Chủ tịch Trung Quốc sẽ sang thăm Việt Nam và dự APEC
Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc đã nhận lời mời của Chủ tịch Trần Đại Quang sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay.<!>
Chiều thứ Năm 11/5, sau lễ đón chính thức Chủ tịch Việt Nam thăm Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp và thảo luận với Chủ tịch Trần Đại Quang về mối quan hệ song phương, cũng như tăng cường hợp tác giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, gia tăng hợp tác kinh tế, tăng cường thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, triển khai xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, v.v…
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo Việt Trung đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, cam kết đã ký kết, nhất là thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển; kiểm soát bất đồng, không có các hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp.
Lãnh đạo hai nước cũng đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cam kết cùng ASEAN hoàn tất Bộ quy tắt ứng xử ở Biển Đông COC trong năm nay.
Nhắc lại, trước Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã nhận lời mời sang Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay. - RFA
2.
EU, Trung Quốc họp bàn biến đổi khí hậu
Liên hiệp Châu Âu và Trung Quốc sẽ họp thượng đỉnh tại Brussels vào 2/6, theo nguồn tin từ bốn giới chức EU. Đây là thượng đỉnh đầu tiên giữa đôi bên kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến EU và Trung Quốc đoàn kết chống lại bảo hộ mậu dịch và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Trung Quốc và lãnh đạo các định chế chính của EU sẽ đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ hiệp ước biến đổi khí hậu Paris mà ông Trump đe dọa sẽ rút khỏi, các giới chức cho hay.
Trung Quốc đã yêu cầu hội nghị thượng đỉnh hàng năm, thường được tổ chức vào giữa tháng 7, được tổ chức sớm hơn để đẩy mạnh việc chủ tịch Tập Cận Bình bênh vực tự do mậu dịch tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1 năm nay, đáp trả lập trường bảo hộ của ông Trump.
Dù thời điểm diễn ra thượng đỉnh chưa được chính thức loan báo, nhưng các giới chức EU nói việc này đã được thỏa thuận với Bắc Kinh. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Federica Mogherina, gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi giữa tháng 4 và sau đó tuyên bố đã thảo luận về thượng đỉnh sắp tới này.
“EU và Trung Quốc sẽ đưa ra một thông điệp rất rõ ràng là chúng tôi vẫn cam kết tuân thủ hiệp ước biến đổi khí hậu Paris dù Hoa Kỳ có làm gì đi chăng nữa,” một giới chức EU nói. “Biến đổi khí hậu là một phần lớn của hội nghị thượng đỉnh…vấn đề này nằm rất cao trong nghị trình.”
Dự kiến tuyên bố cuối cùng của thượng đỉnh sẽ gia tăng áp lực đối với ông Trump vì các nhà lãnh đạo khác trong G7 sẽ tìm cách áp dụng tại một thượng đỉnh ở Ý từ ngày 26 đến ngày 27 tháng này, các giới chức cho biết.
Ông Trump đã công khai quan điểm không tin biến đổi khí hậu là ‘nhân tai’ và khi tranh cử đã hứa sẽ “hủy bỏ” Hiệp ước Paris 2015. Hiện ông đang hoãn lại quyết định có nên duy trì hay bãi bỏ hiệp ước toàn cầu này.
Theo Tòa Bạch Ốc, ông Trump sẽ loan báo quyết định về vấn đề này sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh khối G7 trở về. - VOA
3.
Lực lượng Syria do Mỹ hậu thuẫn chiếm đập Tabqa
Các lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn đã đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Tabqa và tiến chiếm Đập Tabqa, một mục tiêu quan trọng đối với các lực lượng dân quân trước cuộc tấn công vào Raqqa, thủ đô tự phong của các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS)
SDF, một nhóm đa sắc tộc gồm các chiến binh người Kurd và Liên đoàn Ảrập Syria (SAC), được sự hỗ trợ của các cố vấn thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ và các cuộc không kích của liên minh, đã chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo trong nhiều tuần qua ở Tabqa, cách thành phố Raqqa 40 km về hướng tây.
Ông John Dorrian, Phát ngôn viên của liên minh nói: "Đây là một chiến thắng khác nữa của SAC và SDF, các đối tác quyết tâm và có năng lực nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống ISIS.
Bộ Tư lệnh miền Trung của Hoa Kỳ, đặc trách giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, cho biết khoảng 70 quân Nhà nước Hồi giáo đã ra đầu hàng theo các điều kiện của SDF, gồm tháo dỡ bom đặt xung quanh đập Tabqa, từ bỏ vũ khí hạng nặng và rút toàn bộ chiến binh còn lại ra khỏi Tabqa.
Bộ Tư lệnh miền Trung nói SDF chấp nhận quyết định đầu hàng của IS nhằm "bảo vệ thường dân vô tội" và cũng để bảo vệ cơ sở hạ tầng của đập Tabqa, nơi hàng trăm ngàn người Syria sống dựa vào nguồn nước, nông nghiệp và điện.
Sau chiến thắng của SDF hôm thứ Tư, liên minh cho biết họ đang truy lùng phiến quân IS đang chạy trốn, và đang tìm cách tiêu diệt phiến quân mà không gây nguy hại cho dân thường.
Liên minh hôm Thứ Năm cho biết Nhà nước Hồi giáo đã chuyển các hoạt động lập kế hoạch tấn công bên ngoài sang thành phố Tabqa, sau khi bị đánh bại ở thành phố Manbij để tránh các cuộc không kích của liên minh ở thành phố Raqqa.
Việc tiến chiếm thành phố Tabqa và Đập Tabqa diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho Lầu Năm Góc trang bị vũ khí cho người Kurd trong các Lực lượng Dân chủ Syria.
Trưởng phát ngôn Lầu Năm Góc Dana W. White hôm thứ Ba cho hay là thành phần người Kurd, chiếm hơn phân nửa lực lượng SDF, sẽ được trang bị vũ khí "theo nhu cầu để đảm bảo chiến thắng dứt khoát", đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Raqqa, Syria. - VOA
4.
Hàn Quốc gửi đặc sứ tới Trung Quốc thảo luận Bắc Hàn/THAAD --- Giới đại gia Hàn Quốc trong "tầm nhắm" của tân tổng thống Moon Jea In
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Năm cho biết ông dự định cử một phái đoàn sang Bắc Kinh để thảo luận về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên và quan ngại của Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc.
Lãnh đạo 2 nước điện đàm một ngày sau khi ông Moon tuyên thệ nhậm chức, thay thế tổng thống bị phế truất Park Geun-hye.
Người phát ngôn của ông Moon cho biết lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc đồng ý về "mục tiêu chung" của nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và nói thêm rằng ông Moon hiểu được mối lo ngại của Trung Quốc về hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ, còn gọi là THAAD.
Hàn Quốc đã hợp tác với Hoa Kỳ để phát triển hệ thống THAAD nhằm giúp phòng vệ miền Nam nếu Bắc Triều Tiên thực hiện một cuộc tấn công tên lửa. Phần thứ nhất của hệ thống THAAD đã bắt đầu đi vào hoạt động hồi đầu tháng này, và dự kiến toàn bộ hệ thống sẽ được lắp đặt trước cuối năm nay.
Trung Quốc xem THAAD là mối đe dọa và là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực. Trung Quốc áp dụng hạn chế về du lịch và nhập khẩu như biện pháp để trả đũa Hàn Quốc.
Tại lễ nhậm chức hôm thứ Tư, ông Moon tuyên bố ông sẵn sàng lãnh đạo một nỗ lực ngoại giao quốc tế quan trọng để tìm một giải pháp hòa bình cho tình hình an ninh đang căng thẳng.
Ông Moon nói:
"Nếu cần thiết, tôi sẽ bay tới Washington. Tôi sẽ tới Bắc Kinh và Tokyo. Và nếu một số điều kiện được thỏa đáng, tôi sẽ đi Bình Nhưỡng để tạo dựng hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được".
Ông Moon muốn tăng cường đối thoại và mời gọi Bắc Triều Tiên tham gia, trong khi cùng lúc duy trì áp lực và các biện pháp trừng phạt để khuyến khích Bình Nhưỡng thay đổi. Quan điểm này của ông Moon mâu thuẫn với quan điểm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, giữa lúc ông Trump tìm cách tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng bằng biện pháp tiếp tục cô lập và áp dụng lệnh trừng phạt.
Trao đổi với VOA, nhà phân tích Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc dẫn lời ông Moon nói rằng ông chỉ thương lượng với Bắc Triều Tiên sau khi đã tham khảo ý kiến của Hoa Kỳ.
Ông Stangarone nói:
"Tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ cũng muốn lắng nghe những gì ông ấy nghĩ, và các ý kiến đó có khả thi không, và làm thế nào cho ý kiến đó phù hợp với chính sách của Mỹ, là tăng áp lực tối đa và cũng cố gắng tối đa để kêu gọi Bắc Hàn hợp tác.”
Nhà phân tích Stangarone nói bất kể ông Moon có những kế hoạch nào về mặt đối ngoại, tình hình kinh tế ở Hàn Quốc và sự kiện ông được bầu sau khi một Tổng thống bị luận tội, có nghĩa là các vấn đề quốc nội sẽ kiềm hãm những gì mà ông Moon muốn thực hiện. - VOA
***
Kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay của hơn một chục đại tập đoàn chaebol mà một số là « đế chế gia đình ». Ít nhất bốn đại gia Hyundai, Samsung, SK và LG bị tân tổng thống Moon Jea In buộc phải sang trang thời kỳ móc ngoặc giữa kinh doanh và chính trị, một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế hạng tư châu Á.
Sau cuộc chiến 1950-1953, Hàn Quốc nhanh chóng xóa bỏ hậu quả chiến tranh, từ một nước nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp ngay từ thập niên 1970. Chiếc đũa thần kinh tế này chính là vai trò then chốt của những tập đoàn công kỹ nghệ như Hyundai, Samsung.
Các doanh nghiệp này tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Chỉ riêng tập đoàn Samsung đem lại 25% tổng thu nhập quốc gia GDP, bao trùm nhiều lãnh vực từ TV, Smartphone, chip điện tử cho đến thời trang và khách sạn sang trọng.
Vấn đề là các tập đoàn này có ảnh hưởng mạnh và lũng đoạn giới cầm quyền. Theo AFP, họ bị tố cáo sử dụng sức mạnh tiền bạc và quan hệ chính trị để ngăn chận mọi chính sách canh tân và đa dạng hóa kinh tế từ 25 năm nay. Vụ tai tiếng lớn nhất, nổ ra trong năm nay, đã gây chấn động bộ máy Nhà nước mà hệ quả là nữ tổng thống Park Geun Hye bị truất phế và bị tống giam ở hai phần ba nhiệm kỳ.
Từ thời Kim Dae Jung, tổng thống cánh tả đầu tiên, 1998-2003, Hàn Quốc đã cố gắng trong sạch hóa chế độ và chấm dứt tình trạng móc ngoặc giữa các đại tập đoàn và chính giới, tạo cơ hội cho một thế hệ chuyên gia quản trị xí nghiệp chuyên nghiệp vươn lên thay thế lớp già. Trong số 30 chaebol, Hyundai và Daewoo cùng với 14 tập đoàn chấp nhận đổi chủ. Tuy nhiên, nhiều gia đình thừa kế vẫn tiếp tục chi phối ban quản trị qua một hệ thống chân rết băng đảng tinh vi.
Một tổng thống cánh tả khác, tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Tư, 10/05/2017, tức khắc bắt tay vào việc chặt chân rết, gây sức ép lên bốn đại gia : Hyundai, Samsung, SK và LG. Theo tổng thống Moon Jea In, sở dĩ bốn tập đoàn này chống lại cải cách vì các chính quyền tiền nhiệm, thuộc đảng Dân Chủ cánh tả cho đến bà Park Geun Hye, đã thiếu nhiệt tâm và tích cực.
Ngay cố tổng thống Kim Dae Jung, Nobel Hoà bình 2002, đã bị tố cáo, qua trung gian của Hyundai, « lót tay » chế độ Bình Nhưỡng 400 triệu đôla, để gặp lãnh đạo miền Bắc Kim Jong Il vào năm 2000.
Một trong những nhân vật phải trả giá cho vụ tai tiếng « nữ quân sư » Choi Soon Sil là ông Lee Jae Yong, thừa kế tập đoàn Samsung phải ngồi tù, kéo theo chiếc ghế tổng thống của bà Park Geun Hye.
Liệu tổng thống mới, với lời hứa đem lại tính minh bạch trong cách điều hành xí nghiệp, chặt đứt lề thói cha truyền con nối, sẽ thành công ? Thứ Năm 11/05/2017, một ngày sau khi tân tổng thống tuyên thệ, nhiều chaebol thuê trang quảng cáo trên báo để chào mừng ông Moon Jea In. Trang dành cho Samsung đăng ảnh một bé gái tươi cười với hàng chữ : Hy vọng một tương lai tươi sáng bắt đầu.
Theo AFP, giới phân tích khá lạc quan, đưa ra hai lý do thuận lợi : một là tại Hàn Quốc, lòng dân với mong muốn cải cách thành công, nên bầu ông Moon Jea In. Thứ hai, tổng thống mới có đa số tại Quốc Hội.
Trong số những biện pháp đề ra là lập đội cảnh sát theo dõi đạo đức nghề nghiệp tránh cảnh cá lớn nuốt cá bé, giới hạn thẩm quyền ân xá đối với tội phạm kinh tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia như giáo sư Robert Kelly, đại học Busan, dè chừng một số cản lực. Thứ nhất, mọi biện pháp trừng phạt các chaebol có thể tác hại lây đến công ăn việc làm và kinh tế. Thứ hai, các đại tập đoàn công nghiệp đã bắt rễ vào « hệ thống » và được đông đảo dân Hàn Quốc ngưỡng mộ. Samsung, Hyundai, Posco… không chỉ là công ty, mà còn là « các nhà vô địch », niềm tự hào của quốc gia. - RFI
5.
Ngoại trưởng Nga ‘lạc quan thận trọng’ sau khi gặp Trump
Một phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm nói rằng cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là "vô cùng tích cực".
Ông Dmitry Peskov nói với các nhà báo rằng Nga "lạc quan một cách thận trọng" về triển vọng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng còn có rất nhiều việc phải làm.
Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi ông Trump tiếp ông Lavrov tại Tòa Bạch Ốc trong các cuộc thảo luận mà nội dung chủ yếu tập trung vào tình hình ở Syria.
Nói chuyện với báo giới sau cuộc họp, ông Trump nói: "Tôi vừa có một cuộc họp tốt đẹp, rất tốt, với ông Lavrov."
Ngồi cạnh cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong Phòng Bầu dục, ông Trump không cho biết nhiều chi tiết về cuộc thảo luận giữa ông với nhà ngoại giao Nga. Ông nói:
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được nhiều điều tích cực liên quan tới vấn đề Syria. Tôi nghĩ rằng những gì đang diễn ra thực sự tích cực, hết sức tích cực. Chúng ta sẽ chấm dứt những hành động giết người, ngăn chặn những sự chết chóc."
Chuyến thăm của ông Lavrov đánh dấu cuộc họp cấp cao nhất với phía Nga mà ông Trump đã tổ chức từ khi lên nắm quyền. Cuộc gặp diễn ra một tháng sau khi tổng thống Trump đánh giá quan hệ giữa Washington và Moscow đang ‘ở mức thấp nhất từ trước đến nay’. Các quan chức Mỹ và Nga cho biết hai bên đang thảo luận để chuẩn bị cho một cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Trump và ông Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức vào tháng 7 sắp tới.
Nói chuyện với các phóng viên tại Đại sứ quán Nga sau cuộc họp, ông Lavrov nói rõ hơn:
"Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về vấn đề Syria, trong bối cảnh các ý kiến đã được đưa ra về việc thiết lập các khu vực giảm chiến sự. Hai bên cùng hiểu rằng đó sẽ là một bước có thể góp phần chấm dứt bạo lực trên khắp lãnh thổ Syria. Đó cũng là một bước để tiếp tay giải quyết các vấn đề nhân đạo."
Thông cáo do Tòa Bạch Ốc công bố về cuộc họp này cho biết các cuộc thảo luận còn đề cập tới các điểm nóng khác trong khu vực:
“Tổng thống Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, ông đặc biệt lưu ý về sự cần thiết Nga phải kiềm hãm chế độ Assad, Iran và các nhóm hoạt động theo lệnh của Iran.”
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc về cuộc họp hôm thứ Tư lưu ý rằng Tổng thống Trump mong muốn xây dựng một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn với Moscow liên quan tới nhiều vấn đề khác nhau. - VOA
6.
Pháp: Đảng Cộng Hòa Tiến Bước công bố danh sách 450 ứng viên lập pháp
Phong trào Tiến Bước ! (En Marche !) do Emmanuel Macron thành lập năm 2016 công bố ngày 11/05/2017 danh sách ứng viên được lựa chọn tham gia cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức vào 11 và 18/06. Tổng thống tân cử Pháp cần có đa số ở Hạ Viện để thực hiện những chương trình cải cách mà ông đã hứa trong lúc vận động tranh cử.
Theo AFP, danh sách ứng viên lập pháp của đảng Cộng Hòa Tiến Bước được hình thành từ hai lời hứa : đổi mới và đa nguyên chính trị. Mục đích này khiến nội bộ các đảng truyền thống bị khuấy động, giữa một bên muốn liên minh và bên kia là tìm cách phục thù cho thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.
Thay vì 577 ứng viên như dự kiến, trong danh sách đầu tiên được đảng Cộng Hòa Tiến Bước công bố chiều 11/05 gồm khoảng 450 ứng viên « chắc chắn ». Tuy nhiên, theo ông Jean-Paul Delevoye, chủ tịch Ban tuyển chọn ứng viên, trong hai ngày 11 và 12/05, ban tiếp tục nghiên cứu nhiều hồ sơ ứng viên nộp vào hạn chót, như trường hợp của cựu thủ tướng Pháp Manuel Valls.
Trước đó, ngày 10/05, chủ tịch Ban tuyển chọn ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước khẳng định trên đài Europe 1 rằng cựu thủ tướng Pháp không đáp ứng đủ điều kiện ứng cử, nên « trong trường hợp cụ thể này, Ban tuyển chọn không thể nghiên cứu hồ sơ ứng cử của ông Valls ». Cụ thể là ông Valls chưa đăng ký gia nhập đảng Cộng Hòa Tiến Bước.
Quyết định của cựu thủ tướng Manuel Valls, hiện là đảng viên Đảng Xã Hội, đăng ký ứng cử trên danh nghĩa đảng Cộng Hòa Tiến Bước khiến đảng Xã Hội tức giận. Ông Jean-Christophe Cambadélis, thư ký Đảng Xã Hội khẳng định trên đài BeurFM rằng tổ chức này đang tiến hành thủ tục có thể dẫn đến việc khai trừ ông Valls.
Phản đối quyết định trên, ngày 11/05, ông Didier Guillaume, chủ tịch nhóm Xã Hội tại Thượng Viện, đánh giá đó là « nỗi hổ thẹn » của đảng Xã Hội. Thay vì đe dọa khai trừ Manuel Valls khỏi đảng, « lãnh đạo đảng Xã Hội, những người đã dồn cánh tả đến chân tường với kết quả 6% trong cuộc bầu cử tổng thống, lẽ ra phải hành động tốt hơn là thách thức nhau ».
Riêng về phía đảng Những Người Cộng Hòa, trả lời đài RFI, chủ tịch đảng Bernard Accoyer khẳng định không một ứng viên nào của đảng cánh hữu hưởng ứng lời kêu gọi của đảng Cộng Hòa Tiến Bước trong cuộc bầu cử lập pháp.
Pháp: thủ tướng Bernard Cazeneuve từ chức và giải tán chính phủ
Hội Đồng Bảo Hiến Pháp hôm qua 10/05/2017 chính thức tuyên bố Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, với 66,1% số phiếu bầu so với tỉ lệ 33,9% của đối thủ Marine Le Pen tại vòng hai bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 07/05.
Tỉ lệ phiếu bầu mà Hội Đồng Bảo Hiến Pháp thông báo không thay đổi so với con số mà bộ Nội Vụ Pháp công bố hôm thứ Hai 08/05. Lễ chuyển giao quyền lực giữa tổng thống mãn nhiệm François Hollande và tổng thống tân cử Emmanuelle Macron sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 14/05 tại điện Elysée.
Sau thông báo chính thức của Hội Đồng Bảo Hiến, theo truyền thống, thủ tướng Bernard Cazeneuve nộp đơn từ chức và giải tán chính phủ. Tổng thống mãn nhiệm François Hollande đã ghi nhận việc thủ tướng Bernard Cazeneuve từ chức, giải tán chính phủ và yêu cầu ông Cazeneuve tiếp tục giải quyết công việc cho tới ngày chính phủ mới được thành lập, theo dự kiến là vào đầu tuần tới.
Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống mãn nhiệm François Hollande chủ trì cuộc họp cuối cùng của Hội Đồng Bộ Trưởng. - RFI
7.
Tổng thống Palestine tới Nga để tìm sự hậu thuẫn của Matxcơva
Theo thông báo của điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày hôm nay, 11/05/2017, tiếp tổng thống Palestine Mahmud Abbas tại Sochi, bên bờ biển Hắc Hải. Chuyến đi này diễn ra sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Palestine và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vào tuần trước, tại Washington.
Nga là đồng minh truyền thống của cơ quan quyền lực Palestine nhưng có ít ảnh hưởng hơn so với Hoa Kỳ trong hồ sơ xung đột Palestine-Irsrael.
Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne tường trình :
Matxcơva muốn tạo thuận lợi cho tiến trình hòa giải giữa các phe phái Palestine. Để làm việc này, vào tháng Giêng năm nay, Nga đã tiếp khoảng một chục phái đoàn Palestine và đạt được một văn bản do tất cả các phe phái Palestine ký kết. Mặt khác, Nga thông báo sẵn sàng đón tiếp một hội nghị quốc tế nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.
Đối với tổng thống Palestine Mahmud Abbas, điều quan trọng là phải dựa vào sự ủng hộ của Nga vốn luôn luôn chủ trương giải pháp có hai Nhà nước, Palestine và Israel, trong lúc, Hoa Kỳ không chắc chắn ủng hộ lựa chọn này.
Đồng thời, gần đây, Nga cho biết sẵn sàng xem xét việc coi Tây Jerusalem là thủ đô của Israel với điều kiện Đông Jerusalem trở thành thủ đô của Palestine. Tóm lại, đây là một sự chuyển hướng nhích lại gần lập trường của Mỹ.
Tổng thống Mahmud Abbas thông báo sẵn sàng gặp thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou dưới sự bảo trợ của tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo cơ quan quyền lực Palestine muốn được bảo đảm là có sự ủng hộ của Nga vào lúc các đồng thuận giữa Matxcơva và Washington dường như đang ngày càng rõ nét. - RFI
8.
Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ hủy quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng Kurdistan
Theo AFP, hôm qua, 10/05/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đòi Hoa Kỳ phải hủy bỏ, không chậm trễ, quyết định cung cấp vũ khí, khí tài cho Các Đơn Vị Bảo Vệ Nhân Dân (YPG) – lực lượng du kích Kurdistan ở phía bắc Syria. Chính quyền Ankara đã biểu thị sự tức giận và tố cáo Mỹ đã lựa chọn ủng hộ khủng bố, không đếm xỉa đến đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette tường trình :
Đối với thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, lực lượng du kích Kurdistan và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) đều như nhau và quyết định của Washington chỉ nhằm trang bị vũ khí cho một tổ chức khủng bố để chống lại một nhóm khủng bố khác. Đó là một quyết định không thể chấp nhận được. Washington không thể bất chấp đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, để ủng hộ khủng bố.
Về phần mình, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng mỗi khẩu súng trao cho lực lượng du kích Kurdistan là một mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Ankara, đây là phản ứng thái quá sau vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, hồi cuối tháng Tư vừa qua, chỉ oanh kích vào các vị trí của lực lượng Kurdistan tại Syria và Irak.
Thế nhưng, thông báo của Mỹ được đưa ra vào một thời điểm đặc biệt : Chưa đầy một tuần nữa sẽ có cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump (16/05).
Do vậy, Ankara rơi vào tình thế khó xử : Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách xích lại gần tân chính quyền Mỹ nhưng giờ đây lại bị đặt trước một việc đã rồi. - RFI
9.
Cựu tổng thống Brazil bị thẩm vấn về tham nhũng
Cựu Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, đưa chứng cứ trước thẩm phán chống tham nhũng.
Thẩm phán Sergio Moro đã thẩm vấn ông suốt 5 giờ.
Ông Lula đã bác cáo buộc rằng ông đã nhận một căn hộ như khoản hối lộ trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến công ty dầu quốc gia Petrobras.
Ông nói rằng phiên tòa này có động cơ chính trị và ông phủ nhận bất kỳ sai trái nào.
Phiên xử kín diễn ra tại tòa ở thành phố Curitiba nhưng hàng ngàn người ủng hộ ông tụ tập tại một quảng trường gần tòa án.
Những người ủng hộ cuộc điều tra đối với cựu tổng thống tụ tập ở nơi khác và ở thủ đô Brasilia.
Nếu bị kết tội, ông Lula sẽ phải đối mặt với án tù. Nếu được minh oan, ông nói ông sẽ lại ra tranh cử tổng thống.
Tham nhũng là một trong 5 cáo buộc chống lại ông.
Luiz Inácio Lula da Silva là ai?
Được người dân Brazil gọi là Lula, ông là tổng thống nổi tiếng nhất của Brazil trong nhiệm kỳ 2003 - 2010.
Vốn là công nhân ngành thép, ông trở thành lãnh đạo công đoàn, lên nắm quyền với vị trí lãnh đạo cánh tả đầu tiên ở Brazil trong gần nửa thế kỷ.
Không thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, ông được tiếp nối vai trò tổng thống bởi đồng minh gần gũi Dilma Rousseff, người sau đó đã bị luận tội. - BBC
10.
Zimbabwe: 'Khi lãnh đạo không ngủ chỉ để mắt nghỉ'
Phát ngôn viên cho tổng thống Robert Mugabe bác bỏ bình luận rằng nhà lãnh đạo Zimbabwe ngủ gật nhiều lần tại các cuộc họp và sự kiện được báo chí ghi hình.
"Ngài tổng thống không chịu được ánh sáng quá mạnh", người phát ngôn George Charamba giải thích.
Báo nhà nước Zimbabwe, tờ Herald cũng trích lời ông Charamba nói đôi khi "tổng thống cần để cho mắt nghỉ".
Năm nay 93 tuổi, ông Mugabe thường xuyên đi chữa bệnh ở nước ngoài.
Ông vẫn có dự định sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ tới vào năm 2018.
Nhưng chuyện ông "nghỉ gật" đôi mắt ở nhiều sự kiện khiến có người đặt câu hỏi về tình trạng sức khoẻ của ông.
Cắp mắt của ông vẫn đang được các bác sỹ ở Singapore tiếp tục chăm sóc, điều trị.
Người phát ngôn viên chính phủ Zimbabwe so sánh bệnh mắt của ông Mugabe với cố lãnh đạo Nam Phi, Nelson Mandela.
Ông Mandela lúc sinh thời bị bệnh mắt vì phải lao động đập đá ở mỏ trong nhiều năm là tù nhân của chế độ phân biệt chủng tộc tại đảo Robben.
Bản thân ông Mugabe từng bị thực dân da trắng cầm tù 11 năm thời kỳ trước độc lập.
Zimbabwe, có 13 triệu dân và GDP 14 tỷ USD, với nền kinh tế trồi sụt nhiều và có lúc lạm phát lên kỷ lục dưới thời ông Mugabe cầm quyền.
Tăng trưởng của quốc gia châu Phi này từng đạt 2,85% một năm đều đặn trong các thập niên trước, từ 1961 đến những năm cuối thế kỷ 20, nhưng có lúc giảm xuống còn âm 17,20% năm 2003.
Zimbabwe nay có tuổi thọ thuộc loại thấp trên thế giới, 54 tuổi cho nam giới và 53 cho nữ giới.
Gần đây, nước này nhận đầu tư của Trung Quốc và mua cả vũ khí từ Bắc Kinh, gây ra phản đối trong một số nhóm vận động nhân quyền châu Phi. - BBC
Tin Hoa Kỳ
11.
Bão chính trị sau vụ bãi chức Giám Đốc FBI --- Ủy ban Thượng viện Mỹ đòi Flynn giao nộp tài liệu
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư bênh vực quyết định của ông, bãi chức Giám Đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ - FBI James Comey, hành động khiến dấy lên cơn bão chính trị ở thủ đô Washington. Trong khi ông Trump và những người trong chính phủ của ông bênh vực quyết định đó, các nhà lập pháp đối lập đòi bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để dẫn đầu một cuộc điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Từ Washington, thông tín viên Jim Malone của VOA gửi về bài tường trnh chi tiết sau đây.
Trong cuộc gặp gỡ với cựu Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Toà Bạch Ốc, Tổng thống Trump được hỏi về quyết định của ông, sa thải Giám Đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ - FBI James Comey.
Trả lời câu hỏi vì lý do gì ông sa thải Giám Đốc FBI Comey? Tổng thống Trump trả lời:
"Bởi vì ông ấy không làm tốt công việc, rất đơn giản. Ông ấy đã không làm tốt công việc."
Trong bức thư gửi cho ông Comey, Tổng thống Trump nói ông đã hành động dựa trên khuyến nghị của các quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp về cách ông Comey xử lý vấn đề email của bà Hillary Clinton hồi năm ngoái.
Việc ông Comey bị bãi nhiệm đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình bên ngoài Toà Bạch Ốc, và tạo ra một cơn bão chính trị tại những nơi khác ở Washington.
Tại Thượng viện, các thành viên đảng Dân chủ yêu cầu Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein chỉ định một luật sư đặc biệt để điều tra khả năng có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe dân chủ tại Thượng viện, nói:
"Nếu như tôi, ông ấy tin rằng người dân Mỹ có quyền đặt niềm tin vào sự công bằng của cuộc điều tra, thì ông hãy chỉ định một công tố viên đặc biệt và rút Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI ra khỏi cuộc điều tra, và hãy tránh sự chi phối của chính quyền này."
Một phát ngôn viên của Toà Bạch Ốc bác bỏ những lo sợ bên đảng Dân chủ rằng ông Trump đang tìm cách dẹp bỏ cuộc điều tra về vai trò của Nga, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Bà Sarah Huckabee Sanders, người phát ngôn Toà Bạch Ốc, nói:
"Không có bằng chứng nào cho thấy có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với Nga, chúng tôi còn mong cho cuộc điều tra đó sớm hoàn tất, để tất cả chúng ta có thể tiến tới phía trước."
Một số đảng viên Đảng Cộng hoà cũng bày tỏ quan tâm về việc bãi chức ông James Comey, và liệu quyết định này có ảnh hưởng tới cuộc điều tra mà cơ quan FBI đang tiếnhành hay không.
Nhưng thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Mitch McConnell, người vẫn phản đối việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt, nói đảng Dân chủ từ lâu đã than phiền về những hành động của ông Comey bất lợi cho bà Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông McConnell tỏ ý mỉa mai:
"Các đồng nghiệp của chúng tôi bên Đảng Dân chủ đang than phiền về việc sa thải một giám đốc FBI mà chính họ đã nhiều lần lớn tiếng chỉ trích."
Một nhà phân tích của Đại học George Washington, Frank Sesno, cho rằng thời điểm ông Trump sa thải ông Comey đã đặt ra rất nhiều nghi vấn mà có thể sẽ không được nhanh chóng giải đáp.
"Liệu họ có thực sự muốn siết lại kỷ luật trong nội bộ FBI, hay là họ đang tìm cách loại trừ khỏi FBI nhân vật đang dẫn đầu cuộc điều tra vào chính quyền hay những người chung quanh chiến dịch vận động tranh cử đã giúp ông Donald Trump thắng cử?"
Tổng thống Trump từ lâu đã bác bỏ cuộc điều tra vào vai trò của nước Nga như một trò lừa bịp.
Nhưng bằng quyết định sa thải Giám Đốc FBI James Comey, ông Trump vô hình chung đã khởi động một chuỗi sự kiện có thể dẫn đến một cuộc điều tra rốt ráo hơn nữa về những mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với nước Nga. - VOA
***
Một ủy ban Thượng viện Mỹ điều tra việc Nga can thiệp bầu cử năm ngoái chính thức yêu cầu cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump giao nộp tài liệu.
Ông Michael Flynn đã không tự nguyện hợp tác với chuyên viên điều tra, Ủy ban Tình báo Thượng viện cho biết.
Ông bị buộc phải từ chức hồi tháng 2/2017 sau khi không tiết lộ nội dung các cuộc trao đổi với các nhà ngoại giao Nga.
Trong khi đó, dư chấn của vụ sa thải giám đốc FBI vẫn tiếp diễn.
Nhà Trắng khẳng định rằng ông James Comey bị sa thải hôm 9/5 vì cách thức ông xử lý cuộc điều tra về email của bà Hillary Clinton.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ tường thuật rằng gần đây ông yêu cầu Bộ Tư pháp tăng nguồn lực cho cuộc điều tra về mối liên hệ của ông Trump với Nga.
Ủy ban Tình báo Thượng viện cho biết họ đưa trát đòi sau khi ông Flynn từ chối yêu cầu nộp các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra này hôm 28/4.
Ông Flynn, Trung tướng Lục quân Hoa Kỳ về hưu, đã lừa dối Nhà Trắng về các cuộc trao đổi với đại sứ Nga Sergei Kislyak về biện pháp trừng phạt của Mỹ trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump. - BBC
12.
Mỹ: số nhà bị tịch biên giảm xuống mức thấp nhất
Theo một nhóm nghiên cứu kinh doanh, vào tháng trước hoạt động tịch biên nhà ở Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ năm 2005.
Nhóm nghiên cứu ATTOM Data Solutions chuyên theo dõi các giấy báo quá hạn trả nợ nhà, các cuộc đấu giá, và các vụ ngân hàng lấy lại nhà trên toàn quốc, cho biết số vụ tịch biên nhà đã giảm 23% so với cách đây 1 năm. Điều đó có nghĩa là hơn 77.000 chủ nhà không thanh toán tiền nhà đúng hạn và các ngân hàng đã tiến hành một số bước để tìm cách lấy lại tiền đã cho vay.
Những vấn đề nghiêm trọng trên thị trường địa ốc ở Hoa Kỳ và việc bán chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp không đúng quy định, đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Đó là lý do khiến giới đầu tư và các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ thị trường nhà ở.
Trong nghiên cứu này, thành phố Seattle, bang Washington là thành phố đứng đầu, với số thông báo tịch biên giảm 38 % so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố Atlantic City, bang New Jersey là nơi tệ hại nhất về các vụ tịch biên nhà cửa trong nghiên cứu, theo đó cứ 237 căn thì có một căn nhà nhận giấy báo tịch biên. - VOA
13.
Lại United Airlines: Hành khách phải tiểu tiện vào ly nhựa tại chỗ ngồi
Một nữ điều dưỡng ở thành phố Kansas City cho hay bà bị buộc phải tiểu tiện vào một ly nhựa tại chỗ ngồi trong một chuyến bay của hãng hàng không United Airlines, từ Houston về Kansas City, sau khi các tiếp viên phi hành không cho bà sử dụng phòng vệ sinh trên phi cơ.
Bà Nicole Harper, có hai con và là một điều dưỡng viên làm việc trong phòng cấp cứu bệnh viện, chia sẻ câu chuyện bà bị làm nhục trên trang Facebook và sau đó được sự chú ý của các cơ quan thông tấn khắp nước Mỹ. Bà cho biết vụ này xảy ra ngày 9 Tháng Tư, cùng ngày bác sĩ David Đào, 69 tuổi, bị lôi xềnh xệch ra khỏi phi cơ.
Bà Harper nói rằng các tiếp viên phi hành không cho bà vào phòng vệ sinh vì lúc đó phi công bật lên tín hiệu yêu cầu hành khách ngồi tại chỗ và cột giây lưng giữa chuyến bay.
“Sau khi giải thích rằng tôi có bệnh thường xuyên phải tiểu tiện và phải dùng phòng vệ sinh hoặc một cái ly, các tiếp viên phi hành đưa tôi cái ly,” bà viết trên Facebook.
Nhưng việc tiểu tiện tại chỗ, ngay ghế của mình, chưa phải là điều tệ hại nhất trong vụ này, bà Harper cho hay.
Sau khi xong, và với đèn cột giây lưng nay được tắt, các tiếp viên phi hành la mắng bà trước mặt các hành khách khác và buộc bà phải cầm ly nước tiểu đi theo họ đến đổ trong phòng vệ sinh.
Bà cũng cho hay họ nói sẽ phải gọi toán làm vệ sinh chống ô nhiễm dọn sạch chỗ ngồi (dù bà không làm đổ ra ngoài) và sẽ phải nói chuyện với phi công trưởng.
“Chắc họ muốn tôi tiểu ra ghế hay sao? Chính họ đưa tôi cái ly đó và biết tôi sẽ làm gì,” bà Harper than thở.
Bà Harper cho biết trong liên tiếp hai tuần sau đó bà tìm cách liên lạc với United để than phiền về cách đối xử với hành khách, nhưng không ai trả lời.
Chỉ sau khi bà đưa vấn đề lên Facebook, United mới cử người liên lạc, bà Harper nói.
Theo đài truyền hình KCTV5 ở Kansas City, Missouri, hãng United Airlines nói bà Harper muốn vào phòng vệ sinh sau khi phi công bật tín hiệu cài giây lưng và ngồi tại chỗ, nếu làm trái lại là sẽ vi phạm luật an toàn hàng không liên bang.
Bà Harper nói vụ này xảy ra lúc phi cơ đang bay bình thường chứ không chuẩn bị hạ cánh. - nguoiviet
Tin Việt Nam
14.
Vụ ông Đinh La Thăng: ‘Đả hổ diệt ruồi’? --- ‘Diệt chuột không làm vỡ bình’ qua vụ Ðinh La Thăng
Hội nghị Trung ương 5 đã khép lại, nhưng dư âm vẫn đọng lại sau kỳ họp được cho là “đầy biến động” với vụ cảnh cáo và “tước ghế” Bộ Chính trị của ông Đinh La Thăng, nhân vật mà giáo sư nghiên cứu về Việt Nam Carl Thayer cho là “nạn nhân” của chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong phát biểu kết thúc cuộc họp kéo dài 6 ngày hôm 10/5, lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam nhiều lần nhắc tới từ “tham nhũng”, “lãng phí” cũng như sử dụng các thuật ngữ lan truyền trên mạng xã hội bấy lâu nay như “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và “nhóm lợi ích”.
Ông Trọng cũng nói rằng “những khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng” của ông Thăng khi làm lãnh đạo Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là “bài học sâu sắc” không chỉ đối với quan chức từng có nhiều tuyên bố mạnh miệng mà còn “đối với tất cả chúng ta”.
Việc “rút ghế” ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của ông Thăng cùng lời được cho là “cảnh báo” về bài học của ông Trọng khiến các nhà quan sát cho rằng vụ kỷ luật này mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc chiến mà không ít người cho là giống với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng ở Trung Quốc.
Trước kỳ họp trên ít ngày, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, theo báo chí trong nước, “ký quyết định lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát tham nhũng” với trọng tâm là “khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…”
Trong bài phát biểu dài gần 10 trang hôm 10/5, ông Trọng nói rằng “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy đạt được kết quả rất đáng khích lệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra”.
“Còn chậm chỉ đạo xử lý tình trạng thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng về vốn và tài sản tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, tổng bí thư đảng cầm quyền ở Việt Nam tuyên bố, nói thêm rằng “hệ thống chính trị ở địa phương” “có nơi mất sức chiến đấu”.
Ông Trọng không nêu chi tiết “hậu quả rất nặng nề” mà ông Thăng gây ra khi còn nắm PVN là gì, nhưng theo báo chí trong nước, quan chức từng tuyên bố “cần phải kiên quyết thực hiện điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí” này “đã có một số quyết định đầu tư gây thất thoát vốn”, “với tổng số tiền rất lớn”.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, và đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng “ông Trọng và các cộng sự đang cố gắng thiết lập lại kỷ cương trong nội bộ Đảng Cộng sản cũng như toàn bộ xã hội” sau khi xảy ra tình trạng “tham nhũng, lợi ích nhóm, vi phạm điều lệ tổ chức, coi thường kỷ cương phép nước...”
Ông Hiệp cho rằng chuyện đó “làm suy yếu uy tín, tính chính danh của Đảng Cộng sản, đe dọa tới khả năng cầm quyền của Đảng”.
Trong một bài nhận định hôm 10/5, Facebooker Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng trận chiến “’đả hổ diệt ruồi’ phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu”.
“Chủ trương ‘diệt chuột nhưng không để vỡ bình’ của ông Trọng [tuyên bố năm 2014] đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho [ông] Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế… để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuột bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình”, cựu nhà báo viết thêm.
Hôm 10/5, lên tiếng lần đầu tiên sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải được báo chí trong nước trích lời nói đã “nhận thức sâu sắc” các sai phạm, đồng thời “xin lỗi” đảng và nhân dân.
Trong các bức ảnh đăng trên truyền thông, ông Thăng cười tươi khi nhận hoa chúc mừng nhiệm vụ “tham mưu kinh tế cho đảng” từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” sau đại hội đảng năm 2012, và tin cho hay, cho tới nay, hơn 120 quan chức cấp cao “đã sa lưới”, và hàng nghìn người bị truy tố.
Trả lời VOA Việt Ngữ, tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, cho rằngvụ ông Thăng “không thể coi là có gì gần với chính sách "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập.
“[Ông] Đinh La Thăng không bị kết án tham nhũng và cuộc điều tra cũng không cho thấy nó đã xoáy vào vấn đề tham nhũng, mà chỉ liên quan đến "sai phạm" có tính chất hành chính. Nếu xem xét trên cơ sở vi phạm luật pháp thì Ban Kiểm tra [Trung ương], phải nói rõ từ đầu, rồi đi đến kết luận với chứng cứ. Nếu không vi phạm thì không đưa ra tòa, nếu vi phạm thì phải đưa ra tòa để xử”, ông Việt viết.
Trong bài viết trên Facebook, cựu nhà báo Huy Đức viết: “…Ủy viên bộ chính trị hay ủy viên trung ương đều là những "vai vế trong đảng", đảng có thể sử dụng quy trình chính trị nội bộ của mình để xử. Nhưng, hành vi của họ còn làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và tiền bạc của dân".
Ông Đức viết tiếp: "Nếu dân không có thực quyền. Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn”. - VOA
***
Truyền thông “lề trái” nhìn thấy trò “diệt chuột không làm vỡ bình” của Bộ Chính Trị đảng CSVN qua vụ “trị tội” một thành viên cấp cao trong nhóm chóp bu kiểu “giơ cao đánh khẽ.”
Trong một quyết định nhanh chóng ngay trong ngày họp cuối cùng của Trung Ương Ðảng, Bộ Chính Trị CSVN “phân công” ông Nguyễn Thiện Nhân, 64 tuổi, từ vị trí chủ tịch “Mặt Trận Tổ Quốc,” một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, vào Sài Gòn thay thế cho ông Ðinh La Thăng mới bị “kỷ luật” về nhiều tội xảy ra khi còn cầm đầu Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam.
Việc ông Ðinh La Thăng bị đẩy ra khỏi Bộ Chính Trị CSVN sau màn họp kết tội của Trung Ương Ðảng hồi tuần qua dẫn đến mất ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn được dư luận nhìn thấy không tránh khỏi. Người ta chỉ không biết ai sẽ thay thế ngoài những lời đồn đoán.
Cái làm nhiều người ngạc nhiên là ông Ðinh La Thăng từng bị nhiều báo chính thống của chế độ đăng tải nhiều bài viết kể ra các quyết định sai trái hoặc ngay tại công ty mẹ “Tập Ðoàn Dầu Khí” hoặc tại các công ty con, lại bị “kỷ luật” đi làm “tham mưu kinh tế.”
Ông Ðinh La Thăng nếu bị xét xử “đúng người đúng tội” theo kiểu nói tuyên truyền thường thấy trên báo chí CSVN thì phải đi tù, nhưng lại không mất ghế ở ủy viên Trung Ương đảng. Ðiều này chứng tỏ luật lệ của đảng và chế độ “dân chủ đến thế là cùng” như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng tấm tắc tự ca ngợi, được áp dụng tùy tiện.
Nếu không tùy tiện kiểu giơ cao đánh khẽ trong trường hợp trị tội một ủy viên Bộ Chính Trị tham nhũng và làm trái luật dẫn đến thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng, ông Ðinh La Thăng đã không cảm ơn mà phát biểu trong buổi bàn giao cái ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn là: “Quyết định kỷ luật tôi là có lý, có tình.”
Ông Thăng đã bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương hài rất nhiều tội rất nghiêm trọng được quy định trong điều 165 Bộ Luật Hình Sự CSVN về “Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và điều 285 về“Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” Với hai loại tội này nếu bị lôi ra tòa, bản án có thể đến 20 năm tù.
Thay vì bị giao cho công an điều tra, ông Ðinh La Thăng lại được “phân công” về trung ương làm “phó trưởng BAN KINH TẾ Trung Ương.” Ðã gây thiệt hại cả tỉ đô la vì đưa ra các quyết định bất chấp quy định, luật lệ của nhà nước dẫn đến mắt trắng những số tiền lớn tại Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam mà lại được “điều” đi làm phó ban của cái cơ quan có nhiệm vụ “tham mưu” cho đảng và nhà nước về các chính sách kinh tế là chuyện khôi hài đen.
Bởi vậy, facebooker Lê Nguyễn Hương Trà bình luận rằng, “Bị kỷ luật cảnh cáo, thôi chức vì quản lý yếu kém kinh tế xong hốt đưa về nắm ban kinh tế, nghe… sai sai sao á ha. Nghe nói là… không còn ghế nào trống, chia hết òi. Ðưa anh về mần đây để ép xin nghỉ hưu non luôn, ném chuột không để vỡ bình.”
Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng “chủ trương ‘diệt chuột nhưng không để vỡ bình’ của ông Trọng đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Ðinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuột bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.”
Theo ông Chênh, “Tất cả những thất thoát, thua lỗ, thiệt hại to lớn ở dầu khí, ở Vinaline, Vinashin, EVN, than khoáng sản, bô xít Tây Nguyên, thép Thái Nguyên, đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, Formosa thải độc… đều nằm dưới thời điều hành của ông Nguyễn Tấn Dũng được lãnh đạo toàn diện và sâu sắc bởi các ông Nông Ðúc Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Ai chủ trương các quả đấm thép, ai đưa bô xít và formosa vào, ai chủ trương đầu tư dầu khí qua Venezuela?.. Những câu hỏi như vậy sẽ kéo dài dằng dặc.”
Ông Chênh tin rằng, “Những Trịnh Xuân Thanh, Ðinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự mắc tội một thì các ông kể trên phải mắc tội mười. Ai ruồi ai hổ, ai chuột ai bình đã hiện ra quá rõ” mà “tóm lại vở kịch đả hổ diệt ruồi theo kiểu Tập Cận Bình, phiên bản Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc win-win. Chỉ có nhân dân mãi làm khán giả và bị thất bại thảm hại.”
Nhà báo độc lập Huy Ðức lưu ý các lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính Trị của chế độ là “tuần trước, khi còn ở trong Bộ Chính Trị, muốn ‘chuyển hồ sơ (Ðinh La Thăng) cho cơ quan điều tra,’ những người xử lý anh cần phải có đủ phiếu ở trung ương. Giờ đây, chỉ cần Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị là đã có thể làm việc đó.”
Theo Huy Ðức, “Khác với những người đang ‘thương vay, khóc mướn,’ Ðinh La Thăng tính toán chiến lược hơn. Anh ấy biết rõ ‘cơ quan chức năng’ có lượng tài liệu gấp nhiều lần ‘mấy mẩu con con’ mà Ủy Ban Kiểm Tra công bố. Việc ‘chui’ vào Bộ Chính Trị một năm, một trăm ngày trước đây; những giọt nước mắt trình bày hoàn cảnh gia đình trong phiên họp ‘luận tội’ của trung ương hôm Chủ Nhật và lời xin lỗi gửi tới cả cá nhân tổng bí thư sáng nay đều nằm trong những nỗ lực tìm nơi trú ẩn. Ðây chỉ mới là quy trình chính trị. Bỏ qua lòng kiêu hãnh mà Ðinh La Thăng vẫn xây dựng trước ‘đám đông,’ việc anh làm bây giờ là làm sao tránh được quy trình (tố tụng) tư pháp.”
Việc ông Ðinh La Thăng có bị chuyển hồ sơ cho công an điều tra và khởi tố hay không, là câu hỏi rất lớn, sợ vỡ cái “bình.” - nguoiviet
15.
VN ở đâu trong 'Vành đai và Con đường' của TQ?
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm Trung Quốc trong thời gian từ 11 đến 15/5/2017.
Ông Trần Đại Quang sẽ dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Một vành đai, Một con đường", tổ chức tại Bắc Kinh.
BBC đặt câu hỏi với Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết từ Đại học Vinh, một chuyên gia chuyên theo dõi tình hình chính trị khu vực, về sáng kiến này.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết: Đằng sau sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" là sự thể hiện 'sức mạnh mềm' của Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ là sáng kiến liên kết và hội nhập. Sáng kiến này nhằm tạo 'Một Trục, Hai Cánh', kết nối Con đường Tơ lụa trên biển và Con đường Tơ lụa trên đất liền.
Đây là một sáng kiến rất hay trong xu thế hội nhập và liên kết khu vực cũng như quốc tế, nhưng cũng là cách để thể hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc, trong đó có sức mạnh về kinh tế và kết nối để các nước khác trên thế giới xoay trục về phía Trung Quốc, tạo lưu thông kết nối hàng hóa, dịch vụ, thương mại,
Sâu hơn nữa, nó thể hiện tiềm ẩn chính sách của Trung Quốc trong việc bành trướng sức mạnh mềm chứ nó không đơn thuần mang ý nghĩa tích cực.
BBC:Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này vào năm 2013, người ta cho rằng sẽ có hàng chục quốc gia trên thế giới liên quan hoặc được Trung Quốc mời tham gia chung. Trên thực tế, đến thời điểm này, đã có bao nhiêu nước tỏ ý quan tâm và sẵn sàng tham gia?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Các nước ở Trung Á và Tây Á, tức là các nước trong khuôn khổ Shangri-la, hầu như đều đồng thuận ủng hộ sáng kiến này. Ở châu Âu thì có một số nước, trong đó có cả một số thành viên của EU.
Tuy nhiên, các đồng minh chiến lược của Mỹ hầu như đều đang bỏ ngỏ vì áp lực từ chính sách tái cân bằng chiến lược của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Trung Quốc đã thành lập được Ngân hàng Đầu tư Phát triển Hạ tầng Cơ sở châu Á, với sự tham gia của hơn 20 quốc gia. Các nước này về cơ bản đều đồng thuận với Trung Quốc về dự án 'Một vành đai Một con đường', cùng muốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng trên tuyến đường 'Giấc mộng Trung Hoa' đó.
BBC: Trung Quốc nay muốn mở một tuyến đường trên biển và một tuyến đường trên bộ nhằm làm sống lại quá khứ Con đường Tơ lụa trước kia. Việt Nam nằm sát bên Trung Quốc, có chung đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, lại có những bất đồng, tranh chấp trên biển nữa. Vậy vai trò của Việt Nam trong sáng kiến này là gì? Việt Nam có thể được coi là một mắt xích quan trọng, hay có giá trị chiến lược gì trong sáng kiến này của Trung Quốc không?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Tuyến đường này [ở khu vực] sẽ đi qua Jakarta, Kuala Lumpur, quay về Hà Nội rồi nối với các khu vực của Trung Quốc, với điểm đến cuối cùng là cảng Thượng Hải.
Vành đai rộng lớn được tạo ra, nối từ châu Á sang châu Âu. Nhưng xét về địa chính trị, địa kinh tế cũng như địa chiến lược thì Việt Nam không nằm trong toan tính của Trung Quốc để giữ vị thế quan trọng.
Khi kết hợp chiến lược thâu tóm toàn bộ tuyến đường cả trên đất liền lẫn trên biển với chiến lược thôn tính Biển Đông thì Bắc Kinh có lợi thế rất lớn. Bởi sáng kiến này còn kết nối với chiến lược 'Một Trục Hai Cánh' của Trung Quốc.
"Một Trục" là hành lang kinh tế Nam Ninh thuộc Quảng Tây, nối đến Singapore. Hiện họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và đường cao tốc cùng tuyến đường sắt cao tốc.
Còn 'Hai Cánh' thì gồm 'cánh trái' và 'cánh phải'.
'Cánh trái' là hợp tác tiểu vùng sông Me-kong mở rộng, với cơ sở hạ tầng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, đầu tư, với các nước tham gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar, Thái Lan cùng tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc, đã bắt đầu từ 2004.
'Cánh phải' là hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, với các nước tham gia là Lào, Campuchia, Thái Lan, hầu hết 10 nước trong khối ASEAN, cùng các tỉnh của Trung Quốc Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông và Hong Kong.
Việt Nam tham gia sáng kiến này sẽ chỉ hưởng lợi trong khía cạnh hội nhập và kết nối, nhưng sẽ phải chịu nhiều bất lợi khác.
BBC: Ông nói rằng nếu tham gia, Việt Nam sẽ được lợi về kết nối và hội nhập, nhưng lại bị những chuyện tổn hại khác, nhất là trong vấn đề Biển Đông?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Đúng vậy. Chính xác là các thiệt hại sẽ lớn hơn những điều có lợi.
BBC:Nếu hại nhiều hơn lợi thì Việt Nam có thể đứng ngoài mà không tham gia'Một vành đai, Một con đường'không?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Chiến lược 'Một Trục Hai Cánh' đã được ASEAN đón chào rất nồng nhiệt. Việt Nam, với tư cách là một nước thành viên có vị thế trong ASEAN, không thể không ủng hộ được.
Mà 'Một vành đai Một con đường' thì rộng hơn là 'Một Trục Hai Cánh', một là quy mô quốc tế, một là ở tầm khu vực, giữa Trung Quốc với khối ASEAN.
Chưa kể trong xu thế kết nối và hội nhập, Việt Nam không thể đứng ngoài. Nhìn vào tương lai của tuyến đường biển chiến lược, các nước rất được lợi từ sáng kiến này, qua việc giúp trung chuyển hàng hóa, tự do dịch vụ, thương mại, nguồn lực v.v...
Cho nên về tầm nhìn chiến lược thì Việt Nam buộc phải tham gia. Tuy ở trong thế bất lợi nhưng Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi được.
BBC: Nếu buộc phải tham gia vì quyền lợi cũng như áp lực của khối ASEAN thì Việt Nam nên đàm phán với Trung Quốc trong tư thế là một thành viên của ASEAN hay với tư cách riêng của mình, một quốc gia độc lập?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Cả hai. Về mặt đa phương, Việt Nam sẽ nói theo quan điểm của ASEAN đối với chiến lược 'Một Trục Hai Cánh'. Chiến lược này có lợi hơn cho Việt Nam nhưng nó lại nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc 'Một vành đai Một con đường'. Cho nên rất khó để đánh giá được vấn đề này.
Tôi nghĩ là Việt Nam sẽ dựa trên lập trường của cả hai, cả ASEAN và của riêng Việt Nam. Nhưng nhiều khả năng là Việt Nam ủng hộ mạnh hơn quan điểm của ASEAN. Trong quan hệ song phương thì vẫn còn những vấn đề phức tạp, không minh bạch thông tin được, nhất là trong những chủ đề liên quan tới Biển Đông.
BBC:Nếu Việt Nam không thể đứng ngoài sáng kiến 'Một vành đai Một con đường', thì vấn đề chi phí của việc tham gia này sẽ thế nào? Khi dự án triển khai trong phần lãnh thổ của Việt Nam, ngân khoản thực hiện sẽ lấy từ đâu?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Theo tôi hiểu, nguồn đầu tư cho dự án Một vành đai Một con đường', với mục tiêu chủ yếu để phát triển cơ sở hạ tầng, phần lớn sẽ từ nguồn quỹ của Ngân hàng Phát triển và Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á mà Trung Quốc có vốn đầu tư lớn nhất và cũng là nước có sáng kiến thành lập.
Ngoài ra còn có các nguồn đầu tư từ bên ngoài nữa, và nguồn từ các nước ASEAN nữa. Đó là ba nguồn chính. - BBC
16.
Kiên Giang: Cá, nghêu chết trắng bãi
Trong vài ngày gần đây, nhiều người dân tại hai xã Dương Hoá và Thuận Yên của tỉnh Kiên Giang phát hiện nhiều tôm cá nghêu sò chết hàng loạt.
Bà Dương Thị Lệ Thanh, một chủ hộ nuôi nghêu tại xã Thuận Yên cho biết, chiều 7/5, thấy nhiều cá chết trôi nổi tại cầu Tam Bản, huyện Kiên Lương. Sáng 8/5, bà ra bãi nghêu gia đình nuôi thả thì thấy chết dạt đầy bãi.
Bà Thanh cho BBC biết, gia đình bà vay vốn nhà nước và đã nuôi thả nghêu 3 năm qua, "năm nay được mùa nhất thì lại chết trắng!"
Ông Phan Văn Đắc, hay còn gọi là Mười Nghêu, là một trong những hộ nuôi trồng nghêu lớn nhất tại xã Thuận Yên cho biết, tổng thiệt hại riêng hộ của ông đã lên đến 2 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng nghêu tại xã Thuận Yên, ông Ong Vĩnh Kim, cho biết trong xã có tới 11 xã viên, toàn xã mất trắng cả 40 ha thủy sản nuôi trồng, "chỉ riêng hộ anh Mười đã thiệt hại như thế, thì cả xã tôi thiệt hại biết bao nhiêu."
Một người dân sống trong vùng lân cận, anh Phạm Tấn Thăng cho biết, sau khi nghe người dân nói thông tin cá chết, đã xuống để khảo sát.
Anh cho biết, bãi nghêu chết trải dài 10km, xuất hiện ở các bãi Tà Xăng, Chà Và tại hai xã Thuận Yên của thị xã Hà Tiên và xã Dương Hòa của huyện Kiên Lương.
Anh cho biết chưa có người dân nào báo cáo bị ngộ độc vì ăn cá, tuy có một số người nói đã bị tiêu chảy, đau bụng.
Ngay sau đó chính quyền địa phương cũng ra khuyến báo người dân ngừng tiêu thụ thủy hải sản trong khu vực. Tuy nhiên những người dân cho biết phía chính quyền vẫn chưa tiến hành thu gom các loại thủy hải sản đã chết, nên cả khu vực vẫn bốc mùi hôi thối.
Gần khu công nghiệp
Gần khu vực cá chết tại cầu Tam Bản có nhiều các cụm khu công nghiệp chế biến thực phẩm. Anh Thăng cho biết, người dân đã phát hiện một công ty chế biến thực phẩm có đường dẫn ống thải ngầm đổ ra biển, nhưng không biết là ống thải ra những hóa chất gì.
Thêm vào đó thủy hải sản tầng đáy như cá bống, cá đuối, cua ghẹ, sò nghêu đều chết hết, nhưng các loại cá tầng mặt vẫn còn sống, chủ nhiệm hợp tác xã nuôi trồng nghêu cho biết.
"Người dân chúng tôi không biết cá, nghêu chết vì lí do gì nhưng chỉ mong nhà nước và các cơ quan giải quyết cho chúng tôi," bà Thanh nói.
Những người dân cho biết chính quyền địa phương, công an xã đều đã xuống thu gom hải sản chết, và mẫu nước tại nơi phát hiện cá, nghêu chết.
Trung tâm Quan Trắc tại tỉnh Kiên Giang cho biết đã gửi mẫu về Phòng Tài nguyên Môi trường Trung ương từ hôm 8/5 và nói sẽ có thông báo sau "5 ngày". - BBC
17.
Cuộc họp về Sơn Trà cấm cửa báo chí
Một cuộc họp giữa Tổng cục du lịch và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về qui hoạch bán đảo Sơn Trà sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng thay vì ở Hà Nội như dự kiến.
Tuy nhiên báo chí không được tham gia cuộc họp này.
Ông Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng cục du lịch nói với một số nhà báo rằng do thời gian ngắn nên không mời báo chí.
Trước đây cuộc họp này dự định tổ chức ở Hà Nội, nhưng Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng từ chối vì cho rằng trong cuộc họp không mời các tổ chức hiểu rõ tình hình Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, như là Hiệp hội Du Lịch, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Đà Nẵng,…
Tuy nhiên ông Hà Văn Siêu cho biết Tổng cục du lịch đã đồng ý chuyển cuộc họp vào Đà Nẵng nhưng vẫn không có các thành phần tham dự như ông Vinh đề nghị.
Vừa qua nhiều công trình xây cất trái phép đã bị phát hiện tại bán đảo Sơn Trà, làm cho dư luận lên tiếng không đồng tình, cho rằng bán đảo Sơn Trà, một khu vực quan trọng về quân sự và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị xâm hại. - RFA
|
18.
Việt Nam cấm tư nhân bán thẻ điện thoại di động trả trước
Không “quản” được thì cấm, nhà cầm quyền CSVN vừa ra lệnh cấm các cửa hàng tư nhân bán thẻ điện thoại di động trả tiền trước, thường gọi ở Việt Nam là “sim rác.”
Trong một nghị định ra ngày 24 Tháng Tư, mang số 49/2017/NĐ-CP, chế độ Hà Nội chỉ cho phép các đại công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động bán loại thẻ điện thoại di động nói trên và cấm tất cả các cửa hàng tư nhân bán. Việc bán thẻ điện thoại di động trả trước sẽ chỉ còn trong tay các công ty dịch vụ điện thoại di động như Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile, GTel.
Thẻ điện thoại di động trả trước là thẻ được người mua trả trước một số tiền để sử dụng một số điện thoại đã được cấp sẵn trong một hạn định, từ một ít ngày đến một vài tháng, khá phổ biến với những người đi du lịch nơi xa, hoặc những người chỉ có khả năng tiền bạc giới hạn, không thể thuê bao một số điện thoại di động cố định và phải trả tiền thuê bao hằng tháng.
Thẻ này cũng giúp người mua che đậy tung tích vì không phải khai báo lý lịch khi mua. Tướng tá công an, viên chức cầm quyền cũng từng thấy đề cập đến việc họ sử dụng “sim rác” khi có những giao dịch “ngoài luồng” không muốn lộ danh tính thật nếu chẳng may bị bật mí.
Lấy cớ “nhiều đối tượng dễ dàng mua sim rác để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Tin rác thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố…,” chế độ Hà Nội siết chặt thêm nữa việc kinh doanh của tư nhân.
Cấm tư nhân kinh doanh thẻ điện thoại trả trước có mục đích chính là siết chặt các thông tin “ngoài luồng” của nhà cầm quyền. Mấy tháng qua, Bộ Thông Tin-Truyền Thông mở chiến dịch ngăn chặn các loại thông tin “độc hại” tràn ngập Internet qua các mạng xã hội Facebook và YouTube. Người ta vào các mạng này từ máy điện thoại di động thông minh nếu không dùng máy điện toán.
Một số người tại Việt Nam, như Luật Sư Võ An Đôn cho biết, một thông tin ông vừa bỏ lên trang Facebook cá nhân đã bị xóa.
Theo báo điện tử Infonet, có khoảng hơn 20 triệu thẻ điện thoại di động trả trước phải thu hồi. Tính đến hết Tháng Giêng, các “nhà mạng” đã thu hồi được 18 triệu “sim kích hoạt sẵn.”
Chế độ Hà Nội siết chặt hơn nữa việc cấm tư nhân bán thẻ điện thoại di động trả trước đã được thực hiện từ năm ngoái khi các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Hàng triệu chiếc “sim rác” sau khi đã bán ra ngoài bị các hãng điện thoại khóa số, buộc người ta phải tới khai báo lý lịch đầy đủ để nhà cầm quyền kiểm soát, mới được mở lại.
Ngày 8 Tháng Hai, báo Infonet kêu ca rằng “Qua kiểm tra thực tế của chính cơ quan quản lý thì việc mua bán sim kích hoạt sẵn vẫn diễn ra công khai.” Trong Tháng Mười, 2016, các công ty điện thoại đã “ký cam kết” với Bộ Thông Tin-Truyền Thông thực hiện việc thu hồi “sim di động kích hoạt sẵn” trên kênh phân phối.
Tuy nhiên, nhiều phần vẫn thấy không đạt kết quả mong muốn, Hà Nội nhấn thêm mức nữa khi ra nghị định cấm tư nhân bán thẻ di động trả trước. - nguoiviet
19.
Việt Nam khởi tố 'trùm' buôn lậu tê giác
Việt Nam khởi tố, bắt tạm giam một người bị cho là cầm đầu một trong các đường dây lớn buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm động vật hoang khác từ Châu Phi về Việt Nam.
Ông Nguyễn Mậu Chiến, sinh năm 1970, bị công an Việt Nam khởi tố cùng đồng phạm Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1983.
Trước đó hôm 27/4, ông Chiến bị công an bắt giữ với tang vật khoảng khoảng 36 kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ con đông lạnh và một số sản phẩm từ động vật hoang dã.
Báo Lao Động nói ông Chiến khai "đã cùng cháu họ là Nguyễn Văn Tùng tìm mua số hàng trên từ Nam Phi về qua Malaysia, TPHCM và sau đó, khi đang trong quá trình vận chuyển bằng tàu hỏa ra Hà Nội để tiêu thụ thì bị bắt".
Nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế nói Việt Nam là một trong những quốc gia buôn bán, nhập lậu nhiều ngà voi, sừng tê giác nhất thế giới.
Đã từng xảy ra các vụ nhập lậu sừng tê giác và ngà voi qua các cảng biển tại Đà Nẵng, qua đường hàng không vào Việt Nam với số lượng sừng tê giác và ngà voi bị thu giữ hàng chục tấn. - BBC
20.
Kiện Formosa trước tòa trọng tài quốc tế?
Làm thế nào đưa thảm họa môi trường biển liên quan tới công ty thép Formosa của Đài Loan, ra trước tòa án trọng tài quốc tế để mang lại công lý cho người dân 4 tỉnh miền Trung Việt Nam? Đó là nội dung được các diễn giả quốc tế mổ xẻ tại một hội nghị tổ chức tại trụ sở Thượng viện Hoa Kỳ hôm 10/5.
Hội nghị quốc tế đầu tiên để bàn thảo các khía cạnh pháp lý của thảm họa cá chết hàng loạt diễn ra hơn 1 năm sau khi hàng trăm tấn cá chết, trôi dạt trên biển miền Trung, tác động nặng nề tới các cộng đồng ngư dân địa phương. Múc đích của hội nghị là tìm phương thức tốt nhất để đưa một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất từng xảy ra ở Việt Nam, ra giải quyết trên bình diện quốc tế.
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, một trong những diễn giả có mặt trong ban tổ chức, nói bà hy vọng hội nghị sẽ “trang bị kiến thức cho những người Việt ở nước ngoài và cả trong nước để đi những bước kế tiếp, để giúp những nạn nhân của Formosa cũng như giúp nền kinh tế và môi trường Việt Nam phục hồi lại sau thảm họa này, và để tránh, không để xảy ra tác hại đối với môi trường vì những vụ xả chất thải độc hại như vậy nữa.”
"Đây là một trong những bước đầu tiên để chính phủ Việt Nam có thể tham luận với các chuyên gia ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Họ cũng có thể mời chuyên gia, luật gia của quốc tế tới để tham khảo những trường hợp, những khía cạnh nào có thể tố tụng được về công ty Formosa. Những công ty đã xả thải độc tố sẽ là những người mang trách nhiệm nặng nề nhất và sau đó những phần tử đồng lõa cũng sẽ bị kết tội liên đới," theo bà Bình.
Giáo sư Malaika Bacon-Dusseault thuộc khoa luật, Đại học Moncton của Canada, trình bày khả năng khởi kiện vụ Formosa về khía cạnh liên quan tới tội ác chống nhân loại. Bà nói “vấn nạn xả chất thải độc hại ra môi trường vẫn tiếp diễn” và nếu chứng minh được là hoạt động này tác động trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người, thì đây có thể được coi như một “tội ác đối với nhân loại.”
Tuy nhiên, giáo sư Dusseault nói muốn khởi kiện thì cần thu thập bằng chứng rõ ràng và “thuyết phục chính phủ Việt Nam công nhận quyền tài phán của tòa.”
Việc thu thập bằng chứng là một thách thức đối với giới hoạt động vì môi trường ở Việt Nam bị đàn áp và giam cầm. Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa là trường hợp gần đây nhất bị khởi tố về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” sau khi ghi nhận và đăng tải thông tin và hình ảnh về thảm họa môi trường Formosa.
Ông Stephen Rapp, quan chức đặc trách các vấn đề tội phạm chiến tranh của bộ Ngoại giao Mỹ, nói “bằng chứng phải là những tài liệu với các con số cụ thể chứ không đơn giản là những bức ảnh.”
Theo bà Malaika, Việt Nam không phải là một thành viên ký kết công ước tội phạm quốc tế (ICC hay Rome Statute), Hoa Kỳ cũng không ký kết Rome Statute cho nên cộng đồng người Việt ở Mỹ muốn khởi kiện cũng không thể làm được.
Giáo sư Luke Wilson thuộc khoa luật trường Đại học George Washington đề xuất một giải pháp gọi là “cơ chế bêu xấu” (shaming mechanism), một cách để nêu tên và bêu xấu trước cộng đồng quốc tế “những hành vi đáng xấu hổ” của một chính quyền nào đó, với mục đích đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Giáo sư Wilson nói xã hội dân sự có thể giúp trong việc này.
"Xã hội dân sự ở Việt Nam đương nhiên đóng 1 vai trò trong việc giao tiếp với chính quyền bằng tiếng nói của những công dân và cho họ “biết đây là điều mà chúng tôi muốn”. Tất nhiên là không dễ để có được tiếng nói nhưng có thể làm bằng cách gắn kết xã hội dân sự bên ngoài Việt Nam, từ khắp nơi trên thế giới để mở rộng thêm thông điệp đó. Do đó ở Việt Nam, điều mà họ cần làm là trở thành một công dân tốt hơn để có thể sử dụng hiệu quả một trong những cơ chế đó (shaming machanism) nhằm yêu cầu chính phủ phải hành động và mặt khác, cần tham gia vào những việc lớn hơn trên toàn cầu để thực hiện được mục tiêu."
Tuy nhiên, giáo sư Wilson khuyến cáo “đây là một trường hợp khó đưa ra tòa. Chúng ta cần có nhà nước hành động và chúng ta cần có ý chí của tất cả mọi người để mang vụ này ra công lý.”
Ông gợi ý về một giải pháp hợp tác quốc tế. "Tôi nghĩ là có khả năng để tiếp cận và hợp tác với Đài Loan một cách có ý nghĩa. Vì Formosa là công ty Đài Loan nên chính quyền Đài Loan có thể điều tra để đưa ra nhiều thông tin hơn, cho nên Đài Loan có lẽ là một lựa chọn tốt hơn để đi đến một giải pháp vững chắc cho những nạn nhân đang chịu đựng thảm họa."
Formosa đã đồng ý đền bù 500 triệu đô la cho nạn nhân thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung nhưng theo một nhà hoạt động nhân quyền trong cuộc trao đổi với VOA, người dân không hài lòng với mức đền bù này và vẫn tiếp tục đòi chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa- Hà Tĩnh.
Đại diện cho Vietnam For Progess, bác sĩ Nguyễn Thể Bình nói hội nghị này được tổ chức ở Hoa Kỳ để những người Mỹ gốc Việt có thể làm gì để thay đổi bằng cách đưa vấn đề này lên tới tầm ảnh hưởng của quốc tế. Bà hy vọng hội nghị ở Washington, có thể được xem như một cái nôi chính trị của thế giới, sẽ thúc đẩy những nỗ lực tương tự để tổ chức các hội nghị ở Canada, Úc hay châu Âu. - VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét