Falko Goetz (bìa trái) và người bạn Schlegel
trốn sang Tây Đức vào năm 1983
Thành phố Berlin và nước Đức đang kỷ niệm 30 năm sự sụp đổ của Bức tường Berlin và nhiều câu chuyện được kể lại về các cuộc vượt tuyến khi vì khát vọng tự do người ta hy sinh tất cả. Câu chuyện của hai cầu thủ túc cầu Đông Đức này thật lý thú xin được chia sẻ cùng quý vị khán giả: Dirk Schlegel và Falko Gotz đã là bạn lâu đời khi họ quyết định hy sinh tất cả. Họ lớn lên cùng với nhau, hai cậu bé say mê đá banh từ cùng một bên của thành phố Berlin chia rẽ. Họ sống gần bức tường vốn đã định nghĩa thành phố của họ kể từ khi được dựng lên năm 1961. Thế giới trẻ thơ của họ bị phân chia thành tốt và xấu, tây và đông, tư bản đế quốc và thiên đường cộng sản. Họ đều học từ nhỏ không nói đến những chương trình truyền hình phía tây mà họ lén xem ở nhà.<!>
Hai cậu leo dần lên từ cùng một đội thiếu niên của Đội tuyển Dynamo Berlin. Họ là một phần của một tổ chức thể thao được bảo bọc chặt chẽ bởi Stasi –đám công an mật vụ kinh hồn và có mặt khắp nơi của Đông Đức. Erich Mielke, viên chỉ huy tàn bạo của mật vụ là chủ tịch danh dự của Dynamo.
Hai cầu thủ trẻ này còn chia sẻ một điều: trong con mắt của chế độ, cả hai không đáng tin cậy. Schlegel giải thích:
“Chúng tôi đều có vấn đề với nhà nước và với Dynamo vì lý lịch của chúng tôi giống nhau. Anh ta có gia đình ở Tây Đức và tôi có một bà cô ở Anh. Đó là điều không tốt cho tương lai của chúng tôi. Đã có nghi ngờ. Nhưng nó làm cho tình bạn chúng tôi thêm thắm thiết.”
Gotz bắt đầu đá cho đội tuyển Dynamo năm 1979 mới 17 tuổi trong khi Dirk phải hai năm sau, năm 20 tuổi. Hai người bạn đã vào được đội tuyển mạnh nhất nước, mặc dầu những năm khó khăn ở học viện thiếu niên. Họ nói họ thường bị cố tình lờ đi, và bố mẹ họ được nói là họ không đáng tưởng thưởng –vì lý lịch xấu.
Nhưng tài ba của họ thì không bỏ qua được. Và càng ngày hai cầu thủ càng bắt đầu xuất hiện trong đội tuyển quốc gia của Đông Đức. Là những cầu thủ, họ là trong một số những công dân rất ít được phép đi thi đấu ở ngoại quốc –dĩ nhiên luôn bị canh phòng cẩn mật.
Mật vụ Stasi theo dõi mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày ở Đông Đức, thu thập tin tức qua một hệ thống chỉ điểm- và những kẻ chỉ điểm báo về những kẻ chỉ điểm. Một số dự đoán nói cứ một người trong 63 công dân Đông Đức làm chỉ điểm cho họ. Cơ cấu này rất tinh vi, táo bạo và toàn quyền. Mục đích là để duy trì an ninh trật tự, bảo vệ chế độ. Đá banh cũng có một vai trò.
Ông trùm Stasi Mielke tin là Dynamo nên trở thành đội tuyển thành công nhất Đông Đức. Họ đã đạt chức vô địch liên tiếp 10 lần từ năm 1979 đến năm 1988. Đã có những cáo buộc là nhà cầm quyền thiên vị họ và –như Schlegel nhớ - các fan của các đội đối thủ đã tức tối trước chiến thắng của họ.
Có lần đi đấu cho Đông Đức cho đội tuyển dưới 21 tuổi U-21 ở Thụy Điển, Gotz bắt đầu tính đến một giải pháp khác. Ngày nay ông giải thích:
“Khi tôi bắt đầu chơi thường xuyên cho đội tinh nhuệ của Dynamo, và thi đấu quốc tế nữa, tôi bắt đầu hiểu hơn về một sự nghiệp trong túc cầu có thể có ý nghĩa như thế nào. Tôi phải tự hỏi câu hỏi: Tôi muốn tương lai ra sao? Liệu tôi có muốn chơi suốt đời ở Đông Đức với một câu lạc bộ không đối xử tốt với tôi? Rằng bất cứ một ngày nào họ cũng có thể nói ‘cảm ơn anh nhưng vì lý lịch, không được đá banh nữa ư?” Schlegel cũng có những ý nghĩ tương tự, và đã còn hăng say vì kinh nghiệm tháng 5 năm 1982 chơi một giải thiếu niên ở Pháp.
Đến mùa hè năm 1983, hai người bạn đã quyết định. Họ phải bỏ trốn khỏi Đông Đức. Và họ có một kế họach. Nhưng họ phải rất cẩn thận.
Không thể nói chuyện với nhau ở bất cứ nơi nào một cách bình thường. Schlegel và Gotz đi bộ nhiều lắm –chỉ có hai người. Họ đi vào rừng nhiều tiếng đồng hồ. Đó là chỗ duy nhất an toàn có thể nói chuyện mà không có tai vách mạch rừng theo dõi.
Schlegel kể lại là họ bàn luận với nhau. Tự hỏi liệu họ có thể làm được công việc này hay không? Nó không phải là dễ. Schlegel nói:
“Chúng tôi phải nghĩ đến Stasi và những người trong câu lạc bộ. Nó là một bí mật mà chỉ có tôi và Falko biết –không ai khác.”
Là vô địch Đông Đức, Dynamo có thể mỗi năm được tham gia Cúp Âu châu. Hồi đó, cuộc thi đấu chỉ có hai lần, một ở nhà và một ở đội bạn. Thua là thôi. Cao nhất mà Dynamo đạt là bán kết năm 1980 khi sau cùng họ thua đội Nottigham Forest của Anh.
Ý kiến đầu tiên của họ là tìm cách thoát thân ở bất cứ nơi nào cuộc đua đưa đẩy họ đến cho mùa năm 1983-1984. Cuộc bắt thăm thuận lợi. Vòng đầu là đấu với đội tuyển Luxembourg. Trận đấu hòa đều dễ dàng và bảo đảm một cơ hội tìm tự do nữa nếu không thành. Và họ có một người bạn mà họ nghĩ có thể giúp đỡ. Vòng đầu ở nhà ở Đông Berlin. Gotz mở màn làm bàn cho một chiến thắng 4-1. Vòng đi là vào ngày 28 tháng 9 năm 1983.
Người bạn của họ mới được giấy phép định cư chính thức ở Tây Đức –có một tiến trình nhưng rất khó khăn, mặc dầu vẫn có thể được, để di dân chính thức- và người bạn định cư gần Luxembourg.
Họ tính đến chuyện nhờ người bạn đến gặp và chở họ đi bằng xe hơi nhưng lỡ hẹn. Người bạn không giúp được –anh ta chưa có đủ giấy tờ tùy thân và thành ra không đi vượt biên giới vào Luxembourg được từ nhà mới của anh ta ở Tây Đức.
Nhưng Gotz và Schlegel nghĩ là có một cơ hội.
Đêm khuya thanh vắng, Gotz cho cha mình biết ý định. Điều anh nói là có thể anh sẽ đi không trở về - một thời gian sắp tới. Lúc đó anh 21 tuổi. Schlegel, lúc đó 22 tuổi, không cho ai biết dầu là chỉ một lời - ngay cả với bố mẹ.
Trận thi đấu xảy ra ở ngay sát biên giới với Pháp. Bỉ chỉ có 10km về phía tây và Tây Đức chỉ có nửa tiếng đồng hồ lái xe về phía đông. Hai cầu thủ luôn chực xem có cơ hội nào để có thể lợi dụng được. Bất cứ một giây phút lặng lẽ hay rối loạn để họ có thể lẻn đi.
Schlegel nói:
“Quả là không thể được. Chúng tôi không có một cơ hội nào cả. Nơi nào chúng tôi đi – đến khách sạn, đi ăn trưa, đi huấn luyện, ra sân vận động - chúng tôi đều đi cùng với nhau, hộ tống bởi rất nhiều những ‘người bạn’ từ mật vụ Stasi. Chúng tôi còn được chở đến đó bằng phi cơ riêng của tên trùm mật vụ. Nó không phải là một cuộc du lịch bình thường. Nó quá nguy hiểm để thử cái gì.”
Dynamo thắng 2-0 và đội tuyển trở về Berlin. Vài ngày sau khi bàn luận về triển vọng không gặp con nữa, cha Gotz chào đón con về nhà.
Nhưng họ sắp có một cơ hội. Dynamo rút thăm gặp đội tuyển Partizan của Belgrade –vô địch quốc gia của Liên bang Nam Tư. Đây thật là một tin mừng.
Ở Luxembourg an ninh rất chặt chẽ, nhưng Nam Tư khác. Nam Tư là một quốc gia cộng sản anh em, tuy không phải là trong khối của những quốc gia đồng minh với Liên sô, như Đông Đức. Vậy chắc phải được coi ít nguy hiểm hơn.
Lại một lần nữa Dynamo mở màn bằng trận ở nhà. Một lần nữa Gotz làm bàn đầu tiên - ngay phút đầu. Họ thắng 2-0. Và trận lượt về xảy ra ở Belgrade.
Vào giữa trưa của ngày thi đấu, ngày 2 tháng 11 năm 1983, đội đi bằng xe bus đến trung tâm thủ đô Belgrade của Nam Tư. Khi xe đậu, một nhân viên điều hành bảo với các cầu thủ:
“Các anh có một giờ tự do. Chúng ta gặp nhau ở đây lúc 13:00.”
Hai anh ngồi ở hai đầu của xe bus. Schlegel kể lại:
“Chúng tôi không cần nói; chúng tôi chỉ nhìn nhau. Chúng tôi hiểu đây là giây phút. Và chúng tôi biết nguy hiểm đến mức nào.”
Khi đội tuyển sắp hàng xuống xe họ vẫn không nói với nhau một lời. Gotz nói chỉ nhớ đến những lần thất bại, khi không thể có cơ hội. Và kể tiếp:
“Nhưng nay trong tích tắc chúng tôi biết rõ phải làm gì. Chúng tôi có mọi sự trong túi. Giấy tờ, ít tiền. Và đây là cơ hội.”
Với đồng hồ điểm, toàn thể đội muốn đi shopping, hai anh đi theo. Tiệm đầu tiên họ ngừng lại là tiệm bán đĩa nhạc. Khi họ đi vào, Gotz thấy có một cái cửa sau, khác với cửa họ vào. Hai anh lờ đi như không để ý. Gotz nói trong khi đồng đội lo mua đĩa hát cũ về cho gia đình.
“Có một lúc khi chúng tôi thấy cánh cửa. Chúng tôi thấy cách ra khỏi tiệm mà không ai để ý. Khi thuận lợi chúng tôi bảo nhau ‘Đi đi’.”
Khi ra khỏi được tiệm họ chỉ biết chạy. Gotz kể tiếp:
“Chúng tôi chạy khoảng 5 phút. Rồi chúng tôi thấy cái taxi. Chúng tôi leo lên nhưng hoảng sợ quá vì người tài xế không chịu chở đến Tòa Đại sứ Tây Đức. Chúng tôi kêu cái taxi thứ nhì và cho ông tài 10 đồng mark. Ông ta chỉ đưa chúng tôi đi có 1 km- nếu biết đường chúng tôi có thể đi bộ tới.”
Nửa giờ sau họ đã ngồi trong tòa đại sứ bàn thảo về nên làm gì.
Như trong giấc mơ, họ bàn chuyện trốn. Nhân viên tòa đại sứ nghĩ là họ nên ra khỏi tòa đại sứ và Belgrade càng sớm càng tốt vì đó sẽ là chỗ đầu tiên mật vụ tìm tới. Nhân viên tòa đại sứ lái xe đưa họ đi Zagreb. Trong bụng họ vẫn còn rất lo lắng bởi bây giờ coi như chặt cầu rồi. Tòa tổng lãnh sự làm cho họ hai thông hành giả dân Tây Đức và nói bình thường thì có thể lái xe qua Áo dễ dàng nhưng đang có vấn đề nên bảo họ đi xe lửa nói là họ đi chơi và mất passport nên mới phải có thông hành mới và đang trên đường về nhà ở Munich. Lời cố vấn là chờ chuyến tàu đêm. Lúc đó họ đã bỏ chạy sáu tiếng đồng hồ. Nhân viên tòa tổng lãnh sự tuy vậy rất bình tĩnh. Họ bảo làm chuyện này nhiều lần lắm rồi, và nhờ vậy hai anh cũng đỡ lo. Họ được cho ăn trong khi chờ đêm đến.
Ở Berlin, cha của Gotz mở truyền hình ra để xem trận đấu và không thấy con mình cũng như Schelegel. Ông biết là họ đã trốn nhưng không biết là có thành công hay không.
Trên chuyến tàu họ còn một lần đứng tim nữa. Khoảng 30 km cách biên giới, đoàn tàu ngừng lại và họ nghe tiếng giày đinh và chó cảnh sát đi hỏi giấy. Hai anh lo lắng đưa giấy nhưng viên cảnh sát nhìn giấy tờ và nói “Ok” rồi bỏ đi. Rồi con tàu vượt biên giới qua Áo và sau cùng họ đến Munich. Gotz bảo không thể tưởng tượng được nhưng họ đã thoát. Nhưng phải khi thấy những tờ báo mang hàng tít lớn “Cầu thủ Đông Đức tìm tự do”, mới thực sự tin là đã thoát.
Nhưng họ thật sự vẫn phải cẩn thận vì Stasi có tai mắt ở ngay cả Tây Đức. Khi họ gọi về nhà, mẹ Gotz bảo với con là có khách. Anh hiểu ngay là Stasi đã có mặt. Vì sự an toàn cho gia đình, khi được phỏng vấn hai anh chỉ nói về đá banh, né tránh chính trị. Nhờ ông Jorg Berger, huấn luyện viên đội tuyển thiếu niên Đông Đức đã vượt tuyến năm 1979 giúp cho tìm một câu lạc bộ mới. Họ cũng vẫn còn lo ngại vì năm 1983, 8 tháng sau khi hai anh vượt tuyến, một cầu thủ nổi tiếng khác của Dynamo đã vượt tuyến năm 1979 chết vì tai nạn xe hơi. Ông Berger nghĩ là có bàn tay lông lá của Stasi.
Và tuy họ vào được một đội tuyển Tây Đức họ vẫn không cảm thấy an toàn. Gia đình họ bị theo dõi, mà theo dõi công khai để dọa nạt. Sau khi Đông Đức sụp đổ, Gotz trở về đọc hồ sơ Stasi và thấy những điều mà anh bảo cho đến bây giờ cũng không dám nói.
Khi chiến tranh Lạnh bắt đầu bớt lạnh, họ có thể liên lạc được với gia đình thường hơn. Mỗi cuối tuần thấy họ xuất hiện trong thể thao hàng tuần –mà rất nhiều người ở Đông Đức vẫn xem lén- cha mẹ của hai anh rất tự hào. Gotz trở thành nổi tiếng và giúp đội Leverkusen đạt Cúp Âu châu rồi về với đội Cologne. Schlegel sau mấy mùa với các đội khác trở về Berlin chơi cho đội Tây Berlin. Anh sống ở thành phố nhưng bên phía tây và không được phép về thăm nhà trong suốt thập niên 1980.
Sau cùng ngày 9 tháng 11 năm 1989 đến. Schlegel đang ở trong khách sạn với đội tuyển khi nghe tin. Anh vừa huấn luyện về khi một người bạn la lớn “Dirk ơi, bức tường sụp đổ rồi.” Anh nghĩ đó là người bạn nói đùa. Và 5 phút sau anh vẫn còn chưa tin mặc dầu chứng kiến trên truyền hình cảnh nhiều ngàn người Đông Berlin tươi cười bước qua trạm kiểm soát, vượt qua hàng rào kẽm gai, qua những ngọn đèn pha, qua đám lính biên phòng sửng sốt. Nhưng lúc đó anh không ở Berlin. Cuối tuần đó anh về Berlin và gia đình anh sang thăm và họ ăn uống suốt mấy ngày hàn huyên.
Mãi đến tháng 12, Gotz mới về thăm nhà. Mẹ anh đã có thể trao cho cậu con trai mấy món đồ lưu niệm mà bà cố giữ cho con.
Ba mươi năm sau hai ông vẫn là bạn. Mỗi tuần ít nhất họ cũng gọi điện thoại cho nhau một lần. Schegel nói:
“Tôi được hỏi nhiều lần nếu phải làm lại thì có dám làm không và tôi trả lời “Chắc chắn là sẽ làm lại. Tôi đi vì cuộc đời của mình. Nó là cho tương lai, quyết định đời mình, chọn con đường của riêng mình, không ai ép buộc.”
[RIGHT]Nov 2019
Lê Phan (theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét