Golda Meir- Margaret Thatcher- Angela Merkel
Ba người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được bầu cử vào chức vụ thủ tướng. Năm 1949, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh vai trò bình đẳng giữa phái nam và phái nữ trong mọi lãnh vực, nhưng thời đó chưa có một lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới do dân bầu lên là phụ nữ cả.
Mãi đến năm 1960, bà Sirimavo Bandanaike của Sri Lanka (Tích Lan) là phụ nữ đầu tiên được dân bầu lên làm thủ tướng (1960-1965).<!->
Sri Lanka lúc đó là một quốc gia mới độc lập, hỗn loạn và khủng hoảng về chính trị, những âm mưu đảo chánh, vì sự xung đột về khác biệt sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Tình trạng bất ổn đó là một thách thức đối với một phụ nữ.
Người nữ thủ tướng do dân cử thứ hai là bà Indira Gandhi của Ấn Độ (1966-1977). Và nữ thủ tướng thứ ba do dân cử là bà Golda Meir của Do Thái (Israel).
Những phụ nữ nầy mở đầu cho hàng trăm phụ nữ được bầu vào những chức vụ lãnh đạo quốc gia trên thế giới.
Dư luận cho rằng nước Mỹ sẽ có một tổng thống đàn bà. Bà Hillary Clinton.
2* Ba người đàn bà thép đầu tiên trên thế giới
Ba lãnh đạo quốc gia trên thế giới được mệnh danh là phụ nữ thép (Iron Lady) gồm có: nữ Thủ tướng Golda Meir của Do Thái, bà Margaret Thatcher của Anh Quốc, và bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức.
3* Người phụ nữ thép Golda Meir
3.1. Thủ tướng Golda Meir
Bà Golda Meir, nữ thủ tướng đầu tiên của Do Thái (Israel), cũng là người phụ nữ đầu tiên được đặt cho cái tên “Người phụ nữ thép” (The Iron Lady).
Trước ngày lập quốc, người Do Thái sống ở nhiều quốc gia trên thế giới. Họ mang quốc tịch và ngôn ngữ của các nước mà họ sinh sống. Golda Meir là một trong những người đó.
Tên khai sanh là Golda Mabovitch, sanh ngày 3-5-1898 tại Kiev, Ukraina. Cha là Moshe Mabovitch, thợ mộc. Mẹ là Blume Neiditch.
Năm 1906, gia đình Mabovitch đến Mỹ và định cư ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin. Golda Meir học trường cao đẳng sư phạm và ra làm giáo viên các trường công lập ở Milwaukee, WI.
Ngay từ thời học sinh, bà đã thể hiện óc tổ chức và hăng say hoạt động, kêu gọi người Do Thái về Jerusalemthành lập nhà nước Israel. Do Thái lập quốc ngày 15-5-1948.
Bà Golda Meir giữ những chức vụ: Đại sứ toàn quyền ở Moscow, Bộ trưởng Bộ Lao Động, Bộ trưởng Ngoại Giao. Bà tích cực hoạt động tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và viện trợ tài chánh, vũ khí cho quốc gia vừa mới thành lập nầy.
Ngày 17-3-1969, Golda Meir giữ chức vụ Thủ tướng Do Thái. Bà là người cương quyết, cứng rắn và dứt khoát, được đặt cho cái tên là “Bà đầm thép” (The Iron Lady)
3.2. Thành lập Chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế” (The Wrath of God)
Vụ thảm sát Munich năm 1972.
Đoàn lực sĩ Do Thái Olympic 1972
Khủng bố Tháng 9 Đen
Ngày 5-9-1972, tại Thế Vận Hội mùa hè ở Munich, Tây Đức, 11 vận động viên Do Thái bị Tổ chức Tháng Chín Đen (Black September) hạ sát. Thủ tướng Golda Meir kêu gọi thế giới: “Cứu các công dân của chúng tôi và lên án những hành động tội ác không thể tả nổi”.
Do Thái cảm thấy bị tổn thương vì không có sự đáp ứng của thế giới. Bà ra lịnh cho tình báo Mossad đuổi tận, diệt tuyệt, truy lùng, săn đuổi, ám sát tất cả những lãnh đạo và thành viên của Tháng 9 Đen. Thế là Chiến dịch sắt máu “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế (The Wrath of God) ra đời. Tất cả những người có liên hệ đến vụ thảm sát ở Munich 1972 bị tiêu diệt.
3.3. Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973
Yom Kippur là lễ Sám Hối thiêng liêng của người Do Thái. Tình báo Mossad của Do Thái không xác định được cuộc tấn công của liên minh Á Rập có thể nổ ra. Tuy nhiên, ngày 5-10-1973, bà Meir đã nhận được tin chính thức là quân Syria đã tràn vào Cao nguyên Golan. Các cố vấn thuyết phục rằng bà không nên lo ngại, vì đa số người Do Thái tin tưởng rằng khối Á Rập sẽ không dám tấn công trước, sau vụ đại bại trong cuộc chiến 6 ngày trước kia.
Có hai ý kiến đề nghị lên Thủ tướng. Bộ Trưởng Quốc Phòng Moshe Dayan vẫn cho rằng cuộc chiến sẽ không xảy ra và chỉ cần động viên không quân và hai sư đoàn là đủ. Tướng David Elazar, Tổng Tham mưu trưởng, đề nghị tổng động viên và dùng toàn lực tấn công phủ đầu liên minh Á Rập.
Cuộc chiến nổ ra vào đúng ngày Yom Kippur. Quân Do Thái vẫn thắng. Đánh bại liên minh Á Rập, nhưng bị thiệt hại nặng nề.
Lý do Thủ tướng Golda Meir không tấn công trước, không đánh phủ đầu, là vì bà lo ngại Hoa Kỳ phản đối về thái độ gây chiến và hiếu chiến của Do Thái, mà không viện trợ tài chánh và vũ khí cho Israel. Bởi vì Mỹ đang có hai đồng minh ở khu vực là Ai Cập và Jordan. Nhất là Mỹ đang lôi kéo Ai Cập ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô.
Sau nầy, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã xác định và đánh giá về quyết định khôn khéo của bà Golda Meir, ông cho rằng nếu Do Thái tấn công trước, tức là khởi động gây chiến thì họ không nhận được viện trợ nào cả, “chỉ hơn một móng tay mà thôi”.
Tuy nhiên sau cuộc chiến, chính phủ của bà bị cho là không chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến. Ủy Ban Agranat được thành lập để điều tra, và kết luận rằng bà Golda Meir không chịu trách nhiệm trực tiếp.
Trong cuộc bầu cử vào tháng 12 năm 1973, đảng của bà thắng lợi. Nhưng bà Meir từ chức Thủ tướng, mà bà cho rằng đó là “theo nguyện vọng của nhân dân”.
4* “Bà Đầm Thép” Margaret Thatcher
4.1. Bà Margaret Thatcher tự hào về cái tên nầy
“Người Phụ Nữ Thép” Margaret Thatcher
Margaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh. Bà được đặt tên là “Người Phụ Nữ Thép”. Và bà rất tự hào về cái tên nầy.
Trong xã hội nước Anh, từ xưa đến nay đều phân chia giai cấp rất rõ ràng.
Bà Margaret Thatcher xuất thân từ một gia đình buôn bán tạp hóa bình thường, nhưng tài năng vượt trội nên đã giữ chức vụ Thủ tướng Anh suốt ba nhiệm kỳ. Bà nổi tiếng vì tài năng và thẳng tính, không bao giờ khuất phục. Can đảm và gan dạ trước sau như một. Nói được. Làm được. Dư luận khen bà có, chê bà có.
Người chê thì cho rằng bà độc tài, độc đoán, phản dân chủ. Người khen cho rằng bà có tác phong kiên cường, mạnh mẽ. Nhưng bản thân bà cho rằng: “Nếu như tôi không dấy lên một cuộc tranh luận, hoặc một đánh giá nào, thì cả đời tôi chỉ là một người vô dụng”.
4.2. Vài nét về bà Margaret Thatcher
Bà Margaret Thatcher tên khai sanh là Margaret Hilda Roberts, sinh ngày 13-10-1925 tại Grantham, một thị trấn nhỏ của nước Anh. Ông nội và cha đều là những người buôn bán nhỏ. Năm 18 tuổi, bà thi vào Học Viện Somerville của Đại Học Oxford. Bà rất thông minh, đọc thuộc lòng hàng loạt những con số thống kê suốt 40 phút khiến cho mọi người rất kinh ngạc.
Sau khi được cử làm lãnh tụ Đảng Bảo Thủ, bà bắt đầu chú ý đến hình thức hoàn mỹ của mình. Bà mời giáo sư ở Viện Kịch Nghệ Quốc Gia đến nhà luyện âm để sửa đổi âm điệu trong diễn thuyết.
4.3. Ra điều kiện trao trả Hongkong cho Đặng Tiểu Bình
Năm 1984, bà thăm Trung Quốc, ký với Đặng Tiểu Bình trao trả Hongkong theo quy chế “Vùng Hành Chánh Đặc Biệt” theo những điều kiện “Một quốc gia hai chế độ”, trong đó Trung Quốc cam kết giữ nguyên tình trạng các thể chế kinh tế của Hongkong trong 50 năm kể từ ngày bàn giao là 1-6-1997.
4.4. Đòi Liên Âu trả lại tiền cho nước Anh
Tháng 11 năm 1979, tại Hội Đồng Liên Âu, bà Thatcher cho rằng: ”Nước Anh đóng góp nhiều hơn nhận”. Câu nói trứ danh của bà “Chúng tôi không xin cộng đồng hay bất cứ ai khác, chúng tôi chỉ đòi họ phải trả lại tiền cho chúng tôi”.
Đòi hỏi được đáp ứng. Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Fontainebleau, năm 1984, EEC (European Economic Community) đồng ý cắt giảm hàng năm cho Anh Quốc lên tới 66% chênh lệch giữa số tiền đóng góp và nhận lại từ Liên Âu.
4.5. Nổi tiếng trong cuộc chiến Falkland
1). Chiến thắng trận Falkland
Quần đảo Falkland là lãnh thổ hải ngoại của Anh Quốc, ở xa tận phía Nam Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) sát bên cạnh nơi tận cùng của Nam Mỹ, cách bờ biển Argentina 500km.
Ngày 2-4-1982, chính quyền quân sự của Argentina đổ bộ lên chiếm quần đảo Falkland.
Khi được tin, Thủ tướng Thatcher lập ngay nội các chiến tranh và ba ngày sau, 5-4-1982 ra lịnh cho một lực lượng đặc nhiệm hải quân lên đường chiếm lại quần đảo. Cuộc chiến kéo dài 10 tuần lễ. Hải quân Hoàng Gia Anh gặp nhiều khó khăn trong tiếp vận vì quá xa, nhưng vẫn thắng trận.
Ngày 14-6-1982, quân Argentina đầu hàng. Quần đảo trở lại dưới sự kiểm soát của Anh Quốc. Tuy thắng trận nhưng thiệt hại nhiều, 255 binh sĩ thiệt mạng. Phía Argentina có 649 người chết.
2). Quần đảo Falkland
Quần đảo Falkland còn gọi là quần đảo Malvinas, nằm ở phía nam Đại Tây Dương, là lãnh thổ hải ngoại của Anh Quốc. Thủ phủ là Stanley. Diện tích 12,200km2. Dân số 2,932 người (2012). Theo chế độ tự quản nội bộ do một thống đốc điều hành. Nguyên thủ quốc gia là Nữ Hoàng Elizabeth II.
Chiến thắng Falkland làm tăng uy tín của bà Thatcher trong thời gian xuống thấp nhất trong vai trò thủ tướng.
4.6. Vụ “ám sát chính trị”
Vị thủ tướng lâu đời nhất, bất khả chiến bại trong các cuộc thăm dò dư luận, thế nhưng bị loại bỏ quyền lực một cách bất ngờ do chính trong nội bộ đảng Bảo Thủ của bà thực hiện. Gọi là vụ “ám sát chính trị”. Giết chết một cách bất ngờ.
Năm 1990, trong nước nổi lên những bất bình về chính sách thuế vụ ở các địa phương và những khó khăn về kinh tế. Ngày 1-11-1990 Phó Thủ tướng, Sir Geoffrey Howe, người thân cận và trung thành nhất của bà, từ chức để phản đối chính sách kinh tế. Tiếp theo, Bộ trưởng Michael Heseltine công khai thách thức quyền lãnh đạo của bà.
Ngày 22-11-1990 bà Margaret Thatcher từ chức, do nội bộ đảng Bảo Thủ của bà lật đổ. Được coi là một vụ “ám sát chính trị”
“Chúng tôi sẽ rời Phố Downing sau 11 năm rưởi tuyệt vời, và chúng tôi rất hạnh phúc vì đã gây dựng một nước Anh tốt đẹp hơn rất nhiều, so với khi chúng tôi tới đây”, “Người đàn bà thép” nói trong nước mắt khi rời văn phòng ở số 10 Phố Downing vào ngày 28-11-1990 sau khi không còn là thủ lãnh Đảng Bảo Thủ.
4.6. Thế giới đánh giá về bà Margaret Thatcher
Bà Thatcher bị bịnh nhiều năm trước khi mất vào ngày 8-4-2013. (88 tuổi). Thủ tướng Anh, David Cameron, cho biết:”Đây là nổi đau buồn sâu sắc nhất của tôi trước cái chết của bà. Chúng ta đã mất một nhà lãnh đạo tuyệt vời và một người Anh vĩ đại”.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel ca ngợi bà Thatcher là “Một nhà lãnh đạo phi thường trên chính trường toàn cầu vào thời đại của bà”.
Cựu lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, người được trao giải Nobel Hòa Bình, nêu nhận xét: “Margaret Thatcher là một chính trị gia vĩ đại và là một cá nhân xuất sắc, bà đã đi vào trong ký ức của chúng ta, và trong lịch sử.
Theo đài BBC năm 2002, bà Thatcher đứng ở vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại của Anh Quốc.
5* Bà đầm thép Angela Merkel
5.1. Nhà lãnh đạo thầm lặng
Từ một nhà vật lý vô danh ở Đông Đức thế mà trong 16 năm đã trở thành người phụ nữ trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
25 năm trước, Angela Merkel là một phụ nữ ly dị chồng, sống ở Đông Đức. Sau 10 năm lèo lái nước Đức, bà Merkel vẫn là một người cực kỳ bí hiểm ngay cả đối với dân Đức. Bà tiết kiệm lời nói và trở thành kín đáo. “Bà ấy lãnh đạo trong im lặng. Đó là điểm mạnh nhất và cũng là điểm yếu nhất của bà. Bà không bao giờ nhanh miệng trước bất cứ chuyện gì. Cứ từ từ chờ xem con tàu đi tới đâu rồi thình lình nhảy lên tàu”, nhà báo Dirk Kurbjuweit của tờ Der Spiegel nêu nhận xét về bà như thế. Nhà báo nầy đã nghiên cứu và viết tiểu sử của bà Angela Merkel năm 2009.
Xuất thân từ một nước Cộng Sản Đông Đức, lại là một phụ nữ ly dị chồng năm 35 tuổi, không có kinh nghiệm về chính trị thế mà chiếm ghế Thủ tướng một cách ngon lành và đã duy trì được một nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu.
5.2. Bình tĩnh và tàn khốc
Bà Angela Merkel có phong cách bề ngoài là một người xề xòa: tóc hớt ngắn, váy rộng xấu xí, giày sandale bình thường vậy mà Thủ tướng Helmut Kohl đã bổ nhiệm bà vào chức vụ Bộ trưởng Phụ Nữ&Thanh niên, Bộ trưởng Môi trường và An toàn Lò Phản ứng Hạt nhân, và những vị trí quan trọng khác. Thủ tướng Kohl là người thầy đã dìu dắt bà trên đường chính trị.
“Bà Merkel là một chính trị gia tàn nhẫn. Bà “xử lý” các đối thủ trong nội bộ Đảng một cách cực kỳ thông minh và cực kỳ tàn khốc. Bà loại bỏ họ trong nháy mắt”, cựu Chánh Văn phòng Thủ tướng Anh, Jonathan Powel nêu nhận xét về bà trên đài BBC như thế.
Tại một cuộc vận động tranh cử với đảng đối lập là Dân Chủ Xã Hội, trong cuộc tranh luận trực tiếp truyền hình, chính khách nổi tiếng Schroder hét vào mặt và chửi rủa bà là “kẻ thua cuộc rõ ràng”.
Vẫn thói quen thường lệ, bà chậm rãi và bình tĩnh làm mất uy tín đối thủ. Người dân Đức nhận ra bà là một lãnh đạo xuất sắc và tài ba. Thế là bà nhảy lên chiếc ghế Thủ tướng Đức (Chancellor of Germany) đầy quyền lực một cách ngon lành, trở thành thủ tướng phụ nữ đầu tiên của nước Đức kể từ năm 2005.
Bà Angela Merkel đã có 8 lần xuất hiện trên danh sách Những Phụ nữ Quyền lực nhất Thế giới (The 100 Most Powerful Women) do tạp chí Forbes bình chọn.
Tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn Thủ tướng Angela Merkel là nhân vật của năm 2015 do vai trò lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người nhập cư Syria vào Châu Âu, cũng như khủng hoảng Ukraina.
5.3. Vài nét về bà Angela Merkel
Tên khai sanh là Angela Dorothea Kasner, sanh ngày 17-7-1954 tại Hamburg. Con gái của mục sư Tin Lành Horst Kasner. Mẹ tên là Herlind, giáo viên. Cũng như tất cả học sinh của chế độ Cộng Sản Đông Đức, bà là đoàn viên Thanh niên Cộng Sản rồi lên chức bí thư huyện đoàn.
Bà tốt nghiệp Tiến sĩ Lý Hóa. Nói thông thạo tiếng Anh và lưu loát tiếng Nga.
Ngày 19-5-2009, trong một cuộc nói chuyện trên truyền hình, bà cho biết khi bà xin việc làm ở Đại học Bách khoa, thì mật vụ Đức muốn tuyển mộ bà làm nhân viên, nhưng bà từ chối. Thế là không được thu nhận vào làm việc ở trường đại học đó.
Bà tiết lộ, bà có ý định vượt biên sang Tây Đức trong cuộc viếng thăm Tây Bá Linh, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên bỏ ý định. Khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, bà khui bia ăn mừng.
Năm 1977, kết hôn với nhà Vật Lý Ulrich Merkel và ly dị năm 1982. Năm 1998, kết hôn với GS Hóa học tên Joachim Sauer. Không có con.
6* Park Geun-hye, bà “Thatcher của Hàn Quốc”
Tổng thống Park Geun-hye là một chính trị gia nguyên tắc, quyết đoán và đáng tin cậy.
Giới phân tích chính trị cho rằng bà Park Geun-hye là một người lãnh đạo vững vàng, bình tĩnh, mạnh mẽ và độc lập giữa những cuộc khủng hoảng. Tờ The Guardian cho biết, bà Park được cho cái biệt danh là một “Thatcher của Hàn Quốc” với ngụ ý bà là một “người đàn bà thép”.
Đối với Bắc Hàn, bà Park cam kết thực hiện hai chính sách song song, vừa cải thiện quan hệ, vừa răn đe mạnh mẽ, hướng tới một cuộc họp mặt thượng đỉnh với Kim Jong-un. Bà cũng lên tiếng sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn.
6.1. Kim Jong-un đả kích nữ Tổng thống Park Geun-hye
Tờ The Telegraph cho biết, việc đả kích các tổng thống Nam Hàn đều do cơ quan truyền thông Bắc Hàn thực hiện, nhưng đây là lần đầu tiên do chính Kim Jong-un đích thân trực tiếp đe dọa lãnh đạo Nam Hàn.
Hãng tin KCNA (Korean Central News Agency) dẫn lời Kim Jong-un như sau: “Nhằm ngăn chặn các nhà lãnh đạo Nam Hàn trong tương lai, tránh những hành vi ngớ ngẩn giống như của bà Park, cần phải cho bà ấy thấy rằng ngày tàn của bà sắp đến. Bà Park phải thận trọng và hành xử hợp lý, phải ngừng ngay những hành vi thiếu suy nghĩ đối với chương trình hạt nhân của chúng tôi”.
Kim Jong-un cũng đe dọa nữ Tổng thống Hàn Quốc là “sẽ hối hận không kịp nếu tiến hành những hành động quân sự khiêu khích”.
6.2. Phản ứng của bà Park Geun-hye
Ngày 24-8-2015, bà Park tuyên bố “không lùi bước trong cuộc đối đầu căng thẳng với Bắc Hàn. Bình Nhưỡng phải có lời xin lỗi rõ ràng cho vụ nổ mìn làm bị thương hai binh sĩ Hàn Quốc. Nếu không thì Hàn Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch tuyên truyền chống phá Bắc Hàn qua hệ thống loa phát thanh cực mạnh ở khu vực biên giới”.
Một chiến dịch mà Bắc Hàn rất lo ngại vì sợ bị phơi bày những dối trá cần che giấu để lừa bịp nhân dân.
Bà Park tuyên bố “sẽ không có bất cứ một hành động rút lui nào trước mối đe dọa của Bình Nhưỡng”. Bà nhấn mạnh “sẽ trả đủa khốc liệt cho bất cứ hành động khiêu khích nào khác nữa”.
6.3. Chiến dịch tuyên truyền loa phóng thanh
1). Loa phóng thanh là công cụ hiệu quả nhất về chiến tranh tâm lý.
Ngày 1-4-2016, bà Park thảo luận với Bộ trưởng Quốc Phòng Kim Kwan-jin, cho rằng những đe dọa của Kim Jong-un là hết sức nghiêm trọng. “Chúng ta phải đáp trả nhanh chóng và mạnh mẽ nếu Bình Nhưỡng khiêu khích. Nhượng bộ là làm một “tiền lệ xấu” cho thế hệ tương lai”.
Để phản đối Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân ngày 6-1-2016, 12 giờ trưa ngày 8-1-2016, nữ Tổng thống Hàn Quốc cho mở lại chiến dịch loa phóng thanh tại 11 địa điểm ở biên giới hai nước Bắc và Nam Hàn.
24 hệ thống loa cố định và 16 hệ thống di động. Phóng thanh 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, không theo một giờ giấc cố định nào, kể cả ban đêm. Công suất loa rất mạnh, hoạt động tốt trong mọi thời tiết. Tiếng loa đi xa 24km ban đêm và 10km ban ngày.
Đối tượng là nhắm vào người dân sống ở vùng biên giới, nhưng quan trọng nhất là đối với hàng trăm ngàn binh lính trú đóng ở biên giới phía Bắc Hàn.
Nội dung là chiến tranh tâm lý và địch vận. Trước hết, phổ biến cho binh sĩ về thời tiết ở Bắc Hàn mà họ chưa bao giờ được biết. Họ chờ nghe. Phổ biến những bản nhạc, những tiếng hát mà người dân hai miền Triều Tiên rất ưa thích. Đối với binh lính trẻ thì có những nhạc K.Pop nổi tiếng của Nam Hàn, bị cấm ở miền bắc.
Sự sung túc về kinh tế và đời sống của người dân Nam Hàn. Đồng thời nêu những xa hoa phung phí của dòng họ Kim như hàng chục biệt thự “hoành tráng”, hàng chục xe hơi đắt tiền. Quần áo, xách tay, giày dép của Kim Jong-un và vợ là Ri Sol-ju, mỗi bộ hàng chục ngàn đô la, ví tay của bà nầy hàng ngàn đô la…trong khi người dân chết đói.
Ngoài ra, Nam Hàn còn thả bong bóng bay mang theo những khẩu hiệu tuyên truyền, thiết lập bảng tin điện tử và một đài phát thanh Tiếng nói Tự do (The Voice of Freedom)
2). Phản ứng của Kim Jong-un
Kim Jong-un vô cùng tức giận vì những sự thật về xảo trá và lừa bịp bị vạch trần. “Đó là hành động khiêu chiến. Nên nhớ rằng sự trả thù của quân đội Triều Tiên là không thương tiếc, có thể biến Seoul chìm trong biển lửa”
Kim Jong-un đe dọa Tổng thống Obama.
Bắc Hàn tung ra một Video dài 4 phút đe dọa Hoa Kỳ. Hình Bắc Hàn phóng một tên lửa hạt nhân. Xuyên qua các đám mây, nhắm vào Đài Tưởng Niệm Lincoln ở Thủ đô Washington. Điện Capitol nổ tung. Sau đó, màn hình hiện ra dòng chữ: “Nếu đế quốc Mỹ nhúc nhích một inch (2.5cm) về phía chúng ta, chúng ta sẽ ngay lập tức nhấn chìm chúng bằng vũ khí hạt nhân”
6.4. Nữ Tổng thống Hàn Quốc rửa chân cho cô dâu Việt Nam
Cô gái Việt Nam mặc áo dài truyền thống đang được ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc lau chân sau khi rửa.
Báo chí Hàn Quốc xôn xao trước việc ứng cử viên tổng thống của Đảng Saenuri, con gái của cố Tổng thống Park Chung Hee, là bà Park Geun-hye, tham dự lễ rửa chân Senzoku ở thành phố Ulsa, và đích thân bà rửa chân và lau chân cho một cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc.
Các ứng cử viên đích thân rửa chân cho cử tri để thể hiện tinh thần phục vụ dân chúng. Thương dân như con của mình, thể hiện quan tâm đến việc chăm lo đời sống người dân khi họ lên cầm quyền.
Cuộc chạy đua vào Nhà Xanh ở Hàn Quốc cũng quyết liệt không kém gì cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ. Nhà Xanh (Cheongwadae) là nơi ở và làm việc của Tổng thống Hàn Quốc.
7* Vài nét về nữ Tổng thống Park Geun-hye
7.1. Tiểu sử
Bà Park Geun-hye sinh ngày 2-2-1952. Là con gái của cố Tổng thống Park Chung Hee. Tốt nghiệp cử nhân điện từ năm 1974. Nhận bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại học Văn Hóa Trung Hoa, Đài Loan.
Ngày 15-8-1974, mẹ bà bị tên gián điệp Bắc Hàn tên Mun Se-gwang giết chết. Năm năm sau, cha bà bị Giám đốc Tình báo Hàn Quốc là Gim Jaegye giết chết.
Bà Park đã lên tiếng là rất hối tiếc về việc cha bà là nhà độc tài đàn áp tàn bạo các nhà đối lập Hàn Quốc.
7.2. Tham gia chính trường
Park Geun-hye được bầu làm nghị sĩ Quốc hội liên tiếp trong 5 nhiệm kỳ. Lãnh đạo Đảng Saenuri thắng lợi trong 40 cuộc bầu cử nên được gọi là “Nữ hoàng của các cuộc bầu cử”.
Năm 2006, bà bị tên Jichung-ho, 50 tuổi, đã có 8 tiền án tội phạm, rạch mặt bà bằng một con dao. Vết thương 11 cm trên khuôn mặt. Phải khâu 60 mũi và nhiều giờ phẫu thuật.
7.3. Đời sống cá nhân
Ngày 19-12-2012 đắc cử chức vụ Tổng thống Hàn Quốc, nhiệm kỳ 5 năm bắt đầu từ ngày 25-2-2013.
Bà chưa từng kết hôn và không có con.
Tấm thiệp cưới độc đáo. Khi bà Park nhậm chức tổng thống, những người ủng hộ tung lên mạng một tấm thiệp cưới mà cô dâu là Park Geun-hye và chú rể là Đại Hàn Dân Quốc”.
Tờ ABC News đưa tin, tấm thiệp đã tạo ra một hiệu ứng khá tích cực đối với người phụ nữ ở một đất nước được xếp hạng 108/135 quốc gia về sự bình đẳng giới tính, nam nữ.
8* Bà Thái Anh Văn, một “Merkel của Đài Loan”
8.1. Bà Thái Anh Văn là một người quyết đoán
Ngày 20-5-2016, bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò lãnh đạo quốc đảo nầy.
Giới báo chí Đài Loan đánh giá bà Thái như sau: “Bà Thái có cái vẻ mềm yếu bề ngoài nhưng lại là một chính trị gia quyết đoán”.
Quyết đoán là phán đoán một cách quả quyết. Dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của mình, đưa ra những quyết định nhanh chóng và dứt khoát.
Bà Thái đã từng tiết lộ, thần tượng của bà là Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà thích tính linh hoạt và sức mạnh của bà Thatcher, đồng thời ngưỡng mộ sự quyết đoán của bà Merkel.
Bà Thái Anh Văn sinh ngày 31-8-1956. Tốt nghiệp Luật khoa Đại học Đài Loan (1978). Cao học Đại học Cornell, New York, Hoa Kỳ (1980). Tiến sĩ Kinh tế Đại học London (Anh Quốc) (1984).
Bà Thái chưa từng kết hôn và không có con. Hiện đang sống tại một “căn hộ” chung cư với hai con mèo Think Think và Ah-Tsai ở Đài Bắc.
8.2. Quan điểm của nữ Tổng thống Đài Loan về Trung Quốc và Biển Đông
1). Về Trung Quốc
Trong bài phát biểu sau chiến thắng của cuộc tổng tuyển cử 2016, bà Thái Anh Văn cảnh báo Bắc Kinh: “Hệ thống dân chủ, bản sắc dân tộc và không gian quốc tế của chúng tôi phải được tôn trọng, bất kỳ hình thức đàn áp nào cũng sẽ gây tổn hại mối quan hệ giữa hai bờ eo biển”. Ngoài ra, bà Văn cũng kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và cùng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS= The United Nations Convention on the Law of the Sea)
2). Về chủ quyền Biển Đông
Nữ Tổng thống Đài Loan nêu ra 4 điểm:
- Bà nhấn mạnh chủ quyền của Đài Loan trên đảo Ba Bình. Không nhắc đến đường lưỡi bò.
- Bảo vệ tự do hàng không và hàng hải trên biển.
- Là cần giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
- Bà phản đối, lên án Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.
2). Ủng hộ đồng tính luyến ái
Một đoạn video dài 15 giây lên trang Facebook của bà, nói "Tôi là Thái Anh Văn, và tôi ủng hộ bình đẳng hôn nhân" và "Hãy để mọi người có thể tự do yêu và theo đuổi hạnh phúc”.
Đài Loan vẫn là một đồng minh của Mỹ. Quốc Hội Mỹ cho phép hành pháp được quyền tài trợ và huấn luyện quân đội Đài Loan. Trong 23 năm, Mỹ đã bán cho Đài Loan những vũ khí hiện đại nhất trị giá 44.8 tỷ USD. Và cam kết bảo vệ Đài Loan.
9* Bà Hillary Clinton-Một phụ nữ đầy quyền lực và tham vọng
9.1. Quyền lực và tham vọng
Trong thời gian 4 năm đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã công du 112 quốc gia, đi 1.6 triệu km với 401 ngày trên các chuyến hành trình để triển khai chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Năm 2006, bà đứng thứ 16 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Hình của bà cũng được đặt trên trang bìa của tạp chí Newsweek với nhan đề ”Người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Bà Clinton chắc chắn sẽ được Đảng Dân Chủ chọn là ứng viên của Đảng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với Đảng Cộng Hòa.
Các nhà phân tích nhận định, bà là ứng cử viên sáng giá và có thể sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
9.2. Bà Hillary Clinton sở hữu nhiều “cái nhất” trên chính trường Hoa Kỳ
Bà là Đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Mỹ được bầu vào Thượng Viện Hoa Kỳ. Ngoại trưởng công du nhiều quốc gia nhất trong lịch sử, trong nhiệm kỳ 4 năm.
Đệ nhất phu nhân đầu tiên sở hữu Văn Phòng Cánh Tây Nhà Trắng. Tờ The New York Times đã từng bình luận “bà là một thế lực độc lập trong Nhà Trắng”.
Trong hồi ký có tựa đề là Hard Choices (Những chọn lựa khó khăn), ra mắt năm 2014, người đọc mới vỡ lẻ ra rằng chính bà là người kiến tạo và thúc đẩy chính sách bình thường hóa Mỹ-Cuba.
9.3. Đường vào Nhà Trắng còn lắm chông gai
1). Bà Clinton bị thẩm vấn
Báo chí đưa tin, ngày thứ bảy 2-7-2016, ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton có tham dự cuộc thẩm vấn tại tổng hành dinh FBI, suốt hơn 3 tiếng đồng hồ về việc bà xử dụng Email và máy chủ cá nhân để trao đổi công việc khi bà giữ chức vụ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ (2009-2013).
Tờ Washington Post trích lời ông Nick Merrill, phát ngôn viên của chiến dịch tranh cử của bà Clinton, cho biết: “Bà đã tình nguyện tham dự cuộc thẩm vấn và bà rất hài lòng được có cơ hội cộng tác với Bộ Tư Pháp, hầu giúp đưa vụ nầy sớm đến hồi kết thúc”.
2). Vì sao phải dùng email cá nhân?
Đây là một quyết định có tính toán chớ không phải bốc đồng làm ẩu cho xong.
Mục đích chính là để giữ mức độ bảo mật cao. Email công cộng tại Bộ Ngoại Giao do nhiều viên chức của chính phủ quản lý. Đó là nơi công cộng mà nhiều bộ phận trong bộ có thể ra vào thường xuyên hầu như hàng ngày.
Dù sao thì máy chủ cá nhân của bà cũng được giao cho người thân cận đáng tin cậy về bảo mật, phụ trách.
3). Chế độ bảo mật email của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rất kém
Một anh binh nhất, 25 tuổi tên Bradley Manning, phụ trách tin tức tình báo sơ cấp ở Iraq, đã xâm nhập vào máy chủ Email của Bộ Ngoại Giao, đánh cắp 251,287 bức điện thư do các sứ quán Hoa Kỳ trên thế giới gởi về, và lưu trữ tại bộ nầy.
Anh binh nhất nầy đã gởi 750,000 trang tài liệu mật, bao gồm luôn 482,832 điện văn báo cáo từ chiến trường Iraq, đăng lên trang Web Wikileaks do Julian Assange phụ trách. Assange hiện đang tỵ nạn tại tòa Đại sứ Ecuador ở Anh Quốc.
Bradley bị kết án 35 năm tù giam tại nhà tù Fort Leavenworth, Kansas.
Bà Clinton không phải là ngoại trưởng đầu tiên dùng email cá nhân, mà trước đó, nhiều ngoại trưởng cũng đã xử dụng phương cách email như thế.
Vi phạm luật liên bang về nguyên tắc, nhưng bảo vệ được bí mật quốc gia, xem như mắt nhắm mắt mở cho qua luôn. Vi phạm nguyên tắc nầy không làm hại đến quyền lợi nước Mỹ cũng nên OK.
Một bảng thống kê cho biết, trên thế giới đã có trên 80 phụ nữ giữ những vai trò lãnh đạo quốc gia ở những chức vụ tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, cho nên đã đến lúc Hoa Kỳ nên phải có một nữ tổng thống để không bị chê cười là kỳ thị phụ nữ.
10* Kết luận
Vai trò của người phụ nữ trước kia chỉ đóng khung trong những ngành sư phạm, y dược khoa mà ngày càng sánh vai cùng nam giới trong những lãnh vực như quân sự, không gian, hàng không, tác chiến trên các mặt trận…
Tinh thần kiên trì và bất khuất trong đấu tranh giành dân chủ, tự do cho dân tộc như người phụ nữ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi là một tấm gương để phụ nữ noi theo.
Hy vọng rằng mọi việc trơn tru để Hoa Kỳ có một nữ tổng tống như bà Hillary Clinton vào đầu năm 2017. Mong thế.
Trúc Giang
Minnesota ngày 5-7-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét