Mỹ: Donald Trump sẽ dự lễ mở cửa trở lại nhà thờ Đức Bà Paris Hôm qua, 02/12/2024, tổng thống tân cử của Hoa Kỳ Donald Trump thông báo sẽ tới Pháp ngày 08/12 để dự lễ mở cửa trở lại nhà thờ Đức Bà Paris cùng với khoảng 50 lãnh đạo các nước. Đây là lần đầu tiên nhà tỷ phú Mỹ ra nước ngoài kể từ khi tái đắc cử. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu trên đồi Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 13/11/2024. REUTERS - Brian Snyder Trọng Thành Nhà thờ Đức Bà Paris, kiệt tác kiến trúc Gothic thế kỷ 12, đã bị phá hủy một phần sau trận hỏa hoạn ngày 15/04/2019. Người Mỹ đứng đầu thế giới trong nỗ lực đóng góp tài chính xây dựng lại công trình kiến trúc lịch sử này, với 65.000 nhà tài trợ và với tổng số tiền hơn 70 triệu đô la.
<!>
Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
« Chính trên mạng xã hội cá nhân, ông Trump thông báo về chuyến thăm thủ đô nước Pháp. Khi xảy ra vụ hỏa hoạn gây chấn động cả thế giới, Donald Trump đã phản ứng theo cách riêng. Chứng kiến hình ảnh đám cháy tại Nhà thờ Đức Bà Paris trên truyền hình vào lúc đang trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã đề nghị đưa phi cơ dội nước để dập lửa. Tuy nhiên, đề xuất đó đã không được các đội cứu hỏa chấp thuận.
Nhân dịp thông báo về chuyến đi Paris, tổng thống tân cử Mỹ đã chuyển lời ca ngợi đến nguyên thủ Pháp, đối tác trước đây và sắp tới tiếp tục là đồng nhiệm : ‘‘Tổng thống Macron đã làm được một công việc tuyệt vời khi giám sát việc trùng tu để nhà thờ Đức Bà lấy lại được tầm vóc huy hoàng, và còn hơn thế nữa’’.
Tổng thống Pháp là một trong những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng ông Trump sau chiến thắng 05/11. Quan hệ giữa Macron và Trump đã trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2017, lễ duyệt binh Quốc Khánh Pháp đã khiến ông Trump – khách mời của tổng thống Pháp - thích thú đến mức cũng muốn tổ chức một sự kiện tương tự tại Mỹ, nhưng bất thành.
Tình hình trở nên tồi đi sau đó, tuy vậy ông Trump đã chọn Paris cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử. Cho đến lúc này, chỉ có các lãnh đạo nước ngoài đến Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của tổng thống tân cử. Về phía chính quyền mãn nhiệm của Mỹ, Nhà Trắng thông báo đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ tham dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà. Tổng thống Joe Biden sẽ không có mặt tại Paris vào dịp này. »
Syria: Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên ngưng xung đột
Trước nguy cơ xung đột leo thang giữa phe nổi dậy và chính quyền tổng thống Bachar Al Assad tại Syria, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên xuống thang căng thẳng. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 02/12/2024 kêu gọi ngừng ngay lập tức xung đột tại Syria, trong bối cảnh chính quyền Al Assad bất ngờ mất quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai, sau một chiến dịch tấn công chớp nhoáng của các lực lượng nổi dậy.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ở New York, Hoa Kỳ, ngày 02/10/2024. AP
Thùy Dương
Chỉ trong vài ngày, đã có hơn 500 người thiệt mạng vì các cuộc giao tranh, gần 50.000 người phải di tản.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :
« Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh giác trước tình trạng bạo lực leo thang đã bao trùm miền tây bắc Syria. Đây là những cuộc giao tranh đầu tiên có quy mô lớn như vậy tính từ 4 năm trở lại đây, trong khi Syria đang hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp nhất trên thế giới, với 7 triệu người phải di tản và gần 17 triệu người cần được cứu trợ.
Đa phần các chiến dịch phân phối hàng viện trợ của Liên Hiệp Quốc đã phải tạm đình chỉ ở một số khu vực tại Aleppo, Idler và Hama … bởi vì các ê-kip của Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo không thể tiếp cận các kho trữ hàng viện trợ nhân đạo được nữa.
Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức xung đột. Theo ông, tất cả các bên cần phải cố gắng hết sức để bảo vệ thường dân và các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm việc cho phép những thường dân muốn tị nạn chiến tranh được di tản an toàn.
Người dân Syria đã chịu đựng cuộc xung đột này từ suốt gần 14 năm qua. Stéphane Dujarric khẳng định người dân nước này xứng đáng có được một viễn cảnh chính trị đưa họ đến một tương lai hòa bình, chứ không phải một tương lai đầy máu đổ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng lo ngại là tình hình vệ sinh dịch tễ sẽ thêm nghiêm trọng, do có những thi thể không được chôn cất và nước sạch thì khan hiếm ».
Tình báo quân sự Ukraina: Nga sử dụng tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên để tấn công Ukraina
Ban lãnh đạo tình báo quân sự của Ukraina cho biết Nga dường như đã sử dụng 60 tên lửa đạn đạo KN-23 được chế tạo tại các nhà máy của Bắc Triều Tiên để tấn công Ukraina. Thông tin nói trên được hãng tin Ukraina RBC-Ukraine đăng tải hôm thứ Hai 02/12/2024 và được hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay 03/12 dẫn lại.
Ảnh tư liệu : Một tên lửa đạn đạo được phóng từ một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Triều Tiên, ngày 20/02/2023. AP
Thùy Dương
Theo hãng tin Ukraina RBC-Ukraine, ông Andrii Chernyak, đại diện ban lãnh đạo tình báo của bộ Quốc Phòng Ukraina, hôm qua khẳng định các tên lửa này được chế tạo theo « những công nghệ đã lỗi thời » nên không có độ chính xác cao. Cũng theo cơ quan này, Nga đã nhận được « một số lượng lớn » đạn pháo của Bắc Triều Tiên.
Về viện trợ quân sự cho Kiev, theo AFP, chính quyền tổng thống Mỹ Biden hôm qua thông báo giải ngân khoản viện trợ quân sự bổ sung 725 triệu đô la cho Ukraina, chủ yếu gồm tên lửa và mìn sát thương.
Trong lĩnh vực ngoại giao, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua đã cảnh báo đồng nhiệm Trung Quốc là sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Matxcơva sẽ tác động đến các quan hệ và thúc giục Trung Quốc giúp chấm dứt xung đột Ukraina. Ngoại trưởng Baerbock kêu gọi một tiến trình hòa bình quốc tế cho Ukraina và nhấn mạnh đó là lý do bà đến Bắc Kinh. Ngoại trưởng Đức cho rằng mọi thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều phải có « trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh trên thế giới ».
Về phía Nga, nhân ngày họp của các ngoại trưởng khối NATO tại Bruxelles, trong khi Kiev gây sức ép để Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mời Ukraina gia nhập khối, điện Kremlin hôm nay cảnh báo việc Ukraina trở thành thành viên NATO sẽ cấu thành một mối đe dọa « không thể chấp nhận được » đối với Matxcơva.
Tổng thống Hàn Quốc ban hành thiết quân luật
Trong một thông báo bất ngờ trên truyền hình tối nay, 03/12/2024, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeo ban hành « thiết quân luật khẩn cấp », nhưng chưa đưa ra các biện pháp cụ thể.
Màn hình TV chiếu phát biểu của tổng thống Yoon Suk Yeol, tại một bến xe buýt ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 03/12/2024. AP - Ahn Young-joon
Trọng Thành
Theo AP, tổng thống Hàn Quốc cáo buộc « phe đối lập kiểm soát Quốc Hội bày tỏ thiện cảm với chế độ Bắc Triều Tiên » và « làm tê liệt hệ thống chính quyền bằng các hành động chống Nhà nước ». Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết sẽ « xóa sổ các lực lượng ủng hộ Bắc Triều Tiên và bảo vệ trật tự dân chủ Hiến định ».
Đảng Quyền lực Nhân dân theo cánh hữu bảo thủ của tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối đầu với đảng Dân Chủ đối lập về dự luật ngân sách năm tới. Tổng thống Hàn Quốc bác bỏ kêu gọi điều tra độc lập về các vụ bê bối liên quan đến phu nhân tổng thống và các quan chức cấp cao. Sau thông báo thiết quân luật, đảng Dân Chủ được cho là đã triệu tập một cuộc họp khẩn các dân biểu.
Hiện vẫn chưa rõ quyết định của tổng thống Yoon Suk Yeol ảnh hưởng ra sao đến tình hình chính trị Hàn Quốc. Với tỉ lệ ủng hộ sụt giảm trong những tháng gần đây, ông đang vất vả đối phó với phe đối lập hiện kiểm soát Quốc Hội.
Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhiều kim loại hiếm sang Mỹ để trả đũa loạt trừng phạt mới
Gallinium, germanium, antimoine, cùng nhiều kim loại hiếm khác, sẽ bị hạn chế xuất sang Mỹ. Trên đây là quyết định của Bắc Kinh, hôm nay, 03/12/2024, nhằm trả đũa việc chính quyền mãn nhiệm Mỹ đưa ra loạt biện pháp mới nhằm ngăn chặn xuất sang Trung Quốc nhiều loại chip điện tử và thiết bị sản xuất chip, với lý do an ninh quốc gia.
Ảnh tư liệu : Một công nhân lái máy xúc lật tại mỏ đất hiếm ở quận Nam Thành, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 31/10/2010. REUTERS/Stringer/Files
Trọng Thành
Theo AFP, Bắc Kinh sẽ ngăn chặn hoàn toàn các kim loại hiếm có thể được sử dụng vì « mục tiêu quân sự ». Thông cáo của bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết các kim loại hiếm xuất sang Mỹ có thể được sử dụng cho các công nghệ « lưỡng dụng », tức vừa dân sự, vừa quân sự, sẽ phải xin giấy phép.
Trung Quốc sản xuất đến 94% lượng gallinium toàn cầu, loại nguyên liệu được sử dụng nhiều để chế tạo pin mặt trời, radar hay transistor và 83% germanium, kim loại hiếm được dùng để sản xuất cáp quang. Năm ngoái Bắc Kinh đã siết chặt việc kiểm soát, yêu cầu các công ty xuất khẩu cung cấp thông tin về những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu này để chế tạo các thành phẩm (utilisateurs finaux).
Trả lời AFP, Chong Ja Ian, giáo sư chính trị học Đại học Quốc gia Singapore, dự báo quyết định này « có thể gây trở ngại cho các chuỗi cung ứng, làm giá cả gia tăng ». Theo ông Brady Wang, văn phòng tư vấn Couterpoint, nhiều nhà sản xuất trung gian đã bắt đầu tích trữ các kim loại hiếm nói trên.
Về quyết định của bộ Thương Mại Mỹ hôm qua, theo AFP, 140 doanh nghiệp Trung Quốc là đối tượng của loạt trừng phạt mới, vì bị xem là công cụ của Bắc Kinh nhằm thực thi các mục tiêu chế tạo chip điện tử tiên tiến, « có thể đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh ». Tổng cộng 24 loại thiết bị sản xuất chip bán dẫn sẽ bị cấm xuất sang Trung Quốc.\
Pháp: Phe đối lập trình kiến nghị bất tín nhiệm, chính phủ Barnier trước nguy cơ bị đổ
Chiều ngày 02/12/2024, trước Hạ Viện, thủ tướng Pháp Michel Barnier đã sử dụng điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật ngân sách An sinh xã hội 2025 (PLFSS) mà không cần bỏ phiếu ở Quốc Hội. Quyết định này đã đặt chính phủ trước nguy cơ bị lật đổ. Các dân biểu của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) ngay lập tức thông báo nộp kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) cũng cho biết sẽ đệ trình kiến nghị tương tự.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier họp Quốc Hội tại Paris, Pháp, ngày 02/12/2024. © Michel Euler / AP
Anh Vũ
Do không có đa số quá bán tại Hạ Viện và lường trước dự luật sẽ không hội đủ số phiếu ủng hộ, thủ tướng Barnier kích hoạt điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật Ngân sách An sinh xã hội mà không cần các dân biểu bỏ phiếu.
Ngay sau tuyên bố của thủ tướng Barnier sử dụng điều 49.3 tại Quốc Hội, liên minh cánh tả, mà đại diện là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, cho biết sẽ nộp kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ trong ngày hôm nay. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc cũng đã khẳng định sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Các kiến nghị bất tín nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận kể từ chiều mai để được biểu quyết.
Tại Hạ Viện, đảng cực hữu RN cùng các đồng minh có hơn 140 dân biểu. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới có gần 200 ghế. Trong khi đó, chỉ cần 288 dân biểu bỏ phiếu thuận là đủ để kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua.
Từ khi nội các Barnier được thành lập, đảng cực hữu RN thường xuyên đặt những điều kiện cho các chính sách mà chính phủ đề ra. Chính phủ Barnier đã phải chấp nhận nhiều nhượng bộ, nhưng vẫn không thỏa mãn lãnh đạo đảng RN Marine Le Pen.
Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua trong vài ngày tới, chính phủ bị đổ, tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải bổ nhiệm một thủ tướng mới. Đây là vấn đề cực kỳ nan giải, trong bối cảnh chính trị của nước Pháp gặp khủng hoảng sau khi tổng thống Macron giải tán Quốc Hội hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét