Duy trì bầu cử lập pháp trong mùa dịch là một tính toán đầy mạo hiểm mà chính quyền Seoul đã dễ dàng vượt qua. Đảng cầm quyền giành được thắng lợi vẻ vang, chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc Hội trong cuộc tuyển cử ngày 15/04/2020. Trong khi đó tại các nền dân chủ lâu đời phương Tây, như Anh, Pháp hay Mỹ, công luận chỉ trích chính phủ thiếu chuẩn bị trong cuộc đọ sức với virus corona. Thành công rõ rệt đó của tổng thống cánh trung tả Moon Jae In do đâu mà có ? Hàn Quốc là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới không bị dịch Covid-19 làm xáo trộn các sinh hoạt chính trị. Để bảo đảm nền dân chủ vận hành tốt, Seoul đã tổ chức chu đáo cuộc bầu cử vừa qua, bảo đảm an toàn cho hơn 40 triệu cử tri được kêu gọi bầu lại 300 đại biểu Quốc Hội, cũng như các nhân viên tại 14.000 phòng phiếu trên toàn quốc.
<!>
Không những thế Seoul còn tạo điều kiện an toàn nhất để 2.800 bệnh nhân dương tính với virus corona cũng như 13.000 công dân Hàn Quốc đang bị cách ly vẫn có điều kiện thi hành bổn phận công dân trong điều kiện an toàn nhất. Tất cả những nỗ lực đó cho thấy ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất Seoul vẫn huy động được đông đảo các cử tri nhất nhằm bảo vệ nền dân chủ của Hàn Quốc. Quyết tâm nói trên cho phép chính quyền trong tay tổng thống Moon Jae In gặt hái được nhiều thành quả : thứ nhất là đã có hơn 66 % cử tri đi bầu. Đây là tỷ lệ cao nhất từ 28 năm nay, điều đó chứng tỏ dân Hàn Quốc tin rằng phòng phiếu không là nơi nguy hiểm làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Thành quả thứ nhì là đảng Dân Chủ Đồng Hành (Minju) của ông đã giành được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội trong cuộc tuyển cử vừa qua.
Thành công của Seoul lại càng đáng phục hơn khi biết rằng, mới chỉ cuối tháng 02/2020 Hàn Quốc là ổ dịch lớn thứ nhì thế giới chỉ sau có Trung Quốc. Nhưng trong chưa đầy hai tháng, quốc gia Đông Bắc Á này chẳng những đã khống chế được đà lây lan mà còn được xem là một trong những tấm gương sáng để thế giới học hỏi trong việc phòng chống đại dịch.
Hàn Quốc đến nay ghi nhận gần 11.000 ca lây nhiễm, với 225 bệnh nhân tử vong và trong nhiều ngày liên tiếp, số ca lây nhiễm mới được kềm hãm ở dưới ngưỡng 30 người. Cộng đồng quốc tế không chút hoài nghi về những thống kê của Seoul về tình hình dịch bệnh tại quốc gia này.
Tổng thống Moon liên tục trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm chống virus corona của Hàn Quốc với các lãnh đạo trên thế giới. Không cần ồn ào tung ra các chiến dịch tuyên truyền, quốc tế vẫn ồ ạt đặt mua trang thiết bị y tế và nhấn mạnh là các bộ xét nghiệm virus corona của Seoul.
Có thể nói Covid-19 giúp ông Moon đảo ngược thế cờ. Nhờ nhanh chóng kềm hãm đà lây lan giữ được số ca lây nhiễm và tử vong rất thấp, điểm tín nhiệm của tổng thống Hàn Quốc đã tăng nhanh. Để khống chế dịch, Seoul tập trung vào một số biện pháp nghiêm ngặt trong việc truy lùng nguồn gốc lây lan, cho xét nghiệm đại trà, kèm theo đó là những thông tin minh bạch và rõ ràng. Khác với Trung Quốc hay nhiều nước phương Tây, Hàn Quốc dứt khoát không áp dụng biện pháp phong tỏa.
Thành tích của chính quyền Moon Jae In về mặt y tế xua tan những chỉ trích mà ông phải hứng chịu trước mùa dịch như những cáo buộc lạm dụng quyền lực, chậm trễ đối phó để kinh tế đình đốn, và nhất là thất bại trong chính sách chìa bàn tay thân thiện với Bắc Triều Tiên. Giám đốc cơ quan tư vấn Min Consulting, được báo Le Monde (15/04/2020) trích dẫn nhìn nhận « dịch bệnh đã gạt sang một bên tất cả những chỉ trích nhắm vào ông Moon ». Một nhà quan sát khác thậm chí còn cho rằng virus corona « giúp phe dân chủ đắc cử ».
Đương nhiên nhiều thử thách chờ đợi đảng cầm quyền tại Hàn Quốc trong hai năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống Moon Jae In nhưng cầm chắc là ông đang trông thấy nhiều cơ hội mở ra trước mặt. Đại dịch lần này là một cơ hội để chấn chỉnh lại cơ cấu kinh tế của đất nước, để đẩy mạnh một số những lĩnh vực mà Hàn Quốc đang chiếm ưu thế như trí thông minh nhân tạo, công nghệ sinh học phục vụ trong ngành dược phẩm …
|
Một nhà cựu ngoại giao Bắc Triều Tiên đắc cử dân biểu Hàn Quốc
Đăng ngày: 16/04/2020 - 15:21Sửa đổi ngày: 16/04/2020 - 15:21
Nhà cựu ngoại giao Bắc Triều Tiên, Thae Yong Ho hôm nay 16/04/2020 đắc cử vào Quốc Hội Hàn Quốc, bốn năm sau khi xuất hiện trên trang nhất báo chí quốc tế vì đào thoát sang phương nam trong lúc đang là nhân vật số 2 của đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Anh.
Ông Thae là người tị nạn đầu tiên từ phương bắc được cử tri Hàn Quốc trực tiếp bầu vào Quốc Hội – một thông điệp mạnh mẽ cho Bình Nhưỡng.
« Đây là một ngày lịch sử không chỉ đối với tôi mà còn cho lịch sử Hàn Quốc » - ông nói với AFP. Thae không ngăn được dòng lệ khi hát quốc ca Hàn Quốc, sau khi biết được kết quả chính thức của cuộc bầu cử hôm qua.
Thae Yong Ho ứng cử dưới màu cờ đảng bảo thủ đối lập mang tên Hàn Quốc Tự Do, đạt được 58,4% số phiếu tại khu vực bầu cử Gangnam (khu thượng lưu của Seoul, nổi tiếng với điệu nhảy của ca sĩ Psy). Ông dùng tên Tae Ku Min, biệt hiệu sử dụng sau khi từ Luân Đôn đào thoát sang được Hàn Quốc, nhằm tránh bị tình báo Bắc Triều Tiên theo dõi.
Ông nói rằng đã mất đi mọi ảo tưởng về Kim Jong Un, và sang Hàn Quốc để tránh cho các con một cuộc sống « thảm hại » ở Bắc Triều Tiên. Từ đó đến nay, ông Thae luôn là người đả kích dữ dội chế độ Bình Nhưỡng, cũng như chính sách hòa dịu của tổng thống trung tả Moon Jae In.
Tuy vậy đảng của tổng thống vẫn đạt được đa số cao chưa từng thấy kể từ khi nền dân chủ được nhen nhóm năm 1987, với tỉ lệ cử tri đi bầu cao nhất từ 28 năm qua. Chủ yếu là nhờ dân chúng hài lòng với cung cách chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng virus corona.
Ông Thae bày tỏ mong muốn việc ông đắc cử sẽ mang lại hy vọng cho người Bắc Triều Tiên và giới tinh hoa nước này, khi cho thấy tính chất dân chủ của Hàn Quốc qua cuộc bầu cử tự do. Ở miền bắc, công dân « đi bầu » với những lá phiếu in sẵn mang tên của ứng cử viên độc nhất.
Tuy vậy Thae Yong Ho không phải là người tị nạn Bắc Triều Tiên duy nhất hiện diện tại Quốc Hội Hàn Quốc. Một người đào tị khác là Ji Seong Ho cũng đã được bầu nhưng nằm trong số các dân biểu được chỉ định theo tỉ lệ, cũng dưới màu áo đối lập. Ông Ji bị mất một bàn tay và một chân, trở nên nổi tiếng năm 2018 khi được tổng thống Mỹ Donald Trump vinh danh trong bài diễn văn về tình hình Liên bang.
Từ năm 1953 đến nay có khoảng 33.000 người Bắc Triều Tiên chạy trốn sang Hàn Quốc, nhưng hiếm khi có các quan chức cao cấp. Đào thoát sang Seoul cùng với vợ con, ông Thae bị Bình Nhưỡng gọi là « rác rưởi của nhân loại », cáo buộc ông tham nhũng một số tiền lớn, hãm hiếp người vị thành niên và làm gián điệp cho Hàn Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét