Nhận lệnh, mặc dù mệt mỏi suốt đêm, 10 chiến sĩ Nhảy Dù cũng thi hành lệnh nghiêm chỉnh. Đó là kỷ luật trong binh chủng. Thiếu úy Bé là một sĩ quan dũng cảm, anh đã lập nhiều chiến công trong các trận Thường Đức và đèo Hải Vân, Bé dẫn trung đội (chỉ còn 10 người) lội sông trở lại vị trí khu vườn mía để tìm 2 vị Tướng. Nhưng! Như đã nói trên, sau 2 lần bị bất ngờ và bị tổn thất, địch đã đề cao cảnh giác. Nên khi toán quân Dù vừa qua sông tiến tới gần lò đường thì địch khai hỏa dữ dội. Bé điều động anh em bắn trả mãnh liệt, một chiến sĩ đã hy sinh ngay loạt đạn đầu, Bé bị thương nơi bắp đùi, anh biết trung đội đang lọt vào vòng vây, với chiến xa và phòng không địch bắn tới tấp, Bé bảo Trung sĩ Tuy dẫn anh em rút lui về bên kia sông. Anh không thể chạy được nếu dây dưa thì chết cả đám, TS Tuy còn chần chừ, nhưng Bé bảo đây là lệnh.
<!>
Rồi Bé ở lại mở chốt lựu đạn ném vào quân địch, bắn tới hết đạn, thì địch quân tràn tới; anh định mở chốt an toàn trái lựu đạn chót để chết chung với địch! Nhưng Tuy đã dẫn binh sĩ đi được một đoạn, rồi không đành nên bảo binh sĩ quay lại, vừa lúc thấy Bé định tự sát, nên anh nhào tới chụp tay và cố đỡ Bé chạy về bờ sông. Họ đi được chừng 100 thước, thì bị địch theo kịp. Tuy và các chiến sĩ Dù bắn trả tới tấp chận đường tiến quân của địch. Thấy tình hình không thể cầm cự lâu, Tuy vừa bị một viên đạn xuyên qua đùi, anh cùng Thiếu úy Bé bảo binh sĩ anh em để đạn dược lại và lui về báo cáo, rồi mỗi người thủ 2 khẩu M72 và AR16, cùng nhiều lựu đạn do anh em để lại.
Hễ mỗi lần địch nhào lên thì Bé và Tuy kẻ bắn AR16 người thụt M72, khiến địch tổn thất nặng nề. Khi thấy 2 người bắn hết đạn, địch quân tràn lên và bị lựu đạn ném ra. Cộng quân tức giận vội bắn hàng loạt B40 bứng bay mô đất che 2 chiến sĩ Dù dũng cảm; TS Tuy ném hết các quả lựu đạn, rồi cố kéo Bé về bờ sông, nhưng không kịp nữa; địch tràn tới nhanh và chĩa súng bắn vào hai người như để trả hận! Nguyên thân hình Tuy và Bé bị bắn tung lên! Hy sinh ngay lập tức!!!
Đại tá Lương nghe tiếng nổ, tiên đoán đó là điềm chẳng lành; quả nhiên khoảng 20 phút sau, toán quân lội trở lại, 10 người chỉ còn 7! Thiếu úy Bé và Trung sĩ Tuy cùng 1 binh sĩ đã hy sinh, anh Hạ sĩ phụ tá bị thương ở cánh tay trái, và một binh sĩ bị thương ở đùi. Suy nghĩ một lúc, vô kế khả thi; Đại tá Lương đành dẫn hơn 200 quân nhân đủ loại binh chủng; lấy phương giác băng đồng về hướng sông Quao. Đoàn quân đi khoảng 2 giờ rưởi thì tới nơi. Sông nầy rất hẹp và đầy bèo Nhật Bản...Hai khinh binh đi đầu lội thử, thấy chỗ sâu nhất cũng chỉ tới ngực. Toàn bộ qua được bên kia bờ, mọi người đều quá mỏi mệt, chia từng toán nhỏ nằm trong các lùm bụi rậm rạp nghỉ ngơi.
Một binh sĩ Dù trải cho Đại tá Lương chiếc Poncho để nằm nghỉ; sau khi phân chia canh gác, mọi người thiếp đi trong giấc ngủ mê man.
Khoảng 6 giờ sáng, trời còn mờ sương, anh lính truyền tin đánh thức Đ/T Lương dậy và trao ống liên hợp... Từ trên không, một chiếc L19 của Quân đoàn III đang bay lượn vòng vòng phía bờ biển và gọi máy liên tục. Anh trả lời và xưng danh hiệu; sĩ quan trên máy bay xưng là Đại úy Tango (nghĩa chữ T đứng đầu tên), và đồng thời yêu cầu chuyển sang tần số giải tỏa ...
Sau khi xác định mật hiệu, Tango đã biết chính anh là LĐT/LĐ2ND và vị trí điểm đứng. Anh ta hỏi có bao nhiêu người.. Đ/T Lương nói khoảng 250 người (chỉ phỏng đoán). Đại úy Tango cho biết có 22 trực thăng chở quân, và mỗi chiếc chở được tới 14 người. Vì tất cả chỉ còn súng và ít đạn với mấy vật dụng sơ sài như Poncho, ba lô đựng ít lương khô, nên có thể chở được 14 người.
Phụ tá Đ/tá Lương lúc đó là 1 Th/tá Địa Phương Quân... Sở dĩ như vậy là khi còn bố trí ở đường thông thủy để chờ đêm tối vượt vòng vây địch; Đ/T Lương đã cho lệnh các đơn vị Dù, đang bố trí phân tán ở bên ngoài, tự tìm cách dẫn quân về Cà Ná chờ lệnh... Vì Tướng Nghi muốn lập một chiến tuyến chận địch tại Cà Ná như đã nói trên. Đại úy “T” cho biết phải sẳn sàng trước 7 giờ sáng ngày 17/4/75. Rồi chiếc phi cơ quan sát rời vùng; đoàn quân di tản được phân phối, xếp mỗi toán 14 người theo thứ tự hàng dọc để trực thăng dễ bốc. Chiếc cuối cùng sẽ bốc quân gần sát bờ sông Quao (trong đó có Đ/T Lương và 2 nhân viên truyền tin, tất cả 14 người nầy đều là quân Dù).
Khoảng 40 phút sau, phi cơ quan sát trở lại, Đại úy “T” hỏi Đại tá Lương cho biết vị trí của Tướng Nghi và Tướng Sang đang ở đâu? Đ/T Lương trả lời: “Đã thất lạc từ đêm hôm qua, tại khu rừng mía, để về đến nơi tôi sẽ trình bày chi tiết”...
Mười lăm phút sau, từ trên phi cơ Đại úy “T” truyền xuống cho biết lệnh của tướng Tư Lệnh Quân Đoàn III (Nguyễn Văn Toàn): “207 (danh hiệu truyền tin của Đ/T Lương) phải trở lại kiếm hai ông Three Stars Nectar và One Star Sierra; nếu không thi hành khi về sẽ ra toà án quân sự và sẽ không còn 3 bông mai bạc nữa đâu!!!”
Lúc đó Thiếu tá Đông và tất cả các quân nhân sĩ quan, HSQ, và binh sĩ đứng gần đều nói: “Đại tá cứ về, việc làm suốt ngày và đêm hôm qua chúng tôi đều biết, nếu có phải ra tòa án, chúng tôi sẽ cùng ra làm chứng... Chúng ta đã làm hết sức, mà không đạt được thì đành chịu thôi!”
Thực tế anh đâu có bỏ chạy một mình, đã đưa 2 vị ấy ra khỏi phi trường; rồi đi bộ suốt ngày mới tới Cà Ná. Và chính Tướng Nghi cũng đã từ chối không cho trực thăng xuống bốc BTL Tiền phương và SĐ6KQ lúc 17 giờ chiều ngày 16/4/75.
Suy nghĩ một lúc, Đ/T Lương gọi máy nói với Đại úy Tango ở trên phi cơ L19 là: “Tôi và một số quân nhân Dù sẽ trở lại vùng chạm địch hôm qua để dò la và tìm 2 vị Tướng. Tôi yêu cầu cho trực thăng bốc tất cả hơn 200 người hiện đang đứng với tôi về QĐ3 để họ trình bày với Trung tướng Tư lệnh” ...Sau đó anh dặn dò và nói lại nhờ Thiếu tá Đông và 1 Thiếu úy về gặp Trung Tướng trình bày lại mọi sự. Đại tá Lương chọn 16 chiến sĩ Dù chia làm 2 toán do Trung sĩ Hùng và HSI Toàn làm trưởng toán, cùng với 2 máy truyền tin để chờ đêm tối trở lại.
Khoảng 1 giờ sau, trực thăng xuống bốc trên 200 quân nhân đủ mọi binh chủng bay đi... Sau nầy nghe nói hình như trực thăng đưa họ ra đảo Tứ Quí hay Phan Thiết chứ không về đáp lại Biên Hòa. Vì vậy có lẽ Tướng Toàn không gặp được họ để nghe trình bày ! Tối 17/4/75, 17 người trở lại chỗ chạm súng tại khu vườn mía, vườn xoài, và đường thông thủy (lại phải vượt sông Quao, sông Dinh!). Ban đêm phải đi ngoài đồng trống theo phương giác. Không dám đi gần đường và làng mạc, vì chó sủa sẽ bị lộ. Khoảng hơn 1 giờ khuya, toán nầy về tới chỗ cũ, cảnh vật rất lặng lẽ và yên tĩnh. Những cành cây và trái dừa đã bị súng phòng không 37 ly bắn rơi rụng đêm qua nay vẫn còn nguyên; mùi khói súng còn nồng nực...
Đ/T Lương kiếm vài ngôi nhà gần đó, cho anh em bố trí nghe ngóng; nhìn trong nhà dưới ánh đèn dầu mờ, thấy toàn những ông bà già và trẻ nhỏ... Anh gõ cữa vào để hỏi thăm; vẻ mặt họ rất sợ sệt. Đại tá Lươmg hỏi một ông lão:
- Chúng tôi là anh em quân nhân Dù về đây tìm người quen... Vậy bác cho biết hồi đêm đánh nhau ở đây; rồi các quân nhân Cộng Hòa đi về đâu?
Ông lão trả lời với giọng run run:
- Trời ơi! mấy cậu sao còn ở đây? Họ đông lắm, đi mau đi, đừng ở đây nguy hiểm lắm.
Đ/T Lương hỏi thêm:
- Vậy hồi đêm đánh nhau ở đây có nhiều người chết và bị thương không?.
- Chết, nghe nói mấy chục người, và lúc gần sáng, họ (tức VC) tràn vào đường khe suối bắt được một số lính.
- Bác có nghe nói bắt được sĩ quan nào cấp Tướng không?
- Không nghe. - Vậy còn dân chúng và gia đình binh sĩ ra sao ?
- Họ đi ra chợ Phan Rang, theo đường lộ, đông lắm.
Đ/T Lương tiếp tục hỏi thêm vài điều nữa rồi cám ơn và chào từ giả.
Sau đó, họ vượt sông Dinh trở lại, và kỳ nầy nhắm hướng núi để đi cho an toàn. Mọi người còn trên mình khoảng 3 ngày lương khô.
Suốt 2 ngày 18/4 và 19/4, 17 người đi theo vùng đồi cát, khát nước vô cùng vì nắng quá gay gắt. Mỗi người bẻ trộm vài cây mía để giải khát.... Nhưng càng ăn lại càng khát thêm... Chiều ngày 19/4, họ vượt đường xe lửa, đổ xuống vùng đồng bằng; hướng về biển để kiếm ghe xuồng, xuôi về Cà Ná. Đi được khoảng 1 cây số thì 2 khinh binh dẫn đầu ra hiệu có địch phía trước. Tất cả kiếm nơi bố trí để chuẩn bị chống trả.. Bò lên quan sát, trung sĩ Hùng trở lại cho biết: hình như không phải địch, thấy họ mặc áo màu xanh bộ binh và có vẻ cũng đang ẩn nấp. Trung sĩ Hùng dẫn 5 binh sĩ bò lại chỗ bụi rậm gần đó hô bảo đầu hàng... Họ liền giơ tay và đứng dậy ra khỏi chỗ núp.
Thì ra là 7 chiến sĩ Địa phương quân, họ vẫn còn nguyên súng đạn. Gặp quân Dù họ mừng như gặp được cứu tinh, và đoàn quân có thêm 7 trợ thủ nữa! Như vậy tổng cộng là 24 người tất cả. Để 7 binh sĩ Địa phương quân đi đoạn hậu, mọi người nhắm hướng Đông tìm đường ra biển. Suốt ngày 19/4, họ đi êm ả; tuy nhiên tối đến nhìn về phía quốc lộ I thấy đèn xe của địch đang chạy về hướng Cà Ná. Đ/T Lương định ra đến biển rồi chắc phải xuôi ngược về Phan Thiết, chứ không thể lên Cà Ná được nữa vì địch đang di chuyển về hướng nầy. Đêm 19/4, tất cả dừng quân và nghỉ ngơi lấy sức, để sáng mai có thể đi một mạch tới QLI và băng về hướng biển.
Sáu giờ sáng ngày 20/4, mọi người bắt đầu di chuyển sau khi ăn cơm sấy và thịt hộp lót dạ.
Khoảng 9 giờ thì toán quân chỉ còn cách QLI độ 2 cây số, họ di chuyển 2 hàng dọc; đi theo các bờ ruộng mía cao quá đầu người. Khi còn cách QLI khoảng 500 thước, nhìn qua khoảng trống thấy từng đoàn xe địch chở đầy quân; trên nóc xe và 2 bên vẫn còn cắm cây lá ngụy trang.
Mọi người đành bố trí trong ruộng mía, chờ trời tối sẽ băng qua đường, lúc đó toán đầu của Trung Sĩ Hùng chỉ cách đường 300 thước; không thể chạy nhanh qua đường được, vì bên kia là khoảng trống khá xa. Nếu họ liều băng qua có thể sẽ bị du kích địa phương phát giác; vì trên đường thỉnh thoảng thấy vài tên du kích đeo súng trên vai và chạy xe đạp qua lại.
Bất ngờ vào 10 giờ rưởi sáng, có khoảng 1 đại đội (du kích địa phương) đi bộ dọc theo hai bên đường. Bỗng có một tên trong bọn hô to:
- Ê! Thấy tụi bây nấp trong ruộng mía rồi, ra hàng thì sống.
Sự thực ruộng mía rậm và cao, mà mọi người thì nằm theo các đường rãnh sâu giữa 2 luống mía; như vậy làm sao tên đó có thể thấy được; hơn nữa toán đầu còn cách QLI tới 300 thước. Nó chỉ hù dọa để nếu ai nhát gan sẽ bỏ chạy hoặc ra hàng.
Đột nhiên có 2 lính Địa phương nằm ở phía sau toán quân Dù khoảng hơn 100 thước, đứng dậy chạy về phía núi; vừa chạy vừa bắn ngược lại hướng địch. Thế là địch bắn xối xả về phía ruộng mía. Thấy tình trạng bất lợi, tất cả bò lui về phía sau và giữ im không bắn trả. Có lẽ địch nghĩ trong ruộng mía chỉ có vài người nên bắn hoảng để cầm chân mà bỏ chạy. Cộng quân dàn đội hình hàng ngang tiến vào ruộng mía để lục soát. Địch tới càng lúc càng gần, 50 thước, 30 thước, 20 thước, 10 thước,... toán quân di tản bắt buộc phải nổ súng tự vệ, mấy tên đi đầu bị trúng đạn ngã liền. Cộng quân vội dừng lại lấy đội hình rồi đồng loạt khai hỏa bằng đủ loại súng vào quân ta.
Súng cối, B40, thượng liên, và đại liên bắn ào ào; nhờ các bờ luống mía cao, nên tránh được đạn thẳng, nhưng những loại B40 và súng cối bắn vào; khiến hai chiến sĩ Dù bị thương. Trung Sĩ Hùng vừa lao mình lên phóng một lượt 2 trái lựu đạn, thì anh bị nguyên một tràng AK47 trúng ngực; tuy bị thương nặng nhưng Hùng vẫn còn tõ lòng khí khái khiến Đại tá Lương lúc nào cũng nhớ đến cử chỉ hào hùng của anh: Hùng vừa đưa súng vừa nói:
- Ông thầy chạy đi tôi sẽ chận chúng nó lại và chết chung với tụi nó bằng trái lựu đạn nầy!
Đại tá Lương còn bịn rịn chần chừ, nước mắt tuôn trào vì thương cho người chiến sĩ Dù trung can nghĩa dũng! Hùng lấy tay khoát bảo chạy mau. Súng địch bắn dữ dội, thêm 2 chiến sĩ Dù bị tử thương! Hai người đệ tử đứng gần thấy địch sắp tới, vội kéo Đại tá Lương chạy về hướng núi. Rồi ruộng mía bị cháy vì đã đến thời kỳ sắp chặt, đốn về làm đường, nên lá mía đã khô nhiều; gặp các loại đạn lửa, B40, và B41 nên phát cháy dữ dội. Đại tá Lương và 2 chiến sĩ Dù bị nóng quá vội chạy ngược về phía đồi núi; trong 5 chiến sĩ Địa phương quân có 2 bị tử thương, 3 người còn lại bị bắt tại chỗ (trong đó có 1 anh bị thương bả vai)!
Có lẽ qua lời khai của mấy người bị bắt, nên sau đó ít phút, nghe tiếng loa gọi của địch: - Chúng tôi biết có anh đại tá và ít lính Dù trong khu vực nầy, nếu ra hàng thì sống, được về với gia đình, còn chống lại sẽ chết.
Trong 2 người truyền tin có 1 anh bị tử thương, và chiếc máy còn lại cũng hư luôn, chỉ nghe được nhưng không phát được. Vì nghe có đại tá Dù, địch tăng cường quân thêm từ các đoàn xe phía sau; quân số đông đến cả tiểu đoàn, và bao vây toàn khu vực vườn mía mà quân Dù đang ẩn nấp..
Bây giờ chỉ còn lại 10 người, họ chia ra làm 3 tổ, trấn giữ 3 hướng với tiêu lệnh bắn rất ít để tiết kiệm đạn; mong cầm cự chờ đêm tối sẽ tìm cách thoát thân. Lúc đó, trong máy truyền tin Đại tá Lương nghe tiếng gọi danh hiệu của anh, nhưng trả lời thì phi cơ quan sát không nhận được!
Sau nầy đi tù về, gặp lại một số sĩ quan tham mưu của BTL/SĐND; họ cho biết là Sư đoàn Nhảy dù đã cho phi cơ quan sát tìm kiếm họ mấy ngày liền tại các vùng núi và dọc theo bờ biển từ Cà Ná tới núi Đá Đen sát Phan Rang.... Nếu lúc đó máy không hư, Đại tá Lương sẽ gọi xin phi cơ và hướng dẫn oanh tạc; thấy phi cơ địch sẽ phân tán ẩn nấp; như vậy dễ dàng vượt thoát, chắc sẽ không bị bắt như trường hợp mà anh sẽ kể sau đây :
Khoảng 2 giờ chiều, địch bắn súng cối rất nhiều, trong đó có cả lựu đạn cay! Vì không có mặt nạ chống hơi cay, nên mọi người liều mạng vừa bắn trả vừa chạy nhanh về hướng núi. Mỗi toán chạy một ngã... Chạy hết ruộng mía thì đến vùng ruộng rẫy trồng toàn dưa. Lúc đó Đại tá Lương bị tai ù, mắt cay thốn rất khó chịu; anh vừa chạy vừa dụi mắt, đến một vũng nước (có lẽ dùng để tưới cây); tổ của ông còn lại 3 người, họ vội úp mặt vào nước vừa uống vừa rửa... rồi mệt quá nằm ngủ mê thiếp lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, thấy 3 tên bộ đội VC đang cầm AK47 chĩa vào 3 người. Một tên hỏi:
- Các anh có thấy thằng đại tá Dù chạy hướng nào không ?
Đ/T Lương (nhẫn nhục phụ trọng) chỉ phía trái nói:
- Chạy về hướng kia!
Tên vừa rồi, có lẽ là tổ trưởng trong 3 đứa, lại hỏi:
- Vậy anh là ai ?
Lúc gần tới vũng nước có mấy bụi cây rậm rạp, nên 3 người đều cởi dây đạn và súng dấu trong bụi cây; định uống nước rửa mặt xong sẽ ngồi nấp trong bụi đợi mờ tối mới đi tiếp. Vì từ đó vào núi rất xa, mà ruộng rẫy và bãi trống từ đó kéo dài tới núi. Vì vậy địch thấy họ chẳng có súng và nón sắt chỉ có chiếc địa bàn còn đeo trên cổ Đ/T Lương. Tên trưởng toán hỏi anh:
- Anh làm gì trong quân Ngụy ?
- Tôi làm Trung sĩ phát lương, đang trên đường về nhà thì thấy các anh bắn nhau ghê quá; lại bị gió thổi hơi cay đầy mặt, nên cố chạy đến đây để kiếm nước rửa mặt.
- Anh nói láo! Trên cổ áo anh có 3 cục và có gạch sói (lúc đó cấp bậc ở cổ áo may bằng vải ngụy trang màu đen). Như vậy là thượng sĩ .
- Anh đã biết tôi đâu dám dấu, đúng tôi là thượng sĩ.
Vừa nói Đại tá Lương vừa cổi áo và dìm trong vũng nước bùn, chỉ còn mặc chiếc áo thung màu quân đội; với quần trận và giày saut. Hai chiến sĩ Dù chỉ ngồi im không nói gì, để mặc Đại tá Lương đối đáp. Mấy tên bộ đội Cộng sản thấy ông đeo đồng hồ và nhẫn cưới, chúng bảo tháo ra và tự động bỏ túi; đồng thời còn khám túi quần sau của anh và lấy hết ba ngàn đồng. Hai binh sĩ Dù kia, một người có chiếc đồng hồ cũng bị lột mất! Xong nó nói:
- Tha cho 3 anh đi về với vợ con, nhưng mỗi người phải đi một hướng không được đi chung, nếu đi chung tôi sẽ bắn.
Hắn chỉ hai anh kia đi chéo về phía làng; mỗi người phải cách nhau mấy trăm thước; còn Đ/T Lương đi về phía đường rầy xe lửa ...Mệt mỏi, anh đi thất thểu mới được khoảng 500 thước thì gặp 2 tên bộ đội CS khác cầm súng từ xa vừa chạy tới vừa hô đứng lại. Anh quay nhìn lại 3 tên lúc nãy mong họ xác nhận là mới thả, nhưng họ lẻn nhanh về phía ruộng mía... Hai tên mới tới chĩa súng vào người bắt anh đi... Lúc đó trong túi quần trận ở ngang đùi còn mười ba ngàn đồng. Đại tá Lương nói:
- Hai anh để tôi đi về với gia đình tôi sẽ tặng 2 anh mười ngàn đồng .
- Có mua được đồng hồ con hải cẩu số 5 không? Hoặc đồng hồ không người lái, 12 trụ đèn,...
Đại Tá Lương nghe chẳng hiểu gì hết nhưng cứ gật đầu nói bừa: - Với số tiền nầy mua được hơn 2 cái đồng hồ như các anh nói! (Sau nầy khi ở trong tù, anh mới biết: hải cẩu 5 là Seiko 5; không người lái là tự động; còn 12 trụ đèn là các con số đồng hồ dạ quang về đêm xem được!....).
Hai đứa nhìn nhau, rồi một tên nói:
- Tôi đưa anh đến xóm nhà đàng kia, đến đó rồi anh tự đi lấy.... chứ ở đây thả ngay anh, các đồng chí khác sẽ thấy... không được đâu!
Họ bảo đưa tiền, anh đưa mỗi người 5 ngàn, còn lại 3 ngàn dằn túi. Rồi anh đi trước về hướng xóm làng, hai tên bộ đội đi theo sau. Tới bờ làng gặp một bà lão đang chặt củi và một thanh niên đang cuốc đất. Lúc đó Đại tá Lương khát khô cả cổ nên nói với bộ đội để ông xin nước uống. Bà lão nhìn ông, rồi đưa dao cho cậu thanh niên và nói: - Con chặt trái dừa cho chú lính uống đỡ khát. Đ/T Lương nói cám ơn, vừa đưa trái dừa lên miệng thì gặp 1 toán quân khoảng 20 chục người đang đi tới; anh vội nói: - Ta đi thôi!
Bất ngờ tên chỉ huy hỏi 2 tên bộ đội:
- Bắt được tên “Ngụy” Dù à ?
Ngay lúc đó có anh lính Địa Phương Quân bị bắt lúc trước đang được dẫn đi xem các xác chết coi có Đại tá không?
Anh ta bỗng chỉ và nói:
- Bắt được ông Đại tá Dù rồi đó.
Hắn vừa nói vừa chỉ về phía Đ/T Lương! Thế là chúng xúm lại trói chặt 2 tay anh và giải về BCH Tiểu đoàn; bà lão thấy cảnh như vậy thuong xót cho nguòi chiến binh Dù vô cùng! Hai mắt đỏ ngầu, bà nói khẽ với cậu con trai:
- Tôi nghiệp mấy anh lính Cộng Hòa quá, họ suốt ngày vào sanh ra tử để bảo vệ dân lành, ngày nay lại lâm vào cảnh đường cùng như vầy! Thật tội nghiệp hết sức!
Sau đó họ đưa Đại tá Lương về bộ chỉ huy Sư đoàn 968, và anh trở thành tù binh của địch đúng 17 giờ ngày 20/4/75 !!!
Về các chi tiết cai tù Cộng sản đối xử và hành hạ Đại tá Lương ra sao từ lúc bị bắt đến ngày được đưa về điểm tập trung để đi tù cải tạo thì khá dài...nên không viết ra đây được. Chỉ biết là sau gần mười năm sống dưới gông cùm Cộng sản, Đại tá Lương đã được con lãnh qua Canada hằng ngày vui đùa với các cháu... mục đích bài nầy là kể lại trận đánh Phan Rang.
Riêng phần Thành Râu cùng toán đệ tử lần mò đi về hướng biển, anh có liên lạc được với Trung tá Lê văn Mễ, Trưởng phòng 3, và Đại tá Trương vĩnh Phước, Tư lệnh phó SĐND, họ bảo anh ráng tìm cách tới bờ biển để trực thăng bốc.
Ngày thứ 3, Thành mò ra tới bãi biển thuộc vùng Cà Đú, chuẩn bị làm thủ tục để các trực thăng bay ngoài biển nhận diện. Lúc đang ngồi chờ đợi máy bay thì thấy một toán bộ đội đi tới; địch phát hiện trong nhà chòi có bóng người; vội nằm xuống bờ ruộng chĩa súng về hướng toán quân Dù. Thành thấy chống cự cũng vô ích, vì những người đi theo toàn thương binh và đạn dược đã cạn hết. Nên đành thúc thủ để Cộng quân bắt dẫn đi tới bộ chỉ huy của họ.
Đầu não bộ chỉ huy quân chính qui Bắc Việt khi nghe nói Thành là Tiểu đoàn trưởng Nhảy dù thì họ rất vui mừng: - Cả mấy ngày nay, tao tìm mầy giờ mới bắt được. Thằng ngoan cố! Giờ còn để râu nữa, trói lại. Một vài tên khác có vẻ cũng thuộc thành phần chỉ huy nhưng hiểu biết, đã can gián: - Không được chúng ta phải áp dụng đúng qui chế tù binh Quốc tế.
Lúc đó trong đầu Thành nghĩ: “Kệ chúng mầy, muốn bắn tao bây giờ cũng không sợ, không thắc mắc. Luật giang hồ mà; mạnh được yếu thua, tao bây giờ như cá nằm trong thớt, tụi bây muốn làm gì thì làm”. Tâm trạng Thành lúc đó thư thái một cách lạ lùng! Địch chuyển anh dần lên đến trại tập trung tù binh. Trong lúc nầy, đối mặt với địch, Thành đã chứng kiến nhiều điều; địch cũng biết nể nang binh chủng Nhảy Dù ở tinh thần kỷ luật. Địch cũng có kẻ hiểu biết và cũng có đứa ác ôn. Có mấy tên đặc công cứ đòi xé xác anh như con mực khô để nhậu.
Vào trại tập trung, một tên sĩ quan CSBV mang Thành ra khai thác tù binh, lúc ấy vào ngày 19/4/75, và Sàigòn vẫn chưa mất. Tên sĩ quan hỏi anh đã thua bao nhiêu trận. Thành trả lời: - Chỉ mới thua trận nầy lần đầu và cũng là lần cuối!
- Nhảy Dù đánh chiến thuật nào ?
- Đánh các anh không khó. Nhảy Dù bảo vệ mạng sống binh sĩ tối đa. Phi cơ, pháo binh đủ loại dập nát mục tiêu tan tành, rồi tà tà lên đếm xác.
- Anh theo tôi vào Sàigòn giải phóng.
- Tôi chỉ trung thành một phía.
Thành muốn trả lời ngang bướng để anh ta nổi nóng tặng cho một viên K54. Không ngờ hắn lại nở nụ cười nhiều ý nghĩa? Lợi dụng nụ cười đó, Thành nói: - Anh cho tôi ra ăn tô cháo (ba ngày nay vừa bị thương vừa không ăn gì nên Thành cảm thấy đói!).
Anh ta cho một cận vệ đi theo ra đầu đường ở trong thành phố Phan Rang mua cháo. Thành gọi mua một tô, các bà thương lính VNCH nên mút cho 1 tô kiểu “Xe lửa” để ủy lạo lần cuối cho anh lính Cộng Hòa! Bà bán cháo mếu máo nói: - Cháu dại khai chi cấp bậc lớn để họ bắt ở tù lâu? Tội nghiệp cháu quá!!! Trở lại trại tù binh, Thành lấy tiền ra phân chia cho các chiến sĩ xung quanh, để họ mua thức ăn và thuốc lá. Thành nghĩ thế nào cuộc đời anh cũng bị giam hãm kéo dài tới chết trong rừng sâu, nước độc, giữ tiền là vật ngoại thân làm gì!
Chuyển lên trại cải huấn Phan Rang, đang đi trong hàng tù binh, Thành chợt nghe: - Thành Thái (danh hiệu truyền tin của anh).
Quay về hướng tiếng gọi, Thành giật mình, vì người gọi là Đại tá Nguyễn thu Lương, Lữ đoàn trưởng LĐ2ND, đang mặc bộ bà ba đen ngồi hàng đầu. Hai người cùng nhau trau đổi nụ cười thông cảm của đời chỉ huy, nhưng đã quá nuộn! Thành cùng ở tù chung trại với Đại tá Lương, Đại úy Đô (ĐĐT Đại đội 2 Công binh). Thành hiện đang ở Sacramento, California; Còn Đô thì hiện sống ở Miami, Florida, Đại Tá Lương ở Canada. .
Để kết luận theo nhận xét thì Phan Rang thất thủ do những nguyên nhân sau đây :
1). Về lực lượng địch khi đánh Phan Rang cỡ cấp Quân Đoàn với sự hỗ trợ của các lực lượng địa phương. Lực lượng ta chỉ có 2 Trung đoàn 4 và 5 của SĐ2BB. Liên đoàn 31 Biệt Động Quân, 3 tiểu đoàn Địa Phương Quân Khoảng 1 chi đoàn TVX M113.
2). Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã bàn giao trách nhiệm cho Liên Đoàn 31 BĐQ từ ngày 13/4/75 (trong đó 1 Tiểu đoàn Dù đã về hậu cứ Biên Hòa)
3). Quân số địch đông và được trang bị đầy đủ các loại chiến xa, đại pháo, và hỏa tiễn.
4). Quân số bên ta; các đơn vị Bộ Binh, BĐQ, và Địa Phương Quân chỉ còn ít so với bản cấp số. Chiến xa không có, chỉ có khoảng 12 chiếc TVX M113. Pháo Binh chỉ có 1 tiểu đoàn (-) gồm 12 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly; đặt tại phi trường. Trang bị binh sĩ không đầy đủ, thiếu cả nhiên liệu cho Thiết vận xa, và đạn dược đủ loại.
5). Về không yểm, ta có SĐ6KQ với phi đoàn A37 và một số khu trục AD6 (cánh quạt) hoạt động không hữu hiệu lắm, vì khả năng phòng không của địch khá mạnh. Hơn nữa kho bom lại bị chiếm! Có một Không đoàn 72 trực thăng, nhưng chỉ sử dụng được 2/3.
6). Khi sát nhập 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào thì tầm kiểm soát và yểm trợ của Quân Đoàn III bị hạn chế (vượt quá tầm kiểm soát). Bộ TTM chẳng thấy vị nào ra Phan Rang vào những lúc cần thiết, phó mặc Quân Đoàn tự giải quyết lấy mọi việc; từ yểm trợ đến điều quân.
7). Sư đoàn 2 Bộ binh mới rút từ Chu Lai vào Bình Tuy; quân số phức tạp và thiếu hụt trầm trọng. Chẳng hạn như trung đoàn 5, vừa cơ hữu và địa phương quân, nghĩa quân tăng cường, mà chưa đến 400! Máy móc truyền tin thiếu hụt (cả Trung đoàn chỉ có 7 máy PRC25). Tinh thần binh sĩ rất dao động và hoang mang!
8). Liên đoàn BĐQ thì sau những ngày tháng chiến đấu gay go và quyết liệt với địch tại vùng Chơn Thành. Binh sĩ chưa được về hậu cứ để chỉnh bị quân số và trang bị quân dụng, mà lại cấp tốc điều động ra Phan Rang để thay thế LĐ2ND. Do đó quân số của 2 tiểu đoàn chỉ đủ để trám vào chỗ của một tiểu đoàn Dù. Phương tiện lại thiếu thốn; các ĐĐT BĐQ đều than phiền như vậy! Rõ ràng là đem con bỏ chợ, chẳng ai ngó ngàng đến! Chỉ biết điều động đi mà không chịu xem xét thực trạng quân tình?
9). Nếu phi trường Phan Rang cứ để 1 tiểu đoàn Dù hoặc 2 tiểu đoàn BĐQ trấn giữ thì không dễ bị địch xâm nhập được và chiếm mất kho bom cùng các điểm trọng yếu quá nhanh!
Quân sĩ chúng ta không hèn nhát, họ rất can đảm và chịu đựng; chúng ta có những sĩ quan cấp úy rất tài ba dũng cảm. Họ biết điều quân đánh địch như chúng ta đã thấy qua biến cố Tết Mậu Thân 1968 và mùa hè đỏ lửa 1972. Lúc đó địch đã vào đầy các thành phố; và khởi đầu quân Mỹ đâu có tham chiến, họ án binh bất động... Vậy mà quân ta vẫn đẩy lui được địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề; nhưng tại sao năm 1975 lại bị mất đất và rã ngũ nhanh như vậy?
Nếu không có cuộc rút bỏ Pleiku, Kontum một cách hỗn độn; rút Huế, Đà Nẳng,....bỏ lại phần lớn các thân nhân và gia đình quân nhân các cấp, để cho mọi người mất hết tin tưởng, tinh thần hoang mang mất tinh thần chiến đấu,...thì làm sao địch có được ngày 30/4/1975? Làm sao chúng ta lại mất nước rã ngũ ?
Xin nghiêng mình thán phục các vị Tướng Lãnh đã hy sinh cho đất nước và quê hương; các vị sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ đã hy sinh hoặc bị tàn phế cho màu cờ Tổ Quốc; và nhất là các vị đã tuẫn tiết trong ngày mất nước. Không có những người kiên cường uy dũng ấy, đất nước đã lọt vào tay địch từ lâu và chúng ta cũng không chắc gì sống được tới ngày nay .
Riêng đối với tướng Phạm ngọc Sang (SĐ6KQ) thì rất đáng khâm phục, ông quả thật xứng đáng là cấp chỉ huy, từ tư cách đến hành động, lúc lâm nguy mà vẫn khẳng khái... Khi nghe Tướng Nghi bảo ông lên phi cơ bay trên không làm đài chỉ huy lưu động và liên lạc ... Tướng Sang trả lời: “Trung tướng 3 sao ở dưới đất chịu nguy hiểm, tại sao tôi mới 1 sao lại lên trời? Trung tướng đi bộ đến đâu, tôi xin đi theo đến đó”...
Một vị tướng Không Quân có biết bao nhiêu phi cơ và trực thăng dưới tay mà không bỏ chạy lúc nguy cấp, đáng kính phục thay và là gương sáng trong QLVNCH. gay như trung tá Bút, không đoàn trưởng không đoàn trực thăng, có trong tay mấy phi đoàn mà nhất định đi bộ với vị Tướng chỉ huy trực tiếp của mình mà không trốn chạy bằng máy bay. Và cũng có nhiều tướng, tá có hành động dũng cảm như Tướng Sang, Trung tá Bút mà chúng ta không được biết tới; như trong hồi ký của một số anh em trong gia đình quân đội kể lại là họ đã từng chứng kiến tận mắt và nghe tận tai những hành vi hào hùng, khí khái, mã thượng của một số sĩ quan cao cấp trong quân đội chúng ta. Họ đã chứng tỏ lòng kiên cường trong những ngày sắp mất nước, cũng như ngày 30/4/75 khi CSBV và tay sai đã tràn vào thủ đô nước VN Cộng Hòa!...
Rất cảm động và kính phục thay!!!
Trương Dưỡng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét