Hàng loạt nắp cống bị mất cắp để lộ ra những hố sâu trên vỉa hè đường Mai Chí Thọ, Sài Gòn. (Hình: Dân Trí)
Ngày 17 Tháng Tám mới đây, ông Lương Nhật Hòa, 60 tuổi, đang uống cà phê trên vỉa hè đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, thì bị một sợi dây điện 22 KW đột ngột rơi trúng người, khiến ông bị điện giật, chết trên đường đi cấp cứu. Cơ quan có trách nhiệm trong vụ dây điện đứt và rơi trúng người này là Tổng Công Ty Điện Lực Sài Gòn đã vội vàng ra một thông cáo nói những điều tốt đẹp vì mình, mà không hề thấy một câu nào nhận trách nhiệm về vụ đứt dây điện gây chết người ở trên, ngoài chuyện cho đây là một sự việc không may: “Đại diện Tổng Công Ty Điện Lực nói việc bảo đảm an toàn cung ứng sử dụng điện luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện.<!>
Tại Sài Gòn, doanh nghiệp này luôn quan tâm đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện. Theo đó, lưới điện được tiến hành kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng và sửa chữa kịp thời; mọi khiếm khuyết nếu phát hiện đều được tổ chức xử lý kịp thời. Trước mùa mưa, bão, tổng công ty đã cho tăng cường kiểm tra, rà soát, nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng thời tiết cực đoan để kịp thời xử lý, khắc phục.”
Công Ty Điện Lực này xứng đáng được đảng trao tặng một huân chương Lao Động Hạng Nhất với những thành tích khoe khoang này.
Chuyện này trong chế độ XHCN không có gì là lạ. Tôi nhớ lại, vào năm 2009, ở ngay thành phố Sài Gòn, một người hàng xóm của chúng tôi, sau một cơn mưa lớn, trèo lên mái nhà để quét lá, đã bị điện giật, qua đời vì một sợi dây của điện lực đứt rơi trên mái tôn. Công an địa phương thông báo cho Công Ty Điện, cơ quan này lập tức cho nhân viên xuống, đi cùng với công an phường, lập biên bản yêu cầu gia đình, “tự nguyện” xác nhận nạn nhân chết vì trượt té, chứ không phải vì một sợi dây điện đứt!
Sau đó khoảng hai năm, một người học trò cũ của chúng tôi, sinh sống ở thị xã Đồng Hà, Quảng Trị, ban đêm chạy xe gắn máy, đụng vào một đống đá xanh chất ở ngay giữa đường lộ, chết ngay tại chỗ. Đống đá xanh này là của cơ quan làm đường, không có biển báo, không có đèn, không có rào chắn chung quanh.
Cũng như những câu chuyện ở trên, những người dân dưới chế độ này, chết vì chuyện vô trách nhiệm của chính phủ, không bao giờ được quan tâm, điều tra và quy trách nhiệm cho ai.
Trên thế gian này, con người vốn quý! Mạng người theo Thiên Chúa Giáo là đáng quý khi Chúa Giê-su Christ nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời xem loài người đáng quý khi ngài nói: “Người ta há chẳng bán năm con chim sẻ giá hai đồng tiền sao?” Phật Giáo cũng có nói: “Khi chúng ta kiếm được một chút tiền mọn cũng cảm thấy vui vẻ nhưng lại hoàn toàn không quan tâm đến việc có được báu vật là thân thể con người.” Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Con người là vốn quý nhất,” nhưng con người trong xã hội của Hồ, là cỏ rác. Một con lợn trong chuồng hợp tác xã còn được coi trọng hơn con người, vì đó là tài sản của nhà nước, nhưng một con người thì không! Đập phá tài sản nhà nước có khung hình phạt lên tới tử hình, nhưng làm chết một người vì thiếu an toàn, thủ phạm là các cơ quan công quyền, thậm chí công an đánh chết người thì chỉ là những “chuyện… chẳng may!”
Tôi xin nêu ra đây những cái “chết như mơ, chết thật… tình cờ…” của những công dân trong chế độ này để thấy luật pháp của chế độ và tính vô cảm của tập đoàn thống trị.
Năm 2014 tại Hà Nội, võ sư Trần Hưng Quang, chưởng môn phái Bình Định Gia, 88 tuổi, được loan báo là mất tích sau khi rời khỏi nhà, không ai tìm ra ông ở đâu. Hai ngày sau, một số công nhân phát hiện xác ông dưới cống thoát nước gần ngã ba đường… Ông đã vô ý rơi xuống một ống cống lộ thiên, vì nắp cống có khi nặng đến 200 kg đã bị những người Hà Nội đánh cắp.
Ở thành phố Sài Gòn cũng có những kẻ gian manh, lấy mất nắp cống khiến một thiếu niên tử nạn, một thiếu phụ sẩy thai. Mùa mưa rất nhiều người bị nước cuốn vào ống cống. Thành ra những câu nói trên thông báo: “Công ty đã cho tăng cường kiểm tra, rà soát, nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng thời tiết cực đoan để kịp thời xử lý, khắc phục…” chỉ là những khẩu hiệu không mỏi miệng như mấy chữ “độc lập – tự do – hạnh phúc” nhưng hoàn toàn trống rỗng, vô nghĩa!
Điện Lực huyện Yên Thành, Nghệ An, đã đào những hố sâu 4 mét để chôn cột điện, đang thi công, nhưng không có rào chắn, không có biển báo động, khiến một em bé vô ý rơi xuống chết đuối. Một nơi khác, cột điện gãy, rơi xuống đường, đè chết một người chạy xe qua đường. Cột điện này được đúc bằng những sợi sắt chỉ lớn bằng chiếc đũa.
Từ trước đến nay, rất nhiều trường hợp người dân chết dưới những trận đòn của công an, thủ phạm họa hoằn mới bị đưa ra tòa án, nhưng bồi thường cho những cái chết này thì không! Trong khi đó, những vụ gây án ở Việt Nam, thủ phạm đều được chính quyền quy phạt thành tiền, từ những vụ phạm luật đi đường, xây cất trái phép, cho đến một vụ sàm sỡ với các em bé trong thang máy.
Theo định nghĩa của Cộng Sản, công an, trước hết là một lực lượng vũ trang trọng yếu của đảng Cộng Sản Việt Nam và sau đó mới kể đến nhà nước. Công an chết người thì trước hết đảng phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân, và sau đó là việc của nhà nước, từ quận huyện, tỉnh thành cho đến cấp cao hơn. Nhưng hiện nay, vai trò đảng là tối cao, công an là dụng cụ trấn áp nhân dân, giết người có giấy phép, nhân dân là kẻ thù, mạng người là cỏ rác.
Ở các nước văn minh mà Cộng Sản thường chê là “đang giẫy chết,” một người chẳng may thiệt mạng vì những sơ suất thiếu an toàn của các phương tiện, nhân sự của cơ quan công quyền sẽ phải được bồi thường thích đáng. Chúng ta không mong ở Việt Nam sẽ có một án lớn lao như vụ Rodney King ở Mỹ năm 1991. Bốn cảnh sát viên đánh đập Rodney King đã bị tòa án liên bang truy tố tội “vi phạm dân quyền” của King. Hai cảnh sát bị tuyên án tù hai năm, và thành phố Los Angeles phải bồi thường cho nạn nhân $3.8 triệu.
Ở Mỹ năm 2015, một cư dân của thành phố Los Angeles, Peter Godefroy bị gãy nhiều khúc xương và bị chấn thương sọ não khi lái xe đạp vào một ổ gà trên đường. Sau khi phục hồi sức khỏe, Peter quyết định khởi kiện Hội Đồng Thành Phố Los Angeles vì đã không có đủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho người đi đường. Trước lập luận xác đáng của các luật sư, ngày 8 Tháng Chín, 2017, Hội Đồng Thành Phố Los Angeles đã quyết định trao $6.5 triệu bồi thường cho Peter Godefroy.
Cũng vào đầu năm 2017, thành phố Los Angeles cũng thông qua khoản bồi thường trị giá $4.5 triệu cho gia đình của Edgardo Gabat, một người lái xe đạp bị thiệt mạng vì va phải lề đường bị nứt bể, chưa được sửa sang. Bồi thường nhẹ hơn, như trường hợp năm 2017, Hội Đồng Thành Phố Peterborough (Canada) đã phải bồi thường cho chủ một xe chiếc Ferrari khoản tiền $10,000 vì chiếc xe đắt tiền của ông này sụp phải ổ gà trên đường, khiến bánh xe bị cong vành và túi hơi bị bật tung.
Liệu ở Mỹ, một người như võ sư Trần Hưng Quang, chết vì lọt ống cống không có nắp đậy như ở Hà Nội, mức bồi thường sẽ đến con số bao nhiêu?
Huy Phương
blog/NPN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét