Hôm nay, theo dõi, ngày nhậm chức, khởi đầu trở của Tổng Thống 45-47th / U.S Capitol.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH TRONG BÀI PHÁT BIỂU NHẬM CHỨC CỦA TỔNG THỐNG TRUMP
<!>
TỪ BÂY GIỜ THÌ TÔI LÀ TỔNG THỐNG HOA KỲ!
Các bạn là lý do duy nhất khiến tôi được bầu làm Tổng thống, MỘT LẦN NỮA, và vì các bạn, chúng ta sẽ cứu nước Mỹ một lần và mãi mãi.
Hãy nhớ rằng chúng ta là MỘT phong trào, MỘT con người, MỘT gia đình và MỘT QUỐC GIA VINH QUANG DƯỚI BÀN TAY CỦA THIÊN CHÚA!
Chúng ta sẽ cùng làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại!
Chúng ta sẽ cùng làm cho nước Mỹ khỏe mạnh trở lại!
Chúng ta sẽ cùng làm cho nước Mỹ giàu có trở lại!
Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào trở lại!
Chúng ta sẽ cùng làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại!
VÀ TẤT CẢ CHÚNG TA SẼ LÀM CHO NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI! CHÚA BAN PHƯỚC LÀNH CHO ĐẤT NƯỚC HOA KỲ!
Hôm nay, Ông Trump tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai, nói rằng ông được 'Chúa cứu rỗi!' để giải cứu nước Mỹ!
(Tổng thống Donald Trump phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ trong Lễ nhậm chức Tổng thống lần thứ 60 tại Rotunda của Điện Capitol ở Washington, ngày 20/1/2025.)
-Ông Donald Trump cam kết giải cứu nước Mỹ khỏi những gì ông mô tả là nhiều năm phản bội và suy thoái trong bài phát biểu nhậm chức của mình hôm nay, 20/1, ưu tiên trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp và tự coi mình là vị cứu tinh của quốc gia được Chúa chọn.
"Đầu tiên, tôi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam của chúng ta", ông nói. "Mọi hành vi nhập cư bất hợp pháp sẽ bị dừng lại ngay lập tức và chúng ta sẽ bắt đầu quá trình đưa hàng triệu người nhập cư phạm tội trở về nơi họ xuất phát".
Bài phát biểu của ông Trump lặp lại nhiều chủ đề mà ông đã nêu ra trong lễ nhậm chức cho nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2017, khi ông nói một cách u ám về "thảm sát ở Mỹ" về tội phạm và mất việc làm mà ông cho là đã tàn phá đất nước.
Ông Trump, 78 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức vào lúc 12:01 chiều ngày 20/1 bên trong Điện Capitol của Quốc hội Mỹ, do Chánh án John Roberts chủ trì, trong đó ông thề sẽ "giữ gìn và bảo vệ" Hiến pháp Hoa Kỳ. Phó tổng thống của ông, JD Vance, đã tuyên thệ nhậm chức ngay trước đó.
Ông Trump sẽ là tội phạm đầu tiên vào lãnh đạo Tòa Bạch Ốc sau khi bồi thẩm đoàn New York kết tội ông làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản tiền bịt miệng trả cho một ngôi sao khiêu dâm.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc mới nhậm chức cho biết hôm 20/1 rằng ông Trump có ý định ký một loạt các hành động hành pháp trong những giờ đầu tiên làm tổng thống, bao gồm 10 hành động tập trung vào an ninh biên giới và nhập cư, vốn là ưu tiên hàng đầu của ông.
Các quan chức cho các phóng viên biết rằng ngoài việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tổng thống sẽ điều quân đội đến đó và tiếp tục chính sách buộc những người xin tị nạn phải chờ ở Mexico để ra tòa tại Hoa Kỳ.
Ông Trump cũng sẽ tìm cách chấm dứt cái gọi là quyền công dân theo nơi sinh đối với những đứa trẻ sinh ra tại Hoa Kỳ có cha mẹ không có tư cách pháp lý, một động thái mà một số học giả pháp lý cho rằng sẽ vi hiến.
Lễ nhậm chức hoàn tất sự trở lại đầy vinh quang của một nhân vật hay gây rối loạn chính trị đã sống sót sau hai phiên tòa luận tội, một bản án trọng tội, hai lần bị ám sát hụt và một bản cáo trạng vì tìm cách lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 của mình.
"Hành trình giành lại nền cộng hòa của chúng ta không hề dễ dàng, tôi có thể nói với bạn như vậy", ông Trump nói, trước khi nhắc đến viên đạn của kẻ ám sát đã sượt qua tai ông vào tháng 7. "Tôi đã được Chúa cứu để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Buổi lễ được chuyển vào bên trong Điện Capitol do thời tiết lạnh, diễn ra bốn năm sau khi một đám đông người ủng hộ Trump xông vào tòa nhà biểu tượng của nền dân chủ Hoa Kỳ, trong một nỗ lực không thành công nhằm ngăn chặn thất bại của ông Trump trước ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, 82 tuổi.
Ông Biden và Phó Tổng thống mãn nhiệm Kamala Harris, người đã thua ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11, đã có mặt bên trong điện mái vòm Rotunda của Điện Capitol, cùng với các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người đã thua ông Trump vào năm 2016, đến cùng chồng bà là ông Bill, nhưng vợ của ông Obama, bà Michelle, không tham dự.
Nhiều giám đốc điều hành công nghệ đã tìm cách lấy lòng chính quyền mới – bao gồm ba người đàn ông giàu nhất thế giới, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX Elon Musk, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos và Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg – đã có những chỗ ngồi trên hàng ghế nổi bật bên sân khấu, bên cạnh những người được đề cử vào nội các và các thành viên trong gia đình ông Trump.
Ông Trump, tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên kể từ thế kỷ 19 giành được nhiệm kỳ thứ hai sau khi mất Nhà Trắng, đã tuyên bố rằng "vào Ngày đầu tiên" ông sẽ ân xá cho nhiều người trong số hơn 1.500 người bị buộc tội liên quan đến vụ tấn công ngày 6/1/2021. Ông đã bỏ qua lễ nhậm chức của ông Biden và tiếp tục tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử năm 2020 mà ông thua ông Biden là gian lận.
Ông Biden, trong một trong những hành động chính thức cuối cùng của mình, đã ân xá cho một số người mà ông Trump đã nhắm đến để trả thù, bao gồm cựu cố vấn trưởng về y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci, cựu Dân biểu Cộng hòa Hoa Kỳ Liz Cheney và cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley.
Theo tiết lộ của các quan chức chính quyền mới với các phóng viên, ông Trump sẽ khôi phục án tử hình liên bang, mà ông Biden đã đình chỉ, và yêu cầu các tài liệu chính thức của Hoa Kỳ như hộ chiếu phải phản ánh giới tính của công dân khi sinh ra.
Họ cho biết ông Trump cũng sẽ ký một lệnh hành pháp chấm dứt các sáng kiến về sự đa dạng, công bằng và hòa nhập trong chính phủ liên bang vào ngày 20/1, cũng là Ngày tưởng niệm Martin Luther King Jr., một ngày lễ quốc gia tưởng nhớ nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.
Nhưng theo một quan chức của chính quyền mới cho biết, ông Trump sẽ không áp dụng ngay các mức thuế quan mới vào ngày 20/1, thay vào đó, chỉ đạo các cơ quan liên bang đánh giá các mối quan hệ thương mại với Canada, Trung Quốc và Mexico. Diễn biến bất ngờ này đã gây ra sự trượt giá mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ và một đợt tăng giá trên thị trường chứng khoán toàn cầu vào một ngày khi thị trường tài chính Hoa Kỳ đóng cửa.
Một số sắc lệnh hành pháp của ông Trump có khả năng phải đối mặt với những thách thức pháp lý.
Ngay cả khi chuẩn bị tái nhậm chức, ông Trump vẫn tiếp tục mở rộng các dự án kinh doanh của mình, huy động hàng tỷ đô la với giá trị thị trường bằng cách tung ra một đồng tiền điện tử không có giá trị vốn hóa thị trường vào cuối tuần qua, gây ra những câu hỏi về đạo đức và quy định.
Trước khi nhậm chức, ông Trump và đệ nhất phu nhân tương lai Melania Trump đã đến Nhà Trắng, nơi ông Biden và đệ nhất phu nhân sắp mãn nhiệm Jill Biden chào đón họ bằng những cái bắt tay.
"Chào mừng trở về nhà", ông Biden nói.
Thế lực gây rối loạn
Giống như năm 2017, ông Trump nhậm chức như một cái nguồn gây hỗn loạn, khi thề sẽ tái thiết chính phủ liên bang và bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vốn đã định hình nên nền chính trị toàn cầu sau Thế chiến thứ hai.
Vị cựu tổng thống trở lại Washington với sự phấn khích sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trước bà Harris với chênh lệch hơn 2 triệu phiếu bầu nhờ làn sóng cử tri thất vọng về tình trạng lạm phát dai dẳng, mặc dù ông Trump vẫn không đạt được đa số 50%.
Năm 2016, ông Trump đã giành được chiến thắng nhờ phiếu bầu của Đại cử tri đoàn – và giành chức tổng thống – mặc dù nhận được ít hơn bà Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông.
Ông Trump, người đã vượt qua ông Biden để trở thành tổng thống lớn tuổi nhất từng tuyên thệ nhậm chức, sẽ tận hưởng lợi thế khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại cả hai viện của Quốc hội. Các cố vấn của ông Trump đã vạch ra kế hoạch thay thế các quan chức phi đảng phái bằng những người trung thành được lựa chọn kỹ lưỡng.
Ngay cả trước khi nhậm chức, ông Trump đã thiết lập một trung tâm quyền lực đối địch trong những tuần sau chiến thắng bầu cử của mình, gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới và gây ra sự bàng hoàng khi công khai ý định chiếm Kênh đào Panama, kiểm soát lãnh thổ Greenland của Đan Mạch và đồng minh NATO, cũng như áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.
Ảnh hưởng của ông Trump đã được cảm nhận trong thông báo của Israel-Hamas vào tuần trước về một thỏa thuận ngừng bắn. Ông Trump đã cử đặc phái viên tham gia các cuộc đàm phán tại Qatar và đã cảnh báo về "sự trả giá đắt" nếu Hamas không thả các con tin trước lễ nhậm chức của ông.
Không giống như năm 2017, khi bổ nhiệm nhiều chức vụ cấp cao bằng những người theo chủ nghĩa thể chế, ông Trump lần này ưu tiên lòng trung thành hơn là kinh nghiệm khi đề cử một loạt các ứng cử viên nội các gây tranh cãi, mà một số người trong đó là những người chỉ trích thẳng thắn các cơ quan mà họ được giao nhiệm vụ lãnh đạo.
Lễ nhậm chức diễn ra trong bối cảnh an ninh nghiêm ngặt sau một chiến dịch tranh cử được đánh dấu bằng sự gia tăng bạo lực chính trị bao gồm hai vụ mưu sát nhắm vào ông Trump, trong đó có một vụ mà viên đạn sượt qua tai ông.
Cuộc diễn hành truyền thống dọc theo Đại lộ Pennsylvania qua Nhà Trắng giờ đây diễn ra trong nhà tại Capital One Arena, nơi ông Trump tổ chức cuộc mít tinh mừng chiến thắng hôm 19/1. Ông Trump cũng sẽ tham dự ba buổi dạ hội nhậm chức vào buổi tối ngày 20/1.
Một số người ủng hộ trung thành của ông Trump đã ngủ trên phố trong điều kiện giá lạnh để đảm bảo họ không bỏ xếp hàng nhằm có được một chỗ ngồi trong vận động trường Capital One Arena trong nhà này.
Một chiếc bàn và một chiếc ghế được đặt trên sân khấu, nơi ông Trump dự kiến sẽ ký một số sắc lệnh hành pháp đầu tiên của mình trước mặt những người ủng hộ trước khi đến Tòa Bạch Ốc
Hôm nay, trong diễn văn nhậm chức, với nhiều lời hứa hẹn, TT Trump nói đến ‘thời hoàng kim’ của Mỹ!
-(NV) Hôm Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố rằng “thời hoàng kim của Mỹ Quốc bắt đầu ngay bây giờ” và quả quyết rằng những thách thức của đất nước sẽ bị phong trào MAGA của ông “triệt hạ” trong một bài diễn văn nhậm chức thẳng thừng, nhắc lại các chủ đề cùng những sự bất bình cũ từng tiêu biểu cho các phát biểu của ông trước công chúng, Đài NBC News đưa tin.
Ông Trump, với phong thái tương đối điềm tĩnh và tư tưởng tập trung, đã phát biểu gần 40 phút tại sảnh đường Capitol Rotunda sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.
Tổng Thống Trump cùng với Tổng Thống Grover Cleveland trở thành những vị nguyên thủ quốc gia duy nhất trong lịch sử Mỹ mất chức tổng thống rồi sau đó giành lại được ngôi vị.
(Tổng Thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức với Chánh Án John Roberts tại đại sảnh Capitol Rotunda ngày 20, 2025 với phu nhân Melania cầm Thánh kinh, con trai Barron, Phó Tổng Thống JD Vance, Tổng Thống Joe Biden và Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden ở Washington, DC.)
Ông Trump đã tuyên thệ nhậm chức và đọc bài diễn văn nhậm chức bên trong tòa nhà Quốc Hội vì nhiệt độ bên ngoài ở thủ đô Washington quá lạnh vào thời điểm này.
Vị tân tổng thống đã phát biểu trên quan điểm của một người đang thực hiện sứ mệnh thiên định sau khi sống sót dưới một viên đạn của một sát thủ hồi mùa Hè vừa rồi tại một cuộc biểu tình ở Pennsylvania.
“Tôi đã được Chúa cứu vớt để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,” ông Trump tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng ông muốn trở thành một “kẻ kiến tạo hòa bình và đoàn kết toàn dân.” Sau bốn năm tại vị và bốn năm tìm cách quay lại chức vụ, các phụ tá nói rằng ông Trump có cảm quan tốt hơn nhiều về các động lực dẫn đến quyền lực so với khi ông nhậm chức lần đầu tiên vào năm 2017.
Kết hợp với một loạt các sắc lệnh hành pháp mà ông dự định ban hành ngay vào hôm Thứ Hai, những nhận định đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống lần này của ông Trump báo hiệu rằng ông có ý định thăm dò giới hạn quyền lực của tổng thống trong khi tích cực theo đuổi chương trình hành động của mình.
Nhưng ông Trump cũng tự đặt ra một tiêu chuẩn cao trong việc công bố những lời hứa có thể là khó thực hiện. “Tôi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở vùng biên giới phía Nam của đất nước,” ông Trump nói. “Tất cả các cuộc nhập cảnh bất hợp pháp sẽ bị ngăn chặn ngay lập tức và chúng tôi sẽ khởi sự tiến trình đưa hàng triệu tay tội phạm người nước ngoài qua trở lại nơi họ xuất phát để đến Mỹ.” Tổng Thống Trump đã sử dụng quyền ban hành luật khẩn cấp như thế trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình để có thể sử dụng ngân sách quân sự nhằm xây dựng bức tường biên giới, một hành động từng bị các tòa án liên bang ngăn chặn.
Ông Trump cũng cho biết ông sẽ tuyên bố các tập đoàn ma túy Mexico là những tổ chức khủng bố ngoại quốc, và ông sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành “Vịnh Mỹ.” Ông hứa sẽ kiềm chế lạm phát, một phần bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng trên toàn quốc, đẩy mạnh hoạt động khoan tìm nhiên liệu hóa thạch và đảo ngược các chính sách thời Biden nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Trump nói tiếp: “Chúng ta sẽ tuân thủ vận mệnh hiển nhiên của mình là tiến tới các vì sao bằng cách phóng các phi hành gia Mỹ lên trồng lá quốc kỳ Sao và Sọc trên hành tinh Sao Hỏa.” Nghe thế, tỷ phú Elon Musk người giàu nhất thế giới, cười rạng rỡ và giơ hai ngón tay cái lên mà la to: “Đúng vậy!”
Vị tân tổng thống còn cam kết sẽ thực hiện việc nới rộng lãnh thổ tại những nơi gần nước Mỹ, hướng mắt về phía Kênh Đào Panama. “Chúng tôi không chấp nhận trao con kênh này cho Trung Quốc,” ông Trump nói. “Chính chúng tôi đã đưa con kênh cho Panama, và chúng tôi sẽ lấy lại nó.”
Tổng Thống Trump đã phát biểu trước mặt bốn vị cựu tổng thống hiện còn sống, đó là Joe Biden, Barack Obama, George W. Bush, và Bill Clinton, cũng như với tất cả chín vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, cùng với các thành viên trong gia đình ông và các nhà lập pháp Cộng Hòa và Dân Chủ.
Sự hiện diện của đương kim Tổng Thống Biden đã khôi phục lại truyền thống theo đó vị tổng thống sắp mãn nhiệm tham dự lễ nhậm chức của nhân vật kế nhiệm, mặc dù cựu Tổng Thống Trump đã bỏ qua lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng Thống Biden hồi bốn năm về trước.
Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Lệnh Ngừng Bắn Tại Gaza Chính Thức Đã Có Hiệu Lực!
(Hình AFP - Omar Al-Qattaa: Ảnh chụp từ trên không cho thấy những người Palestine trở về nhà từ các trại tị nạn ở miền Bắc Gaza, ngày 19/1/2025.)
-Bị trễ mất 3 tiếng đồng hồ so với dự kiện, lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Do Thái tại Gaza chính thức có hiệu lực vào sáng 19/1/2025 kể từ 11 giờ 30, giờ địa phương. Quân đội Do Thái tiếp tục oanh kích Gaza cho đến tận giờ phút chót. Phía Hamas chậm trễ công bố danh sách các con tin người Do Thái được trả tự do. Điều đó không cấm cản ngay từ sáng nay hàng ngàn người dân Palestine phải di dời chỗ ở trong 15 tháng xung đột vừa qua, đã lên đường trở về khu vực Bắc Gaza.
Theo hãng tin Pháp AFP vào lúc 9 giờ 30 sáng 19/1, giờ quốc tế, tức 11 giờ 30, giờ địa phương ở Gaza, Qatar và Do Thái cùng xác nhận "Lệnh ngừng bắn tại Gaza có hiệu lực". Chính quyền Qatar, một trong 3 nhà bảo trợ cho tiến trình ngừng bắn tại Gaza trong thông cáo sáng 19/1 cho biết, Hamas trả tự do cho 3 phụ nữ Do Thái, hai người mang song tịch Lỗ Ma Ni và Anh. Trưa 19/1, những chiếc xe vận tải đầu tiên chở hàng viện trợ nhân đạo đã vào được bên trong dải Gaza.
Cho đến sát giờ phải thi hành lệnh ngừng bắn, quân đội Do Thái rạng sáng nay vẫn tấn duy trì hỏa lực tại Gaza, làm "một chục người chết" theo số liệu của chính quyền Hamas. Về phần Nhà nước Do Thái, Ngoại trưởng Gideon Saar cảnh cáo trước nguy cơ "bất ổn trong khu vực nếu như phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas tiếp tục cầm quyền ở dải Gaza".
Bộ trưởng Do Thái đặc trách về An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir, thuộc cánh cực hữu từ chức, rút lui khỏi chính phủ liên minh do Thủ tướng Benjamin Netanyahu điều hành.
Các động thái nói trên cho thấy thỏa thuận đình chiến giữa Hamas và Do Thái rất mong manh. Đó mới là mối lo ngại hàng đầu trong mắt gia đình, thân nhân gần 100 con tin người Do Thái vẫn bị bắt giữa từ loạt khủng bố tấn công ngày 7/10/2023, như tường thuật của đặc phái viên Nicolas Falez của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Tel Aviv:
"Công chúng chứng kiến danh tính các con tin đang được xướng lên và những khuôn mặt rạng ngời được chiếu trên màn hình lớn. Mỗi cái tên được xướng lên lại kèm theo lời kêu gọi Archav, để đòi tự do cho họ ngay bây giờ. Trong số những người lên khán đài phát biểu, có ba phụ nữ. Trước hết là mẹ của con tin Matan Angrest, một quân nhân Do Thái 21 tuổi bị bắt cóc hôm 7/10/2023. Bà nói 'hãy trả Matan lại cho tôi, hãy đưa con trai tôi thoát khỏi Địa Ngục'. Rồi bà kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu 'hãy đưa những người lính trở về nhà, đã có quá nhiều người chết, đã có quá nhiều tang tóc'. Matan không có tên trong danh sách những con tin Do Thái được trả tự do trong đợt đầu của Thỏa thuận Ngừng bắn. Tại đây mọi người đều hồi họp lo sợ rằng lệnh hưu chiến bị phá hỏng.
Amit Sossana từng bị Hamas bắt giữ trong 55 ngày trước khi được tự do hồi tháng 11/2023 nhân lệnh ngừng bắn lần thứ nhất. Cô nói 'khi được thả, tôi đã bỏ lại những người mình quý mến và từ khi được tự do tôi không bao giờ ngừng nghĩ về họ, khi họ hiểu được rằng chiến tranh tiếp diễn và họ không có cơ hội được trả về với gia đình. Chúng ta không thể bắt họ lại phải chứng kiến điều đó. Các con tin và thân nhân họ không thể vượt qua được cú sốc này'.
Rồi đến lượt Ofri Bibas-Lévy, bà có hai người cháu, tuổi còn thơ đang bị cầm giữ ở Gaza. Kfir và Ariel Bibas mới chỉ có 2 và 5 tuổi. Hình ảnh hai đứa bé, tóc đỏ xuất hiện trên màn hình. Bà nói nếu Thỏa thuận Ngừng bắn lần này đổ vỡ thì 'chúng tôi cũng tan vỡ theo. Không chỉ gia đình chúng tôi tan vỡ mà cả đất nước này cũng sụp đổ theo'. Bà từng mong muốn viết cho cậu cháu vừa tròn hai tuổi hôm qua, để mừng thằng bé được 2 tuổi, nhưng bà không còn đủ nghị lực để cầm bút..".
Iran Công Bố Một Căn Cứ Ngầm Dưới Biển Với Hàng Trăm Tàu Được Trang Bị Phi đạn
(Ảnh chụp màn hình X / Force armées iraniennes: Hình ảnh được lực lượng Iran đăng tải trên mạng xã hội X, tiết lộ căn cứ Hải quân ngầm.)
-Chỉ 2 ngày trước khi Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, hôm 18/1/2025, Tehran đã phô trương sức mạnh quân sự, công bố một căn cứ Hải quân ngầm dưới biển với hàng trăm tàu được trang bị súng máy và phi đạn, có khả năng tấn công khu trục hạm của Mỹ.
Theo thông tấn xã AFP, lực lượng Hải quân của Vệ binh Cách mạng Iran hôm 18/1 công bố một cơ sở ở vùng biển phía Nam đất nước, nằm ở độ sâu 500m, nơi có những đường hầm đặt cả trăm tàu tấn công được trang bị súng máy và phi đạn. Không tiết lộ địa điểm cụ thể, truyền hình Nhà nước Iran khẳng định "một số tàu" có khả năng tấn công các chiến hạm và khu trục hạm của Mỹ. Theo các hình ảnh được công bố, tướng Hossein Salami, chỉ huy Vệ binh Cách mạng Iran và tướng Alireza Tangsiri, người đứng đầu lực lượng Hải quân của Vệ binh Cách mạng, đến thăm địa điểm quân sự này. Từ thủ đô Tehran của Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Căn cứ này nằm ở Vịnh Ba Tư, được công bố vài ngày sau một căn cứ ngầm, nơi đặt các phi đạn có khả năng phóng tới tận Do Thái.
Trong những hình ảnh được truyền hình Nhà nước Iran phát đi, có thể trông thấy hàng trăm tàu nhỏ. Theo chỉ huy Hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, một số tàu nói trên có thể đạt đến tốc độ 180 cây số/giờ, đồng thời phóng phi đạn.
Chỉ huy Tangsiri tuyên bố chỉ cần 3 tàu là đủ để đánh chìm một chiếc tàu lớn của kẻ địch. Ông cũng nói thêm rằng Tehran có các căn cứ tương tự ở Vịnh Ba Tư, nên có thể dễ dàng đối phó với các mối đe dọa.
Thông tin được công bố trong bối cảnh Do Thái đe dọa sẽ tấn công vào các cơ sở nguyên tử và dầu lửa của Iran ở Vịnh Ba Tư.
Một hôm trước khi Tổng thống Trump trở lại nắm quyền, đây cũng là một cách để Iran cho thấy rằng bất chấp chiến tranh Gaza, mặc dù phong trào Hezbollah Liban bị triệt tiêu và chế độ Syria đã sụp đổ, nhưng Iran vẫn là một cường quốc quân sự quan trọng trong vùng".
Các Nước Vùng Baltic Lo Ngại Trước Sự Trở Lại của Donald Trump
(Ảnh AP / Steve Helber, minh họa: Donald Trump trong một cuộc họp tại Capitol, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 8/1/2025.)
-Tổng thống Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc và những quyết định khó lường của tỉ phú Hoa Kỳ khiến các nước vùng Baltic lo ngại. An ninh tại các quốc gia nằm sát cạnh với Liên bang Nga này phụ thuộc nhiều vào Hoa Kỳ.
Từ thủ đô Vilnius của Lithuania, thông tín viên Marielle Vitureau của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
Vào giữa tháng 11, Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda đã điện đàm với ông Donald Trump, không lâu sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông bảo đảm rằng Lithuania sẵn sàng làm việc với Hoa Kỳ, đồng thời là một trong những nước chi nhiều nhất cho quốc phòng. Tổng thống Lithuania cũng vừa cam kết từ năm 2026 sẽ dành đến 5% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Ngoại trưởng Latvia, bà Baiba Braze, trả lời trên truyền hình, thì cho rằng 'để không bị lo sợ bởi những tuyên bố thẳng thắn của Donald Trump thì chỉ có một biện pháp duy nhất: Phải làm việc thay vì tự hỏi điều gì sẽ xảy đến'.
Bà nhấn mạnh rằng lập trường của các nước phải rõ ràng và những cam kết của chúng ta 'phải được biết đến, rằng chúng ta đã có nhiều hành động'.
Tại các quốc gia giáp ranh với Nga, câu hỏi lớn được đặt ra là chiến tranh Ukraine sẽ chấm dứt như thế nào. Các nước vùng Baltic lo sợ rằng Mạc Tư Khoa sẽ giành chiến thắng nhờ vào đạt được một thỏa thuận với Donald Trump.
Bà Alexandra de Hoop Scheffer, Chủ tịch của quỹ Đức Marshall, cho rằng có thể có một kịch bản khác. Bà nói 'Donald Trump, một khi quay trở lại Tòa Bạch Ốc có thể tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine để gây áp lực nhiều hơn đối với Vladimir Putin và buộc ông ta ngồi vào bàn đàm phán'.
Một kỷ nguyên mới được mở ra và cần phải chuẩn bị, các Nghị sĩ vùng Baltic đã gia tăng các chuyến thăm sang Mỹ từ nhiều tháng qua".
EU Sẵn Sàng Đối Phó Với Trump: Mở Rộng Điều Tra Mạng X của Musk, Công Bố Hiệp Định Mới Với Mễ Tây Cơ
(Ảnh REUTERS - Brandon Bell, minh họa: Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump và tỉ phú Elon Musk tại Brownsville, tiểu bang Texas, Mỹ, ngày 19/11/2024.)
-Ngày 17/1/2025, Phó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu (EC), Henna Virkkunen, phụ trách Chủ quyền Kỹ thuật, An ninh và Dân chủ, thông báo Brussels quyết định "đưa ra một số biện pháp mới" để xem xét mạng X của tỉ phú Elon Musk, cánh tay phải của ông Trump, có vi phạm luật của Liên Hiệp Âu Châu (EU) hay không.
Brussels yêu cầu công ty của Musk phải cung cấp trước ngày 15/2, tài liệu nội bộ của công ty về các hệ thống" cho phép định hướng việc tiếp cận thông tin cùng tất cả những điều chỉnh gần đây đối với các hệ thống này. Chủ nhân mạng X bị nghi ngờ là sử dụng "các thuật toán" của mạng xã hội này để phổ biến rộng rãi các thông tin có lợi cho các lực lượng chính trị cực hữu tại Âu Châu.
Hôm 17/1, Liên Hiệp Âu Châu cũng công bố một thỏa thuận tăng cường quan hệ thương mại với Mễ Tây Cơ về nông nghiệp. Ủy Ban Âu Châu nhấn mạnh là thỏa thuận mới cho phép "thúc đẩy xuất cảng nông sản, thực phẩm của Liên Hiệp Âu Châu sang Mễ Tây Cơ, đồng thời thúc đẩy các giá trị chung và các quy tắc tiến bộ về phát triển bền vững".
Việc Ủy Ban Âu Châu đưa ra hai quyết định nói trên cho thấy Brussels sẵn sàng đối phó với tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Thông tín viên Pierre Bénazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Brussels của Bỉ:
"Cuộc điều tra nhắm vào mạng xã hội X đã được mở ra cách nay hơn một năm. Điều tra cũng đã nhắm vào nguy cơ can thiệp vào các tiến trình bầu cử ở Âu Châu. Sự xuất hiện của tỉ phú Mỹ Elon Musk bên cạnh lãnh đạo cực hữu người Đức, Alice Weidel, đã làm dấy lên nhiều kêu gọi Ủy Ban Âu Châu hành động.
Ủy Ban Âu Châu nhấn mạnh việc ông Musk ủng hộ lãnh đạo cực hữu Đức không thách thức nguyên tắc tự do ngôn luận, nhưng đồng thời quyết định tiến hành 3 hướng điều tra mới nhắm vào X.
Trước hết, Brussels yêu cầu X cung cấp "tài liệu nội bộ về các hệ thống" cho phép định hướng việc tiếp cận thông tin. Tiếp theo đó là yêu cầu lưu giữ tất cả các tài liệu về "các thuật toán" và cuối cùng là mở cửa cho Ủy Ban truy cập vào các "giao diện" liên quan đến việc lập trình các ứng dụng của X.
Cho đến nay, Ủy Ban Âu Châu dường như vẫn lo sợ sẽ làm mất lòng Tổng thống đắc cử Donald Trump khi tấn công Elon Musk. Với quyết định này, Brussels đã thể hiện sức mạnh. Âu Châu sẵn sàng áp dụng các quy tắc đã có đối với thị trường kỹ thuật số của khối.
Liên Hiệp Âu Châu thậm chí còn tiến xa hơn, khi tuyên bố mở rộng Hiệp định Thương mại Tự do với Mễ Tây Cơ. Hiệp định này, vốn chỉ liên quan đến các sản phẩm công nghiệp, sẽ được mở rộng sang nông nghiệp, dịch vụ và các hợp đồng với nhà nước. Thông điệp ở đây cũng rất rõ ràng: Nếu Donald Trump muốn một cuộc chiến thương mại, Liên Hiệp Âu Châu đã sẵn sàng cho cuộc chiến này".
Algeria Ngày Càng Thù Nghịch Với Pháp
-Xung đột giữa Pháp và Algeria là chủ đề rất được các tuần báo ra ngày 19/1/2025 quan tâm.
Tuần san cánh hữu Le Point bực tức khi Pháp tỏ ra yếu kém, hầu như ai cũng muốn "dẫm chân lên". Và thái độ khiêu khích của Algeria gần đây quả là giọt nước tràn ly. Quốc gia này được Paris viện trợ phát triển 842 triệu Euro trong 5 năm dù có thu nhập từ dầu khí hàng năm lên đến 50 tỉ Mỹ kim, nhưng sau cuộc chiến độc lập 1962 vẫn xử sự như Pháp luôn là thực dân đô hộ. Pháp đã làm mọi cách để làm hài lòng Algeria, thậm chí nhắm mắt bỏ qua vụ ám sát con của một nhà đối lập ngay giữa thủ đô Paris năm 2004.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Emmanuel Macron đã cố gắng hàn gắn quan hệ nhưng chẳng nhận lại được gì. Chẳng còn giới hạn nào nữa với Algiers, sau khi bắt giữ nhà văn Boualem Sansal đã nhập tịch Pháp, các KOL (người nổi tiếng trên mạng xã hội) Algeria đang sinh sống ở Pháp còn công khai kêu gọi giết người, hãm hiếp.
Trên bình diện Âu Châu, Trump đòi mua Groenland, Putin tấn công bằng chiến tranh đa diện. Tuần báo cho rằng tỏ ra yếu đuối sẽ càng khiến đối thủ "được đằng chân lân đằng đầu". Tốt nhất là nên "tỉnh thức trước khi màn đêm trùm xuống".
Cuba Trả Tự Do Cho Hàng Trăm Tù Nhân Chính Trị: Vai Trò của Tòa Thánh Vatican
(Hình AP / Ramon Espinosa: Juan Yainier Antomarchi Nunez (giữa), một tù nhân chính trị mới được trả tự do, ngày 16/1/2025 tại thủ đô Havana của Cuba.)
-Hôm đầu tuần, Mỹ thông báo rút Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ "khủng bố". Trước đó, ngày 14/1/2025, Havana trả tự do cho hơn 550 tù nhân chính trị. Theo giới phân tích, một lần nữa Giáo hội Công giáo và các hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh Vatican lại đóng vai trò then chốt trong quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ.
Thông tín viên Eric Sénanque của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Roma của Ý Ðại Lợi phân tích:
"Hôm 14/1/2025, khi thông báo trả tự do cho các tù nhân chính trị, Bộ Ngoại giao Cuba đã tiết lộ là Đức Giáo hoàng Francis đã được thông báo về quyết định của Chủ tịch Cuba, Diaz Canel. Đây là cách để nhấn mạnh đến vai trò then chốt của ngành ngoại giao ở Vatican. Từ nhiều năm qua, Tòa Thánh là một đối tác ngoại giao quan trọng giữa Cuba với các đối thủ của chính quyền nước này, mà đứng đầu là Mỹ.
Tháng 12/2014, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama loan báo bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Thịnh Ðốn và Havana. Ông cũng đã công khai cảm ơn Đức Giáo hoàng. Vài tháng trước đó, đích thân lãnh đạo Vatican, người Á Căn Ðình, gửi hai bức thư đến Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba, kêu gọi đôi bên trao đổi tù nhân và sưởi ấm quan hệ.
Trong những năm gần đây, Tòa Thánh đã tiếp các phái đoàn của Cuba và Mỹ trong khuôn khổ các cuộc họp không chính thức.
Vatican khai thác ảnh hưởng tại Havana qua sự hiện diện của Sứ thần Tòa Thánh, tức cơ quan đại diện ngoại giao, và nhất là ảnh hưởng của cố Hồng y Ortega, lãnh đạo tổng giám mục Cuba từ trần vào năm 2019.
Giáo hội Công giáo là một đối tác ngoại giao hàng đầu. Nhiều viên chức quan trọng của Vatican trong quá khứ từng được chỉ định đến công tác tại Cuba. Thành công này của Tòa Thánh phản ánh quyết tâm của Đức Giáo hoàng, đặt Năm Thánh 2025 dưới dấu ấn của Ơn Toàn Xá".
Nam Hàn: Phe Ủng Hộ Yoon Suk Yeol Đột Nhập Vào Tòa Án Phản Đối Lệnh Bắt Giữ Tổng Thống
(Hình AFP - Hailey Jo: Những người ủng hộ ông Yoon Suk Yeok đi qua những bức tường bị đập phá trước đó tại thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, ngày 19/1/2025.)
-Xung đột xảy ra tại Hán Thành đêm 18/1/2025. Phe ủng hộ Tổng thống Nam Hàn bị lật đổ phẫn nộ trước việc Tư pháp Nam Hàn triển hạn thêm 20 ngày lệnh tạm giam ông Yoon Suk Yeol.
Sáng sớm 19/1, tòa án Hán Thành ra lệnh chính thức bắt giữ ông Yoon do các cáo buộc phạm tội nổi dậy trong vụ ban hành thiết quân luật đầu tháng 12/2024. Từ Hán Thành, thông tín viên Célio Fioretti của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật về một đêm bạo động tại thủ đô Nam Hàn vừa qua:
Bạo động đã bùng lên trong đêm khi Tư pháp Nam Hàn xác nhận chính thức có lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol. Phe ủng hộ ông tập hợp trước trụ sở của tòa án Hán Thành, rồi đột nhập vào bên trong tòa nhà, đập phá để thể hiện phẫn nộ về quyết định của tòa.
Những hành vi thô bạo đó gây chia rẽ ngay trong hàng ngũ những người ủng hộ Tổng thống Yoon. Ông Park Jeongseok có mặt tại chỗ cho biết: "Khoảng 4 giờ sáng, người biểu tình hừng hực thế khí – nhất là giới trẻ, họ xông vào bên trong tòa án, dỡ các rào cản bảo vệ an ninh, đập vỡ cửa kính. Nhiều người bị thương chung quanh. Chúng tôi không muốn sử dụng sức mạnh, nhưng có những người cho rằng họ có quyền sử dụng bạo lực để chống lại một nền Tư pháp đã bị lũng đoạn".
Sáng nay chung quanh tòa án đầy những mảnh kính vỡ, những rào cản bị đập phá ngổn ngang trên lề đường. Nhiều người qua đường sửng sốt. Những hình ảnh bạo động đó gây sốc. Một người đi qua đây nói "đáng lẽ ra kịch bản này sẽ không bao giờ xảy đến tại một nền Dân chủ. Vấn đề then chốt ở đây là những phe phái xúi dục những hành vi bạo động đó".
Khoảng một trăm người gây ra bạo động đã bị bắt. Không một ai bị thương nặng, nhưng một phần công luận lo ngại thấy khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn rẽ theo hướng của bạo lực.
Hội Nghị Các Ngoại trưởng ASEAN Bàn Về Tranh Chấp Chủ Quyền Biển Đông và Hồ Sơ Miến Điện
(Hình AP - Azneal Ishak: Các Ngoại trưởng của khối ASEAN họp tại Langkawi, Mã Lai Á, ngày 19/1/2025.)
-Ngày 19/1/2025 Ngoại trưởng các nước ASEAN họp tại đảo Langkawi (Mã Lai Á), với hai chủ đề chính là Biển Đông và tìm kiếm giải pháp thoát khỏi cuộc nội chiến ở Miến Điện. Một cựu viên chức ngoại giao Mã Lai Á được chỉ định làm đặc phái viên của khối Đông-Nam Á về hồ sơ Miến Điện.
Mã Lai Á hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối 10 nước Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Trong cương vị chủ chủ nhà, tiếp các đồng cấp sáng nay, Ngoại trưởng Mohamad Hasan nhấn mạnh "đoàn kết và hội nhập kinh tế phải là những ưu tiên tuyệt đối" của khối Đông-Nam Á trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực. Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ cũng là một thách thức vì đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về chính sách của Hoa Thịnh Ðốn tại Đông-Nam Á. Theo chính quyền Kuala Lumpur, ASEAN "phải là một nền tảng trung tâm để tìm kiếm những giải pháp, để tự tìm cho khối này một hướng đi".
Hãng tin Mỹ AP lưu ý, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa nhiều thành viên ASEAN (Việt Nam, Phi Luật Tân Mã Lai Á, Brunei) và Trung Quốc, tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển này là một hồ sơ lớn được Ngoại trưởng các nước Đông-Nam Á thảo luận trong cuộc họp hôm nay.
Năm 2024 đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa tàu thuyền của Trung Quốc và Phi Luật Tân. Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị Tuần duyên Trung Quốc uy hiếp.... Bắc Kinh còn cho phép các đội tàu đánh cá hoạt động ở các Vùng đặc quyền Kinh tế của Mã Lai Á và Nam Dương. Dù vậy, khối ASEAN chưa bao giờ dám công khai chỉ trích Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của các nước Đông-Nam Á. Theo lời một nhà nghiên cứu thuộc viện quan hệ quốc tế S. Rajaratham của Tân Gia Ba, ở cương vị Chủ tịch luân phiên, Mã Lai Á sẽ tiếp tục tỏ thái độ thực tiễn, kín đáo tìm thế cân bằng để "vừa bảo vệ các lợi ích kinh tế vừa để đối phó với những thách thưc về mặt an ninh".
Về khủng hoảng tại Miến Điện từ sau cuộc đảo chính hồi 2021, đây tiếp tục là một hồ sơ lớn trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ASEAN của Mã Lai Á. Hãng thông tấn AP nhắc lại từ sau cuộc đảo chính quân đội Miến Điện tiến hành vào tháng 2/2021, hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời chỗ ở. Các làn sóng người tị nạn Miến Điện tìm đường sang Mã Lai Á trú thân. Kế hoạch 5 điểm của ASEAN vãn hồi ổn định cho Miến Điện đã bất thành. Các viên chức của tập đoàn Miến Điện bị cấm tham dự các cuộc họp chính thức trong khối ASEAN. Lần này, đến dự cuộc họp các Ngoại trưởng Đông-Nam Á ở Langkawi, tập đoàn quân sự đã gửi một đại diện cấp thấp trong Bộ Ngoại giao đến dự.
Ngoại trưởng Mã Lai Á sáng nay loan báo, một cựu viên chức ngoại giao cao cấp nước này, ông Othman Hashim, được đề cử làm đặc sứ của ASEAN về Miến Điện trong thời gian Kuala Lumpur đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên các nước Đông-Nam Á.
ASEAN Nói Với Chính Quyền Quân Sự Miến Ðiện Rằng Hòa Bình, Không Phải Bầu Cử, Là Ưu Tiên
(Hình AP: Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai Á Mohamad Hasan.)
-Hôm 19/1/2025, các quốc gia Đông-Nam Á đã nói với chính quyền quân sự Miến Ðiện rằng kế hoạch tổ chức bầu cử trong bối cảnh cuộc nội chiến leo thang không nên là ưu tiên của chính quyền này đồng thời thúc giục chính quyền quân sự bắt đầu đối thoại và chấm dứt thù địch ngay lập tức.
Hiệp hội các Quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi các bên tham chiến tại quốc gia thành viên là Miến Ðiện ngừng giao tranh và yêu cầu đại diện của chính quyền quân sự cho phép tiếp cận nhân đạo và điều này không bị cản trở, Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai Á cho biết, trong khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN trong năm nay.
"Mã Lai Á muốn biết Miến Ðiện đang nghĩ gì", Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai Á Mohamad Hasan phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp kín của các Bộ trưởng trên đảo Langkawi. "Chúng tôi đã nói với họ rằng bầu cử không phải là ưu tiên. Ưu tiên hiện tại là ngừng bắn".
Miến Ðiện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ đầu năm 2021 khi quân đội nước này lật đổ chính quyền dân sự được bầu của khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi, gây ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, vốn đã biến thành một cuộc nổi loạn vũ trang lan rộng ra nhiều vùng đất của đất nước.
Mặc dù gặp khó khăn trên nhiều mặt trận giữa bối cảnh nền kinh tế tồi tệ và hàng chục đảng phái chính trị bị cấm hoạt động, chính quyền quân sự vẫn có kế hoạch tổ chức bầu cử trong năm nay và những người chỉ trích đã coi đây là trò lừa bịp để giữ các tướng lĩnh nắm quyền thông qua những người ủy nhiệm.
Mã Lai Á đã công bố việc bổ nhiệm cựu viên chức ngoại giao Othman Hashim làm đặc phái viên về cuộc khủng hoảng ở Miến Ðiện, nơi Liên Hiệp Quốc cho biết nhu cầu nhân đạo đang ở "mức báo động", với gần 20 triệu người, tức hơn một phần ba dân số, cần được giúp đỡ.
Ông Mohamad cho biết Othman sẽ sớm đến thăm Miến Ðiện. Othman được giao nhiệm vụ thuyết phục tất cả các bên ở Miến Ðiện thực hiện kế hoạch hòa bình năm điểm của ASEAN, vốn không có tiến triển gì kể từ khi được công bố nhiều tháng sau cuộc đảo chính.
ASEAN đã cấm các tướng lĩnh cầm quyền tham dự các cuộc họp của mình vì họ không tuân thủ kế hoạch. Miến Ðiện được đại diện bởi một nhà ngoại giao cấp cao.
"Chúng tôi muốn Miến Ðiện tuân thủ kế hoạch đồng thuận năm điểm, chấm dứt thù địch và đối thoại, rất đơn giản", ông Mohamad nói. "Những gì chúng tôi muốn là viện trợ nhân đạo không bị cản trở có thể đến được với tất cả mọi người ở Miến Ðiện".
Hải Quân Mỹ và Phi Luật Tân Tập Trận Chung ở Biển Đông
-Theo thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ, Phi Luật Tân và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận chung ở
(Hình REUTERS: Xe lội nước của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận với Phi Luật Tân ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Zambales, Phi Luật Tân, tháng 4/2015.)
Biển Đông trong 2 ngày 17 và 18/1/2025 nhằm duy trì "ổn định và khả năng răn đe" trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ chương trình Hoạt động Hợp tác Hàng hải Song phương (MCA), lực lượng vũ trang Phi Luật Tân và Hải quân Mỹ đã huy động nhiều phương tiện đến tham gia cuộc thao dợt đầu tiên trong năm 2025. Mỹ điều đội tàu tác chiến CSG-1 gồm hàng không mẫu hạm Carl Vinson, máy bay P-8A,.... Hải quân Phi Luật Tân cử tàu tuần tra xa bờ và khinh hạm có trang bị phi đạn điều hướng đến để cùng chia sẽ một mục tiêu chung "vì vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" vì quyền tự do hàng hải.
Chuẩn Đô đốc Mỹ, Michael Wosje chỉ huy đội tàu tác chiến khẳng định Hoa Kỳ và Philipinnes là "những đồng minh vững chắc trước mọi thử thách, có mối quan hệ bền chặt". Còn đại úy Matthieu Thomas, chỉ huy tàu sâu bay lớp Nimitz USS Carl Vinson thì nhấn mạnh các cuộc tập trận song phương của Hoa Kỳ tại Biển Đông đã "phát triển về mặt quy mô, phạm vi và cả về tính tinh vi", nhấn mạnh rằng Phi Luật Tân đã "tham gia hoạt động phối hợp duy trì ổn định trong khuv vực và tăng cường khả năng răn đe".
Đội tàu tác chiến CSG-1 thuộc Hạm Đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ.
Tổng Thống Biden Hoan Nghênh Lệnh Ngừng Bắn ở Gaza
(Hình REUTERS: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.)
-Hôm 19/1/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hoan nghênh lệnh ngừng bắn ở Gaza và cho biết hàng trăm xe vận tải đã tiến vào vùng đất ven biển này để giúp dân thường.
"Hôm nay, súng ở Gaza đã im tiếng", ông Biden phát biểu ngắn gọn trong chuyến thăm North Charleston, Nam Carolina.
"Chúng tôi kỳ vọng hàng trăm xe vận tải sẽ tiến vào Dải Gaza, có lẽ ngay khi tôi đang nói", ông cho biết thêm.
Hầu hết dân thường ở Dải Gaza đã phải di dời trong suốt 15 tháng Do Thái ném bom nhằm tiêu diệt các chiến binh Hamas đã tấn công Do Thái vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.
19/1 là ngày làm việc trọn vẹn cuối cùng của ông Biden. Tổng thống sắp mãn nhiệm, một cựu Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ đã tham gia vào chính sách đối ngoại trong nhiều năm, nói rằng Thỏa thuận Ngừng bắn là một trong những cuộc đàm phán khó khăn nhất mà ông từng tham gia.
Ông cũng vẫn bảo vệ quyết định ủng hộ Do Thái trong nhiều tháng xảy ra các cuộc tấn công khiến gần 50.000 người Palestine thiệt mạng ở Gaza.
"Con đường đến với thỏa thuận này không hề dễ dàng chút nào, đó là một chặng đường dài", ông Biden cho biết. "Nhưng chúng ta đã đi đến thời điểm này ngày hôm nay là nhờ áp lực mà Do Thái gây ra cho Hamas, được Hoa Kỳ hậu thuẫn".
Ông Biden, người sẽ trao lại chức Tổng thống Hoa Kỳ cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 20/1, cho biết rằng nhiệm vụ thực hiện thỏa thuận Gaza sẽ do chính quyền tiếp theo đảm nhiệm.
Dược Phẩm, Ân Xá, Môi Trường: Tổng Thống Mỹ Biden Ký Một Số Sắc lệnh Cuối Cùng Trước Khi Rời Chức Vụ
(Hình REUTERS / Mandel Ngan: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ biệt quốc dân từ phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, Hoa Thịnh Ðốn, ngày 15/1/2025.)
-Hôm 17/1/2025, ít ngày trước khi rời Tòa Bạch Ốc, và những tuần trước đó, Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden đã ký một số Sắc lệnh cuối cùng để củng cố di sản chính trị của mình, tương tự như những người tiền nhiệm.
Có những quyết định của Joe Biden, người kế nhiệm có thể nhanh chóng đảo ngược, nhưng có quyết định thì khó khăn hơn nhiều. Thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Hoa Thịnh Ðốn:
"Cụ thể là nhiều loại dược phẩm được vào danh mục sản phẩm mà Bảo hiểm y tế công có thể thương lượng giá, chẳng hạn như thuốc Ozempic chống béo phì, nổi tiếng với giá cả phải chăng (việc thương lượng giá này cho phép người bệnh trả tiền hơn, thậm chí không, và nhà nước ít phải bồi hoàn hơn). Hàng ngàn người phạm tội ma túy phi bạo lực cũng được Tổng thống ân xá.
Tổng thống Joe Biden chăm chút các biểu tượng của di sản chính trị mà ông để lại, khi ký các Sắc lệnh Hành pháp cuối cùng. Tổng thống mãn nhiệm có kế hoạch "ân xá phòng ngừa" trên diện rộng đối với nhiều người mà phe của Tổng thống đắc cử coi là kẻ thù chính trị và dự kiến sẽ truy tố. Trong số này có các thành viên của Ủy ban đặc biệt điều tra vụ người ủng hộ Trump tấn công Nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 hoặc Bác sĩ Fauci, và những người chịu trách nhiệm trong đại dịch Covid 19, đã thúc đẩy việc phong tỏa và chích ngừa (chính sách mà Tổng thống Trump nhiệm kỳ thứ nhất phản đối).
Thêm vào đó là những quyết định, được đưa ra trong vài tuần qua, nhằm bảo vệ một số địa điểm tự nhiên, và nhất là việc cấm cấp phép cho các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi. Biện pháp này đi ngược lại chủ trương của Donald Trump, bao gồm kế hoạch là ngay từ đầu ngày đầu nhậm chức sẽ cấp phép cho việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Phe của Trump đã cảnh báo quyết định này sẽ nhanh chóng bị đảo ngược.
Ngược lại, liên quan đến các quyết định ân xá, tân chính quyền sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi nếu tiếp tục làm như vậy chắc chắn sẽ gây ra những cuộc chiến pháp lý với kết quả không chắc chắn".
TikTok Đối Mặt Với Hạn Chót Trước Khi Lệnh Cấm Có Hiệu Lực ở Mỹ
-Người dùng TikTok hồi hộp chờ đợi một lệnh cấm liên bang khắp toàn nước Mỹ sẽ cắt đứt sự tiếp cận của họ đối với ứng dụng do Trung Quốc sở hữu này vốn được phân nửa dân số Mỹ ưa chuộng, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và định hình văn hóa trực tuyến.
Công ty cho biết vào cuối ngày thứ Sáu (17/1/2025) rằng họ sẽ ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ vào Chủ Nhật (19/1), trừ phi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa ra bảo đảm với các công ty như Apple và Google rằng họ sẽ không đối mặt với các hành động thực thi khi lệnh cấm có hiệu lực.
Lệnh cấm sẽ được thi hành theo luật do Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4 và đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ cấm một ứng dụng mạng xã hội lớn. TikTok có khoảng 170 triệu người dùng ở Hoa Kỳ và ước tính doanh thu năm 2025 là 20 tỉ Mỹ kim.
Nền tảng này có hạn chót là Chủ Nhật để cắt đứt quan hệ với công ty mẹ đặt trụ sở tại Trung Quốc là ByteDance hoặc đình chỉ hoạt động tại Hoa Kỳ để giải quyết những lo ngại rằng ứng dụng này đề ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Các Thẩm phán Tối cao Pháp viện đã duy trì lệnh cấm vào ngày thứ Sáu trong một phán quyết đồng thuận hoàn toàn và một phát biểu của Tòa Bạch Ốc cho thấy ông Biden sẽ không thực hiện bất cứ hành động nào để cứu TikTok trước thời hạn.
Nếu ông Biden không đưa ra quyết định chính thức gia hạn thời hạn thêm 90 ngày, các công ty cung cấp dịch vụ cho TikTok hoặc lưu trữ ứng dụng này có thể đối mặt với trách nhiệm pháp lý. Không rõ liệu các đối tác kinh doanh của TikTok, gồm Apple, Google của Alphabet và Oracle có tiếp tục kinh doanh với TikTok trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày thứ Hai hay không.
Sự bất định về tương lai của ứng dụng này đã khiến người dùng - chủ yếu là những người trẻ tuổi - tìm đến các ứng dụng thay thế bao gồm RedNote có trụ sở tại Trung Quốc. Các đối thủ Meta và Snap cũng đã chứng kiến cổ phiếu tăng giá trong tháng này trước lệnh cấm, vì các nhà đầu tư đặt cược vào lượng người dùng và tiền quảng cáo ồ ạt đổ vào.
Có những dấu hiệu cho thấy TikTok có thể quay trở lại dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức Donald Trump, người muốn theo đuổi "giải pháp chính trị" cho vấn đề này và đã thúc giục Tối cao Pháp viện tạm hoãn thi hành lệnh cấm vào tháng trước.
Ngày thứ Sáu (17/1), ông Trump nói rằng quyết định về tương lai của ứng dụng TikTok sẽ tùy thuộc vào ông, nhưng ông không cung cấp bất cứ thông tin chi tiết nào về các bước ông sẽ thực hiện. Các bản tin từ truyền thông cho biết ông đang cân nhắc một Sắc lệnh Hành pháp sẽ đình chỉ việc thi hành luật bán hoặc cấm TikTok trong vòng 60 đến 90 ngày.
Nguy Cơ 170 Triệu Người Sử Dụng ở Mỹ Mất Tài Khoản Tiktok
(Hình REUTERS - Dado Ruvic: Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ngày 17/1/2025 bác đơn của TikTok yêu đình chỉ đạo luật đòi ByteDance, trụ sở tại Trung Quốc, bán lại ứng dụng đang được 170 triệu người Mỹ sử dụng.)
-Ngày 17/1/2025, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác đơn của TikTok yêu đình chỉ đạo luật đòi công ty mẹ, ByteDance, trụ sở tại Trung Quốc, bán lại ứng dụng mà hiện 170 triệu người Mỹ đang sử dụng. Hệ quả kèm theo là rất có nhiều khả năng TikTok bị cấm hoạt động tại Hoa Kỳ từ ngày 19/1/2025, một ngày trước khi Tòa Bạch Ốc đổi chủ.
Thông cáo của Tối cao Pháp viện Mỹ giải thích là 9 vị Thẩm phán cùng nhất trí: với 170 triệu người sử dụng, TikTok là một công cụ trao đổi và phổ biến thông tin quan trọng. Bên cạnh đó, đạo luật, đã được lưỡng đảng Mỹ đồng lòng thông qua vào tháng 4/2024 và đã được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn, cho thấy "cấm TikTok hoạt động là điều cần thiết trước những quan ngại có cơ sở liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia".
Lập pháp Hoa Kỳ lo ngại, ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, trụ sở tại Trung Quốc, đánh cắp thông tin của 170 triệu người Mỹ sử dụng mạng xã hội này và qua đó thao túng công luận Hoa Kỳ.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ được đưa ra chiều qua 17/1, 36 tiếng đồng hồ trước hạn chót để ByteDance bán lại TikTok, một nền tảng internet mà rất được người Mỹ ưa chuộng, kể cả Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông đã nhiều lần khẳng định ứng dụng TikTok cần được tiếp tục được sử dụng tại Hoa Kỳ. Chính ông Trump đã lập tức yêu cầu Tối cao Pháp viện cho TikTok có thêm thời gian để thích nghi với tình huống. Bởi vì trong 36 tiếng đồng hồ tiếp theo, nếu ByteDance không thể thoái vốn cho một đối tác nào khác, TikTok bị cấm hoạt động ngay từ 0 giờ ngày 19/1/2025, tức chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc.
Thêm một hệ quả khác với việc TikTok bị cấm hoạt động tại Mỹ: tất cả các nhà cung cấp mạng, các nhà sản xuất máy điện toán, điện thoại di động, máy điện toán bảng... phải lập tức chặn các chương trình cho phép tải hay cập nhật hóa thông tin qua TikTok. Theo giới trong ngành, đó là điều "bất khả thi".
Về phía TikTok, Shou Chew, chủ nhân công cụ trao đổi thông tin này, cam kết làm tất cả để phục vụ 170 triệu người sử dụng. Mike Waltz, Cố vấn An ninh Quốc gia tương lai của Tổng thống Trump, tuyên bố "cố gắng hết mình để Tiktok vẫn tồn tại".
Tương lai của ứng dụng TikTok giờ đây được đặt trong tay Tổng thống Mỹ tương lai, Donald Trump. Chính quyền Biden mãn nhiệm tuyên bố hôm qua là hồ sơ nhậy cảm này giờ đây thuộc về "chủ nhân sắp tới ở Tòa Bạch Ốc". Trong lúc đó, ông Trump cho biết sẽ "tuân thủ phán quyết của Tối cao Pháp viện", nhưng cần có thời gian. Theo các nguồn tin thông thạo được hai thông tấn xã AFP và AP trích dẫn, TikTok là một trong những đề tài đã được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cập đến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm hôm qua.
Về phía ByteDance, cho đến nay tập đoàn Trung Quốc dứt khoát từ chối thoái vốn cho bất kỳ một đối tác nào khác. Trong số những doanh nhân Mỹ muốn thâu tóm TikTok, có tỉ phú Elon Musk, chủ nhân của mạng xã hội X. Elon Musk sẽ tham gia Nội các sắp tới của Trump.
Cố Vấn An Ninh của Trump Không Loại Trừ Khả Năng Công Ty Trung Quốc Tiếp Tục Sở Hữu TikTok
(Hình AP: Cố vấn An ninh Quốc gia trong chính quyền sắp tới Mike Waltz.)
-Hôm 19/1/2025, Cố vấn An ninh Quốc gia trong chính quyền sắp tới Mike Waltz nói với CNN rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không loại trừ khả năng công ty Trung Quốc tiếp tục sở hữu TikTok nếu có các bước để bảo đảm rằng dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ được bảo vệ và lưu trữ tại Hoa Kỳ.
TikTok đã ngừng hoạt động đối với 170 triệu người dùng tại Hoa Kỳ hôm 19/1 sau khi một luật có hiệu lực, theo đó cấm ứng dụng này tiếp tục hoạt động vì lo ngại dữ liệu của người Mỹ có thể bị các viên chức Trung Quốc sử dụng sai mục đích.
Ông Waltz nói với CNN rằng Tổng thống đắc cử đang nỗ lực "cứu TikTok" và không loại trừ khả năng công ty Trung Quốc tiếp tục sở hữu TikTok cùng với "tường lửa để bảo đảm dữ liệu được bảo vệ trên đất Hoa Kỳ".
Ông Trump đã nói rằng ông "rất có thể" sẽ hoãn lệnh cấm TikTok trong 90 ngày sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1, một lời hứa mà TikTok đã trích dẫn trong thông báo cho người dùng được đăng trên ứng dụng này.
Ông Waltz hôm 19/1 cũng đã trả lời phỏng vấn CBS News và cho biết rằng ông Trump cần thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến TikTok và nói thêm rằng TikTok cần gia hạn để đánh giá những người mua tiềm tàng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa Mike Johnson đã đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau, cho biết ông tin rằng ông Trump sẽ thúc đẩy công ty mẹ TikTok là ByteDance bán ứng dụng này.
"Theo cách chúng tôi hiểu thì ông ấy sẽ cố gắng buộc một cuộc thoái vốn thực sự, thay đổi chủ sở hữu, quyền sở hữu", ông Johnson nói. "Không phải nền tảng này là điều các thành viên của Quốc hội lo ngại. Đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc".
Một số Đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội đã phản đối ý tưởng gia hạn cho TikTok.
Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Hoa Kỳ Tom Cotton, người chủ trì Ủy ban Tình báo Chọn lọc của Thượng viện, và Pete Ricketts cho biết trong một tuyên bố chung hôm 19/1 rằng "không có cơ sở pháp lý nào cho bất kỳ loại 'gia hạn' nào về ngày có hiệu lực của (lệnh cấm)".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét