Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 2/5 - Lê Minh Nguyên

Trump 'vinh dự' nếu có thể gặp Kim Jong-un --- Với Bắc Triều Tiên, Trump sẵn sàng phá lệ --- Thượng đỉnh Trump-Kim cần nhiều nhượng bộ lớn
Tổng thống Hoa Kỳ nói ông sẽ lấy làm "vinh dự" nếu được gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, trong điều kiện hoàn cảnh phù hợp.<!>
"Nếu có thể được gặp anh ta, tôi sẽ gặp - tất nhiên. Tôi rất lấy làm vinh dự," ông Trump nói với Bloomberg hôm 1/5.
Ngày trước đó ông mô tả ông Kim là một tay "khá cứng cỏi khôn ngoan".
Những lời bình luận được đưa ra khi căng thẳng đang leo thang vì chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.

Nhà Trắng ra một thông cáo sau lời bình luận của ông Trump, nói rằng Bắc Hàn cần phải đáp ứng đủ các điều kiện trước khi cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo có thể xảy ra.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói Washington muốn Bắc Hàn dừng hành vi khiêu khích ngay lập tức.
"Rõ ràng là những điều kiện này hiện vẫn chưa được đáp ứng," ông Spicer nói thêm. 

Trong buổi phỏng vấn hôm 30/4 với CBS, Tổng thống Trump nói ông Kim đã nhậm chức khi còn ở một độ tuổi khá trẻ, mặc dù phải đối phó với "nhiều kẻ rất ghê gớm."
Ông cũng nói ông "không rõ" nếu Kim có bình thường hay không. 
Vị lãnh đạo Bắc Hàn đã hành quyết chú của mình hai năm trước, sau khi Kim Jong-un nhậm chức, và được nghi là đã ra lệnh ám sát người anh cùng cha khác mẹ gần đây.

Căng thẳng trong khu vực đang tăng cao gần đây, khi cả Bắc Hàn và Nam Hàn đều có các cuộc tập dợt quân sự.
Hoa Kỳ gửi tàu chiến đấu tới khu vực và bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn gây nhiều tranh cãi tại Nam Hàn vào tuần trước.

Hôm 30/4, một bài báo từ thông tấn KCNA từ Bĩnh Nhường yêu cầu Hoa Kỳ "cân nhắc hậu quả tàn khốc vì sự khiêu khích quân sự dại dột của mình".
Bắc Hàn cũng tiến hành hàng loạt các cuộc bắn thử tên lửa trong những tháng gần đây và đe dọa sẽ tiến hành cuộc thử thứ sáu.
Tổng thống Trump nói với CBS rằng Hoa Kỳ sẽ "rất không vui" nếu các cuộc thử nghiệm khác được tiến hành. Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa sẽ có động thái quân sự, ông Trump nói: "Tôi không biết. Ý tôi là chúng tôi sẽ xem xét." - BBC

***
Hiện giờ, trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục chính sách gia tăng áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng, chủ yếu là thông qua đồng minh và láng giềng Trung Quốc, đồng thời kèm theo lời đe dọa hành động quân sự.
Chỉ mới tuần trước tổng thống Trump còn tuyên bố rằng, tuy ông muốn giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên bằng con đường ngoại giao, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra một “cuộc xung đột lớn”. Nhưng hôm qua, ông lại nói sẵn sàng gặp lãnh đạo Kim Jong Un.

Từ trước đến giờ chưa một tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ gặp một lãnh đạo của chế độ Bình Nhưỡng, kể từ thời Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong Un, cho đến thời Kim Jong Il, cha của ông.
Theo một số nhà phân tích được tờ New York Times trích dẫn trong một bài báo đăng trên mạng ngày 01/05/2017, thái độ của ông Trump mở cửa cho đối thoại phản ánh tác động của Trung Quốc, vì từ lâu Bắc Kinh vẫn thúc giục Washington nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng. Kể từ khi tiếp xúc với chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng trước, tổng thống Trump đã ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc là rất sẵn sàng dùng ảnh hưởng của mình để làm thay đổi hành vi của chế độ Kim Jong Un.

Theo lời ông Chritopher Hill, nhà ngoại giao lão luyện từng là đặc phái viên về Bắc Triều Tiên dưới thời tổng thống George W. Bush, ông Kim Jong Un chắc chắn rất mừng được gặp tổng thống Trump với tư cách lãnh đạo một quốc gia hạt nhân này gặp lãnh đạo một quốc gia hạt nhân kia.

Trong những ngày qua, tổng thống Mỹ đã không ngớt lời thán phục ông Kim Jong Un là đã “sống sót được” trên sân khấu chính trị đầy những mưu mô thâm độc, tuy là một lãnh đạo trẻ, cụ thể là đã chống lại nỗ lực của người chú Jang Song Taek nhằm giành quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Sau khi bị thanh trừng, người chú đầy quyền lực này đã bị ông Kim Jong Un ra lệnh xử tử không thương tiếc.

Các tổ chức nhân quyền cũng nghi rằng chính ông Kim Jong Un đã chỉ đạo vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam ở sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, tháng 2 vừa qua. Không chỉ thanh trừng nội bộ, chế độ gia đình trị họ Kim cho tới nay vẫn là một trong những chế độ tàn bạo nhất thế giới, đưa Bắc Triều Tiên đến khánh tận và khiến tuyệt đại đa số người dân nước này vẫn sống trong nghèo khó cùng cực.

Theo nhận định của New York Times, với việc tuyên bố sẵn sàng gặp một nhà độc tài khát máu như Kim Jong Un, cũng như với việc mời đến Nhà Trắng một lãnh đạo đã ra lệnh giết vô tội vạ hàng ngàn người trong chiến dịch chống ma túy như tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Donald Trump muốn tỏ cho thấy là ông có thể đạt thỏa thuận và nói chuyện với hầu như bất cứ ai, như thể ông vẫn là một nhà doanh nghiệp tính toán chuyện làm ăn. Nói cách khác, với Bắc Triều Tiên, tổng thống Trump sẵn sàng phá lệ, làm theo trực giác của ông, thay vì theo đúng các chuẩn mực của ngoại giao.
Thế nhưng, theo các nhà ngoại giao và giới phân tích, đề nghị đối thoại của ông Trump là quá sớm. Ngay chính phát ngôn viên của Nhà Trắng Sean Spicer hôm qua cho rằng một cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong Un sẽ không sớm diễn ra. Còn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ra tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng các điều kiện phải thay đổi trước khi tái lập thương thuyết, cụ thể là Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân”. Về điều kiện này thì Bắc Triều Tiên chẳng hề có ý định tuân thủ, vì người ta vẫn nghi là chế độ Kim Jong Un đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu bất chấp các áp lực của quốc tế. - RFI

***
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ ý sẵn lòng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, điều đó khó có thể diễn ra trong một ngày gần đây vì chưa bên nào sẵn sàng đưa ra bất cứ nhượng bộ nào để bảo đảm cho một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh như vậy.
Khi Tổng thống Trump hôm thứ Hai nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Bloomberg rằng ông sẽ “hân hạnh” gặp gỡ với nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, ông cũng nói thêm rằng “trong hoàn cảnh thích hợp, tôi sẽ gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn.” Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc sau đó nói rõ rằng “những điều kiện rõ ràng hiện nay chưa có.”

Tiếp theo sau sự mở ngỏ có điều kiện của Tổng thống Trump về khả năng đối thoại với ông Kim, hai oanh tạc cơ siêu thanh B-1B của Mỹ đã bay gần biên giới liên Triều hôm thứ Ba 2/5 trong cuộc thao dượt quân sự chung với không quân Nam Triều Tiên. Hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Hàn lên án Mỹ “đẩy Bán đảo Triều Tiên đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân.”
Căng thẳng tiếp tục tăng cao trên Bán đảo Triều Tiên khi chính quyền của Tổng thống Trump đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân bằng cách áp lực lên Trung Quốc đòi Bắc Kinh phải tăng các biện pháp trừng phạt và nhấn mạnh đến khả năng sẵn sàng có biện pháp quân sự, nếu cần.

Điều kiện gặp thượng đỉnh

Hoa Kỳ và các đồng minh lâu nay luôn kiên định rằng đối thoại với Bắc Hàn với điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo và đồng ý đàm phán giải trừ hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên hôm thứ Ba nói rằng cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim cũng có cùng những điều kiện đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Hàn, ông Cho June-hyuck phát biểu:

“Về phát biểu của Tổng thống Trump, cả Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đều kiên định với lập trường rằng cửa ngỏ đối thoại sẽ mở ra khi Bắc Triều Tiên phải tiến tới giải trừ hạt nhân, và đó là con đường chính đáng.”

Để cuộc gặp gỡ Trump-Kim diễn ra, một số tiến bộ trong việc đóng băng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và việc Mỹ ngưng tập trận chung với Hàn Quốc trước tiên cần phải đạt được, nhưng phải mất nhiều tháng thương thảo cấp tập giữa hai bên mà hiện mọi kênh liên lạc chính thức đã bị cắt đứt.

Giáo sư Daniel Pinkston, một nhà phân tích về Đông Bắc Á giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Troy ở Seoul, nhận định:
“Tổng thống Trump đúng khi nói rằng ông sẽ gặp gỡ trong hoàn cảnh thích hợp, nhưng tôi nhận thấy rằng những điều kiện thích hợp đó sẽ không có được trong một khoảng thời gian ngắn.”
Chính quyền của ông Trump chưa có nhóm chuyên gia giàu kinh nghiệm về Đông Á ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng và chưa bổ nhiệm các đại sứ trọng yếu cho khu vực vốn rất cần thiết để khởi động một sáng kiến ngoại giao quan trọng như vậy.

Giao thức Trung Quốc
Cũng có câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Kim Jong Un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thân phụ Kim Jong Il của ông trước đây thường viếng thăm Bắc Kinh và duy trì quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn hiện nay chưa từng đến thăm đồng minh thân cận nhất và nước ủng hộ kinh tế lớn nhất của ông.
Giáo sư Pinkston nhận định: “Mối quan hệ khắng khít đó đang bị đóng băng và ngay vào lúc này bị mất chức năng trong một chừng mực nào đó.”

Các nhà phân tích nói rằng Chủ tịch Tập sẽ không gặp gỡ với ông Kim cho đến khi nào lãnh tụ Bắc Hàn đồng ý nói chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân, và ông Kim cũng không thể gặp gỡ với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới vì sợ rằng điều đó càng khiến cho mối quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc bị chia cắt sâu hơn.
Răn đe từ Nam Triều Tiên
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), ông Mike Pompeo, đến Seoul cuối tuần qua để họp với các giới chức tình báo Nam Triều Tiên.

Mỹ hôm thứ Ba xác nhận rằng hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD được triển khai ở Nam Hàn đã bắt đầu hoạt động, bấp chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, các cuộc biểu tình chống đối ở Hàn Quốc và yêu cầu bất ngờ của Tổng thống Trump đòi Seoul phải trả một tỉ đôla cho chi phí triển khai THAAD, một đòi hỏi mà Nam Hàn từ chối.
Một hạm đội tác chiến của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu được phái đến vùng biển của Bán đảo Triều Tiên để tham gia thao dượt quân sự chung với các lực lượng của Hàn Quốc và Nhật Bản. - VOA

2.
Tàu chiến Trung Quốc cập cảng Philippines --- Tổng thống Philippines Duterte chưa nhận lời mời thăm Mỹ

Các chiến hạm của Trung Quốc lẽ ra cập cảng Manila như hầu hết các chiến hạm thiện chí đến thăm Philippines, nhưng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc quyết định cập bến Davao, thành phố quê hương của Tổng thống Philippines.
Hôm 30 tháng 4, trong một cuộc trình diễn đầy ấn tượng về khả năng quân sự và kỷ luật của binh sĩ, ba chiến hạm Trung Quốc- khu trục hạm có phi đạn điều khiển Chang Chun (DDG 150), khu trục hạm nhỏ Jin Zhou (FFG 532) và tiếp vận hạm Chao Hu (890) – đã cập cảng Sasa Wharf.

“Chúng tôi đặc biệt chọn Philippines là nơi cập cảng đầu tiên trong hành trình nghiên cứu biển của Lực lượng Đặc nhiệm 150 và đã thay đổi nơi cập bến từ Manila sang Davao để đáp ứng với lịch trình của Tổng thống Duterte, Đô đốc Miao Hua, Chính trị Viên Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tuyên bố.
Chuyến viếng thăm của Lực lượng Đặc nhiệm 150 là chuyến đầu tiên hải quân Trung Quốc trở lại Philippines kể từ khi tranh chấp lãnh hải bắt đầu. Chuyến thăm thiện chí lần cuối của hải quân Trung Quốc diễn ra vào năm 2010, hai năm trước vụ đối đầu giữa hải quân hai nước tại bãi cạn Scarborough đánh dấu khởi đầu những mối quan hệ thù nghịch giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông.

Hải quân Philippines nói Lực lượng Đặc nhiệm 150 của hải quân Trung Quốc có căn cứ tại Thượng Hải và có thể không phải là những chiến hạm hiện đang tuần tra Biển Đông. Tuy nhiên, chính những chiến hạm này-với sự phụ trợ của Tuần duyên Trung Quốc-đã ngăn chặn hải quân Philippines, đuổi ngư dân Philippines ra khỏi vùng đánh bắt truyền thống của họ và hiện diện tại 7 đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây trên Biển Đông.
Giờ đây các chiến hạm này đến thăm với danh nghĩa hữu nghị, hải quân Philippines không còn sự lựa chọn nào khác là nghênh tiếp họ.

Hôm 1 tháng 5, đội bóng rổ của hải quân hai nước tranh tài và thi kéo co. Đây là trận tranh tài đầu tiên giữa lực lượng vũ trang hai nước kể từ khi có tranh chấp tại Biển Đông.
Hải quân Philippines thắng cả hai trận, nhưng đôi hai bên kết thúc các trò chơi bằng những cái bắt tay thân thiện và chụp hình lưu niệm.
Tuy nhiên, nỗ lực kết thân này không đủ để Trung Quốc lùi bước trong việc đòi chủ quyền tại Biển Đông. - VOA

***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 01/05/2017 cho biết có thể từ chối lời mời của tổng thống Mỹ Donald Trump sang thăm Hoa Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra vào lúc ông Duterte chào đón chiến hạm Trung Quốc đến Philippines.
Ông Duterte, người đã bỏ rơi liên minh từ nhiều năm qua với Mỹ để quay sang siết chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga, nói rằng ông rất bận rộn với lịch làm việc, trong đó có chuyến công du Matxcơva và Israel. Do vậy ông e rằng không thể thăm Hoa Kỳ, cho dù thời điểm cụ thể chưa được đề nghị.

Tuy vậy tổng thống Philippines cũng nói rằng quan hệ với Mỹ đã được cải thiện từ khi ông Donald Trump lên thay ông Barack Obama. Cựu tổng thống Mỹ đã từng phê phán ông Duterte vì chiến dịch chống ma túy đã làm cho hàng ngàn người thiệt mạng, và bị Duterte lăng mạ là « đồ chó đẻ ».
Phát biểu về lời mời thăm Hoa Kỳ được đưa ra sau khi ông Duterte lên thăm khu trục hạm Trường Xuân (Chang Chun), một trong ba chiến hạm Trung Quốc vừa ghé thăm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010 các tàu chiến Trung Quốc đến Philippines, trong chuyến thăm kéo dài ba ngày. Việc các tàu này đến Davao, nơi ông Duterte từng làm thị trưởng suốt 30 năm qua, thay vì ghé Manila, được coi như động thái cảm ơn của Bắc Kinh dành cho tổng thống Philippines.

Hai ngày trước đó, hội nghị thượng đỉnh ASEAN do ông Duterte chủ trì đã kết thúc với bản tuyên bố chung không hề chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Văn bản không nhắc đến phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược này là bất hợp pháp.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời của dân biểu đối lập, cựu sĩ quan Gary Alejano nhận định đây là chiến thắng của Bắc Kinh, và hành động lên thăm tàu Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ông Alejano nói : « Đây không phải là chính sách đối ngoại độc lập, mà là đầu hàng trước Trung Quốc ».

Hôm qua tổng thống Phillippines cũng nhắc lại là sẵn sàng tham gia tập trận chung với Trung Quốc, hoặc ở Mindanao, hoặc tại Biển Sulu.

Ông Duterte đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Benigno Aquino - người đã đưa hồ sơ Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài, với hy vọng nhận được nhiều tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc. - RFI

3.
Bầu cử Pháp: Le Pen bị cáo buộc 'đạo văn' Fillon --- Bầu cử Pháp: Nhiều chủ tập đoàn báo động về mối đe dọa Le Pen

Ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen bị cáo buộc 'đạo văn' của người đã thất bại, Francois Fillon, trong một bài diễn văn bà đọc hôm thứ Hai 1/5. 
Nhiều đoạn trong bài phát biểu của bà tại Villepinte, bắc Paris, dường như giống nguyên văn bài phát biểu của ông Fillion hôm 15/4. 
Một viên chức của đảng Mặt trận Dân tộc nói bà Le Pen có "đồng tình" với ông Fillion và sự trùng hợp này chứng tỏ bà "không phải người theo bè phái". 

Bà Le Pen sẽ tranh ghế tổng thống với ứng viên theo đường lối trung lập Emmanuel Macron. 
Sự giống nhau trong hai bài phát biểu này được kênh YouTube Ridicule TV phát hiện. Kênh này lúc đầu được những người ủng hộ ông François Fillon lập ra để tấn công ông Macron trước khi ông Fillion bị loại trong vòng bầu cử đầu tiên.
Các đoạn video về bài phát biểu "đạo văn" này cũng được chia sẻ trên Twitter, với những đoạn gần giống với bài phát biểu của ông Fillion ở Puy-en-Velay hồi tháng Tư.

Bài phát biểu của Fillion: "Còn ranh giới sông Rhine, một ranh giới mở nhất, nguy hiểm nhất nhưng cũng nhiều hứa hẹn nhất - một thế giới mang chất Đức mà chúng ta có xung đột nhiều lần nhưng chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác bằng rất nhiều cách." 
Cả hai bài phát biểu cùng nhắc đến "danh sách chờ ở trung tâm Alliance Française tại Thượng Hải, Tokyo, hay Mexico, cho trường cấp hai theo hệ thống Pháp ở Rabat hay ở Rome."
Cả hai bài cùng trích dẫn lời của Thủ tướng Georges Clemenceau thời Thế chiến thứ nhất: "Từng là người lính của Chúa, giờ là người lính của Tự do, nước Pháp sẽ luôn luôn là người lính của lý tưởng." 

Bài của ông Fillion: "Nước Pháp, như tôi đã nói, là cả một lịch sử, là một khu vực địa lý, nhưng cũng là một bộ giá trị và nguyên tắc được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, giống như mật khẩu vậy. Nước Pháp cuối cùng là một tiếng nói chung hướng tới tất cả mọi người trên thế giới."
Tờ The Liberation bình luận bài phát biểu của bà Le Pen lẽ ra phải là một phát biểu chủ chốt trong vòng bầu cử thứ hai, nhưng đã trở thành tâm điểm cười nhạo của người sử dụng mạng xã hội. 

Nhưng bà Florian Philippot, phó chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc, nói với đài Radio Classique, đảng này đã thừa nhận những điểm tương đồng giữa hai bài phát biểu, và bài của bà Le Pen là "tỏ ý đồng thuận" với bài của ông Fillion để "khởi động một cuộc tranh luận thực sự" về danh tính Pháp. 
Trước đó, ông nói với hãng tin Agence France-Presse bài phát biểu chứng tỏ bà Le Pen "không phải người theo bè phái."

Người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Le Pen, David Rachline, cũng giảm nhẹ cáo buộc đạo văn, và nói rằng bài phát biểu đó là một cách ca ngợi ông Fillon, và được những người ủng hộ ông Fillon "tán thành".

Tập đoàn truyền thông RTL nói lời giải thích đơn giản cho sự trùng hợp giữa hai bài phát biểu là ông Paul-Marie Coûteaux, người giúp soạn bài phát biểu của bà Le Pen, cũng chính là người đã viết bài phát biểu cho ông Fillon. 
Tuy nhiên, tờ Le journal du dimanche trích lời ông Coûteaux nói, mặc dù ông viết bài phát biểu cho ông Fillion, ông đã không viết bài cho đảng Mặt trận Dân tộc. - BBC

***
Nhiều chủ tập đoàn lớn của Pháp lên tiếng báo động về mối đe dọa nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đắc cử tổng thống ở vòng hai ngày 07/05/2017. Báo động này được đưa ra trên tờ báo kinh tế Les Echos số ra ngày 02/05/2017.
Theo chủ tập đoàn Veolia, Antoine Frérot, ngoài các xí nghiệp cỡ vừa và nhỏ, Mặt Trận Quốc Gia vẫn có một thái độ không thân thiện với các công ty lớn, trong khi chính những công ty này tạo ra của cải và việc làm cho nước Pháp. Ông Frérot cũng cảnh báo việc đưa nước Pháp ra khỏi khối euro, theo chủ trương của bà Le Pen, sẽ là một thảm họa đối với các công ty và đối với người dân Pháp, với việc tăng giá các nguyên liệu và các mặt hàng nhập khẩu, và việc tăng chi phí đầu tư.

Đối với ông Thierry Bretron, chủ tập đoàn dịch vụ tin học Atos, việc bà Le Pen đắc cử tổng thống Pháp, cho dù chương trình của bà có được thực hiện hay không, ngay lập tức sẽ gây nên tình trạng vô định với tác hại nặng nề, cụ thể là nợ công của Pháp sẽ tăng vọt.
Trong khi đó, tờ nhật báo Công Giáo La Croix bày tỏ sự ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron, trước nguy cơ Le Pen, mặc dù tờ báo này thường không công khai tuyên bố bỏ phiếu cho ai trong các cuộc bầu cử. La Croix cho tới nay chỉ có một ngoại lệ là vào năm 2002, khi cử tri Pháp lúc đó phải chọn lựa giữa ứng cử viên cánh hữu Jacques Chirac và ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen.

Vào năm đó, tờ La Croix và Giáo Hội Công Giáo đều đã kêu gọi bỏ phiếu chống ứng cử viên cực hữu. Nhưng riêng Giáo Hội Công Giáo năm nay vẫn chưa kêu gọi bầu cho ai, trong khi các tổ chức tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Tin Lành hay Hồi Giáo đều đã kêu gọi các tín đồ của họ dùng lá phiếu để ngăn chận bà Le Pen đắc cử tổng thống.
Theo kết quả thăm dò mới nhất về ý định bỏ phiếu của cử tri ở vòng hai, được công bố hôm nay, bà Le Pen đã thu ngắn khoảng cách với ông Macron. Cựu bộ trưởng Kinh Tế vẫn được dự báo sẽ đắc cử nhưng chỉ với 59% số phiếu so với 41% của ứng cử viên cực hữu, trong khi theo cuộc thăm dò trước đó cũng do viện này thực hiện, ông Macron thu được đến 61%.

Trong những ngày qua, bà Le Pen đã làm đủ mọi cách để thu hút lá phiếu của cử tri những đảng khác, kể cả việc sao chép nguyên văn một số đoạn trong bài diễn văn của cựu ứng cử viên tổng thống cánh hữu François Fillon. Trong bài diễn văn đọc ngày 01/05/2017 tại cuộc mít tinh tranh cử ở Villepinte, ngoại ô Paris, ứng cử viên cực hữu đã đưa vào ít nhất bốn đoạn trong một bài diễn văn của ông Fillon đọc vào giữa tháng 4, với nội dung chủ yếu là ca ngợi nước Pháp.
Trả lời hãng tin AFP, phó chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc Gia, ông Florian Philipot khẳng định là họ cố tình làm như vậy để chứng tỏ bà Le Pen là một ứng cử viên có khả năng tập hợp rộng rãi, chứ không co cụm trong phe này. - RFI

4.
Putin tiếp Merkel, điện đàm với Trump

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 02/05/2017 gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sotchi bên bờ Hắc Hải. Đây là lần đầu tiên bà Merkel thăm Nga từ hai năm qua, nhằm tái lập đối thoại với Matxcơva.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Etienne Bouche cho biết thêm chi tiết :
«Theo phía Đức, việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Hambourg là nguyên nhân chính của cuộc gặp này. Các chủ đề khác cũng sẽ được đề cập đến. Bộ phận báo chí của điện Kremlin nêu ra cuộc đấu tranh chống khủng bố, tình hình ở Cận Đông và việc thực hiện các hiệp ước Minsk. Nói cách khác, đó là hồ sơ Syria và Ukraina.

Theo nhật báo Kommersant, « cuộc tiếp xúc tuy diễn ra bên bờ Hắc Hải, nhưng không có nghĩa là quan hệ song phương đã tan băng ». Tuy vậy tờ báo cũng tin rằng Đức đã có chuyển biến : Berlin ý thức rằng việc trừng phạt không tác động được phía Nga, và định thay thế cây gậy bằng củ cà rốt, tức bình thường hóa quan hệ.

Chuyến công du Nga gần đây nhất của bà Merkel là vào năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng của đồng minh trước phát-xít Đức. Thủ tướng Đức không dự khán cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, khiến Nga bực tức. Bà Merkel lúc đó cũng nói rất thẳng về Crimée, cho đây là « một vụ sáp nhập đáng lên án và bất hợp pháp ». 
Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump cũng điện đàm với ông Vladimir Putin vào tối nay, theo thông báo của Nhà Trắng và điện Kremlin. Đây là cuộc điện thoại thứ ba kể từ khi ông Trump đắc cử, nhưng là cuộc gọi đầu tiên từ sau vụ Mỹ bắn hỏa tiễn vào Syria, đồng minh của Nga, gây căng thẳng giữa đôi bên.

Cho đến nay, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga vẫn chưa gặp gỡ nhau. Cuộc gặp đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào ngày 7 và 8 tại Hambourg, Đức. Cuộc tiếp xúc hồi tháng Tư giữa ngoại trưởng hai nước cho thấy Hoa Kỳ và Nga vẫn bất đồng trong nhiều hồ sơ quan trọng.

Quan hệ giữa ông Donald Trump với Nga được theo dõi chặt chẽ, từ khi tình báo Mỹ tố cáo Kremlin tấn công tin học vào đảng Dân Chủ nhằm tạo ưu thế cho nhà tỉ phú trong cuộc tranh cử tổng thống. FBI đang xem xét mối quan hệ giữa ê-kíp chiến dịch vận động của ông Trump với chính quyền Nga, còn Lầu Năm Góc điều tra về việc cựu cố vấn an ninh Michael Flynn nhận tiền của các công ty có liên quan đến Kremlin. - RFI

5.
Tổng thống Venezuela đề nghị ra Hiến Pháp mới

Sau một tháng đối lập biểu tình liên tiếp, tối hôm qua, 01/05/2017, tổng thống Venezuela thông báo sẽ thành lập một Quốc Hội lập hiến. Đối lập lên án hành động khiêu khích mới.
Trước hàng nghìn người ủng hộ tại trung tâm thủ đô Caracas, nhân ngày Quốc Tế Lao Động, tổng thống Venezuela Maduro thông báo dự án thành lập một Quốc Hội lập hiến “mang tính đại chúng, công dân và công nhân”, để chuẩn bị cho ra đời một Hiến Pháp mới thay thế Hiến Pháp 1999. Ngay lập tức, đối lập lên án hành động khiêu khích mới, một bước tiếp theo của “cú đảo chính” do tổng thống tiến hành, chống lại Quốc Hội. Đối lập Venezuela đang kiểm soát đa số tại Quốc Hội.

Sau tuyên bố nói trên, tổng thống Maduro đã họp với chính phủ và các tướng lĩnh tại phủ tổng thống, và ký một sắc lệnh triệu tập Quốc Hội lập hiến.

Ngay từ sáng sớm nay, người biểu tình bắt đầu chuẩn bị phong tỏa các xa lộ chính và trục phố lớn khắp nơi trên cả nước, để chuẩn bị một cuộc biểu tình “cực lớn”, dự kiến vào ngày 03/05/2017. Chủ tịch Quốc Hội Julio Borges kêu gọi người dân Venezuela nổi lên chống lại điều mà ông gọi là một “đòn lừa bịp ” đối với nhân dân.
Tối nay, Quốc Hội do đối lập kiểm soát dự kiến sẽ thảo luận về tình hình hiện nay, sau đề nghị ra Hiến Pháp mới của tổng thống Maduro.
Theo một chuyên gia về bầu cử Venezuela, với cuộc bầu cử Quốc Hội mới, chính quyền hy vọng lật ngược tình thế. - RFI

6.
TQ ra mắt 'đối thủ của Wikipedia' vào năm 2018

Trung Quốc sẽ ra mắt một trang bách khoa toàn thư trực tuyến vào năm 2018 để cạnh tranh với Wikipedia. 
Giới chức cho hay hơn 20.000 người đã được thuê để làm cho dự án này, gồm khoảng 300.000 mục nội dung, mỗi mục khoảng 1.000 từ. 
Không như Wikipedia, trang bách khoa toàn thư này sẽ do một số học giả được lựa chọn từ các trường đại học Trung Quốc biên soạn, chứ không mở cho các tình nguyện viên tự biên tập.

Wikipedia có thể truy cập được ở Trung Quốc, nhưng một số nội dung bị chặn. 
Bách khoa toàn thư trực tuyến của Trung Quốc sẽ "không phải là một cuốn sách, mà là một Vạn lý trường thành về văn hóa," ông Yang Muzhi, tổng biên tập của dự án, người làm chủ tịch Hội Phân phối Sách và Tạp chí Trung Quốc, phát biểu về tiến trình của dự án hồi tháng Tư. 
Ông Yang - người từng nói Wikipedia là một đối thủ cạnh tranh - cũng nói Trung Quốc đang đối mặt với áp lực quốc tế và phải lập một trang riêng của mình để chỉ hướng cho "công chúng và xã hội".
Cuốn bách khoa toàn thư Trung Quốc được xuất bản lần đầu vào năm 1993, với sự cộng tác của các học giả và có bản in lần thứ hai vào năm 2012.
Những người chỉ trích nói các tác phẩm do chính phủ tài trợ thường bỏ sót hoặc viết sai một số mục nội dung vì mục đích chính trị. 
Ý tưởng làm một bách khoa toàn thư trực tuyến được phê duyệt từ năm 2011, nhưng công việc biên soạn gần đây mới bắt đầu. 

Dự án này đưa nhà nước Trung Quốc vào cạnh tranh trực tiếp với các công ty địa phương đã phát hành bách khoa toàn thư trực tuyến riêng của họ, như Baidu và Qihu 360, cũng như chính Wikipedia. 
Gần đây, những người sử dụng mạng có thể đọc một số nội dung trên Wikipedia, nhưng những chủ đề nhạy cảm như Đức Dalai Lama hay Chủ tịch Tập Cận Bình đều bị chặn.
Taha Yasseri, một nghiên cứu sinh tại Viện Internet Oxford nói với BBC: "Nhu cầu tìm kiếm thông tin ở Trung Quốc khiến mọi người dùng Wikipedia bằng những công cụ chống sàng lọc, và điều này không lý tưởng cho lắm đối với một quốc gia độc đoán. 

"Vì vậy, sáng kiến này nhằm thu hút nhiều người sử dụng đến với các nội dung được nhà nước kiểm duyệt."
Đồng nghiệp của ông là Joss Wright, lại cho rằng diễn đàn mới này có thể mang lại "một trải nghiệm đậm chất Trung Quốc mà người dùng nội địa thường thích".

Tác giả "có chất lượng cao"
Trong một bài báo đăng năm 2016, ông Yang nói Wikipedia ở Trung Quốc có sức lôi "mê hoặc". 
Nhưng ông nói thêm: "Chúng tôi có đội ngũ tác giả có chất lượng cao nhất trên thế giới."
"Mục tiêu của chúng tôi không phải là đuổi kịp, mà là vượt lên."

Tuần trước, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chặn trang Wikipedia mà không nói lý do. 
Năm 2014, Nga cũng tuyên bố kế hoạch lập một trang thay thế cho Wikipedia, với mục đích cung cấp thông tin về nước Nga chính xác hơn những thông tin trên Wikipedia. - BBC

Tin Hoa Kỳ
7.
1/5: Di dân tuần hành trên toàn nước Mỹ

Các tổ chức di dân và công đoàn ngày 1/5 tuần hành ở các thành phố trên toàn nước Mỹ, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và phản đối những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump muốn đẩy mạnh trục xuất di dân.
Hàng ngàn người biểu tình tại các thành phố lớn như New York, Chicago, Seattle, Los Angeles lẫn những phố thị nhỏ hơn như Ft. Lauderdale ở Florida hay Portland ở Oregon. 

Tại nhiều nơi, các nhà hoạt động kêu gọi mọi người chớ tới trường, tới công sở, hay đi mua sắm để chứng tỏ tầm quan trọng của di dân tại Mỹ.
Trong khi các thành viên công đoàn có truyền thống tuần hành vào ngày 1 tháng 5 để đòi quyền của công nhân tại các quốc gia trên toàn thế giới, 1/5 đã trở thành ngày tuần hành của di dân tại Mỹ kể từ những cuộc biểu tình đông đảo được tổ chức vào ngày này năm 2006 để phản đối luật đề nghị gia tăng kiểm soát di dân.

Trong những năm gần đây, những cuộc biểu tình về quyền của di dân giảm dần vì các tổ chức tập trung vào việc đăng ký bầu cử và vận động hành lang. Các đám đông biểu tình dự trù sẽ tái hiện năm nay giữa lúc những tổ chức di dân cùng với những tổ chức Hồi Giáo, những tổ chức bênh vực phụ nữ và những tổ chức khác đoàn kết chống lại các chính sách của chính quyền ông Trump.
Bà Kica Matos, phát ngôn viên của Phong trào Cải cách Di dân Công bình, nói “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự ủng hộ vượt bậc như vậy kể từ khi ông Donald Trump đắc cử.”

Ông Trump tích cực theo đuổi việc thực thi luật di trú, ký những lệnh hành pháp xây tường dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico và cấm công dân 6 nước có đa số theo Hồi Giáo vào Mỹ. Chính phủ Mỹ đã bắt hàng ngàn di dân bất hợp pháp và dọa cắt tài trợ những nơi hạn chế sự hợp tác giữa nhà chức trách di dân địa phương và liên bang.

Đáp lại, các lãnh đạo địa phương cam kết sẽ trả đũa và việc tham dự những hoạt động dân sự đã gia tăng, trong đó có “Ngày Không Di dân” được tổ chức vào tháng Hai vừa qua. Lệnh cấm du hành và lệnh ngưng tài trợ các thành phố che chở di dân bất hợp pháp tạm thời bị hoãn vì các vụ kiện.

Thêm vào những cuộc biểu tình, các nhà hoạt động về quyền di dân tại các cộng đồng ở Indiana, Massachusetts, Texas và các nơi khác đang kêu gọi đình công để cho người Mỹ thấy nhu cầu về lao động di dân và sức mua bán của di dân.
“Ngày này chúng tôi sẽ không đi làm, không đi học, không mua bán gì cả,” một công nhân nông trại tên Francisca Santiago ở Homestead, Florida, nói.

Những người bênh vực di dân hy vọng thông điệp của họ sẽ tới tai ông Trump, các nhà lập pháp quốc hội và công chúng, cũng như giúp mang lại sự đoàn kết và sức mạnh cho những người bị các chính sách của chính quyền nhắm mục tiêu. Dù ông Trump cam kết truy lùng di dân bất hợp pháp, nhiều người hy vọng một cuộc biểu dương sức mạnh sẽ giúp thuyết phục các chính trị gia nghĩ lại những kế hoạch của họ.
Ông Tom K.Wong, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego, nói chú tâm của chính quyền ông Trump vào di dân đang khiến những người bênh vực quyền di dân được tăng thêm ủng hộ. - VOA

Tin Việt Nam
8.
Họp Trung ương 5 để đề cao Ủy ban Kiểm tra? --- Dư luận mạng viết về đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng

Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ 5 đến 11 tháng 5, với dấu hiệu vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có vẻ sẽ được đề cao.
Được biết Hội nghị sẽ diễn ra cả trong hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Sự kiện này càng được dư luận quan tâm sau khi ngày 27/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.
Ông Thăng đang là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Liệu ông Thăng có phải nhận hình thức kỷ luật nào rất có thể sẽ là một chủ điểm được trông đợi tại Hội nghị Trung ương 5.
Kinh tế tư nhân

Một chủ đề khác được quan tâm là việc Hội nghị sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình hồi tháng Tư nói nghị quyết này sẽ là "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
"Phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", ông Bình nói hôm 26/4.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vấn đề kinh tế tư nhân sẽ là một chủ đề bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII này.
Ông Bình cũng nêu rằng "cần thống nhất quan điểm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ."
"Coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất, và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm."

Theo ông, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Các báo Việt Nam cho hay kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015.

Được biết Hội đồng Lý luận Trung ương đã xây dựng 2 Báo cáo tư vấn cho hội nghị "về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và "đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân". 
Bên cạnh đó, căn cứ vào phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra thì việc tái cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ là chủ đề cần xem xét đến, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn.

Sàng lọc và khai trừ Đảng
Không lâu trước Hội nghị Trung ương 5, hôm 29/04 vừa qua, báo Nhân Dân có bài đề cao vai trò của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII, trong đó Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng Cộng sản được đóng vao trò quan trọng.
"Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp và chi bộ phải chủ động đổi mới, tăng cường và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất..."

Mục tiêu dùng cơ quan này để làm "trong sạch đội ngũ", qua cách "xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật trước, sau đó chỉ đạo hoặc đề nghị các tổ chức nhà nước, đoàn thể xem xét xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể kịp thời, đồng bộ hoặc yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý bằng pháp luật".
Bài báo cũng viết: "Cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; khắc phục tình trạng xử lý nhẹ trên, nặng dưới."
"Cấp ủy các cấp chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng để làm trong sạch nội bộ Đảng." - BBC

***
Dư luận người Việt trong và ngoài nước đang chú ý nhiều đến sự kiện đương kim Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Bộ chính trị bị Ủy ban kiểm tra Trung ương công khai kiến nghị kỷ luật.
Đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng công bố hôm 27/4, trước lúc Hội nghị Trung ương 5 Khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra đầu tháng Năm.
Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009 - 2011, là nơi ông từng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn.
BBC ghi nhận một số tiếng nói trên mạng xã hội tiếng Việt và cả báo chí nhà nước tại Việt Nam bình luận sự việc này.

Lặp lại năm 2012?
Nhiều người so sánh đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng với đề nghị xem xét kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một hội nghị trung ương năm 2012.
Khi đó, Hội nghị Trung ương 6 Khóa 11 ra kết luận "không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị".
Nay nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị, viết trên Facebook cá nhân, cho rằng ông Đinh La Thăng không có sức mạnh như nguyên Thủ tướng: 

"Vì đơn giản ông Thăng không có bề dày nắm quyền lực như ông Nguyễn Tấn Dũng để có thể chi phối chọn lựa của các ủy viên TƯ."
Hoặc nếu ông Thăng không bị kỷ luật, cây bút Tâm Chánh nêu giả thiết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể "huy động sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh sinh tử này".
"Yếu huyệt trong thế trận này chính là ai nhanh chóng nắm giữ ngọn cờ công khai và chuyển nó thành khí thế của dân."

"Ông Trọng sẽ thắng nếu biết khai thác sức mạnh này, biến dư luận thành công luận, nhưng ở thời ông Trọng tác động chính yếu này của truyền thông không còn trong tay nền báo chí cách mạng vốn bị tẩn nhừ tử, chỉ có một mực "cách mạng" mà không còn sự chính trực báo chí nữa."
Còn nếu ông Thăng nhận mức kỷ luật khá nặng là "cảnh cáo", cây bút Tâm Chánh nêu ra kịch bản: 

"Sự leo thang mong muốn trừng phạt này sẽ làm lộ ra không it tật bệnh ở mức trầm kha của một hệ thống chinh trị sau nhiều năm kiến tạo pháp quyền vẫn chỉ có thể dùng đến uy quyền để cai trị chính bộ máy của mình."
Giải pháp 'đồng bộ'
Trong khi đó, cây bút Nguyễn An Dân cũng dùng Facebook để đòi hỏi: 
"Nhân dân chỉ tin khi đồng thời với xử lý kỷ luật ông Thăng là những giải pháp đồng bộ công khai, minh bạch với nhân dân và đảng viên cơ sở trong xử lý toàn diện."

"Xa hơn là việc chọn lựa bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cần phải công khai, minh bạch những thành tích đã đạt được, có chương trình hành động để đạt được các mục tiêu, yêu cầu của cương vị đó, thuyết phục được các đảng viên và quần chúng nhân dân."
Ông này cho rằng: " Vấn đề cuối cùng vẫn là hiến pháp phải đứng trên đảng pháp, là pháp trị, là tư pháp độc lập."
Chốt lại, ông Nguyễn An Dân kêu gọi cải tổ chính trị: 

"Chính trị càng cải cách nhanh chừng nào thì tham nhũng sẽ giảm dần đi chừng ấy, đó mới là cách chống tham nhũng hiệu quả và lâu dài, vì lợi ích nhân dân, chứ không phải giữ nguyên hệ thống nhưng đem dê ra tế thần khi cần thiết."
Chấn động hay rất bình thường?
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công khai đề xuất hình thức kỷ luật với ông Đinh La Thăng, truyền thông nhà nước tại Việt Nam cũng phỏng vấn một số người thường trả lời báo chí.

Cựu đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: 
"Từ nay, nên theo nếp sống văn minh như thế: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và kỷ luật của tổ chức."
Một cựu Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nói: 
"Người có công thì biểu dương, người có tội thì không bỏ qua."

"Tôi ghi nhận tinh thần nghiêm túc ấy. Còn xem xét kết luận ấy như thế nào, xử lý ra sao thì do Trung ương quyết định."
Còn trên trang Giáo Dục, luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết:

"Nội dung kết luận kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương quả thực là vụ việc theo tôi là chấn động.
Nói chấn động, vì đồng chí Đinh La Thăng từng được ca ngợi là năng động, có những táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác...

Trước đây, dư luận chỉ biết cái đồng chí Đinh La Thăng làm được nhưng nay Đảng đã chỉ ra những trách nhiệm của đồng chí về những hậu quả mà đồng chí đã làm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chịu xem xét xử lý theo điều lệ Đảng".
Nhưng ông Phan Xuân Xiểm cũng nói thêm: 
"Đồng chí Đinh La Thăng giữ chức vị cao trong Đảng bị đề nghị xem xét kỷ luật thì tôi cho là điều bình thường."
Cũng về sự "bình thường", trang Viet-Studies ở Hoa Kỳ nhắc lại một bài trên VietnamNet hồi tháng 11/2011 trích lời ông Vũ Mão, cựu quan chức cao cấp ở Việt Nam khi đó khen Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng:
"Tôi hoan nghênh và ủng hộ những việc làm thể hiện tư duy, phong cách mạnh mẽ của của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng...
Hiện nay, dư luận đồng tình với Bộ trưởng Thăng rất nhiều, những ý kiến qua lại cũng không ít, tôi cho đó là chuyện bình thường." - BBC

9.
Hội thảo Quốc tế tại Hoa Kỳ về tác hại môi trường Formosa --- 'Nghi ngờ kết luận về dioxin của Formosa'

Một tổ chức phi chính phủ mang tên “Việt Nam for Progress”- tạm dịch “Việt Nam vì Tiến bộ” sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế tại trụ sở Thượng viện Hoa kỳ ở thủ đô Washington DC vào ngày 10/5 sắp tới, về những tác động môi trường của việc xả chất độc của Công ty Formosa – Hà Tĩnh, và những biện pháp pháp lý chống lại hành vi này.
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, đại diện cho Việt Nam for Progress, cho VOA-Việt ngữ biết đây là hội thảo quốc tế về Formosa đầu tiên được tổ chức ở Hoa Kỳ.

Hội thảo có mục đích chính là giáo dục và kêu gọi quốc tế hành động vì môi trường cho Việt Nam. Bác sĩ Bình cho biết:
“Buổi hội thảo này có mục đích chính là để giáo dục, quảng bá những tin tức rất là thực dụng cho các thành phần có liên hệ đến Formosa; trang bị cho người dân, những nạn nhân của Formosa, những thông tin cần thiết để bảo vệ cho chính họ, trong trường hợp họ không có được sự bảo vệ của chính quyền.”

Từ Toronto, Canada, luật sư Trịnh Quốc Toản, một thành viên trong ban tổ chức, cho VOA biết thêm về đối tượng của hội thảo này:
“Cho bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu hoặc có trăn trở về các vấn đề của quê hương và dân tộc, riêng cộng đồng người Việt chúng ta thì thiếu những dữ kiện liên hệ đến các khía cạnh chuyên môn về thảm họa môi trường ở Việt Nam – chúng ta có thể cùng nhau giải quyết những khó khăn còn tồn đọng.”

Cũng theo luật sư Toản, việc chính quyền Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình của ngư dân miền trung Việt Nam yêu cầu Formosa khắc phục thảm họa và đền bù thiệt hại thỏa đáng trong năm qua, là điều không thể chấp nhận. Luật sư Toản nói:
“Không thể nào chấp nhận việc một chính phủ vừa để cho môi trường biến thành một thảm họa, vừa bóp cổ người dân, bóp miệng người dân để không được quyền lên tiếng nói, thậm chí cả quyền căn bản nhất để làm người.”

Theo bác sĩ Nguyễn Thể Bình buổi hội thảo ngày 10/5 sẽ điểm qua một số vấn đề về môi sinh và thảm họa do độc tố thải ra môi trường ở Việt Nam. Hội thảo cũng sẽ bàn các khía cạnh pháp lý như cách kiện tụng theo dân sự, kiện tụng theo hành pháp.
Cũng theo bác sĩ Bình, ngoài ra hội thảo sẽ nêu ra các tác hại lâu dài khi độc tố lưu lại trong các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và người tiêu thụ nên sử dụng công cụ pháp lý nào để bảo vệ cho chính mình.

Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ kêu gọi chính phủ Việt Nam thực hiện những cam kết quốc tế khi xuất khẩu thực phẩm, hải sản ra nước ngoài:

“Thực phẩm, hải sản tung ra trên thị trường trên thế giới được đảm bảo là có đủ sự an toàn đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là điều mà chúng ta mong mỏi khi Việt Nam muốn phát triển kinh tế trên thị trường thế giới.”
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình cho biết sẽ có rất nhiều khách mời từ nhiều châu lục khác nhau đến dự hội thảo:
“Chúng tôi cũng mong là sẽ có rất đông các quý vị từ Mỹ, Canada, Âu Châu, Úc Châu. Ngoài ra cũng có rất đông giới trẻ đang học ở các trường đại học, các trường luật ở quanh vùng. Họ tới tham khảo và từ đó giúp chúng ta đi những bước xa hơn.”

“Vietnam for Progress” là một tổ chức bất vụ lợi, có sứ mạng bảo vệ tự do, nhân quyền, môi trường, phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Theo thông báo của Việt Nam for Progress, các diễn giả là những giới chức, học giả và chuyên gia quốc tế về pháp lý. Khách mời danh dự tại hội thảo gồm có thành viên của quốc hội Úc, Canada, Liên minh Âu châu và Hoa Kỳ. - VOA

***
Cách đây ít ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ tin đồn rằng khí thải từ nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh chứa các hóa chất độc hại là dioxin và furan.
Tin đồn xuất hiện ngày 24/4 trên Facebook và lan truyền nhanh chóng. Sau gần một tuần, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thông cáo báo chí nói rằng họ bác bỏ thông tin nhà máy thép của Formosa phát ra khí thải từ lò luyện cốc có chứa dioxin/furan.
Bộ nói trong quá trình luyện thép của nhà máy Formosa “có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể dioxin/furan” từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên “hoàn toàn có thể kiểm soát được” quá trình phát thải này.

Thông cáo hôm 30/4 của bộ cho biết Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã tiến hành 3 lần lấy mẫu khí thải ống khói xưởng thiêu kết của nhà máy trong hai ngày vào nửa cuối tháng 2.

Kết quả phân tích, theo lời bộ, cho thấy tổng độ độc tương đương (TEQ) của dioxin/furan là chưa đến 0,4 phần tỉ gam (ng) trên một mét khối khí thải chuẩn (Nm3). Bộ nói nồng độ như vậy “nhỏ hơn nhiều” so với quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam về khí thải công nghiệp sản xuất thép. Quy chuẩn này cho phép tổng lượng Dioxin/Furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6 ng/Nm3.
Bộ cho biết Formosa sử dụng công nghệ mới của Nhật Bản trong lò chuyển thổi oxy. Theo bộ, khả năng phát thải dioxin/furan của lò này là “rất thấp” và “thấp hơn nhiều” so với quy chuẩn cho phép.

Sau khi dẫn ra các thông tin này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói “hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học” để khẳng định tin đồn trên mạng xã hội là “không chính xác”.

Nhưng một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm về dioxin nói vị này chưa thấy thuyết phục về thông cáo của bộ. 
Đề nghị VOA không nêu danh tính, chuyên gia này giải thích rằng nơi nào “có lửa và có các hợp chất chứa clo cũng như carbon”, nơi đó “đều có dioxin”. Như vậy, theo lời vị này, vấn đề không phải là “có phát thải hay không”, mà là “nồng độ cao hay thấp”.
Điều đáng chất vấn về kết quả Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, theo chuyên gia, là việc lấy mẫu ra sao và phân tích ở phòng thí nghiệm nào. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả. 

Chuyên gia nói việc lấy mẫu “không đơn giản” và ông “nghi ngờ” Viện Công nghệ Môi trường có khả năng làm việc đó. Chuyên gia đặc biệt lưu ý đến vị trí và thời điểm lấy mẫu: “Lấy mẫu ở đầu ống khói hay cách đó mấy chục mét, lấy mẫu khi máy chạy công suất cao, khi công suất thấp hay khi không chạy đều cho kết quả khác nhau”.
Yếu tố quan trọng nhất, theo chuyên gia, là phòng lab nào phân tích các mẫu. Vị này đặt câu hỏi rằng phòng lab đó có được công nhận không, nó có thiết bị phân tích mẫu sắc ký khối phổ phân giải cao (GC/MS) hay không, và có nhân viên chuyên môn giàu kinh nghiệm hay không. 

Vị chuyên gia nói đó là những thông tin mà thông cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường không đề cập đến nên có thể xem là chưa đáng tin cậy:
“Thông tin này nó chưa rõ là ‘ông’ lấy mẫu ở vị trí nào, thời điểm nào, lúc đó máy chạy theo công suất gì, bao nhiêu mẫu, được phân tích bằng phương pháp gì, quy theo phương pháp nào của USEPA [Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ], phân tích ở đâu, phải có những yếu tố như thế mới tin được. Viện Công nghệ Môi trường chưa bao giờ được coi là chỗ phân tích dioxin cả”.

Dự án của Formosa trở thành tiêu điểm chú ý của công chúng Việt Nam, nhất là các nhà hoạt động vì môi trường, sau khi nó xả chất thải độc trái phép hồi tháng 4 năm ngoái, gây ra thảm họa cá chết ven biển 4 tỉnh miền trung. Vụ này đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế nhiều người sống nhờ vào du lịch biển và đánh bắt, buôn bán hải sản.
Giữa năm ngoái, Formosa đã nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla.

Ít ngày trước khi ra thông cáo bác bỏ lời đồn về khí thải của Formosa chứa dioxin/furan, hôm 27/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã họp với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và công ty gang thép Formosa về việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Báo chí Việt Nam dẫn lại thông tin của bộ nói đến nay Formosa Hà Tĩnh đã cơ bản khắc phục 52/53 lỗi vi phạm về bảo vệ môi trường. Lỗi cuối cùng là chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô dự kiến hoàn thành vào 2019.
Trong một năm qua, nhiều người dân, nhất là ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, đã biểu tình hàng chục lần chống Formosa. Họ cho rằng dự án này không an toàn về mặt môi trường, vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của họ. - VOA

10.
Trung Quốc mua nhiều doanh nghiệp Việt Nam --- Nhập siêu tăng mạnh 4 tháng đầu năm

Số vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam từ các đối tác Trung Quốc tăng mạnh.
Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam vào ngày 2 tháng 5 ra báo cáo cho biết mức tăng đến từ vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt từ đối tác Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm ngoái số vốn mà nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra mua cổ phẩn doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 21 dự án, nhưng so với cùng kỳ năm nay có hơn 256 dự án. Con số này được nói cao hơn nhiều so với các đối tác Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore; chỉ sau Hàn Quốc.

Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 530 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành một trong bốn nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam.
Theo báo cáo, tỷ lệ tăng vốn FDI là 140%, tính đến hết tháng 4 năm 2017. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều nhất sự quan tâm của đối tác với tổng số vốn là 7,36 tỷ USD, chiếm hơm 50%. Đứng thứ hai là khai khoáng với 1,28 tỷ USD và bán ô tô xe máy đứng thứ 3 với 546,68 triệu USD, trên cả ngành bất động sản.

Báo trong nước dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR) cho biết số vốn đầu tư của Trung Quốc là bước đi nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ sang các nước nhận đầu tư. Quá trình này được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, đặc biệt ở các ngành như may mặc, sắt thép, thuỷ điện, khai khoáng và sản xuất điện tử. - RFA

***
Nhập siêu của Việt Nam tăng thêm 800 triệu USD, nâng mức nhập siêu của cả nước lên 2,74 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2017. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 8 tỷ rưỡi đô la; trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 5 tỷ 750 triệu đô la.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 4 đạt 16,7 tỷ USD, giảm 3,2%. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 4,6%.

Tin từ Báo Kinh tế trong nước cho biết Mỹ vẫn là thị trường hàng hoá xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD. Tiếp đến là EU (11,3 tỷ USD), Trung Quốc (8,6 tỷ USD), Asean (6,7 tỷ USD), Nhật Bản (5,2 tỷ USD) và Hàn Quốc 94,4 tỷ USD). - RFA

11.
Việt Nam: Nhiều quốc lộ biến thành trường đua, công an bất lực

Đợt nghỉ vào dịp “kỷ niệm 30 tháng 4 và 1 tháng 5” cho thấy miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung càng lúc càng hỗn loạn với đủ thứ rủi ro, bất trắc không thể lường trước.
Tất cả các tờ báo ở Việt Nam đều có tin, bài, hình ảnh ghi nhận thực trạng các khu vực công cộng trên toàn Việt Nam đông nghẹt, rác rến vương vãi khắp nơi. Mọi người chen lấn, xô đẩy, giành giựt với nhau đủ thứ. Chưa kể trong ba ngày từ 29 tháng 4 đến 1 tháng 5, còn có 47 người uổng mạng vì tai nạn giao thông.

Tuy nhiên điểm đáng chú ý nhất trong dịp “kỷ niệm 30 tháng 4 và 1 tháng 5” năm nay là tình trạng thanh niên chiếm quốc lộ làm trường đua, công an Việt Nam đột nhiên biến mất, giống như chưa hề tồn tại.
Theo Zing – một tờ báo điện tử, khoảng 1 giờ sáng ngày 1 tháng 5, hàng ngàn thanh niên tụ tập hai bên quốc lộ 51 (đường đi Vũng Tàu), tại đoạn tiếp giáp giữa hai huyện Long Thanh (tỉnh Đồng Nai) và Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chờ xem đua xe. Đáng ngạc nhiên là công an hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu làm như không biết.

Đến 3 giờ sáng, đám đông rùng rùng chuyển động sau khi 20 “xe cọp” (xe hai bánh gắn máy đã được đổi máy để có thể đạt được vận tốc tối đa ngay sau khi khởi động) xuất hiện. Dưới hiệu lệnh của một số cá nhân giống như “Ban Tổ chức”, các “khán giả” đã tự động bịt hai đầu quốc lộ, tạo thành một “đường đua” cho các “xe cọp” thi thố.
Cuộc đua vừa kể đã được cả “khán giả” lẫn các “vận động viên” ghi lại và phát trực tiếp trên facebook.

Theo Zing, bởi “công an nhân dân” đột nhiên biến mất, nhiều xe vận tải trở thành “khán giả bất đắc dĩ” vì không thể vượt qua đoạn quốc lộ bị chặn. Một số xe hơi cá nhân thì cố gắng len lách từng chút qua khu vực này. Zing mô tả thêm rằng có rất nhiều người vô tình di chuyển trên quốc lộ 51 vào thời điểm vừa kể hết sức hoảng loạn khi chứng kiến sự kiện mà họ không thể ngờ là có thể xảy ra như thế.
Phong tỏa quốc lộ làm “trường đua” không chỉ xảy ra trên quốc lộ 51. Tờ Tuổi Trẻ có một phóng sự ảnh giống như Zing, tường thuật sự kiện các “quái xế” tổ chức đua xe trên ở cao tốc Sài Gòn – Trung Lương khiến tất cả các phương tiện khác, từ xe vận tải, xe đò, xe hơi cá nhân, xe hai bánh gắn máy phải dạt vào lề để tránh.

Các “quái xế” còn tổ chức nhiều cuộc đua trên các con đường nằm ở hai quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Dân chúng địa phương bảo với phóng viên tờ Tuổi Trẻ rằng, những cuộc đua như thế xảy ra thường xuyên vì “công an nhân dân” chỉ xuất hiện sau khi các cuộc đua đã kết thúc.
Dẩu chiếm đường, đua xe xảy ra nhiều nơi trong dịp “kỷ niệm 30 tháng 4 và 1 tháng 5” năm nay nhưng Tuổi Trẻ là tờ báo duy nhất có tin “công an nhân dân” bắt được ba “quái xế” tham gia vào một cuộc đua có vài chục “quái xế”, diễn ra trên xa lộ Biên Hòa vào lúc rạng sáng 1 tháng 5. - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào: