Sinh viên chiếm đóng cổng trường đại học Bách Khoa Hồng Kông, ngày 15/11/2019.REUTERS/Thomas Peter
Từ đầu tuần đến nay, 5 ngày liên tiếp Hồng Kông rơi vào trạng thái gần như tê liệt. Những người phản kháng chuyển sang chiến thuật ''đánh du kích'', với tên gọi chính thức là ''Hoa Nở Khắp Nơi'' (Bian Di Kai Hua). Sau hơn 5 tháng biểu tình ôn hòa, với sự tham gia của đông đảo dân chúng, không gặt hái thành công, chính quyền thân Bắc Kinh tiếp tục bịt tai nhắm mắt trước các yêu sách đòi dân chủ, giới tranh đấu đặc khu Hồng Kông quyết định chọn chiến thuật mới. Cụ thể là, các nhóm nhỏ, chủ yếu là sinh viên, bất ngờ tổ chức các hoạt động phản kháng ở quy mô nhỏ, phong tỏa giao thông, gây khó khăn tối đa cho cảnh sát.
<!>
Ngày 14/11/2019, các trục đường chính của thành phố bị ngăn chặn bằng nhiều hàng rào bằng tre, bằng gạch, hay đủ mọi loại phương tiện khác. Hệ quả là một trong ba xa lộ ngầm chủ yếu của thành phố bị đóng cửa, nhiều trạm xe điện ngầm, tuyến xe buýt bị hủy bỏ. Toàn bộ thành phố 7,5 triệu dân gần như tê liệt. Rất nhiều trường phổ thông và đại học bị đóng cửa. Tại nhiều bệnh viện, chỉ có bộ phận cấp cứu là còn hoạt động. Buôn bán giao thương bị đình trệ.
Chính quyền Hồng Kông buộc phải yêu cầu các công ty đối xử nhẹ nhàng với các nhân viên không thể đến nơi làm việc do tình trạng giao thông công cộng bị tắc nghẽn. Cựu thuộc địa Anh Quốc đang sống trong tình trạng khủng hoảng chưa từng có, kể từ năm 1997, tức từ khi Luân Đôn trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh.
Đặc khu hành chính này dường như như rơi vào tình trạng bế tắc cao độ, với thái độ cương quyết của cả hai bên. Người biểu tình cảm nhận là đang bị chính quyền đẩy vào chân tường, với việc các quyền tự do dân chủ đang bị hủy diệt dần mòn và họ quyết kháng cự đến cùng. Phía chính quyền đặc khu và chính quyền trung ương cũng tỏ ra sẽ không nhân nhượng trước ''áp lực của đường phố''.
Đụng độ trong tuần qua gia tăng về cường độ. Theo một số nhà quan sát, cảnh sát Hồng Kông, thông thường vốn rất hiệu quả, trong việc kiểm soát an ninh trên các tuyến đường metro, giờ đây tỏ ra quá tải. Riêng ngày 13/11, theo chính quyền, 70 người phải nhập viện, trong đó có hai người trong tình trạng nguy ngập. Một trong hai người hôm nay đã qua đời tại bệnh viện. Nạn nhân là một người đàn ông qua đường 70 tuổi, bị trúng gạch vào đầu, trong một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Không khí đặc biệt căng thẳng tại các trường đại học. Cảnh sát tố cáo sinh viên biến Đại học Trung Văn nổi tiếng Hồng Kông thành nơi ''sản xuất vũ khí''. Trên thực tế, nhiều trường đại học biến thành ''các đại bản doanh'', thành những công trường chế vũ khí thô sơ, như thời Trung Cổ, nơi giới trẻ tập hợp chế tạo tên tẩm dầu lửa, máy bắn gạch, bắn bom xăng…
Cảnh sát cáo buộc ''những kẻ bạo động'' bắn tên vào lực lượng cảnh sát tuần tra gần Đại học Bách Khoa Hồng Kông. Hôm 14/11/2019, sinh viên Đại học Bách Khoa phong tỏa trường học, bất cứ ai vào trường cũng bị kiểm soát, kể cả các nhà báo. Các sinh viên hy vọng cảnh sát mặc thường phục không trà trộn được vào hàng ngũ sinh viên.
Căng thẳng tăng thêm một nấc vào trưa hôm thứ Năm 14/11, khi nhật báo Global Times, thân cận với chính quyền Bắc Kinh, khẳng định chính quyền đặc khu sẽ thiết quân luật trong dịp nghỉ cuối tuần này, để ngăn chặn bạo động. Tuy nhiên, một nửa giờ sau, thông tin này bất ngờ bị xóa bỏ. Chính quyền Hồng Kông không đưa ra bình luận về việc thông tin trên.
Giới tranh đấu Hồng Kông dường như tiến hành chiến thuật du kích trên nhiều mặt trận. Một mặt, với các hành động bạo lực ở quy mô nhỏ, như đã nói ở trên. Mặt khác, dường như họ cũng để cho chính quyền một cơ hội trong đàm phán. Theo thông tín viên RFI Florence de Changy, có mặt tại chỗ, hôm 15/11, những người biểu tình đã chấp nhận mở lại một trong các xa lộ quan trọng nhất. Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ. Họ đe dọa sẽ đóng cửa xa lộ này, nếu lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga không giữ lời hứa sẽ tiến hành bầu cử cấp quận, như dự kiến trong một tuần nữa.
Không khí căng thẳng dường như đang dâng đến đỉnh điểm. Ứng xử của chính quyền đặc khu và phong trào phản kháng trong hai ngày cuối tuần này sẽ là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng Hồng Kông sẽ đi về đâu.
Hồng Kông hiện đại chiến đấu bằng vũ khí thời Trung Cổ
Thụy My
Một cung thủ với những mũi tên sau lưng, tại một con đường đã bị phong tỏa bên ngoài trường đại học Bách Khoa Hồng Kông, ngày 15/11/2019.ISAAC LAWRENCE / AFP
Giàn ná khổng lồ bằng gỗ, những phi tiễn đỏ rực được bắn đi bằng cung, bom xăng tự tạo, bàn chông bằng tre chắn đường…Để đối phó với cảnh sát, người biểu tình đòi dân chủ Hồng Kông phối hợp giữa các chiến thuật thời hiện đại và thời Trung Cổ.
Từ đầu tuần, rất nhiều đường phố, ngã tư và đại lộ ở trung tâm tài chính nổi tiếng này đã bị phong tỏa bằng nhiều bàn chông tre và những rào chắn thô sơ, theo kiểu đã dùng trong những cuộc chiến cách đây nhiều thế kỷ.
Các trường đại học trở thành tâm chấn của phong trào, và trong những ngày qua, một số trường đã thành bãi chiến trường thật sự. Những vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra trong nhiều tiếng đồng hồ ngay trong khuôn viên nhà trường.
Sinh viên khẳng định phải bảo vệ trường đại học đang bị cảnh sát đe dọa. Họ được tăng cường bởi những người biểu tình tích cực nhất mặc trang phục màu đen, đây là lực lượng xung kích chuyên đối đầu với cảnh sát. Cùng với thời gian, kho vũ khí lâu nay chủ yếu là gạch đá và bom xăng đã được nhóm xung kích đã bổ sung vào đủ loại khó thể tưởng tượng.
Đứng hàng đầu là dụng cụ thể thao : những ngọn lao, cung và tên lấy được trong kho của nhà trường. Những cây vợt tennis được dùng để đánh trả lại những quả banh cao su do cảnh sát bắn ra. Với những chiếc ghế và các tấm nệm trong phòng ký túc xá, họ dựng lên những rào chắn để tự vệ trước những viên đạn cao su.
Tại một trong những thành phố hiện đại nhất châu Á, dưới chân những tòa nhà chọc trời, người biểu tình vốn hàng ngày cầu viện đến công nghệ mới để tổ chức phong trào, cũng sáng tạo ra các kỹ thuật xứng tầm…Trung Cổ.
Họ chế ra những chiếc ná bằng gỗ khổng lồ để bắn đi các chai bom xăng tự tạo. Bên cạnh đó là những bẫy rập bằng kim loại trong có chứa các ống nhựa và đinh, cùng với vô số viên gạch đặt rải rác trên mặt đường để cản trở không cho cảnh sát tiến lên. Khoảng một ngàn người biểu tình sẵn sàng chiến đấu tại trường đại học Bách Khoa Hồng Kông, đề phòng cảnh sát tấn công.
Xưởng vũ khí
Khu đại học này nằm gần đường hầm Cross Harbour Tunnel, đường ống ngầm dưới biển, một trong những con đường nối đảo Hồng Kông với Hoa lục. Người biểu tình tối thứ Tư đã phong tỏa tuyến đường huyết mạch này, bố trí một chiếc máy bắn đá thô sơ để làm cảnh sát thối chí, không muốn vượt qua rào cản của họ. Một thanh niên 23 tuổi xưng tên là Ah Fai cảnh cáo : « Nếu cảnh sát tới, chúng tôi sẽ đón tiếp bằng gạch, bom xăng, phi tiễn ».
Các bức ảnh của AFP cho thấy một phi tiễn được một người biểu tình bắn đi. Trong một video trên mạng xã hội, những người biểu tình vui mừng sau khi phóng thành công những mũi tên rực lửa bằng chiếc máy bắn thô sơ.
Sau hơn năm tháng trời đấu tranh, phong trào không thủ lãnh vẫn duy trì các đặc thù : tinh thần sáng tạo và tính tập thể. Trước một chính quyền nhất quyết không nhượng bộ và lực lượng cảnh sát có nhiều hành động thô bạo, người biểu tình cũng ngày càng bạo lực hơn.
Hôm thứ Năm, các sinh viên đại học Bách Khoa Hồng Kông đã lập ra một « hàng rào hải quan », khám xét tất cả những ai muốn vào, kể cả các nhà báo. Michael, một sinh viên 23 tuổi giải thích : « Đó là để ngăn cảnh sát chìm trà trộn. Tôi không biết sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng dù sao có còn hơn không ».
Cảnh sát cáo buộc người biểu tình biến khuôn viên của trường đại học Trung Văn của Hồng Kông vốn danh giá, thành một bãi chiến trường, thành xưởng vũ khí. Trước báo chí, phát ngôn viên cảnh sát tố cáo « những kẻ nổi dậy » quăng bom xăng, bắn những mũi tên lửa vào một đội tuần tra. Về phía cảnh sát thì sử dụng dùi cui, đạn cao su, hơi cay, vòi rồng và súng lục. Hôm thứ Hai đầu tuần, một thanh niên tay không bị cảnh sát bắn thẳng vào bụng, gây phẫn nộ cho người dân Hồng Kông.
Màu sắc Trung Cổ có lẽ là một trong những bất ngờ của phong trào đấu tranh ở thành phố hiện đại Hồng Kông.
Tập Cận Bình: Bạo loạn ở Hồng Kông có hại đến quy chế "một quốc gia hai chế độ"
Tú Anh
Một cuộc biểu tình tại khu vực Central, đặc khu hành chính Hồng Kông ngày 15/11/2019.REUTERS/Adnan Abidi
Phong trào dân chủ tại Hồng Kông, đặc biệt là sinh viên học sinh tiếp tục thách thức Bắc Kinh. Trong bối cảnh đặc khu bị tê liệt đến ngày thứ năm liên tiếp, chủ tịch Trung Quốc cảnh báo quy chế tự trị của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng nếu « tình hình hỗn loạn cứ tiếp diễn ».
Chủ tịch Trung Quốc, hiếm khi bình luận về tình hình Hồng Kông, cho rằng « chấm dứt tình trạng bạo động, hỗn loạn để tái lập trật tự là việc phải làm khẩn cấp nhất hiện nay ». Theo ông Tập Cận Bình, các « hành động bạo lực và bất hợp pháp » tại Hồng Kông có thể tác hại đến quy chế « một quốc gia hai chế độ », cơ sở của quy chế tự trị.
Công thức này được ghi trong thỏa thuận 1984 giữa Bắc Kinh và Luân Đôn, bảo đảm cho người dân Hồng Kông những quyền tự do mà dân Trung Quốc không có.
Lời cảnh cáo của chủ tịch Trung Quốc được đưa ra tại thượng đỉnh khối 5 nước đang trỗi dậy gọi tắt là BRICS, ở Brasilia, thủ đô Brasil, vừa kết thúc hôm 14/11/2019, theo tường thuật của Nhân Dân Nhật Báo. Cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc kêu gọi « cần phải dập tắt hỏa hoạn trước khi lửa lan rộng ».
Hôm thứ Năm 14/11, Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin « chính quyền đặc khu sắp ban hành tình trạng khẩn cấp ». Tin này được gỡ ngay xuống sau đó. Chính quyền Hồng Kông cũng đã cải chính. Theo AFP, hàng ngàn người lại xuống đường trong ngày thứ Sáu 15/11/2019.
Lãnh đạo tư pháp Hồng Kông bị người đòi dân chủ ''tấn công''
Trọng Thành
Bà Trịnh Nhược Hoa, lãnh đạo Tư Pháp đặc khu hành chính Hồng Kông, tại Luân Đôn ngày 14/11/2019.Chloe Leung via REUTERS
Thêm một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng Hồng Kông trầm trọng hơn. Tối hôm qua, 14/11/2019, lãnh đạo ngành tư pháp Hồng Kông, trong chuyến công du Anh, tại Luân Đôn, đã bị hàng chục người đòi dân chủ la ó phản đối. Trong không khí hỗn loạn, bà Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) bị ngã.
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên án một vụ ''hành hung dã man''.
Theo AFP, một số đoạn video ngắn quay lại cảnh người phụ trách tư pháp Hồng Kông ngã xuống đất, trong không khí gào thét phẫn nộ vang động. Hiện không rõ có phải bà Trịnh Nhược Hoa bị những người phản đối trực tiếp xô ngã hay không. Sau khi bị ngã, lãnh đạo ngành tư pháp Hồng Kông đã đứng dậy và được các nhân viên bảo vệ đưa đi. Lãnh đạo Hồng Kông khẳng định bà Trịnh Nhược Hoa ''bị thương nặng''.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngay lập tức lên án Luân Đôn ''rót dầu vào lửa'', ''gieo rắc bất đồng'' và ''kích động'' bầu không khí hỗn loạn.
Theo giới quan sát, kể từ khi phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc từ đầu mùa hè đến nay, chưa bao giờ một thành viên của chính quyền Hồng Kông lại bị những người đòi dân chủ tấn công một cách dữ dội như vậy.
Lãnh đạo tư pháp Hồng Kông bị người biểu tình lên án là ''kẻ giết người''. Bà Trịnh Nhược Hoa là một trong các thành viên chính phủ bị căm ghét nhất tại Hồng Kông. Bà bị coi là một trong những người chủ trì dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc, được coi là tia lửa làm bùng lên phong trào phản kháng từ nhiều tháng qua, khiến đặc khu Hồng Kông lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Chính quyền Hồng Kông sau đó đã phải hủy bỏ dự luật nhưng vẫn không khiến cho phong trào lắng xuống. Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát diễn ra gần như hàng ngày. Hôm qua, một người đàn ông 70 tuổi qua đời tại bệnh viện sau khi bị gạch ném vào đầu, trong một cuộc xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình.
Cơ quan tư pháp do bà Trịnh Nhược Hoa chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ hàng nghìn người biểu tình bị bắt giữ, kể từ tháng 6/2019.
Hàng ngàn người xuống đường bất chấp đe dọa của Bắc Kinh
Về tình hình tại chỗ, hôm nay là ngày thứ năm liên tiếp, hàng ngàn người đòi dân chủ tiếp tục xuống đường bất chấp đe dọa, của chủ tịch Trung Quốc, rút lại quy chế tự trị dành cho đặc khu.
Đa số người tham gia tuần hành hôm nay là các nhân viên văn phòng. Họ hát vang bài ca ''Stand with Hongkong'' (Đoàn kết với Hồng Kông). Những người biểu tình giơ cao bàn tay với năm ngón mở rộng, tượng trưng cho năm yêu sách của phong trào đòi dân chủ, trong đó có yêu sách người dân bầu chọn trực tiếp lãnh đạo đặc khu.
Kể từ thứ Hai, những người tranh đấu Hồng Kông thay đổi chiến thuật, khởi sự chiến dịch gọi là ''Hoa Nở Khắp Nơi'' (Bian Di Kai Hua), cụ thể là tổ chức các cuộc phản pháng ở mọi nơi mọi chỗ, làm tê liệt tối đa các hoạt động tại thành phố, khiến cảnh sát trở tay không kịp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét