Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 6/7 - Lê Minh Nguyên



Biển Đông: Manila sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh sau phán quyết của Tòa Trọng Tài --- Biển Đông: Việt Nam và phán quyết của Tòa Trọng Tài --- Ngũ Giác Đài: Bất cứ điều gì tăng căng thẳng ở Biển Đông đều phản tác dụng<!->

Trong diễn văn đọc trước giới sĩ quan không quân ngày 06/07/2016, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề nghị đối thoại với Trung Quốc về phán quyết của Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, sẽ được công bố vào đầu tuần tới.

Theo AFP, tân tổng thống Philippines cho biết ông tin rằng phán quyết mà Toà công bố ngày 12/07 sẽ thuận lợi cho Manila hơn là cho Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trước các sĩ quan không quân Philippines, tổng thống Rodrigo Duterte bắn tín hiệu với Trung Quốc là nếu phán quyết này « thuận lợi » cho Philippines như dự kiến thì « chúng ta nên đối thoại ».
Đề nghị đối thoại này được giới phân tích xem là Manila đã chọn thái độ mới. Tổng thống tiền nhiệm, Benigno Aquino từ chối mọi thảo luận song phương với Trung Quốc, vì e ngại bị đối thủ khổng lồ lấn áp.
Lời kêu gọi đối thoại của tân tổng thống Philippines cũng trùng hợp với thời điểm biểu tượng mà Trung Quốc chọn để biểu dương sức mạnh qua cuộc tập trận ở Hoàng Sa kéo dài đến ngày 11/07, tức một ngày trước khi Toà Án Trọng Tài Thường Trực công bố phán quyết, mà Bắc Kinh nói trước là sẽ không công nhận giá trị.

Chưa có thông tin về phản ứng của Bắc Kinh về đề nghị mới của Manila. - RFI

Ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết trong vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Vậy Việt Nam sẽ phản ứng ra sao ? Sau đây là nhận định của giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, khi trả lời các câu hỏi của báo giới, ngày 03/07.

1/ Theo giáo sư, Việt Nam theo dõi vụ kiện này ra sao?

Việt Nam theo dõi rất sát sao vụ kiện lên Tòa Án Trọng Tài La Hya. Trong vụ này, Việt Nam đã đệ trình lên Tòa một tuyên bố về các quyền lợi của mình và đã được phép gửi quan sát viên đến theo dõi các phiên điều trần. Việt Nam cũng đã chính thức tuyên bố là Tòa có thẩm quyền trong vụ kiện này.

Việt Nam cũng theo dõi xem các thủ tục này ảnh hưởng ra sao đến ổn định tại Biển Đông. Mọi đối đầu về chính trị-ngoại giao hoặc trên một lĩnh vực nào khác, sẽ có các tác động tiêu cực đối với môi trường an ninh trực tiếp của Việt Nam.

2/ Phán quyết của Tòa có hệ lụy ra sao đối với Việt Nam?

Các cuộc điều trần tại Tòa cho thấy tất cả các nước, dù lớn hay bé, đều có các quyền, chiểu theo luật pháp quốc tế. Việt Nam đã thăm dò khả năng kiện nhưng đã kìm lại, không làm. Thắng lợi của Philippines sẽ mở cửa cho Việt Nam dùng tới điều chỉnh của pháp luật nếu Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn.
Nếu Tòa Án Trọng Tài giải quyết vấn đề mà Philippines đưa ra qua việc xác định quy chế hợp pháp của các thực thể – đảo, đá, thực thể nửa chìm nửa nổi – thì Việt Nam sẽ chịu áp lực là phải làm rõ quy chế pháp lý các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. Nếu Việt Nam làm như vậy, thì có thể là sẽ có những vùng biển chồng lấn với Philippines và Trung Quốc. Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc phân định vùng biển với Philippines nhưng công việc này sẽ không được Trung Quốc thừa nhận.

3/ Trong thời gian sắp tới, liên quan đến những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam sẽ hành động ra sao ?

Trong các tuyên bố của mình, Việt Nam khẳng định ủng hộ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Do vậy, Việt Nam sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan hoặc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng và thực hiện các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài hoặc nói một cách ít nhất có thể để tránh làm Trung Quốc nổi giận.
Cho đến nay, các quan chức Việt Nam vẫn tuyên bố rằng kiện tụng là giải pháp cuối cùng. Việt Nam có thể dành ưu tiên cho các cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc về các tranh chấp trên biển giữa hai nước mà không liên quan gì đến nước khác.
Việt Nam sẽ có lập trường theo kiểu “chúng tôi có thể nghĩ tới việc kiện tụng, nhưng chúng tôi lại muốn để nước khác làm việc này”. Việt Nam luôn luôn thận trọng và thực dụng, cân nhắc cách tiếp cận có lợi nhất. - RFI

Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 6/7 cảnh báo với Mỹ rằng sẽ phải trả giá nếu “điều mấu chốt” của Trung Quốc về Biển Đông bị vi phạm. Tờ Nhân dân Nhật báo đăng xã luận viết rằng nếu Mỹ chọn cách hành xử là gây áp lực và hăm dọa nước khác, sẽ chỉ có một kết cục và Mỹ sẽ phải chịu mọi trách nhiệm về việc căng thẳng có thể gia tăng. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển quan trọng, bất chấp những phản đối và tranh chấp gay gắt với Việt Nam. Philippines và một số bên khác.

Tại Ngũ Giác Đài hôm 5/7, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ Peter Cook đã phát biểu về những lời lẽ đao to búa lớn gần đây của Trung Quốc. Ông Cook nói bất cứ điều gì làm leo thang căng thẳng ở khu vực đó của thế giới đều phản tác dụng. Ông cho biết Washington đã chỉ ra con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp hàng hải.
Trung Quốc hiện đang thực hiện tập trận quân sự kéo dài một tuần quanh quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) trước một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye, dự kiến sẽ đưa ra hôm 12/7, về một khiếu nại của Philippines thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Hôm 5/7, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi đối thoại, chứ không phải là chiến tranh, với Trung Quốc về phán quyết mà Bắc Kinh nói họ sẽ không công nhận.

Nhà phân tích Steven Rood thuộc Quỹ Châu Á nói với VOA rằng ông Duterte không rút lui khỏi hành động pháp lý do chính phủ trước đây của ông Aquino nộp lên tòa, mà chỉ là thay đổi chiến thuật. Ông Rood nói mọi dấu hiệu cho thấy tòa của Liên Hiệp Quốc sẽ phán quyết có lợi cho Manila, nhưng vì còn nhiều điều không chắc chắn về ý nghĩa sâu xa của phán quyết, ông tiên liệu rằng sẽ có một loạt các cuộc họp riêng và công khai để đánh giá tác động của phán quyết. - VOA

2.
Kết luận điều tra ở Anh: Can thiệp quân sự ở Iraq là sai lầm nghiêm trọng --- Bài học cho Anh quốc về cuộc chiến Iraq

Người đứng đầu một cuộc điều tra về vai trò của nước Anh trong chiến tranh Iraq hôm 6/7 nói rằng cuộc xung đột này là “một hành động can thiệp đã trở thành sai lầm nghiêm trọng với những hậu quả còn kéo dài cho tới ngày nay”.
Ông John Chilcot, một cựu công chức, phát biểu như vậy giữa lúc ủy ban của ông công bố một phúc trình được chờ đợi từ lâu, dựa trên các cuộc điều trần công khai trong nhiều năm qua và sau khi phân tích 150.000 tài liệu. Ủy ban này đang tìm những câu giải đáp về vấn đề là cuộc tiến quân do Mỹ lãnh đạo có cần thiết hay không, và liệu tình trạng bất ổn diễn ra tiếp theo sau lẽ ra nên được dự đoán từ trước.

Ông Chilcot nói: “Hành động quân sự ở Iraq có thể là điều cần thiết tại một thời điểm nào đó, nhưng vào tháng Ba năm 2003, không có mối đe dọa tức thời nào từ Saddam Hussein”. - VOA

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bày tỏ “nỗi buồn, hối tiếc và xin lỗi” sau khi có một báo cáo lớn của Anh về cuộc chiến Iraq công bố hôm 6/7.
Nhưng ông nói ông không cố tình lừa dối quốc hội và không hối tiếc việc lật đổ Saddam Hussein.
“Tôi bày tỏ nhiều nỗi buồn, hối tiếc và xin lỗi hơn những gì các bạn có thể biết hay tin,” ông Blair nói trong bài phát biểu tại London.
“Nhưng như báo cáo chỉ ra, đã không có dối trá, quốc hội và chính phủ không bị lừa dối.”
“Tôi tin mình đã có quyết định đúng và thế giới tốt hơn khi không còn Saddam Hussein.”
“Tôi tin rằng nếu chúng ta học các bài học đúng, thế hệ kế tiếp sẽ chứng kiến hòa bình ở Trung Đông.” 

Người đứng đầu cuộc điều tra về việc Anh quốc tham chiến ở Iraq nói chính phủ lúc đó chưa tìm hiểu hết các giải pháp trước khi ra quyết định.
Sir John Chilcot nói hành động quân sự "chưa phải lựa chọn cuối cùng".
Ông cũng cho rằng các suy xét về vũ khí giết người hàng loạt của Iraq "được trình bày với một sự đoan chắc chưa được kiểm chứng" và kế hoạch hậu chiến "hoàn toàn không phù hợp".

Sir John đã trình bày về cuộc điều tra vào lúc 11:35 BST (17:35 giờ Hà Nội).
Bản kết quả điều tra 12 tập về cuộc chiến Iraq được thực hiện trong thời gian bảy năm, được gọi là Phúc trình Chilcot.
Sir John nói ông hy vọng các hành động quân sự quy mô như vậy trong tương lai sẽ chỉ được quyết định sau khi có các phân tích và suy xét chính trị cần trọng hơn.
Phúc trình Chilcot được trông đợi sẽ chỉ trích một số cá nhân và tổ chức.
Nó cũng được trông đợi giải đáp một số câu hỏi của gia đình các quân nhân Anh đã chết trong cuộc chiến Iraq.
179 người Anh thiệt mạng ở Iraq trong thời kỳ 2003 - 2009.
Phúc trình khổng lồ này đã được chuyển cho Thủ tướng David Cameron và sẽ được công bố trên mạng internet.

Chiến tranh Iraq

Hoa Kỳ bắt đầu cuộc chiến vào tháng 3/2003. Nước này mất 4.487 quân nhân trong cuộc chiến. Số người Iraq thiệt mạng theo các thống kê khác nhau là từ 90.000 tới hơn 600.000.
Chiến sự kéo dài khoảng sáu tuần đã lật đổ chính thể Saddam Hussein vốn cầm quyền 25 năm ở Iraq, và nhiều nghìn người chết trong những năm tháng bạo lực sắc tộc diễn ra sau đó.
Cuộc tấn công đẫm máu nhất xảy ra mới cuối tuần rồi, khi dân quân Nhà nước Hồi giáo đánh bom liều chết vào thủ đô Baghdad của Iraq, giết chết hơn 250 người.

Sir John nói ông tin rằng bản phúc trình 2,6 triệu chữ đã điểm lại đầy đủ các yếu tố dẫn đến quyết định Anh quốc tham chiến tại Iraq.
"Tôi trông đợi rằng trong tương lai, [nước Anh] không thể tham gia các hoạt động quân sự hay thậm chí cả ngoại giao quy mô và hậu quả sâu rộng như thế mà không có các phân tích, đánh giá phản biện cũng như suy xét chính trị tập thể cẩn trọng trước đó."
Sau cuộc tấn công 11/9/2001 ở nước Mỹ làm 3.000 người thiệt mạng, ý tưởng hành động chống Saddam Hussein nhanh chóng được mang ra bàn luận.

Hoa Kỳ và Anh Quốc là hai nước nằm trong liên minh quốc tế từng tham chiến từ cuối 2001 ở Afghanistan, vốn bị cho là nơi trú ẩn của khủng bố, nhằm tiêu diệt Taliban.
Tháng 1/2002, Tổng thống Bush gọi Iraq là một trong "các trục ma quỷ" và mở "cuộc chiến chống khủng bố", chống al-Qaeda và các nhóm khác.

Trao đổi giữa Bush và Blair

Cuộc điều tra cũng xem xét kỹ các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ lúc đó, George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair.
Trong đó có cuộc gặp tại trang trại của ông Bush ở Texas hồi tháng 4/2002 để bàn về Iraq và tại đây ông Blair đã hứa hẹn ủng hộ Hoa Kỳ nếu xảy ra hoạt động quân sự.
Thư ông Blair gửi cho ông Bush ngày 1/10/2001 có viết: “Chúng ta cần phải đối phó với Saddam Hussein.”
“Các lực lượng đối lập ở Trung Đông đã sẵn sàng cho việc lật đổ Saddam Hussein, nhưng họ đang bị rối loạn bởi các hoạt động hiện nay (oanh kích Afghanistan...) Tôi cho rằng cần phải đối phó với Saddam Hussein".
"Nhưng nếu chúng ta đánh Iraq bây giờ, chúng ta sẽ không được ủng hộ của khối Arab, Nga và có thể nửa châu Âu và tôi sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến Pakistan. Tuy nhiên, tôi đảm bảo chúng ta sẽ nghĩ ra một kế sách để đối phó với Saddam sau này.”
Thư ông Blair gửi cho George W. Bush ngày 28/07/2002 khẳng định: “Tôi sẽ đứng về phía ông, cho dù thế nào...."

"Lật đổ Saddam Hussein là một việc cần phải làm. Ông ta có thể là mối đe dọa trong tương lai. Chế độ của ông ta và Bắc Triều Tiên là hai thể chế tàn bạo và vô nhân đạo nhất trên thế giới."
"Câu hỏi đầu tiên là: chúng ta có muốn/cần một liên quân hay không? Mỹ có thể làm chuyện này một mình, với sự hỗ trợ của Anh. Điều nguy hiểm với những chuyện như thế này là hậu quả không tính được."
Ông Blair cũng đề cập tới điều mà ông gọi là 'rủi ro'.

"Nếu chúng ta giành thắng lợi nhanh chóng, mọi người sẽ là bạn của chúng ta. Nếu không, chúng ta có thể bị tố cáo ngược lại.”
Quyết định gây tranh cãi
Quyết định điều quân Anh tham chiến Iraq của Thủ tướng Tony Blair, theo sau cuộc bỏ phiếu chuẩn thuận việc này tại Hạ viện, là một trong các quyết định đối ngoại gây tranh cãi nhất trong 50 năm qua.
Ông Blair là một trong số hơn 100 nhân chứng ra điều trần trong quá trình điều tra.
Ngoài biên bản hai lần điều trần của ông, bản phúc trình còn phân tích các tài liệu đã giải mật của chính phủ, các đánh giá của tình báo Anh về năng lực vũ khí của Iraq và các trao đổi riêng tư giữa hai ông Blair và Bush về xung đột Iraq cũng như về cơ sở cho quyết định tham chiến.
Các nhà điều tra đã "thu thập, đánh giá và phân tích" 150.000 tài liệu của chính phủ.

Ông cựu thủ tướng Anh bị cáo buộc về nguyên tắc đã đồng ý ủng hộ can thiệp quân sự vào Iraq từ tháng 4/2002 và đã "thổi phồng" và "lạm dụng" thông tin tình báo về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Điều này chính phủ Anh từng bác bỏ.
Ông Blair cũng nhiều lần biện hộ cho quyết định điều quân Anh tới Iraq, nói rằng ông sẽ lại làm như vậy nếu thấy đe dọa nghiêm trọng từ Saddam Hussein.
Nhưng sau đó ông cựu thủ tướng đã xin lỗi về điều mà ông gọi là thiếu thông tin tình báo về liệu Iraq có trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt hay không và khả năng sử dụng thế nào.

Xin lỗi

Cựu thủ tướng Tony Blair đã ra phản ứng sau khi có kết quả điều tra. Ông nói: “Tôi hy vọng sai lầm của tôi sẽ là bài học cho những lãnh đạo tương lai. Mỗi ngày qua, tôi đều nghĩ và nhớ về những chuyện đã xảy ra.”
Ông Blair lập luận rằng nếu quyết định tham chiến vào năm 2003 bị chậm trễ, việc tổ chức lại lực lượng liên quân sẽ rất khó khăn, trong khi đó vị thế của Saddam Hussein ngày một mạnh hơn.
“Cho dù các bạn không đồng ý với việc hạ bệ Saddam Hussein vào năm 2003, các bạn cũng nên cám ơn vì đã không phải đối phó với ông ta vào lúc này.”
Ông thừa nhận rằng rất nhiều người sẽ không thông cảm cho quyết định của ông.
Ông Blair nói ông hối hận vì có nhiều người thiệt mạng. “Tôi đưa ra quyết định với niềm tin tưởng vào những thông tin tình báo tôi được cung cấp,” ông Blair nói.
Ông nói thêm: “Tôi nói với những người có suy nghĩ đúng đắn rằng ‘Hãy đọc đầy đủ các thông tin và nói xem liệu quý vị có đưa ra những quyết định như tôi hay không’.”
Ông Blair nhắc lại điều này lần nữa và cho rằng “không có gì mâu thuẫn trong việc nói ‘Tôi xin lỗi vì đã có những người thiệt mạng’ nhưng không phải ‘Tôi xin lỗi vì những quyết định đã đưa ra’.” - BBC

3.
Bắc Triều Tiên bất ngờ mở đập, xả nước xuống miền Nam

Bắc Triều Tiên sáng sớm 6/7 đã tháo nước từ một con đập ở gần ranh giới tiếp giáp với miền Nam mà không báo trước, làm tăng những lo sợ về nạn lụt tại những khu vực vốn đã bị tác động nặng nề bởi các cơn mưa trút trong mấy ngày gần đây.
Bắc Triều Tiên không báo trước cho các giới chức Nam Triều Tiên về quyết định xả nước ở con đập này.
Seoul nói rằng họ không tin là Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một “cuộc tấn công bằng nước lụt” nhưng đang theo dõi sát mực nước tại đập Hwanggang.

Không có thương vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng nào được báo cáo sau vụ tháo nước ngày 6/7, nhưng Nam Triều Tiên đã sơ tán dân chúng sinh sống dọc theo sông Imjin.
Cư dân tại các vùng dễ xảy ra nạn đất chuồi và lụt lội đã được sơ tán hồi đầu tuần này sau nhiều ngày mưa lớn. - VOA

Tin Hoa Kỳ
4.
Ngoại trưởng Kerry trấn an Gruzia và Ukraine về sự hậu thuẫn của phương Tây

Trong một cố gắng nhằm trấn an Gruzia và Ukraine rằng Hoa Kỳ cam kết giúp bảo vệ an ninh cho hai nước này, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đang viếng thăm các nước Âu Châu giữa lúc Nga tiếp tục khẳng định sự hiện diện của họ trong vùng biển này.
Ngoại trưởng Kerry đã tới Tbilisi, thủ đô của Gruzia hôm 6/7 để ký các thỏa thuận quân sự và an ninh mới sẽ giúp các lực lượng quân sự Gruzia bảo vệ biên giới của họ.
Phát biểu khi gặp Thủ tướng Gruzia Georgy Kvirikashvili và các Bộ trưởng trong nội các của ông, Ngoại trưởng Kerry nói: “Rõ rệt là chúng tôi rất tôn trọng ước nguyện của quý vị trong tư cách một đất nước, hướng nhìn về phương Tây và quan hệ với phương Tây mà không bị trừng phạt”.
Ông Kerry sẽ thảo luận các vấn đề an ninh với các giới chức Ukraine ở Kiev trước khi nhập đoàn với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Ba Lan vào ngày thứ Sáu sắp tới để dự hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO. - VOA

5.
Ông Trump ca ngợi Saddam Hussein là người mạnh mẽ chống khủng bố

Saddam Hussein đã qua đời cách đây gần một thập niên. tổng thống lâu năm của Iraq bị treo cổ sau khi một toà án kết tội ông là đã phạm các tội ác chống nhân loại vào năm 2006.
Hôm thứ Ba vừa rồi, Hussein trở thành một đề tài nóng trên trang Twitter sau khi ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi khả năng lãnh đạo của ông.
Ông Trump nói với những người ủng hộ ông:
“Saddam Hussein là một kẻ xấu, có đúng không. Ông ta là một người xấu, vô cùng xấu. Nhưng quý vị có biết ông ta giỏi về điều gì không? Ông ta giết khủng bố. Ông ấy đã làm rất tốt nhiệm vụ đó. Họ (người Iraq) không cần đọc các quyền pháp lý cho những kẻ khủng bố, không cần nói gì cả. Nếu là một kẻ khủng bố, là kể như xong đời”.
Ông Trump đã đưa ra những phát biểu tương tự trong vài năm gần đây, kể cả một trường hợp vào năm 2014, khi ông viết trên trang Twitter rằng Iraq lúc ấy còn nguy hiểm hơn so với thời Saddam Hussein còn cầm quyền. 
Ông Trump nói “chiến tranh là một sai lầm, như tôi đã nói từ đầu. Ông Bush và ông Obama phải xin lỗi”.

Nhưng vài ngày sau khi các lực lượng Mỹ tìm thấy Saddam Hussein đang trốn trong một cái hố ở gần thành phố Tikrit vào tháng 12, 2003, ông Trump hình như ủng hộ việc lật đổ lãnh tụ Iraq.
Cựu tổng thống George W. Bush, người đã phát động cuộc tiến quân vào Iraq, nêu những lý do để biện minh cho quyết định của ông, trong đó có các vụ vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc được lặp đi lặp lại nhiều lần, kể cả một nghị quyết cấm Iraq để bất cứ nhóm khủng bố nào hoạt động trên lãnh thổ nước này. - VOA

6.
Quyết định của Giám đốc FBI về email của bà Clinton bị chỉ trích --- Email của bà Clinton 'gây nguy hiểm' cho Mỹ

Giám đốc FBI James Comey nói sau một cuộc điều tra kỹ càng về việc bà Hillary Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân trong khi giữ chức vụ ngoại trưởng, ông không thể đề nghị truy tố bà Clinton. Theo tường thuật của thông tín viên Ken Bredemeier của đài VOA, quyết định đó đã gặp phải sự chỉ trích của nhiều người, nhất là những người về phe Cộng hòa.
Ông Comey nói cuộc điều tra phát giác bà Clinton và các nhân viên của bà đã không cẩn thận đối với những thông tin mật và có chứng cứ là có thể có những sự vi phạm.
Ông Comey nói bà Clinton đã dùng một vài máy chủ và nhiều điện thoại di động để chuyển những email cá nhân và email dành cho công vụ. Trong cuộc điều tra này, FBI đã đọc toàn bộ 30.000 email của bà Clinton.
Ông Comey cho biết trong số 52 chuỗi email có 110 email được xác định là có chứa đựng thông tin mật vào thời điểm email được gởi đi, một số là tuyệt mật, nhưng ông không tìm thấy bằng chứng bà Clinton cố ý vi phạm:

“Các công tố viên cần cân nhắc một số những yếu tố trước khi quyết định có truy tố hay không. Có những việc cần phải xem xét kỹ lưỡng, như bằng chứng rõ ràng, đặc biệt là về ý định. Những quyết định có tinh thần trách nhiệm cũng cần được xem xét trong bối cảnh của những hành động cá nhân và những tình huống tương tự đã được xử trí như thế nào trong quá khứ. Khi nhìn lại những cuộc điều tra của chúng tôi về việc xử lý không đúng cách hay loại bỏ những thông tin mật, chúng tôi không tìm thấy một trường hợp nào có thể truy tố hình sự dựa trên những sự kiện này”.
Ông Comey nói thêm rằng có thể có những kẻ thù đã xâm nhập vào tài khoản email của bà Clinton. Ông cho biết bà Clinton đã sử dụng “rất nhiều” những máy chủ tư tại những nước khác.

Bà Clinton giải thích rằng bà sử dụng tài khoản email trên một máy chủ cá nhân thay vì tài khoản email chính thức của bà vì bà muốn đảm bảo là thư từ riêng tư của bà được bảo vệ.
Các nhà phân tích bên ngoài cho rằng sử dụng một máy chủ như vậy ít bảo đảm hơn là dùng một máy chủ do chính phủ cung cấp.

Tuyên bố của Giám đốc FBI James Comey được đưa ra một tuần sau khi có những tranh cãi chính trị về việc chồng bà Clinton là cựu Tổng thống Bill Clinton gặp Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch tại phi trường Phoenix, tiểu bang Arizona. Cả ông Bill Clinton lẫn bà Lynch nói hai người nói chuyện với nhau khoảng nửa tiếng đồng hồ, không phải về vấn đề email của bà Clinton, nhưng cả hai đều hối tiếc về việc này vì bà Lynch là người giám sát cuộc điều tra về vụ email.
Các đảng viên Cộng hòa lẫn Dân chủ đều chỉ trích bà Lynch đã gặp ông Clinton tại phi trường Phoenix.
Tiếp sau lời loan báo của Giám đốc FBI, phát ngôn viên của bà Clinton nói là toàn bộ ban vận động tranh cử của bà Clinton rất hài lòng về việc FBI không đề nghị truy tố bà Clinton.

Tuy nhiên trong một cuộc vận động tranh cử tại tiểu bang North Carolina, ông Donald Trump, người xem như được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên tổng thống, gọi kết luận của FBI là “đáng xấu hổ”.
Ông Trump nói: “Tôi không biết bạn nghĩ như thế nào nhưng tôi luôn luôn cảm thấy bà Clinton sẽ thoát khỏi việc truy tố hình sự vì cách hành xử nguy hiểm và bất hợp pháp của bà, bởi vì tôi luôn luôn biết và thấy việc này và điều này thật đáng buồn vì hệ thống của chúng ta thực sự bị gian lận, hoàn toàn gian lận và hư hỏng”.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryant nói kết luận của ông James Comey không thể giải thích được. “Từ chối truy tố cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vì xử lý không đúng đắn những thông tin về an ninh quốc gia và chuyển những thông tin này sẽ tạo thành một tiền lệ nguy hiểm”.

Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton hơn ông Trump 5% điểm vào 4 tháng trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm nay để chọn người thay thế Tổng thống Barack Obama, người sẽ rời khỏi nhiệm sở vào tháng 1 sang năm. Các cuộc thăm dò thường có sai số là 3%. - VOA

Việc bà Hillary Clinton dùng thư điện tử cá nhân trong vai trò ngoại trưởng đặt “cả quốc gia vào nguy hiểm,” ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump nói.
Quyết định không đề nghị truy tố hình sự đối với bà là ví dụ lớn nhất cho thấy hệ thống này gian lận, ông nói trong cuộc vận động ở North Carolina.
Bà Clinton từ đảng Dân chủ và ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ được chọn ra tranh cử vào Nhà Trắng trong tháng 11.
Họ được cho là sẽ công bố chính thức làm ứng cử viên của hai đảng vào cuối tháng này.
Giám đốc FBI, ông James Comey, nói bà Clinton đã bất cẩn trong việc xử lý thông tin nhạy cảm nhưng không có trường hợp nào có thể đưa thành tội hình sự do không có chứng cứ cho thấy bà cố ý làm sai.
Phát biểu ở Raleigh, ông Trump không đồng tình và cho rằng hệ thống này được lập ra nhằm bảo vệ gia đình Clinton – bà ta đặt “cả quốc gia vào vòng nguy hiểm” và đã có thể bị tấn công tin tặc.
“Óc suy xét của bà ta thật kinh khủng,” ông nói thêm: “Bà ta sẽ là một vị tổng thống tồi tệ, thưa quý vị.”

Vị doanh nhân New York cũng cho rằng Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã bị mua chuộc với lời hứa sẽ được giữ nguyên vị trí của bà để đổi lại việc cho phép bà Clinton thoát khỏi bị truy tố.
Cũng trong buổi vận động này, ông Trump khen ngợi vị cựu lãnh đạo Iraq, ông Saddam Hussein.
“Saddam Hussein là kẻ xấu,” ông Trump nói. “Nhưng quý vị có biết ông ta giỏi cái gì không? Ông ta giết khủng bố. Ông ta rất giỏi trong việc đó. Chẳng cần lằng nhằng thủ tục gì cả.”
Các đảng viên Cộng hòa khác cũng chỉ trích quyết định của FBI. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan nói điều này “không thể hiểu được”.
“Từ chối truy tố Ngoại trưởng Clinton vì thiếu thận trọng trong việc xử lý và chuyển giao thông tin an ninh quốc gia sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu,” ông nói.

Điểm chính trong kết quả điều tra của FBI:
Có thể có các “nhân vật thù địch” truy cập được vào tài khoản thư điện tử của bà Clinton
Có hơn 100 thư điện tử chứa thông tin mật khi được gửi hoặc nhận, trái ngược với tuyên bố của bà rằng bà chưa bao giờ gửi thư điện tử mật
Nhưng không có chứng cứ cho thấy bà cố ý chia sẻ tư liệu nhạy cảm
Bà không xóa email nhằm giấu giếm, không có chứng cứ cho thấy bà che giấu sự việc
Vài giờ sau đó, bà xuất hiện trên sân khấu cùng Tổng thống Barack Obama ở Charlotte, North Carolina.

Không ai trong số họ nhắc tới vụ việc. Ông Obama thậm chí còn tỏ ra nhiệt tâm ủng hộ bà trong buổi vận động – là lần đầu tiên ông xuất hiện cùng bà trong chiến dịch tranh cử.
Hai người từng là đối thủ của nhau, nhưng số mệnh chính trị của họ giờ khăng khít. Tám năm sau khi bà Clinton vận động cho ông, Tổng thống Obama bước xuống con đường bầu cử cùng bà; tài vận động và hùng biện tuyệt vời của ông ở Charlotte trong lần xuất hiện chung đầu tiên mang lại lực đẩy khổng lồ.

Sự đảo ngược vai trò thật đáng kinh ngạc. Bà Clinton phát biểu trước, trong lúc tổng thống đứng phía sau, khoanh tay, lắng nghe, với vai trò mới của ông là người đỡ đầu có uy tín nhất của bà.
Bà nhắc tới chiến dịch vận động căng thẳng của họ năm 2008 và sự hòa giải giữa hai người là bằng chứng cho thấy người Mỹ có thể đạt được gì nếu đoàn kết.

Tổng thống dùng một trong những câu yêu thích nhất của ông từ hồi còn vận động chiến dịch khiến đám đông “hăng hái và sẵn sàng”, khi ông nói với người ủng hộ rằng ông trông cậy vào họ để đưa được bà Clinton vào Nhà Trắng. Ông biết, để di sản của mình được lưu giữ, ông cần chiến thắng của bà.
Đứng hai bên là trợ lý của bà, những người vẫn luôn ở đó trong những ngày lạnh lẽo ở Iowa từ năm 2008, những người đã dõi theo mà gần như không mấy tin tưởng rằng con đường của bà có thể dẫn họ tới ngày hôm nay.
Cả bà Clinton và ông Obama đều không nhắc tới điều tra của FBI vào tài khoản email cá nhân của bà, nhưng đám mây ấy phần nào đã được thổi đi và đội của bà Clinton dường như cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Thế nhưng phe Cộng hòa sẽ dùng lời lẽ của ông Comey về cách sử dụng thư điện tử của bà – “cực kỳ bất cẩn” – để chống lại bà trong mọi chặng tiếp theo.
Ông Obama nói ông tin tưởng vào bà Clinton và chưa từng có bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào đủ năng lực đảm nhận vị trí này hơn bà.
Người phát ngôn cho chiến dịch của bà Clinton ủng hộ quyết định này nhưng thừa nhận việc bà dùng thư cá nhân là "sai lầm".
Vụ thư điện tử của bà, mà bà dùng cho cả công việc chính phủ và việc riêng, đã phủ bóng lên chiến dịch tranh cử của bà Clinton kể từ khi vấn đề này nổi lên hồi tháng Ba 2015. - BBC

Tin Việt Nam
7.
Bộ Thông tin quản lý fanpage báo chí --- Báo chí nên đối thoại thay vì siết chặt kiểm duyệt fanpage trên Facebook?

Cục Báo chí tại Việt Nam yêu cầu tăng cường quản lý nội dung fanpage Facebook của các tòa soạn.
Công văn 779/CBC-TTPC do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký nói các báo “chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các ý kiến bình luận”.
Văn bản này nói “rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage chính thức, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng”

"Để đảm bảo hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên các trang fanpage của cơ quan báo chí tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, Cục Báo chí yêu cầu các cơ quan báo chí chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage chính thức, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng," Văn bản này được trang web chính thức của Bộ Thông tin - Truyền thông của Việt Nam dẫn lại.
“Dự kiến trong thời gian tới đây, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những trường hợp cung cấp nội dung vi phạm trên môi trường mạng,” tờ VietnamNet tường thuật.

Nhiều tờ báo tại Việt Nam coi Facebook là một trong những kênh tương tác quan trọng với độc giả.
Hôm 7/6, fanpage chính thức của báo Thanh Niên, một trong những tờ báo lớn tại Việt Nam bất ngờ đóng cửa. Khi ấy, fanpage này có hơn 1,1 triệu lượt người thích.
'Không chấp nhận phản biện'

Trả lời BBC Tiếng Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Phạm Công Út nhận định: “Hình thức mở trang fanpage bằng trang mạng Facebook ở VN có hấp dẫn người ta vào đọc và bình luận hay không thì theo tôi, có thể dựa vào các tiêu chí là trang đó phải hay, đáng tin cậy, được nhiều người ưa thích và đặc biệt tôn trọng ý kiến bình luận của các thành viên tham gia trang Fanpage đó, nhất là những ý kiến khác biệt với chủ đề mà trang đó đưa ra trong một status [nội dung đăng tải]”.
“Càng nhiều tranh luận thì bài viết nào đó của một trang fanpage sẽ hấp dẫn dẫn hơn, đa chiều hơn, có thể làm sáng tỏ nhiều góc nhìn về một sự kiện hơn,” Vị luật sư từ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói.
“Công văn số 779 chỉ điều chỉnh đối với chủ thể là các trang fanpage của các trang báo mạng chứ không điều chỉnh những người sử dụng tài khoản Facebook."
"Do đó, nếu một trang fanpage nào đó tự ý xóa bỏ bình luận hoặc ngăn nhận các thành viên có quan điểm khác biệt thì có thể trang fanpage đó chỉ còn lại những thành viên “ngoan ngoãn”, không chấp nhận phản biện, dẫn đến sự quyến rũ, hấp dẫn bị mất đi và không lâu sau sẽ trở thành một trang chết, vì chẳng mấy ai viếng thăm.”
“Những người thích phản biện, thích nói ngược hay thích thể hiện mình thì sẽ tìm đến những trang fanpage nào đó thoáng hơn, tôn trọng ý kiến của các thành viên hơn để tham gia mà không phải là trang fanpage của báo mạng trong nước. Và như thế thì quyền tự do ngôn luận và tương tác của người ta vẫn không vì thế mà mất đi mà nó chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác mà thôi.

'Giết chết sự hấp dẫn'
Luật sư Út lấy ví dụ từ một câu chuyện: “Để băng qua một con đường, người đi bộ nơi đó thường bị tai nạn giao thông, chính quyền không quản lý xuể đành phải trồng thảm cỏ phân cách và để bảng “Cấm đi lên cỏ”.
Vì nhu cầu qua đường, người ta vẫn phải bước lên thảm cỏ thành một con đường mòn để băng qua đường.Tai nạn giao thông vẫn xảy ra nên chính quyền phải làm một con lươn bằng bê tông ngăn cách có chiều cao và để bảng cấm người đi bộ băng qua đường.
Nhưng vì nhu cầu qua đường, người ta vẫn phải mạo hiểm trèo qua con lươn bằng bê tông để băng qua đường. Tai nạn giao thông vẫn xảy ra nên cuối cùng chính quyền phải làm một cầu bộ hành cho người đi bộ băng qua đường. Lúc ấy thì không còn tai nạn nữa"
"Quyền tự do ngôn luận cũng là một nhu cầu không thể cấm đoán được như vậy. Nhà nước cũng phải tạo diễn đàn cho người dân biểu lộ suy nghĩ của mình, nếu cấm thì họ vẫn sẽ tìm cách… vượt tường lửa bằng cách vào các fanpage từ hải ngoại để thỏa mãn nhu cầu “ăn nói” của mình mà thôi.”

Khi được hỏi liệu đưa ra một công văn như vậy, mà các báo phải xử lý đến hàng triệu tương tác mỗi ngày thì sự quản lý có thực hiện được không, luật sư Công Út nói: “Tất nhiên đó là điều không thể quản lý hết, nhưng chỉ khi nào gặp sự cố như vô tình hoặc cố ý “tạo điểm nóng dư luận” thì lúc ấy fanpage ấy có thể sẽ bị thanh tra, kiểm tra, đình bản, rút thẻ nhà báo, cách chức nếu là ban biên tập của tờ báo đó… Mà chuyện này gần đây đã xảy ra với vài nhà báo trong nước rồi”.
Nhận định về việc áp dụng công văn này, luật sư Út cho biết: “Công văn này không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, nhưng mang tính mệnh lệnh và phục tùng của cơ quan chuyên ngành mà các tờ báo trong nước phải chịu sự quản lý và phải chịu các chế tài bằng các hình phạt tiền, phạt đình bản… áp dụng cho các “quan báo” nên tôi nghĩ là cũng sẽ phải khả thi thôi."
"Nhưng công văn này sẽ góp phần giết chết sự hấp dẫn của các tờ báo trong nước, nhất là đối với lượng độc giả không nhỏ có sử dụng trang mạng Facebook,” Luật sư Công Út nhận định. - BBC

Mới đây, Cục Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường quản lý nội dung trên các trang Facebook của họ.
Một công văn do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký cách đây ít ngày viết rằng trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã mở fanpage trên Facebook, nhưng lại chưa “kiểm duyệt chặt chẽ” các ý kiến bình luận. Công văn cho rằng vì điều đó nên “một số đối tượng đã lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng”.
Thông qua công văn, Cục Báo chí yêu cầu các cơ quan báo chí “rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage chính thức, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng”.

Lâu nay, nhiều người ở Việt Nam cho rằng có một thực thế là do nhà chức trách kiểm duyệt báo chí chặt chẽ và đôi khi có những động thái trừng phạt một số nhà báo có những bài viết mạnh bạo, nên trong nhiều trường hợp khi báo chí muốn chỉ trích hoặc phản đối một hành động hay chính sách nào đó của chính quyền, họ không dám viết thẳng trong bài, mà chỉ nêu ra các hàm ý, kích thích để độc giả phê phán, chỉ trích trong phần bình luận bên dưới bài.
Cũng như nhiều người trong công chúng Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, một cựu đại biểu Quốc hội, cho rằng việc các cơ quan báo chí có fanpage và để cho độc giả bình luận là một cách làm báo mới, giúp mọi người thể hiện ý kiến về nội dung bài báo hoặc về các hành động, chính sách của nhà nước. Ở chiều ngược lại, các cơ quan báo chí khi nhận được các ý kiến độc giả sẽ rút kinh nghiệm về cách đưa tin, viết bài, còn các cơ quan công quyền có thể hiểu được suy nghĩ, tâm lý của một bộ phận dân chúng. Ông Thuyết lập luận rằng không cho công chúng bình luận trên các fanpage của báo chí có thể tạo ra hiệu ứng ngược:

“Nếu mà giả sử mình không cho người ta bình luận ở các trang fanpage của báo chí thì người ta cũng sẽ bình luận ở trên các mạng xã hội. Người ta không phải sẽ không bình luận. Mà như thế có thể còn bất lợi hơn”.
Vị giáo sư từng ở cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra rằng tuy cần phải có đội ngũ quản lý fanpage song công việc của họ chỉ nên là bảo đảm rằng các ý kiến được thể hiện bằng ngôn ngữ đúng mực, lành mạnh chứ không phải là ngăn các ý kiến trái chiều với nhà nước.
“Dĩ nhiên là cái bình luận nào mà nó quá tục tĩu hoặc là nó vi phạm những quy chuẩn về mặt đạo đức xã hội thì mình không nên đưa. Thế còn những ý kiến mà người ta bình luận nghiêm túc, kể cả những ý kiến trái chiều theo tôi cũng không có vấn đề gì mà mình phải lo lắng. Trong cái thời đại thông tin phát triển như hiện nay và ở một cái xã hội dân chủ thì chúng ta cũng phải tôn trọng những dư luận ngược chiều. […] Thế còn có những ý kiến trái chiều thì mình cũng có thể trao đổi lại. Điều đó là bổ ích. Qua trao đổi thì có thể hai bên cùng hiểu nhau hơn. Cái gì mà cơ quan báo chí nói chưa đúng hoặc là cái gì mà các cơ quan nhà nước hành xử chưa đúng cũng phải rút kinh nghiệm”.

Không lâu sau khi biết tin về công văn của Cục Báo chí đòi các cơ quan báo chí phải tăng cường quản lý fanpage, trên các trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng về mặt kỹ thuật các báo, đài có thể làm được việc duyệt và xóa các lời bình luận, nhưng điều đó chỉ góp phần làm cho đa số các fanpage của họ vốn đã buồn tẻ sẽ càng trở nên đìu hiu hơn. - VOA
8.
Ai có thể kiện Formosa và toà án nào có thẩm quyền xét xử?

Sự kiện thảm hoạ môi trường ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh do công ty nhà máy thép Formosa gây nên vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận, nhất là đối với những luật sư và những nhà hoạt động xã hội. Tất cả những gì họ cần là “một vụ kiện” vì họ cho rằng “Formosa có thể đã phạm luật hình sự Việt Nam.”
Một số luật sư đã tiến hành giúp các ngư dân là người bị thiệt hại trực tiếp làm đơn khởi kiện Formosa.
Hoặc có người với tư cách cá nhân đứng ra làm đơn “tố giác tội phạm” đối với Formosa.
Vấn đề khả thi của vụ khởi kiện này như thế nào, Toà án nào có thẩm quyền xét xử?

Kiện vì lý do gì?

Tiến sĩ Luật học Tạ Văn Tài, cựu giáo sư luật trường Đại học Havard, Hoa Kỳ cho biết về vấn đề mà ông rất quan tâm và theo dõi trong nhiều tháng qua. Theo ông, truyền thông trong nước tuy có những bài viết đề cập đến việc khởi kiện công ty Formosa, tuy nhiên không nêu rõ kiện vì lý do gì.
“Khi luật sư nói về vụ kiện, thì phải nói về kiện vì lý do, mục đích gì? Rồi mới nói đến dựa vào những văn bản pháp luật, toà án nào? Thứ hai là kiện ở toà án nào? Thứ ba, ai có quyền kiện?”
Từ sau khi chính phủ Việt Nam chính thức công bố công ty nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung trong mấy tháng qua, rất nhiều ý kiến chia sẻ trên truyền thông mạng cho rằng cần phải khởi kiện Formosa. Đối với giới luật sư trong nước thì cho rằng cần “có một vụ án hình sự” đối với thủ phạm gây ra thảm hoạ môi trường này.

Bên cạnh đó, những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cũng đưa ra quan điểm tương tự sau khi có kết luận điều tra của Bộ Tài nguyên môi trường. Phần nhiều những lý do họ yêu cầu khởi kiện là vì yếu tố môi trường. Từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội/Luật sư  Nguyễn Đình Hà cho Đài Á Châu Tự do biết:
“Formosa đáng phải bị khởi tố điều tra. Đây là một vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về tội gây ô nhiễm môi trường và huỷ hoại nguồn thuỷ sản, cũng như huỷ hoại nguồn nước.”

Luật sư Hà Huy Sơn, người đứng ra làm đơn “Tố giác về tội phạm” đối với nhà máy thép Formosa vì lý do “Tội chống loài người” theo điều 342 Chương XXIV Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi sổ sung 2009 của nhà nước Việt Nam cho biết:
“Theo như nhận xét của tôi thì Formosa vi phạm Bộ luật hình sự Việt Nam, cụ thể là tội chống loài người.”
“Đơn của tôi là đơn tố giác tội phạm. Tôi thấy có dấu hiệu là tội chống lại loài người thì tôi tố giác theo chức năng mà pháp luật qui định là thuộc cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an thụ lý vụ án. Nếu người ta khởi tố thì vụ này cũng xử theo cấp sơ thẩm là Toà án cấp tỉnh trước.”

Điều 342 Tội chống loài người mà luật sư Hà Huy Sơn đề cập đến có ghi rõ:
Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà có hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, cũng như có những hành vi diệt chủng khác hoặc những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Một cách nhìn khác liên quan đến luật nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết với Liên hiệp quốc được Luật gia Tạ Văn Tài đề cập đến trong trường hợp này.
“Về vấn đề môi trường thì chỉ là một mục đích thôi. Cái này nó có hậu quả là mất hết nguồn sống của gần mấy triệu người Việt Nam sống về nghề chài ở vùng biển Việt Nam, thì nó có vấn đề nữa là tước mất quyền sống, nghĩa là nhân quyền của những người chài đó thì chính phủ Việt Nam có đại diện cho những người đó để kiện và kiện ở toà án nào hay không?”

Theo Giáo sư luật Tạ Văn Tài, một văn bản mà Việt Nam có thể áp dụng để thực hiện việc kiện Formosa ở đấu trường quốc tế, đó là văn bản về nhân quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Và lý do cụ thể được ông nêu ra là “mất quyền sống của nhân dân chài lưới”.

Kiện ở Toà án nào?

Với những mục đích được đưa ra như trên từ các chuyên gia và các nhà quan sát thì vụ kiện Formosa có thể thực hiện ở Toà án nào?
Theo trình bày của người đưa đơn Tố giác tội phạm đối với Formosa Hà Tĩnh là luật sư Hà Huy Sơn cho biết việc kiện Formosa ra Toà quốc tế, bao gồm cả Toà công pháp và Tư pháp đều không khả khi.
Nếu chúng ta nhìn lại hơn 20 năm qua, kể từ khi quan hệ ngoại giao Liên minh Châu Âu EU-Việt Nam được thiết lập lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1990, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính của Liên minh Châu Âu tại khu vực Đông Nam Á. Những hiệp định hợp tác song phương được ký kết với nhiều quốc gia và mở rộng ở nhiều phạm vi. Trong đó có hợp tác song phương với các đối tác về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, cụ thể là với Thuỵ Điển.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 20 điều ước quốc tế có liên quan đến bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Đài Loan là quốc gia không nằm trong danh sách các nước cùng ký hiệp định hợp tác song phương với Việt Nam.
Do đó, Giáo sư Tạ Văn Tài nhận định rằng văn bản về môi trường không thể áp dụng trong trường hợp này nếu đưa ra Tòa quốc tế.
“Không có Đài Loan trong hiệp định đó, cho nên Đài Loan sẽ cho rằng không được áp dụng với nó vì nó không ký hiệp định. Cho nên hiệp định này sẽ không phải là căn bản để kiện về môi trường chống lại công ty Formosa, là công ty có gốc Đài Loan. Mặc dù tôi có nghe rằng trong đó có cổ phần của Trung Cộng, nhưng công ty này là gốc ở Đài Loan và do chính người Đài Loan ký với mình.”

Formosa Hà Tĩnh, chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa Đài Loan thuộc quốc gia không nằm trong những quốc gia mà Việt Nam đã ký hợp tác quốc tế song phương về môi trường với nội dung đề cập trong các Luật Bảo vệ môi trường và Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.
Chính vì vậy mà cho dù Luật Bảo vệ Môi trường (2014) có ba điều trong chương 17 quy định rõ nội dung hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, cụ thể là Điều 156: Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường có ghi rõ:
Điều ước quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường trong nước và phù hợp với lợi ích, khả năng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết, gia nhập.
Cả Giáo sư Tạ Văn Tài và cả luật sư Hà Huy Sơn đều nói rằng “Không khả thi trong việc kiện Formosa ra Toà quốc tế.”

Ai có thể kiện Formosa?

Trong loạt bài phóng sự liên quan đến Formosa, chúng tôi có đề cập đến chi tiết Luật sư Trần Vũ Hải, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay các luật sư đang nghiên cứu để thực hiện đơn khiếu nại do những người dân chịu tác động trực tiếp từ vụ xả thải của Formosa gây ra. Nếu điều này diễn ra thì theo luật, đây sẽ là một vụ kiện tập thể được gọi là “class action”, là những cá nhân (có tên và nhân thân hợp pháp) đứng ra đại diện cho cả một tập thể.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Quốc Quân khi trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do có cho biết, luật Việt Nam hiện chưa qui định về đơn kiện tập thể.
Giáo sư Tạ Văn Tài khi bàn luận về việc này cũng khẳng định rằng Việt Nam chưa có luật về kiện tập thể. Tuy nhiên theo ông, có một giải pháp để thực hiện mà vẫn phù hợp với bộ luật tố tụng hiện hành của Việt Nam, đó là Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đại diện cho những người bị thiệt hại trực tiếp và những người dân Việt Nam bị thiệt hại gián tiếp để đứng nguyên đơn khởi kiện.

“Bây giờ có một cách là mình không kiện theo cách tập thể mà mình liệt kê những cá nhân bị thiệt hại và cử một đại diện, ví dụ như Bộ môi trường ở Việt Nam đại diện cho họ, hoặc là Hội nghề cá. Có thể giấy ủy quyền đó là mấy triệu người ký, và một người đứng nguyên đơn thôi. Đó là một giải pháp.”
Ông khẳng định đây là một cách chứ không thể áp dụng qui định về hợp tác song phương để kiện công ty Formosa Hà Tĩnh do Đài Loan làm chủ đầu tư.
Đài Á Châu Tự do đặt vấn đề này với ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản - Nafiqad và hiện là thành viên Hiệp Hội Nghề Cá Việt Nam, ông cho biết:
“Cuối tuần này trên tạp chí Thuỷ sản Việt Nam chúng tôi sẽ có đầy đủ ý kiến chính thức của Hội nghề cá về vấn đề Formosa.”

Với vai trò là Phó Tổng Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Chu Tiến Vĩnh cho biết việc cơ quan này có thể đại diện người dân trong việc khởi kiện hay không, tuy nhiên, ngay lúc này ông không muốn trả lời bất cứ điều gì liên quan đến Formosa.
Giáo sư Tạ Văn Tài khi kết thúc phần trò chuyện với chúng tôi có nhấn mạnh thêm rằng:

“Theo Luật Liên hiệp quốc, yêu cầu trước cơ quan quốc tế, từng người nhân dân không có tư cách đứng kiện nhưng có thể ủy quyền cho chính phủ. Cho nên chính phủ phải can đảm đứng ra kiện, nhận nhiệm vụ ủy quyền của nhân dân.”
Khởi kiện Formosa là quan điểm của những luật gia, các nhà quan sát. Với những người ngư dân Hà Tĩnh đã mưu sinh cùng với biển từ mấy đời trong gia đình thì họ chỉ có một mong muốn đơn giản, đó là làm thế nào để trả lại biển sạch cho họ, trả lại nguồn sống mà từ đời ông cha của họ đã truyền lại đến giờ.
Những gì mà ngư dân miền Trung hiện tại mong muốn là “Chính quyền phải trục xuất Formosa rời khỏi Việt Nam. Nếu đang hoạt động thì vẫn còn xả thải chứ không có cách nào khác.”

Mong muốn này được luật sư Hà Huy Sơn cho biết
“Về nguyên tắc, Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho Formosa vào Việt Nam, nếu Formosa vi phạm thì Việt Nam có quyền rút giấy phép. Còn nếu lỗi ấy không phải thuộc của Formosa mà Việt Nam rút giấy phép thì Việt Nam phải bồi thường cho phía doanh nghiệp.”
Sau ngày 30 Tháng Sáu, nguyên nhân đã được công bố, “thủ phạm” đã cúi đầu nhận lỗi và chấp nhận bồi thường thiệt hại, sau tất cả những điều đó, câu chuyện Formosa Hà Tĩnh hay “BP của Việt Nam” có thể khép lại hay không, thì dư luận và những người làm luật, hiểu luật ở Việt Nam đã có câu trả lời bằng chính hành động của họ. Tuy nhiên, như những chia sẻ của các luật gia mà chúng tôi vừa có dịp trò chuyện, thì có vẻ như chặng đường tiếp theo đi tìm công lý cho ngư dân và biển Việt Nam sẽ còn rất nhiều gian nan. - RFA

Không có nhận xét nào: