Một cảnh chụp tại Đài Loan Hiệp hội Y tế Thế giới gửi thư cho WHO bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan Các báo cáo hôm 17/4 cho biết, Hiệp hội Y tế Thế giới (WMA) đã viết một lá thư gửi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị Đài Loan được phép tham dự Hội nghị Y tế Thế giới (WHA), theo Taiwan News. Theo bức thư, sự bùng phát virus “minh họa cho những hậu quả sai lầm khủng khiếp và gây thiệt hại cho sức khỏe toàn cầu như thế nào” khi loại trừ Đài Loan khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.<!>
Bức thư cho biết, cả trong cuộc khủng hoảng SARS năm 2003 và đại dịch hiện nay, WHO đã không chú ý đầy đủ đến Đài Loan, khiến thế giới “phải trả giá cao”.
Trường hợp Đài Loan
Cả thế giới dường như đang tập trung đối phó căng thẳng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), sự tập trung thường chú ý vào các nước có diễn biến xấu, vì họ thường ở “tốp đầu”. Không có nhiều thông tin về những nước đã và đang phòng chống đại dịch hiệu quả. Đài Loan là trong những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ngay từ đầu vì lưu lượng khách qua lại hai bờ eo biển rất lớn.
Ngày 21/01/2020, Đài Loan xác nhận có ca nhiễm đầu tiên là một phụ nữ Đài Loan trở về từ Vũ Hán. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan đã thực hiện các bước phòng ngừa từ rất sớm.Theo Tạp chí Y khoa Mỹ JAMA Network, ngay từ ngày 31/12/2019, Đài Loan đã cho kiểm tra các hành khách có triệu chứng ho, sốt đến từ Vũ Hán. Đến ngày 5/1/2020, phạm vi kiểm tra được mở rộng với tất cả hành khách từng tới Vũ Hán trong 14 ngày trước đó. Tức là Chính phủ Đài Loan đã hành động trước cả khi tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tuyên bố về dịch tới 3 tuần. Đây là “giai đoạn vàng” trong xử lý đại dịch trước khi nó lây nhiễm trong cộng đồng.
Hệ thống y tế Đài Loan đã trải qua kinh nghiệm với đại dịch SARS năm 2003. Do vậy năm 2004, họ đã thành lập Trung tâm Chỉ huy Y tế Quốc gia (NHCC). Trang Web của CDC Đài Loan cho biết, vai trò của NHCC là “giải quyết tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và cung cấp thông tin về thảm họa cho những người ra quyết định”, gồm hệ thống 4 trung tâm khác nhau: Trung tâm chỉ huy chống dịch bệnh, Trung tâm chỉ huy chống thảm họa sinh học, Trung tâm chỉ huy chống khủng bố sinh học và Trung tâm điều hành Y tế khẩn cấp trung ương. Tâm lý đề phòng các thông tin chính thức từ chính quyền Trung Quốc và bài học từ dịch SARS đã khiến chính phủ Đài Loan hành động rất sớm và quyết liệt. Mặc dù Đài Loan không nhận được nhiều thông tin trực tiếp từ tổ chức Y tế thế giới (WHO) vốn bị chính quyền Trung Quốc không chế, nhưng có lẽ chính điều này đã làm cho Đài Loan không bị lệ thuộc vào thông tin sai lệch từ WHO.
NBC News cho biết, mặc dù có quan hệ bất ổn với chính quyền Trung Quốc, nhưng ngày 12/01/2020 Đài Loan đã cố gắng cử một nhóm chuyên gia đến đại lục để trực tiếp tìm hiểu thực tế. Sau đó, chính phủ Đài Loan đã yêu cầu tất cả các bệnh viện kiểm tra và báo cáo các ca nghi nhiễm, xác định người nhiễm virus để theo dõi và cách ly. Những người tới từ vùng dịch bị yêu cầu cách ly tại nhà và Chính phủ sử dụng phần mềm theo dõi vị trí qua điện thoại di động. Những ai tự ý bỏ trốn sẽ bị phạt nặng.
Về loại vật tư thiết yếu là khẩu trang, chính phủ Đài Loan đã cấm xuất khẩu từ cuối tháng 1. Hệ thống phân phối khẩu trang do nhà nước kiểm soát từ trước đó đã được thiết lập để đảm bảo mức giá không quá 6 tệ (4.600đ). Người lớn được phép mua 3 khẩu trang và trẻ em được mua 5 khẩu trang/tuần. Trang Taiwan News cho biết, chính phủ đã đầu tư 200 triệu Đài tệ (6.6 triệu USD) để kêu gọi các doanh nghiệp tập trung tạo ra 60 dây chuyền sản xuất chỉ trong vòng 25 ngày. Do đó đã nâng quy mô sản xuất khẩu trang của nước này từ 4 triệu chiếc/ngày lên 10 triệu chiếc/ngày từ giữa tháng 3/2020. Tổng thống Thái Anh Văn đã khen ngợi: “khi đối mặt với thử thách, người Đài Loan sẽ gác lại sự cạnh tranh và làm việc cùng nhau. Cho tới tháng 04/2020, Taiwan News cho biết năng lực sản xuất khẩu trang y tế của Đài Loan đã nâng lên tới 15 triệu cái/ngày, một con số không tưởng.
Cho đến ngày 16/04/2020, Đài Loan xác nhận có 395 ca mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó có tới 86% là những cư dân Đài Loan trở về từ nước ngoài. Trung tâm chỉ huy chống dịch Đài Loan (CECC) cho biết không có ca nhiễm mới trong hai ngày 14 và 16/04/2020. Nó cho thấy khả năng kiểm soát dịch của chính phủ Đài Loan rất xuất sắc. Cho đến nay, Đài Loan là một trong số hiếm hoi các nước trên thế giới mà học sinh các cấp vẫn đi học bình thường, hầu hết các hoạt động trong xã hội cũng diễn ra bình thường.
Bộ trưởng Y Tế Đài Loan Trần Thời Trung nói với đài RFI: “Người dân Đài Loan không tin vào cơ chế dự phòng ở Hoa lục và sự không minh bạch của hệ thống y tế Trung Quốc”. Tổng thống Thái Anh Văn ngày 16/04/2020 có bài viết trên tạp chí Time của Mỹ về kinh nghiệm ứng phó thành công đại dịch. Trong đó có đoạn: “Bài học đau đớn từ dịch SARS năm 2003 vốn rạch một vết thương vào Đài Loan với sự mất mát hàng chục mạng người, đã khiến Chính phủ và nhân dân chúng tôi đề cao cảnh giác”. Có thể nói, thậm chí người Việt Nam còn có nhiều bài học hơn thế, có lẽ vì thế người Việt Nam cũng đang làm rất tốt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên vắng mặt trong lễ kỷ niệm quan trọng
Theo Reuters, hôm 17/4, các nhà phân tích cho biết, sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một sự kiện kỷ niệm quan trọng trong tuần này, đã gợi lại những suy đoán về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của ông.
Trước đó, vào hôm 15/4, Triều Tiên đã kỷ niệm sinh nhật của ông Kim Nhật Thành, người lãnh đạo đầu tiên của Bắc Triều Tiên từ khi thành lập nước này vào năm 1948. Đây cũng là ông nội của lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Un, nhưng không thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên này tham gia lễ kỷ niệm.
Cheong Seong-chang, một thành viên cao cấp tại Viện Sejong của Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên, chuyến thăm của Kim Jong Un tới nơi lưu giữ di thể của ông nội Kim Nhật Thành đã không được báo cáo trên truyền thông nhà nước kể từ khi ông lên nắm quyền.
Tàu khảo sát Trung Quốc bám sát tàu khoan Malaysia
Reuters hôm 17/4 dẫn ba nguồn tin cho biết, tàu Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành trên Biển Đông.
Tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 có lúc được 10 tàu Trung Quốc hộ tống, gồm các tàu hải cảnh và tàu của lực lượng dân binh, một nguồn tin an ninh Malaysia cho biết.
Dữ liệu của Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi tàu biển, cho thấy Địa Chất Hải Dương 8 hôm nay ở vị trí cách bờ biển Malaysia 324 km. Vùng biển tàu Địa Chất Hải Dương 8 và tàu khoan West Capella hoạt động nằm gần khu vực tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia.
Văn phòng Thủ tướng, Bộ Quốc phòng Malaysia, hãng Petronas cùng Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
WHO tiếp tục ca ngợi Trung Quốc, tuyên bố việc sửa số liệu tử vong do Covid-19 là ‘bình thường’
AFP đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc điều chỉnh số liệu về dịch Covid-19 là bình thường và các nước khác có thể sẽ làm tương tự để có thống kê chính xác nhất.
Trước đó, giới chức Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 17/4 bất ngờ điều chỉnh số liệu về số người chết và mắc Covid-19 tại địa phương này. Trong đó đáng chú ý là số người chết tăng thêm gần 1.300 ca, gấp rưỡi con số ban đầu, nâng tổng số người chết tại nơi từng là tâm dịch Covid-19 của thế giới lên 3.869 ca.
Bình luận về động thái này của giới chức Vũ Hán, lãnh đạo WHO cho rằng, việc điều chỉnh này nhằm “không bỏ sót ca bệnh nào” vì khi ở giai đoạn đầu bùng phát dịch, giới chức y tế Vũ Hán có thể đã quá tải nên khó tránh khỏi sai sót thống kê.
Tuy vậy, con số tử vong thực sự tại Vũ Hán sau điều chỉnh vẫn có thể là quá nhỏ và không sát với thực tế. Theo một nghiên cứu gần đây, số ca tử vong vì Covid-19 tại Vũ Hán có thể cao gấp 20 lần con số chính thức.
Các nhà nghiên cứu phát hiện triệu chứng mới khi nhiễm Covid-19: tổn thương bàn chân
Fox News hôm 17/4 đưa tin, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho rằng họ đã phát hiện ra một triệu chứng khác ở bàn chân của những người nhiễm virus Vũ Hán.
“Các triệu chứng tương tự đang ngày càng được phát hiện ở bệnh nhân nhiễm Covid-19, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, mặc dù một số trường hợp cũng đã được phát hiện ở người lớn”, tuyên bố từ các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho biết. “Đây là những tổn thương màu tím (rất giống với bệnh thủy đậu, sởi) thường xuất hiện quanh ngón chân và thường lành mà không để lại dấu vết trên da”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tổn thương trên đã được phát hiện ở các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán tại Ý, Pháp và Tây Ban Nha.
5 thông tin đáng lo ngại về Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh: UN Geneva/Twitter).
Là Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ tháng 7/2017, nhưng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lại không phải là bác sĩ y khoa. Tính đến ngày 17/4, gần 1 triệu người đã ký đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi ông Tedros từ chức.
Ông Tedros nói riêng và WHO nói chung đang đối mặt với làn sóng chỉ trích trên khắp thế giới, sau nhiều lần tuyên bố sai lầm theo thông tin từ chính quyền Trung Quốc về Covid-19, khiến tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đến nay, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 2 triệu người đã nhiễm bệnh và hơn 148.000 người đã tử vong.
Tổng thống Trump hôm 14/4 thông báo tạm đình chỉ nguồn tiền tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm buộc cơ quan này phải chịu trách nhiệm về cách xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Dưới đây là 5 thông tin đáng lo ngại về Tổng giám đốc WHO Tedros do tờ Breitbart tổng hợp:
Tedros giúp Bắc Kinh che giấu sự nghiêm trọng của dịch viêm phổi Vũ Hán
Trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được cho là xuất hiện ở Trung Quốc vào ngày 17/11/2019. Đến ngày 14/1/2020, WHO đã giúp Bắc Kinh tuyên truyền trên Twitter rằng: “Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy virus lây từ người sang người”.
Ảnh chụp màn hình.
Dòng tweet của WHO xuất hiện một ngày trước khi trường hợp đầu tiên nhiễm nCov ở Mỹ được báo cáo là một người đàn ông đã bay từ Vũ Hán đến Washington.
Tedros không phải là bác sĩ y khoa
Ông Tedros là Tổng giám đốc WHO đầu tiên không phải là bác sĩ y khoa. Ông có bằng Tiến sĩ Triết học về Sức khỏe Cộng đồng của Đại học Nottingham (Anh) và bằng Thạc sĩ Khoa học về Miễn dịch học về Bệnh truyền nhiễm của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London.
Trung Quốc đã đứng sau hỗ trợ cho ông Tedros trở thành Tổng giám đốc WHO vào năm 2017.
Tedros là thành viên của đảng Mặt trận giải phóng nhân dân Tigray (TPLF)
Thông qua chế độ chuyên quyền Ethiopia, Tedros đã vươn lên làm Bộ trưởng Y tế (2005 -2012), sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao (2012 – 2016). Các nhà phân tích, bao gồm các quan chức chính phủ Mỹ, đã liệt TPLF vào Cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu.
TPLF đã đóng vai trò đáng kể trong việc gây ra nạn đói tại Ethiopia vào những năm 1980, một vài năm sau khi phát động cuộc bạo loạn kéo dài chống lại chính quyền quân phiệt vào năm 1975. Đảng này cũng được cho là có liên quan đến các vi phạm nhân quyền thô bạo khác.
Tedros đã khiến Ethiopia lún sâu vào cảnh nợ nần Trung Quốc
Ethiopia đã vay hàng tỷ đô la từ Trung Quốc, trong đó có hơn 13 tỷ đô la trong nhiệm kỳ của Tedros với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2012 – 2016. Giai đoạn này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ethiopia.
Một bài bình luận do The Hill xuất bản vào giữa tháng 3 có viết:
“Chúng ta cần lưu ý đến các mối quan hệ của Trung Quốc với quê hương của Tedros, Ethiopia, bây giờ được mệnh danh là “Tiểu Trung Quốc” ở Đông Phi, vì Ethiopia đã trở thành đầu cầu của Trung Quốc để gây ảnh hưởng tới châu Phi, và cũng là chìa khóa cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở châu lục này. Thật vậy, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Ethiopia”.
Đề cập về mối đe dọa của Covid-19 vào tháng trước, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm nợ ngay lập tức cho nước này.
Tedros gọi nhà lãnh đạo độc tài Robert Mugabe là ‘đại sứ thiện chí’ của WHO
Robert Mugabe là cựu tổng thống nước Zimbabwe. Ông Mugabe được biết đến là một nhà lãnh đạo độc tài, cai trị bằng sự đe dọa và bạo lực.
Vào tháng 10/2017, Tedros đã gọi Mugabe là “đại sứ thiện chí” trong cuộc chiến chống lại các bệnh không truyền nhiễm ở châu Phi, gây nên làn sóng phẫn nộ từ các chuyên gia y tế và các tổ chức nhân quyền. Vào khoảng thời gian đó, New York Times viết:
“Vai trò của đại sứ thiện chí chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng các tổ chức đã phản ứng gay gắt khi vị trí này được trao cho một người đàn ông, dưới sự lãnh đạo của mình đã dẫn đến sự sụp đổ của dịch vụ y tế và lạm dụng nhân quyền quy mô lớn ở Zimbabwe”.
Cuối cùng, Tedros đã phải miễn cưỡng từ bỏ quyết định phong tặng danh hiệu “đại sứ thiện chí” cho Mugabe trước sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét