Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

THÁNG BA NGẬM NGÙI - (Trạch Gầm)


Những ngày của tháng 03/75 khởi đầu là cuộc triệt thoái theo liên tỉnh lộ 7 của quân đội từ Pleiku xuống Tuy Hòa đầy máu và nước mắt. Nhìn đoàn người dân chạy giặc từ ngoài Trung vô trên quốc lộ 1 ngang thị trấn Bình Định nơi tôi đang đứng, tôi biết rằng Bình Định đang trong cơn hấp hối. 6 năm sau đó cũng vào tháng 03/81 có một chiếc xe đò hiệu Khánh Hòa với thùng than to tổ bố đèo theo phía sau rùng rùng ngừng lại tại ngã ba cải lộ tuyến Ninh Hòa nơi quốc lộ 1 kéo dài từ Nam ra Bắc (trong hình). Chiếc xe thả xuống lòng đường một tên ốm nhách nặng chưa tới 42 ký. 
<!>
Tên này áo quần bèo nhèo nhăn nhúm với bọc đồ được gói trong một miếng ni lông ôm trong bụng. Tên đó là tôi sau 6 năm ở tù từ Trại A30 vừa được thả ra.
Nơi này có một tấm bảng chỉ đường. Mũi tên phía phải chỉ hướng Tuy Hòa. Mũi tên còn lại chỉ hướng Ban Mê Thuột. Đó cũng là con đường đi vào phố chợ Ninh Hòa nơi có nhà tôi ở, cũng là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Khuất sau chòm cây bên phải của tấm hình là Hòn Sầm, có mộ má tôi nằm yên giấc. Lội theo con đường phía bên trái tôi đi bộ về nhà.
Đi ngang qua Trường Trần Bình Trọng nơi tôi theo học thời niên thiếu, nhìn lại cảnh cũ âm thầm nuốt lệ. Tôi vào tù năm 25 tuổi và được thả ra năm 31 tuổi. Cái giá 6 năm không nhiều lắm nhưng cũngđủ chuyển tôi từ 1 thanh niên phơi phới tuổi thanh xuân biến thành 1 gã đàn ông lếch thếch giống như đang mắc bệnh nghiện xì ke.

Hàng cây khuynh diệp trước cổng tự tay chúng tôi trồng kỷ niệm khi cây còn bé tí đo chưa tới 2 gang tay nay đã cao lớn và cũng sắp già. Hàng cây này chúng tôi trồng vào năm 1967 là năm tôi học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ). Nơi này cũng là nơi tôi và các bạn cùng lớp quây quần bên nhau từ giã tuổi niên thiếu trước khi bước chân vào cuộc chiến. Đang vào mùa đông trốn trong nách phía trên cao của dãy khuynh diệp là những vệt nắng chiều thả màu vàng yếu ớt lên những chiếc lá èo ọt.
Ngang trường cũ tôi đứng lại với bộ đồ tù vá đùm đụp nhiều chỗ. Tôi lặng lẽ buồn. Tại nơi này mới hôm nào tôi còn là một cậu học trò đồng phục quần xanh áo trắng giờ là người tù đang bước vào tuổi trung niên. Cũng chỉ là một người nhưng tôi có cảm tưởng bị tách làm hai. Tôi nhớ bạn bè cùng lớp, những đứa con trai bị dòng chiến tranh cuốn hút tản lạc muôn phương. Những đứa tử trận, những đứa còn sống đang vất vưởng tại một nơi nào của một trại khổ sai nào đó. Những người con gái sợ lỡ xuân thì cũng vội vã lấy chồng là lính giờ cũng đang mòn mõi đợi.

Tôi lủi thủi đi vào con phố với biết bao nỗi ngậm ngùi. Không ai nhận ra tôi đang trên con đường. Sau khi miền Nam bị đoạt mạng tất cả đều tan nát...

NGẬM NGÙI

Chiếc xe đò rùng mình nín thở
Quẳng xuống đường một nhúm xương khô
Gã lính ngụy lưu đày ngơ ngác
Chưa dám tin mình đã trở về
Gã băng qua mùa đông vào phố
Nắng loe hoe đọng ngã ba đường
Chiều ngủ vùi trên manh áo vá
Có con chim cất tiếng chào buồn
Dãy bạc hà hiên trường thuở nhỏ
Gió thều thào lúc gã đi qua
Vàng thiêm thiếp thẫn thờ lá đợi
Chút mong manh xuân ấm chợt về
Chiếc cầu nơi tuổi thơ đánh rớt
Đám lục bình khóc ướt dòng sông
Gã lục lọi tìm trong ký ức
Bạn bè xưa ai mất ai còn
Cây trụ điện đứng nơi góc chợ
Gánh cặp loa ruột thắt gan bầm
Hát ra rả ngàn lời mị ngữ
Còn riêng mình mòn mỏi tháng năm
Gã tha thẩn mò vào xóm cũ
Người quen xưa tản lạc muôn phương
Trời lồng lộng cao không vói tới
Giẫm cuộc đời nát vụn dưới chân
Con chó già ngồi chơi trước cửa
Ngửi hơi xưa lúc lắt đuôi chào
Chiếc áo mặc tróc bươm từng mảng
Con ruồi bay quanh mũi lao đao
Tên công an trông coi khu vực
Biết gã về mang súng tới hăm
Con chó nản nhắm nghiền mắt đói
Chuyện thường ngày lâu thét thành quen.

(Quan Dương)

*******

VỀ LẠI ĐI MẦY

Về lại đi mầy mùa nắng tháng ba
Nơi chiến trường xa vang rền đạn pháo
Lấp loáng đồi tranh lung linh nắng ảo
Mướt giọt mồ hôi thằng núp thằng ngồi
Về lại đi mầy mình tiếp tục chơi
Lệ ngọc – Sa Thầy – luồn Krongso – Lũ
Kontum chiều mưa trong hầm ũ rũ
Chuyền điếu thuốc đen "cù lủ ách chuồn"
Về lại đi mầy đêm uống rượu suông
Ngồi đợi xe đò sáng mai đi phép
Mầy về Sài gòn tao đi Phan Thiết
Xị đế rẻ tiền – em gái Pleiku.....
Về lại đi mầy nghe tiếng mưa ru
Trong "động" má mì – Hội thương Hội phú
Lộp độp trên tôn giọt mưa không ngủ
Tiền đồn ChuPao rít thuốc "con mèo"
Về lại đi mầy rồi dẫn tao theo
Nằm lại chổ nầy buồn như chấu cắn
Thuần Mẫn – Cheo Reo lang thang mấy bận
Đi xuống đi lên chỉ có mấy thằng
Tao gọi cho mầy mầy có nghe không
Bắt được tiếng tao trả lời trên máy
Đã mấy mươi năm ngày tao nằm lại
Mầy mất biệt tăm không thấy quay về
Cung đường đau buồn bi tráng lê thê
Tỉnh lộ 7B máu và nước mắt....
Nằm đây chờ mầy mày đi đâu mất
Tráng sĩ lang thang hồn phách vật vờ
Về lại đi mầy mình tiếp tục chơi
Tiếp nối tuổi đời của dân Biệt động...

Lan Phi

*Cóp từ FB. ĐẤT MẸ
Mar. 08/2024.

******

NÓI VỚI BẠN BÈ

Tao bây giờ đã thành người tha phương
Đất Mỹ tự do... mà vẫn thấy buồn
Mười mấy năm tù khổ thì có khổ
Nhưng bạn bè cùng một nỗi nhớ thương
Tao bây giờ đã bắt đầu bơ vơ
Đường phố thênh thang không đợi không chờ
Một cái bắt tay cùng lời hờ hững
Mầy hả mầy... tìm ra job hay chưa?
Cắt chỉ một giờ – một hai đồng bạc
Đôi tay đau ngơ ngác nhớ chiến trường
May được ngày xưa trải thời huấn nhục
Để bây giờ quen với chuyện thê lương
Tao bây giờ tìm tao trong quanh quẩn
Một quán cà-phê dăm đứa bạn đời
Vẫn còn đó niềm đau ngày Quốc Hận
Để thấy lòng còn xa xót khôn nguôi
Nhớ bạn bè nhớ không tròn nỗi nhớ
Ngày Bình Long – Rạch Bắp đến Cây Trường
Thằng banh xác biết đâu ngày mất nước
Thằng quặt què chồng thêm nỗi tai ương
Tao bây giờ không tiền mua rượu uống
Mà vẫn say... say ngút với nỗi buồn
Nhìn thiên hạ tranh nhau quyền yêu nước
Mấy chục năm ròng – Nước vẫn tang thương.

Trạch Gầm

******
NHẬT KÝ THÁNG TƯ

Hai mươi tháng Tư tiễn em đi Mỹ
Ta biết dễ dàng mất bé từ đây
Em lên máy bay, ta về đơn vị
Đất Biên Hòa buồn... chết điếng cỏ cây
Hai mốt tháng Tư ta vào Quân Đoàn
Ngồi nghe thuyết trình, nhận lệnh hành quân
Tay áo xăn cao một đời thám kích
“Kiến lửa bu đầy” nhột cả đôi chân
Hai hai tháng Tư... ta vào Đại An
Chứng kiến cảnh dân bỏ xóm bỏ làng
Dân chạy đến đâu... địch bò đến đó
... Đâu được như em chừ đã thênh thang
Hai ba tháng Tư... ta ngược Đồng Nai
Sương ôm mặt sông lau sậy thở dài
Địch xua quân tràn giữa đêm vắng lặng
Ta chỉnh pháo... và thây giặc chồng thây
Ta lạc mấy ngày trong lòng đất địch
Gọi đã khàn hơi chẳng thấy bạn bè
Thằng nào cũng đang giữ từng tấc đất
Đâu có thì giờ để cứu ta ra
Hai tám tháng Tư... ta ra lộ Một
Gặp ông tướng vùng thị sát thăm dân
Ông nói lung tung, ông thề sống chết
Ông nói xong rồi, ông bay biệt tăm
Hai chín tháng Tư... Biên Hòa xơ xác
Ta về Sài Gòn ngang qua nghĩa trang
Ta đứng nghiêm chào bạn ta đã chết
Như tự chào mình – nát cả tim gan.
Ba mươi tháng Tư... ta ôm mặt khóc
Trên cầu Sài Gòn – cạnh phố Hùng Vương
Mười năm binh đao... mười ngày kết thúc
Ta, còn nguyên,
mà... mất cả Quê Hương!!!

Trạch Gầm

Không có nhận xét nào: