Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cho rằng nhóm G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 4.000 tỷ USD vì chính quyền Bắc Kinh che giấu dịch Covid-19, khiến hàng chục ngàn người trên thế giới tử vong và nền kinh tế khối phải chịu thiệt hại nặng nề. Viện nghiên cứu Henry Jackson Society (HJS) hôm 5/5 công bố một báo cáo với tiêu đề: “Bồi thường virus corona?” Báo cáo cho biết, các nước G7 đã chi ít nhất 3,2 nghìn tỷ bảng Anh (4 nghìn tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh và cứu nền kinh tế khi chính phủ buộc công dân phải ở nhà.
<!>Theo báo cáo, vương quốc Anh yêu cầu bồi thường 351 tỷ bảng Anh (449 tỷ USD), tiền bồi thường được tính dựa trên số liệu chi tiêu chính phủ công bố. Tương tự, Mỹ có thể yêu cầu bồi thường 933,3 tỷ bảng Anh (1.200 tỷ USD), Canada yêu cầu 47,9 tỷ bảng Anh (59 tỷ USD) và Úc yêu cầu 29,9 tỷ bảng Anh (37 tỷ USD). Báo cáo sử dụng dữ liệu chi tiêu được chính phủ công bố chính thức vào ngày 5/4/2020, thay vì sử dụng tổng chi tiêu dự kiến trong toàn bộ thời gian của dịch bệnh – con số này dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với số liệu mà báo cáo trên sử dụng.
Báo cáo cho biết, Trung Quốc bị kiện vì vi phạm 10 điều luật, trong đó có Quy định Sức khỏe Quốc tế vốn được thắt chặt sau đại dịch SARS năm 2003 mà Trung Quốc cũng từng cố gắng che giấu.
“Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không lan ra toàn cầu”, báo cáo HJS có ghi.
Một bài báo của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, gần 200 ca nhiễm nCoV đã được ghi nhận trước ngày 27/12/2019. Tuy nhiên, đến tận ngày 31/12, Trung Quốc mới báo cáo dịch bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tuyên bố không có bằng chứng cho thấy dịch bệnh lây từ người sang người.
Không chỉ vậy, chính quyền Bắc Kinh còn khiển trách những y bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo người dân về dịch bệnh, trong đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng. Một số người tin rằng, bệnh có thể lây từ người sang người trước cả thời điểm trên.
Theo Quy định Sức khỏe Quốc tế, các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ thông tin về sự lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bất kỳ mầm bệnh nào có khả năng lây lan giữa các nước. HJS cho biết, Trung Quốc đã hành động ngược lại khi nỗ lực bưng bít thông tin và trừng phạt những ai tìm cách tiết lộ sự thật.
Liên quan đến việc chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền tin giả về dịch bệnh nhằm trốn tránh trách nhiệm, báo cáo đề cập: “Nhiều quan chức Trung Quốc, bao gồm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã ủng hộ quan điểm phi lý rằng nCoV được quân đội Mỹ đưa vào Vũ Hán, thay vì bắt nguồn từ chợ hải sản ở thành phố này, nơi buôn bán động vật hoang dã”.
HJS kêu gọi thành lập liên minh khởi kiện Trung Quốc vì chính quyền nước này “thường phản ứng hung hăng với các mối đe dọa trên trường quốc tế”.
“Hành động này đòi hỏi sự cam đảm và đoàn kết toàn cầu”, báo cáo viết.
“Trong giai đoạn đầu chống dịch, chính quyền Vũ Hán và Hồ Bắc đã vi phạm Quy định Sức khỏe Quốc tế … trách nhiệm phải thuộc về cấp lãnh đạo cao nhất”, báo cáo cho biết thêm.
Báo cáo nhấn mạnh: “Rõ ràng là cách đối phó Covid-19 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vi phạm luật pháp quốc tế”.
Theo báo cáo của HJS, khởi kiện do tranh cãi xung quanh IHR là hành động chưa từng có tiền lệ, nhưng HJS cho rằng đã có những khuôn khổ trong WHO cho phép thực hiện điều này. Ngoài ra, HJS đề xuất đưa vụ kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực, Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc viện dẫn các quy định trong thỏa thuận đầu tư, thậm chí là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Tòa án trong nước và Tòa án Trung Quốc cũng là phương án mà HJS gợi ý.
Sydney Morning Herald đưa tin, ông Matthew Henderson, đồng tác giả báo cáo, cho rằng người dân Trung Quốc cũng là “nạn nhân vô tội” bởi sự thiếu trách nhiệm của chính phủ. “Đây là lỗi của ĐCSTQ”, ông khẳng định.
Ông phát biểu thêm: “ĐCSTQ đã không tiếp thu bài học giáo huấn nào từ sau thất bại trong đại dịch SARS. Những sai lầm ngớ ngẩn, dối trá và chiến dịch nhiễu loạn thông tin lặp đi lặp lại của chính quyền từ khi bắt đầu dịch Covid-19, đã gây ra những hậu quả chết người”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét