo sát thực hiện hôm thứ Ba. Đây là cuộc thăm dò cuối được phép thực hiện trước cuộc bầu cử. Ông Moon giờ dẫn trước 20% so với đối thủ bám sát ông nhất.

Vị luật sư nhân quyền này ủng hộ liên minh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông cho rằng chính sách của Hoa Kỳ chỉ nhấn mạnh vào áp lực quân sự và những biện pháp trừng phạt sẽ không giải quyết được mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Moon muốn giảm căng thẳng thông qua đối thoại và hợp tác. Ông nói ông sẽ xem xét việc mở lại Khu liên hợp Công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên, đã đóng cửa sau vụ thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng vào năm 2016.

Ông cũng kêu gọi đình hoãn đơn vị phòng thủ tên lửa THAAD hiện đang được triển khai ở miền đông nam Hàn Quốc, cho đến khi các vị tổng thống kế tiếp lên nắm quyền.
Thái độ không nhiệt tình của ông Moon về vấn đề này đi ngược lại sự ủng hộ ngày càng tăng của Hàn Quốc đối với THAAD vào lúc với Bắc Triều Tiên tiếp tục các cuộc thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông đánh giá cao việc ông đại diện cho những người phản đối ở tầm địa phương lo ngại về những ảnh hưởng của dàn radar công suất lớn trong hệ thống vũ khí tới sức khoẻ cộng đồng, và vì ông muốn trước hết phải nghiên cứu về các lợi ích an ninh của THAAD, so với nguy cơ tiếp tục khiêu khích Bắc Triều Tiên và xa lánh Trung Quốc, có tin nước này đã trả đũa bằng cách hạn chế du lịch và một số hàng nhập khẩu.

Song Jung-Bin, một người thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc ủng hộ ông Moon, nói: "Đảng của chúng tôi nghĩ rằng phải đàm phán lại về THAAD để điều chỉnh việc chia sẻ chi phí, vì việc đó đã do chính phủ trước đây thực hiện". 
Sau khi Tổng thống Trump nêu ra yêu sách về THAAD trị giá 1 tỷ đôla, mức độ dẫn trước của Moon trong các cuộc thăm dò đã gia tăng.

Đối thủ phe tự do

Đối thủ của phe tự do là Ahn Cheol-soo, ứng cử viên Đảng Nhân dân, ủng hộ nhiều hơn cho các quan điểm thân Mỹ liên quan đến THAAD và thúc đẩy chi tiêu quốc phòng, đồng thời cũng ủng hộ đối thoại và hoạt động ngoại giao mạnh mẽ để giải quyết một cách hòa bình sự chia cắt lâu năm vốn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng này.
Tuy nhiên, mức độ ủng hộ cho ông Ahn trong cuộc thăm dò gần đây nhất đã giảm chỉ còn 19%. Mặc dù ông phản đối gay gắt yêu sách 1 tỷ đôla của ông Trump, nhưng một số người chỉ trích nói rằng động thái mơ hồ của ông chuyển sang vị trí trung dung vẫn không đủ để thu hút những người của phe bảo thủ hoặc phe tự do.

Phe bảo thủ e dè
Những người bảo thủ, đứng đầu là ứng cử viên Đảng Tự do Hàn Quốc, Hong Joon-pyo, đã vất vả lấy lại niềm tin của công chúng sau vụ luận tội cựu Tổng thống Park Guen-hye về một vụ bê bối tham nhũng, vụ này đã dẫn đến cuộc bầu cử tổng thống sớm.

Những người ủng hộ ông Hong cho biết sự tán đồng mạnh mẽ của ông Hong dành cho THAAD, và việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc, sẽ giành được sự hậu thuẫn từ một lượng đa số cử tri thầm lặng ủng hộ an ninh quốc gia. Những người này bị các phương tiện truyền thông đánh giá không đúng mức.
Lee Sung-Kook, thành viên ủy ban quận Yangcheon-gu thuộc Đảng Tự do Hàn Quốc, nói: "Hiện tại, ở Hàn Quốc nhiều người đang giấu suy nghĩ và phiếu bầu của họ”.

Lời bình phẩm của ông Trump, không chỉ về THAAD, mà còn gọi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là một "nhân vật khôn ngoan" trong việc củng cố sức mạnh một cách tàn nhẫn, đã làm giảm sự ủng hộ Hoa Kỳ trong số những người bảo thủ cánh hữu đang cắm trại biểu tình phía trước tòa thị chính Seoul.
Hwang Eung-Joo thuộc nhóm Trại Ái quốc vốn đã hình thành để phản đối việc luận tội bà Park nói: "Tôi đau lòng về nước Mỹ vì những lời bình luận gần đây của ông Trump".
Cảm xúc bất an về ông Trump có thể làm mất thêm phiếu đối với phe bảo thủ trong khi tiếp thêm sinh lực cho những người phe tự do muốn Tổng thống Hàn Quốc kế tiếp phải đương đấu với áp lực của Mỹ. - VOA

3.
Thỏa thuận lập các vùng an toàn ở Syria

Các đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran hôm thứ Năm đã đi đến một thỏa thuận thực thi bốn vùng an toàn trên khắp Syria.
Trong cuộc họp ở thủ đô Astana của Kazakhstan, trưởng phái đoàn các nước đồng minh của chính quyền Syria đã ký thỏa thuận trong khi một số thành viên của phái đoàn đối lập Syria la ó và bước ra khỏi phòng để phản đối.

Theo thỏa thuận, bốn vùng an toàn sẽ được thiết lập ở miền nam, trung và bắc Syria. Nhưng người ta không cung cấp thông tin chi tiết về cách thức đạt được hòa bình ở những vùng đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov gọi các vùng an toàn là "bước quan trọng để củng cố việc chấm dứt xung đột".
Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Phần Lan Timo Soini, ông Lavrov nói ông hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận về các vùng an toàn trong các cuộc hội đàm tại Geneva sớm nhất là vào đầu tháng này. - VOA

4.
Iran: nổ mỏ than, 35 người chết

Một vụ nổ xảy ra ở miền bắc Iran đã phá nát một mỏ than hôm thứ Tư, giết chết ít nhất 35 thợ mỏ và làm bị thương nhiều người, theo truyền thông nhà nước Iran.
Các đội cứu hộ đã làm việc suốt ngày đêm tại mỏ Zemestanyurt, tỉnh Golestan, nằm dọc biên giới phía bắc của Iran với Turkmenistan để tìm các nạn nhân. Tuy nhiên vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu thợ mỏ còn bị mắc kẹt.

Ông Hossein Ahmadi, người đứng đầu Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ của tỉnh Golestan cho biết:
"Chúng tôi hy vọng lượng oxy mà chúng tôi bơm vào đường hầm có thể tới được 25 đến 26 thợ mỏ vẫn còn bị mắc kẹt bên trong. Chúng tôi cũng hy vọng là chúng tôi có thể đưa họ ra ngoài một cách an toàn. Các đội chuyên gia từ thủ đô và Trăng Lưỡi liềm Đỏ đang tiến hành các hoạt động cứu hộ. Chúng tôi đang tìm cách tới địa điểm nơi xảy ra vụ nổ càng sớm càng tốt.”

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan đáp ứng khẩn cấp của Iran, ông Pir Hossein Kolivand, nói có tới 80 thợ mỏ có thể còn bị mắc kẹt trong hai phân khu của mỏ than.
Ngoài ra, có ít nhất 25 nhân viên cứu hộ phải đưa vào bệnh viện vì hít khí ở khu mỏ số 7. - VOA

5.
Thủ tướng Nhật muốn xét lại Hiến pháp chủ hòa

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 3 tháng 5 loan báo kế hoạch xét lại Hiến pháp chủ hòa của Nhật được áp dụng từ năm 1947 tới nay.
Trong một thông điệp nhân kỷ niệm bản Hiến pháp 75 năm tuổi, Thủ tướng Abe nói ông muốn làm “rõ ràng tình trạng” của lực lượng phòng vệ, tức quân đội Nhật Bản, bằng cách tu chính Hiến pháp trước năm 2020.

Trong lúc Nhật đang đối mặt với những đe dọa an ninh tiếp diễn từ Bắc Triều Tiên, ông Abe nói không thể tranh cãi rằng quân đội “có thể vi hiến.” Quân đội Nhật hiện có hơn 227.000 quân nhân tại ngũ.
Nhật Bản tăng cường biểu dương lực lượng giữa những quan ngại về thái độ khiêu khích từ Bình Nhưỡng và đang phái hai khu trục hạm tham gia những cuộc tập trận với tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Hôm 1 tháng 5, một chiến hạm Nhật Bản cùng với một tiếp vận hạm của Hải quân Hoa Kỳ gia nhập lực lượng tấn công của tàu sân bay Carl Vinson và 3 chiến hạm khác.

Chủ nghĩa chủ hòa được ghi trang trọng trong Hiến pháp Nhật Bản với Điều 9 kêu gọi từ bỏ hoàn toàn chiến tranh. Điều khoản này đại diện một phần tính cách của Nhật Bản thời hậu chiến, và ông Abe từ lâu đã nói rõ mong muốn của ông là tu chính điều khoản này. Những lời kêu gọi trước đây duyệt xét lại điều khoản này đã gặp những phản ứng nghi ngờ tại Nhật Bản và những quốc gia khác trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước phản đối việc tái quân sự hóa Nhật Bản.
Những chính phủ Nhật Bản kế tiếp, cũng như các học giả, cho rằng quân đội là hợp hiến vì Hiến pháp cho phép Nhật Bản tự vệ.

Tuy nhiên, ông Abe thúc đẩy một cách diễn giải rộng hơn, và cách đây hai năm, ông đã giúp thông qua luật cho phép quân đội thực hiện những sứ mạng chiến đấu ở nước ngoài trên danh nghĩa “tự vệ tập thể” và cùng với quân đội đồng minh. Luật này được thông qua tiếp sau những tranh luận chính trị gay gắt và nhiều ngày biểu tình phản đối.
Công nhận tính nhạy cảm chính trị của đề nghị xét lại Hiến pháp, hôm 3/ 5, ông Abe nhấn mạnh Nhật phải “giữ vững ý tưởng về chủ nghĩa hòa bình.”

Các nhà phân tích nói rằng đây là một tính toán khôn ngoan nhằm trấn an những người nghi ngờ và tạo tiền lệ cho việc duyệt xét lại Hiến pháp. Thủ tướng Abe và Nội các của ông hiểu rằng Điều 9 được quần chúng ủng hộ và duyệt xét lại Điều khoản này khiến nhiều quốc gia chung quanh Nhật Bản báo động, ông Koichi Nakano, một khoa học gia về chính trị tại Trường đại học Sophia ở Tokyo nói. Mới đây vào tuần trước, một cuộc thăm dò của đài NHK cho thấy 82% những người trả lời “hãnh diện về hiến pháp chủ hòa hiện hành.”

Khoảng 55.000 tham dự một cuộc biểu tình tại Tokyo phản đối tu chính Hiến pháp và trên truyền thông xã hội, sự chống đối cũng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bất cứ việc tu chính hiến pháp nào cũng phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Một cuộc thăm dò được Kyodo News công bố tuần này cho thấy số người trả lời ngang nhau về câu hỏi có nên xét lại điều khoản chủ hòa trong Hiến pháp hay không. - VOA

6
Ông Tập và ông Duterte điện đàm về Biển Đông --- Ngũ Giác Đài chưa cho Hải Quân vào 'vùng 12 hải lý'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Tư hoan nghênh "cuộc đối thoại" giữa Bắc Kinh và Manila về vụ tranh chấp lãnh hải giữa hai nước trên Biển Đông trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Theo AFP, ông Duterte tuần này úp mở rằng ông có thể từ chối lời mời của Tổng thống Donald Trump mời ông sang thăm Mỹ.

Bản tin của AFP nói ông Duterte đang thả lỏng liên minh với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ trong khi tăng cường và siết chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Cuộc điện đàm diễn ra hai ngày sau khi ông Duterte đi thăm tàu chiến Trung Quốc neo ở cảng Davao, miền nam Philippines, thể hiện mối quan hệ đang nồng ấm lên với Bắc Kinh.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói: “Sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị (giữa Trung Quốc và Philippines) tiếp tục phát triển và sự hợp tác của chúng ta đang nở rộ trên tất cả mọi lĩnh vực.”
Ông Tập nói thêm:
"Các kênh đối thoại và đàm phán về vấn đề Biển Đông đã được thiết lập, và sẽ mang lại lợi ích cơ bản cho hai nước.”

Hãng tin Reuters tường thuật rằng trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo Trung-Phi cũng thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên, nhưng Tân Hoa Xã không cho biết thêm chi tiết nào khác. - VOA

***
Kể từ năm ngoái, quân đội Mỹ chưa thông báo bất cứ cuộc tuần tra nào để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Điều này báo hiệu sự thay đổi sau những lời lẽ đao to búa lớn trước đây của chính quyền ông Trump rằng sẽ kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Ngũ Giác Đài đã nhiều lần bác đề nghị của Hải quân Mỹ thực hiện tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo và các thực thể do Trung Quốc kiểm soát, nơi nhiều nước khác, kể cả Việt Nam, tuyên bố chủ quyền, theo một phóng sự của New York Times hôm 3/5 và hãng tin Breibart hồi tháng 3.

Tin của New York Times cho hay, trong diễn biến gần đây nhất, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cách đây khoảng 1 tháng rưỡi đã đề nghị điều tàu vào vùng 12 hải lý của Bãi Scarborough, cách bờ biển Philippines khoảng 195 km. Trung Quốc kiểm soát việc tiếp cận bãi này. Ngũ Giác Đài đã từ chối đề nghị đó.
Tổng thống Trump đã tỏ ý sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ giúp ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, các chuyên gia nói với trang tin Breitbart hồi tháng 3 rằng việc thiếu một chính sách về châu Á và nhân sự chưa sắp xếp xong tại Ngũ Giác Đài có thể là lý do đằng sau tình trạng án binh bất động về các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải.
Trong số 53 vị trí tại Ngũ Giác Đài do tổng thống bổ nhiệm, chỉ có chức Bộ trưởng Quốc phòng đã có người nắm giữ là ông Jim Mattis.

Mặc dù vậy, thời gian trôi qua đã đủ dài để xác định liệu sự thiếu vắng các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông có phải là một phần trong lập trường mới của Tòa Bạch Ốc hay không.

Ông Euan Graham, giám đốc về an ninh quốc tế tại Viện Lowy, một tổ chức cố vấn ở Sydney, nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể kết luận rằng đây không chỉ là vấn đề quán tính … Điều này đang thể hiện tính đặc trưng của một chính sách có suy nghĩ”.
Khi còn tranh cử, ông Trump từng nói Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng vì Trung Quốc không tôn trọng nước Mỹ và tổng thống Mỹ.

Hồi tháng 1 năm nay, khi điều trần trước các nhà lập pháp để được chuẩn thuận chức ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson báo hiệu Mỹ sẽ có chính sách cứng rắn hơn chính quyền của ông Obama đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay điều này chưa diễn ra.
Hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành tuần tra vùng hải phận quốc tế trên Biển Đông. Khác với các cuộc tuần tra thông thường kiểu này, các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải có mục đích thách thức những vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

Tháng 10/2015, tàu USS Lassen đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Subi bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Trước đây, Subi là một bãi chìm nhưng giờ ảnh vệ tinh cho thấy nơi này là một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây, có diện tích xấp xỉ Trân Châu Cảng.
Hải quân Mỹ đã tiến hành thêm nhiều cuộc hành quân vì tự do hàng hải trong năm 2016. Cuộc cuối cùng là vào tháng 10, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. - VOA

7.
Pháp: Tranh luận nảy lửa giữa Macron-Le Pen

Tối hôm qua, 03/05/2017, cuộc tranh luận truyền hình nhằm mục đích thuyết phục các cử tri còn lưỡng lự hoặc sẽ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 ngày 07/05, giữa hai ứng viên tổng thống Marine Le Pen và Emmanuel Maron đã trở thành một cuộc đối đầu nảy lửa và lộn xộn với những lời chỉ trích « ăn miếng trả miếng ».
Khoảng 16,5 triệu khán giả đã theo dõi cuộc tranh luận kéo dài hơn 2 giờ 30 trên các kênh truyền hình TF1 và France 2. Các chủ đề chính được hai ứng viên tổng thống tranh luận là vấn đề kinh tế, vị trí của nước Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu và khu vực đồng euro, an ninh-khủng bố, thị trường lao động và giáo dục.

Theo rút thăm, bà Le Pen bắt đầu buổi tranh luận và ông Macron là người kết luận. Tuy nhiên, ngay những phút đầu tiên, ứng viên cực hữu đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front National, FN) đã tấn công trực diện đối thủ Emmanuel Macron thuộc phong trào Tiến Bước! (En Marche!), cho rằng ông là « ứng viên của tiến trình toàn cầu hóa man dại, tình trạng bấp bênh, tư tưởng cộng đồng », tất cả đều do tổng thống thuộc đảng Xã Hội sắp mãn nhiệm François Hollande giật dây.
Ông Macron đáp trả bà Le Pen là ứng viên gieo rắc « hận thù » và « dối trá », không muốn « một cuộc tranh luận dân chủ, công bằng và cởi mở ».  Hai ứng viên liên tục cáo buộc nhau « nói dối », « sai sự thật ».

Cuộc tranh luận trở nên căng thẳng trên vấn đề khủng bố thánh chiến, nhà máy Whirlpool tại Amiens sẽ bị chuyển sang Ba Lan và nước Pháp rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu và khối đồng tiền chung.

Trên mạng Twitter, ông Jean-Luc Mélenchon, ứng viên đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France insoumise), về thứ 4 trong vòng 1, đánh giá : « Không một ai trong hai người tỏ ra xuất sắc. Một cuộc cãi vã vụn vặt. Nực cười. Thảm họa cho đất nước ». 
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter ngày 04/05, ứng viên Emmanuel Macron cho rằng phải « đánh bại » Mặt Trận Quốc Gia « dù bị ô danh một chút ». Ông khẳng định là nạn nhân của những lời xúc phạm « từ nhiều tháng qua trên internet ».

Cuộc tranh luận tối 03/05 là cơ hội để ông đáp trả một cách đầy đủ. Ông cũng cho biết « đã nghĩ rất nhiều đến Jacques Chirac », vì trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2002, ứng viên lọt vào vòng hai Jacques Chirac đã khiến công luận bất ngờ khi từ chối tranh luận trực tiếp với ông Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen.
Thăm dò ý kiến sau tranh luận
Theo thăm dò ý kiến Elabe thực hiện cho BFM TV sau cuộc tranh luận tối 03/05 trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống Emmanuel Macron và Marine Le Pen, 63% số người được hỏi đánh giá chương trình tranh cử của ứng viên của phong trào Tiến Bước! thuyết phục hơn chương trình tranh cử của đối thủ đảng cực hữu. Ứng viên Le Pen chỉ được 34% số người được hỏi ủng hộ.

Những con số này cho thấy ứng viên Macron đang có ưu thế hơn so với bà Le Pen. Tỉ lệ trên cũng khớp với kết quả thăm dò ý định bỏ phiếu công bố hôm Chủ Nhật 07/05, theo đó 60% số người được hỏi có ý định bỏ phiếu cho Macron trong vòng 2 diễn ra vào ngày 07/05.

Ngày 04/05, ứng viên Marine Le Pen đánh giá là dù cuộc tranh luận « làm thay đổi các thông lệ », nhưng điều này là quan trọng để « thức tỉnh người dân Pháp ». Theo AFP, bà Le Pen cũng giải thích mục đích của bà là « vén màn bí mật » về tính cách cũng như con đường hoạt động chính trị của đối thủ Macron.
Trong khi đó, ứng viên Emmanuel Macron cùng ngày 04/05 đã khởi kiện đối thủ Marine Le Pen là « tung tin giả», « vu khống » Macron khi nói rằng ông có tài khoản ở thiên đường thuế khóa ở Bahamas trong buổi tranh luận được truyền hình trực tiếp tối hôm trước. Một nguồn tin tư pháp tiết lộ Viện Công Tố Paris ngay lập tức đã mở cuộc điều tra ban đầu việc Marine Le Pen « tung tin giả ».

Về chương trình vận động cử tri, ứng viên Marine Le Pen hôm nay tới tiếp xúc cử tri tại tỉnh Ille et Vilaine và Somme (tây bắc Pháp), còn ứng viên Emmanuel Macron sẽ tổ chức mít-tinh tại vùng Albi (phía nam nước Pháp). - RFI

8.
Thủ tướng Anh chỉ trích Bruxelles quan liêu trong hồ sơ Brexit

Hôm qua, 03/05/2017, thủ tướng Anh Theresa May đã chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu không muốn đàm phán Brexit thành công. Theo AFP, lãnh đạo chính phủ Anh tố cáo Bruxelles có lập trường cứng rắn trong đàm phán về Brexit, các lãnh đạo châu Âu đưa ra lời lẽ đe dọa Anh Quốc.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm thông tin :

Tự ái vì bị coi là ngây thơ trong hồ sơ Brexit và lập trường của Anh bị báo chí châu Âu châm biếm, thủ tướng Theresa May đã quyết định có phản ứng mạnh mẽ trong một phát biểu được dàn cảnh trước trụ sở chính phủ, số 10 Downing Street. 
Bà nói : Ủy Ban Châu Âu đã tỏ lập trường cứng rắn trong đàm phán về Brexit. Các chính trị gia và giới chức lãnh đạo châu Âu đã đưa ra những lời lẽ đe dọa nước Anh. Tất cả những điều này đã được lên kế hoạch nhằm tác động đến kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ được tổ chức vào ngày 08/06.

Thủ tướng Anh tố cáo châu Âu có âm mưu chống lại chính phủ của bà. Theo bà Theresa May, một số người ở Bruxelles không muốn các cuộc đàm phán về Brexit thành công. Nếu để cho những giới chức quan liêu tại Bruxelles lấn át, thì chúng ta sẽ mất cơ may xây dựng một xã hội công bằng hơn với những cơ hội thực sự cho tất cả mọi người.
Những lời tố cáo trực diện này không phải là ngẫu nhiên : Vài phút trước đó, bà Theresa May đã tới gặp nữ hoàng Anh để chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử lập pháp, được tổ chức trước thời hạn, vào ngày 08/06.

Lãnh đạo đảng bảo thủ muốn có được tối đa số phiếu ủng hộ của phe tán đồng Brexit, bằng cách tấn công châu Âu. Thế nhưng, sự xung động thần kinh này lại gây hốt hoảng, bởi vì phe bảo thủ được cho là rất thuận lợi trong cuộc bầu cử và bà Theresa May không cần phải đưa ra những dọa nạt, bởi vì sau cuộc bầu cử, thật khó mà quên được kiểu ngoại giao thô bạo này .

Về quan hệ giữa Anh và Nga, hôm qua, ông Vladimir Chizhov, đại sứ Nga tại Luân Đôn, cho biết, sau Brexit, nếu Anh Quốc bãi bỏ cấm vận của châu Âu đối với Nga, thì Matxcơva sẽ hủy bỏ cấm vận nông nghiệp đối với Luân Đôn.
Mùa hè 2014, châu Âu tiến hành trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga trong hồ sơ Ukraina. Để trả đũa, Matxcơva đã cấm nhập khẩu nông sản của các nước châu Âu. - RFI

Tin Hoa Kỳ
9.
Mỹ công bố các ưu tiên ngoại giao

Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm qua, 03/05/2017, đã phổ biến đến các nhân viên ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới về những ưu tiên ngoại giao của Washington trong thời gian tới đây : Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và Nga.

Theo ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, những nỗ lực của Bắc Triều Tiên để phát triển một kho vũ khí hạt nhân có khả năng tiếp cận các thành phố của Hoa Kỳ là "mối đe dọa lớn nhất" mà Washington phải đối mặt.
Vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên có thể là vấn đề cấp bách nhất, nhưng ông Tillerson lại muốn xem xét tìm hướng đi mới cho mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc 50 năm tới đây.

Ông phát biểu : "Chúng ta hãy xem lại mối quan hệ này, và những gì sẽ xảy ra trong nửa thế kỷ tiếp theo. (…) Tôi nghĩ rằng đó là một cơ hội quan trọng mà chúng ta phải xác định, và dường như đây cũng là một mối quan tâm lớn của lãnh đạo Trung Quốc ». 
Tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn là một mục tiêu trọng tâm của Washington, đặc biệt ở Iraq, Syria, Trung Đông và Trung Á. Một ưu tiên khác đối với Rex Tillerson liên quan tới nước Nga. Ngoại trưởng Mỹ cho biết trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov ở Alaska vào tuần tới, ông sẽ làm "một số việc nhỏ" để xây dựng lòng tin.

Ngoài ra, ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson còn nhắc tới  việc hợp tác với châu Phi để giảm bớt các cuộc khủng hoảng về y tế và phá vỡ mạng lưới khủng bố, chống nạn buôn lậu và ngăn chặn nguồn tài chính cho các tổ chức khủng bố ở châu Mỹ La Tinh.
Tuy nhiên, trong danh sách ưu tiên ngoại giao, Rex Tillerson không nói tới châu Âu, nhưng có nhắc lại việc tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các thành viên NATO chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Theo AP, một thay đổi quan trọng là Washington sẽ chú trọng tới an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế nhiều hơn là tới nhân quyền trong quan hệ với các nước khác. - RFI

10.
Giám đốc FBI trả lời về Nga dính líu đến bầu cử Mỹ

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ James Comey hôm thứ Năm ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong một phiên chất vấn kín. Đây là một phần của cuộc điều tra về các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Ông Comey nói với Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm thứ Tư rằng ông cảm thấy "hơi buồn ói" khi nghĩ rằng cơ quan của ông có thể đã ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, giúp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sau khi FBI mở lại cuộc điều tra về bà Hillary Clinton ít ngày trước cuộc bỏ phiếu. 

Ông Comey nói với tiểu ban điều trần rằng ông cảm thấy day dứt khi cân nhắc liệu có nên công bố thông tin về cuộc điều tra mới về bà Clinton quản lý thông tin mật trên máy chủ email cá nhân trong thời gian bà là ngoại trưởng Hoa Kỳ. Cuộc điều tra mới diễn ra vài tháng sau khi FBI khẳng định rằng bà Clinton không phạm bất cứ tội gì.
Ông Comey nói ông xác quyết rằng sẽ là một "thảm họa" nếu che dấu thông tin này sau khi đã trấn an quốc hội rằng cuộc điều tra đã hoàn tất.

Ông nói: "Đó là một lựa chọn khó khăn, nhưng tôi vẫn tin đó là một lựa chọn đúng đắn".
FBI thông thường vẫn cố tránh công bố thông tin về các cuộc điều tra các ứng cử viên ngay trước một cuộc bầu cử để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Nhưng ông Comey nói ông không hề phân vân liệu một cuộc điều tra mới có thể giúp ông Trump đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái hay không.

Ông Comey tiết lộ tin về cuộc điều tra vào lúc chỉ còn 11 ngày trước bầu cử, sau khi các điều tra viên phát hiện hàng ngàn email công việc Bộ Ngoại giao của bà Clinton trên máy tính của cựu dân biểu Anthony Wiener, người chồng đang ly thân của Huma Abedin, phụ tá của bà Clinton.

Hôm thứ Ba, bà Clinton quy một phần trách nhiệm cho ông Comey về sự thất bại của bà trong cuộc bầu cử. - VOA

11.
Facebook mướn 3.000 người, chặn, xóa thông tin bạo lực

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg hôm thứ Tư cho hay công ty sẽ mướn thêm 3.000 nhân viên trong năm tới để đáp ứng các bản tin về những thông tin không phù hợp trên truyền thông xã hội và đẩy nhanh việc xóa bỏ các video quay cảnh giết người, tự vẫn hay những hành động bạo lực khác.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng chiến dịch tuyển nhân viên này có thể được coi như một sự nhìn nhận của Facebook, rằng ít nhất cho tới bây giờ, phần mềm tự động cải thiện việc giám sát nội dung vẫn chưa đủ. Facebook Live, một dịch vụ cho phép bất kỳ người sử dụng nào phát sóng trực tiếp, đã gặp tai tiếng từ khi ra mắt hồi năm ngoái vì những video trực tiếp chiếu những cảnh bạo lực.

Trong một dòng tin tải lên trên Facebook, đồng sáng lập viên Facebook, Mark Zuckerberg, cho biết 3,000 nhân viên mới sẽ bổ sung đội ngũ 4.500 nhân viên hiện nay có nhiệm vụ rà soát các nội dung bị nghi là vi phạm các quy định sử dụng dịch vụ.

Tuần trước, cảnh sát cho hay một người cha ở Thái Lan đã truyền trực tiếp video cảnh ông tự tay giết con gái trên Facebook Live. Sau hơn một ngày đã có 370.000 lượt xem, trước khi Facebook gỡ video này. Các đoạn video khác từ những nơi như thành phố Chicago và Cleveland cũng gây sốc cho người xem với nhiều cảnh bạo lực.
Ông Zuckerberg nói:
"Chúng tôi đang làm việc để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc báo cáo các video loại này, nhờ đó chúng tôi có thể hành động sớm hơn - dù đó là đáp ứng nhanh khi một ai đó cần được giúp đỡ, hoặc để xóa bỏ nội dung xấu đó".

Facebook cho biết 3.000 nhân viên mới sẽ theo dõi tất cả nội dung trên Facebook, không chỉ các video truyền đi trực tiếp. Công ty không cho biết nơi làm việc của các nhân viên mới. - VOA

12.
NSA thu thập dữ kiện điện thoại của dân Mỹ

Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA năm ngoái thu thập hơn 151 triệu dữ kiện điện thoại của người Mỹ, kể cả sau khi Quốc hội ra lệnh hạn chế khả năng của NSA trong công tác này, theo bản phúc trình hàng năm được viên chức tình báo hàng đầu của Mỹ công bố ngày 2/5.
Phúc trình của văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats là văn kiện đầu tiên về những hệ quả của Luật Tự do Hoa Kỳ năm 2015, hạn chế NSA trong việc thu thập hồ sơ điện thoại và số liên lạc của những người bị Hoa Kỳ và các cơ quan tình báo đồng minh nghi có liên hệ đến khủng bố.

Phúc trình phát hiện NSA đã thu thập 151 triệu hồ sơ điện thoại dù cơ quan này chỉ được Tòa Theo dõi Tình báo Nước ngoài cho phép thu thập tin tức của 42 nghi can khủng bố trong năm 2016, cộng với một ít người được xác định danh tính trong năm trước.
NSA đã thu thập một lượng lớn “siêu dữ liệu” điện thoại, số điện thoại của người gọi và người được gọi và thời điểm cũng như cuộc gọi kéo dài bao lâu-nhưng không thu thập nội dung- kể từ những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Phúc trình được đưa ra vào lúc Quốc hội phải quyết định có cho phép sử dụng lại điều 702 của Luật Theo dõi Tình báo Nước ngoài (FISA) hay không. Điều khoản này cho phép NSA thu thập tin tức tình báo nước ngoài của những người không phải công dân Mỹ, bên ngoài nước Mỹ. Theo kế hoạch, điều 702 sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng điều 702 cho phép NSA theo dõi trên Internet và liên lạc bằng điện thoại của những người Mỹ không cần trát của Tòa Theo dõi Tình báo Nước ngoài và rằng tình báo nước ngoài có thể được sử dụng trong mục đích thi hành luật trong nước theo cách tránh được những đòi hỏi pháp lý truyền thống.

Phúc trình không cho biết FBI thu thập tin tức về công dân Mỹ thường xuyên đến mức nào trong khi điều tra một vấn đề tình báo nước ngoài.

Thứ Sáu tuần qua, NSA cho biết đã ngưng một hình thức theo dõi cho phép NSA, không cần trát tòa, có thể thu thập những thông tin kỹ thuật số trong tin nhắn của những người Mỹ bị coi là mục tiêu tình báo nước ngoài.
Phúc trình mới được đưa ra giữa những cáo buộc được lặp lại mới đây của Tổng thống Donald Trump rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh theo dõi điện thoại của ông mà không có trát tòa và rằng cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice đã yêu cầu NSA tiết lộ danh tính những người Mỹ bị theo dõi.
Các thành viên Cộng hòa và Dân chủ của các ủy ban tình báo Quốc hội đều nói là cho tới nay không phát hiện được bằng chứng nào hỗ trợ cho những cáo buộc vừa kể của ông Trump. - VOA

Tin Việt Nam
13.
Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận gần bậc chân phước hơn

Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người từng bị cộng sản Việt Nam cầm tù suốt 13 năm, đã tiến một bước gần hơn tới bậc chân phước, theo tin của Tòa Thánh Vatican hôm thứ Năm 4/5.
Điện Vatican cho hay Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã công bố sắc chỉ nâng Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận lên bậc Đáng Kính, nhìn nhận Cố Hồng Y Thuận đã sống một cuộc đời nhân đức anh hùng.

Với sắc lệnh này, đoạn đường đưa cố Hồng Y Phan-xi-cô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tới bậc Chân Phước, và cuối cùng được phong Thánh, được rút ngắn.
ĐHY Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17/04/1928, tạ thế tại Roma vào năm 2002 sau khi phục vụ Tòa Thánh Roma trong cương vị Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình. 
Hãng tin Reuters loan tin này hôm 4/5 nhắc lại rằng Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận bị cầm tù 13 năm và bị quản chế tại gia vào năm 1975, sau khi cộng sản chiếm quyền kiểm soát toàn cõi Việt Nam.

Trong 13 năm bị giam cầm, Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận bị biệt giam 8 năm. Trong một chuyến đi thăm Roma vào đầu những năm 1990, chính quyền Việt Nam tuyên bố ĐHY Nguyễn Văn Thuận không còn được chào đón và cấm ông về nước. 
Hồ sơ Tuyên Thánh cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận đã khởi sự từ năm 2007. Uỷ Ban Hồng Y và Giám Mục thuộc Bộ Tuyên Thánh của điện Vatican hôm 2/5/2017 biểu quyết đồng loạt chấp thuận Án Tuyên Thánh.

Bước kế tiếp của tiến trình Phong Thánh là Bộ Phong Thánh sẽ chính thức cứu xét phép lạ được cho là nhờ sự can thiệp của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Nếu phép lạ được xác nhận, thường là một trường hợp khỏi bệnh mà y khoa không thể giải thích được, hồ sơ sẽ chuyển lên Ủy ban Thần học của Bộ Tuyên Thánh, rồi đến Hội đồng các Hồng Y và Giám Mục, sau cùng hồ sơ sẽ được đệ lên Đức Giáo hoàng để phê chuẩn và công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ, và ấn định ngày phong Chân Phước, một bước trước khi được phong thánh.
Theo Wikipedia, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng Tư, 1928, tại Phủ Cam, Huế; là anh cả trong gia đình có 8 anh chị em. Thân phụ là ông Tađêô Nguyễn Văn Ấm, qua đời năm 1993 tại Sydney, Australia; thân mẫu là bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, em ruột Giám Mục Ngô Đình Thục và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. - VOA

14.
Phụ nữ gốc Việt ra tranh cử Hạ viện Pháp

Một nữ thuyền nhân gốc Việt ra tranh cử vào hạ viện Pháp nhằm chứng tỏ cho cộng đồng châu Á thấy rằng họ cần tham gia chính trị nhiều hơn.

Bà Céline Netthavongs- Nguyễn Thị Quỳnh Như, đại diện cho Đảng Những người Cộng hòa, ra tranh cử dân biểu ở cử tri đoàn số 10, khu vực Seine-et-Marne, ngoại ô Paris, nói với BBC Tiếng Việt rằng trong quá trình tiếp xúc với người Việt Nam ở Pháp, bà 'rất tiếc' khi thấy nhiều người không muốn tham dự vào chính trị Pháp.
"Tôi nghĩ là với những người thuộc thế hệ đầu tiên, họ không mấy quan tâm đến chính trị có lẽ là bởi họ cảm thấy mình không hoàn toàn là người Pháp.

"... Với thế hệ thứ hai, với đa số họ được sinh ra ở đây, tôi nghĩ rằng họ cần quan tâm tới chính trị hơn nữa vì Pháp chính là tổ quốc của họ," nữ luật sư nói.
Sinh ra ở Lào trong gia đình có cha mẹ người Việt, bà Céline Netthavongs có tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Quỳnh Như, đã cùng gia đình tỵ nạn chính trị ở Pháp khi mới năm tuổi.

Là người tin ở sức mạnh nội tại, bà cho rằng người gốc Á ở Pháp không thể cho rằng mình bị "bỏ rơi hay không được coi trọng do không hiện diện trong chính giới, mà chính chúng ta phải đẩy cho cánh cửa bật mở."
Céline Netthavongs cũng chia sẻ về sự ảnh hưởng của gốc Việt Nam trong cuộc sống và sự nghiệp chính trị của mình. - BBC

15.
Tàu sân bay trực thăng Nhật sẽ đến Cam Ranh

Một tàu sân bay trực thăng của Nhật và một tàu vận tải của Mỹ sắp cập cảng Cam Ranh trong khuôn khổ chương trình đối tác Thái Bình Dương 2017. Trang tin Zing,Vn của Việt Nam trích lời một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết như vậy hôm 4 tháng 5. Tuy nhiên nguồn tin không cho biết ngày đến cụ thể là ngày nào.
Tàu J.S. Izumo của Nhật là tàu lớn nhất mà Nhật Bản đóng từ sau thế chiến thứ II. Tàu có chiều dài 248 m và rộng 38 mét.

Cùng đi với tàu đến cảng Cam Ranh là tàu vận tải viễn chinh cao tốc USNS Fall River (T-EPF-4) của Mỹ.
Hôm 11 tháng 4, một tàu hộ vệ của lực lượng tự vệ trên biển Nhật bản cũng đã ghé cảng Cam Ranh thực hiện chuyến thăm hữu nghị từ ngày 11 đến 15 tháng 4.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương là chương trình hỗ trợ nhân đạo và chuẩn bị cứu trợ thảm họa đa phương thường niên lớn nhất được thực hiện ở vùng Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương. Chương trình có sự tham gia của nhiều nước lớn trong khu vực như Australia, Canada, Indoenosia, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc… Chương trình đã được thực hiện ở Đà Nẵng vào năm ngoái và là năm thứ 7 chương trình diễn ra ở các tỉnh và thành phố của Việt Nam trong suốt 11 năm của sự kiện này. - RFA

16.
Tám đoàn kiểm tra, giám sát các vụ án lớn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vừa ký quyết định thành lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đối với 20 Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tin tức vào ngày 3 tháng 5 cho biết ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các đoàn công tác này trong quá trình giám sát, truy tố những vụ án nghiêm trọng cần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để tìm ra những giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề nghị việc giám sát phải có trọng tâm, tránh trường hợp nan giải và lãng phí; và giao cho Ban Nội chính Trung ương tổng hợp kết quả để báo cáo ban chỉ đạo trước ngày 30/10/2017

Tin cho biết thêm việc giám sát nhằm nắm bắt tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo và kết quả xử lý các vụ tham nhũng, góp phần nhận diện và xử lý các biểu hiện suy thoái.
Năm ngoái, Việt Nam công khai nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng trong đó có 12 dự án hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước bị thua lỗ. Đồng thời, nhiều nhân vật cấu kết tham nhũng gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng của Nhà nước trong đó có nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí VN ông Trịnh Xuân Thanh hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã. Hiện một ủy viên bộ chính trị là ông Đinh La Thăng cũng đang bị đề nghị kỷ luật. - RFA

17.
Các nước Thái Bình Dương lên tiếng về ngư dân Việt đánh cá trộm

Lãnh đạo các quốc gia vùng Thái Bình Dương mới đây lên tiếng thúc giục chính phủ Việt Nam phải có biện  pháp để ngăn chặn nạn đánh bắt cá trộm của ngư dân Việt Nam trong khu vực.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong cuộc họp của tổ chức Cơ quan Diễn đàn Nghề cá (FAA) và Cộng đồng Khu vực Thái Bình Dương được tổ chức tại Australia trong tuần này. Cuộc họp nhằm tìm ra cách tiếp cận chung trong khu vực để đối phó với nạn săn bắt cá trộm.

Giám đốc FFA, ông James Movick cho biết các nước đã đưa ra một loạt những biện pháp có thể sẽ được thông qua trong cuộc họp của Diễn đàn các đảo Thái Bình Duông vào cuối năm nay. Ông nói Bộ trưởng các nước tại cuộc họp vào cuối năm sẽ đưa ra quyết định cuối cùng nhưng FAA khuyến cáo các nước trong khu vực phải tăng sức ép ngoại giao lên chính phủ Việt Nam để gửi ra một thông điệp thống nhất của các nước trong khu vực.
Cuộc họp bao gồm các nước Papua New Guinea, đảo Solomon, New Caledonia, Palau, quần đảo Marshall, và Micronesia.
Trước đó đã có những thông tin cho thấy chính phủ Việt Nam mặc dù chấp nhận những phản đối từ phía chính phủ Australia về nạn săn trộm cá nhưng lại không chấp nhận những phản đối tương tự từ chính phủ các nước khác ở Thái Bình Dương. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào: