Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

ĐIỂM TIN 05/03/2024 - Long Đỗ

Liên Hiệp Châu Âu đẩy mạnh mua sắm và chế tạo vũ khí
Sau hai năm chiến tranh tại Ukraina và trước mối đe dọa của Nga, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tăng cường khả năng quốc phòng. Hôm nay, 05/03/2024, Ủy Ban Châu Âu công bố đề xuất chương trình mua sắm vũ khí chung cho 27 nước thành viên, cũng như nhiều biện pháp mới để tăng cường năng lực cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí của Liên Âu. Ủy viên Châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton trình bày kế hoạch đẩy mạnh mua sắm vũ khí, Bruxelles, Bỉ, ngày 05/03/2024. REUTERS - Yves Herman - Anh Vũ
<!>
Thông tín viên RFI tại Bruxelles Pierre Benazet tường trình:

Liên Hiệp Châu Âu đã triển khai hai công cụ, một để mua chung vũ khí thông qua các hợp đồng đầu tư công và một để hỗ trợ sản xuất đạn dược. Tuy nhiên, cả hai chương trình này, được khởi động từ năm ngoái, chủ yếu nhằm giúp các nước trong Liên Âu hậu thuẫn cho Ukraina, ví dụ như thay thế kho vũ khí đạn dược.

Trong chương trình công nghiệp được công bố hôm nay, Ủy Ban Châu Âu đề xuất hợp nhất hai công cụ nói trên và bảo đảm tính lâu bền của chương trình.

Từ giờ trở đi, 27 nước thành viên muốn nhìn về lâu dài và sửa chữa những khiếm khuyết trong ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Âu do 30 năm ảo tưởng về nền hòa bình sau khi Liên Xô sụp đổ hồi đầu những năm 1990.

Theo ủy viên Châu Âu phụ trách chương trình, ông Thierry Breton, « cần phải chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, một phần để giúp Ukraina, một phần để bảo đảm an ninh cho Liên Hiệp Châu Âu ».

Châu Âu cần khoảng một trăm tỷ euro trong 5 năm tới với mục tiêu đạt 40% các khoản mua sắm vũ khí chung. Phải bảo đảm cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí rằng các đơn hàng sẽ có đủ cho nhiều thập kỷ tới.

Úc tài trợ 1,3 tỷ đô la để thúc đẩy thương mại với ASEAN

Hôm nay, 05/03/2024, bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Úc tại Melbourne, Canberra đã tuyên bố sẽ gia tăng đầu tư vào Đông Nam Á, tài trợ tổng cộng 1,3 tỷ đô la nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại với khu vực có triển vọng kinh tế ngày càng tăng này.


Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Úc, Melbourne, Úc, ngày 05/03/2024. REUTERS - Jaimi Joy
Minh Phương
Phát biểu bên lề cuộc họp thượng đỉnh Melbourne, thủ tướng Úc Anthony Albanese khẳng định “tương lai của Úc nằm ở Đông Nam Á”, nơi có vị trí quan trọng hơn bất kỳ khu vực nào khác đối với nước này.

Các biện pháp được Úc công bố trong khuôn khổ kế hoạch này bao gồm trợ cấp cho xuất khẩu và các khoản vay nhằm tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án năng lượng tái tạo.

Với tốc độ tăng trưởng dân số mạnh mẽ, khối ASEAN được kỳ vọng sẽ là đầu tàu kinh tế mới. Đồng thời, với trữ lượng khoáng sản khổng lồ và nhu cầu điện ngày càng tăng, khu vực này sẽ đóng vai trò trung tâm toàn cầu về năng lượng sạch.

Các chủ đề nhạy cảm hơn liên quan đến Trung Quốc cũng đã được các nhà lãnh đạo ASEAN đề cập. Về phía Singapore, thủ tướng Lý Hiển Long cho biết nước này sẵn sàng chào đón hạm đội tàu ngầm hạt nhân tương lai của Úc trong vùng biển của Singapore, một thông báo có thể làm mất lòng Bắc Kinh.

Sau hàng loạt căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh trong những tháng gần đây, Canberra ngày càng tìm cách đa dạng quan hệ kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Pháp trở thành quốc gia đầu tiên đưa quyền phá thai vào Hiến pháp

Hôm qua, 04/03/2024, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ (IVG) vào Hiến pháp, sau phiên họp Quốc Hội lưỡng viện tại Cung điện Versailles. Đây được coi là một quyết định lịch sử, kết quả của cuộc đấu tranh cho nữ quyền trong suốt một thời gian dài.


Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (G) phát biểu trong cuộc họp của Quốc Hội lưỡng viện để thông qua việc đưa quyền phá thai vào Hiến pháp, Versailles, Pháp, ngày 04/03/2024. AFP - EMMANUEL DUNAND
Minh Phương
Với đa số áp đảo (780 phiếu thuận và 72 phiếu chống), Quốc Hội Pháp đã chính thức thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, đưa quy định về quyền phá thai vào điều 34 của văn bản này. Điều luật mới xác định các điều kiện bảo đảm cho phụ nữ thực hiện quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ.

Trên mạng X, tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi quyết định hôm qua của Quốc Hội là “niềm tự hào của nước Pháp”, còn thủ tướng Gabriel Attal thì ca ngợi một “bước đi vào lịch sử”, khẳng định “Pháp là cái nôi của nhân quyền và trên hết là quyền của phụ nữ”. Về phần mình, bà Sarah Durocher, chủ tịch hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình, hoan nghênh một “ngày lịch sử”, nhưng đồng thời kêu gọi chính phủ đưa ra các phương tiện giúp phụ nữ “tiếp cận với việc phá thai”.

Trong khi đó, Vatican đã chỉ trích mạnh mẽ việc nước Pháp đưa quyền phá thai vào Hiến pháp, cho rằng “không ai có quyền loại bỏ sự sống của một con người”. Hơn 500 người phản đối quyết định này cũng đã biểu tình ở Versailles nhằm kêu gọi “bảo vệ sự sống”.

Hắc Hải : Ukraina phá hủy ‘‘tàu tuần tiễu hiện đại nhất của Hải quân Nga’’

Theo thông báo của cơ quan tình báo quân sự Ukraina (GUR) hôm nay, 05/03/2024, một đơn vị đặc nhiệm nước này đã phá hủy ‘‘tàu tuần tiễu hiện đại nhất của Hải quân Nga’’, trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay gần cầu Kertch, tại khu vực ‘‘thuộc hải phận của Ukraina’’.


Ảnh minh họa : Tầu chiến của Nga tuần tra gần cầu Kerch nối bán đảo Crimée với Nga. Ảnh chụp ngày 17/07/2023. AFP - STRINGER
Trọng Thành
AFP dẫn lại thông báo của GUR, theo đó, con tàu Nga mang tên Sergei Kotov ‘‘đã bị các drone hải chiến Magura V5 bắn trúng’’. GUR công bố một đoạn video để minh họa cho cuộc tấn công nhắm vào chiến hạm dài 94 mét của Hải quân Nga.

Hiện tại, bộ Quốc Phòng Nga chưa đưa ra thông báo chính thức về vụ này, nhưng giới blogger quân sự Nga, gần gũi với quân đội, xác nhận vụ tấn công. Một số blogger Nga nhấn mạnh đến việc tàu chiến Nga đã không thể tự vệ

Sau cuộc tấn công này, trên mạng Telegram, chánh văn phòng tổng thống Ukraina, Andriï Iermak, khẳng định : ‘‘Hạm đội Nga ở Hắc Hải là một biểu tượng cho sự chiếm đóng của Nga. Hạm đội này không có quyền có mặt tại bán đảo Crimée của Ukraina.’’ Trong thời gian gần đây, quân đội Ukraina liên tục tấn công hạm đội Nga ở Hắc Hải. Theo thông báo của Quân đội nước này hồi đầu tháng 02/2024, khoảng một phần ba chiến hạm Nga tại khu vực này ‘‘đã bị vô hiệu hóa’’.

Cũng hôm qua, chính quyền Kiev cho biết một kho dầu của Nga thuộc tỉnh biên giới Belgorod đã bị tấn công. Theo một nguồn tin quân sự Ukraina, lực lượng tấn công cũng thuộc cơ quan tình báo quân sự GUR, và địa điểm bị tấn công nắm cách thủ phủ tỉnh Belgorod khoảng 90 cây số về phía bắc. Tại tỉnh Koursk, giáp biên giới với Ukraina, một ga tàu hỏa cũng ‘‘bị Ukraina oanh kích’’, theo thông báo của tỉnh trưởng.



Trung Quốc tăng ngân sách quân sự hơn 7%, cứng rắn hơn với Đài Loan
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) thông báo Bắc Kinh sẽ giữ mức tăng ngân sách quân sự 7,2% trong năm nay, tương tự như năm 2023. Thông báo được đưa ra trong bản báo cáo của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội hôm nay, 05/03/2024. Bắc Kinh cũng tỏ ra cứng rắn hơn với Đài Bắc : Mục tiêu thống nhất ‘‘hòa bình’’ đã không được nhắc đến.

Các quan chức quân sự cao cấp dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 05/03/2024. AP - Ng Han Guan
Trọng Thành
Theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến sẽ dành 1,6% GDP cho quân đội, tức là hơn 1.600 tỉ nhân dân tệ, tương đương với hơn 230 tỉ đô la. Ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), phát ngôn viên của kỳ họp Quốc Hội 2024, khẳng định mục tiêu của ‘‘việc duy trì mức tăng hợp lý’’ này là ‘‘để bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển quốc gia’’.

Dữ liệu về ngân sách quân sự của Trung Quốc, hiện đứng thứ hai thế giới, bằng gần một phần ba của Hoa Kỳ, được Washington và các nước láng giềng của Trung Quốc theo dõi sát. Trả lời AFP, ông James Char, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, lưu ý trong năm ngoái, Trung Quốc ‘‘đã gia tăng đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân.’’ Theo chuyên gia này, nếu như trong hiện tại, ‘‘thực lực của quân đội Trung Quốc khó lòng cho phép Bắc Kinh trực tiếp đụng độ với Mỹ, hay tấn công Đài Loan, điều đặc biệt đáng lo ngại là các tranh chấp với quân đội các nước khác trong khu vực có thể vượt tầm kiểm soát, khiến xung đột bùng phát’’.

Về Đài Loan, báo cáo của chính phủ Trung Quốc khẳng định mục tiêu tái thống nhất, đi kèm với thái độ ‘‘kiên quyết’’. Tuy đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh không nhắc đến mục tiêu thống nhất ‘‘hòa bình’’ với Đài Loan, lập trường này được giới quan sát xem như là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn với hòn đảo mà Bắc Kinh coi là vùng lãnh thổ ly khai, cần phải thu hồi.

Tăng trưởng 5%, mức thấp nhất từ nhiều thập niên
Tại cuộc họp Quốc Hội, chính phủ Trung Quốc cũng chính thức thông báo mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, đạt được tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất từ nhiều thập niên này cũng không phải là điều dễ dàng.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

Ba nghìn đại biểu tham dự cuộc họp Quốc Hội tại Đại Sảnh đường Nhân Dân vỗ tay theo nhịp đón mừng chủ tịch Trung Quốc và phái đoàn ủy viên trung ương Đảng. Không khí chào đón tưng bừng tương phản với trận tuyết xám đang rớt xuống quảng trường Thiên An Môn bên ngoài.

Như thường lệ, thủ tướng Lý Cường lên diễn đàn trình bày báo cáo của chính phủ, với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến 5%, mức thấp nhất kể từ nhiều thập niên nay. Tuy nhiên, đây đã là mục tiêu ở mức cao, trong lúc chúng ta biết không phải tất cả chỉ tiêu đề ra năm ngoái đều đã được thực hiện.

Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận các khó khăn trong thời điểm hiện tại, trước khi thông báo các biện pháp nhằm khuyến khích các tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao, dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư và kích thích các nhu cầu trong nước. Ông Lý Cường nói : ‘‘Cần phải thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ một cách ổn định với các biện pháp vĩ mô, như tăng thu nhập, xác lập các chiến lược cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu khách hàng, và giảm bớt các giới hạn nhằm thúc đẩy tiềm năng tiêu thụ. Có những lĩnh vực mới có thể tăng trưởng, như ‘‘ngôi nhà thông minh’, giải trí, du lịch, thể thao, hàng nội’’.

Tận dụng các năng lực cách tân, hàng nội, đặc biệt là ô tô điện, để chấn hưng nền kinh tế thứ hai thế giới. Thủ tướng Trung Quốc được trông đợi sẽ đưa ra nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế đang rơi vào tình trạng ảm đạm, với cuộc khủng hoảng địa ốc, thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ, xuất khẩu sụt giảm, lạm phát... Các biện pháp trên dường như là không đủ, căn cứ theo các phản ứng của thị trường chứng khoán ở Hồng Kông và Hoa lục.

Không có nhận xét nào: