Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

NHẬT KÝ CỦA CÔ BÉ THÚY AN - Truyện của Phương Lan


Em có nghe tiếng kêu la trong suốt
Tuổi đôi mươi nhiều mơ ước yêu thương
Không tình yêu, chưa một lần ân ái
Hiến dâng đời tất cả cho quê huơng
<!>
… Và em có nghe giữa trời lồng lộng
Gió sững sờ chứng kiến cảnh tang thương
Giữa quê hương tràn đầy muôn xác chết
Máu lệ chan hòa, tiếng khóc thê lương
( Thơ Mặc Khách )
Tháng 11, năm 1972
Khai trường đã mấy tháng nay rồi, nhưng không khí học hành vẫn có vẻ uể oải, không phải bọn học trò chúng tôi còn luyến tiếc những ngày nghỉ hè đâu, nhưng bị ảnh hưởng của thời cuộc, chiến tranh lan tràn nên không còn tâm trí đâu mà học hành hăng hái như xưa.  Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên đầu còn xanh, tuổi còn thơ mà đã sớm biết ưu tư.  Đêm nằm nghe tiếng súng đại bác từ xa vọng về, lòng tôi không khỏi lo sợ và ray rứt xót thương cho những người vừa gục xuống.  Ôi quê hương khốn khổ! bao giờ mới chấm dứt chiến tranh để mọi người được sống yên vui?
Tháng 3, năm 1973
Sau mùa hè đỏ lửa năm ngoái, người chết nhiều quá, nhà nào cũng có thân nhân hoặc gần, hoặc xa bị chết trong lửa đạn, không khí tang tóc bao trùm khắp nơi.  Lệnh tổng động viên ban hành, gia đình nào cũng có người phải đi lính, không chồng thì cha, hoặc con em phải lên đường tòng quân, thi hành nghĩa vụ công dân.  Trường tôi cũng có vài nam giáo sư trẻ vừa nhận được giấy gọi trình diện nhập ngũ.  Không khí xao động, chúng tôi chẳng còn tâm trí đâu mà học hành, đến lớp, bài vở không lo, chỉ túm năm, tụm ba bàn chuyện chiến sự, anh em bạn bè đi lính ai còn, ai mất… 
Tháng 12, năm 1974
Trường Trưng Vương nghe đồn là có ma, chẳng ai biết thực hư ra sao,  nhưng chẳng một ai trong bọn chúng tôi thấy ma lần nào cả, cho tới một hôm… Sau giờ toán hắc búa với thầy Nguyễn Tá, trống ra chơi vừa điểm, bọn chúng tôi ùa ra khỏi lớp, tôi cùng các bạn xuồng cầu thang để ra sân trường.  Khi xuống hết chân thang thì tôi trông thấy bọn họ đang đi dọc theo hành lang ở phía dưới, một bọn ba người, hai nam và một nữ, cô gái mặc đồng phục học trò như chúng tôi.  Thoạt trông họ không có gì khác lạ cả, chỉ trừ việc hai chàng thanh niên kia, làm sao họ lọt vô đây được? đi khơi khơi giữa một đám đông toàn là nữ sinh mà không  gợi sự tò mò của mọi người, quả là một sự lạ lùng.  Nhưng hình như không ai trông thấy bọn họ cả, chỉ trừ mình tôi.  Tôi nhìn họ chăm chú vì thấy họ có một vẻ gì hơi khác với người bình thưòng. 
-         Này! nhìn xem ba người kia đang đi trên hành lang, trông họ giống ma quá.
Tôi buột miệng kêu lớn lên lên như thế, thật là một điều không nên.  Quả vậy, Hạnh cười ầm lên:
 -    Ma à? mày có điên không?
Diễm thì không nói gì cả, nhưng nó nhìn tôi bằng ánh mắt chế diễu, cả hai đứa như muốn nói:
-         Con này chắc quáng gà, ma gì giữa ban ngày?
-         Nhưng tụi bay có nhìn thấy họ không? hai người con trai và một 
      cô gái mặc áo dài xanh đồng phục?
-         Mày nói gì thế? Diễm hỏi, tao không nhìn thấy đứa con trai nào 
     hết, còn đứa con gái nào ở trường này mà chẳng mặc đồng phục 
     xanh? hôm nay thứ Hai là ngày chào cờ mà?
Bây giờ thì tôi bắt đầu hiểu, chỉ một mình tôi trông thấy bọn họ thôi, những người khác không ai thấy cả.  Tóc gáy tôi dựng ngược và mồ hôi lạnh chảy dài suốt dọc tấm lưng, nhưng rồi cảm giác sợ hãi đó biến đi nhanh chóng, nhường chỗ cho một trạng thái lạ lùng chưa từng có.  Tôi có cảm giác như người đang sống trong một giấc mơ, mọi vật chung quanh đều mờ dần… Bất thình lình cái hành lang dưới chân thang trở nên tối om và dơ bẩn, một trận gió mạnh thổi suốt dọc hành lang, đem theo cát bụi từ ngoài sân.  Rồi một thứ ánh sáng kỳ lạ được thắp lên, tôi có thể phân biệt hai loại người đang ở trong hành lang: một loại như bọn tôi - những người sống - thì trở nên những bóng mờ, và một loại như bọn họ - những con ma - thì trở nên trong suốt và sáng rực.  Tôi có thể nhìn thấy họ thật rõ ràng, trông họ hiền lành và không có vẻ gì là đe doạ cả, họ đứng ngay dưới chân thang và đang nói chuyện với nhau, tôi chú ý nhưng không nghe được tiếng nào.  Tôi kéo tay Hạnh:
-         Nhìn kìa! cô gái có mái tóc thề, và người thanh niên cao lớn, đeo kính trắng, khá đẹp trai, còn anh kia mập, tóc húi cua.  Chúng mày có trông thấy họ không?
Giọng tôi vang lên như từ một nơi xa xôi hoặc như giọng một người xa lạ nào đó, không ai trả lời.  Bỗng ánh sáng đổi trở lại, tất cả đều trở nên bình thường như lúc trước.  Tôi quay lại và nhìn vào những người bạn tôi và cả những học sinh khác, trông họ bình thản, tôi chắc chắn rằng không ai nhìn thấy cảnh tượng đó như tôi đã nhìn.  Tôi thở ra một hơi dài:
-         Dẹp chuyện đó đi, chúng mình vô lớp thôi, nhanh lên kẻo trễ!
Khi tan học, Diễm và Hạnh dường như quên hoàn toàn câu chuyện hồi sáng, nhưng tôi không thể nào quên được, vì những ngày sau đó tôi còn nhìn thấy bọn họ nhiều lần nữa.  Có vài lần, người thanh niên cao lớn nhập bọn với chúng tôi bước trên hành lang, và một lần tôi trông thấy cô gái tóc thề ngồi sát bên cạnh Diễm, ngay giữa lớp học… Nhưng tôi đã được một bài học là không nên nói chuyện ma quái này với bất cứ ai thêm nữa, chắc chắn chỉ làm trò cười cho mọi người, không ai tin tôi cả, họ còn bảo tôi điên là khác.  Nhưng thật sự tôi không cảm thấy sợ những con ma này tí nào, bọn họ có vẻ quen thuộc với ngôi trường này lắm và cũng tỏ ra tử tế, không doạ nạt ai cả.
Một ngày, tôi phải ở lại trường trễ một chút để sửa lại cái xe đạp bị tuột xích.  Học trò đã ra về cả, sân trường vắng hoe, bất thình lình tôi thấy cô ta đứng ngay cạnh tôi trong nhà để xe, tôi muốn nói cô gái tóc thề, cô ta vẫn mặc đồng phục xanh mặc dù hôm nay không phải thứ Hai.  Cô ta cố gắng để nói chuyện với tôi, chỉ thấy miệng cô ta mấp máy, nhưng tôi không nghe thấy gì hết.  Tôi hỏi:
-         Chào chị! tên chị là gì?
Nhưng cô ta dường như không nghe tôi hỏi, chúng tôi cứ đứng nhìn nhau một lúc khá lâu, không biết cách nào có thể giao tiếp… Chợt một ý tưởng đến với tôi, cô ta có thể đọc được những ý nghĩ của tôi, biết đâu đấy? thế là tôi vội im bặt, cố hết sức tập trung tư tưởng, hỏi rằng:
-         Chị là ai?
Quả là hiệu nghiệm, cô ta cũng ngừng mấp máy môi, và tôi đọc được câu trả lời:
-         Tôi là Nguyễn Thị Bích Vân, còn chị tên gì?
-         Vũ Thúy An!  Tôi trả lời cũng bằng cách tập trung tư tưởng, đã nhiều lần tôi nhìn thấy chị và hai anh kia, nhưng các bạn tôi không tin như vậy.
-         Phải rồi, họ không tin rằng linh hồn có thể hiện ra thành hình ảnh, họ không tin là có một thế giới khác, một thế giới siêu hình, nhưng sự thật thì có đấy, như chị đã thấy.
Chúng tôi nói chuyện tới đây, thì tôi cũng vừa nhìn thấy hai người thanh niên mới xuất hiện cạnh Bích Vân, họ có vẻ vừa đi đâu về.  Cả bốn chúng tôi cùng nói chuyện, cùng suy nghĩ, cùng tập trung tư tưởng hay có thể gọi là gì cũng được, nhưng mục đích chính là có thể đọc được những ý nghĩ của nhau.  Tôi muốn biết tại sao họ lại có mặt ở ngôi trường Trưng Vương này, tôi hỏi:
-         Tại sao các anh chị lại quanh quẩn ở đây?
Tôi đọc được câu trả lời trong tư tưởng của Bích Vân, cô ta kể cho tôi nghe tất cả câu chuyện:
-         Chúng tôi đều là học sinh ở đây, tôi muốn nói tôi học ở Trưng Vương, và hai anh này học ở trường Võ Trường Toản kế bên.  Tôi là em anh Danh, và anh Danh là bạn cùng lớp với anh Hoàng.  Chúng tôi thân nhau lắm, năm xưa vẫn đi học chung, suốt thời gian bảy năm từ khi còn nhỏ cho tới khi ra trường.  Chị biết đấy, đất nước mình chẳng bao giờ thanh bình, chiến tranh, chiến tranh cứ kéo dài không biết bao giờ mới dứt… Khi anh Danh và anh Hoàng thi rớt tú tài thì bị gọi động viên, còn tôi vẫn ở lại trường, tiếp tục việc học với một tâm trạng bất an, vừa buồn nản vừa lo sợ.  Sau khóa huấn luyện quân sự, hai anh được xung vào nghĩa quân, đơn vị trấn đóng ở Củ Chi.  Nơi đây là một vùng xôi đậu, ban ngày phe quốc gia và lính Mỹ thỉnh thoảng lại đột ngột mở các cuộc truy lùng Việt cộng, xông vào làng lục soát, bắt bớ.  Ban đêm, những người từ Mặt Trận giải Phóng lén lút về hoạt động tuyên truyền, đe dọa, khủng bố những gia đình có con em đi lính quốc gia.  Bị kẹt giữa hai phe, dân chúng khổ trăm bề, và mặc dù chiến tranh gây đau thương tang tóc, nhưng những người dân hiền lành, tội nghiệp vẫn cố bám lấy mảnh đất quê nghèo, nơi chôn nhau cắt rốn thật khó mà xa lìa.  Vả lại còn đi đâu nữa? trên toàn quốc đâu có nơi nào yên bình, không có đạn bom?
Trong một lần đi thăm hai anh, tôi bị tử thương trong một tai nạn xe đò cán phải mìn không biết của bên nào.  Sau đó ít lâu, hai anh Danh và Hoàng đều lần lượt tử trận trong những cuộc giao tranh dữ dội giữa hai phe.  Ngưòi chết như rạ, hàng ngàn tấn bom đạn trút xuống, cày nát vùng quê hiền hoà.  Không khí điêu linh, tang tóc khắp nơi, đâu đâu cũng có những thảm cảnh con khóc cha, vợ khóc chồng, cha mẹ kêu gào bên xác con… Ôi đau đớn thay là cuộc chiến tàn khốc! những thây người gục ngã, những giòng máu nóng đổ ra thấm đỏ mảnh đất quê huơng, những giòng máu đó đều là của người Việt Nam…
Khi chết đi, chúng tôi còn rất trẻ và đều có những ẩn ức, những tiếc hận nên không thể siêu thoát được.  Chúng tôi lưu luyến trường cũ, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ tiếc thuở còn cắp sách đến trường là thời gian sung sướng nhất trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của chúng tôi.  Sau khi chúng tôi chết đi, không hẹn mà cùng quay về trường cũ và gặp nhau ở đây, như vậy đã gần sáu năm rồi…
-         Đã sáu năm rồi à? sao mãi tới bây giờ mới thấy các anh chị xuất hiện?
-         Chúng tôi vẫn quanh quẩn ở đây đó chứ, nhưng không muốn cho ai nhìn thấy cả.
-         Thế còn bây giờ?
-         Bây giờ à? bây giờ thì…
Bích Vân ngập ngừng không muốn nói, Hoàng phải tiếp tục câu chuyện:
-         Sắp có một biến cố quan trọng lắm xảy ra, chúng tôi không về trường được nữa, đúng ra chúng tôi không muốn về...
-         Biến cố gì vậy?  Tại sao các anh chị lại không th về trường? các anh chị có cần tôi giúp đỡ gì không?
-         Không! không ai làm gì được cả, chúng tôi là những người đã chết nên không sao.  Còn chị sẽ gặp vận hạn lớn lắm, nhưng chúng tôi cũng không thể cứu chị được.
-         Sao? tôi gặp nạn à? tại sao phải cần người cứu?  Tôi ngạc nhiên hỏi, tim đập mạnh, hồi hộp hết sức.
-         Đúng vậy! nhưng chúng tôi không giúp chị được.
-         Trời ơi! chuyện gì vậy? anh chị có thể cho tôi biết trước được không?
Tôi sợ hãi kêu lên và không còn tập trung tư tưởng được nữa.  Cả ba người đều nhìn tôi bằng những cặp mắt buồn rầu, còn mắt tôi thì lạc thần.  Khi tôi ngẩng lên thì họ đã biến mất.  Suốt tuần lễ sau đó, câu chuyện của họ cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi bỗng có cảm giác rằng mình sắp chết, tôi phải làm gì bây giờ? có nên tin những gì họ nói không?
Tháng 1, năm 1975
Ngày tháng dần trôi, chẳng có gì xảy ra, tôi tự trấn an, họ nói có biến cố quan trọng, chứ đâu có nói tai nạn? những người bạn ma của tôi bây giờ đang ở đâu?
Gần đến Tết, không khí trong trường rộn rịp khác thường, các lớp đều tổ chức viết bích báo và tập dượt văn nghệ.  Năm nay có ban nhạc bên trường Chu Văn An sang giúp vui, thôi thì đàn ca, múa hát nhộn nhịp, mọi người tạm quên đi những lo lắng về thời cuộc.  Tôi được giao cho phần viết bích báo, tôi chợt nẩy ra ý định viết một bài về những người bạn ma của tôi, dĩ nhiên tôi không đả động đến chuyện ma quái.  Nhưng tôi viết một bài thơ về họ, về những người học sinh vừa rời ghế nhà trường đã chết trong chiến tranh.  Bài thơ của tôi được đăng trên bích báo và may mắn thay lại được chọn để ngâm vào dịp trình diễn văn nghệ tất niên. Tôi nhớ tha thiết những người bạn ma của tôi, tôi mong họ lắm, nhưng từ hôm đó không thấy họ hiện ra nữa, tôi tự hỏi không biết họ có thích bài thơ này không?
Tháng 2, năm 1975
Rồi ngày tất niên cũng tới, một ngày tưng bừng vui vẻ, đủ mọi tiết mục văn nghệ.  Bọn học trò chúng tôi nửa vui, nửa buồn, vui vì Tết sắp tới sẽ được nghỉ hai tuần, buồn vì chiến tranh gia tăng tốc độ, thời cuộc có nhiều diễn biến bất ngờ, Phước Long thất thủ và chiến cuộc bùng nổ lớn ở mấy tỉnh miền Trung.  Gần cuối chương trình, Hân lên máy vi âm giới thiệu:
-         Để kết thúc chương trình, xin mời thầy cô và các bạn học sinh nghe giọng ngâm của Hoàng Oanh qua bài thơ “Vĩnh biệt” của Vũ Thúy An, để vinh danh những người lính trẻ đã chết cho quê hương.
Giọng của Hoàng Oanh thật ngọt ngào, rung cảm làm tăng giá trị của bài thơ rất nhiều, đến chính tôi cũng ngạc nhiên, khán giả như bị ru hồn vào những lời thơ buồn não nuột. Tôi chợt có một cảm giác lạ như có ai đang nhìn mình, khi ngẩng lên, tôi dụi mắt… Kìa! các bạn ma của tôi hiện ra ngay trên sân khấu, họ đứng sau lưng Hoàng Oanh, cả ba lắng nghe và mỉm cười.  Khi bài thơ chấm dứt, họ nhìn tôi và vẫy tay, tôi nhìn thấy họ rõ tới nỗi suýt nữa tôi cũng đưa tay vẫy lại.  Thoáng một chốc, họ đã biến mất, tôi chợt cảm thấy cô đơn giữa một rừng người vây quanh, tôi có cảm giác đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy họ.
Nhật ký chấm dứt tại đây, một người vô tình lượm được quyển nhật ký này ở trong sân toà Đại sứ Hoa Kỳ, quyển nhật ký vấy máu đề tên Vũ Thị Thúy An lớp đệ Tam C trường Trưng Vương.  Trong cơn sốt động của một ngày gần cuối tháng Tư, cô bé Thúy An đã cùng gia dình theo chân đoàn người hốt hoảng tràn vào toà đại sứ Mỹ, xô đẩy nhau leo lên trực thăng để được ra nước ngoài.  Không biết phải gọi là may mắn hay bất hạnh khi cô lọt được vào bên trong trực thăng.  Sợ hãi vì thấy cha mẹ, anh em còn kẹt ở bên ngoài, cô hốt hoảng nhào vội ra cửa, định chạy xuống.  Nhưng không kịp, cánh cửa trực thăng vừa đóng lại, thân hình cô đã lọt ra khỏi cửa, nhưng một bàn tay bị kẹt lại, bàn tay vẫn còn đang bám vào cánh cửa.  Thúy An treo lơ lửng như một người làm xiếc khi trực thăng bốc lên cao, cô rớt xuống như một quả sung rụng, chết tan xác trước những cặp mắt kinh hoàng của những người thân của cô đang đứng ở phía dưới.  Ôi, cái giá của tự do sao quá đắt!  Những người có mặt ở trong sân toà đại sứ Mỹ hôm đó chắc không bao giờ quên được cảnh này, chuyến đó là chuyến cuối cùng bốc người đi di tản. 
PHƯƠNG - LAN

Không có nhận xét nào: