Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Quỹ đạo LEO của Địa Cầu ngày càng nhiều “Rác” - BaoMai


Nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng quỹ đạo thấp LEO (Low Earth Orbit) gần Địa cầu đang tràn ngập vệ tinh và rác không gian, có thể không còn sử dụng được nếu không có sự hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu cần thiết, theo Reuters.Vào cuối tháng 10, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc về điều phối giao thông không gian đã nhấn mạnh rằng cần nhanh chóng tìm ra giải pháp. Ủy ban kêu gọi xây dựng một cơ sở dữ liệu chung toàn cầu về các vật thể đang ở trong quỹ đạo và lập ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế để giám sát và kiểm soát.
<!>


Theo dữ liệu từ Slingshot Aerospace, có hơn 14,000 vệ tinh đang quay quanh quỹ đạo LEO, trong đó khoảng 3,500 vệ tinh đã ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, còn có khoảng 120 triệu mảnh vỡ từ các vụ phóng, do va chạm và hao mòn theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ có một số ít trong số này (khoảng vài ngàn mảnh) đủ lớn để có thể theo dõi được.

Aarti Holla-Maini, giám đốc Văn phòng LHQ về Các vấn đề Không gian (United Nations Office for Outer Space Affairs) cho biết: “Không còn thời gian để chần chừ trong việc điều phối giao thông không gian. Số lượng vật thể được phóng vào không gian ngày càng nhiều. Chúng ta phải làm mọi cách để đảm bảo an toàn không gian, và việc đó đòi hỏi sự chia sẻ thông tin giữa các nhà vận hành, của cả nhà nước và tư nhân, để có thể tránh nguy cơ xảy ra va chạm.”


Bà nhấn mạnh rằng quỹ đạo LEO cần được giữ an toàn để không làm gián đoạn các công nghệ quan trọng trong các lĩnh vực như liên lạc toàn cầu, định vị và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, hiện nay không có một hệ thống tập trung chung mà tất cả các quốc gia có thể sử dụng, và việc thuyết phục họ tham gia vào một hệ thống như vậy, sẽ gặp phải rất nhiều rào cản. Dù một số quốc gia sẵn sàng chia sẻ dữ liệu, nhưng cũng có nhiều quốc gia khác lo ngại về nguy cơ bị lộ thông tin an ninh, đặc biệt là vì các vệ tinh thường được sử dụng theo kiểu ‘nhất cử lưỡng tiện,’ tận dụng cho cả các mục đích quốc phòng. Hơn nữa, các công ty cũng rất cẩn trọng trong việc bảo vệ các bí mật thương mại của mình.


Trong khi đó, tình trạng rác không gian ngày càng nghiêm trọng. Tháng 8 vừa qua, một tầng hỏa tiễn của TC phát nổ, tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ mới trong quỹ đạo LEO. Vào tháng 6, một vệ tinh đã ngừng hoạt động của Nga cũng phát nổ, làm văng ra hàng ngàn mảnh phế liệu. Sự việc này buộc các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) phải trú ẩn khẩn cấp trong một giờ.

Quỹ đạo LEO của Địa cầu hiện là khu vực có nhiều vật thể nhân tạo nhất, vì đây là vùng cân bằng giữa chi phí và khoảng cách. Theo dữ liệu của Slingshot, số lần các vệ tinh bay gần nhau trong quỹ đạo này đã tăng 17% trong năm qua.

Trong những năm tới, dự báo sẽ có thêm hàng chục ngàn vệ tinh mới được đưa vào quỹ đạo, nguy cơ va chạm sẽ càng tăng cao. Theo mô hình tính toán từ NorthStar Earth & Space, thiệt hại từ các vụ va chạm này có thể lên đến 556 triệu MK trong 5 năm, tức là mức thiệt hại hàng năm khoảng 111 triệu MK.


Stewart Bain, CEO của NorthStar, cho biết: “Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng trong việc thiết lập các quy định, cơ cấu để giám sát, kiểm soát tình trạng không gian tắc nghẽn. Starlink phóng hàng ngàn vệ tinh mỗi năm, TQ và các quốc gia khác cũng đang chuẩn bị nhập cuộc, quỹ đạo LEO sẽ sớm chịu không xuể.”

Quỹ đạo LEO ngày càng đông đúc, đặc biệt là khu vực từ độ cao 540 – 570 km, nơi tập trung các vệ tinh phục vụ cho dịch vụ Internet Starlink của SpaceX. Tính đến ngày 27 tháng 11, hệ thống Starlink đã có 6,764 vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo, theo báo cáo từ Jonathan's Space Report. Trong nửa đầu năm 2024, các vệ tinh của Starlink đã thực hiện gần 50,000 lần điều chỉnh để tránh va chạm, gấp đôi so với nửa cuối năm trước đó.

Ở các độ cao khác, như ở 800 – 900 km, thì có ít vệ tinh hơn, nhưng vẫn có tới 3,114 vật thể, bao gồm cả vệ tinh đang hoạt động, ngừng hoạt động, bộ phận của hỏa tiễn và các mảnh phế liệu. Tổng khối lượng của các vật thể tại đây chiếm 20% tổng khối lượng vật thể trong quỹ đạo LEO.


Các vệ tinh hết hạn sử dụng không bị loại bỏ ngay mà thường trôi nổi trong quỹ đạo cho đến khi rơi vào bầu khí quyển và cháy rụi, hoặc được chuyển đến “quỹ đạo nghĩa địa” cách Địa cầu khoảng 36,000 km.

Tháng 11 năm 2021, Nga bị cả thế giới chỉ trích sau khi thử nghiệm bắn hỏa tiễn vào một vệ tinh không còn hoạt động, tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ mới. Ba tháng sau, cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, làm gia tăng lo ngại rằng xung đột trên mặt đất có thể lan ra không gian.

Holla-Maini, trưởng ban thư ký của Ủy ban LHQ về Sử dụng Không gian vì Hòa bình (Committee on the Peaceful Uses of Outer Space), cho biết ủy ban đã tổ chức họp với các chuyên gia từ cả chính phủ và tư nhân để xây dựng các bước phối hợp cụ thể. Kết quả sẽ được công bố vào năm sau.


Các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh rằng sự hợp tác toàn cầu là yếu tố không thể thiếu để phát triển các quy tắc có thể thực thi, giống như những quy tắc mà Sở Hàng Không Dân Sự Quốc Tế (ICAO) đã sử dụng để kiểm soát giao thông hàng không. Để đạt được điều này, cần tận dụng các công cụ hiện có như cơ sở dữ liệu, viễn vọng kính, radar và các cảm biến để theo dõi vật thể. Đồng thời, cần mở rộng phạm vi theo dõi, nâng cao khả năng phát hiện sớm và cải thiện độ chính xác của dữ liệu.

Tuy nhiên, trước mắt có rất nhiều rào cản như căng thẳng địa lý chính trị và sự không sẵn lòng chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia được coi là không thân thiện. Ngoài ra, các công ty tư nhân cũng lo ngại việc chia sẻ thông tin có thể làm lộ bí mật làm ăn hoặc mất đi lợi thế cạnh tranh.

Hiện tại, các nhà vận hành thiết bị phải dựa vào những phương pháp không chính thức hoặc chỉ chính thức phần nào để tránh va chạm, chẳng hạn như sử dụng dữ liệu từ Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (U.S. Space Force) hoặc Hiệp hội Dữ liệu Không gian (Space Data Association). Nhưng các cách này gặp phải một số vấn đề về trách nhiệm và các tiêu chuẩn dữ liệu không nhất quán.


Bà Holla-Maini chia sẻ: “Hai thách thức lớn nhất hiện nay là tốc độ là lòng tin. Để có được sự đồng thuận cần rất nhiều thời gian. Một số quốc gia không thể hoặc không muốn qua lại với nhau thì LHQ có thể làm trung gian. Vì vậy, thời gian là vấn đề lớn nhất, nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Đây là vấn đề cấp bách.”

Không có nhận xét nào: