Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

Kể cho cháu nghe - CÕI ÂM LÀ CÓ THẬT - Bằng Phong DVA



Chuyện thứ nhất:
Một hôm chú bay phi vụ chở hành khách từ Tân Sơn Nhất đi Đà Lạt, nhưng tàu bay bị hư hệ thống thủy điều (hydraulic), nên phải chờ chuyên viên kỹ thuật sửa chữa. Trong số hành khách hôm đó có ông Nguyễn Năng Tế và vợ, nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh. Chú mời hai người hành khách “đặc biệt” vào Câu Lạc Bộ Phi đoàn uống cà phê, cho đến khi tàu bay sửa xong Trong khi trò chuyện qua lại, ông Nguyễn Năng Tế kể: Khi thực hiện cuốn phim Đất Khổ, đạo diễn Hà Thúc Cần chọn ngôi biệt thư của Tướng Dương Ngọc Lắm ở Đà Lạt làm cảnh để quay. Lúc bấy giờ bà Dương Ngọc Lắm đã qua đời, ngôi nhà không có ai ở, chỉ có bàn thờ của bà Dương Ngọc Lắm và một ông già trông coi, lo việc nhang khói cho bà Lắm vào dịp Ngày Rằm, ngày Mồng Một.

 Tài tử Kiều Chinh thấy trên bàn thờ có chai nước hoa nhỏ, tò mò cầm lên xem để biết nước hoa hiệu gì, rồi đặt lại. Bỗng nhiên, bà Kiều Chinh phóng ra cửa, vùng chạy rất nhanh như bị ai đuổi, ông Nguyễn Năng Tế không hiểu chuyện gì xảy ra, cứ chạy theo để bảo vệ vợ. Tuy ông Nguyễn Năng Tế có dáng người cao lớn của một thể tháo gia, nhưng khó khăn lắm mới bắt kịp vợ.
Sau đó, ông Nguyễn Năng Tế dẫn vợ trở lại nhà của Tướng Dương Ngọc Lắm. Ông gác dan (gardian) hỏi tài tử Kiều Chinh có xê dịch vật gì trên bàn thờ bà Dương Ngọc Lắm, thì tài tử Kiều Chinh kể rằng bà có cầm lọ nước hoa lên xem và đặt lại. Ông gác dan nói: “Bà Dương Ngọc Lắm rất thiêng, không ai được xê dịch bất cứ vật gì của bà đặt trên bàn thờ. Vừa rồi, bà (tài tử Kiều Chinh) bị bà Tướng Dương Ngọc Lắm phạt đấy!
Chuyện thứ hai:
Một hôm chú nằm mơ thấy Bố của chú hiện về và nói: “Ngày mai con bay phi vụ rất nguy hiểm, ráng cẩn thận kẻo nguy đến tính mạng”. Nghe vậy, chú ôm lấy Bố chú và nài xin Bố ra tay cứu con, bởi vì vợ của con còn trẻ, các con của con còn quá nhỏ dại. Thế rồi chú loáng thoáng nghe Bố chú nói: “Thầy sẽ cố gắng” và ông biến mất. Tỉnh dậy, mồ hôi chú vã ra như tắm.
Tiếp tục ngủ lại cho tới giờ thức dậy đi bay, chú quên luôn giấc mơ. Phi vụ hôm đó là thả dù tiếp tế đạn 105 ly cho chiến trường Bình Long do Tướng Lê văn Hưng trấn thủ. Thông thường, khi phi cơ bay trên mục tiêu, người phi công phải dùng hai chân kềm giữ trên bàn đạp để hòn bi của đồng hồ phi cụ nằm ở vị trí trung tâm. Nếu không, kiện hàng từ trên máy bay thả xuống sẽ rơi ra ngoài mục tiêu. Chẳng hiểu sao, khi kéo mũi máy bay lên để kiện hàng đặt trên “rollers” lăn ra khỏi lòng phi cơ, tự nhiên một chân chú đặt xuống sàn phi cơ, thì bỗng nhiên nghe một tiếng nổ rất lớn, khói bay mù mịt trong phòng lái. Cái bàn đạp máy bay bị trúng đạn phòng không của địch tiện đứt. Thật là hú hồn! Nếu phi cơ trên mục tiêu sớm hơn một vài tíc-tắc, thì viên đạn phòng không đó đã trúng ngay kiện hàng chở đạn 105 ly, tàu sẽ nổ tung, cả phi hành đoàn tan xác.
Đổi ghế lái cho phi công phụ, chú mang con tàu về đáp an toàn. Lúc đó, chú mới nhớ giấc mơ đêm trước. Thì ra vong linh của Bố chú đã cứu cả phi hành đoàn khỏi tan xác giữa trời. Có rất nhiều phi công thoát chết trong đường tơ kẽ tóc như chú lắm. Nhiều anh em đồng đội còn sống sót sau cuộc binh lửa vừa qua, chắc chắn phải được Ơn Trên che chở, chú tin vậy!
Chú không phải là người mê tín dị đoan, nhưng chú tin có kẻ khuất mặt bảo vệ mà mình không biết đó thôi. Cho nên, chú luôn luôn cố gắng sống thật thà, lương thiện, không lừa dối để gây thiệt hại cho bất cứ ai. Nếu đứng trên bình diện so đo thiệt hơn, chú là người rất dại, nhất là trong thời đại này. Chú ý thức “Cái Dại” của mình lắm, nhưng vì “lòng tự ái” (vì có lòng tự ái thì mới có lòng tự trọng), nên chú phải cố gắng sống đừng để ai bắt nạt hoặc coi khinh mình. Chú yêu “Cái Tôi” của chú lắm!
(trích đăng từ Lá Thư gừi cho cháu của Tg Bằng Phong ĐVA)

Không có nhận xét nào: