Con tàu chuyển mình ra khỏi ga Hoà Hưng vào lúc hoàng hôn, đuổi theo là những mảng mây tím trên nền trời. Sài Gòn nằm lại đằng sau với phố phường rực rỡ ánh đèn, xe cộ chen nhau trên đường phố, nóng và bụi khiến con người tưởng như đang chìm lỉm trong bầu không khí đặc quánh đầy ô nhiễm.Hơn mười năm trở lại quê nhà, lúc bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, buổi xế trưa trời nóng bức, không khí ngột ngạt. Ông Bảo lặng lẽ nối đuôi sau đám hành khách đang lục tục xếp hàng làm thủ tục hải quan, mồ hôi vã ra đầy người. Người về lặng lẽ chờ, cảm giác có nôn nao nhưng không láo nháo bằng đám người nhà đang đứng ở phía ngoài chờ đợi thân nhân. Khi ngồi trên chiếc taxi chạy ra khỏi phi trường, ông Bảo mới ngỡ ngàng nhìn một Sài Gòn thay hình đổi dạng. Sài Gòn đây rồi, hơn mười năm biền biệt vắng xa, ông Bảo cố tìm lại vài nơi chốn quen ngày xưa khi chiếc xe tắc xi len lỏi trong dòng xe đầy nghẹt trên đường phố.<!>
Thay đổi nhiều, nhưng ông Bảo không phải về để tìm điều gì trong cái thành phố diện tích chật chội với tám triệu người dân, đang chen chúc nhau gần như không có không khí để thở. Ông chỉ lướt qua Sài Gòn, rồi về nghỉ ở nhà bà con vùng ngoại ô thành phố, chờ chuyến xe lửa ra Trung, ở đó có bà mẹ già của ông đang thoi thóp những ngày cuối đời chờ đứa con xa trở về.
Đã quen với những xa lộ thênh thang của nước Mỹ, những khu nhà ở cách xa nhau nằm ẩn mình sau những bóng cây xanh, phố xá cũng ít bộ hành trên đường phố. Ông Bảo cảm thấy hơi ngộp thở trước cái nóng, cái bụi, cái ngột ngạt của một Sài Gòn đang chuyển mình để ngoi lên với những đô thị lớn trên thế giới.
Hồi xưa ông ít khi có dịp về Sài Gòn, bởi thế với ông sự thay đổi ấy không làm ông choáng ngợp bao nhiêu. Mười hai năm ở quê người, mỗi lần nhớ về quê hương, trong óc ông hỗn độn nhiều hình ảnh khắp ba miền đất nước, nhưng quả đáng tội, hồi niên thiếu ông sống ở miền Trung, dải đất nghèo nhất trong ba miền Trung Nam Bắc, đã để lại nhiều nỗi nhớ sâu đậm trong lòng ông, dù ông được sinh ra ở miền Bắc.
***
Trời dần tối, những vì sao giờ này mới nhấp nháy trên nền trời tối thẫm như nhung. Bỏ lại Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông, thành phố ánh sáng của những người giàu và cũng nơi trú ẩn cho những người nghèo trong những hẻm hóc tối tăm không bình yên. Nơi nào cũng vậy, ở Mỹ người ta vẫn có thể bắt gặp được những hình ảnh tương phản của sự nghèo giàu, nhưng không quá chênh lệch như ở Việt Nam. Chẳng cần nhìn đâu xa, ngay trên chuyến tàu này, những người như ông từ nước ngoài về, những du khách ngoại quốc muốn tìm cảm giác cuả chuyến tàu đêm, hoặc những người thành phần khá giả ở trong nước thường vẫn kiếm một chỗ khá đầy đủ tiện nghi trên xe lửa. Còn ở những toa tàu ngồi, giữa khoảng trống cuả hai hàng ghế, lổn nhổn những chân cẳng và hành lý ngổn ngang, người đi tàu đang thu dọn để tìm một chỗ nghỉ lưng suốt đoạn đường dài ra Trung, Bắc. Toa ông ở có bốn người, hai anh Tây ba lô đi du lịch Việt Nam, một người Việt có vẻ thuộc hạng khấm khá về thăm nhà ngoài Trung. Khi vào phòng, loại giường hai tầng khá bất tiện khi ban đêm có người lục đục trèo xuống để ra ngoài. Mọi người chỉ gật đầu mỉm cười với nhau rồi tìm chỗ của mình. Chiếc giường nệm trắng toát, có bàn để ngồi uống trà, vài cuốn quảng cáo về du lịch để trên mặt bàn, ông bỗng nghe tiếng nhạc dặt dìu vang lên , có lẽ từ lúc chuyến tàu đêm chuyển bánh mà ông không để ý.
Quái lạ! Bản nhạc "Tàu Đêm Năm Cũ" được một cô ca sĩ có giọng trầm buồn vẫn lồng lộng vang lên trên chuyến tàu đêm ra miền Trung, khiến ông bàng hoàng lặng đi một chút khi nghĩ về những cảnh chia ly trên sân ga hiu hắt ánh đèn mờ, ở những thập niên trước khi chiến tranh còn đang sôi sục.
"Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính về ngàn, tàu cũ năm xưa mang về trả cho tôi người xưa..."
Thốt nhiên, ông nghe mắt mình nằng nặng, cảm giác những chuyến tàu đêm năm cũ hồi ông còn là một người lính bỗng ào ạt trở lại, như là ông lại một lần nữa nhìn thấy bóng dáng người lính năm xưa, bùi ngùi nắm tay người yêu trước giờ chia biệt. Và tiếng còi tàu, ôi tiếng còi tàu sao lúc ấy nó não nùng như hồi kèn truy điệu. Ông vội nhắm mắt lại để đừng nghĩ gì nữa. Chung quanh ông còn lại gì, chập chờn ảo giác cuả những hình xưa trở lại. Không, ông vẫn đứng đây, bên khung cửa sổ cuả toa tầu hạng nhất, tóc đã bạc, đôi mắt sụp mí khi về già, nhìn mải miết vào bóng đêm mịt mùng để tìm lại những hình bóng cũ.
Con tàu tăng tốc độ, hé mở cửa sổ phía bên ngoài ông không nhìn rõ gì lắm, chỉ nghe vù vù tiếng gió đêm thổi bạt hai bên tai. Có lẽ sau hai tiếng đồng hồ hay hơn một chút, ông lại thấy con tàu đi vào khu thành phố rực ánh đèn. Khung cửa lưới của toa tàu khá rộng, hai người Tây ba lô đang nhai mỗi anh một ổ bánh mì thịt, vừa rù rì nói chuyện, người đàn ông Việt Nam cùng phòng cũng đứng ở đó từ bao giờ, ngắm cảnh lên xuống ở sân ga. Ông quay sang người bạn đồng hành hỏi trỏng:
"Đây là đâu nhỉ?"
Ông ta cũng trả lời trống không, giọng miền Bắc:
"Tới Long Khánh rồi". Rồi nhìn đồng hồ ông ta tiếp:
"Hơn chín giờ. Ông về đâu?"
"Tôi ra Quảng Ngãi."
Ông trả lời vắn tắt. Người khách tò mò hỏi thêm:
"Ông từ nước ngoài về?"
Ông lắc đầu, nói "Không, không". Có gì chứng minh được ông là người xa quê mới về thăm nhà, bộ quần áo tầm thường khiến ông trông giống một người lính già đã giải ngũ hơn là một Việt Kiều về thăm quê. Mà ông chính là người lính già về thăm quê thật, cho là cái lằn Nam, Bắc nằm chình ình ngay chính giữa, thì ông vẫn chỉ là một người lính già không hơn không kém.
Bốn chữ "Nhà Ga Long Khánh" lộng lẫy đóng khung trong những bóng đèn xanh đỏ đập vào mắt ông, khiến ông chợt buồn rầu khi nhớ rằng có một thời vợ ông đã vất vả đi lên đi xuống cái sân ga này. Từ đây đi thêm một cuốc xe "Lam" nữa, cách thị xã khoảng mười cây số. Hai bên đường là những làng mạc của dân di cư miền Bắc, đi khoảng 2 cây số là đã thấy nhà thờ. Chỗ đấy có một trại tù, ngày xưa vợ ông đã đi tìm chồng hú họa ở cái địa chỉ mang những con số đầy bí ẩn và tối tăm như đời tù tội của ông.
Gần ba mươi năm trước, vợ ông giả dạng thành một người bán rong gánh trái cây lặn lội lên Long Giao tìm chồng. Long Giao là căn cứ quân sự cuả sư đoàn 18 Bộ Binh để lại, khu quân sự rộng lớn bao xung quanh là những con đường đất đỏ bụi mù. Sau vùng này trồng chuối bạt ngàn xen lẫn với những vườn tiêu của dân địa phương, len lỏi vào khu vườn chuối là những con đường đất nóng bỏng.
Năm đầu ở Long Giao, vợ ông vẫn bỏ lũ con thơ ở nhà, đi tìm chồng với cái hy vọng mong manh là tìm được chồng trong đám đàn ông ngày ngày vác cuốc đi lao động xung quanh trại. Mỗi lần đi, bà lại quảy trên vai một đôi gánh, dưới thúng đựng dăm thứ đồ ăn tiếp tế, trên chiếc mẹt ngụy trang vài thứ trái cây. Từ một khoảng xa đến hai lớp hàng rào kẽm gai, đám đàn ông thất trận ngừng tay cuốc ngóng mắt nhìn theo một đám phụ nữ dáng dấp thon thả đang lố nhố đứng ngoài khu vườn chuối ngó vào. Kẻ ngóng ra, người ngó vào, bụi và nắng nhấp nhoá nên khó nhận ra nhau, thỉnh thoảng đám phụ nữ trẻ lại mon men xấn vào gần hàng rào kẽm gai để được gần gũi hơn đám tù đang cuốc đất, lại bị đuổi ra xa như một bầy gà nhao nhác. "Làm sao gần được em ơi, hai hàng rào kẽm gai với lại những câv súng kè kè như vậy". Họ í ới gọi nhau hỏi chuyện, lần ấy may mắn ông đã nhận ra vợ trong chiếc áo cánh trắng, trên đôi vai nhỏ bé là đôi đòn gánh mà ông không hiểu làm sao vợ ông lại có thể gánh được, khi từ bé đến lớn bà chưa hề biết gồng gánh là gì. "Cạn ao thì bèo xuống đất", ông thương vợ quá, nhưng cũng phải công nhận sự khéo léo và nhẫn nhục cuả vợ trong thời buổi nhiễu nhương ấy.
Chỉ lần ấy thôi vợ chồng nhìn thấy nhau để rồi ông lên đường ra Bắc. Đêm ấy khi ngồi trong chiếc xe bịt bùng để đi xa, ông có nghe tiếng còi tàu. Tiếng còi rúc lên lạnh lùng như tiễn biệt, lòng ông quặn đau khi nghĩ đến vợ con. Sau này ông có nghe bà kể, nhà ở gần sân ga, chiều nào bà cũng tìm một nơi yên lặng để ngóng tiếng còi tàu, cứ hy vọng con tàu ấy sẽ là chuyến tàu đêm năm cũ trở về sân ga, có ông tàn tạ trở về với bà và lũ con.
Mới đó mà gần ba mươi năm. Mười ba năm trong tù ông không quên. Giờ này khi tàu ngừng trên sân ga Long Khánh, ông vẫn nhớ cái khởi đầu cuả một cuộc hành trình mười ba năm ông bị bứt ra khỏi mái ấm gia đình. Hú vía! Ông còn đây, thân hình có tiều tuỵ nhưng vẫn còn đây, ông sờ vào hai lỗ tai lạnh để biết rằng mình vẫn còn đây, người tù mười ba năm vẫn còn đây, với những vết sẹo đã lành da vẫn ngứa ngáy một cách dị kỳ khi nhớ lại...
Sau thời gian dừng lại để khách lên khách xuống, con tàu lại rùng rùng chuyển bánh, ông để ý hễ tàu đến tàu đi, đều có kèm theo một hồi còi rất dài,nó kêu tu tu trong đêm vắng, buồn thắt ruột. Nhạc lại vang vang trong đầu ông, toàn những bản đã cũ:
"...Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm xứ mẹ cho em về cùng. Rồi ta sẽ đi chung chuyến tàu..."
Tiếng hát vang vang một âm điệu rộn rã, những bản nhạc một thời viết cho lính lại được sống lại trong chuyến tàu đêm. Giờ này ở đây chỉ có người lính già đi tìm quá khứ, dường như những người lính sống hay chết đã đồng loạt tử trận từ tháng Tư năm ấy. Ông rút một điếu thuốc phì phà trong bóng tối, đốm lửa lập loè như lóe sáng dậy một thời trẻ tuổi. Con tàu trong đêm tối cứ băng mình lặng lẽ xập xình đi vào vùng biển mặn, hình như có mùi nước mắm biển Phan Thiết quyện trong gió. Trong đêm tối, mắt ông không nhìn thấy gì vì cảnh vật mập mờ, nhưng ông đánh hơi được nơi chốn bằng khứu giác.
Tàu lại vào sân ga, người lên kẻ xuống, những người bán hàng rong và người đi tàu đang kỳ kèo trả giá những túi khô mực, những thùng nước mắm. Ông nhớ những lần nhậu thâu đêm suốt sáng với bạn bè, con khô nướng vội và những chai bia 33 lăn lóc dưới gầm bàn, ngả nghiêng đi về với một vầng trăng khuya. Vậy mà không ngã, vẫn ngất ngưởng đi về đến nơi đến chốn. Thời ấy hết rồi, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang chỉ là những nơi ghé vào ngắn hạn, nhưng ông nhớ hoài mùi biển mặn. Nhớ xa hơn một chút về biển, chuyến tàu Hải Quân cuối cùng từ bãi biển Đà Nẵng lui về phương Nam, hỗn độn, chen lấn, quan không ra quan , quân chẳng ra quân, chuyến ấy ông mất sạch sành sanh, khi về đến Vũng Tàu mỗi người chỉ còn cái túi vải đeo trên vai, vài bộ quần áo, đúng là "trên răng, dưới ...dế". Ông nhớ ngày hôm ấy, chiếc xà lan quá tải ngả nghiêng trên mặt biển, người ta rơi lõm tõm xuống nước, chết vô số. Ôi lại biển, kinh khủng lắm, hễ nếm phải nước biển là ông lại nghĩ đến hương vị nước mắt, hai thứ ấy nó giống nhau lạ lùng.
Nha Trang biển đêm vẫn rì rào sóng vỗ, từ xa đã nghe được tiếng sóng, ngửi được mùi biển mặn. Chỉ tiếc là lúc ấy đã khuya, ông không nhìn thấy gì bằng cách lại đánh hơi ra những nẻo đường quê hương bằng khứu giác, bằng đôi mắt lập lờ nhìn không rõ cuả tuổi già. Ông đi vào giường nằm nhưng vẫn không ngủ được. Trằn trọc, thao thức, chiếc giường êm ái làm ông lại nhớ tới chuyến tàu về Nam cách đây trên hai mươi năm, ông và người bạn tù xa lạ kết tình "huynh đệ" nhờ chiếc còng gắn vào cổ tay hai người. Đêm tối, anh bạn tù bàn tay nhỏ nhắn, rút được cái tay ra khỏi còng, vì thế mà ông được giải thoát một chặng đường dài. Kỷ niệm ấy ông nhớ mãi... Bây giờ anh ta trôi dạt về đâu nhỉ?
"Một đêm muà hè, tôi đến sân ga đi đón người trai lính trở về. Tàu cũ đêm nay có trả lại cho tôi người xưa, để đêm nay ngồi đây..."
Giọng ca buồn buồn của cô ca sĩ vẫn nỉ non suốt đoạn đường dài, hình như tàu mỗi lúc một đi nhanh hơn khi ra ngoài vùng đồng quê, đã thấp thoáng những rừng dừa bạt ngàn để bước vào ranh giới tỉnh Bình Định. Bây giờ thì dường như trong ký ức cuả người lính già, kỷ niệm lần lượt trở về rõ mồn một, khổ nỗi lại chỉ toàn kỷ niệm thời chinh chiến. Năm 72, những trận đánh ác liệt nhất đã diễn ra ở đây, trở ra những vùng khốc liệt như Sa Huỳnh, Đức Phổ, Mộ Đức. Đơn vị thám sát cuả ông toàn là những người lính tiên phong cảm tử đi vào miền đất chết, trước khi quân bạn được dàn trận đi đằng sau.
Trong bóng đêm mập mờ, mỗi một bến ga ông lại thấy mình gần gũi với kỷ niệm thời quân ngũ. Những địa danh gợi nhớ đến quay quắt từng vuông rừng, từng hốc núi, từng ngọn đồi hay những trảng cỏ tranh cao hơn đầu người. Màu xanh cuả rừng dừa Tam Quan vẫn không là cảnh đẹp yên bình để người lính mơ mộng, nó rình rập nỗi chết trong đó. Bồng Sơn, Quế Sơn, tên đẹp chi lạ mà đầy oan khiên của máu và nước mắt. Tàu ra khỏi Qui Nhơn, khoảng hai giờ sáng là đến Sa Huỳnh, rặng núi biếc giờ này đã tối đen khi con tàu chui qua lòng núi càng đen kịt lại như mực, giá ban ngày ông đã có thể thấy những đồi cát, những mảng rừng thưa bông cỏ lau trắng xoá tiếp giáp để đi vào ranh giới Quảng Ngãi. Ngày xưa, ông đã mòn gót giày trên những vùng đất chỉ có những bom đạn và nỗi chết, những đồng cỏ lau trắng xoá buồn u uẩn như người goá phụ đôi mươi quấn chiếc khăn tang trên đầu.
Vẫn nghe như hơi gió biển thổi qua triền núi thấp, vẫn nghe như hằng nghìn âm thanh thì thầm của những hồn xưa sống dậy. Những ngôi sao sáng và một mảnh trăng khuya, ở nhữnng vùng hiu quạnh hình như nền trời bỗng sáng hơn. Ông dùng thêm ly cà phê đen để đầu óc được tỉnh táo, mắt ông cay xè vì thiếu ngủ nhiều đêm, nhưng vẫn không làm sao ngủ được. Gần ba mươi năm mới có một đêm như đêm nay, trở về những vùng đất thân yêu đã gắn liền với ông suốt thời trai trẻ. Trong khung cửa sổ của toa tàu chỉ mình ông đứng đó, hai gã Tây ba lô đã ngủ say, còn người đàn ông kia chắc quá quen với đoạn đường này, ông nghe tiếng ngáy nho nhỏ vang lên trong buồng tàu.
Con tàu cứ lầm lũi băng mình trong đêm tối, thỉnh thoảng lại tu tu lên khóc. Nhất là ban đêm, giữa cảnh huyền hoặc của một nửa vầng trăng và những ngôi sao, gió thổi vù vù khi con tàu đi vào núi rừng miền Trung, ông gần như sống lại hoàn toàn cảm giác cuả đời lính thám sát nơi chiến trường miền Trung trên ba mươi năm trước. Cảm giác lần này lạ hơn, có lẽ vì ám ảnh chuyện cũ, ông nhìn những cành cây lay động dưới ánh trăng mờ khi con tàu vùn vụt đi qua, mà cứ ngỡ là những cánh tay của bao linh hồn anh em đồng đội năm xưa, đang vẫy tay đón ông về thăm chốn cũ. Thế giới vô hình làm sao hiểu được, nếu hiểu được người ta đã chẳng phải than khóc trước sự ra đi vĩnh viễn cuả người thân hay bè bạn.
Sa Huỳnh ơi! Nhớ quá đi thôi mặt trận đêm ấy. Những người lính thám sát lầm lũi đi trong bóng tối, những ụ đất ngày xưa giờ đã xanh cỏ, những vạch đạn cứa vào bóng đêm ghim vào cây cỏ, vào thân thể người lính đang di động trong đêm, tiếng rên la của người lính bị thương đòi uống nước.
"Nước, cho xin hớp nước..."
Tiếng rên rỉ đau đớn và đứt đoạn cuả người đàn em bị trúng đạn đòi xin hớp nước giờ này hình như cứ vọng mãi trong đầu ông. Ông nhớ những đêm hành quân trời mưa rét cóng, lúc hai bên im tiếng súng rút vào cố thủ, lúc dừng quân ông được một người lính tiếp vụ đưa cho ly cà phê đựng trong chiếc ca sắt nóng hổi. Chưa bao giờ có một thứ cà phê nào ngon bằng hôm ấy, nó làm ông tỉnh táo và lòng ngập tràn tình thương yêu đồng đội, gắn bó với nhau trong nhiều khoảnh khắc chết sống của đời người. Ôi những ngày như thế, bạn bè ông, đồng đội cuả ông đã ra đi mà dường như vẫn thèm rít một hơi thuốc cuối cùng, khônng biết ở cõi bên kia linh hồn họ có tìm lại được mùi cà phê, hơi thuốc lá như cõi dương gian này không?
Ở đây, khi cuộc hành quân tạm yên, ít nhiều gì đơn vị ông hay đơn vị bạn cũng bỏ lại rừng xanh những dòng máu đỏ, những bàn tay, cái chân cho cuộc chiến ấy, chưa kể có những người đã ra đi vào miền đất lạnh. Thiếu uý Kha, trung uý Điền, trung sĩ Nghiã, những người đàn em dễ thương mà ông còn nhớ, họ chết ở đây, trong đám rừng đen đặc kia. Ông nhớ lúc ấy đã vét túi tìm gói thuốc "Quân Tiếp Vụ", chỉ còn duy nhất một điếu cong queo, ông vuốt lại cho thẳng rồi gắn lên môi người đàn em bị thương nặng, làm món quà tiễn chân kẻ ra đi không bao giờ trở về. Điếu thuốc cuối cùng ấy là món quà quý dành cho người sắp chết, ông thèm lắm mà không dám hút. Ông giơ tay vuốt mắt cho người lính cùng đơn vị, mắt cũng cay xè...
Tiếng gió giữa canh trường qua rừng cây đen thẫm như tiếng reo cuả linh hồn những ngươì đàn anh, đàn em năm cũ vọng u u trong đầu, ông thấy nước mắt mình trào ra ướt đẫm trên má. Ông thò tay vào túi, gói thuốc còn nguyên, ông bóc gói thuốc rồi nâng lên trước mặt thì thầm nói một mình:
"Hút, hút đi các bạn, hút cho thoả trước khi để linh hồn tan vào cõi hư vô."
Ông ném từng điếu thuốc vào cái khối đen ngòm của rừng cây ven đường, không thét ra được khỏi lồng ngực phập phồng hai lá phổi héo, nhưng trong đầu ông lồng lộng:
"Hết chiến tranh rồi. Hết lâu rồi các bạn ơi! Thuốc đây, hút đi, hút đi rồi các bạn muốn đi đâu thì đi. Đừng ở lại đây nữa..."
Những điếu thuốc bay lả tả theo đường tàu, nước mắt ông cứ trào ra ướt đầm trên má, nhỏ giọt xuống trên thân áo. Vô tình hay cố ý, đêm nay ông về thăm lại chốn cũ, phong phanh chiếc áo sơ mi và chiếc quần màu ô liu, y như một người lính kỳ nghỉ phép về thăm nhà. Tiếng nhạc lại vang vang trong đầu người lính cũ:
"Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào. Tàu cũ năm xưa có trả lại cho tôi người xưa, để đêm nay ngồi đây, viết lại câu chuyện này..."
Ông bịt hai lỗ tai để đừng nghe âm thanh rên rỉ buồn buồn cuả bài hát lập đi lập lại trong đầu ông trên chuyến tàu đêm. Tạm biệt các bạn thân quý của tôi, ba mươi năm gặp lại nhau như thế đủ rồi, khi ra đi đầu các bạn còn xanh, nay trở về đầu tôi đã bạc. Khác nhiều lắm rồi, những mỏm đất, những đồi cỏ, những rừng dầy, rừng thưa, đã phủ kín một màu xanh, cho quê hương thôi máu lửa...
Ba mươi năm sau cuộc chiến, người lính năm xưa đã hy sinh còn để lại những gì cho Tổ Quốc. Ngoài những vết sẹo kéo da non của người còn sống, ông Bảo chạnh nghĩ đến những thương binh đã lây lất sống nốt đời mình trên vỉa hè thành phố, dựa dẫm vào vợ con để thành một gánh nặng buồn tủi. Thế còn những đứa con của người tử sĩ thì sao? Trung uý Điền xuất thân trường Đà Lạt, khi chết trận bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ, trung sĩ Nghĩa có một đứa con không biết là trai hay gái trong bụng vợ. Gia tài người lính để lại chỉ có chiếc ba lô, đựng dăm thứ lặt vặt cho những cuộc hành quân dài ngày nơi rừng núi, khi nằm xuống họ đã kéo theo sau lưng mình sự đổ vỡ, tan tác, rách nát, thảm thương của một hệ luỵ máu thịt cùng chịu chung số phận...
***
Bình minh đã lên, ở miền nhiệt đới bình minh bao giờ cũng dậy sớm, chuyến tàu đi qua những quận lỵ cũ để vào thị xã. Lúc tàu đi ngang Đức Phổ, Mộ Đức, lại những chiến trường xưa, những chiếc xe nhà binh năm cũ ở đâu trong đầu ông ào ào chở đầy lính ra mặt trận. Tàu ghé vào ga, những người bán dạo trên bến ga mời chào í ới. Nhìn đĩa xôi gà trên tay một chú bé độ 12 tuổi, mà bé choắt vì phải ra đời sớm, ông gọi mua một đĩa xôi mà không cần trả giá. Nhìn cậu bé 12 tuổi sáng sớm bưng trên tay mâm xôi đi bán dạo, cái đùi gà vàng lườm được rô ti thật hấp dẫn, ông hiểu cái nghèo đè nặng trên đầu dân tộc ông, mắt ông bỗng nằng nặng như đêm qua ông về ngang chốn cũ. Ông ăn mà không biết ngon, chỉ ăn cho đỡ đói, để tìm hương vị cũ, niềm đau cũ. Chú bé bán xôi được ông cho một món tiền lớn gấp mười đĩa xôi gà, cứ đứng trân trân nhìn ông tưởng như là phép lạ đang xảy ra trên sân ga.
"Nhìn làm gì em ơi, giá hơn mười năm trước tôi cũng làm gì dám ăn đĩa xôi gà trên tay em, chẳng phải thịt gà phong độc như dân địa phương thường nói, mà vì nghèo, cái nghèo là thứ quả báo lớn nhất mà ông Trời bắt con người phải chịu". Lúc này đầu óc ông tỉnh táo hơn, nôn nao hơn, vì ông sắp về tới gia đình, về với bà mẹ già vừa lòa vừa điếc, chưa chắc gì đã nhận ra con.
Người ta lại tấp nập lên tàu, xuống tàu. Ông ăn xong đĩa xôi, gọi một ly cà phê đá nhâm nhi nhìn kẻ lên người xuống, bỗng liên tưởng cuộc đời y hệt một chuyến tàu, mà những người lính già như ông còn ngồi lại với nỗi buồn chiến tranh đọng lại trong mỗi hồi tưởng. Đêm qua khi đi ngang Sa Huỳnh lúc hai giờ sáng, hình như ông đã gặp lại bạn bè năm xưa trở về, họ là những người đã xuống tàu ba mươi năm trước. Ba mươi năm sau trên chuyến tàu đời, những lớp người đi sau như thằng bé bán xôi, cô bé dáng học trò ngồi bán cà phê ở toa ăn uống là lớp người sau lên tàu muộn. Bây giờ nếu ông kể chuyện cũ ba mươi năm trước, chắc hẳn chúng nó sẽ tròn mắt lên mà nghe như chuyện cổ tích. Một câu chuyện cổ tích rất buồn, chỉ còn mỗi người lính già như ông ngồi lại trên chuyến tàu đêm, khắc khoải. Tiếng nhạc vẫn lồng lộng trên sân ga, không phải bài "Tàu Đêm Năm Cũ", mà nghe rất lạ, như bài cầu kinh sắp tới hồi kết thúc:
"Rồi tàu xa rời, xa rời kỷ niệm
Trả lại cho mình, nửa phần yêu thương
Tìm lại xót xa, tìm lại vui buồn
Đi vào nhân gian, với lòng yêu thương.
Đi đi, đi thấu kiếp người...
Ôi niềm đau, hỡi nỗi vui
Đi đi, đi thấu kiếp người
Đi đi, để biết khóc cười hỡi ... ơi!"
Hơn mười giờ, tàu vào ga Quảng Ngãi. Ông sốc cái ba lô trên lưng, chậm rãi chờ người ta chen chúc nhau xuống sân ga, con tàu lại tu tu lên khóc. Ông sắp về với mẹ ông, căn nhà xưa trong một ngõ nhỏ. Con ngõ này hồi xưa thế nào nay vẫn vậy, nhưng nhà cửa được nâng cao, xây dựng lại khiến thoạt nhìn tưởng mọi điều đã đổi khác.
Ông về với mẹ, biết đâu không phải là lần cuối được cầm lấy tay mẹ, tay con cũng nhăn nheo huống gì tay mẹ ông chỉ còn là một nhúm da bọc xương khẳng khiu. Mẹ ông nằm đó, chả biết ai với ai, đôi mắt loà quáng lên một vùng ánh sáng mù mờ, như ngọn đèn cạn dầu leo lét chờ tắt.
Bên cạnh bà mẹ già vừa loà, vừa điếc, vẫn không biết là có một đứa con đi xa vừa trở về. Không còn cách nào khác hơn, ông cầm lấy bàn tay nhăn nheo, gầy guộc cuả mẹ, để bà sờ mặt con với những giọt nước mắt ướt đầm trên những ngón tay. Không biết trong cõi mịt mù của đời người sắp tàn ấy, bà có sờ ra được khuôn mặt cuả đứa con từ lâu rồi không gặp.
Nguyên Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét