Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 12/03/2024 - Mỹ Loan


Tương lai của thế giới dân chủ trong tay cử tri Mỹ Chiến thắng của ông Trump có thể dẫn đến sự sụp đổ của Ukraina và Estonia sẽ bị xâm lăng, những kẻ thù của dân chủ trên thế giới sẽ được khuyến khích. Les Echos ngày 11/03/2024 nhận định, tháng 11 tới, chính cử tri Mỹ sẽ quyết định tương lai của dân chủ trên thế giới.
Cử tri Mỹ bỏ phiếu tại Tòa thị chính San Francisco, California, Hoa Kỳ, trong ngày bầu cử sơ bộ « Super Tuesday », 05/03/2024. REUTERS - Loren Elliott - Thụy My
<!>
NATO tập trận quy mô nhất từ sau chiến tranh lạnh
Các báo đều chú ý đến việc NATO lại tổ chức những cuộc thao dượt quân sự với quy mô lớn. Cuộc tập trận Steadfast Defender 24, quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh, huy động 90.000 quân nhân của 32 nước. Le Figaro và Le Monde có các bài phóng sự theo chân tiểu đoàn sơn cước số 7 của Pháp đến một ngôi làng Na Uy gần Bắc Cực để tập chiến đấu trong cái lạnh -25°C.

Sau ba thập niên cắt giảm chi tiêu quốc phòng từ khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, Liên minh Bắc Đại Tây Dương nay quyết định tăng cường sức mạnh trước sự đe dọa của Vladimir Putin. Lâu nay vẫn tránh nêu đích danh Nga, giờ đây NATO không ngần ngại coi Matxcơva là kẻ thù cần phải chiến đấu. Mục tiêu của Dragon 24 – một trong hai cuộc tập trận chính trên bộ - là di chuyển nhanh chóng từ Tây Âu sang phía biên giới giữa Ba Lan và Belarus, để ngăn cản quân địch xâm nhập lãnh thổ NATO.

Tướng Pierre Schill nói với Le Monde: Hiện Nga tập trung cho Ukraina, hai, ba năm nữa mới có thể phục hồi sức mạnh quân sự, vì vậy cần tranh thủ thời gian này để nâng cao chất lượng. Cho đến 2021, các quan sát viên Nga còn được mời theo dõi các cuộc tập trận của NATO, và ngược lại, phương Tây có thể quan sát cuộc tập trận Zapad của Nga. Những trao đổi đó đã chấm dứt vài tháng trước khi Nga xâm lăng Ukraina, nhưng mỗi bên đều cho phi cơ thám sát bên kia trong những lần tập trận.

Baltic, Ba Lan ủng hộ sự táo bạo của Macron


Về mặt chính trị tại Pháp, Les Echos nhận thấy « Quan điểm của Elysée về Ukraina tiếp tục giúp thay đổi đường lối ». Hạ Viện Pháp tranh luận vào ngày mai rồi đến Thượng Viện và sau đó các nghị sĩ bỏ phiếu. Đây là dịp để các đảng bàn về « sự mập mờ chiến lược » đối với Nga.

Một « tuần lễ Ukraina » thứ hai mở ra ở Paris. Từ khi Emmanuel Macron đánh động hôm 26/02 với tuyên bố « không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraina », tổng thống Pháp đã phá vỡ điều cấm kỵ căn bản của chiến tranh lạnh, theo đó không bao giờ một người lính NATO - liên minh trong đó ba nước có vũ khí nguyên tử - đối mặt với một người lính Liên Xô hoặc Nga, một cường quốc nguyên tử khác.

Tuy tuyên bố này nhanh chóng bị thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích, các nước Baltic và Ba Lan lại bày tỏ quan điểm ủng hộ. Litva hôm thứ Sáu trong cuộc họp thượng đỉnh khu vực nói rằng các đồng minh của Ukraina không nên « loại trừ bất kỳ hình thức ủng hộ nào ». Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định gởi quân NATO sang Ukraina « không phải là điều không thể nghĩ đến ». Chính phủ Anh thì nhẹ nhàng nói rằng « chưa muốn triển khai quân với số lượng lớn trong tương lai gần ».

Pháp xích lại gần Trung và Đông Âu


Trên trang Ý kiến của Le Monde, ba nhà phân tích Aurélien Duchêne, Arthur Kenigsberg và Romain Le Quiniou nhấn mạnh « Trong khuôn khổ hỗ trợ quân sự cho Ukraina, việc xích lại gần các nước Trung Âu và Đông Âu là hết sức cần thiết ». Theo ba chuyên gia của Euro Créative, việc đẩy nhanh viện trợ quân sự và lời kêu gọi của tổng thống Pháp về một sự « đột phá chiến lược », không « hèn nhát » trước Nga, chống lại « tư tưởng chủ bại », đã gây ấn tượng nơi các nước Đông Âu.

Tổng thống Macron nay nói rõ « không thể để cho Nga thắng », ngược hẳn với thời kỳ đầu cuộc chiến khi ông chủ trương « không nên sỉ nhục Nga ». Thái độ do dự của thủ tướng Đức Olaf Scholz, nhất là không chịu chuyển giao hỏa tiễn Taurus, cộng với khả năng ông Donald Trump tái đắc cử, khiến Pháp có vai trò lớn hơn cho an ninh châu Âu. Tại Ba Lan, liên minh thân châu Âu quay lại nắm quyền từ cuối 2023 là cơ hội mà Paris cần nắm lấy để siết chặt quan hệ lâu dài với Trung Âu và Đông Âu.

Pháp không thể một mình bảo đảm « bước nhảy vọt chiến lược », cũng như đơn độc chuyển sang nền kinh tế chiến tranh. Một trong những chủ đề chính là an toàn năng lượng, nhất là nguyên tử dân sự. Cộng hòa Séc sắp ký với Pháp xây dựng lò phản ứng EPR ; tiếp đến có thể là Ba Lan, Hungary và Bulgari ; tương tự với kỹ nghệ quốc phòng. Pháp tham gia nhiệm vụ NATO giữ an ninh cho không phận Baltic và Rumani với chiến dịch « Aigle » từ mùa hè 2022, nhưng có thể đầu tư nhiều hơn trên Hắc Hải.

Berlin luôn dựa vào Mỹ, Paris muốn tự chủ
Một điều đáng lo ngại là quan hệ Pháp-Đức « bị lung lay trước thử thách từ cuộc chiến tranh ở Ukraina ». Theo phân tích của Le Monde, bên cạnh sự tranh giành vị trí lãnh đạo về quốc phòng giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức, còn có sự khác biệt sâu sắc về chiến lược. Tối thứ Hai 26/02, trái với các nhà lãnh đạo khác đến dự hội nghị quốc tế hỗ trợ Ukraina, ông Olaf Scholz đã lặng lẽ ra về mà không tuyên bố gì với báo chí. Trước đó, thủ tướng Đức cùng với các đồng nhiệm Tây Ban Nha, Hy Lạp, Slovakia bóp nghẹt từ trong trứng cuộc tranh luận mà Emmanuel Macron muốn khởi động về việc gởi quân nhân sang Ukraina.

Còn tổng thống Pháp nhắc nhở : « Nhiều người cứ nói "không bao giờ gởi xe tăng, chiến đấu cơ, hỏa tiễn tầm xa" Nhiều người đang ngồi tại đây hai năm trước nói rằng chỉ gởi túi ngủ và nón sắt ». Rõ ràng ông ám chỉ Đức, vào tháng 1/2022 đã bị đồng minh chế giễu khi chỉ giúp Kiev 5.000 chiếc nón sắt. Giữa một Emmanuel Macron táo bạo và Olaf Scholz thận trọng, khoảng cách ngày càng xa hơn, hai bên không ngần ngại công khai chỉ trích nhau.

Tại Praha, Emmanuel Macron cổ vũ các đồng minh hãy xứng đáng với « tầm vóc lịch sử », cho rằng châu Âu bước vào thời điểm « không thể hèn nhát ». Làm thế nào Pháp và Đức lại xung khắc như vậy, trong khi hai nước từng cùng đóng vai trung gian hòa giải về Donbass và đối thoại với Vladimir Putin trong những tháng đầu cuộc chiến ? Theo chuyên gia Claudia Major ở Berlin, Scholz luôn muốn dựa vào Hoa Kỳ còn Macron chủ trương tự chủ chiến lược.

Tháng 1/2023, Olaf Scholz chờ đến khi Joe Biden cung cấp xe tăng Abrams mới chịu gởi những chiếc Leopard 2 cho Ukraina. Ba tháng trước đó, Macron rất bất bình khi Olaf Scholz loan báo sáng kiến lá chắn chống tên lửa châu Âu (European Sky Shield Initiative) tập hợp 17 nước EU, mua thiết bị của Mỹ và Israel, đặt mua F-35 thay vì hợp lực xây dựng quốc phòng châu Âu.


Olaf Scholz phá vỡ thỏa thuận ngầm Pháp-Đức
Ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhận định, trước chiến tranh, có một thỏa thuận ngầm là Berlin lãnh đạo về kinh tế còn Paris lo về các vấn đề quốc tế và an ninh. Khi lấn sang quốc phòng, ông Scholz đã phá vỡ thỏa thuận này mà không hề tham khảo Pháp.

Trong khi đó, từ sau Brexit, Pháp là quốc gia duy nhất trong EU có vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an và sở hữu vũ khí nguyên tử. Một nhà ngoại giao nhận định : « Đức nhìn nhận là sợ leo thang, trong khi Pháp muốn chứng tỏ là không sợ hãi ».

Bà Major nói thêm, cử tri đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Olaf Scholz luôn chủ hòa và lâu nay vẫn thân Nga. Nhà chính trị học Joseph de Weck cho rằng ông Scholz không thể để mất 20 % hay 30 % cử tri vì sáu tháng nữa là đến kỳ bầu cử ở ba bang Đông Đức cũ và một năm rưỡi nữa là bầu Quốc Hội. Trong khi đó Macron sau hai nhiệm kỳ không thể ra ứng cử tổng thống năm 2027, nên rộng tay hơn.

Theo một nhà ngoại giao, mỗi người đều có thể viện dẫn lịch sử bi kịch của nước mình để biện minh. Olaf Scholz muốn tránh trường hợp đã dẫn đến đại chiến 14-18, còn Emmanuel Macron nhấn mạnh kỷ niệm đau buồn của thỏa thuận Munich tháng 8/1938 với Đức quốc xã, khởi đầu cho việc phân rã Tiệp Khắc.

Đan Mạch : Sẵn sàng cho tất cả những gì Ukraina cần
Le Monde cũng nhận thấy « Đan Mạch trở thành một trong những nhà tài trợ châu Âu lớn nhất cho Ukraina ». Kể từ đầu cuộc xâm lăng, vương quốc Bắc Âu này đã chi viện 4,5 tỉ euro vũ khí cho Kiev. Bộ trưởng quốc phòng Troels Lund Poulsen chỉ thấy có một lằn ranh đỏ là việc gởi quân sang Ukraina. Còn lại, Đan Mạch không hề hà tiện, chẳng hạn đã nhường lại toàn bộ 19 khẩu đại bác Caesar vừa nhận được từ tập đoàn Pháp Nexter, coi như cho Kiev trọn năng lực pháo binh. Những chiến đấu cơ F16 đầu tiên trong số 19 chiếc được hứa cũng sẽ đến Ukraina trước mùa hè này.

Đất nước 5,9 triệu dân hiện đứng thứ tư về tài trợ cho Ukraina, và còn có một quỹ 8,1 tỉ euro có thể hỗ trợ ít nhất đến 2028. Nữ thủ tướng Mette Frederiksen trong chuyến thăm Ukraina lần thứ tư hôm 23/02 đã ký thỏa thuận an ninh song phương có giá trị 10 năm với tổng thống Volodymyr Zelensky. Đan Mạch đóng góp tài chính để mua 15.000 quả đạn pháo cho Ukraina thông qua Cộng hòa Séc, thiết bị gỡ mìn, drone và trước đó đã giao 407 hỏa tiễn địa-không Stinger, hỏa tiễn chống hạm Harpoon, hơn 100 xe tăng Leopard...

Ông Lund Poulsen giải thích, một mặt Đan Mạch là một nước nhỏ ở cách Ukraina không xa, mặt khác cần phải hỗ trợ Kiev « đang chiến đấu cho tự do ». Quan điểm chính thức « sẵn sàng cho Ukraina tất cả » được Quốc Hội Đan Mạch nhất trí ủng hộ. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 45 % người dân muốn viện trợ nhiều hơn, và 51 % hy vọng đất nước mình sẽ là gương mẫu. Việc tiếp nhận 41.000 người tị nạn Ukraina không hề gây tranh cãi tại một nước có chính sách nhập cư thuộc loại khắt khe nhất châu Âu.

Theo nhà phân tích Jakob Linnet Schmidt, người ta lo ngại Ukraina sụp đổ sẽ gây tác động domino, dẫn đến việc Nga xâm lăng các nước khác. Thủ tướng Frederiksen nhấn mạnh « tự do có cái giá của nó ». Bà nói : « Ngôn từ không tạo ra hòa bình, và thời gian không đứng về phía Ukraina. Hành động trên chiến trường mới là quan trọng ».

Cử tri Mỹ sẽ quyết định tương lai dân chủ thế giới


Nhìn sang bên kia Đại Tây Dương, Les Echos đánh giá ông Joe Biden đã ghi điểm với bài diễn văn quan trọng đầu tiên trong chiến dịch tranh cử. Thay vì những vấp váp như chờ đợi, người ta nhận ra sự năng động, tính nhân văn và sự tự tin nơi ông, khác với người tiền nhiệm « chỉ yêu nước Mỹ khi mình chiến thắng ».

Một bài diễn văn không làm nên một cuộc bầu cử, nhất là hãy còn tám tháng nữa. Nhưng Joe Biden đã bất ngờ chứng tỏ ông là thành lũy của nền dân chủ Mỹ, trước thách thức trầm trọng nhất kể từ sau cuộc nội chiến (1861/1865), nếu không muốn nói là từ khi lập quốc năm 1776. Nước Mỹ luôn là nguồn cảm hứng cho những dân tộc bị đàn áp trên thế giới, mà cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ làm « trầy xước » đôi chút. Trên quảng trường Thiên An Môn tháng 5/1989 hay ở Hồng Kông giữa những năm 2010, bức tượng Nữ thần Tự Do vẫn được người biểu tình tự hào giơ cao. Mỹ là niềm hy vọng, là hình mẫu cho tương lai.

Ngày nay dưới ảnh hưởng chủ trương MAGA (Make America Great Again), một phần nước Mỹ lại đi ngưỡng mộ các mô hình độc tài trên thế giới. Donald Trump không giấu diếm cảm tình với những nhân vật lãnh đạo bằng bàn tay sắt, từ Tập Cận Bình đến Kim Jong Un, Vladimir Putin. Trong bài viết mới đây trên Financial Times, Francis Fukuyama nhận định đảng Cộng Hòa đã quay lại truyền thống biệt lập trước 1941, nhưng theo cách khác. Tuy thành quả kinh tế của ông Joe Biden là tốt, sức mạnh Donald Trump nằm ở chỗ cử tri của ông không nhận ra tính bất thường. Cũng như đại đa số người dân Mỹ không nhìn thấy mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ.

Châu Âu phải tự lo quốc phòng, các nước dân chủ châu Á bị Trung Quốc đe dọa cũng vậy, rồi mọi sự sẽ tốt đẹp chăng ? Thực tế u ám hơn nhiều. Chiến thắng của Trump có thể dẫn đến sự sụp đổ của Kiev và Estonia sẽ bị xâm lăng, vì nước này cũng như Ukraina, có dân số nói tiếng Nga đông đảo. Còn với Đài Loan ? Những kẻ thù của dân chủ trên thế giới sẽ được khuyến khích. Điều tệ hại nhất có thể xảy ra nhưng không phải là không tránh được. Từ 7 đến 15 % cử tri Cộng Hòa bỏ phiếu cho bà Nikki Halley sẽ không bầu cho Donald Trump. Nước Mỹ phải chọn lựa giữa « một ông già nóng nảy hay gây rắc rối » với « một ông cụ chừng mực và có trách nhiệm ». Điều chắc chắn là ngày 05/11, cử tri Mỹ sẽ quyết định tương lai của nền dân chủ thế giới.

Không có nhận xét nào: