Sinh viên cố thủ, chế tạo vũ khí thô sơ tại Đại học Trung Văn, Hồng Kông, 15/11/2019.REUTERS/Thomas Peter Hôm nay, 17/11/2019, sau gần một ngày không khí có phần tạm lắng dịu, tại Hồng Kông đụng độ tiếp tục nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình, ngăn chặn một đường hầm chiến lược, một trong ba đường ngầm xuyên biển, nối liền bán đảo Cửu Long (Kowloon) với đảo trung tâm Hồng Kông. Đụng độ dữ dội gần Đại học Bách Khoa. Theo Reuters, một cảnh sát bị trúng tên bắn từ mái trường Đại học Bách Khoa, nằm sát xa lộ ngầm nói trên. Trong số năm trường đại học bị sinh viên chiếm lĩnh trong tuần này, chỉ còn Đại học Bách Khoa hiện vẫn do những người tranh đấu kiểm soát. Phóng sự của thông tín viên Stéphane Lagarde từ Đại học Bách Khoa :<!>
''Sáng Chủ nhật hôm nay tại Đại học Bách Khoa Hồng Kông, máy cưa, máy khoan tiếp tục được sử dụng. Những người phản kháng củng cố các chiến lũy, được lập ra tại những cửa ngõ vào trường, trong lúc trên tầng cao và cầu vượt, một số người trang bị ống nhòm theo dõi tình hình. Ở lối vào, mọi người đều bị kiểm soát túi xách. Một phụ nữ trẻ, làm nghề kế toán, cho biết cô đến đây để mang đến cho những người tranh đấu khăn giấy và thuốc men cho những người bị thương.
Các vật dụng được chuyển xuống phòng tập thể thao, nằm ở dưới tầng hầm, trong lúc những thùng rác được chuyển lên, theo chiều ngược lại. Một cựu học sinh khẳng định muốn nhân dịp hai ngày nghỉ cuối tuần để hỗ trợ giới trẻ tranh đấu. Anh cho biết sẽ chuyển rác thải đến nơi đổ rác công cộng, bởi ánh sáng và nhiệt độ cao có thể khiến rác trở thành nguồn gây dịch bệnh.
Trong lúc ngày hôm qua binh sĩ của đơn vị Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông cũng ''tình nguyện'' tham gia dọn dẹp đường phố, thì tại trường đại học đang biến thành một pháo đài này, vấn đề hình ảnh cũng những người tranh đấu đang trở nên câu chuyện quan trọng. Hôm qua, một phát ngôn viên của đại học này khẳng định với báo South China Morning Post là nhà trường đã tiếp xúc với các cơ quan an ninh, sau khi nhiều phòng thí nghiệm bị xâm nhập, và một số hóa chất nguy hiểm đã bị chiếm đoạt.
Theo cảnh sát, đại học đã trở thành một xí nghiệp chế tạo vũ khí thực sự, nhưng họ chưa quyết định can thiệp. Còn đối với những người phản kháng, đây là một khu vực cần được bảo vệ. Di, một sinh viên học bậc học thạc sĩ, bình luận : ''Tôi không nghĩ là cảnh sát sẽ can thiệp, và đây là một chiến thuật để tạo ra một hình ảnh xấu về chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi cho rằng chúng tôi đang có mặt ở đây là để bảo vệ trường Đại học, cũng chính là ngôi nhà của chúng tôi''.
Di giới thiệu căng tin, do các thanh niên tự lập ra, với nơi dự trữ thực phẩm, phòng ăn. Cuộc thăm viếng được thực hiện dưới sự kiểm soát của các sinh viên. Họ rất ngờ vực micro và đặc biệt là máy thu hình.
Vấn đề quan trọng vẫn là hình ảnh. Một trong các sinh viên tâm sự với chúng tôi : ''căng tin ở đây tốt hơn hẳn từ khi có sự tham gia của những người tình nguyện''.
Những người phản kháng được sơ cứu tại Đại học Bách Khoa, sau khi đụng độ với cảnh sát ở khu vực sát trường, Hồng Kông, ngày 17/11/2019.REUTERS/Athit Perawongmetha
Hồng Kông : Cộng đồng LGBT tổ chức Gay Pride 2019
Không khí căng thẳng nhưng cuộc tuần hành của Cộng đồng đồng tính, chuyển giới vẫn diễn ra. Giấy phép chỉ được cấp vào phút chót. Đông đảo người tham gia đã tập trung ở quảng trường trước tòa thị chính hôm qua, 16/11/2019, giương cao những lá cờ bẩy sắc cầu vồng, biểu tượng của cộng đồng. Cuộc tuần hành diễn ra trong tiếng nhạc « thay cho những vụ ném hơi cay và đạn cao su », theo phát biểu của một nhà đồng tổ chức, thuộc phong trào Pink Dot Hong Kong với thông tín viên RFI Stéphane Lagarde.
Cảnh sát Hồng Kông phong tỏa ký túc xá Đại Học Bách Khoa
Hồng Kông : Cảnh sát chận bắt sinh viên ở khu ký túc xá Đại học Bách Khoa. Ảnh 18/11/2019.REUTERS/Thomas Peter
Vào sáng ngày 18/11/2019 cảnh sát Hồng Kông cho biết đã ba lần bắn đạn thật về phía người biểu tình Hồng Kông. Ký túc xá Đại Học Bách Khoa bị phong tỏa với hàng trăm người ở bên trong. Những người này chuẩn bị "đương đầu với lực lượng an ninh".
Vài chục người tìm cách thoát khỏi vòng vây của cảnh sát đã bị trúng hơi cay.
Cho đến trưa nay, tình hình tại chỗ rất căng thẳng như tường thuật trực tiếp của đặc phái viên RFI, Stéphane Lagarde gần trường Bách Khoa Hồng Kông :
"Vâng đúng là tình hình tại chỗ hết sức căng thẳng. Nhiều sinh viên tìm cách chạy ra khỏi khuôn viên khu đại học vốn đang bị bao vây và trở thành một cái bẫy. Tất cả mọi người ở đây đều sợ bị bắt.
Tối qua, cảnh sát Hồng Kông đã yêu cầu các phóng viên không có giấy phép tác nghiệp, kể cả nhân viên cứu hộ rời khỏi ký túc xá. Nếu vi phạm sẽ bị khép vào tội "nổi loại" và với tội danh này đương sự có thể bị lãnh án đến 10 năm tù.
Sáng nay có một số đã chạy ra bên ngoài khu đại học, một số người bị bắt, như giải thích sau đây qua điện thoại của một người đang có mặt ở bên trong ký túc xá. Anh này cho biết nhiều chục người ra khỏi khu đại học là bị cảnh sát bắt. Nhân chứng này nghe thấy nhiều tiếng súng. Hiện tại xung đột tiếp tục diễn ra chung quanh trường đại học.
Trong đêm nhiều dân cư trong khu vực và các vùng lân cận được kêu gọi qua mạng xã hội Telegram giúp đỡ sinh viên đang cố thủ bên trong và tìm cách ngăn cản cảnh sát ra tay".
Theo các nguồn tin từ bệnh viện Hồng Kông, trong đêm 17 rạng sáng 18/11/2019 đã có 38 người bị thương. Phóng viên hãng Reuters đã trông thấy nhiều người biểu tình bị bỏng do bị cảnh sát dùng vòi rồng xịt một loại hóa chất lỏng.
Cũng sáng nay, Tòa Án Tối Cao Hồng Kông bác bỏ lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ do chính quyền đặc khu hành chính này ban hành. Văn bản này có mục đích dẹp tan các cuộc tuần hành của phe dân chủ.
Theo tin mới nhất, bộ Giáo Dục Hồng Kông thông báo đóng cửa các trường học trên toàn lãnh thổ vào ngày thứ Ba 19/11/2019. Còn chủ tịch trường Bách Khoa Hồng Kông cho biết đã đàm phán với cảnh sát để cho phép sinh viên bình yên ra khỏi trường đại học, nhưng ông không thể xác nhận về thời điểm giải đoạn "ngừng chiến" đó.
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc : Cấp thiết chấm dứt bạo lực ở Hồng Kông
Biểu tình, xung đột với cảnh sát ở khu Đại học Bách khoa Hồng Kông. Ảnh ngày 18/11/2019.REUTERS/Thomas Peter
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ( Wu Qian ), ngày 18/11/2018, tuyên bố chấm dứt bạo lực và tái lập trật tự là « nhiệm vụ cấp thiết nhất » tại Hồng Kông. Bắc Kinh đã có phản ứng như trên sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa gặp đồng nhiệm Mỹ Mark Esper tại Bangkok, vào lúc những người biểu tình tại Hồng Kông tiếp tục đối đầu với cảnh sát tại một khuôn viên đại học, sau những ngày cuối tuần bạo động lại bùng phát.
Kể từ đầu cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, Bắc Kinh vẫn thường xuyên cảnh báo là họ sẽ không nhân nhượng trước bất kỳ yêu sách nào của người biểu tình và sẽ không để cho bạo động kéo dài tại đặc khu hành chính này.
Tuyên bố với các phóng viên tại Bangkok bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), đang diễn ra tại Bangkok, ông Ngô Khiêm cũng đã biện minh cho việc điều động các binh lính Trung Quốc ra đường phố Hồng Kông vào thứ Bảy tuần trước.
Hôm đó, hàng chục binh lính Trung Quốc đã ra khỏi doanh trại của họ ở Hồng Kông để giúp dọn dẹp rác và các hàng rào chướng ngại vật do những người biểu tình dựng trên đường phố ở khu vực gần doanh trại này. Theo phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc, hành động nói trên của các quân nhân Trung Quốc đã được người dân Hồng Kông « hoan nghênh ».
Kể từ khi Hồng Kông được trao trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997, quân đội Trung Quốc vẫn duy trì một đơn vị tại đặc khu hành chính này, nhưng các binh lính hiếm khi nào ra khỏi doanh trại. Lần cuối cùng họ xuất hiện trên đường phố Hồng Kông là khi tham gia dọn dẹp sau một cơn bão vào năm 2018.
Chiếu theo Luật Cơ bản của Hồng Kông, chính quyền đặc khu này, « khi cần », có thể yêu cầu sự hỗ trợ của đơn vị Trung Quốc trong việc duy trì trật tự công cộng và cứu hộ thiên tai. Nhưng hôm thứ Bảy vừa qua, chính quyền Hồng Kông khẳng định không hề yêu cầu binh lính Trung Quốc tham gia dọn sạch đường phố.
Trung Quốc: Lộ tài liệu mật về chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ
Công an vũ trang Trung Quốc tại Tân Cương. Ảnh chụp năm 2014.Reuters
Bắc Kinh có cả một chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Hơn 400 trang tài liệu mật của chính phủ Trung Quốc vừa bị tiết lộ đã khẳng định điều này. Trong đó, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh hành động « không thương tiếc » chống ly khai và cực đoan.
Báo New York Times đăng toàn bộ 403 trang tài liệu bằng tiếng Hoa trên website ngày 16/11/2019, trong đó có nhiều bản báo cáo theo dõi, kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ, cũng như nhiều bài diễn văn chưa từng được công bố của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đặc biệt, trong một bài diễn văn năm 2014, sau khi xảy ra vụ một nhóm người Duy Ngô Nhĩ giết chết 31 người tại một nhà ga ở tây nam Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi « đấu tranh chống khủng bố, chống xâm nhập và ly khai » bằng cách sử dụng « những biện pháp độc tài » và « không thương tiếc ».
Ngoài ra, còn có một tập hướng dẫn sinh viên Duy Ngô Nhĩ, bị « mất tích » hoặc bị đưa vào trại tập trung, trả lời những câu hỏi của gia đình khi về nhà. Phía nhà chức trách nhận được chỉ thị giải thích cho gia đình các sinh viên bị đưa đi cải tạo là người thân của họ bị nhiễm « virus » tư tưởng cực đoan và cần được điều trị trước khi « căn bệnh trở nên trầm trọng ».
Tại Tân Cương, số lượng trại tập trung gia tăng nhanh chóng sau khi ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) được bổ nhiệm làm bí thư Đảng ủy khu tự trị vào năm 2016. Theo New York Times, ông Trần Toàn Quốc đã phổ biến những bài diễn văn của ông Tập để giải thích cho chiến dịch trấn áp và thúc giục các quan chức « đưa hết vào trại những người cần phải tập trung ».
Trong nội bộ có nhiều người bất bình
Vẫn theo nhật báo Mỹ, được AFP trích lại, những tài liệu trên do một chính trị gia Trung Quốc ẩn danh tiết lộ, nhân vật này hy vọng rằng việc công bố tài liệu trên sẽ ngăn cản các nhà lãnh đạo, trong đó có ông Tập Cận Bình, « trốn tránh trách nhiệm trong việc giam giữ tập thể ». Việc tài liệu tối mật bị tiết lộ và với số lượng lớn như vậy cho thấy nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc bị chia rẽ và có một số người bất bình về chiến dịch trấn áp.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền thẩm định có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị ép đi cải huấn trong vài trăm trại tập trung ở miền viễn tây Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh, khi bị cộng đồng quốc tế lên án, khẳng định đó chỉ là những khu hướng nghiệp, đào tạo nghề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét