Nhà hoạt động Đinh Thảo.
Một nhà hoạt động trẻ vừa bị giới hữu trách câu lưu tại sân bay Nội Bài vào khoảng 8:50 sáng 15/11 ngay khi cô đặt chân về quê hương sau 4 năm đi học tập và vận động nhân quyền cho Việt Nam tại nhiều quốc gia, nhiều nguồn tin trong giới hoạt động cho hay hôm 15/11. Đinh Thảo, nữ bác sĩ tốt nghiệp tại Đại học Y Hà Nội vào năm 2015, đã quyết định bỏ nghề để trở thành nhà hoạt động nhân quyền. Cô rời Việt Nam vào năm 2016 và tham gia vào chương trình đào tạo và làm việc cho VOICE, một tổ chức phi chính phủ chuyên vận động phát triển xã hội dân sự và nhân quyền cho Việt Nam từ hải ngoại.
<!>“Suốt những năm sau đó, chị đã cùng VOICE đem câu chuyện nhân quyền Việt Nam ra khắp thế giới. Trong các chuyến đi vận động của mình, chị đã để lại dấu ấn trước quốc tế khi được chọn làm người phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sỹ”, một đại diện của VOICE cho biết trên trang Facebook.
Tin cho hay trước khi tham gia VOICE, Đinh Thảo là người điều phối của nhóm Green Trees tại Hà Nội. Nhóm này có mục tiêu hoạt động là kêu gọi bảo vệ môi trường. Cô đã cùng các thành viên Green Trees tham gia nhiều cuộc biểu tình, trong đó có cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt hạ 6.700 cây xanh vào năm 2015.
Trong thông cáo đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà hoạt động Đinh Thảo bị câu lưu, tổ chức Ân xá Quốc tế nói hành động của chính quyền Hà Nội cho thấy thái độ “thù địch trơ trẽn” của họ đối với những người chỉ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, trong đó có sự tôn trọng nhân quyền.
“Cô Đinh Thảo đã không hề ở Việt Nam hơn ba năm qua. Việc cô ấy vẫn là mục tiêu của chính quyền cho thấy họ hung hăng ra sao khi săn đuổi bất cứ ai dám chỉ trích họ”, bà Joanne Mariner, Giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, nói trong thông cáo.Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam “lập tức phóng thích” Đinh Thảo nếu không có lý do chính đáng cho việc câu lưu cô.
Vào tối cùng ngày, Đinh Thảo thông báo trên trang Facebook rằng cô đã trở về nhà.Theo một nghiên cứu của tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 5, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm “đơn giản vì những điều họ nói hoặc ai đó họ gặp”.Nghiên cứu này cũng cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy các tù nhân đã bị tra tấn và đối xử tàn tệ, bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn, thường xuyên bị biệt giam hoặc bị từ chối chăm sóc y tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét