Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Tin Vui Bầu Cử: Lần Đầu Tiên Trong Lịch Sử Quận Hạt Santa Clara, Cali, Chắc Chắn Có Một Nữ Giám Sát Viên Người Việt! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


TIN VUI: HẦU NHƯ CHẮC CHẮC CHẮN! LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ, HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT QUẬN SANTA CLARA CÓ GIÁM SÁT VIÊN NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN!
*Tính đến giây phút này, (10 giờ 30 tối, giờ Cali) 5 người tranh chiếc ghế, 2 người phụ nữ Việt vẫn dẫn đầu! -Madison Nguyễn, được 6,219 phiếu, chiếm 31% -Betty Dương, được 5,739 phiếu, chiếm 29%!Như vậy là Cộng Đồng Người Việt tại đây, chắc chắn sẽ có một Nữ Giám Sát Viên Người Việt! Lần đầu tiên trong Lịch sử Quận Hạt Santa Clara! Chúc Mừng!
<!>



Tin Theo Dõi Tranh Cử Của Tờ San Jose Spotlight
-Theo bản tin của tờ San Jose Spotlight, Little Saigon tại San Jose có khả năng sẽ bầu người Mỹ gốc Việt đầu tiên vào Hội đồng Giám sát Quận Santa Clara, mang đến cho cộng đồng tiếng nói trong các quyết định về tình trạng vô gia cư, dịch vụ sức khỏe tâm thần, và tài chánh chi tiêu trong Quận Hạt. Hai ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc đua giành ghế Quận 2 đều là phụ nữ Mỹ gốc Việt: bà Betty Dương, chánh văn phòng của Giám sát viên Quận 2 Cindy Chavez, và bà Madison Nguyễn, thành viên người Mỹ gốc Việt đầu tiên và phó thị trưởng thành phố San Jose. Ông Huy Trần, một cư dân San Jose và lãnh đạo cộng đồng, hy vọng rằng cuộc tranh cử này sẽ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt về mặt chính trị. Trong nhiều năm, Little Saigon đã gặp khó khăn để tìm tiếng nói chính trị của họ, lên cấp càng cao, mặc dù San Jose tự hào là thành phố có dân số người Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam. Ông Huy Trần cho biết ngoài bà Madison Nguyễn, người đã phục vụ trong hội đồng thành phố từ năm 2005 đến năm 2014, không có người Mỹ gốc Việt nào khác phục vụ hai nhiệm kỳ ở San Jose. Các nhà quan sát chính trị ở Little Saigon đang đặt câu hỏi liệu cuộc tranh cử vào Ban Giám sát có làm tăng thêm sự chia rẽ trong cộng đồng với hai người Mỹ gốc Việt trong cuộc đua hay không. Sự chia rẽ được thể hiện qua sự khác biệt giữa các thế hệ và rào cản ngôn ngữ giữa những cư dân Việt Nam cấp tiến, tự do và bảo thủ lớn tuổi hơn. Trong đó, bà Madison Nguyễn được coi là người ủng hộ doanh nghiệp và bà Betty Dương là người ủng hộ lao động.


5 NGƯỜI TRANH CHỨC! NHƯNG CÁC ỨNG CỬ VIÊN NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT VẪN DẪN ĐẦU CUỘC TRANH CỬ, CHẮC CHẮN GIÀNH ĐƯỢC GHẾ GIÁM SÁT VIÊN TẠI QUẬN SANTA CLARA, CALIFORNIA!


-Cuộc đua lịch sử để trở thành tiếng nói chính trị đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại miền Đông San Jose đang nóng lên vào những ngày cuối. Một cuộc thăm dò mới trong tháng này cho thấy hai ứng cử viên người Mỹ gốc Việt hiện đang dẫn đầu trong cuộc tranh cử giành ghế Giám sát viện Quận 2 tại Quận Santa Clara. Trong đó, bà Madison nguyễn, cựu Phó Thị trưởng San Jose, đứng đầu, theo sau là bà Betty Dương, chánh văn phòng của Giám sát viên Quận 2 sắp nghỉ hưu, bà Cindy Chavez. Theo San Jose Spotlight, các ứng cử viên khác bao gồm Corina Herrera-Loera, Ủy viên Học khu Alum Rock Union, bà Jennifer Celaya, người Mỹ bản địa sáng lập tổ chức phi lợi nhuận New Beginnings, và Luật sư Nelson McElmurry. Nhóm tư vấn chính trị Pathfinder Strategies đã công bố kết quả cuộc thăm dò cho thấy bà Madison Nguyễn là ứng cử viên duy nhất đạt gần 50% số cử tri ủng hộ. Theo sau là bà Betty Dương với 38%, bà Herrera-Loera với 33%, ông McElmurray với 13% và bà Celaya là 10%. Cuộc thăm dò cho thấy bà Madison Nguyễn cũng dẫn trước bà Betty Dương trong các cử tri người Mỹ gốc Việt. Kết quả của cuộc tranh cử đồng nghĩa với việc người Mỹ gốc Việt đầu tiên có thể được bầu vào ban giám sát. Trong nhiều năm, người dân Việt Nam đã không thể tìm được tiếng nói chính trị của riêng họ mặc dù San Jose tự hào là thành phố có dân số người Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam. Ngoài bà Madison Nguyễn, người đã làm việc trong Hội đồng Thành phố San Jose từ năm 2005 đến năm 2014, không có người Mỹ gốc Việt nào khác làm việc hai nhiệm kỳ ở San Jose.


Tin Quốc Tế Đó Dây

Đồng Minh của Tổng Thống Putin Nói Ukraine ‘Chắc Chắn của Nga’, Loại Trừ Đàm Phán Với Ông Zelenskyy


(Hình: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tham gia lễ đặt vòng hoa đánh dấu Ngày Bảo vệ Tổ quốc tại Mộ Chiến sĩ Vô danh cạnh Bức tường Ðiện Cẩm Linh ở thủ đô Mạc Tư Khoa, hôm 23/2/2024.)
-Hôm 4/3/2024, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Medvedev cho biết Ukraine là một phần của Nga và loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình với giới lãnh đạo Ukraine hiện tại.
Trong một bài phát biểu đầy hiếu chiến ở miền Nam nước Nga, ông Medvedev cho biết Nga sẽ theo đuổi cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” cho đến khi phía bên kia đầu hàng. Ông nói rằng những gì ông gọi là phần lịch sử của nước Nga nên “trở về nhà”.

Ông Medvedev phát biểu bên một tấm bản đồ Ukraine, trong đó cho thấy đất nước này là một vùng lãnh thổ nhỏ hơn nhiều không giáp biển nép sát Ba Lan và Nga hoàn toàn kiểm soát bờ biển phía Đông, phía Nam và Biển Đen của nước này.
“Một trong những cựu lãnh đạo Ukraine đã có lúc nói rằng Ukraine không phải là Nga”, ông Medvedev nói.
“Quan niệm đó cần phải biến mất mãi mãi. Ukraine chắc chắn là Nga”, đồng minh của ông Putin nói trong tiếng vỗ tay của khán giả.
Ông Medvedev loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình với giới lãnh đạo Ukraine hiện tại do Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đứng đầu và nói rằng bất kỳ chính phủ Ukraine nào trong tương lai muốn đàm phán sẽ cần phải thừa nhận điều mà ông gọi là thực tế mới trên thực địa.
Bình luận về quan hệ Đông-Tây, ông Medvedev, người cáo buộc lực lượng đặc biệt và Cố vấn quân sự của Mỹ tiến hành chiến tranh chống lại Nga, cho rằng mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Ðốn còn tồi tệ hơn thời khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962.


Ba Lan Kêu Gọi EU Trừng Phạt Nông Sản của Nga và Belarus


(Hình: Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (phải) được Thủ tướng Lithuania, bà Ingrida Simonyte tiếp đón trước cuộc gặp của họ tại trụ sở chính phủ ở Vilnius, thủ đô của Lithuania, hôm 4/3/2024.)
-Ba Lan, vốn đang tìm cách đáp ứng các yêu cầu của nông dân biểu tình, có kế hoạch yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập từ Nga và Belarus, theo Thủ tướng Donald Tusk cho biết hôm 4/3/2024 trong chuyến thăm thủ đô Vilnius của Lithuania.
Giống như phần lớn Âu Châu, Ba Lan đã hứng chịu các cuộc biểu tình trong những tuần gần đây khi nông dân diễu hành phản đối các quy định về môi trường của EU và điều mà họ cho là sự cạnh tranh không công bằng từ Ukraine kể từ khi khối này miễn thuế cho các hàng nhập cảng vào năm 2022.

Tuần trước, Thủ tướng Tusk cho biết sự gián đoạn thị trường cũng do các sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Belarus gây ra và không loại trừ việc đưa ra lệnh cấm.
“Tôi muốn thông báo với các bạn rằng hôm nay tôi sẽ chuyển cho Chủ tịch Quốc hội đề xuất về một Nghị quyết kêu gọi Ủy ban Âu Á Châup đặt các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm thực phẩm từ Nga và Belarus”, ông Tusk nói trong cuộc họp chung với Thủ tướng Lithuania, Ingrida Simonyte.
Ông Tusk cho rằng các quyết định chung của EU sẽ hiệu quả hơn các biện pháp do từng quốc gia đưa ra. Còn bà Simonyte cho biết Vilnius sẽ ủng hộ sáng kiến này.
Hôm 29/2, Thủ tướng Tusk cho biết nông sản từ Nga và Belarus đang gây biến dạng thị trường.
“Latvia quyết định thực hiện lệnh cấm nhập cảng các sản phẩm (nông nghiệp) từ Nga”, ông Tusk nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước khi tiếp đón Thủ tướng Latvia tại Warsaw. “Chúng tôi sẽ phân tích trường hợp của Latvia và tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ có hành động phù hợp”.
Thủ tướng Ba Lan cho biết Liên Hiệp Âu Châu cần “tập trung nghiêm túc vào các quy định tốt hơn khi nhập cảng ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm từ phía Đông”.


Albania: Một Căn Cứ Thời Liên Xô Thành Căn Cứ của NATo

(Ảnh: Căn cứ Không quân Kucova, Albania.)
-Ngày 3/3/2024, Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) khánh thành một căn cứ Không quân ở Albania. Việc cải tạo một căn cứ thời Liên Xô tượng trưng cho thay đổi về địa chính trị của quốc gia nhỏ bé vùng Balkan, nay đã trở thành một đồng minh không thể thiếu cho chiến lược của phương Tây trong khu vực.
Từ Pristina, thủ đô của Kosovo, thông tín viên cho khu vực của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), Louis Seiller giải thích:
“Các máy bay tiêm kích của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương có buổi xuất kích đầu tiên vào sáng hôm qua trên không phận Kucova. NATO đã đầu tư 50 triệu Euro để biến căn cứ Không quân cũ thời Liên Xô nằm cách thủ đô Tirana 85 cây số thành một căn cứ tác chiến chiến thuật với một cơ sở hạ tầng hiện đại. Đây là căn cứ duy nhất của NATO ở khu vực Tây Balkan.

Căn cứ Kucova sẽ có một vai trò chủ chốt trong các hoạt động của NATO nhờ vào vị trí chiến lược ở phía Đông-Nam Địa Trung Hải. Trong bối cảnh cuộc đối đầu với Nga ngày càng gia tăng và những căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là tại nước láng giềng Kosovo, việc NATO bố trí quân ở đây cũng nêu bật vị trí địa chính trị của Albania.
Từng sống dưới chế độ độc tài theo chủ nghĩa Stalin, quốc gia chưa tới ba triệu dân này giờ là một trong số trụ cột trong chiến lược của phương Tây tại vùng Balkans. Hơn nữa, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong những tuần qua đã có các chuyến thăm chính thức ở Tirana và giới chức Albania còn đề nghị Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sử dụng hai căn cứ Hải quân khác ở biển Địa Trung Hải”.


Nam Hàn Sẽ Đình Chỉ Giấy Phép Hành Nghề của Hàng Ngàn Bác Sĩ Nội Trú Đình Công


(Hình: Nhân viên y tế tại Đại học Y Khoa Hán Thành, Nam Hàn. Ảnh chụp ngày 29/2/2024.)
-Hôm 4/3/2024, chính phủ Nam Hàn thông báo sẽ đình chỉ giấy phép hành nghề của hàng ngàn Bác sĩ nội trú đình công nếu những người này không trở lại làm việc.
Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Trần Công của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
“Theo hãng tin Yonhap, bất chấp nỗ lực hòa giải của chính phủ, hàng loạt nhân viên y tế vẫn không quay lại nơi làm việc. Thay vào đó, hàng chục ngàn Bác sĩ là thành viên của Hiệp hội Y khoa Nam Hàn (KMA) đã tham gia biểu tình ngày 3/3/2024 phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh khi chưa có sự đồng thuận của ngành Y.

Chính phủ Nam Hàn đã có những hành động cứng rắn để đáp trả lại các nhân viên y tế. Bộ Y tế thông báo đã bắt đầu đình chỉ hàng loạt giấy phép khám chữa bệnh của 8.000 Bác sĩ nội trú. Những người đầu tiên bị đình chỉ giấy phép hành nghề sẽ là những người lãnh đạo phong trào phản kháng.
Thứ trưởng Y tế Park Min-soo tuyên bố sẽ có những hành động nghiêm khắc và nhanh chóng với những người đóng vai trò chủ chốt trong sự việc. Nếu các Bác sĩ nội trú vi phạm lệnh của chính phủ, giấy phép của họ sẽ bị đình chỉ ít nhất ba tháng, và điều này sẽ trì hoãn việc tốt nghiệp của họ trong vòng một năm.
Các Bác sĩ lo ngại việc tăng số lượng sinh viên sẽ làm giảm chất lượng giáo dục và dịch vụ ngành Y. Rất nhiều người dân, cũng như các nguồn tin cáo buộc các Bác sĩ đang cố bảo vệ mức lương và địa vị xã hội của họ. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 75% người dân đồng ý với việc cải cách hệ thống y tế tại Nam Hàn.
Trong khi chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đang được ủng hộ về các chính sách cứng rắn nhằm cải tố hệ thống y tế, lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myeong lại cho rằng quy mô của các trường Đại học không thể đáp ứng việc đào tạo thêm 2.000 sinh viên mỗi năm. Park Min-soo đã bác bỏ lập luận đó, nhắc lại “chính phủ đã xác nhận việc tăng chỉ tiêu thêm 2000 sinh viên là phù hợp với cơ sở vật chất”.
Một số nguồn tin cũng cho biết rất nhiều trường Đại học có khoa Y đã nộp đơn xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm nay”.


Trung Quốc Họp “Lưỡng Hội” Trong Bối Cảnh Kinh Tế Ảm Đạm


(Hình: Trước giờ khai mạc cuộc họp Chính hiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 4/3/2024.)
-Cuộc họp của Chính hiệp Trung Quốc mở ra ngày 4/3/3034 tại thủ đô Bắc Kinh, với sự tham dự của hàng ngàn đại biểu trên toàn quốc, trước khi Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp ngày mai, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
An ninh tại thủ đô Trung Quốc được tăng cường do sự hiện diện của các đại biểu dự cuộc họp “Lưỡng Hội” (Chính Hiệp và Quốc hội). Kỳ họp của Chính Hiệp (Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc) khai mạc 3 giờ chiều nay, giờ địa phương, với sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các vấn đề về kinh tế là một trong những chủ đề thảo luận chính của kỳ họp lần này, trong bối cảnh khủng hoảng địa ốc, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao, và kinh tế Trung Quốc gặp tình trạng giảm phát. Riêng về khủng hoảng địa ốc, một đại biểu Quốc hội trả lời truyền thông, được thông tấn xã AFP trích dẫn, đã “nêu ra đề xuất chấm dứt hệ thống trả tiền trước khi nhà được xây dựng”.

Phát ngôn viên của cuộc họp Lưỡng Hội Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian) khẳng định “các lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng” vào những kỳ vọng tăng trưởng về lâu dài. Vào ngày mai, khi kỳ họp Quốc hội chính thức khai mạc, Thủ tướng Lý Cường dự trù sẽ thông báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm. Báo chí Nhà nước Trung Quốc đã cho biết con số này sẽ là 5%, thấp hơn một chút so mới mức tăng trưởng năm 2023 (5,2%).
Cuộc họp cũng thu hút sự chú ý của giới quan sát cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, cuộc họp Lưỡng Hội của Trung Quốc thông thường sẽ không công bố các cải cách kinh tế quy mô lớn. Hầu hết các quyết định quan trọng đều đã được đưa ra trước đó, trong cuộc họp kín của đảng Cộng sản.
Đặc biệt lần này, trái với thông lệ từ ba thập kỷ qua, kể từ năm nay, Thủ tướng Trung Quốc sẽ không họp báo lúc bế mạc kỳ họp Quốc hội (11/03).


Trung Quốc Nói Lời Vĩnh Biệt Với Tăng Trưởng


(Hình: Các nhân viên an ninh trong ngày khai mạc hội nghị Tân Chính Hiệp trước Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 4/3/2024.)
-Báo Les Echos ngày 4/3/2024 nhận định tăng trưởng của Trung Quốc năm nay không quá 5%. Dù cũng cố vực dậy nền kinh tế đang xuống dốc, lòng tin bị xói mòn, nhưng dưới thời Tập Cận Bình, an ninh được đặt lên hàng đầu, đảng kiểm soát tất cả.
Đặc phái viên báo Les Echos tại Bắc Kinh ghi nhận: Các nhà máy bị đóng cửa để bảo đảm bầu trời được xanh, cấm các drone, công an mặc thường phục và người về hưu mang băng đỏ đầy các ngả đường...Trung Quốc giữ an ninh chặt chẽ cho kỳ họp Quốc hội thường niên.
Khoảng 3.000 đại biểu từ cả nước sẽ họp lại vào thứ Ba 5/3, lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid. Báo cáo mà Thủ tướng Lý Cường sẽ đọc rất được chờ đợi, nhất là Tập Cận Bình vẫn chưa triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ ba thường tập trung cho kinh tế. Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan nhận định, điều này một lần nữa cho thấy ông Tập không ngần ngại bỏ qua các truyền thống của đảng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu chia rẽ trong bộ máy về đường hướng kinh tế.

Theo chuyên gia Neil Thomas, dường như Tập Cận Bình tin rằng những khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời. Thay vì có những thay đổi lớn về cơ cấu, chính quyền trông cậy vào các kỹ nghệ mới như xe điện, bình điện, năng lượng xanh. Nhưng vấn đề là cả ba lãnh vực mới này chỉ đóng góp 11% GDP năm 2023, so với 25 đến 30% từ địa ốc. Chuyên gia Louise Loo của Oxford Economics dự báo kinh tế sẽ giảm tốc đáng kể trong trung hạn.
Trong bài xã luận “Trung Quốc nói lời vĩnh biệt với tăng trưởng”, báo Les Echos cho rằng Bắc Kinh không thực sự cố gắng tái thúc đẩy nền kinh tế vốn đang chậm lại rất nhiều, vì ưu tiên đã thay đổi dưới thời Tập Cận Bình. Hồi khủng hoảng tài chánh 2008, Trung Quốc là nước đầu tiên dùng đến vũ khí hạng nặng bazooka để duy trì tăng trưởng, và thêm một lần nữa vào năm 2015 khi tung ra chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô. Nhưng Bắc Kinh lại hầu như không có động thái nào trong đại dịch Covid năm 2020, và năm nay có lẽ cũng vậy. Trước Quốc hội tuần này, Thủ tướng Lý Cường có thể loan báo dự kiến tăng trưởng khoảng 5% và một ít biện pháp hỗ trợ.
Theo báo Les Echos, chính quyền Trung Quốc có 2 lý do để thận trọng. Trước hết, khẩu bazooka có nguy cơ bắn vào khoảng không. Không phải bơm tiền hay giảm lãi suất là đủ để tái thúc đẩy. Dân số giảm, địa ốc chịu đựng khủng hoảng nặng nề, những cơ sở hạ tầng cần thiết đều đã được xây dựng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng ngờ vực bàn tay can thiệp thô bạo của nhà nước như hồi đại dịch. Thanh niên thất nghiệp ngày càng nhiều, tan vỡ giấc mơ thăng tiến. Cuộc khủng hoảng lòng tin còn lan ra cả thị trường tài chánh. Người ngoại quốc, nhất là người Mỹ, coi Trung Quốc là nơi “bất khả đầu tư”, dẫn đến việc dòng vốn tháo chạy sang các nước khác.
Lý do thứ hai còn mạnh hơn: Lần đầu tiên từ 40 năm qua, tăng trưởng không còn là ưu tiên, mà thay vào đó là an ninh! Dưới quyền Tập Cận Bình, bộ máy nhà nước thống trị trên mọi lãnh vực xã hội. Nhà nước siết lại các công ty kỹ thuật, giám sát người dân chặt chẽ hơn với các công cụ kỹ thuật số, bảo đảm nguồn cung bên ngoài bằng cách phát triển thương mại với Nga - đang trở thành chư hầu của Trung Quốc. Ý muốn kiểm soát này đè nặng lên hoạt động kinh tế, mà kỹ nghệ xanh, trí thông minh nhân tạo và cả giả thiết hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới đều không thể bù đắp nổi.


Phi Luật Tân và Úc Ðại Lợi Lên Án Những Hành Động Gây Bất Ổn ở Biển Đông


(Hình: Khai mạc cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Úc Ðại Lợi tại Melbourne, Úc Ðại Lợi, ngày 4/3/2024)
-Hôm 4/3/2024, lãnh đạo các nước Đông Nam Á và Úc Ðại Lợi có cuộc họp cấp cao tại thành phố Melbourne của Úc Ðại Lợi. Bên lề cuộc họp, Ngoại trưởng Phi Luật Tân hối thúc Trung Quốc ngừng “sách nhiễu” Phi Luật Tân ở Biển Đông.
Trả lời hãng tin Pháp AFP bên lề thượng đỉnh ASEAN-Úc Ðại Lợi nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Úc Ðại Lợi, được tổ chức tại Melbourne, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Enrique Manalo khẳng định chính phủ Manila mong muốn có một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Manalo bảo vệ chính sách của chính phủ cho công bố các hành động của Trung Quốc tại những vùng biển có tranh chấp (gần đây nhất là vụ chiến hạm của Trung Quốc lai vãng gần bãi cạn Scarborough) nhằm “cung cấp thông tin cho mọi người biết chuyện gì đang xảy ra”. Cũng bên lề thượng đỉnh Melbourne, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. tái khẳng định “không bao giờ nhượng một centimet vuông lãnh thổ và quyền tài phán lãnh hải”.

Ngay sau phát biểu của Ngoại trưởng Phi Luật Tân, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thông qua phát ngôn viên Mao Ninh, đã tuyên bố “lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là chặt chẽ và rõ ràng”, đồng thời tố cáo Phi Luật Tân có những “hành động khiêu khích”, “vi phạm các quyền” của Bắc Kinh.
Còn theo trang mạng Japan Times, phát biểu trong cuộc họp, Ngoại trưởng Úc Ðại Lợi, bà Penny Wong, tuy không nêu tên Trung Quốc, đã đánh giá rằng các nước vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và Đông Nam Á đang phải đối mặt với “các hành động gây bất ổn, khiêu khích và cưỡng ép, bao gồm cả những hành vi không an toàn trên biển và trên không”. Cũng theo bà, những gì đang diễn ra ở Biển Đông, tại eo biển Đài Loan, tiểu vùng sông Mêkông… đều ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.

Nhân dịp này, Ngoại trưởng Úc Ðại Lợi thông báo khoản tài trợ 286,5 triệu Úc kim (tương đương với khoảng 186,7 triệu Mỹ kim) cho các dự án ở ASEAN trong các lĩnh vực bao gồm cả an ninh hàng hải, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những hành động quyết đoán và các yêu sách gây tranh cãi ở Biển Đông.
Chủ đề này đặc biệt được nêu bật trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh. Trong Dự thảo tuyên bố chung mà thông tấn xã AFP tham khảo được, ASEAN và Úc Ðại Lợi sẽ lên án hành vi “đe dọa hay dùng vũ lực” để giải quyết các tranh chấp. Dự thảo văn bản có đoạn: “Chúng tôi phấn đấu vì một khu vực mà chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được tôn trọng (…) và những bất đồng được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không bằng dọa dẫm hay dùng vũ lực”.


MH370: Mã Lai Á Sẽ Khởi Động Lại Các Cuộc Tìm Kiếm


(Hình: Lể tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay MH370 ngày 3/3/2019 tại Kuala Lumpur, thủ đô của Mã Lai Á.)
-Chuyến bay MH370 đã biến mất khỏi radar khi đang di chuyển từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014. Gần 10 năm sau, hôm 4/3/2024, người thân của 239 hành khách đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân.
Các viên chức Mã Lai Á cũng tuyên bố sẽ mở lại cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Mã Lai Á Airlines để cố tìm giải đáp cho vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không. Thông tín viên Juliette Pietraszewski của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
“Ngay giữa một trung tâm thương mại, những người thân của các nạn nhân trên máy bay mang số hiệu MH370 đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm. Trên khán đài các gia đình nối tiếp nhau (lên phát biểu). Những người qua đường cũng tò mò dừng lại lắng nghe họ.

Cô Nicholette Gomes đã mất người bố trên chuyến bay đó. Theo cô, mười năm sau vẫn phải tiếp tục nói về MH370 để duy trì ký ức. Cô nói: “Tôi hy vọng sẽ không có ai khác trải qua chuyện này. Tôi không có bất cứ giả thuyết nào để giải thích vụ mất tích đó, nhưng hy vọng không hành khách nào trên chuyến bay MH370 đã chịu đau đớn.
Còn đối với bà Intan Othman, mất người chồng trong chuyến bay, 10 năm sau mà vẫn không biết gì thì thật khó mà tiến về phía trước: “Lúc đó tôi mang thai 7 tháng và đến nay, con trai tôi đã 10 tuổi. Chúng tôi muốn có được câu trả lời. Khi một sự kiện như vậy xảy ra, chúng tôi muốn biết thực hư ra sao”.
Có mặt tại buổi tưởng niệm, Bộ trưởng Giao Thông Mã Lai Á Anthony Loke tuyên bố sẵn sàng gặp công ty Mỹ Ocean Infinity để thảo luận về việc tiếp tục tìm xác máy bay MH370. Mặc dù vẫn chưa có gì được thực hiện, nhưng thông báo này rất quan trọng đối với Jacquita Gomes, vợ góa của một hành khách trong chuyến bay đó. Cô nói: “Cuối cùng thì cũng có hành động nào đó. Chúng tôi cầu nguyện để họ tìm được máy bay, để chúng tôi biết được chuyện gì đã xảy ra”.

Đó là cuộc đi tìm sự thật mà gia đình các nạn nhân trên máy may hứa là sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.
Cách nay 10 năm, vào ngày 8/3/2014, máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Mã Lai Á đã mất tích tại một trong những vùng biển được giám sát chặt chẽ nhất thế giới. Theo thông tấn xã AFP, các cuộc tìm kiếm dưới biển của lực lượng Mã Lai Á, Trung Quốc và Úc Ðại Lợi đã bị đình chỉ vào năm 2017. Lúc đó, chính quyền các nước cho rằng xác máy bay có thể không nằm trong khu vực rộng 120.000 cây số vuông. Sau đó, các chuyên gia đã xác định một khu vực rộng khoảng 24.000 cây số vuông, nhưng chính quyền Úc Ðại Lợi và Mã Lai Á cho rằng cơ hội tìm được máy bay trong khu vực này không cao, nên đã không mở rộng thêm hoạt động tìm kiếm.

Không có nhận xét nào: