Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Cái Chết Đầy Bí Ẩn Của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu

blank

Ai giết Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu?. Tướng Hiếu chết vì tai nạn hay bị mưu sát?. Suốt gần 40 năm qua những câu hỏi nầy chưa có câu trả lời xác đáng. Ngày 8-4-1975, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lịnh Phó Quân Đoàn III được tìm thấy đã chết tại phòng làm việc trong Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn, Biên Hòa. Chết do bị một viên đạn bắn vào càm.
<!>
Tướng Hiếu được biết đến như là một tướng lãnh tài ba và thanh liêm cho nên cái chết của ông được nhiều người quan tâm theo dõi. Thông báo chính thức cho biết Tướng Hiếu chết vì tai nạn, súng bị cướp cò trong khi lau chùi. Tuy nhiên không có hình ảnh hoặc nhân chứng nào tận mắt nhìn thấy cái chết của Tướng Hiếu cả. Vì thế, lý do chết vì tai nạn không thuyết phục.

Vì thế nhiều câu hỏi được đặt ra là: Vì sao chết?, Nguyên nhân nào đưa đến cái chết? Ai giết Tướng Hiếu?
Để trả lời những câu hỏi đó, nhiều suy đoán và giả thuyết được đưa ra, nhưng không có chứng cớ nào vững chắc, đáng tin cậy được cả.



Những suy đoán và giả thuyết được nêu ra xoay quanh những vấn đề như sau:
- Chết vì chống tham nhũng
- Chết vì có âm mưu đảo chánh
- Chết vì tai nạn khi lau chùi súng
- Chết vì gây gổ giữa hai ông tướng trong Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn 3.
Tuy nhiên, không có giả thuyết nào đáng tin cậy vì thiếu chứng cớ. Hình ảnh phạm trường không có, thủ phạm và hung khí cũng không, nhân chứng kẻ còn người mất nhưng chắc chắn là không có ai tận mắt trông thấy khi vụ việc xảy ra, ngoại trừ hung phạm nếu đó là mưu sát.
Tướng Hiếu mất vào những ngày sôi động nhất về quân sự và chính trị của Miền Nam đưa đến thảm họa mất nước ngày 30-4-1975.
Người em của Tướng Hiếu là ông Nguyễn Văn Tín đã bỏ ra suốt 8 năm trời để tìm gặp những nhân chứng, thu thập tin tức từ những cơ quan lưu trữ hồ sơ của chính phủ Mỹ…
Gần 40 năm qua cái chết của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu vẫn còn chìm trong vòng bí mật.


blank
Hình ảnh liên hệ về Tướng Hiếu.

2* Những tiết lộ khác nhau của các “nhân chứng”
Những “nhân chứng” mà Ông Tín đã gặp gỡ, tiếp xúc để tìm hiểu về cái chết của anh ông là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, thì đa số những nhân vật nầy không ai có mặt tại hiện trường, và cũng không có ai chính mắt họ trông thấy vụ việc đang xảy ra lúc đó. Mà những cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Mỹ vào thời mấy chục năm sau ngày Tướng Hiếu chết, 8-4-1975. Trí nhớ của những người cao niên không còn trung thực với những điều mà chính họ đã “không” trông thấy, vì thế có nhiều tiết lộ khác nhau. Họ là nhân chứng của thời đại chớ không phải là “nhân chứng” của một cái chết.
Vào tháng 8 năm 1998, ông Nguyễn Văn Tín, em của Tướng Hiếu cho biết: “Tôi đã may mắn tìm ra và tiếp xúc được các nhân vật chính yếu có mặt tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 trong ngày Tướng Hiếu bị ám sát. Trong 13 nhân chứng, có 9 người đứng ngoài và 4 người đứng tại tâm điểm đối với cái chết của anh tôi”.

Theo ông Tín thì 4 người đó là:

1. Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 3.
2. Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Cảnh Sát QĐ 3.
3. Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn 3.
4. Đại Úy Đỗ Đức, tùy viên của Tướng Toàn.
2.1. Tường thuật của báo chí ngoại quốc
1). Phóng viên của hãng tin UPI thuật lại như sau: “Tư Lịnh Phó VNCH bảo vệ vùng Sai Gòn được khám phá bị bắn tối thứ ba, sau cuộc cãi vã về chiến thuật với cấp trên của mình. Các nguồn tin quân sự nói là có lẻ ông ta tự tử. Các nguồn tin đó nói là Thiếu Tướng Hiếu chết do một viên đạn gây nên ở miệng tại văn phòng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, nằm bên cạnh Phi Trường Biên Hòa, cách Saigon 18 miles. Không biết sự kiện Tướng Hiếu chết có liên quan gì đến cuộc oanh tạc Dinh Độc Lập xảy ra lúc 8 giờ sáng cùng ngày hay không?”.
2). Phóng viên Alan Dawson: “Phó Tư Lệnh Quân Đoàn 3, vùng bao quanh Saigon, tướng hai sao Nguyễn Văn Hiếu đã chết. Tin đồn ông tự vận tại văn phòng ở Biên Hòa sau một cuộc cãi vã với thượng cấp là tướng ba sao Nguyễn Văn Toàn, liên quan đến việc bảo vệ Thủ Đô. (55 days-The Fall of South Vietnam 1975)

2.2. Tường thuật của các nhân vật liên hệ

1). Tường thuật của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn
Tại Mỹ, Tướng Toàn đã viết cho người em của Tướng Hiếu, là Nguyễn Văn Tín, nguyên văn như sau: “Bất ngờ vào ngày..(không nhớ) lúc bay hành quân về thì được tin anh Hiếu đã tử nạn ở văn phòng, Tôi liền bay đến văn phòng Tướng Hiếu thì thấy anh ấy đã chết bởi một viên đạn súng lục trổ từ mắt lên đầu và chết ngay nơi bàn giấy. Sự tử nạn của anh Hiếu là do súng lục bị cướp cò mà ra”.
2). Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng QĐ3
“Tướng Hiếu nằm bất động trên chiếc ghế bành sau bàn giấy. Một dòng máu tươi chảy chan hòa xuống mặt và ngực. Một viên đạn đã xuyên qua trán và đi thẳng lên óc. Viên đạn nầy còn trớn bay lên trần nhà xoi thủng một lỗ. Máu và óc văng trên tường”.
3). Đại Tá Phan Huy Lương, Phụ Tá Tư Lịnh Phó Nguyễn Văn Hiếu.
“Viên đạn qua trán lên đỉnh đầu khiến cho óc văng trên tường.”
4). Bác sĩ Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Tướng Toàn cho biết như sau: “Tôi thấy cảnh tượng Tướng Hiếu ngồi trên ghế, đầu gục trên mặt bàn. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn, cánh tay phải thò xuống đất, có khẩu súng lục nằm trên mặt đất”.
5). Người cận vệ của Tướng Hiếu: “Hôm ấy đã qua 4 giờ rưởi rồi mà không thấy Tướng Hiếu ra về, tôi mở cửa bước vào phòng để nhắc chừng. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì ông Hiếu đã chết tự bao giờ. Xác của ông đẫm máu còn ngồi trên ghế, nhưng bật ngữa ra sau, đầu thì nghẹo về một bên thành ghế dựa sát vách. Đường đạn đã xuyên thủng ngực Tướng Hiếu”. Đó là lời khai của thượng sĩ cận vệ của Tướng Hiếu trước Ủy Ban Điều Tra Hỗn Hợp gồm Quân Cảnh, An Ninh QĐ và Cảnh Sát.
6). Bác sĩ khám nghiệm tử thi Lương Khánh Trí phân tích như sau: “Viên đạn đi vào càm gặp phải xương quay hàm quá cứng không đi thẳng lên đầu được nên phải rẽ xuống, đâm ra sau ót khiến Tướng Hiết chết tốt, không biết đau đớn”.
Trên nguyên tắc chung, tờ trình của bác sĩ khám nghiệm tử thi được xem như tài liệu chính thức. Còn sự thật ra sao thì nằm trong bí mật.
7). Những “nhân chứng” mô tả đường đạn đi khác nhau.
Tướng Toàn: “Viên đạn từ mắt lên đầu”. Đại Tá Phan Huy Lương: “Viên đạn qua trán rồi lên đầu”.
Chuẩn Tướng Lê Trung Tường (TMT/QĐ3) “Viên đạn xuyên qua trán đi thẳng lên óc”
Ba ông nầy mô tả giống nhau, là viên đạn từ (mắt) hoặc trán lên đầu. hoặc sau ót. Ót cũng thuộc về một phần của đầu.
Ông Tín mô tả về vết thương.
Khi quan sát vết thương, ông Tín mô tả lại như sau: “Tôi chỉ thấy viên đạn để lại một dấu chấm đen nhỏ xíu ở càm bên trái cách mép môi bên trái 1cm khoảng 45 độ về phía dưới. Viên đạn cũng để lại một chấm đen nhỏ xíu trên đỉnh đầu bên phải”.
Căn cứ vào đường đi của viên đạn để tìm ra nguyên nhân gây ra cái chết của Tướng Hiếu.


blank
Hình ảnh liên hệ về Tướng Hiếu.


3* Những âm mưu ám sát và đảo chánh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Một số giả thuyết cho rằng Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu đã bị mưu sát vì bị nghi ngờ là có âm mưu đảo chánh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cho nên cần đặt vấn đề vào bối cảnh phức tạp về quân sự và chính trị trong những ngày trước khi Miền Nam sụp đổ, ngày 30-4-1975.
Về quân sự. Ngày 14-3-1975, Tổng Thống Thiệu ra lịnh rút quân ra khỏi Vùng 2. Từ đó, nhiều tỉnh lỵ lần lượt rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế…Ngày 30-3-1975, Vùng 1 sụp đổ hoàn toàn.
Sau khi mất Quân Đoàn 1 và QĐ2, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) vẫn một mực đòi loại Tổng Thống Thiệu ra khỏi chính quyền. Các phe nhóm Miền Nam nhận thấy đã đến lúc ông Thiệu phải ra đi để có hy vọng thương lượng với CSBV.
Đó là một trong những lý do đưa đến việc mưu sát và đảo chánh Tổng Thống Thiệu. Như thế, đảo chánh không phải thuần túy là tranh dành quyền lực mà là hy vọng có một giải pháp có thể cứu vãng Miền Nam.

3.1. Những âm mưu ám sát Tổng Thống Thiệu
Ngày 23-1-1975, một sĩ quan QLVNCH đã ám sát hụt Tổng Thống Thiệu bằng súng ngắn. Anh nầy lập tức bị đưa ra tòa án quân sự.
Ngày 4-4-1975, phe đối lập dự định đặt bom trong Dinh Độc Lập nhưng bị lộ.
Ngày 8-4-1975, phi công Việt Cộng nằm vùng là Trung Úy Nguyễn Thành Trung đã lái phi cơ F-5E ném bom Dinh Độc Lập.
3.2. Những âm mưu đảo chánh
Có sáu nhóm muốn loại ông Thiệu ra khỏi chức vụ Tổng Thống VNCH.

1. Nhóm quân nhân cao cấp do Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu.
2. Nhóm của Dương Văn Minh
3. Nhóm của Thích Trí Quang
4. Nhóm công giáo của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình
5. Nhóm của linh mục Nguyễn Hữu Thanh
6. Nhóm của Vũ Văn Mẫu.
Về việc Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh, phóng viên Denis Warner, trong cuốn “Certain History-How Hanoi won the war” cho biết, một sĩ quan làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu, đã gọi điện thoại đến phòng của tôi ở khách sạn Continental cho tôi hay là “cuộc đảo chánh đang tiến hành và tôi có thể an toàn mà viết phóng sự vì ông Kỳ sẽ lên nắm chính quyền trước sáng ngày hôm sau”.
Bà vợ của Thủ Tướng Khiêm muốn ông Thiệu từ chức.Trong bài viết tựa đề “Giờ phút cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn”, Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận, cận vệ của Thủ Tuớng Khiêm, kể lại như sau: “Mấy lúc sau nầy, bà (vợ của Thủ Tướng Khiêm) đã có vài lần tỏ sự chống đối mạnh mẽ đối với ông Thiệu. Có một hôm, bà bảo tôi (Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận) theo bà vào Dinh Độc Lập để yêu cầu Tổng Thống Thiệu từ chức. Cũng may là chúng tôi chỉ được Tổng Thống phu nhân đón tiếp. Nếu không thì không biết số phận của tôi đi về đâu”.

3.3. Bắt giam 7 người âm mưu đảo chánh
Ngày 2-4-1975 Tổng Thống Thiệu cho bắt 7 người, trong đó 6 người đã từng cộng tác với Nguyễn Cao Kỳ bị cho là chủ mưu, trong đó có Dân biểu Nguyễn Tấn Đời (Tín Nghĩa Ngân Hàng) và GS Châu Tâm Luân, và ngay cả ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Thiệu cũng bị bắt.


blank
Hình ảnh liên hệ về Tướng Hiếu.


4* “Ông Thiệu ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn”
4.1 CIA sắp xếp mọi chi tiết để đưa ông Thiệu rời Việt Nam
Trong một công điện gởi cho Tòa Bạch Ốc, Đại Sứ Graham Martin cho biết nội dung như sau: “Tổng Thống Trần Văn Hương nói với tôi là ông rất lo ngại cho sự an toàn của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sau nầy, khi kể lại việc tổ chức cho TT Thiệu rời VN, Đại sứ Graham Martin cho biết: “Ông Thiệu ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn. Chúng tôi rất quan tâm và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết”
Đại sứ Mỹ nói như vậy vì trước đó mấy ngày, một nhóm quân nhân đã dùng vũ khí ngăn chặn việc cất cánh của chiếc phi cơ vận tải C-141, họ yêu cầu phải cho họ di tản. Vì thế, ĐS Martin e ngại rằng việc đó có thể xảy ra.

4.2.CIA giương đông kích tây
Tin đồn lan truyền rằng chiếc Boeing 727 của Air Vietnam mà trước đó đã đưa TT Thiệu công du ngoại quốc. Chiếc phi cơ nầy hiện đặt trong tình trạng ứng trực 100% để sẵn sàng cho ông Thiệu xử dụng.
Những tin đồn đó khiến cho mọi người quan sát và theo dõi mọi động tĩnh của chiếc phi cơ nầy.
Trong khi đó, ĐS Martin cho gọi chiếc phi cơ riêng của ông là chiếc C-118 từ Thái Lan sang Tân Sơn Nhất để đưa hai ông Thiệu và Khiêm rời Việt Nam.

Đó là kế giương đông kích tây.

4.3. Một âm mưu cho Tổng Thống Thiệu nát thây
Một phần tử của Không Quân VNCH đã hết sức chống đối hai ông Thiệu và Khiêm, họ nói rằng hai ông nầy sẽ không rời khỏi VN mà còn sống nguyên vẹn.
Theo lời của Đại Tá Nguyễn Quốc Hưng, lúc đó là Phó Trưởng Phòng đặc trách máy bay khu trục thuộc Phòng Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Không Quân, cho biết giữa tháng 4/1975, một nhóm sĩ quan không quân đã theo dõi sát chiếc Boeing 727.

Lúc ấy tại sân bay Cần Thơ có loại khu trục A-37 và phản lực F-5.
Theo kế hoạch, nếu thấy ông Thiệu lên chiếc phi cơ nầy thì những người của họ ở Tân Sơn Nhất sẽ báo về Cần Thơ để phản lực F-5 cất cánh bay thẳng ra khơi và bắn hạ phi cơ chở ông Thiệu ở một địa điểm cách bờ biển 100km.
Nếu ông Thiệu rời VN bằng chiếc 727 thì bị nát thây.
5* Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu bị nghi ngờ đảo chánh

5.1. “Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Của Tướng Hiếu”
Ngày 28-9-2004, ông Nguyễn Văn Tín phổ biến “Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Của Tướng Hiếu” nguyên văn như sau:
- 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Trung Úy phi công Nguyễn Thành Trung lái phi cơ F-5E ném bom Dinh Độc Lập.

- Chiều ngày 8-4-1975, Bộ Tư Lệnh QĐ 3 loan tin Tướng Nguyễn Văn Hiếu chết tại văn phòng của ông trong BTL/QĐ bởi 1 vết thương ở miệng. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn đang làm Tư Lệnh QĐ III.

Vì cái chết có nhiều nghi vấn cho nên ông Nguyễn Văn Tín là em của Tướng Hiếu mới ra sức tìm hiểu và điều tra, ông Tín viết như sau: (trích nguyên văn)
"Vào lúc 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Dinh Độc Lập bị dội bom, TT Thiệu hốt hoảng lo sợ 1 cuộc đảo chánh phát khởi, ông ra lịnh xác định vị trí của các tướng tá trên khắp 4 quân khu, thì được cơ quan tình báo của Tướng Đặng Văn Quang, Phụ Tá An Ninh Phủ Tổng Thống, cho biết là ai nấy đều ở vị trí bình thường, chỉ duy có Tướng Hiếu là đang ở Gò Dầu Hạ (Tỉnh Tây Ninh), họp bàn với Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh Lực Lượng Xung Kích QĐ 3.
TT Thiệu nghi ngay tướng Hiếu âm mưu đảo chánh. Ông nhớ là 4 năm trước, vào tháng 6 năm 1971, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh QĐ3, báo cáo là Tướng Hiếu toa rập với Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, đưa Lực Lượng Xung Kích QĐ3 về Lộc Ninh, lấy cớ là để giải vây cho quân lính bị nguy khốn ở Snoul, nhưng thật ra là để đưa chiến xa về Saigon làm đảo chánh".

TT Thiệu thấy lần nầy cần phải ra tay trừ khử Tướng Hiếu để tránh hậu nạn. Lịnh được truyền xuống cho Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, TL/QĐ3 thi hành.
...Bác sĩ Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Tướng Toàn và Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát QĐ3, nhận nhiệm vụ đưa 1 cảnh sát viên đàn em của Đại Tá Đàm vào văn phòng của Tướng Toàn, ẩn núp chờ sẵn.
Buổi chiều, khi BTL/QĐ vắng người, tên sát nhân từ văn phòng Tướng Toàn lẽn qua văn phòng của Tướng Hiếu kế bên để mai phục.

Sau khi hạ sát Tướng Hiếu với khẩu súng lục nhỏ loại đặc biệt, tên sát nhân đặt khẩu súng của tướng Hiếu vào bàn tay của tướng Hiếu, rồi dùng ngón tay của Tướng Hiếu bóp cò.
Hành động xong, tên sát nhân lẽn về ẩn nấp an toàn trong văn phòng của Tướng Toàn.
Như vậy, Thiệu là người chủ mưu ra lịnh giết. Tướng Toàn là kết tụ nhóm, lập mưu thi hành lịnh. Dưỡng, Đàm và Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng QĐ3 là những tay sai thừa hành" (Hết trích)
(Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Của Tướng Hiếu- Nguyễn Văn Tín-Ngày 28-9-2004
5.2. Nhận xét về Bản tường trình của ông Nguyễn Văn Tín
Bản tường trình có những chỗ không rõ ràng như sau:

- Thứ nhất.
Trong Bản tường trình, ông Tín xác định như sau: “Thiệu là người ra lịnh. Nhóm lập mưu thi hành là Dưỡng, Đàm và Chuẩn Tướng Lê Trung Tường (Tham Mưu Trưởng QĐ3) là những tay sai thừa hành”.
Ông Tín khẳng định như thế mà không đưa ra nhân chứng hoặc vật chứng nào cả nên được xem như một dự đoán, như một giả thuyết mà thôi. Giả thuyết có thể đúng 100%. hoặc đúng 50% hoặc sai hoàn toàn 100%. Nhưng suy đoán và giả thuyết không có tư cách pháp lý nên không thể căn cứ vào đó mà buộc tội được.

- Thứ hai.
Khi quan sát vết thương, ông Tín mô tả lại như sau: “Tôi chỉ thấy viên đạn để lại một dấu chấm đen nhỏ xíu ở càm bên trái cách mép môi bên trái 1cm khoảng 45 độ về phía dưới. Viên đạn cũng để lại một chấm đen nhỏ xíu trên đỉnh đầu bên phải”.
Theo mô tả của ông Tín thì viên đạn đi từ dưới càm trổ ra đỉnh đầu, có nghĩa là từ dưới lên trên. Thế nhưng trong Bản tường trình ông viết: ”…người cảnh sát lẽn vào mai phục trong phòng Tướng Hiếu”.
Mai phục là ẩn náu ở một nơi kín đáo chờ tấn công bất ngờ, để tránh bị phát hiện như thế thì phải ở xa chỗ ngồi của Tướng Hiếu.
Vì ở xa nên không thể bắn từ dưới càm lên đỉnh đầu được.
Làm thế nào để người cảnh sát có được khẩu súng mà Tướng Hiếu luôn mang theo mình? Dùng nó để bắn chết Tướng Hiếu?

- Thứ ba.
Thời gian không đủ để thực hiện một âm mưu to lớn và tối mật có liên hệ đến nhiều người. Nội dung Bản tường trình như sau:
- 8 giờ sáng, Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập
- Sau đó TT Thiệu ra lịnh kiểm tra vị trí của các tướng lãnh trên toàn 4 quân khu.
- Khi đó chỉ có Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu và Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi đang ở Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Tướng Hiếu về Bộ Tư Lệnh QĐ3 vào lúc 9giờ sáng.

Về thời gian thì tất cả những hành động nêu trên ít nhất cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Vậy thì có thể xem như toàn bộ âm mưu được thực hiện từ 10 giờ sáng đến xế chiều. Một âm mưu gồm có rất nhiều người tham gia. Đó là:
-Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lịnh QĐ3.
- Trung Tá Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Tướng Toàn.
- Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát QĐ3.
- Người cảnh sát làm sát thủ.
Tổng Thống Thiệu ra lịnh giết Tướng Hiếu bằng điện thoại hay bằng công điện mật mã, hay cử người đi từ Sài Gòn lên Biên Hòa? Chi tiết nào chứng minh Tổng Thống Thiệu ra lịnh cho Tướng Toàn?
Đi từ Sài Gòn lên Biên Hòa phải mất khoảng 40 phút. Ra lịnh bằng điện thoại không thể bảo mật được. Công điện mật thì phải có người giải mã, đệ trình cho Tướng Toàn, nên khó bảo vệ tối mật được.
Ngoài ra còn có những người liên hệ như chiếc xe nào, tài xế nào chở viên cảnh sát đến và rước về. Phải có người nào đó đưa sát thủ vào văn phòng của Tướng Toàn…
Phòng làm việc của Tư Lịnh QĐ3 luôn luôn được canh phòng cẩn mật, không phải là một nơi công cộng mà ai muốn vào, muốn ra lúc nào cũng được.
Một kế hoạch mưu sát như thế thì cần phải cần sự phối hợp của nhiều người để phân công thực hiện từng chi tiết, ăn khớp với nhau mới thống nhất hành động được.
- Thứ tư
Kế hoạch tấn công phải đi kèm theo kế hoạch rút lui khi thất bại.
Những người thực hiện âm mưu ám sát Tướng Hiếu là những sĩ quan cao cấp, đã rất quen thuộc với những kế hoạch về chiến thuật và chiến lược. Có kế hoạch tấn công thì cũng phải có kế hoạch rút lui an toàn khi thất bại. Trường hợp người cảnh sát thất bại, bị bắt thì những người chủ mưu và thừa hành phải được an toàn. Vì thế, bốn bị cáo nêu trên (Toàn, Dưỡng, Đàm) không ai dại gì trực tiếp đứng ra chỉ đạo việc ám sát một tướng lãnh đang giữ chức vụ quan trọng của QLVNCH như Tướng Hiếu.
Tóm lại, một âm mưu tối mật do nhiều người thực hiệnkhông có thể thi hành từ lúc 10 giờ sáng đến xế chiều trong ngày 8-4-1975.

6* Tiểu sử Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu
Nguyễn Văn Hiếu sinh ngày 24-6-1929 tại Thiên Tân, Trung Hoa. Năm 1933 gia đình dọn về sinh sống ở tô giới Pháp là Thượng Hải. Năm 1949, Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền, ông Hiếu đang theo học tại Đại Học Aurore, gia đình trở về Sài Gòn. Năm 1950 chuyển ra Hà Nội.
Ngày 8-4-1975, Tướng Hiếu chết tại phòng làm việc. Ngày 10-4-1975 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký quyết định truy phong cấp trung tướng cho Tướng Hiếu.
Tang lễ được tổ chức theo lễ nghi quân cách và an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, bên cạnh phần mộ của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí.
Lúc 8 giờ tối ngày 29-4-1975, bà quả phụ cố Trung Tướng Nguyễn Văn Hiếu và 6 người con được di tản bằng trực thăng Chinook ra Hạm Đội 7 đậu ngoài khơi Vũng Tàu, sang định cư tại Philadelphia, bang Pennsylvania, HK.

7* Binh nghiệp

Cuối năm 1950, ông nhập ngũ vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (khai giảng ngày 5-11-1950).
Tốt nghiệp khóa 3, Trần Hưng Đạo, (ngày 25-6-1951) cấp bậc thiếu úy hiện dịch trong Quân Đội Quốc Gia thuộc khối Liên Hiệp Pháp.
Năm 1953 thăng trung úy. Do sức khỏe kém (bịnh lao phổi) nên phải vào Nam phục vụ ở Phòng 3 (Phòng Hành Quân) tại Bộ Tham Mưu, dưới quyền Đại Tá Trần Văn Đôn.
Năm 1954 thăng đại úy. Tháng 8 năm 1957 thăng thiếu tá. Tướng Trần Văn Đôn rút ông về phục vụ tại Phòng 3 của Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn 1. Cuối năm 1962 đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Học Viện US Army Command and General Staff College Fort Leavenworth, bang Kansas, Hoa Kỳ. Tháng 8/1963 trung tá Tham mưu trưởng Sư đoàn 1BB do Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí làm tư lịnh.

Sau đảo chánh 1963, giữ chức Quyền Tư Lịnh trong một thời gian ngắn, thay Đỗ Cao Trí. Sau đó được cử làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1, thay Đại Tá Trần Thanh Phong đi giữ chức Tư Lịnh Sư Đoàn 1BB
Ngày 1-1-1964 ông được cử làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2. Tháng 9/1964 nắm Tư Lịnh Sư đoàn 22BB, thay thế Thiếu Tướng Linh Quang Viên đi làm Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội. Tháng 10/1964 bàn giao Sư Đoàn 22BB cho Đại Tá Nguyễn Xuân Thịnh, trở về giữ chức Tham Mưu Trưởng QĐ2.
Tháng 5/1965 thăng đại tá. Tháng 6/1966 trở lại làm Tư Lịnh Sư Đoàn 22BB, thay Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Sằng đi làm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 2.
Ngày 1-11-1967, được vinh thăng chuẩn tướng. Tháng 8/1969, bàn giao SĐ 22BB cho Chuẩn Tướng Lê Ngọc Triễn, để đi làm Tư Lịnh Sư Đoàn 5BB, thay thế Thiếu Tướng Phạm Quốc Thuần về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức.

Năm 1970, được vinh thăng thiếu tướng. Tháng 6 năm 1971 bàn giao SĐ 5BB cho Đại Tá Lê Văn Hưng để đi làm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 1 do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lịnh.
Ngày 10-2-1972, Tướng Hiếu được Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đề cử giữ chức Phụ Tá đặc trách trong Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng.
Cuối tháng 10/1973 được bổ nhiệm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 3 đặc trách hành quân.
8* Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu là vị tướng tài ba và thanh liêm.
Đại Tá Trịnh Tiếu mô tả “Tướng Hiếu là một tướng lãnh tài đức vẹn toàn”. Có trình độ văn hóa cao, thông thạo Anh và Pháp ngữ, thông minh và trí nhớ tốt. Đánh giặc có bài bản theo lý thuyết quân sự nổi tiếng.
Tướng Hiếu đã từng giữ những chức vụ điều động những đại đơn vị như Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1 và TMT/QĐ2. Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3. Trước đó đã từng giữ chức Tư Lệnh các Sư Đoàn 22BB và SĐ 5BB

9* Kết luận

Những nguyên nhân gây ra cái chết của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một vị tướng lãnh tài ba lỗi lạc của QLVNCH vẫn còn chìm trong vòng bí ẩn.
Tướng Hiếu không phải chết do tại nạn, súng bị cướp cò trong khi lau chùi. Cũng không phải tự tử hay do Tướng Toàn bắn trong một vụ cãi vã. Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá xác nhận trong thời gian Tướng Hiếu chết thì Tướng Toàn họp với ông ở một phòng trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn.
Nghi vấn cái chết do hung thủ là một cảnh sát dưới quyền của Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quân Đoàn 3, không thuyết phục.
Sau gần 40 năm điều tra của ông Nguyễn Văn Tín cũng chưa có chứng cớ thật sự nào về cái chết của Tướng Hiếu cả.
Tướng Hiếu chết 22 ngày trước cái chết của Việt Nam Cộng Hòa (30-4-75). Tất cả để lại nổi đau của một dân tộc, Việt Nam Cộng Hòa.

Trúc Giang
Minnesota ngày 2-3-2015

Không có nhận xét nào: