Mặc dù chính sách “xoay trục sang châu Á” của cựu tổng thống Barack Obama dường như không còn được đặt nặng dưới thời Tổng thống Trump, và Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn không bỏ cuộc, theo nhận định của nhiều nhà phân tích chính sách.
Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) Murray Hiebert nói “các nhà lãnh đạo Việt Nam đã không phí phạm thời gian để tìm cách kết nối với tổng thống mới của Mỹ và quảng bá vai trò của Việt Nam” như một trong các đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.
"Có một số lý do tại sao Việt Nam làm điều đó. Một là anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc ở sát cạnh và đang tăng sức ép với Việt Nam trên biển Đông và nhiều nơi khác trong hơn 8 năm qua. Nhưng Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập mối quan hệ sâu rộng hơn với Mỹ dưới thời của Tổng thống Obama. Nhờ đó Việt Nam trở thành một thành viên của TPP để tìm cách giảm thiểu sự lệ thuộc nặng nề về kinh tế vào Trung Quốc và tìm kiếm những lựa chọn khác để thoát ra khỏi sự lệ thuộc này bằng cách tiếp cận với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Mexico và các nước thành viên khác của TPP," theo ông Hiebert.
Ngay khi lên nhậm chức vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Trump lập tức rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng chỉ hơn 1 tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ‘đánh tiếng’ trên trang Facebook của chính phủ rằng ông đã sẵn sàng sang Mỹ để thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ và bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Phúc sau khi nhậm chức vào đầu tháng này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiết lộ với Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Ted Osius trong một cuộc gặp rằng Tổng thống đương nhiệm của Mỹ đã gửi thư cho ông để tăng cường hợp tác 2 chiều. Các nhà phân tích nói bức thư này có thể đã làm Hà Nội bớt lo lắng hơn về nguy cơ Washington có thể bớt chú trọng tới Việt Nam, mặc dù bức thư của ông Trump cũng chưa thể hiện được bước đột phá nào trong tức thời.
Tuy chưa có phản hồi chính thức nào từ phía Mỹ nhưng nhà nghiên cứu Hiebert của CSIS tin rằng một số nhân vật làm việc trong các cơ quan trọng yếu ở Washington đang nắm bắt các tín hiệu từ giới lãnh đạo Việt Nam tuy rằng chính quyền Mỹ còn đang trong giai đoạn hình thành, nhân sự chưa đầy đủ và cũng đang trong giai đoạn hình thành chính sách.
"...dù đã có nhiều thay đổi giữa chính quyền Obama và chính quyền Trump nhưng chắc chắn trong các hồ sơ từ kinh tế đến quốc phòng, Việt Nam vẫn cần Mỹ và Mỹ cũng cần Việt Nam."
Chính sách của tổng thống Trump khi còn là ứng cử viên tổng thống và cả lúc mới nhậm chức là “đặt nước Mỹ lên trên hết” có xu hướng rút nước Mỹ ra khỏi vai trò lãnh đạo thế giới. Nhưng một nhà quan sát Việt Nam, Giáo sư Jonathan London của trường Đại học Leiden, Hà Lan, cho biết những động thái của tổng thống Trump gần đây cho thấy “sự hiện diện của Mỹ trên trường quốc tế có khuynh hướng quay lại với vai trò truyền thống trước đây”.
Theo giáo sư London “dù đã có nhiều thay đổi giữa chính quyền Obama và chính quyền Trump nhưng chắc chắn trong các hồ sơ từ kinh tế đến quốc phòng, Việt Nam vẫn cần Mỹ và Mỹ cũng cần Việt Nam. Một tỷ lệ rất lớn của tổng xuất khẩu của Việt Nam vẫn sang Mỹ. Đó là vì Mỹ đóng một vị trí không thể thay thế được trong chiến lược kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với giới đầu tư của Mỹ và quan trọng hơn là có 1 vị trí duy nhất đối với những vấn đề thuộc an ninh ở khu vực Đông Nam Á."
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 52 tỷ đô la vào năm ngoái. Lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ đạt hơn 10 tỷ đô la trong năm 2016, tăng hơn 43% so với năm trước đó, theo số liệu trong 1 bài phân tích của nhà nghiên cứu Hiebert.
Giáo sư London nói những gì mà chúng ta nhận thấy từ chính quyền của ông Trump ở Đông Nam Á thì “biên số lớn nhất đến nay chính là Việt Nam” nhưng nhà quan sát Việt Nam này cũng nói rằng vẫn chưa nhìn thấy “những trao đổi lớn nào” từ phía chính quyền Trump với Việt Nam cho tới lúc này.
Các nhà phân tích của Mỹ đều cho rằng Việt Nam đóng một vai trò chiến lược trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ dưới thời tổng thống Obama, và vẫn sẽ là một đối tác quan trọng trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Hiebert của CSIS nói “Việt Nam là một trong những đối tác đáng tin cậy trong khu vực đối với Mỹ” vì nhiều nước khác có bất ổn về chính trị. "Tôi nghe nhiều quan chức của Mỹ nói vậy, rằng Việt Nam tương đối ổn định về chính trị và họ có một nhóm nhân sự khôn ngoan về mặt đối ngoại và chiến lược quốc tế. Tôi cho rằng Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia có lối tư duy có tính chiến lược nhất trong khu vực Đông Nam Á."
Giáo sư London đồng ý với điều này và cho rằng đối với Hoa Kỳ, “Việt Nam có 1 vị trí chiến lược độc đáo và vẫn có một tầm quan trọng lâu dài trong khu vực”. Chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS nói Hoa Kỳ cần tiếp tục duy trì mối liên hệ với khu vực trong đó có Việt Nam.
Theo dự kiến vào đầu tháng 5 tới đây, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tiếp đón Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cùng với Ngoại Trưởng các nước ASEAN khác tại thủ đô Washington.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét