Anh tiếp: “Nếu còn sống, cha chúng tôi chắc chắn cũng sẽ vô cùng hãnh diện.”
Người mẹ gốc Việt
Cha anh là ông Robert Rios. Ông đã yêu và thành hôn với một phụ nữ gốc Việt.
Câu chuyện bắt đầu từ hồi 1976, khi ông Robert Rios dạy dương cầm ở Lincoln Heights thuộc Los Angeles, và bà Thúy Lê học dương cầm.
Francis lém lỉnh kể: “Mẹ tôi rất thích đàn, nhưng bà bắt đầu đem chả giò vào lớp và cha tôi bắt đầu nghiện chả giò,” Francis kết thúc câu nói bằng tiếng cười vang.
Cả hai người em Francis là Teresa và Augustina cùng cười phụ họa. Ba anh em cùng nhau làm việc tại Westminster Arts Academy.
Trở lại câu chuyện tình của ông Robet và bà Thúy.
Họ lấy nhau. Và bà Thúy bắt đầu nấu thêm món “Enchiladas,” một trong vài món quốc hồn, quốc túy của Mễ Tây Cơ. Món này do bà nấu được toàn thể gia đình và họ hàng bên ông Robert đồng ý là ngon. Cặp vợ chồng trẻ dọn về Westminster vì ông Robert chiều bà Thúy. Bà muốn sống với cộng đồng gốc Việt. Họ cùng nhau mở tiệm Kamala Flowers and Music.
Ông Robert tiếp tục dạy piano và bà Thúy, với kỹ thuật cắm hoa Nhật Bản “Ikebana,” bán hoa để phụ chồng.
Cô út Augustina kể: “Tôi nghe kể hồi đó, Kamala Flowers and Music, một bên là lớp piano, bên kia là chỗ bán hoa. Thật lãng mạn.” Rõ ràng, sự thành công họ mang đến cho Westminster Arts Academy là từ một gia đình đầy âm thanh từ xa xưa.
Cũng không khó lắm để tưởng tượng được ba đứa bé, mới ngày nào còn chơi đùa dưới gầm hai cây dương cầm của cha mình, hôm nay là đồng chủ nhân một cơ sở dạy nhạc và các bộ môn nghệ thuật khác. Thực sự, cả ba đứa trẻ đã được cha huấn luyện điều hành trường dạy nhạc ngay từ lúc ấu thơ. Bắt đầu là anh cả Francis.
“Tôi đã bắt đầu gấp tờ chương trình dạy nhạc hoặc trình diễn nhạc từ hồi còn trong nôi,” Francis nói đùa trong tiếng cười vang của ba anh em.
Anh nói: “Tôi không có năng khiếu âm nhạc hay nghệ thuật nên chỉ đóng vai trò điều hành, nhưng hai em tôi cùng dạy ở trường.”
Trên thực tế, Teresa được “tập huấn” từ ngày mới 10 tuổi.
“Khi anh Francis đi học thì tôi ở nhà. Mới 10 tuổi, tôi phải thuộc nằm lòng câu nói trên điện thoại, ‘Hi, tôi tên Teresa. Chúng tôi muốn biết khi nào quý vị muốn quay lại học tiếp…’ Nhiều người hỏi, ‘Cháu mấy tuổi’ và tôi không biết có nên nói thật không,” cô kể, cũng với tràng cười giòn như Francis.
“Ba cây chụm lại”
Ban đầu, Francis không muốn làm việc ở trường của cha. Anh theo đuổi ngành sản xuất hàng không vũ trụ cho Bộ Quốc Phòng trong nhiều năm. Nhưng đến đầu năm 2018, anh bỏ nghề, dành trọn thời gian chăm lo cho Westminster Arts Academy.
“Trong thời gian cung cấp hàng hóa cho quân đội, tôi phát triển được khả năng quản lý, thành lập hệ thống làm việc và nhiều kỹ năng khác,” Francis kể.
Để mà từ bỏ một công việc chuyên môn đem lại lợi tức cao và vững chắc là một điều rất khó, nhất là sau khi Francis đã tạo lập được nhiều mối quan hệ quan trọng. Nhưng một khi đã biết rằng tiền bạc không là điều quan trọng nhất ở đời, anh muốn về cùng hai em lo liệu cho ngôi trường do cha anh thành lập.
Sự thành công của Westminster Arts Academy, một phần, dựa vào một mô hình giảng dạy đặc biệt với rất nhiều nhạc cụ tại cùng một địa điểm. “Đây là nơi duy nhất ở Orange County có lớp dạy nhạc, nhảy múa và vẽ trong chương trình,” Francis Tuệ nói. “Tóm tắt là nhạc, múa và vẽ.”
“Nhưng nếu nói kỹ hơn thì về nhạc, trường có lớp piano, guitar, bass, trống, cello, xướng âm, saxophone, sáo, kèn clarinet, đàn accordion, banjo, mandoline, ukulele, và còn nhiều nữa. Tất cả tại cùng địa điểm,” anh nói một cách trịnh trọng.
Về nhảy múa, các lớp gồm pop-ballet, và hip-hop. Francis cười: “Cả hai cô em gái tôi cùng giúp tôi một tay. Teresa đang là thành viên của các vũ đoàn lớn.”
Teresa, cô em kế, vui vẻ nói: “Chúng tôi rất thân nhau từ thuở bé nên chúng tôi rất vui khi có cơ hội làm việc với nhau…”“…Và được gặp nhau hằng ngày. Cuối tuần mới có lớp nhưng ngày thường, chúng tôi phụ anh tôi trả lời điện thoại hoặc bất cứ việc gì anh ấy cần,” Augustina góp lời. Augustina phụ anh bằng cách làm việc văn phòng và dạy piano.
Westminster Arts Academy còn có lớp vẽ. Ngoài những lớp bình thường, trường có lớp đặc biệt cho trẻ em từ 18 tháng trở lên.
“Chúng ta, ai cũng biết vẽ trước khi biết nói. Vì vậy chúng tôi tin rằng nên giúp các em phát triển năng khiếu càng sớm, càng tốt,” Francis nói. “Nhiều người có sở thích khác nhau về hội họa.”
Trường, do đó, có lớp riêng cho vẽ phác họa và vẽ màu.
Khuyến khích học viên hiếu học
Ngoài kỹ năng giáo dục nghệ thuật hữu hiệu, trường còn có cách khuyến khích học viên hăng say hơn với cúp, bằng chứng nhận và vòng đeo tay vinh danh sự thành tựu của từng người.
Francis nói: “Westminster Arts Academy là trường nhạc duy nhất cho học viên cơ hội được nhận vòng đeo tay màu sắc (giới trẻ rất thích), cúp và giấy chứng nhận khi thi đậu kỳ kiểm tra.”
“Có vài trường cũng làm vậy nhưng không ai khuyến khích học viên một cách thân mật và tặng họ vòng đeo tay màu sắc để họ khoe với bạn,” Augustina cam đoan. “Chỉ chúng tôi có Musical Ladder System® thôi.”
Trường có hơn 30 giáo viên giỏi nhất vùng về cách chỉ dạy cũng như về kinh nghiệm.
Teresa góp lời: “Chúng tôi chỉ chọn giáo viên quan tâm đến mục đích học nhạc của học viên và giúp họ thành công.”
Cô thêm: “Ngoài ra, họ phải hết sức vui vẻ và thân thiện và yêu thích giảng dạy.”
Chương trình rộng rãi nhất vùng
Từ năm 1991, đây là trường nhạc duy nhất ở Orange County dạy nhiều bộ môn nghệ thuật, bảy ngày một tuần, từ sáng sớm đến tối khuya.
Francis hãnh diện nói: “Suốt 28 năm, chúng tôi được sự tín nhiệm của hàng ngàn gia đình.”
Về nơi chốn để cha mẹ đợi con em, Teresa hãnh diện khoe: “Không những chỉ chuyên tâm đến học viên, chúng tôi còn chú trọng đến cha mẹ họ nữa nên chúng tôi có những khu vực chờ đợi rộng rãi, sạch sẽ, thoải mái và ấm cúng.”
Vài lợi điểm khác của trường nữa là phòng học kín tường. “Lớp này không bao giờ bị chi phối vì âm thanh của lớp kế bên,” Augustina khẳng định. “Và mỗi lớp đều có trang thiết bị riêng đầy đủ.”
Có lẽ đặc biệt nhất là trường tạo cơ hội thường xuyên để học viên trình diễn. Francis giải thích: “Chúng tôi tạo cơ hội để học viên trình diễn nhiều nhất tại Orange County. Cha mẹ nào cũng vui khi thấy con em mình chứng tỏ tài năng.”
Anh thêm: “Mỗi năm hai lần, Tháng Sáu và Tháng Mười Hai, học viên đều được lên sân khấu lớn trình diễn.”
Ngoài ra, hằng tháng, trường tổ chức trình diễn tại các trung tâm cao niên, ấy là chưa kể tại các cuộc vui của thành phố, trung tâm thương mại hoặc các sinh hoạt cộng đồng.
“Chúng tôi luôn tạo cơ hội để học viên biểu diễn những điều đã học,” anh nói thêm.
Lá rụng về cội
Sau một phút trầm lắng trong suy tư, Francis tâm sự: “Bây giờ, cùng làm việc với hai em gái, tôi tin chắc rằng đây là cuộc đời tôi, làm việc trong ngôi trường của cha tôi.”
Anh tìm thấy niềm vui sâu xa khi chứng kiến ánh nhìn hãnh diện của cha mẹ khi thấy con mình trình diễn âm nhạc trên sân khấu. “Và tôi rất mê được thấy đứa con hân hoan biểu diễn cho cha mẹ nghe.”
Anh nói khẽ: “Không có gì cho tôi cảm giác đầy đủ và trọn vẹn như những giây phút ấy.”
Bổn phận của Francis là làm sao cho Westminster Arts Academy ngày càng thêm hoàn chỉnh. Anh chăm lo từng ly, từng tý cho ngôi trường 13 lớp này ở địa chỉ 14441 trên đường Beach, suite 100, thành phố Westminster.
Anh khoe: “Ngay cả ‘restroom,’ tôi cũng làm dư ra và cho giữ gìn thật sạch sẽ. Ấy là để tỏ lòng quan tâm đối với mọi người.”
“Còn chuyện dạy nhạc thì khỏi nói. Thầy cô ở đây phải là những người 100% thực sự yêu nghề,” anh thêm.
Như sực nhớ ra, Francis bật cười rồi nói: “Lớp học của chúng tôi rất sạch sẽ. Lớp nào cũng có máy lọc không khí để tránh bệnh truyền nhiễm và tất cả mọi nhạc cụ đều được ‘deep clean’ lau chùi, sát trùng trước giờ học.”
Sinh ra và lớn lên trong tình yêu âm nhạc của gia đình, ba anh em họ Rios không thể nào làm gì khác hơn là thành công trong việc chăm lo coi sóc cho trường dạy nhạc của cha mình.
Dù lớn tuổi, bà Thúy vẫn thường xuyên ôn tập những bài học dương cầm đã đưa vợ chồng bà lại với nhau.
Vừa qua, Westminster Arts Academy trao tặng ba học bổng “Bob Rios Scholarships” cho những học viên nghèo mà hiếu học âm nhạc. Mỗi học bổng trị giá $1,000.
“Cha chúng tôi vẫn tin rằng mọi người xứng đáng có cơ hội để học về cái đẹp của nghệ thuật,” Francis chia sẻ.
Augustina tiếp: “Chúng tôi cũng tin vậy.” (Đằng-Giao) [qd]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét